|
|
Điểm sách |
TRĂNG MỘNG CỦA SƯƠNG MAI
|
| #1 |
|
Bấm vào hình để phóng to |
Webmaster - đăng lúc 03:00:00 AM, Feb 09, 2004
Nguyễn Vy-Khanh
Trăng vốn là hình ảnh muôn đời của giai nhân: Hằng Nga từ khi rời bỏ thế gian đã không còn là riêng tư chú Cuội, đã trở thành mộng mị và tri kỷ của những kẻ cô đơn và của những nhà thơ. Lý Bạch ngày xưa say mê đến nỗi nhảy ôm trăng để chết đuối. Trăng cũng là giấc mơ, là mộng mị của con người chưa trọn, chưa thoả mãn. Và trăng cũng còn là hình tượng thi ca rất thường gặp. Hàn Mặc Tử đã nhiều lần lạc lối vườn mơ với trăng với tình; nhà thơ đã nhân cách hóa trăng thành người tình: “Trăng nằm sóng xoãi trên cành liễu Ðợi gió đông về để lả lơi (...) Ô kìa bóng nguyệt trần truồng lắm Lộ cáo khuôn vàng dưới đáy khe”. Ðến gần hơn thì : “Người trăng ăn vận toàn trăng cả Gò má riêng thôi lại đỏ hườm Ta hẵng đưa tay choàng trăng đã Mơ trăng ta lượm tơ trăng rơi...” (Say Trăng). Hay “Hôm nay có một nửa trăng thôi Một nửa trăng ai cắn vỡ rồi Ta nhớ mình xa thương đứt ruột Gió làm nên tội buổi chia phân”(Một Nửa Trăng).
Trăng biến thành “mình”, rồi hòa nhập thành “ta”: “Cả miệng ta trăng là trăng” (Một Miệng Trăng). Họ Hàn muốn phân thân và nhập vào trăng như một hiện tượng thiên nhiên hay một cao cả lắm khi không với tới! Với Sương Mai, qua tập Trăng Mộng xuất bản đầu năm 2000, trăng là người tình, là chính tình yêu. Nay chính miệng nhà thơ, một người nữ, tình tự với trăng. Trong bài Trăng Mộng mở đầu tập, nhà thơ ngỏ lời mời gọi trăng đến để trao đổi tâm tình, mà tâm hồn thì đã rộng mở:
“Tôi ngả lưng chờ đợi đã lâu rồi Chăn gối lạnh cho đầy vơi nước mắt...”, “Hãy âu yếm, ôm choàng tôi thật chặt Tôi sẽ cười thật tình tứ với trăng Sẽ lả lơi không quyến rủ nào bằng Nghiêng tóc xõa, khỏa thân trần mộng mị...”, rồi “Tôi âu yếm hôn vầng trăng dấu ái Môi này đây, trăng hãy đến kề môi Cho tình tôi bên gối mộng đầy vơi Cho ánh mắt thêm dại khờ, ngây ngất” Thật tình tứ ngôn ngữ của tình yêu dù có hơi hướm nhục cảm. Tình như rất thật và có “xiết vòng tay đừng giây phút buông lơi” đấy, nhưng trăng vẫn chưa đến, dù người thơ đã sẵn sàng, đành cứ mãi chờ. Một mời gọi thật nữ tính, thật quyến rũ. Ðến câu cuối mới biết là mộng! Khác ngày xưa, người kỹ nữ của Xuân Diệu sợ đối đấu một mình với trăng, đã phải “lả lơi” mời viễn khách ở lại với nàng:
”... Em sợ lắm. Giá băng tràn mọi nẻo Trời đầy trăng lạnh lẽo suốt xương da Người giai-nhân: bến đợi dưới cây già; Tình du khách : thuyền qua không buộc chặt...” (Lời Kỹ Nữ).
