|
|
Điểm sách |
Nhà Thơ, nhà Văn KIM VŨ với HẠNH NGỘ MONG MANH
|
| #1 |
|
Bấm vào hình để phóng to |
DIỆU TẦN NGUYỄN TINH VỆ - đăng lúc 03:48:58 PM, Mar 14, 2004
1. Tập truyện đầu tay Hạnh Ngộ Mong Manh thật xứng đáng được gọi là tuyển tập. Là một cuốn truyện gồm những nâng niu chắt lọc nên tác giả Kim Vũ chú trọng đến nội dung, không ham đếm số trang bề dày cuốn sách. Về hình thức chỉ cần 156 trang với cách trình bày sáng sủa, mỹ thuật có áo khoác màu tím, màu tím học trò, màu tím hoa sim. Từ trước tới nay tôi vẫn nghĩ rằng phẩm chất văn chương thi phú nên nhìn vào phẩm chất, không cần ở lượng. Như trường hợp TTKH chỉ cần một áng Hai sắc ti- gôn cũng đã đủ được ghi tên vào văn học sử.
2. Qua hai tập thơ Tình Anh Như Thế Ðấy và Khi Yêu Em độc giả yêu thơ đã gọi tiếng thơ Kim Vũ là lãng mạn, khỏe khoắn, nõn nà, sung mãn và hàm súc như ca dao. Ông không chỉ là nhà thơ, nhà văn, còn là nhà biên khảo và là một dịch giả có tài nữa. Qua tập truyện này, tôi hiểu là ông một người biết thẩm âm lời ca điệu nhạc rất sành sõi. Ðộc giả cũng còn có thể gán cho ông có tài hội họa và điêu khắc nữa. Ngoài ra ông có nhiều dịp xuất ngoại học hỏi, tu nghiệp quan sát ở vài nước Au Châu và nhiều nước Á Châu, nên ông có một vốn liếng, kinh nghiệm, lịch lãm để sáng tác và biên khảo, dịch thuật vững vàng.
3. Tôi đã hân hạnh được đọc và giới thiệu nhiều tập truyện ngắn, truyện dài ra mắt độc giả từ hơn 15 năm nay ở Vùng Vịnh, lần đầu tiên tôi bắt gặp được một tập truyện không có cốt truyện có giá trị như tập truyện này. Truyện của Kim Vũ không hẳn là loại truyện ngắn thông thường, không hẳn là hồi ký vì tác giả không theo thứ tự trước sau và đã đổi tên nhân vật Tôi thành nhiều nhân vật chính khác nhau, trộn thêm nhiều suy tư, cảm nghĩ chủ quan. Nó cũng không hẳn là một tập tùy bút, nó là một kết hợp cả ba thể loại văn chương vừa kể. Văn chương ở đây không phải là để giải trí mà là để suy tư, để thông cảm với người viết.
4. Sự việc hoặc diễn biến trong truyện chỉ là cái cớ để tác giả gửi gấm, biểu đạt những tâm tư, suy tưởng rất tinh tế. Kim Vũ không kể truyện, ông chỉ cần giãi bày tâm sự. Tôi nghĩ đây là một cuốn sách có trình độ viết cao nên người đọc sẽ có tầm thưởng thức sâu sắc hơn. Truyện của ông rất ít kịch tính. Kịch tính ở đây là những biến chuyển nội tâm, ở khối óc minh mẫn, khoa học, ở con tim giàu tình cảm, say đắm và khoan dung, độ lượng. Ông có khả năng như một Võ Phiến có tài “chẻ sợi tóc làm tư”. Hãy nghe tác giả thủ thỉ: “ Tân còn chìm ngập trong một tâm trạng buồn rầu khó tả. Niềm thanh thản nhẹ nhàng và lạc quan phơi phới hồi ban sáng đã không còn. Thay vào đó là một sự bừng tỉnh nhận thức chấn động và sắt se” trong “Một buổi sáng trong đời”, hoặc trong “Giữa chốn nhân gian”: “ Chẳng lẽ ông tồi bại đến thế rồi sao? Nghi ngờ một người đàn bà đau khổ đang cần tiền để chạy thuốc cho con. Cái gì đã tiêm vào hồn ông cái thái độ khinh bạc này với nỗi khổ đau của nhân thế? Cái gì đã khiến ông nhẫn tâm đến chai đá để mất đi sự nhạy cảm đối với cảnh đời tủi nhục xót xa?"
