|
|
Sinh hoạt văn học-nghệ thuật |
RA MẮT SÁCH CỦA 5 TÁC GIẢ: Thu Thuyền, Lâm Chương, Phan Xuân Sinh, Ðức Phổ và Trần Trung Ðạo
|
Đăng lúc 03:00:00 AM, Feb 09, 2004
Mặc dù cơn bão Charley đã làm trì hoãn các chuyến bay về miền Đông Bắc khiến anh chị nhà thơ Triều Hoa Đại đã phải trải qua 20 giờ vừa bay, vừa chờ đợi, trên một chặng đường bình thường cần chưa đến 3 giờ từ Orlando đến Boston, hay như nhà văn Thu Thuyền phải cần đến 8 giờ, thay vì 4 giờ, để đi từ Dallas đến Boston, nhưng cuối cùng từ bốn phương trời, tất cả đã gặp nhau trong vui mừng cảm động. Đa số nhà văn nhà thơ hứa đến, đã đến. Những mệt nhọc, lo âu bực dọc biến mất nhường chỗ cho tiếng cười dòn, tiếng đàn, tiếng hát, tiếng thơ trong đêm hội ngộ.
Buổi họp mặt "tiền ra mắt" được tổ chức tại tư gia nhà thơ Phan Xuân Sinh, với sự tham dự của 46 anh chị em văn nghệ đang sinh hoạt tại Boston và từ nhiều tiểu bang khác đến.
Từ Dallas có anh chị nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp, chủ nhiệm tạp chí Phố Văn, nhà thơ Trần Lộc, chủ nhiệm tuần báo Việt Nam News, và chị Ngọc Diệp, nhà văn Thu Thuyền; từ Atlanta có nhà báo Hà Văn Sơn, chủ nhiệm tuần báo Chính Nghĩa, nhà thơ Đức Phổ, anh chị Đỗ Xuân Quang; từ Florida có anh chị nhà thơ Triều Hoa Đại; từ New York có anh Nguyễn Văn Tánh và Sông Côn; từ Montreal có anh chị nhà văn Song Thao, nhà thơ Khải Minh, anh chị nhà thơ Hoàng Xuân Sơn; hùng hậu nhất là phái đoàn từ thủ đô Hoa Thịnh Đốn: họa sĩ Vũ Hối, nhạc sĩ Nguyễn Đăng Tuấn, nhạc sĩ Đinh Quang Trung, nhà văn Hoàng Lan Chi, nhà văn Trần Nghi Hoàng, nhà văn Hoàng Thị Bích Ti, anh chị nhà thơ Phan Thị Ngôn Ngữ. Ngoài ra còn có nhiều thành viên hoạt động tích cực trong cộng đồng, trên các diễn đàn Internet và các bạn từ New Jersey, New York, Montreal v.v. cũng về tham dự.
Chiều Chủ Nhật 15 tháng 8 năm 2004, trong không khí sinh động và chan hòa tình văn nghệ, đồng hương Boston đã nhiệt tình ủng hộ buổi ra mắt 5 tác phẩm của 5 tác giả.
Trong số quan khách và thân hữu tham dự, chúng tôi nhận thấy sự có mặt của ông Đặng Văn Kim, chủ tịch Cộng Đồng Việt Nam Massachusetts, ông Nguyễn Văn Tánh, chủ tịch Cộng Đồng Việt Nam New York, nhiều đại diên các đoàn thể, nhiều nhân sĩ và các nhà hoạt động văn hóa cộng đồng như ông Tôn Thất Ân, ông bà Giáo Sư Trần Như Tráng, ông Trần Như Hùng, ông bà Bác sĩ Thái Ngọc Ẩn vân vân, và nhiều bạn sinh viên học sinh.
Về phía văn nghệ, các anh chị văn nghệ sĩ đang định cư tại Boston có mặt trong buổi họp mặt hay tham dự trong ngày ra mắt sách hôm sau, gần như đông đủ. Ngoài Ban Tổ Chức và các tác giả có tác phẩm được mang ra giới thiệu Lâm Chương, Đức Phổ, Phan Xuân Sinh, Trần Trung Đạo và Thu Thuyền, chúng tôi ghi nhận sự hiện diện của giọng ngâm thơ độc đáo Lê Vinh, nhà thơ Khoan Hậu, nhà thơ Lý Đồng Dao, nhà thơ Quang Nguyên, nhà văn Lương Thư Trung, cây vĩ cầm độc đáo Lê Gioang, nghệ sĩ Lữ Giang, nhà thơ Đổ Vĩnh Khanh, anh chị nhà văn và nhà biên khảo Tuệ Chương, nhà thơ Phạm Nhã Dự, nhà văn Châu Hà, bác sĩ và nhà thơ Vũ Linh Huy…
Trong phần mở đầu, nhà thơ Hoa Văn, người anh cả của nhóm văn nghệ Boston, đã tóm tắt sinh hoạt văn nghệ trong suốt mười năm qua, bắt đầu từ đêm thơ nhạc đánh dấu 20 năm sinh hoạt văn hóa tại hải ngoại. Nhà thơ Hoa Văn cũng đã ngỏ lời cám ơn các anh chị văn nghệ sĩ, nhất là quý vị từ vùng miền Nam Hoa Kỳ, bất chấp cơn bão lớn, đã đến tham gia sinh hoạt hết sức nhiệt tình. Nhà văn Trần Doãn Nho, sau phần giới thiệu quan khách và văn nghệ sĩ đến từ xa, đã nhận xét một cách sơ lược từng tác phẩm và tác giả góp phần trong buổi ra mắt sách.
