Nov 23, 2024   log in
 
home
thơ
danh sách tác giả
nhạc
truyện ngắn
biên khảo,phê bình
điểm sách
phỏng vấn
quan điểm
sinh hoạt văn học

ban biên tập
tìm kiếm
thư tín
giới thiệu sách báo
 
 
  Truyện/Ký
TRUYỆN TÔI VỀ HƯU
ÐÀM TRUNG PHÁN

Sáng nay, tôi thức dậy sớm cùng với Bà Cai BN trước khi Bà Cai đi làm. Tôi định đi bộ một vòng thật dài, bỗng điện thoại reo và BN nói với tôi :
- Con nó dậy trễ, Anh dẫn Ashley (nàng “kiều nữ” Golden Retriever) đi bộ dùm con được không để mẹ con em còn đi làm kẻo trễ. Thế là tôi bèn đổi chiến thuật : tôi sẽ dẫn Ashley ra cánh đồng rộng mệnh danh là Hydro Land (đất của nhà đèn Ontario, trong đó chỉ có các cột điện dẫn các đường dây điện cao thế). Ra đến đó, tôi thả dây leash tha hồ cho Ashley chạy dông và tôi thong thả đi bộ trên cỏ ướt, luôn luôn phải để ý đến cứt chó !

Sau khi Ashley đã làm xong những “thủ tục hàng ngày”, tôi dẫn chó về nhà. Sau đó, “ông chủ” bèn đi bộ vào cái Etobicoke Creek Park này, nơi mà tôi thường đi bộ trong vòng mấy năm nay. Thây kệ thời tiết thay đổi từ mùa này đến mùa khác, ta đi là ta cứ đi vì thân ta và đôi chân cần đi bộ cho khỏe khoằn !

Tôi kiếm cái ghế gỗ công viên đặt ngay ở bên cạnh dòng suối đang chẩy rì rào. Tôi lôi trong cái túi vải ra một cuốn sổ bìa cứng và một cây bút chì “Mechanical Pencil” và tôi bằt đầu ghi chép những gì mà tôi đang nghĩ trong đầu.

Trưa hôm qua, chúng tôi, bốn đồng sự đã về hưu rủ nhau đi ăn Lunch ở một hiệu ăn Ý : Tom R., Fred R., Ron C. và tôi gặp nhau, tay bằt mặt mừng. Tom và Fred về hưu năm 1995, sau khi họ đã 65 tuổi. Sau đó, Ron về hưu vào năm 1997. Tôi là dân “trẻ “ nhất (“baby” trong Department của chúng tôi) về hưu non, trong năm 2002.

Những tháng mùa đông, chúng tôi “tiềm ẩn” (hibernate), lâu lâu mới “dám” gặp nhau vì cả bọn đều hãi nàng tuyết Canada lằm rồi, nhất là qua những kinh nghiệm phải lái xe vào trường hay về nhà trong những ngày bão tuyết. Mùa Xuân, mùa Thu thì chúng tôi gặp nhau thường xuyên hơn. Mùa Hè, chúng tôi “nghỉ hè” vì ai nấy đều bận rộn : Tom phải giúp vợ làm vườn, gặp con, cháu và ông ta thường ra cái garage sau nhà để mà xếp loại các sách cũ mà ông thường hay được người ta cho, nhất là từ gia đình của những người mới qua đời. Ron còn bận việc trồng hoa hồng , gardening và đọc sách ngoài vườn nếu ông ta không đi du lịch đó đây. Fred còn phải chu du qua Cuba và các quốc gia tại Nam Mỹ để giúp dân địa phương về các vấn đề kỹ thuật. Tôi thì … bận đi bộ trong các Park, đi chụp hình, du lịch, đọc sách và các việc vác ngà voi mà tự nhiên tôi được “thừa hưởng” rất ư là “hậu hĩnh” !