5. Văn phong Kim Vũ tôi nghe đồng vọng lại hơi văn của Thạch Lam, Nhất Linh. Quả là điều hiếm thấy, vào đầu thế kỷ thứ 21 lại nhắc đến văn phong những năm 1940. Những phân tích, mâu thuẫn tâm lý tinh tế thời đại mới hòa với cách viết nhẹ nhàng, trong sáng, chải chuốt và sạch sẽ vẫn làm hài lòng người đọc. Bây giờ chúng ta vẫn khó chịu bị đọc những cách viết cầu kỳ, bí hiểm, lập dị, tối tăm và dơ bẩn nữa. Chúng ta hãy nghe : “ Chàng đã qua cái Tết đầu tiên nơi quê nhà xa những người thân, đã nằm nghe tiếng rì rào của sóng biển, bên cạnh những cây phi lao xào xạc gió mùi nước mặn từ trùng dương xa tắp, đã thẩn thơ đi nhặt vỏ ốc trên bờ cát mịn như những đứa trẻ ngây thơ nhất”
6. Kim Vũ có năng khiếu thẩm âm và diễn tả nổi những nhận thức, nắm bắt được nét tuyệt vời của nhạc. Có rất nhiều nhạc sĩ, nhà soạn nhạc tài giỏi nhưng không diễn tả được những ảo thuật âm thanh bằng chữ viết. Trong truyện “Ðiệu nhạc năm xưa”, rồi “Hạnh ngộ mong manh” và nhất là “Dư âm bài giao hưởng” người đọc sẽ thấy được nét tài tình của ông. Chúng ta hãy nghe: “àTiếng thở than của cây trung hồ cầm đã lắng xuống, và bây giờ là dàn vĩ cầm sóng bước đi lên làm nền cho cho tiếng kèn hautbois réo rắt và trong suốt, quạnh hiu như định mệnh mà con người phải gánh chịu, chỉ được vỗ về an ủi bằng mối đồng cảm cộng hưởng của thiên nhiên bao bọc xung quanh. Rồi giai điệu lại tiếp tục đi lên, đi lên và vỡ toang ra như sự vụt tắt đột ngột của một sức sống đang tràn trề xuân sắc và đầy hứa hẹn lớn lao. Nhạc ngưng trong khoảnh khắc, rồi lại cất lên giai điệu chính, bình thản nhưng vô cùng diễm lệ, như thâu tóm tất cả những kinh nghiệm chua xót trong cuộc đời người nghệ sĩ tài hoa, bây giờ bắt đầu được trải ra trong muôn vàn tiết tấu và tổng hòa trong hài âm tòan bích, như biến cả dung nhập nước của mọi dòng sông”
7. Tôi chọn “Hạnh ngộ mong manh” là truyện xuất sắc nhất trong tập. Cuộc tao ngộ tình cờ giữa một nhà điêu khắc đang bị tê liệt khả năng sáng tạo, với một cô gái tinh khiết quần jeans áo vạt bầu, cột tóc đuôi ngựa Người nặn tượng đã khám phá, đã xúc động bởi tấm lưng nữ sinh trong một buổi dạ vũ. Trong khi nàng không ngờ mình đã gây hứng khởi, truyền cảm vào những ngón tay bắt được của trời cho chàng nghệ sĩ tái sinh được nguồn sáng tạo Kim Vũ viết: “ Và đối với một thân hình như thế, ông Quang chỉ có thể cảm thấy một niềm trân trọng lớn lao, gần đến mức ngưỡng mộ tôn giáo, của một người nghệ sĩ dành cho người mẫu lý tưởng của mình”, “Bàn tay kinh nghiệm của một nhà nặn tượng như muốn vuốt ve trìu mến tấm lưng trần gợi cảm ấy sau làn vải mỏng manh, như vuốt ve chính tác phẩm của mình” Ðể rồi khi về nhà: “ Bàn tay phải của ông Quang vẫn còn tươi nguyên cảm xúc mịn màng toát ra từ thân hình cô gái. Người ông lâng lâng. Ông biết ngày mai ông sẽ phải làm gì. Ông sẽ truyền nguyên cảm xúc non xanh đó vào một tảng đất sét vô tri. Và đất sẽ lên tiếng hát. Tiếng hát thanh xuân của cô gái măng tơ”
