|
|
Biên khảo, Phê bình |
SƯƠNG NGUYỆT ÁNH, TRẦN NGỌC LẦU, TRẦN KIM PHỤNG, BA NỮ SĨ CẬN ÐẠI ÐẤT QUÊ NAM
|
HỒ TRƯỜNG AN - đăng lúc 04:46:17 PM, Mar 07, 2017
Ở đây, tôi chỉ kể tới những nhà thơ nữ nổi danh ở đất Nam Kỳ trưởng thành vào thập niên chót của thế kỷ 19 hoặc vào thập niên đầu của thế kỷ 20. Tài liệu về tông tích của họ rất ít, nhưng khá chính xác. Xen vào đó vẫn có nhiều vận sự mơ hồ, nhất là tiểu sử của bà Trần Kim Phụng, nên tôi không làm sao kiểm chứng được cho chính xác được?
Cũng như các nữ sĩ thời mạt điệp của Lê Triều, hay thời sơ điệp của Nguyễn Triều, thơ của họ như phấn hương rừng bay tản mạn, để lại cho hậu thế bằng cách truyền miệng hơn là bằng tác phẩm có ấn loát đàng hoàng. Thơ ngâm vịnh hay thơ xướng họa của họ được phổ biến trong giới tao nhân mặc khách. Còn thơ ái quốc của họ được lưu hành trong giới sĩ phu ái quốc, chứ không được dùng làm văn chương giáo khoa trong học đường, không được may mắn như thi ca của Nguyễn Ðình Chiểu, Phan văn Trị, Thủ Khoa Huân v.v... Cả ba bà không có một tác phẩm nào để cho kẻ yêu văn chương bày trên giá sách, tủ sách, thư trai. Ðó cũng giống như trường hợp của bà Phù Gia Nữ Học Sĩ Ngô Chi Lan thời vua Lê Thánh Tôn, bà Ngọc Hân Công Chúa dưới thời Lê Mạt bắc sang qua thời Quang Trung Hoàng Ðế dựng triều đại nhà Tây Sơn. Và sau hết đó cũng như trường hợp Bà Huyện Thanh Quan vào triều đại vua Gia Long (Thế Tổ Cao Hoàng Ðế) . Vào những năm gần đây, các học giả ở Việt Nam mới tìm ra tên thật của bà Huyện Thanh Quan là Nguyễn thị Hinh.
TỔNG QUAN VỀ BA BẬC NỮ LƯU THI CA ÐẤT QUÊ NAM
Các nữ sĩ mà tôi đưa vào bài tiểu luận nầy gồm có: Sương Nguyệt Anh (1863 - 1921), Trần Ngọc Lầu (1863 - 1937), Trần Kim Phụng (1870 - 1928) . Ðây là ba bà được ghi vào cuốn Sương Nguyệt Anh, Trần Kim Phụng, Trần Ngọc Lầu do Thái Bạch sưu tầm và biên khảo và do Tân Việt (Sài Gòn) xuất bản vào năm 1948. Vốn là kẻ theo Việt Minh chống Tây, ông Thái Bạch đề cập đến những vần thơ yêu nước của họ, ít nói đến nét trữ tình trong thi ca họ.
Ngoài ra, ba bà còn nổi tiếng ở khía cạnh khác: bà Sương Nguyệt Anh có sáng lập tập san Nữ Giới Chung (Tiếng chuông của nữ giới), bà Trần Kim Phụng đã từng được tập Nữ Giới Tùng Thư giới thiệu. Bà Trần Ngọc Lầu có thi tập chép tay nhan đề là Ngọc Lầu Thi Tập do con trai bà là thi sĩ Thường Tiên Lê Quang Nhơn chuyền tay đọc trong nhóm Nam Phong Thi Xã . Thi xã nầy dĩ nhiên có ông Thường Tiên, lại còn có nhà văn Nguyễn Vỹ, chủ nhiệm kiêm chủ bút tạp san Phổ Thông (Sài Gòn,sau Hiệp Ðịnh Genève). Chính Ông Nguyễn Vỹ đã giới thiệu bà Trần Ngọc Lầu trên nguyệt san Phổ Thông nhiều lần cũng như đã giới thiệu bà Song Thu nữ sĩ, gốc Quảng Nam, bỏ nhà đi làm cách mang chống Pháp vào khoảng thập niên 20. Ngoài ra, trong quyển địa phương chí Vĩnh Long Xưa Và Nay, nhà văn Huỳnh Minh có viết đôi chút tiểu sử và thi ca của bà Trần Ngọc Lầu.
Vào khoảng năm 1968 và năm 1972, Phương Lan nữ sĩ có đưa ba bà Sương Nguyệt Anh, Trần Ngọc Lầu và Trần Kim Phụng vào quyển Anh Thư Nước Việt.
