|
|
Truyện/Ký |
CHUỖI 50 NĂM SAU
|
CAO MỴ NHÂN - đăng lúc 10:40:33 PM, May 25, 2004
Phải khi nào người ta vượt xong một chuỗi 50 tức là đã qua nửa đời người, lòng dạ mới lắng lại, để có dip ôn lại những chuyện đã qua hoặc ăn năn hoặc tiếc nuối...
Chuỗi 50 còn lại thường là vô nghĩa bởi nó đã bị tước đoạt hết những thiện chí, những suy tư, hăm hở, dám làm, hay nói văn hoa hơn là sự dấn thân rất tự phát của tuổi dưới 50 trở về trước. Bởi thế, khi còn trẻ trung, người ta luôn nghĩ trời sinh ra đôi tay không dài hơn được ý nghĩ trong đầu, làm mãi mà vẫn không xong dự định, mơ ước, hoài bão vẫn không đạt được.
Song le, ít ra ở tuổi 50 trước, chịu ngẫm nghĩ tại sao sự tích cực dấn thân lại là ưu đặc điểm của tuổi trẻ.. Nếu dấn thân cho chính cuộc đời mình, có vô tình dẫm lên chân người khác, chạm vào quyền lợi của người khác không?
Tôi đã xong cái chuỗi 50 thứ nhất, đang cố níu những tháng ngày, mà chưa tận dụng hết khi qua chuỗi 50 thứ hai. Thời gian này tâm hồn ai cũng dãn hẳn ra, có lúc phải tự cắt bỏ những dòng tư tưởng không còn phù hợp với tuổi tác mình, tức là đã có sự lựa chọn... nên hay không nên bươn chải, chẳng những không lợi cho mình mà còn có hại cho người khác.
Từ đó, người ta thích gần cây cỏ, lá, hoa vì sự tịnh ngôn của thực vật, ngại tiếng động, chẳng còn nhiệt tình, sôi nổi. Tuy vậy lại gần sách truyện. Song chữ nghĩa linh động, nhìn tưởng im lìm như lá, hoa, cây cỏ nào ngờ chữ nghĩa cứ thì thào trong đầu óc.
Một ngày tôi đến thư viện thành phố Palos Verdes, thành phố của những gềnh núi và bãi biển, thanh vắng đến quạnh hiu, ngay tiếng xe chạy nghe cũng thật êm đềm. Tôi ở lại đó suốt một ngày, để không phải nghe cái liên khúc cấp cứu từ 3 giới xe: cảnh sát, cứu hỏa, cứu thương cứ thay phiên í ới liên hồi như ở những đường phố dưới xa kia.
Bà quản thủ thư viện gốc Nhật Bản, nhìn tôi cười dịu dàng: - Bà cần sách loại gì? Bà người châu Á chứ? - Ðúng, tôi người Việt Nam, gần quê hương của bà. Bà quản thú nháy mắt, te te dẫn tôi đến một tủ sách, rồi lấy cuốn LẦU XÉP của nhà văn Võ Ðình trao cho tôi, đoạn bà nói: - đọc đi, tôi thích nhất là cái bìa. - Tại sao bà thích cái bìa này? - Vì tôi không đọc được bên trong. Nhưng, cái bìa nó gần với tinh thần Nhật bản quá. Hãy nhìn đi
Tôi ngắm cái bìa cuốn LẦU XÉP. Thoạt nhìn thì không biết tại sao. Bức vẽ 1 cái thang tre màu vàng đúng với màu thực của thang tre VN, kê trên hai hòn gạch ống màu đỏ cũng rất đúng với màu của gạch mới kê theo cách khoảng thật cân xứng . Thang dựng theo chiều nằm của 2 thanh cây dài, vốn dùng để vịn tay , nơi chân một bức tường sạch sẽ sậm màu do ánh sáng của 1 ngọn đèn bão nhỏ màu vàng treo ở giữa thanh vịn phía trên, đã dựa sát bức tường, nên mới thấy được. Ngọn lửa trong đèn bão tỏa ánh sáng màu vàng thật chan hòa khiến bức tranh mang vẻ ấm cúng, nói lên cuộc sống bình yên nội tâm, hơn là kiểu cách xa hoa vật chất. Tôi nhớ lại lúc ban đầu khi nhìn tranh thực chẳng có gì. Ai lại vẽ thang tre dựng nằm ở chân tường. Và dựng thang thì cứ dựng sao phải kê nó lên 2 cục gạch ống vốn là loại gạch nhẹ hều. Song le, cái thang tre cũng nhẹ hều như gạch ống. Rồi đèn bão treo toòng teng trên tay vịn của thang, để làm gì nhỉ? Chắc để mọi người trong nhà ra vào ngang chỗ ấy, ngó thấy mà tránh, đừng đâm sầm vào thang, chứ không sơ ý lại đá văng cục gạch đi.
