|
|
Truyện/Ký |
TRĂM NĂM Ở ÐỜI
|
CAO MỴ NHÂN - đăng lúc 12:34:14 PM, Jul 17, 2004
Tôi đả hơn một lần mơ ước, nguyện xin với Trời cao, Ðất rộng rằng: Quý vị tối Thượng, tối Ðại hãy nhủ lòng thương thế nhân, hãy ban cho thế nhân sống đủ cái tiêu chuẩn bình thường của một kiếp người , mà lúc ban đầu quí vị đã dự định là một trăm năm.
Tất nhiên có những gia giảm đặc biệt, chỉ vì thiên chức, tài năng, đức độ có thể sống trên trăm tuổi, hoặc gian tà ác độc thì tùy theo mức độ mà cất đi phần tuổi thọ ít nhiều.
Bởi quý vị, Thượng Ðế tối cao, tối đại đã khai sinh và nuôi dưỡng thế nhân, không hẳn là do thế nhân thụ hưởng vinh hoa, phú quý ở đời mà muốn thế nhân biết được những quền phép của Ngài rất tinh vi, huyền bí song cũng bình thường, những thứ vinh hoa phú quý ấy chẳng là gì cả khi con người tìm ra được ý nghĩa hay lẽ sống mà họ - thế nhân muốn tồn tại.
Chính là một thách thức nhưng ý nghĩ thách thức với Trời Ðất thì thật vô lễ, vô tâm, vô tình và vô nghĩa. Như tôi đả thưa trên Thượng Ðế tối cao, tối đại chỉ cần nheo mắt, ta hắt hơi ngay và có thể bước vào cõi muôn đời.
Bạn tôi, Thiếu tá Nguyễn Văn Ban, chỉ huy trưởng Tổng Hành Dinh Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn I / Quân Khu I, bảo rằng:
- Nếu cô cứ viết những dòng văn kiểu CHỐN BỤI HỒNG này thì chỉ những người ở hạng tuổi chúng tôi mới hiểu và thông cảm, còn thế hệ sau, e họ không hiểu gì. Bởi vì những từ ngữ như nheo mắt, hắt hơi, cười nhạt nêu trên thay cho bao lời lý giải sự việc mình đang đề cập tới.
Tôi gật đầu, OK quá trời nhưng vẫn tiếp tục viết các bài CHỐN BỤI HỒNG và gửi đăng tứ tung nơi các báo ở các thành phố có đông người Việt Nam lưu vong.
Vì tôi buồn quá, suy ra quý vị niên trưởng, cao niên, trung niên bốn phương thân kính cũng... buồn như tôi. Suy diễn thôi, rất có thể quý vị đang vui vẻ quá đỗi.
Nay ông Thiếu tá Nguyễn Văn Ban đã ra người thiên cổ mấy năm rồi. Tất nhiên tôi cũng chia buồn như thường lệ, rồi bà quả phụ Ban Nguyễn cũng gửi thiệp cảm ơn thân hữu như thường lệ. Tôi vẫn chưa đốt tấm thiệp đó để thỉnh thoảng còn đọc những lời in nơi tấm thiếp, từ một nhà in Hoa Kỳ đã dùng những ngôn từ thật hoa mỹ. Nước Mỹ và người Mỹ rất tiện nghi, người cư ngu ở USA phải khâm phục nhiều lắm.
Tôi không đốt tấm thiệp nhỏ ghi lời cảm ơn của phu nhân Thiếu Tá Ban, vì cả 2 vị, tức ông bà Ban đều là những tín đồ rất phẩm hạnh của đạo TIN LÀNH , có thể nói 90% thì giờ của nhị vị này dành cho Ðấng Tối Cao, CHÚA Kính Yêu của loài người tội lỗi, muôn vật và nhất là của nhị vị vừa đề cập, họ sống không thể nào thiếu Chúa.
Họ ngoan đạo quá, lúc nào cũng tìm về nhà Chúa, nhà thờ để mà suy tụng lời Chúa. Lẽ ra Chúa nên để những tín đồ ấy hiện diện thêm một thời gian để vinh danh Ngài chứ!
Không! theo một thuyết giảng khác, Chúa muốn giữ lại những nhân vật đầy phức tạp, mâu thuẫn để sửa trị cho ngay hàng thẳng lối, còn những thiện nhân như Thiếu Tá Ban - bạn tôi, Ngài cho phép trở về cõi sống đời đời, ở đó không có oán thù tranh chấp, than van, đau thương, tuyệt vọng mà chỉ có hương hoa ngào ngạt, tâm hồn thảnh thơi cùng những lời thánh ca bất tận.
Ðến đây, tôi lại nói thêm về một người bạn thân nữa, cũng vừa “bai bai” cõi thế. Người bạn tôi là một tổng hợp những tinh hoa của Nho, Y, Lý, Số Ông ta cũng là một nhà “Gia Phả Học”.
Hình như Thượng Ðế rất thích những người biết tổ biết tông, vì sự khai sáng và tuyệt cùng của loài người cũng do Thượng Ðế.
Nhà “Gia Phả Học” bạn tôi – Minh Văn Ðỗ Văn Chiểu mà tình cờ tôi quen biết từ nơi những khóa học về Dưỡng Sinh, Châm Cứu, Thuốc Nam ở Sài Gòn sau thời gian tôi rời trại tù cải tạo và Nông trường trở về.