Ở hải ngoại vào năm 1993, cụ Lãng Nhân Phùng Tấc Ðắc có viết cuốn Hương Sắc Quê Mình (do Làng Văn xuất bản). Trong cuốn nầy, cụ có dành một chương cho bà Sương Nguyệt Anh. Ngoài ra cũng năm 1993, anh bạn Hứa Hoành của tôi có viết về bà Trần Ngọc Lầu trong quyển III của bộ Nam Kỳ Lục Tỉnh do Văn Hóa (Texas) xuất bản.
Ba bà Sương Nguyệt Anh, Trần Ngọc Lầu và Trần Kim Phụng đều sinh trưởng vùng Tiền Giang của dải đất Nam Kỳ Lục Tỉnh. Bà Sương Nguyệt Anh sinh trưởng ở Tân Thuận Ðông, tỉnh Gia Ðịnh. Bà Trần Kim Phụng sinh trưởng ở Sa Ðéc. Bà Trần Ngọc Lầu sinh trưởng ở Vĩnh Long, kế đó thiên cư đến Mỹ Tho, Phong Ðiền (Cần Thơ). Và sau cùng, bà trở về Vĩnh Long, sống trong một căn phố ở dãy phố ven sông Long Hồ, gần cầu Thiềng Ðức mà dân thành phố gọi là Dãy Phố Làng.
Bà Sương Nguyệt Anh tuy sống cuộc đời quả phụ cô đơn, nhưng bền gan thủ tiết với chồng, không bước đi một bước nữa. Còn bà Trần Kim Phụng và bà Trần Ngọc Lầu thì không kết hôn với ai chánh thức, nếp sống rất phóng khoáng, tánh tình rất bao la khoáng đạt. Cả hai thường xướng họa với các danh sĩ đất nước Nam Kỳ Lục Tỉnh nên bị người đương thời cho rằng đó là phụ nữ ngoại hạng ở ba phương diện: bóng sắc, tài hoa và tình ái hôn nhân.
Nếu so sánh với các nhà thơ nữ cận đại ngoài Bắc Kỳ như Nhàn Khanh, Cao Ngọc Anh, Ðào Vân Khanh thì thơ của bà Trần Kim Phụng, bà Trần Ngọc Lầu bề ngoài còn có vẻ thô tháp ở cách sử dụng ngôn từ. Nhưng nếu bỏ qua những ngôn từ và ngữ pháp đặc sệt ngôn ngữ Nam Kỳ ra thì thơ hai nữ sĩ họ Trần của đất Quê Nam chúng ta vẫn có lối cấu trúc khéo léo, có hình ảnh và âm điệu đập mạnh vào ấn tượng người đọc, có cái ngụ tình viễn thâm. Ðó là cái bản sắc chói rạng của thi ca họ; nó rất khác biệt cái bản sắc thi ca của các nữ sĩ Quê Bắc. Thi ca của hai bà như trái vải, tuy vỏ thô tháp nhưng ruột ngọt thơm. Lại nữa, các nhà thơ nữ gốc Bắc kia ít khi đưa vào thi ca của mình nỗi ưu tư đối với giang san tổ quốc. Họ chỉ thích ngâm hoa vịnh nguyệt, xướng họa thù tạc với nhau. Thơ của họ phản ảnh nếp sống phong lưu của họ. Họ xuất thân từ chốn quyền môn, từ thuở bé thơ đã sống trong nhung lụa. Chồng họ đều hợp tác với chính quyền Bảo Hộ. Bà Nhàn Khanh là em cụ Tiến sĩ Dương Khuê làm Tổng đốc tỉnh Nam Ðịnh (khi về hưu được thưởng thụ hàm Binh bộ Thượng thư). Người anh khác nữa của bà là cụ Giải nguyên Dương Lâm làm quan đến Thái-tử thiếu-bảo hiệp-biện đại học-sĩ. Chồng bà là ông Trịnh Ðình Kỳ có một thời làm Tri huyện ở Bất Bạt (Sơn Tây). Bà Cao Ngọc Anh là ái nữ cụ Ðông Các Cao Xuân Dục, lấy chồng là ông Án sát Nguyễn Duy Nhiếp. Cao nữ sĩ có cho xuất bản thi tập Khuê Sầu Thi Thảo. Bà Ðào Vân Khanh tên thật là Ðào thị Khang là vợ của cụ Án sát Vũ Ðại. Khi chưa di cư vào Nam, bà có cho xuất bản thi tập Khúc Nhàn Ngâm. Vào thời Ðệ nhất Cộng Hòa, bà có chân trong Hội Khổng Học. Ðào nữ sĩ có người con trai là Vũ Thành, một nhạc sĩ tài hoa hàng đầu, tác giả nhạc phẩm danh tiếng Giấc Mơ Hồi Hương. Con gái bà là nữ sĩ Uyển Hương, còn cháu gái kêu bà bằng cô ruột là nữ sĩ Quỳ Hương. Cả bốn bà Cao Ngọc Anh, Ðào Vân Khanh, Quỳ Hương và Uyển Hương đều là hội viên của Thi Ðoàn Quỳnh Dao. Cùng với bà Nhàn Khanh, bà Cao Ngọc Anh và bà Ðào Vân Khanh chưa hề va chạm với cái gai góc của những xã hội lầm than trong lúc tổ quốc bị bọn thực dân dùng chiêu bài Thuộc địa để thống trị đất Nam Kỳ, chưa dùng chính sách Bảo hộ để đè nặng lương dân trên