Lời mời gọi của Sương Mai nghe như gần gũi và thật hơn, hình như người thơ có mong, có tha thiết đợi chờ, bên thềm trăng nỗi lòng mãi chơi vơi, rộn ràng đến phải tự hỏi: ”... Bên thềm trăng vung vãi Những ánh vàng rớt rơi Có phải trăng thừa thãi Nên bóng đổ nơi nơi?” (Thềm Trăng).
Ðến với trăng, với ánh sáng, thật ra con người muốn tìm về bóng đêm, cõi âm, cõi dịu, mềm. Trăng đây đã thành người bạn mà cũng là ánh sáng, là chốn để về, là nơi trú ẩn khi bị thương tích, khi thiếu thồn, kiếm tim, là sợi dây ràng buộc con người với thiên nhiên, ngoại cảnh. Trăng đã để dấu ấn nơi người nữ - trăng với phái nữ tự nhiên hơn chăng? Với Sương Mai, “Trăng thuở xưa ơi, trăng của ta...” do đó
“Ta nhớ vầng trăng thuở ước mơ Ra đi từ đó đến bây giờ... Trăng ơi, trăng có còn quay lại? Ðể ướp tình ta một chút thơ!” (Trăng Xưa).
Sương Mai đến với trăng vì nàng muốn có trăng trong cuộc sống, để nàng ca tụng tình yêu. Tình yêu ở đây là một kiếm tìm không ngừng, không bao giờ thỏa mãn! Thật vậy, tình yêu trùm khắp cả tập thơ, tình yêu ở cả bốn mùa, hết mọi ngày tháng và hết mọi thời khắc của ngày lẫn đêm. Tình yêu đã như men, một thứ men tình, có sẵn nơi người đa cảm, vì trong thơ Sương Mai không có rượu, men ngoại nếu có là men cà phê trong nhiều hoàn cảnh, buổi sáng : “Ly cà phê đắng sáng nay Hình như pha chút tỉnh ai ngọt ngào” (Ly Cà Phê Buổi Sáng), hay buổi chiều: “Ly cà phê thật đằm thắm hương yêu Ngồi nhìn nhau trong êm ả buổi chiều...” (Nếu).
Tình yêu là một kiếm tìm, nhà thơ cứ hỏi rồi tự hỏi “tình yêu ở đâu?”, tìm cho nên xử dụng đến “tặng vật” vẫn sợ chối từ, đến cả đăng báo : “... Sáng nay tôi đến nhờ nhà báo Tìm lại người yêu dấu thuở nào Tìm lại mối tình thơ mộng cũ Số phone đây, gọi ... nếu thương nhau!” (Nhắn Tin), hoặc qua trung gian luật sư: ”... Luật sư ơi, tôi ngó về quá khứ Khuôn mặt nào lồng lộng giữa trời hoa Tôi rưng rưng lau dòng lệ xót xa Nên tìm đến, nhờ luật sư bào chữa!” (Hãy Nói Dùm Tôi). Yêu nên không từ chối cả lá bùa : “Giá mà Em có lá bùa yêu, Em sẽ tìm đủ cơ hội Em sẽ lén bỏ vào bên trong chiếc gối Ðể đêm đêm trước giấc ngủ Anh chỉ nhớ có ... em ...” (Lá Bùa Yêu). Hoặc chọc ghẹo người và nghịch ngợm với tình : ”... Như con Hồ Ly đã đọc xong câu thần chú Em sẽ phà vào anh, hơi thở ngải hương Em nhất định bắt mất hồn anh Kể từ hôm nay Và mãi mãi sau nầy ...” chỉ vì “Mỗi khi gặp anh, Em như người ngộp thở ...(...) Cái nhìn... đã để lại trong tim em một tì vết, không lành...” (Ðọc Câu Thần Chú) Người nữ yêu nên đã liều: “Như con thiêu thân lăn mình vào lửa đỏ Em điên cuồng nhảy xổ vào anh Không cần biết tương lai, quá khứ / mỏng manh... Cứ nhắm mắt ước mơ, Cứ mù lòa mê đắm...” (Con Thiêu Thân). Và mê lú như uống phải độc dược :
“Hình như anh bỏ vào ly cà phê em Những bùa mê, thuốc lú... Hình như anh bỏ vào ly nước chanh em Những cuồng chất nhớ thương...” (Ðộc Dược).