8. Tất nhiên, ông cũng đề cập đến chiến tranh như tất cả chúng ta không thể nào quên được cuộc chiến ấy. Nói đến khói lửa, súng đạn, lời văn của ông vẫn nhẹ nhàng nhưng nghe thấm thía. Nhân vật truyện của ông có cái nhìn rộng rãi và nhân đạo về cuộc xung đột ý thức hệ tàn khốc vừa qua. Chẳng hạn, một nhân vật viết về người bạn vừa tử trận: “Cái chết của anh có cái gì không thật. Và có lẽ đó là lần đầu tiên Tích đứng trước nhận thức trực tiếp và thâm sâu về tính chất phi lý của một sự kiện quá bình thường trên đất nước chiến tranh này”. Rồi nhân vật đó khắc khoải tự hỏi:” Tại sao đất nước này mà chàng vô cùng yêu mến lại phải khốn khổ lâu dài đến thế? Người ta giết nhau vì cái gì? Vì tranh nhau hơn thua về một đường lối đưa con người đến hạnh phúc? Chua xót làm sao! ” Nhân vật truyện tự nhận là may mắn, còn đứng ngoài lề bom đạn, chưa lăn lưng vào cái hào hùng và khốc liệt của cuộc chiến. 9. Cũng nhân vật tên Tích này có cái nhìn chiến tranh mờ nhạt hơn, bởi Tích xa quê hương hơi lâu, có cái nhìn như một sinh viên du học, nhưng không phản chiến. Tích mơ hồ nói về cộng sản: “Hình như những người ở phía đối diện chúng ta không nghĩ như chúng ta. Họ suy nghĩ giản dị hơn nhiều và có thể thấy họ tin tưởng tuyệt đối, gần như mù quáng, vào lý tưởng của họ” Mô tả xã hội cộng sản, Tích băn khoăn: “ Liệu chàng có thể bảo đảm được cho nàng những gì giữa một thế giới tàn khốc và không hề biết đến sự khoan nhượng, lòng xót thương”, “ Chúng tôi cũng sẽ vẫn phải ngụp lặn trong vũng lầy bế tắc. Nếu chưa ra đi, nếu trở lại đây, em cũng sẽ lại chỉ bước thêm một lần nữa vào cái vũng lầy cùng với chúng tôi”
10. Ðây là tác phẩm thứ 5 của tác giả. Kim Vũ còn hứa hẹn sẽ trình làng 3 tập thơ, một tuyển tập truyện ngắn nữa. Chúng ta mong gặp lại ông, để hiểu được tâm tư, để bắt được những rung cảm lãng mạn nhưng trong sáng, vạm vỡ, những phân tích, dằng co tâm lý tình cảm tinh vi, tỉ mỉ nhất. Tưởng cũng cần nhắc lại trong cuốn” Việt Nam: Những áng thơ tuyệt tác” của ông tuy mỏng nhưng ông đã chọn lựa công phu, hợp lý hợp tình những bài ca dao, những bài thơ cổ điển chữ Nôm và những bài thơ Quốc ngữ hay nhất. Ông dịch tập thơ này sang Anh ngữ rất sát ý, vẫn giữ được chất thơ, nên trong Ðại Hội Văn Bút Quốc tế kỳ thứ 69 tại Mexico City, phái đoàn Việt Nam Hải ngoại đã chọn đem theo làm quà tặng đại biểu các nước.
Diệu Tần NGUYỄN TINH VỆ |
|
Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003 |