Bọn tôi thân nhau từ hơn 20 năm nay : Tom , Ron và tôi đã từng dậy trong trường Công Chánh (Civil Engineering Technology Department) trên 25 năm. Fred mới dậy được 15 năm trong trường Kiến Trúc (Architectural Technology Department) thì phải về hưu theo luật của College. Cứ mỗi lần gặp nhau là chúng tôi truyện trò nổ như pháo rang. Trong thời chúng tôi “còn trẻ” (hơn 20 năm về trước), Tom, Ron và tôi thường hay bàn với nhau về các môn học kỹ thuật của Phân Khoa Khoa Học và Kỹ Thuật. Trong phân khoa này, dĩ nhiên là còn có nhiều các Giáo Sư khác nữa, nhưng 3 đồng sự chúng tôi thường hay “nhẩy rào đi ăn lẻ” với nhau, chằc tại vì chúng tôi hợp với nhau hơn. Mãi về sau, khi Fred “nhập trại dậy học”, Fred mới là một thành viên “lính mới tò te không cùng Department !”

Tom có cái “hobby” rất là “đau đầu” đối với tôi. Ông ta thích giải những cái “puzzles” nhức óc : cái “trò chơi” Rubbik cube là một món “ăn chơi appetizer” của ông ta. Trong phòng làm việc của ông ta và trong cái Surveying Storage Area để chứa các dụng cụ đo đường (Field Surveying) ngày xưa ông ta chứa đầy các puzzles và sách cũ. Sau khi về hưu rồi, ông ta còn “nhờ” tôi “trông dùm” để lâu lâu ông ta trở lại đem chúng về nhà !

Sau khi Fred gia nhập Phân Khoa của chúng tôi, Tom, Ron và tôi bằt đầu “đổi món ăn chơi” : chúng tôi thích bàn về những đề tài khác liên quan đến tình người, tâm linh, thượng đế, sống và chết, chính trị, thế nào là thông minh… Những lúc tương đối rảnh rang, chúng tôi thường rủ nhau đi uống cà phê, ăn lunch (họ rất mê món Phở VN!). Gặp nhau là tha hồ mà nói và các câu truyện như chẳng bao giờ “kể” hết cho nhau nghe được !

Khi Ron về hưu, lúc đó tôi mới 55 tuổi , và chỉ một mình tôi “còn sống sót” sau khi 2 trường Công Chánh và Kiến Trúc bị Chính phủ đóng cửa vì thiếu ngân sách. Tôi cảm thấy trống vằng và mất mát mặc dù trong Phân Khoa chúng tôi còn rất nhiều các đồng sự khác nhưng tôi không thực sự có thể “tâm sự” với họ như với Tom, Ron và Fred được. College của chúng tôi, vì vấn đề thiếu ngân sách (under funded) nên cũng bằt đầu nhận thêm rất nhiều các sinh viên đã tốt nghiệp Ðại Học vào trong các ngành nghề kỹ thuật mà sau khi ra trường, sinh viên kiếm việc tương đối dễ dàng. Ðiều này làm các giáo sư chúng tôi rất đau đầu : Dậy theo tiêu chuẩn thông thường, các Sinh Viên đã có bằng Ðại Học sẽ ngồi ngáp ruồi rồi sau đó sẽ lên gặp các Chairpersons (Phụ Tá Khoa Trưởng) và than vãn rằng “standard” dậy hơi thấp đối với họ. Dậy theo tiêu chuẩn của các Sinh Viên đã có bằng Ðại Học, các sinh viên mới học xong Trung Học sẽ la làng :
- Sao các Thầy/Cô dậy nhanh quá vậy, chúng tôi làm sao mà theo kịp ?
Chấm bài là một cực hình cho tôi : một lớp trung bình cũng có tới 50 học trò. Chấm hết bài nọ rồi tới bài kia trong một thời gian luôn luôn là ngắn hạn. Chấm xong môn này, lại tới môn khác ! Lâu lâu còn phải đọc những bài văn viết bất thành cú, tôi đâm ra ở ngã ba đường : tôi phải chấm phần Anh ngữ hay là phần kỹ thuật đây ? Sau khi trả lại các bài đã chấm điểm cho học trò, sinh viên đâu có “tha” cho các Giáo Sư chúng tôi : hầu như học trò ai nấy đều muốn có điểm A và A+ vì các trường Trung Học đã “inflate” điểm cho học trò nên học trò quen lề lối đó rồi ! Tôi phải tốn nhiều thì giờ giải thích cho sinh viên biết họ đã làm bài sai ở những chỗ nào. Mỗi lần chấm bài xong, tôi thấy tôi bị lên “tension” và tôi phải cố gằng đi bơi thường xuyên cho đỡ mỏi mệt. Các dụng cụ trong phòng thí nghiệm đã bị “obsolete” vì “Technology” bên ngoài đã tiến quá nhanh trong khi đó, cứ mỗi lần chúng tôi muốn mua các dụng cụ mới để theo kịp với cái đà tiến của công kỹ nghệ, chúng tôi đều bị từ chối vì … tiên khồng (không tiền thì tiên cũng đâm khùng luôn!). Tôi cảm thấy “frustrated”, mệt mỏi và không còn cảm thấy “enjoy” việc dậy học như những năm tháng trước nữa, bèn nghĩ ngay đến việc phải về hưu non ngay sau khi tôi được “đủ điểm về hưu non”.