Nói yêu là nói đến đợi chờ, chờ người, chờ thư, chờ email - tình cũng theo thời, và chờ đến tháng tận năm cùng: “Hôm nay tháng tận, năm cùng Em còn ngơ ngác giữa khung trời buồn (...) Ngày qua anh nhỉ ngắn dài? Mà em chờ mãi, nào hay năm tàn” (Cuối Năm); ”... Mong mãi bóng người không hẹn đến Rồi mang hư ảnh lộng vào thơ...” (Lá Thư).
Nhung nhớ thành tương tư: “Thư đã đọc rồi sao vẫn thiếu? Có gì trong nắng, gió hôm nay? Ai đem hương nhớ hòa trong nắng Tỏa xuống lòng em nỗi nhớ ... ai...” (Hương Nhớ). Trót yêu, yêu qua thành ghét : “Ghét người, ghét quá làm sao Ðã ghét cái mặt, còn chào mà chi? Lặng yên không nói năng gì Ngó lơ mặc kệ ai đi, ai về ... (...)Ghét người cho nắng thôi vàng Mặc con bướm chết vội vàng đêm qua Ðể tôi ghét mãi người ta Ðể cho cay đắng bay qua góc chiều ...” (Ghét).
Ðể rồi ghen cấm đủ chuyện: “Con đường anh đã đi qua với em Em cấm anh, không được bước đi với ai khác Dù cỏ hoa có nở đầy thơm ngát Dù phong cảnh có hữu tình (...)(Cấm Anh).
Thiên nhiên cũng thay đổi theo cảm tính con người: ”... Phượng tím bây giờ lại trổ bông Ngày xưa phượng tím sắc pha hồng Phượng nay ủ rủ màu xanh tím Phượng nở sao tôi nát cõi lòng?” (Phượng Tím Năm Nay).
Có thất tình thì cũng có những phản ứng ngược, hết yêu thì cũng có thể lạnh lùng khi cần : ”... Thưa ông, tình có đâu nhiều? Tôi đem hoang phí bấy nhiêu đủ rồi Chào ông, tôi nhún vai. Cười Chúc ông vui mãi với đời ... bướm ong” (Chào Ông).
Lạnh lùng một cách khô cứng khi người cũ gọi điện thoại, mới đó đã ra người xa lạ: ”... Dạ thưa ông, hãy im đi đừng nói Ông đã lầm, tôi không phải người xưa Ông làm ơn đừng lên tiếng phân bua Ðừng nói nữa thưa ông, ông ... lầm số!” (Lầm Số).
Giận quá làm thơ lục bát bắt đầu bằng câu ... tám và cố tình (!)sái luật bằng: “Bướm bay... kệ bướm, hoa nở... kệ hoa! Bởi vì tôi giận người ta...” (tr. 209).
Tàn nhẫn trở thành hậu quả của tình yêu : “Rồi em sẽ dùng phép phù, phù thủy Ðể một lần mang anh trở lại ra khơi Em sẽ tận mắt nhìn anh chìm giữa ngọn sóng chơi vơi Em sẽ cười lên lanh lảnh những chuỗi cười Chuỗi cười ... phù thủy” (Tiếng Cười Phù Thủy).
Ðòi nhận chìm chết người mà cứ xưng “em”, ngán ngẩm thật! Hoặc nàng đã bất nhẫn bỏ, đã bỏ mà còn phải năn nỉ ”... Thôi nghe đừng hờn em thêm Ðể em xin hứa bắt đền kiếp sau” (Năn Nỉ). Ðền kiếp sau thì cũng như không, mâu thuẫn thay con tim !
