Nov 21, 2024   log in
 
home
thơ
danh sách tác giả
nhạc
truyện ngắn
biên khảo,phê bình
điểm sách
phỏng vấn
quan điểm
sinh hoạt văn học

ban biên tập
tìm kiếm
thư tín
giới thiệu sách báo
 
 
  Truyện/Ký
TRÀN BỜ
CAO MỴ NHÂN
Mỗi lần làm thơ, và nhất là đi dự một tiệc thơ, tôi đều nhớ câu huấn đạo của ai kia, đã luôn luôn điểm xuyết trong câu chuyện thi ca, tất nhiên có ý... khuyên can những người vốn bơ thờ, xem nhẹ tình tiết “xã giao thơ” như tôi, hay là luôn cho thơ chỉ vớ vẩn, tưởng tượng thôi

Tự cổ chí kim, từ Ðông sang Tây, các văn nhân, thi sĩ thường lãng mạn khôn can, tôi nghĩ : làm chi cũng vậy, lãng mạn cũng phải ở trong khuôn khổ!
Tôi giả vờ cúi xuống, làm như vâng lời thiên hạ ấy, thật ra tôi dấu một nụ cười!

Khổ quá, đã gọi là Lãng Mạn là Tràn Bờ, ngay từ ý nghĩa cổ điển của từ lãng mạn, được dịch ra rất khít khao là Tràn Bờ mà phải đặt nó vào trong khuôn khổ thì đề cập tới lãng mạn làm chi?
Cũng nhưhai chữ Tự Do thường được nghe: Phải tự do trong khuôn khổ, chứ vượt ra chạm tự do của người khác thì không nên hay không được phép làm thế.
Song cái khuôn khổ đó, tự nó giới hạn. Nếu một kẻ tự do xâm phạm quyền lợi, tài sản và tính mạng người khác, sẽ bị trừng trị ngay tức khắc.

Trở lại vấn đề lãng mạn, quý vị văn nhân, nghệ sĩ, kể cả các bậc cao nhân mặc khách ngày xưa, chất lãng mạn hầu như một đặc tính cần và đủ để trang bị cho tâm hồn và sinh hoạt nội tâm của các vị ấy.
Tuy nhiên, có thể là lãng mạn nhiều hay ít, nói một cách khác, lãng mạn đến tràn bờ hay lãng mạn chưa tới mức còn ở dưới mạn (bờ) một khoảng cách, mà khoảng cách ấy lại cũng còn xa hay mấp mé cái bờ. Nếu nói lãng mạn trong khuôn khổ, có lẽ nói tới mức lãng mạn dưới bờ này.
Tại sao chỉ được hoặc nên lãng mạn ở dưới thấp bờ trữ tình kia? Hay tại sao phải lãng mạn trong khuôn khổ?

Như trên tôi đã trình bầy về tự do, lãng mạn cũng vậy thôi, nếu để lãng mạn tràn bờ, sự lãng mạn đó phạm vào tâm tư tình cảm của người khác. Xin đan cử một thí dụ cụ thể và gần gũi cuộc sống bình thường nhất.

Nữ độc giả Buồn Xuân Vãn, rất ái mộ thơ của thi sĩ Tăng Than Thở đến si dại, bèn kiếm đủ cách để được đi bên cạnh thi ông Tăng Than Thở.
Các chuyên gia tâm lý ở khắp nơi trên trái đất đều tìm ra chân lý: Hễ cứ làm hoài một điều gì, việc gì sẽ quen thuộc điều đó, việc đó.
Vì thế độc giả yêu thơ Buồn Xuân Vãn đẵ trở thành nàng thơ của thi sĩ Tăng Than Thở ít nhất một thời gian mà cả hai vô tình cảm thấy rất thú vị, như được san sẻ cùng nhau nỗi vui buồn, còn hơn phải tâm sự với các đấng phu quân, phu nhân không cùng nếp nghĩ.

Hậu quả của việc làm lãng mạn tràn bờ đó đã khiến người ta không chịu sống thực với hoàn cảnh có sẵn của mình, cứ mơ mộng chuyện trời trăng xa xôi.
Cả khách yêu thơ Buồn Xuân Vãn lẫn thi gia lỗi lạc Tăng Than Thở đều quên bẵng nhị vị phu quân và phu nhân lâu đời của mình, cha chả, tại sao đã có đối tượng rồi, còn cứ nhìn qua hàng xóm để chiêm ngưỡng đối tượng của người khác, nếu cởi bỏ hào quang huyễn mộng đi, thưa quý vị, tất cả đều như nhau thôi, Thượng Ðế đã sinh ra, và đồng thời Ngài cũng đã hóa trang chúng ta để sắm những vai trò. Ai làm Từ Hải, ai Hoạn Thư, ai Thúc Sinh, ai Thúy Kiều v.v...