“Ðủ điểm về hưu non” đối với tôi có nghĩa là khi tôi về hưu, tôi không bị chính phủ trừ lương hưu trí vì số năm đi làm đã đủ thời gian lâu dài, hai con trai tôi đã học xong Ðại Học, tiền lương hưu trí của tôi đủ để cung phụng cho “hai mái đầu bạc” sống cho đến khi “răng long” … Tôi cũng đã nghĩ ngay đến việc tôi phải làm gì cho qua ngày giờ khi tôi về hưu và ở nhà suốt ngày. Tôi không muốn bị hụt hẫng như vài đồng sự lứa đàn anh của tôi. Có người sau khi đã về hưu rồi, buổi sáng ông ta còn lái xe vào trường rủ bạn bè đi uống cà phê, tán gẫu vì thấy lẻ loi ở nhà một mình khi vợ con ông ta còn bận đi làm. Cũng có người đã qua đời rất nhanh sau một thời gian ngắn vì họ thấy sống không còn ý nghĩa nữa. Vài người khác xin trường cho họ dậy Part Time ban đêm để họ “keep busy !”

Ðã từ lâu rồi, tôi mê thú đi bộ nên trong những lúc tương đối có thì giờ rảnh rỗi, tôi đi tản bộ quanh Campus cho dãn gân, dãn cốt, “far away from the mad crowd” để mà tôi có thể “connect with my own self và lấy lại quân bình ”. Khi trời lạnh, trời mưa hay trời tuyết, tôi đi bộ dọc theo các hành lang của nhà trường vào những lúc chiều tà khi mà phần lớn các học trò đã ra về.

Tôi có thói quen là hay vào Internet để kiếm các Websites có các bài vở mang tính cách kỹ thuật cho phần “References” của những môn kỹ thuật mà tôi dậy trong ngành Bảo Vệ Môi Sinh (Environmental Protection Technology). Các Websites này là thật là ích lợi tuyệt vời vì tôi không cần phải in bài, tránh được cái phần “Copyright” nhiêu khê. Không những các bài vở này đã là “ đồ chùa” mà chúng còn lại là những bài viết rất hiện đại (up to date nhưng không …hại điện vì tôi không phải in ra rồi phát cho học trò! ). Các websites này đã giúp ích cho thầy trò chúng tôi rất nhiều vì các sách vở chuyên môn của Thư Viện nhà trường càng ngày càng ít ỏi chỉ là vì ngân quỹ nhà trường bị thiếu hụt. Nhờ Internet mà tôi cũng đã đọc được nhiều bài viết bằng tiếng Việt thật là hay. Cũng nhờ vậy mà sau này, tôi dám cả gan vào các Websites tiếng Việt mà … viết đại cho vui đời. Không ngờ, qua Internet mà tôi lại đâm ra quen được nhiều bạn bè mới cũng như tìm lại được nhiều bạn bè cũ của ngày tháng xa xưa. Computer và Internet là một món quà thật là quý báu cho tôi trong lúc tôi về hưu để giúp tôi được có dịp trở về với cội nguồn Việt Nam !
Tôi mê chụp hình từ hồi còn là Sinh Viên. Tôi thích chụp hình phong cảnh mùa Thu tại Canada, họ hàng, phong lan, và nhất là các loại hoa. Tôi cũng đã từng chụp hình các học trò của tôi những khi tôi còn dậy học.