Theo nhà văn Trần Doãn Nho, ba trong số năm tác giả là "cây nhà lá vườn": Lâm Chương, Phan Xuân Sinh, Trần Trung Đạo. Hai là khách phương Nam, một đến từ Texas, Thu Thuyền và một đến từ Georgia, Đức Phổ. Đây là lần đầu tiên, Boston tổ chức một sinh hoạt giới thiệu tác phẩm có tính tập thể như vậy. Năm tác giả và năm tác phẩm mới nhất: một thơ và bốn văn. Một điều khá thú vị cần ghi nhận là, ba tác giả trong bốn tác phẩm văn xuôi lại là những nhà thơ nổi tiếng. Dưới đây là các ý chính trong bài giới thiệu tổng quát của nhà văn Trần Doãn Nho:
Tác phẩm thơ duy nhất trong lần sinh hoạt này là "Mùa Tình, Xin Kịp Gặt" của Đức Phổ. Tuy chưa quen thuộc mấy với người dân Boston, Đức Phổ là một trong những nhà thơ nổi tiếng của văn học hải ngoại. Thơ của anh có mặt trên nhiều báo chí xuất bản ở hải ngoại, từ những tạp chí chuyên về văn học như Văn, Văn Học, Hợp Lưu, Tạp Chí Thơ, Văn Tuyển, Chủ Đề cho đến các đặc san của các hội ái hữu hay những tờ báo địa phương khác. Tuy xa xôi, nhưng hễ có dịp là anh đến Boston khi Boston có sinh hoạt văn hóa. Anh hiện cư trú ở tiểu bang Georgia. Mùa Tình Xin Kịp Gặt là tập thơ thứ hai của anh sau Một Chỗ Về do Sông Thu xuất bản vào năm 2000.
Thu Thuyền là khách văn thứ hai. Cũng như Đức Phổ, tên tuổi cô chưa quen thuộc với Boston, nhưng từ lâu, đã là một trong những nhà văn nữ thành danh ở hải ngoại. Tên thật là Hoàng Lưu Thu Thuyền, cô nhà văn "Bắc kỳ nho nhỏ" này là con gái của nhà đạo diễn điện ảnh nổi tiếng thời VNCH: Hoàng Anh Tuấn. Tuổi đời cô không còn trẻ lắm, nhưng so với thế hệ của Lâm Chương, Trần Doãn Nho hay Phan Xuân Sinh, cô thuộc lứa những "khuôn mặt trẻ" trên văn đàn hải ngoại. Là dân trường Tây (học sinh Lycée Yersin, Couvent des Oiseaux), cô sang Hoa Kỳ khá sớm, 1981. Sau khi ổn định cuộc sống, cô bắt đầu viết từ năm 1998, cộng tác với tạp chí Văn, Văn Học, Hợp Lưu, Chủ Đề, Phố Văn, Văn Học Nghệ Thuật Liên Mạng, Ca Dao, Viet Nam Weekly News, Viet Mercury. Những Nhánh Sông Mất Biển là tác phẩm thứ hai của Thu Thuyền sau tác phẩm đầu in chung với 14 tác giả khác như Nguyễn Thị Thảo An, Hoàng Chính, Kinh Dương Vương, Nguyễn Trung Hối, vân vân. Phan Xuân Sinh là một trong những khuôn mặt văn nghệ quá thân quen với cộng đồng Việt Nam ở Boston và cũng với nhiều cộng đồng ở nhiều tiểu bang khác trong Hoa Kỳ. Anh nổi tiếng trên văn đàn hải ngoại như một nhà thơ. Sau hai tập thơ "Chén Rượu Mời Người" (xuất bản chung với nhà thơ Dư Mỹ) và "Đứng dưới trời đổ nát", lần này anh cho ra đời một tập văn xuôi: "Bơi Trên Dòng Nước Ngược". Trong lời mở đầu, anh thành thật cho biết: "Đây là một tạp văn gom góp lại những mẫu chuyện nho nhỏ của tôi được đăng rải rác trên các báo và tạp chí tại hải ngoại. Vì sợ thất lạc và để dễ dàng gìn giữ nên tôi quyết định in ra để bạn bè, những người thân thuộc, những anh chị em quen biết, như một món quà giữ làm kỷ niệm, chứ không có hoài bão lớn lao nào khác".