hai phần đất Trung Kỳ và Bắc Kỳ. Còn hai bà Sương Nguyệt Anh, Trần Ngọc Lầu vốn là con của các bậc hàn nho bền lòng trung kiên với tổ quốc, không chịu ra cộng tác với chính phủ Thực dân. Còn gia thế bà Trần Kim Phụng thì mù mờ. Chúng ta chỉ biết bà có cái tiểu danh là cô Hai Hỏn, đã từng đi đó đi đây, ăn cơm bảy phủ, dạo đủ khắp nơi, thân thế nửa khuê các nửa giang hồ. Bà Sương Nguyệt Anh lấy chồng khá giả, nhưng góa chồng sớm, phải xông pha ra đời viết báo, làm báo. Ðó là cái nghề của đàn ông hay cái nghề của phụ nữ chỉ thuận nhãn khi họ cộng tác với chồng. Còn bà Trần Kim Phụng và bà Trần Ngọc Lầu cũng phải rời khỏi hương khuê tú phòng của nơi thảo xá mình để mưu sinh. Chẳng ai nói rõ họ mưu sinh bằng cách nào? Chúng ta chỉ biết tài sắc họ đã đưa đẩy họ xướng họa với các nhà thơ đất Quê Nam để từ duyên bút mực trở thành những cuộc dan díu tuy thơ mộng tuyệt vời, nhưng cũng gieo tai tiếng chẳng lành cho họ.
Vào đầu thế kỷ 20, bà Trần Ngọc Lầu dám dan díu với ông Biện lý người Pháp và cả hai sống ngay tại tỉnh Vĩnh Long nhỏ bé để hứng búa rìu dư luận. Còn bà Trần Kim Phụng được Phương Lan nữ sĩ vạch qua cuộc đời ngoại hạng của bà trong cuốn Anh Thư Nước Việt như sau:
Nhưng, tài mệnh tương đố, phải chăng là một định mệnh? Ðịnh mệnh ấy không phải chỉ riêng cho một nàng Kiều phải chịu mà là chung cho tất cả nữ giới, những bạn có sắc có tài.
Thì đây, Trần Kim Phụng quả thật một bạn gái có tài, điều ấy không ai có thể phủ nhận. Nhưng tiếc cho tài! Mà thương cho phận: Trần thị có tên trong sổ đoạn trường, cuộc đời xuân sắc thường lắm bầm dập thương đau.
Tuy nhiên, vẫn được an ủi khá nhiều qua những văn thơ của các bạn hàn mặc khắp nơi, cả bạn gái lẫn bạn trai: ai đã có quen biết cùng Trần thị, đều có cảm tình nhiều hơn là rẻ rúng lạnh lùng...
(trang 171)
Những thi hữu của bà Trần Kim Phụng đa số là những bậc điền chủ và quan chức, những bậc danh sĩ trí thức của miền Tiền Giang lẫn Hậu Giang như Nguyễn Kim Ðính, Mộng Trần Lê Chân, Ngô Vị Ðường. Ngoài ra còn những phu nhân dòng dõi trâm anh thế phiệt hay những kẻ thuộc hạng lá ngọc cành vàng như bà Hoàng Ngọc Lan, bà Quảng Hàn, bà Ðinh Hương Ðặng thị Hồi (bà nầy cũng có thơ và tiểu sử trong tập biên khảo Nũ Giới Tùng Thư).
Những bóng mây thấp thoáng trên thân thế hai nữ sĩ họ Trần
Cũng có thể, hai bà họ Trần mang nặng mặc cảm về thói đi ngang về tắt của mình để rồi vượt qua phạm vi lễ giáo gia phong, lại còn áy náy về các cuộc phiêu lưu trong tình ái của mình. Cho nên họ mới làm những thi phẩm ái quốc. Như thế, họ muốn chứng minh cho người quen thân biết rằng: họ tuy có tánh phóng dật, nhưng cũng biết yêu tổ quốc giang san trong cơn ngửa nghiêng hơn là những hạng phụ nữ tuy giữ phẩm hạnh nhưng dốt đặc chuyện thời cuộc, không đau lòng trước cảnh quốc phá gia vong, không đóng góp một chút gì cho đại cuộc. Song đây là một nghi vấn, một giả thuyết mà tôi đặt ra thôi, chứ tôi không dám xác quyết. Ở những mẫu người ngoại hạng như hai bà Trần Ngoc Lầu và Trần Kim Phụng, ai biết được tấm lòng khoáng đạt họ ra sao, lý tưởng siêu việt họ tới bậc nào, tấm chân tình yêu tổ quốc đồng bào của họ có sáng lòa ánh dương quang hay chỉ là bóng trăng phản chiếu trong gương nước? Biết đâu ở con người của họ có hai yếu tố xung đột nhau: cái mềm yếu trước tình yêu và nhục dục nhưng song song đó vẫn có cái ý chí quật cường hướng về đại cuộc; cái nào cũng mãnh liệt như nhau.