Nàng trăng rồi cũng phôi pha, cũng bạc trắng với thời gian: “...Nửa đời se sắt vì nhau Nửa vầng trăng bạc, úa màu nửa khuya Nửa đêm lệ rớt đầm đìa Nửa ôm gối mộng, nửa lìa cõi mơ Nửa lòng ai gửi vào thơ? Nửa chung thủy, nửa lững lờ lướm ong!” (Nửa).
Kiếm tìm tình yêu, tức bỏ đi, đi xa, có thể tìm thấy hạnh phúc thì làm sao không khỏi có lúc lạc đường hay thất vọng. Thất vọng với tình nhưng người bạn đường dù “Trái Tim Bằng Gỗ” vẫn luôn ở bên nàng: ”... Hình như anh không bao giờ biết khổ (...)Tôi trở về, rươm rướm máu trái tim... Thật khẽ khàng anh nói: nín, nín đi em! Anh không biết nói gì, Bởi trái tim anh bằng gỗ!...” (tr. 262-3). Trọn đời, thời gian, tình già,... toàn những ám ảnh: “Em vẫn đẹp mà, phải thế không? Ðừng anh, đừng nói má thôi hồng Ðừng anh, đừng nói da em nhạt Ðừng nói nếp nhăn đã chất chồng...” (Tình Già). Ám ảnh lớn: tình yêu còn không: “Cho rằng em có già đến đâu đi nữa... Nhưng chắc em cũng chưa già đến đỗi... Ðể không còn vui sướng khi nghe anh nói: - Anh vẫn yêu em!” (Lời Vợ). Lắm lúc người thơ tìm về với một đấng thiêng liêng
“Thánh Giá là niềm vui Giáo đường là tổ ấm” (tr. 66). Nàng than thở: “...Lòng con từng mảnh tơi bời Tim con rách nát Chúa ơi, vá dùm! Hồn con và xác run run Vịn cây thánh giá, quỵ cùng đau thương ...” (Vịn Cây Thánh Giá) . Trăng Mộng còn là thơ về quê hương, Cần Thơ, với những cảnh cũ như cây phượng vĩ (tr. 68), những cố nhân (tr. 95, 158), những tình xưa (tr. 99); nhưng với người đi xa thì cảnh nhẹ hơn người và người cũng nhẹ hơn tình yêu kiếm tìm! Sương Mai mãi đắm mê với tình, với thơ, nhưng nếu các bài trong tập Trăng Mộng được sắp xếp theo thời gian sáng tác thì càng về cuối tập, cảm xúc và thi hứng đằm thắm hơn! Tình yêu ở đây không là những non dại bồng bột của Nguyễn Tất Nhiên, cũng không bi đát như T.T. Kh. Trong Trăng Mộng, tình chín hơn, đa dạng mà cũng đa lời, lắm ví von, giả thử,... nhưng có cái tận tâm như mọi cuộc tình! Ngoài một số tứ thơ cũ thường thấy ở nhiều nhà thơ như sơn khê, chân mây, trang giấy mới, áo mới, ... Sương Mai có những ý thơ riêng như “Mặc ai đem nắng rải đầy trong sương” (tr. 186), đánh rơi thời gian : “Tôi đánh rơi buổi sáng Trên kẻ tay ơ hờ...” (tr. 281), cứ thế buổi trưa, buổi tối, hôm qua và hôm nay; hình ảnh một nửa ”... Nửa vời, nửa tục, nửa tiên Nửa đau nỗi nhớ, nửa điên ”... El Nino đến tiêu điều (...) Tình yêu, cơn bão Nino ... muôn đời” (tr. 38).
Tỏ tình qua trung gian luật sư như đã trình bày ở trên. Mong đợi tình cũng lắm, mà trốn chạy cũng nhanh, như đã tìm ra chân lý:
“Tôi bỏ người, tôi chạy rất xa (...) Tôi bỏ người, tôi chạy ... hụt hơi...” (tr. 291).