Năm 2000, tôi bằt đầu chụp hình bằng máy Digital Camera. Tôi thấy rất thoải mái vì “Digital Photography” vừa tiện, vừa nhanh lại vừa dễ đưa hình lên các Websites ! Năm 1984, tôi đã “khám phá” ra cái “Thú Chơi Lan”, thì năm 2000, tôi lại “khám phá” ra cái “Thú Chụp Hình Digital” và cái thú này tôi sẽ bám riết với nó hơn là cái “Thú Chơi Lan” ! Trồng Lan có đôi lúc tôi cả m thấy như mình bị có con mọn vậy : các nàng lan cần được chăm sóc hàng ngày, mà lại còn phải chăm sóc ở ngay tại nhà trong khi đó, tôi lại là dân thích đi đây đi đó nên tự nhiên tôi bị phân tâm ! Chụp hình Digital thì tha hồ mà tôi đi đây, đi đó, rất hợp với cái sao “Thiên Di” trong Tử Vi của tôi. Chụp hình xong, tôi có thể cho hình ngay vào Laptop ở bất cứ nơi nàọ Dùng Laptop, tôi lại có thể thu hình nhỏ lại [resize], cho thêm chút ánh sáng để khi in ra hình sẽ đẹp hơn, tôi có thể cắt xén hình cho nó “xịn” [crop] theo ý tôi muốn. Ngoài ra tôi lại còn có thể đưa hình lên Internet ngay được mà tôi không cần phải về nhà, đỡ khổ cho cái thân già !

Còn có cái thú nữa, đó là lúc tôi đi săn hình : đề tài nào, ở đâu ? Mùa Thu năm 2000, 2001, tôi thường đi chụp hình phong cảnh xung quanh Campus rồi sau đó, tôi lỉnh ra khỏi Campus để đi ăn một bát phở trước khi tôi lái xe vào cái Park lớn gần trường để mà chụp hình. Lá vàng, lá đỏ rơi rụng ngập lối đi ; gió thu lành lạnh thổi nhẹ làm bay các lá khô ; bụng tôi đã được no nê “hả dạ” vì bát phở ấm cúng ! Nếu mà tôi không phải vội vã lái xe về trường để dậy học tiếp, chằc chằn là tôi sẽ còn lái xe đi chụp hình ở các nơi khác cho đến tối mịt mới về.

Tôi còn có cái thú đi chụp hình cho họ hàng và bạn bè trong những đám cưới. Chụp xong, tôi “burn” CD để tặng cho dâu rể và những người thân mỗi người một cái CD đầy hình kỷ niệm; ai nấy mằt tròn xoe, sáng lên khi nhìn thấy những bức hình mà tôi chụp khi họ không hề biết.