Hai nữ sĩ Trần Ngọc Lầu và Trần Kim Phụng có thể làm cho kẻ sính thơ liên tưởng đến hai nữ sĩ vào triều đại nhà Ðường. Ðó là bà Tiết Ðào (768 - 831) vào thời trung điệp nhà Ðường (Thịnh Ðường) và bà Ngu Huyền Cơ ( 844 - 871)vào thời mạt điệp nhà Ðường (Vãn Ðường). Cả hai đều có tài sắc, nhưng vẫn dấn thân vào hạng ca kỹ. Nhưng đây là hạng danh kỹ nổi tiếng khắp Ðế đô Trường An và Kinh đô Lạc Dương. Bà Tiết Ðào đã từng nổi tiếng qua hai câu thơ mà bà trước tác vào tuổi hoa niên: Chi nghinh Nam Bắc điểu/ Diệp tống vãng lai phong. (tạm dịch: Cành đón chim Nam cùng chim Bắc/ Lá đưa theo gió đến gió đi).
Cha bà đọc hai câu thơ đoán ngay số phận truân chiên phóng dật vào mai hậu của con gái mình. Tiết Ðào đã từng giao du cùng các danh sĩ như Bạch Cư Dị, Lý Bạch, Nguyên Chẩn. Về sau, bà làm ái thiếp của một võ tướng . Chồng chết, bà không trở lại cuộc đời danh kỹ cũ để dốc lòng phụng sự cho thi ca nghệ thuật. Bà chế ra một thứ giấy đẹp dành cho các tao nhân mặc khách chép thơ họ lên giấy . Giấy đó nổi danh là giấy Tiết Ðào. Bà nổi tiếng ở bài Viếng Vu Sơn, từ núi nầy bà liên tưởng đến bài Cao Ðường Phú của chàng thi sĩ Tống Ngọc đẹp trai vào bậc nhất thời Xuân Thu Chiến Quốc. Bài nhắc lại sự tích vua Sở đi chơi đất Dương Châu, đêm ngủ ở phủ Cao Ðường, nằm mộng thấy một thần nữ đến ân ái giao hoan với mình. Thần nữ bảo vua: Thiếp là thần nữ ở Vu Sơn, sớm làm mây tối làm mưa. Ðiển tích mây mưa có nghĩa là trai gái ân ái với nhau được lấy từ vận sự ấy.
Ngu Huyền Cơ sinh trong gia đình thanh bạch ở Kinh đô Trường An, sớm làm ca kỹ. Nhờ hát ngọt, đàn hay, tài tú khẩu cẩm tâm và nhất là nhờ sắc đẹp lộng lẫy mà bà nổi danh trong làng bút mực lẫn giới yên hoa . Bà làm vợ lẻ cho danh sĩ Lý Trị, gặp phải vợ cả không mấy thông cảm bà. Thói chiếm hữu, thói khinh bạc của bà làm cho Lý Trị chán nản đi đến chỗ dứt tình. Bà rời nhà chồng, đi tu theo Lão Giáo tại một tòa cổ miếu huy hoàng và tráng lệ nhất trong kinh thành Trường An, nơi đó vương tôn công tử lui tới dập dìu. Miếu nầy thờ Tam Thanh và thờ Bát Tiên; bề ngoài bà là một đạo cô thùy mị qua vẻ hoa cười ngọc thốt đoan trang đối với tín đồ, nhưng bên trong bà là gái bán dâm, lão luyện việc gối chăn đến mức thượng thừa. Do đó mà tăm tiếng bà nổi như cồn, không kém khi bà còn ở ca lâu kỹ viện. Về già, vì kém sắc phai hương nên bà nghèo túng, khách tìm hoa ít lui tới bà. Sau cùng, vì có chuyện xích mích với quan chóp bu bọn sai dịch chốn nha môn, nhân con hầu của bà vì chuyện riêng tư mà tự tử, bọn sai dịch vu cáo bà giết chết nó và bắt bà đem hành quyết.
Tôi tình cờ đọc được bài Tương Tư Oán của Ngu Huyền Cơ do cụ Văn Lang Trần văn Ân sưu tầm và dịch ra thơ quốc ngữ. Nhưng trong di cảo, cụ đề tên tác giả là Nữ Ðạo Sĩ Lý Thị:
Nhân đạo hải thủy thâm
Bất đề tương tư đoạn
Hải thủy thượng hữu nhai
Tương tư diễu vô tận
Huề cầm thượng cao lâu
Lâu hư nguyệt huê mãn
Cầm đắc tương tư khúc
Huyền trường nhất thời đoạn.
Bài dịch như sau:
Người cho biển cả là sâu
Nào bằng phân nữa tương tư dạ sầu
Thiên nhai ngoài biển có mầu
Tương tư diệu viễn bến đầu vẫn không.