Thơ Trăng Mộng có hồn, đầy nhạc tính, ý tình thì linh động, nghịch ngợm lắm khi, nhà thơ giàu lời - cả lắm lời, khi tỏ tình cũng như thất tình: “Ví dầu, ví dẩu ví dâu... Bướm bay bỏ lại nỗi sầu cho hoa...” (tr. 247). Những vần thơ hay có thể kể :
“Anh hỡi, mùa thu như dáng ai Mơ màng đôi chiếc lá lung lay Lòng em : con sóc trên cành lạ Mơ ước một lần có cánh bay Anh hỡi, mùa thu mây khói vương Ðêm qua mơ thấy bóng người thương Vẫy tay gọi nắng về cho gió Sao lại tặng em một nỗi buồn?” (Tình Thu);
“...Nếu một mai rất dịu dàng anh nói Tiếng yêu em bằng rất đỗi thật thà Bằng trái tim đầy ắp những thiết tha Em sẽ khóc trong niềm vui tao ngộ Nếu một ngày mình dìu nhau qua phố Ly cà phê thật đằm thắm hương yêu Ngồi nhìn nhau trong êm ả buổi chiều Tay đan nhẹ, mình cần chi cấu nói? (Nếu...)
Những câu như-lục-bát nhẹ nhàng: “...Mang thơ ra giữa rừng hoa Rải cho thơ với ánh tàhuy bay Nụ hồng trong gió lắt lay Mong thơ ra khóc một ngày âm u...” (Lục Bát Trên Ngàn)
Xen kẽ những kỷ xảo về chấm câu, nhưng vần vẫn xuôi một giòng thơ : “Tha thiết quá. Một ngày xưa áo trắng Cổng thời gian. Ðinh đóng giữa tim mình...” (tr. 85)
Sương Mai nhiều lần tự định nghĩa, tự họa : “...Sáng nay sương ướt trên cành lá Từng giọt long lanh rớt xuống đời Tôi tưởng hồn tôi vừa rụng xuống Mong manh thành những hạt sương rơi...” (Lá Thư)
Những giọt mong manh, tế nhị và cũng thắm thiết với người, với thơ: “Giọt sương có phải là tôi? Hình như cùng rớt xuống đời bơ vơ Chờ người níu áo đề thơ Nào hay áo lụa ơ hờ tàn phai...” (Sương Mai)
Ðến bài cuối tập, nhà thơ tự thán như đóng lại cõi lòng, sau những rong ruổi với tình với thơ : “Ba năm lên núi tìm thơ Bỏ quên thân thế, tảng lờ áo cơm Bây giờ xuống núi bôn chôn Gánh thơ đã nặng, gánh buồn... nặng hơn” (Tự Thán)
Sương Mai là một trong những người mới bước vào làng thơ hải ngoại nhưng đã liên tục và trung thành với thơ, có tình, có lòng với thơ. Nàng đã cất bước đi từ tiếc nuối (Thoảng Chút Hương Xưa) đến tình (Thơ Tình Sương Mai) rồi nay là mộng (Trăng Mộng), và mộng vẫn là tình, là thơ, như một nhu cầu sống cho hiện tại. Trăng với Sương Mai đơn sơ là người tình, là bóng mát, là nồng nàn tình yêu. Trong những dòng thơ Việt hải ngoại, riêng thơ tình yêu không có chung quan trọng như trước nay vì thơ Ðạo, thơ chống Cộng, thơ kỹ thuật, thơ thù tạc,... hình như chiếm nhiều chỗ, nhiều diễn đàn! Ngày nào con người sống mà còn cần đến tình yêu thì ngày đó còn thơ tình, còn mộng còn trăng và hình như những nhà thơ tình thoải mái với thế giới và hạnh phúc mà họ tạo nên với thi ca. Thế giới và hạnh phúc mà các nhà khoa học và con người nói chung phải mất nhiều thử nghiệm và thời gian mới tìm ra mới dám chắc! Sương Mai qua Trăng Mộng đã xác nhận nàng đã tìm ra cái thế giới của riêng nàng và ở đó hy vọng nàng đã tìm thấy hạnh phúc !
15-4-2000 Nguyễn Vy-Khanh
|
|
Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003 |