Tất cả 3 thứ: thang tre, cục gạch và đèn bão đều là những thứ nghèo nàn quê mùa ở quê hương đâu đó một thời, người Việt Nam nào nhìn thấy 3 vật dụng nêu trên trong bức tranh đều chẳng ngạc nhiên, bởi nó rất gần gũi, rất Việt Nam. Có điều lạ, vì cái thang tre dựng sát vào tường đủ rồi cần chi phải kê ngay ngắn, đều đặn trên 2 viên gạch ống, như 2 bàn cân mà chiếc đèn bão treo ở giữa cây tay vịn phía trên, lúc thang dựng nằm đó, lại giống như 1 quả cân đang giữ thế thăng bằng. Tôi vẫn giữ ý nghĩ của mình ban đầu tại sao người ta lại vẽ những vật dụng thô sơ đơn giản ấy, vẽ như thế với mục đích gì? Khi đến phòng tranh xem và ngắm những bức tranh trưng bày có khi không hiểu bức tranh chứa đựng nội dung gì cho dù thích hay không nhất là những bức tranh lập thể. Nếu vậy xem bức tranh bìa LẦU XÉP của VÕ ÐÌNH giản đơn thế , đỡ nhức đầu có phải thoải mái hơn không? Chẳng những thoải mái mà còn cảm thấy gần gụi như chính bức tranh là của mình ,bởi hình ảnh chiếc thang, 2 viên gạch ống và cây đèn bão kia thân thuộc quá. Như ta thường thấy chúng ở trong nhà hay đâu đó thôi, dù nay đã xa cách cả nửa vòng trái đất đi nữa.
Bà Nhật Bản chờ tôi ngắm sách xong, hỏi: - Họa sĩ nào vẽ tranh bìa này , mà như vật sống vậy? Ý nói họa sĩ vẽ xuất thần quá, bức tranh có hồn quá đó mà. Tôi lười biếng xem chữ ký cuối tranh, bèn mở ngay trang trong để tìm tên họa sĩ - Ðỗ Quang Em. Bà Nhật Bản mỉm cười: - Họa sĩ tên gì: - Mr. Ðỗ Quang Em. Bà Nhật Bản nhắc lại tên họa sĩ, cứ mỗi chữ bà lại gật đầu một cái - Ðó, Quăn, Em - Ðó, Quăn, Êm Thôi thì: “Ðó, Quăn, Êm cũng được, hơi đâu mà...cãi. Tới lượt tôi hỏi thăm bà: Bà thích trang bìa sách này lắm phải không? - Thích lắm. - Vì sao - Nó kín đáo, nó có tinh thần võ sĩ đạo.
Rồi chỉ vào 3 vật dụng trong bức tranh: thang tre, gạch ống và đèn bão đang chiếu sáng chỗ dựa thang, nửa như ướt át, nửa lại khô khan. Vẻ kín đáo thì tôi đang cảm thấy, còn tinh thần võ sĩ đạo thì tôi không hiểu.