Ôm đàn lầu thượng đứng trông
Lầu không trăng tỏa mênh mông khắp trời
Tương tư một khúc bi ai
Ðàn kia giây bứt, ruột người đứt theo.
Hai bà Trần Ngọc Lầu và Trần Kim Phụng dù sao vẫn còn may mắn hơn Ngu Huyền Cơ: Họ không có cái chung cuộc bi đát như thế. Bà Trần Ngọc Lầu về già có con trai là thi sĩ Thường Tiên Lê Quang Nhơn phụng dưỡng. Ông Nhơn sau khi đậu bằng Thành Chung được làm công chức ở tòa Khâm Sứ ngoài Huế, sau đó xin thuyên chuyển về quê Vĩnh Long để phụng dưỡng mẹ già. Còn bà Trần Kim Phụng khi vừa đến tuổi chiều nghiêng bóng xế gửi thân vào chốn Thiền môn. Bài thơ tứ tuyệt cảm khái của bà được đăng trên báo Công Luận do ông Nguyễn Kim Ðính chủ trương như sau:
Ngao du đã mỏi bước giang hồ
Lánh mộng trần ai đến Phật đồ
Từ giã non Tây cùng biền Bắc
Phụng hoàng nay đậu một cành ngô.
BẢN CHẤT VÀ GIẢ THUYẾT THI CA ÁI QUỐC của ba nữ sĩ đất Quê Nam
Tuy nhiên, nghề làm báo độc thủ đơn thân của bà Sương Nguyệt Anh và sự giao du vượt vòng lễ giáo của bà Trần Kim Phụng, bà Trần Trần Ngọc Lầu gẫm ra cũng có nhiều điều hay. Họ biết được tình hình, thời cuộc trong nước qua những cuộc khởi nghĩa chống Thực dân Pháp qua các phong trào và các lực lượng nổi tiếng như: cuộc khởi nghĩa Cần Vương, cuộc chống Pháp của Trương Công Ðịnh trong Ðám Lá Tối Trời (Gò Công), cuộc khởi nghĩa của giáo dân Bửu Sơn Kỳ Hương do Nguyễn Trung Trực ở Kiên Giang cầm đầu, cuộc khởi nghĩa của đảng Văn Thân, cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quốc Dân Ðảng ở Yên Bái, cuộc khởi nghĩa của cụ Hoàng Hoa Thám ở Yên Thế, cuộc chống ngoại xâm của cụ Phan Ðình Phùng, phong trào Ðông Du, chủ trương của nhóm Ðông Kinh Nghĩa Thục, công việc kinh tài của Công Ty Liên Thành để giúp các đảng phái chống Tây v.v... Những biến cố oanh liệt tỏa hào khí ngất trời ấy thế nào mà chẳng lọt vào tai ba người phụ nữ tài hoa kia? Thuở đó, báo chí ít oi; và ngoài báo chí ra thì phương tiện truyền thông chẳng có gì khác. Lại nữa, báo chí nào có ý đồ chống Tây thì bị chính quyền theo dõi, khống chế. Cho nên những cô nữ sĩ trong cảnh kín cổng cao tường thâm nghiêm, những thi tài khuê môn bất xuất làm sao hiểu rõ những biến động ngoài mái nhà và khuôn viên mình? Và cũng biết đâu trong các cuộc thanh đàm hay mạn đàm với các bậc khoa bảng trí thức, bà Sương Nguyệt Anh cùng hai bà nữ sĩ họ Trần kia được nghe những câu chuyện nữ quyền cùng các cuộc canh tân nếp sống và chủ nghĩa tự do ở các nước Âu Mỹ...? Bởi đó, song song với lối thơ ngâm vịnh trữ tình, họ noi theo một hướng thơ mới, hào hùng và đi sát thời cuộc hơn. Ðó là lối thơ mà những bậc thi sĩ tiền phong đã từng sáng tác để phấn khích lòng ái quốc cho dân tộc và để cổ võ tinh thần phấn đấu đòi lại chủ quyền cho đất nước. Ðó là thơ của các bậc danh sĩ Phan văn Trị, Huỳnh Mẫn Ðạt, Nguyễn Ðình Chiểu, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Hải Thần v.v...