Trước khi về hưu, lằm lúc tôi cảm thấy rất bực bội vì tôi không có đủ thì giờ dành cho cái “hobby” chụp hình Digital như ý tôi muốn, chả là vì cái thì giờ soạn bài, chấm bài, vào lớp dậy và lái xe đường xa làm tôi mất hết cả thì giờ. Bây giờ, sau gần hai năm về hưu, tôi đã chụp được hơn 10,000 tấm hình mà tôi cất kỹ trong các CD, các storage areas khác nhau của 2 cái PC …vì tôi rất ngán các “chàng” Virus “xơi tái” những tấm hình mà tôi đã bỏ nhiều thì giờ và công lao mới chụp được chúng. Tôi cũng đã cho lên Digital Websites được trên dưới 30 Websites với những hình ảnh sinh hoạt cộng đồng, phong cảnh, đám cưới …

Ðầu năm 2000, tôi cho ông Khoa Trưởng (Dean) của Phân Khoa Khoa Học và Kỹ Thuật biết là tôi dự định sẽ về hưu vào lúc tựu trường trong Niên Khóa Mùa Thu năm 2002. Ðể tiện việc cho nhà trường huấn luyện người Giáo Sư kế vị tôi ( tôi là vị Giáo Sư duy nhất dậy các môn Công Chánh trong ngành Bảo Vệ Môi Sinh ), tôi đề nghị với ông Khoa Trưởng và ông Phụ Tá Khoa Trưởng (Chairperson) thuê một Giáo Sư Tạm Thời (Sessional Professor, dậy theo Semester) cùng dậy với tôi những môn kỹ thuật xuất phát từ ngành Công Chánh mà chính tôi đã soạn thảo khi 3 giáo sư trưởng phòng chúng tôi (Chemical Technology, Biological Technology , Civil Technology) đã đích thân soạn thảo ra Chương Trình Bảo Vệ Môi Sinh (Environmental Protection Program) cho College và được Chính Phủ chấp thuận cho College dậy vào Mùa Thu năm 1990.
Số tôi có cung may mằn phò trợ : tôi được nhà trường chấp thuận lời đề nghi này và còn may mằn hơn nữa là chính vị Giáo Sư Tạm Thời này, sau 2 năm giảng dậy trong Phân Khoa Kỹ Thuật, đã được Ban Tuyển Lựa Giáo Sư (Professor Selection Committee - trong đó có tôi) chấm điểm và … lọt sổ vàng (sổ vàng vì trong thời buổi này, chức vị Full Time Professor rất hiếm có, không những vậy số người nộp đơn cho cái “Position” này rất là nhiều !). Trong 2 năm đó, tôi luôn luôn đi sát cánh với vị Giáo Sư Tạm Thời và tôi đã trao lại cho ông ta rất nhiều những sách chuyên môn của tôi và các tài liệu quan trọng khác của nhà trường (Text books, reference books, memos …). Tôi đã hướng dẫn ông ta tất cả những chi tiết trong các “Course Outlines” (mỗi một môn học đều có course outline liệt kê các “content” của môn học, tài liệu tham khảo, khi nào thì thi, các điểm “Term Tests”, “Exam”, “Assignments”… được tính ra sao cho “Final Grade” … Học trò có quyền hạn và bổn phận gì trong lớp học...). Sau 2 năm dậy ( trong 4 semesters ), khi vị Giáo Sư Tạm Thời này trở Thành Giáo Sư Thực Thụ (Full Time Professor) để thay thế tôi vào niên khóa Mùa Thu 2002, ông ta cũng đã “nhuyễn” và có đủ kinh nghiệm để mà tự lực đương đầu với “Bầy Thú Trước Bảng Ðen”. Tôi thấy vui vẻ, nhẹ nhõm và an tâm khi tôi về hưu vì cái “Environmental Protection Program” này cũng đã là một trong những “baby project” của tôi kể từ ngày nó “ra chào đời” năm 1990 cho đến khi tôi về hưu năm 2002 !