Trần Trung Đạo vẫn thường được gọi là nhà thơ. Nhưng tác phẩm mới nhất của anh bây giờ lại là một tập văn xuôi: "Giấc Mơ Việt Nam". Vậy là nhà thơ chuyển thành nhà văn? Không hẳn thế! Nếu theo dõi các hoạt động văn hóa và cộng đồng bao nhiêu năm qua của anh, ta nhận thấy ngay anh vẫn viết văn khi làm thơ và anh vẫn làm thơ khi viết văn. Hay nói một cách khác, anh dùng văn thơ như một phương tiện bày tỏ cái Tâm. Những bài viết trong GMVN đã được viết từ lâu, in rải rác trên nhiều báo và tạp chí hải ngoại, có thể là đồng thời với những bài thơ của anh. Nhưng có lẽ anh thích nhận mình là một nhà thơ hơn vì trong một cuộc phỏng vấn của đài Á Châu Tự Do, anh không nhận mình là nhà văn. Vì sao? Có thể là vì hai chữ "nhà thơ nghe hiền lành hơn hai tiếng " nhà văn.
"Truyện và Những Đoản Văn" là tác phẩm thứ tư của Lâm Chương xuất bản ở Hải Ngoại, sau "Đoạn Đường Hốt Tất Liệt", "Lò Cừ", "Đi Giữa Bầy Thú Dữ" (truyện vừa). Cũng như Trần Trung Đạo và Phan Xuân Sinh, anh "xuất thân" là nhà thơ, vốn nổi tiếng từ trước 1975 tại Sài Gòn. Năm 1998, anh viết văn và chỉ trong một thời gian ngắn sau, nhà văn Lâm Chương dường như che khuất hẳn nhà thơ Lâm Chương, khiến cho có người mới biết không ngờ rằng Lâm Chương đã từng làm thơ và làm thơ rất hay. Anh nổi tiếng ngay với tác phẩm văn xuôi đầu tay: Đoạn đường Hốt Tất Liệt. Nói cho đúng ra, anh nổi tiếng ngay khi mới viết những truyện đầu tiên. Vững vàng, điêu luyện, thâm trầm. Sau đó, anh viết đều đặn với những truyện ngắn càng ngày càng sống, càng cay, càng nồng, càng thâm (và càng ngạo đời!).
Sau phần giới thiệu của nhà văn Trần Doãn Nho, các nhà thơ, nhà văn Hoàng Xuân Sơn, Lương Thư Trung, Triều Hoa Đại, Trần Lộc, Nguyễn Xuân Thiệp đã thay phiên nhau lần lượt giới thiệu đến độc giả các nét điển hình và nổi bật trong 5 tác giả và tác phẩm được giới thiệu. Mỗi tác giả được các anh chị trong ban tổ chức tặng một món quà - chiếc đồng hồ có in hình bìa tác phẩm - làm kỷ niệm. Như nhà thơ Hạ Uyên nói vui, phần lớn văn nghệ sĩ sống ngoài khái niệm về thời gian nên tặng chiếc đồng hồ là cách nhắc nhở các anh chị trở về với thực tế. Tuy nhiên nhà thơ Đức Phổ cũng nhanh chóng đáp lời rằng chiếc đồng hồ báo thức không phải thức để đi làm việc mà là để làm thơ.
Phần văn nghệ do nghệ sĩ kỳ cựu Hoàng Long điều hợp với tiếng hát Trúc Lê, giọng ngâm thơ Đổ Xuân Quang, và đặc biệt hai nhạc sĩ trẻ Đinh Quang Trung, Nguyễn Đăng Tuấn đã hát các sáng tác do chính các anh viết được phổ từ thơ Trần Trung Đạo, Phạm Ngọc v.v.. Chúng tôi cũng ghi nhận toàn bộ số tiền thu được của buổi ra mắt sách được sung vào quỹ sinh hoạt văn nghệ của anh em văn nghệ sĩ Boston.
Boston một lần nữa đã có một buổi sinh hoạt văn hóa đáng nhớ. Thủ đô văn hóa của nước Mỹ, do sự tình cờ, ngẫu nhiên, hay nhờ nhân duyên đưa đẩy, trong 10 năm qua đã trở thành nơi hẹn hò lý tưởng của những người yêu văn chương Việt Nam. Bảy giờ tối, bạn bè lại bịn rịn chia tay. Như anh Trầm Tử Thiêng một lần đã viết "Chân bước đi mà lòng muốn quay về ...", nhưng dù lưu luyến bao nhiêu, cũng đành hẹn nhau mùa sách mới vậy.
Cũng xin nhắc lại, Ban Tổ Chức buổi sinh hoạt văn hóa lần này gồm có nhà thơ Hoa Văn, trưởng ban và các thành vi ên là những khuôn mặt hoạt động văn hóa văn nghệ tại Boston và phụ cận như nghệ sĩ Hoàng Long, nhà thơ Hạ Uyên, nhà thơ Châu Hà, nhà thơ Phạm Nhã Dự, nhà báo Nguyễn Mạnh Cường, nhà văn Trần Doãn Nho, nhạc sĩ Lê Gioang, nhà thơ Lý Đồng Dao.
16/8/2004
Lâm Viết Ngộ(ghi chép)
|
|
Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003 |