Có điều rất đáng chú ý là vào thập niên 10 của Thế kỷ 20, từ Bắc chí Nam, phong trào thi ca nữ giới như cây đào cây mai thịnh phóng hoa đẹp vào tiết xuân. Hội quần phương đó gồm có các bà Nhàn Khanh, Cao Ngọc Ngọc Anh, Ðào Vân Khanh, Chi Tiên, Suơng Nguyệt Anh, Trần Kim Phụng, Trần Ngọc Lầu, Song Thu Phạm Xuân Chi. Bên Pháp, thập niên 10 là vào Thời Ðại Diễm Lệ (La Belle Époque) đã có những nhà thơ nữ tài hoa như Comtesse Anna de Noailles , Lucie Delarue Madrus, Renée Vivien, Nathalie Clifford Barney. Thậm chí tới nàng nữ danh kỹ hàng đầu là Émilienne d’Aleon cũng cho trình làng hai thi tập là Temple d’Amour (Ðền Thờ Ái Tình) và Les Masques (Những Cái Mặt Nạ).Và chúng ta cũng đùng quên các nữ sĩ Pháp quốc được sống trong cảnh thịnh vượng và thanh bình cũa một nước độc lập tự do. Trong khi đó, ba nữ sĩ đất Nam Kỳ của xứ Việt Nam sống trong hoàn cảnh nhục nhã khi tổ quốc bị Thực dân cai trị. Cho nên đường lối thi ca mỗi bên mỗi khác. Bên thì thuần túy khóc lóc tâm sự ẩn tình riêng tư. Còn một bên song song với thi ca hòa đồng với nhịp rung cảm của con tim trước tình yêu đôi lứa còn có thi ca trải tâm hồn và tấm lòng lên đại cuộc, lên vận nước điêu linh.
Sơ lược tiểu sử của nữ sĩ SƯƠNG NGUYỆT ÁNH
Về tiểu sử của bà Sương Nguyệt Anh, tôi xin trích một vài đoạn ở chương XVII nhan đề là Nữ Sĩ Sương Nguyệt Anh trong quyển Hương Sắc Quê Mình của học giả Lãng Nhân:
Khoảng 1850, ông Nguyễn Ðình Chiểu làm thầy lang ở Tân Thuận Ðông, tỉnh Gia Ðịnh, kết duyên với bà Lê thị Ðiều, người Cần Giuộc, Chợ Lớn. Ðược ba trai, ba gái, trong số nầy có Nguyễn thị Khuê là con thứ tư, sinh ngày 24 tháng 12 năm quý hợi (1863). Vóc người mảnh mai, tư dung thanh nhã, lại nhờ sự chăm sóc dạy dỗ của thân phụ, nên sớm trở nên một trang tài sắc lẫy lừng. Song gặp lúc thời thế đảo điên, lòng người dáo dở, kén cá chọn canh mãi không tìm được nơi xứng ý, nên đến năm cha tạ thế, thiếu nữ đã 25 tuổi mà vẫn giữ phòng không.
(trang 191)
... Lúc đó, viên tri phủ sở tại cho người mai mối, bị khước từ, nên đem lòng hờn giận, kiếm chuyện làm khó, đến nỗi gia đình cô phải dời đi Cái Nứa, tỉnh Mỹ Tho, sau lại chạy sang Rạch Miễu, cùng tỉnh, mới thoát được nanh vuốt.
Ở nơi đây, rồi cô kết duyên cùng viên phó tổng Nguyễn Công Tính, sinh hạ một gái thì chồng tạ thế.
Khi cư tang, cô có làm bài thơ tụ thán:
Năm canh thức nhắp, năm canh những
Nửa gối so le, nửa gối chờ
Vườn én rủ ren trên lối cũ
Canh gà xao xác giục tình xưa
Và quyết chí tỏ ý hướng của mình:
Xướng tùy phận đẹp vợ hòa chồng
Kẻ mất người còn trải mấy đông
Giai lão một câu đành lỗi hẹn
Hiếu tư hai chữ dốc ghi lòng
Ðã quen ngon với mùi rau ốc
Ðâu nỡ vui cùng lũ bướm ong
Gương tỏ đời nay trang tiết phụ
Lâu dài tiếng tốt tạc non sông.
(các trang 192, 193)
... Từ đó sống trong cảnh sương phụ, lấy hiệu là Sương Nguyệt Anh. Bút chữ bút danh này sớm nổi lên như cồn trong làng văn tự, vì bà ngâm vịnh rất nhiều, tài học uẩn súc, lời văn trau chuốt, khiến nên có nhiều người mộ tiếng, tới lui thăm hỏi.
Một nhà nho ở Vĩnh Kim (Mỹ Tho) là Hồ Bá Xuyên trao một bài thơ, ý muốn cùng bà chắp nối:
Trời đất ghen chi chữ sắc tài
Vườn xuân đã úa bảy phần mai
Gương loan sửng sốt càng ngơ ngác
Phấn vẽ giồi mài sợ kém phai
Lặng lẽ duyên hồng tơ tóc vắn
Vấn vương phận liễu tháng ngày dài...
Bông đào bao thuở thay đôi lứa
Nỡ để trăng thu xế bóng đoài.
Song bà đã quyết chí ở vậy nuôi con, nên họa lại:
Tài không sắc, sắc không tài
Lá úa nhành khô cũng nhánh mai
Ngọc ánh chi nài son phấn điểm
Vàng ròng há sợ sắc màu phai!
Ba giềng trước đã xe tơ vắn
Bốn đức nay tua nối tiếng dài
Dẫu khiến duyên này ra đến thế
Trăng thu dù xế rạng non đoài!