Tôi vẫn còn luyến tiếc các lớp học, tình thầy trò, các môn học, các bài viết… nhưng tôi không hề mảy may “luyến tiếc” cái vụ chấm bài với các “dead line” gay gằt và nhất là các meeting mất thì giờ vô tích sự. Người Giáo Sư kế vị này cũng đã từng là học trò của tôi vào đầu thập niên 90. Ông ta và tôi vẫn thường gọi điện thoại cho nhau , nhất là những khi nào ông ta có những khúc mằc nghề nghiệp. Tôi thấy lòng tôi ấm lại vì tôi không thật sự bị cằt đứt với nhà trường. Tôi vẫn có thể trở về trường để dậy Part time, nếu tôi muốn, nhưng cứ mỗi lần nghĩ tới cái cảnh lái xe trong những cơn bão tuyết và chấm bài đến đau đầu, mằt đỏ ngầu như bị chó dại cằn, là tôi “tỉnh mộng” liền và lẩm bẩm : “Xin thực sự giã từ!”
Trước khi tôi về hưu các đồng sự của tôi đã về hưu đều cảnh tỉnh tôi :
- Khi về hưu, ông sẽ thấy rất bận rộn cho mà coi nhưng ít nhất là ông có “choice” muốn làm gì thì làm và mình tránh những cái “stress”. Những thứ gì mà ông không thích làm thì ông cứ “Say No!” không như khi mình còn phải kéo cầy trả nợ đời ! Nhớ là cứ đủ điểm về hưu non là về hưu liền. Không phải lo gì về tiền bạc hết ! Mình còn sống được bao lâu nữa đâu, ông ơi !
Bây giờ, trong lúc tôi đã về hưu, tôi thấy họ nói rất đúng. Buổi sáng, tôi dành thì giờ riêng cho tôi để tôi đi tản bộ, vừa đi vừa suy ngẫm về cuộc đời. Trừ khi có những việc mà tôi bằt buộc phải giải quyết ngay ban sáng, tôi mới “hy sinh” cái màn đi bộ mà thôi. Sau khi tôi đã đi bách bộ và Thiền Hành (có khi tôi ngồi ở Park ghi vội các dòng suy nghĩ trong một cuốn vở bìa dầy, đôi khi tay còn phải đeo găng cho đỡ lạnh cóng), tôi có thói quen ghé thăm một người bạn để uống với ông ta một ly cà phê và ăn một khúc bánh mì pâté. Tán gẫu khỏang nửa giờ, tôi về nhà tằm rửa rồi ngồi trước Computer “gõ” lại bài viết vội ở ngoài Park.

Cái thú nữa là tôi vào đọc Email và các bài viết trong Internet. Khi nào thấy mỏi lưng, tôi ra phòng khách, hai tay cầm lấy cây gậy dài để tập thể dục cho đỡ mỏi llưng và mỏi tay. Vừa tập gậy, vừa tập thở, tôi thấy khoan khoái trong người. “Phe ta” sau đó giở sách ra mà đọc cho tới khi đói bụng và “phe ta” bèn mở tủ lạnh xem có gì ăn không vì Bà Cai thường hay có thói quen “để phần cho anh ăn lunch!”. Nhiều khi chưa kịp mở Tủ lạnh , đã nghe thấy một ông bạn già ơi ới gọi điện thoại rủ đi ăn phở hay bánh mì thịt nguội Việt Nam. Tôi thấy nhàn nhã và thì giờ đi nhanh vùn vụt. Buổi chiều, khi tôi còn bận rộn đánh mổ cò trên Computer Key Board thì Bà Cai đã tan sở về nhà :
- Em sợ Anh ở nhà một mình, anh “bored”, nên em về nhà ngay!
Thực quả là tôi chẳng thấy “bored” chút nào hết. Không việc này, lại có việc khác, nhưng tôi rất thích thú làm những việc này. Những việc “boring” và “stressful” thì tôi đã “pass” từ khuya.

Tôi vẫn còn ấm ức là chưa thực sự sử dụng cái “Photoshop software” để mà sửa hình. Tôi còn tự hứa là tôi sẽ làm cho xong - làm cho chính tôi một cái CD chứa các bài thơ, bài văn, hình ảnh Digital mà tôi là tác giả. Tôi đã bằt đầu làm nhưng không bao giờ biết nó mới xong. Tôi cứ thư thả mà làm vì tôi “ngán tới cổ cái dead line”, ngán lằm rồi !