Thế rồi, một lần nữa tôi trở lại vấn đề - Lãng Mạn là một đặc tính siêu phàm của văn nhân, thi sĩ mà hôm nay, tôi muốn ca tụng một bậc trưởng thượng, đàn anh tôi.
Thủa đó, trong Quân Lực VNCH chúng tôi, có một vị trung tá, ông làm thơ quá hay mà nói năng lại hay ngang ngửa với tài làm thơ của ông. Vi vậy, rất đông nữ độc giả mê thơ rồi quay ra mến người mới... khổ, lẽ ra là mới sướng chứ!

Nhưng tôi lại cứ nghe bậc đàn anh của tôi thốt:
- Khổ quá cô ạ, khổ quá, tôi chân chất thế này, mà bà chị cô (phu nhân ông) cứ la tôi không tháo vát, không làm ra tiền, cứ thơ, thơ.
- Ôi! thơ còn hơn tiền bạc nữa. Phu nhân ông liếc qua phía tôi:
- Cô CMN nói sao, thơ hơn tiền bạc ấy hả?
Tôi như quả bóng bay bổng xì hơi, xìu xuống đất.
- Dà... ạ
- Tôi đố cô, chỉ làm thơ mà sống được đâu
Bậc đàn anh tôi nói bâng quơ:
- Thì tôi chỉ làm thơ mà vẫn sống đấy.
Phu nhân ông tức quá, đặt ly nước trà xuống bàn:
- Ông thử...
- Bà lại nói tôi thử không ăn uống, hay là không ai nấu nướng, nuôi nấng, đi làm ra tiền để chi tiêu trong nhà. Xem có sống vì... thơ không đó hẳn?

Phu nhân ông vốn là một trang quốc sắc lại thuộc danh gia vọng tộc nên không bàn tiếp. Tôi thông cảm cả hai quan niệm của người làm thơ tiêu dao, và của người phải sống cạnh sự tiêu dao nhàn tản, tức là tôi hiểu được cả hai ý của ông bà trung tá đàn anh tôi.

Ông lại nói bâng quơ, song giọng có vẻ nhẹ nhàng và nhẫn nhục hơn:
- Tôi có khối học trò, chỉ cần đi một vòng là chúng nuôi tôi ngay.
Bà nhìn ông hơi bực, nhưng lại phì cười nói với tôi:
- Tính tình anh cô luôn vậy (ý nói ông dở hơi, gàn)
- Dà... ạ

Nét hào hoa, phóng túng trong thơ ông, đã nói lên bản chất văn chương hào sảng trữ tình và quân tử. Người quân tử thì ăn chẳng cầu no, không cầu no cần chi phải chạy vạy, bươn chải để sống chứ.

Do đó, từ văn chương, nét hào hoa, phóng túng đã lộ diện khá đầy đủ ngoài cuộc sống thực tế, bình thường, khiến bậc đàn anh tôi trở nên người mã thượng, anh hùng. Ông cho là bản tính tốt tại sao phải dấu diếm, hay che bớt cái lãng mạn của mình đi, ông cứ việc xử thế đứng đắn, hài hòa tâm tư tình cảm của mình

Song le việc xử sự hào hoa phong nhã của ông đã vô tình để khách yêu thơ mến người, ngộ nhận, cho là ông đối với họ quả có đặc biệt hơn thiên hạ khác, và họ tự làm họ mê mẩn, si cuồng.

Tới mức đó thì ... chịu thôi, khôn can sự kiện lãng mạn đã tràn bờ như bão lũ điên loạn, bất kể ... luân thường đạo lý, bậc đàn anh tôi đành thúc thủ kêu trời, vì đối tượng yêu thơ, yêu luôn cả người, không cần che dấu bằng phong hoa tuyết nguyệt nữa.

Nên kết quả là nhất định phải có khuôn, khổ, kích, thước cho mỗi con người, mỗi trái tim, hay đúng ra là mỗi cách sống, mỗi cuộc đời.

Bởi mỗi con người, trái tim, cách sống và cuộc đời đó đã lỡ có cội, cành, lá, hoa, ta không thể chiết cành lài bó qua giò huệ, cho dẫu có hương thơm, nhưng mỗi mùi thơm tỏa ra một khác – Cái vẻ riêng tư đó đã là lãng mạn rồi, cần chi hòa lẫn mùi vị cho khổ khứu giác mọi người.

Hawthorne, 06-04-004
CAO MỴ NHÂN



Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003