(các trang 193, 194)
... Con gái bà tên Nguyễn thị Vinh, sau này gả cho Mai văn Ngọc. Ba ngày sau khi sinh con gái là Mai Huỳnh Hoa, cô Vinh qua đời. Bà buồn rầu, lên Sài Gòn dạy chữ nho và làm biên tập, rồi làm chủ bút tờ báo Nữ Giới Chung.
Thấy Mai văn Ngọc tám năm chưa tục quyền, bà khuyên:
Có lúc tòng quyền, có lúc kinh
Làm trai nào át khỏi tiền trình
Bơ thờ nắng rọi hoa nghiêng nhụy
Lay lắt mưa qua bướm giấu hình
Ngửa mặt đành cam con thất hiếu
Nghiêng tai luống chịu quỷ vô tình
Dưới đời ai dứt đường sinh hóa
Trướng chấn riêng ngươi quạnh một mình.
(trang 196)
... Làm báo ít lâu, bà mắc chứng đau mắt, chữa không khỏi, sau thành lòa hẳn, lui về ở với bà con ở Mỹ thạnh hòa, đến năm Canh thân ngày 12 tháng 11 (4-1-1921) tạ thế, thọ 58 tuổi, mộ để ở cách chợ Ba Mỹ chừng 100 thước, về lối đường Mỹ Chánh (Bến Tre).
(trang 198)
Cháu ngoại của cụ bà Sương Nguyệt Anh tên là Mai Huỳnh Hoa, đẹp cao sang thanh thoát, có tài văn chương, bạn thân của nữ sĩ Mộng Tuyết Thất Tiểu Muội (vợ nhà thơ Ðông Hồ). Bà lấy bút hiệu là Quỳnh Hoa và kết hôn với nhà chí sĩ Phan Văn Hùm, thuộc nhóm Ðệ tứ Cộng Sản, bị Việt Minh thủ tiêu. Con của cặp Phan văn Hùm và Quỳnh Hoa tên là Phan Tùng Nguyên, bút hiệu Phan Tùng Mai, một kịch tác gia hàng đầu của Miền Nam Việt Nam. Anh đứng chung hàng ngũ với Nghiêm Xuân Hồng (vở kịch Người Viễn Khách Thứ Mười), Vũ Khắc Khoan (vở kịch Thành Cát Tư Hãn), Dương Kiền ( vở kịch Sân Khấu), Trần Lê Nguyễn (vở kịch Bão Thời Ðại), Thế Uyên ( vở kịch Mưa Trong Sương) v.v... Phan Tùng Mai có hai vở kịch danh tiếng là Chuyện Người Buôn Mộng và Kẻ Giết Tần Cối.
Sơ lược tiểu sử của nữ sĩ TRẦN NGỌC LẦU
Về tiểu sử của bà Trần Ngọc Lầu, tôi xin trích trong quyển III của bộ Nam Kỳ Lục Tỉnh của học giả Hứa Hoành:
Hồi còn đi học ở Vĩnh Long, thỉnh thoảng tôi được nghe các bậc trưởng thượng trong làng văn kể lại giai thoại về cô Hai Lầu, nhưng không tìm được tài liệu và sách vở để học thêm. Thường ở miền Nam người ta chỉ nghe danh hai vị thủ khoa trường thi Hương, Gia Ðịnh là Nguyễn Hữu Huân và Bùi Hữu Nghĩa, nhưng ít ai biết rằng ở Vĩnh Long có một vị thủ khoa: Trần Xuân Sanh.
Ông là thân phụ của nữ sĩ Trần Ngọc Lầu, hay Trần thị Ngọc Lầu, dân chúng quen gọi cô Hai Lầu. Tuy đỗ đại khoa, tiếng tăm lừng lẫy, nhưng vì chán ngán thời cuộc, Thủ khoa Trần Xuân Sanh chọn cuộc sống ẩn dật. Cuộc sống thanh bần và trầm lặng đã khiến ngưòi đời ít hiểu tâm trạng ông, nhứt là văn thơ do ông sáng tác đã bị thất lạc, khiến người đời sau muốn tìm hiểu cũng rất khó khăn.
Vợ chết sớm, gia cảnh đơn chiếc, ông Thủ khoa Trần Xuân Sanh phải bước thêm một bước nữa để có người lo công việc trong nhà. Rủi ro, ông gặp người đờn bà điêu ngoa, đanh đá mang đến cho ông nhiều phiền muộn hơn là hạnh phúc. Cảnh nhà càng ngày càng sa sút do người vợ kế phung phí khiến ông lâm vào cảnh túng quẩn hơn, phải bỏ nhà dẫn con gái lên Mỹ Tho dạy học và hốt thuốc sinh sống. Chịu ảnh hưởng văn chương và học vấn của cha, cô Trần Ngọc Lầu sớm tỏ ra thông minh, sành thi phú. Hơn nữa, cô sớm trổ mã thành một thiếu nữ xinh đẹp, nên nhiều thanh niên con nhà quan thường tìm đến trêu ghẹo khiến cho bực mình. Tuy phận nữ nhi, nhưng trước vận nước lâm nguy, cô nữ sĩ Trần Ngọc Lầu cũng bày tỏ một tâm trang, một thái độ:
Non sông không thoát cơn mơ mộng
Sóng gió như khêu nỗi bất bằng
......................................................