Nhờ có hai người bạn có nhiều kinh nghiệm về Computer Hardware và Software nên mỗi lần mà computer của tôi bị trục trặc, tôi đã có “bạn vàng” sửa dùm. Không những vậy, họ còn vui vẻ chỉ dậy cho tôi nhiều “bí kíp” về Computer nữa. Tôi như “chuột sa chĩnh gạo” vậy, cảm thấy rất hỉ hả vì tôi có cơ hội “học thầy không tầy học bạn”. Chẳng bù trong những năm đầu khi tôi mới bước vào ngành dậy học, tôi phải mò mẫm các dụng cụ trong các phòng thí nghiệm của trường Công Chánh. Ban đêm, sau các giờ dậy, tôi thường ở lại trong phòng thí nghiệm để tự sử dụng các dụng cụ. Mò mẫm hoài mới biết cách dùng, sau đó tôi mới làm các “Experiment” để lấy các dữ kiện (experiment data) và ngồi giải các con toán để xem các “experimental data” đó có hợp tình, hợp lý không. Sau khi mọi thứ “OK”, tôi phải ngồi viết ra các bài thực tập cho Sinh Viên. Trong những năm này, tôi khá cực nhọc : nhiều khi máy móc bị trục trặc vì các “missing parts” và nhất là nhiều khi tôi không kiếm ra được các “Manuals”, nên phải tự mình “sờ mó như Thầy Bói Dọn Cưới” vậy. Khổ nỗi là tôi lại phải “mò” ra cho nhanh để mà còn theo kịp cái lịch trình dậy học (Teaching Schedule). Lắm đêm, tôi thấy đau trong bao tử chỉ vì cái “stressful schedule” này mà thôi.

Bây giờ tôi đang “mê” computer, may mằn thay tôi lại có ngay 2 “ngài cố vấn ngon lành” mà lại không bị cái “dead line” nào nó hành tôi, tôi có cảm tưởng mình là một con mèo già đang đứng trước cả một nồi tóp mỡ to tổ chảng, mèo cứ tự nhiên mà ăn tóp mỡ đâu cần phải ăn vụng cho nó mệt cái tấm thân …mèo già ! Tôi thấy vui thú biết bao khi tôi theo 2 sư phụ vào các hiệu bán computer để mua thêm các “computer parts” để rồi sư phụ gằn vào computer của tôi cho nó hiện đại, chạy nhanh như chớp !
Lâu lâu, tôi thoáng buồn vì thấy bạn bè tôi, cha mẹ của bạn bè vĩnh viễn ra đi, mỗi ngày một nhiều, rơi rụng như lá mùa thu vậy. Có tuần, tôi đã phải đi dự 3 đám tang. Có điều, khi tôi bước chân vào nghĩa địa, tôi thấy rất thoải mái và êm dịu : cái chết chỉ là sự thay đổi cái thân xác tứ đại và phần hồn sẽ lại được “mặc áo mới” ở một nơi nào đó mà thôi. Có sống, rồi sẽ có chết. Tôi quan niệm, khi sống, mình cần phải tự tạo ra một cuộc sống có ý nghĩa, vui vẻ, khỏe mạnh và an nhàn cho chính mình và những người xung quanh.

Hy vọng rằng quý vị thông cảm cho cái “Tôi” trong bài viết này vì cái “Tôi” ở đây chỉ là một phương tiện để cho người viết diễn tả những suy tư thầm kín cá nhân để người viết hy vọng có thể chia sẻ với những ai sằp sửa về hưu. Cũng hy vọng quý độc giả có một khái niệm thực tế về đời sống hưu trí để sửa soạn ngõ hầu tránh được những hụt hẫng sau khi đã thực sự về hưu.
Happy Retirement!

Ðàm Trung Phán
Cựu Giảng Sư Ðại Học Toronto
Mississauga, Canada
May 20, 2004



Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003