Ông ta rất nhiệt tình trong việc đi tìm tông tích các danh nhân khoa bảng Việt Nam tại Văn Miếu Hà Nội. Sau 1975, nhân dịp từ Nam ra Bắc thăm cố hương SƠN TÂY của ông.
Minh Văn ÐỖ VĂN CHIỂU, trước 30/4/1975 là một nhân viên sở Mỹ, chuyên trách phần việc phiên dịch và thông dịch trong một cơ quan báo chí, truyền thông Hoa Kỳ.
Song nếu quý vị quan sát ngoại hình nhân vật này, có thể dinh ninh ông là một cán bộ trung cấp miền Bắc thứ thiệt vì ông mặc y phục Bắc Kỳ trước năm 1975. Có lần nói chuyện với ông ở lớp Thuốc Nam của y sĩ danh tiếng Nam Bộ NGUYỄN TRUNG HÒA , tôi cứ tưởng Minh Văn là người “HÀ LỘI”, mặc dầu ông văn hay, chữ tốt, lịch thiệp, chan hòa kiến thức.
Cho tới lúc sắp sửa “qui mã”, ông mới rút thẻ sở Mỹ ra khoe, cho tôi ngắm nghía 3 chữ U.S.A ngoạn mục, dưới huy hiệu có lá cờ sao rực rỡ, cấp tại PHILADELPHIA, khiến tôi ngưỡng mộ Ðại cường quốc HOA KỲ và mong có ngày được đặt chân lên đất đai văn minh tột đỉnh đó.
Rồi ông Minh Văn đi Mỹ trước do cái diện nhân viên sở Mỹ của ông, diện này rất hiếm người được ra đi vì giấy tờ phức tạp lắm, chưa kể bên VN còn liệt họ vào những vai trò khó hiểu, song HOA KỲ đã qui định ai đi, ai chưa hoặc không đủ yếu tố đi cứ chờ phép lạ.
Trên danh nghĩa nhà “Gia Phả Học”, ông Minh Văn có ý giúp tôi tìm lại chút gì liên hệ với đại thi hào thế kỷ trước là cụ Cố tổ CAO BÁ QUÁT ở làng PHÚ THỊ, GIA LÂM, mà ông thân tôi là công chức thời Pháp thuộc, có lúc làm điện nước ở Gia Lâm trước tản cư, rồi hồi cư ba tôi lại làm Kỹ Thuật ở phi trường Gia Lâm.
Ông Minh Văn nghĩ rằng đã từ 2 chữ GIA LÂM, lại họ CAO, không nhiều thì ít tôi phải là cháu 7 đời của cụ cố CAO BÁ QUÁT để được thơm lây câu: “Văn như SIÊU, QUÁT vô Tiền HÁN” mà vua TỰ ÐỨC đã ban tặng cụ cố CAO CHU THẦN của... tôi.
Tôi mỉm cười:
- Ông đừng suy diễn kiểu nhà “Gia phả học” DÃ LAN, đã phán cho nữ sĩ Tuệ Mai TRẦN THỊ GIA MINH là hậu duệ của danh tướng tài hoa TRẦN QUANG KHẢI, nếu sư thật như thế, tiền nhân đã không đặt tên đời sau trùng tên tổ đại vì cụ thân sinh nữ sĩ TUỆ MAI là thi ông nổi tiếng Bắc Hà, tức cụ Á Nam TRẦN TUẤN KHẢI. Ông Minh Văn cười xòa, đức độ:
- Vậy cô Mỵ không muốn thì thôi, tôi khỏi “sưu tầm” các chi phái. - Ôi vấn đề không phải là muốn hay không mà là không phải, chứ phải, thì cần chi đi tìm, rồi lập gia phả nữa.
Nói thế thôi, thực sự ông MinhVăn đã tìm kiếm được nhiều hệ tộc quan yếu trong lịch sử xa xưa và cận đại, chứng dẫn được nhiều chi tiết và đạt được những thành tích trong công trình xây dựng gia phả cho nhiều đại tộc qua nhiều đời tới ngày nay.
Nhà “gia phả học” như người tìm mật thư dấu kỹ ở nơi thâm sơn cùng cốc, một lúc nào đã nhìn thấy những dấu hiệu tràn trề hy vọng nhưng người dó lại ngã ngay trên nắp ẩn tích. Người đã chết, công trình dang dở, phải chờ một nhà “gia phả học” khác kế thừa.
Bởi vậy, thế nhân mới có việc để làm, nếu ai cũng được Thượng Ðế tối cao cho sống đủ 100 tuổi thì mọi công việc đều rõ như ban ngày, đâu ra đó, cần chi phải phân tích rồi tổng hợp, vất vả như xưa nay.
Tuy nhiên chuyện kể ở CHỐN BỤI HỒNG bất tận ngôn, và nhiều vô kể vì thế nhân trùng trùng điệp điệp mà Ðấng Tối Cao chỉ duy nhất mình Ngài nên có khi sơ xuất, dù sơ xuất rất nhỏ li ti như hạt bụi bay vô mắt không cho ta hình tượng gì mà mắt vẫn xốn, vẫn nhặm. Vì vậy, đôi khi các vị thế nhân tài hoa, phẩm hạnh, v.v... đã phải rời cõi Ta Bà đi về nơi vĩnh cửu, vô cùng...mà Thượng Ðế chưa hay biết.
Hawthorne, 15-07-2004 CAO MỴ NHÂN
|
|
Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003 |