Bà Nhật Bản hơi nóng nẩy: - Chính sự kín đáo, là tư tưởng võ sĩ đạo. Tôi lắc đầu thành thực: - Tôi chẳng tưởng tượng nổi - Là vì cái thang không để dựng đứng bình thường cho người leo lên. - Thế là võ sĩ đạo? - Ðúng. Võ sĩ đạo không có sự sẵn sàng ngoài hình thức. Ðồng thời tinh thần võ sĩ đạo không háo thắng, leo lên bậc thang danh vọng. Tôi chợt nhớ đến danh xưng Hiệp khí đạo, chắc bà này lộn với Hiệp khí đạo quá, Tôi hỏi ngay:
- Bà có lầm không? chiếc thang dựng đứng mới là tinh thần thượng võ chứ? - Vấn đề không phải là thượng võ đâu mà thế này: Ở nước tôi đã có những võ sĩ trở thành đạo sĩ, họ đã chán đua chen, thách đấu, hay giỏi quá đã không còn ai là đối thủ, giống chiếc thang tre đặt nằm ngang này, nhưng vẫn trọng giữ gìn các thang cấp, ấy là nó được kê trên 2 cục gạch, tức tôn trọng cả lúc đã nghỉ ngơi. - Còn cái đèn bão kia thì thế nào? - Cái đèn treo ở giữa thành thang lại đang thắp sáng, theo tôi (bây giờ bà mới chịu khẳng định là ý kiến riêng của bà) nó là trọng tài, giữ thăng bằng cho 2 thể lượng cân xứng, đòi hỏi một ánh đèn soi rõ thế lực đôi bên, cũng là ngọn lửa thiêng liêng của lương tâm người quân tử. - Tưởng khó hiểu, nhưng sau khi giải thích lại hợp lý vô cùng. Bà Nhật Bản lắc đầu: - Không phải hợp lý đâu. Tôi chưng hửng, bà đưa ngón tay trỏ xinh xắn chỉ lên trời, rồi chỉ xuống đất: - Ðó là lẽ của trời đất. Tôi lại lắc đầu, bà nói tiếp: - Vấn đề nhìn tranh, mỗi người phải tưởng tượng. - Tôi chỉ thấy được về sự thân quen, ấm áp của sự vật. - Là tại cách quan sát đã sẵn trong nếp suy nghĩ lâu rồi. Bà Nhật Bản giục tôi: - Ðọc sách này đi đã, rồi biết phía sau bức tranh nói gì. Tôi mỉm cười đáp lẹ: - Có lẽ
Vậy có lẽ thế thật. Phải nói là bên trong bức tranh, vì bức tranh LẦU XÉP là một biểu tượng mà nhà văn Võ Ðình (tên thật VÕ ÐÌNH MAI) với 1 chuỗi 50 năm phần trước, và còn tiếp tục qua chuỗi 50 năm phần sau, tác giả toàn cư ngụ ở xứ người, hết Bắc Âu lại qua Ðông Mỹ.
Nếu ông có trở về thăm quê hương thủa trước hay sau 1975 không cần thiết, nhưng quá trình sáng tác của ông có tới mấy chục cuốn sách viết bằng ngoại ngữ (Anh, Pháp), số ít hơn viết bằng quốc ngữ nên phải có bức ảnh bìa này, để tha nhân thấy rằng tâm hồn ông luôn hướng về giải đất nghèo nàn, lạc hậu nơi chân trời tít tắp mù xa.
Có phải ông đã chán mùi danh lợi, chỉ còn muốn thả mình chơi vơi trong 1 căn phòng trống, bởi phòng trống mới thực có sự thoải mái, mới thực nhận biết bản thân, và cảm thấy con người ông đang quân bình, không bị những hệ lụy bủa vây phiền nhiễu.
Mới 5 giờ chiều, mặt trời như quả bóng đỏ rực lửa, lăn thật nhanh xuống cuối chân mây, rồi tự chìm trong mặt biển, tôi vội vã rời chỗ ngồi, đến chỗ bà giữ sách, nói cho có lệ: “hay lắm!” Mà hay thực, tôi đã đọc được gần hết cuốn LẦU XÉP, đọc thật nhanh những bài nhà văn viết ở 4 phương trời, còn đọc chậm rãi những bài ông viết về quê hương.
Ý nghĩ đầu tiên của tôi về nhà văn VÕ ÐÌNH là ông yêu quí đất nước, dân tộc quá, muốn kéo gần 2 “thực thể” của tổ quốc Việt Nam và ông nhưng khoảng cách vô tình lại cứ mỗi lúc mỗi đẩy đôi bên ra xa hơn khi nhìn con hẻm có những vũng nước đọng, cây bàng hay vân vân khác nữa.
Khi người ta càng xa cách quê hương, bản quán lâu năm, càng muốn trở về nơi đầu tiên người ta đã được sinh ra và lớn lên, song le, chỉ một yếu tố thời gian, đã không xoay lại được quá khứ, nói chi đến vạn thứ, vạn điều phức tạp khác. Do đó dùng họa phẩm ÐỖ QUANG EM làm bìa sách là điều tế nhị và ý nghĩa vô cùng.
Chuỗi 50 năm sau, đã muốn đặt chiếc thang nghỉ ngơi bên chân tường, sự bất tương tranh trong tư duy cũng chưa hẳn ông phủ nhận những gì đã qua bởi lẽ thang còn kê trên đôi gạch ống, lại còn ngọn đèn bão, để soi tỏ sự nghiệp văn chương đã viên thành nhưng dừng lại ở đấy. Vâng những gì đã có ở thế gian này vẫn còn kia, và những sự việc gì đang còn tiếp diễn, vẫn hiển hiện đây đó, chung quanh cuộc sống, cho dù ông muốn nghỉ ngơi.
CAO MỴ NHÂN
|
|
Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003 |