Ai ơi, vì nước không lo liệu
Kẻo đến chân rồi hết nói năng.
(Qua Ba Bèo cảm tác)
Cô Trần Ngọc Lầu sống đồng thời với bà Sương Nguyệt Anh, con cụ Nguyễn Ðình Chiểu, nữ sĩ Trần Kim Phụng (1870-1928), cũng là một thiếu nữ văn hay chữ tốt, nên không tránh khỏi ong bướm trêu hoa ghẹo nguyệt... Tuy vậy, cô vẫn giữ gìn thái độ đứng đắn. Sau đó, nữ sĩ về quê ỡ Vĩnh Long gặp gỡ rồi kết bạn văn chương với một thanh niên có chí hướng, nghèo, hiếu học, tên Nguyễn Hữu Ðức, bút danh Phụng Lãm. Tình bạn văn chương chẳng bao lâu đổi thành tình yêu. Sau đó cả hai nên duyên chồng vợ. Cuộc sống êm đềm hạnh phúc chỉ kéo dài được hai năm. Ðức lâm bịnh, mất ở tuổi 26 khiến nữ sĩ Trần Ngọc Lầu ôm mối hận lòng:
Phụng Lãm ơi, người ở chốn nào?
Hai mươi sáu tuổi, một đời sao?
Tưởng câu cộng tháp, mồ hôi đổ
Nhắc chuyện tri âm, nước mắt trào
Sau đó gia đình Trần Xuân Sanh lại đổi qua ở Phong Ðiền, Cần Thơ để dạy học. Ðây là một vùng đất mới trù phú, nhiều đại điền chủ, cũng là nơi nhiều nhân tài và là tỵ địa các nhà ái quốc như cử nhân Phan văn Trị, Mạnh Tự Trương Duy Toản. Ở đây nữ sĩ Trần Ngọc Lầu có quen với một nhân vật tai mắt trong vùng, đó là Cai Tổng Lê Quang Chiểu sinh trong một gia đình giàu có nhờ ruộng đất, tuy làm quan cho Tây, nhưng vẫn còn ưu tư với vận nước và lưu tâm đến thời cuộc. Ông Chiểu rất kính trọng Cử Trị và coi như bậc thầy. Ông Chiểu là chú ruột của bác sĩ Lê văn Hoạch, kế vị bác sĩ Nguyễn văn Thinh làm Thủ Tướng Nam Kỳ từ tháng giêng năm 1947. Có người nói rằng ông là nội tổ (?)của bác sĩ Hoạch, một dòng họ có nhiều uy tín miền Tây trong nhiều thế hệ.
Giao thiệp văn chuơng, gần gũi rồi cảm nhau vì nghĩa nên chẳng bao lâu bà Trần Ngọc Lầu ăn ở với ông Chiểu chính thức như vợ chồng. Cuộc tình duyên nầy éo le, vì ông Chiểu đã có vợ nhà, lại đèo bòng thêm nên gia cảnh lục đục. Bà Lầu chán ngán, âm thầm dứt tình về quê, mặc dầu đang có thai 4 tháng. Ðứa con trong bụng bà sau nầy cũng là nhà thơ nổi tiếng tức Thường Tiên Lê Quang Nhơn. Một lần nữa, cuộc đời bà gặp cảnh sóng gió trong lúc gia đình hết sức khó khăn về vật chất... Về Vĩnh Long, bà phải gạt lệ bán bớt một số đất đai hương hỏa để trang trải nợ nần. Vì có nhiều lần tới lui tòa án Vĩnh Long, bà có quen với môt biện lý người Pháp đa tình. Người đó là Des Hameaux, biết được gia cảnh bà, nên đóng vai mộ mạnh thường quân giúp đỡ. Cám ơn nghĩa cử cao đẹp, nên khi viên biện lý Vĩnh Long cầu hôn, bà nhận lời. Cuộc hôn nhân bất đắc dĩ kéo dài đến năm 1980, biện lý Des Hameaux về Pháp và ở luôn bên đó. Từ đấy, bà Trần Ngọc Lầu an phận, lo nuôi day con cho tới thành người hữu dụng. Lê Quang Nhơn 21 tuổi, đậu bằng Thành Chung, bà Lầu có mời ông Chiểu qua nhìn con trong buổi tiệc long trọng tổ chức tại nhà mừng con thi đậu. Lê Quang Nhơn trở thành nguồn an ủi lớn của người đàn bà góa bụa lúc tuổi già.
Bà Trần Ngọc Lầu mất năm 1937 có để lại tập thơ NgọcLầu Thi Tập và một số bài thơ nói lên tâm trạng của kẻ sĩ trước thời cuộc.
(các trang 215, 216, 217, 218)
Theo tôi biết, các bậc đàng cựu cùng thế hệ với ông nội tôi bảo bà Trần Ngọc Lầu còn có cái tên Ngọc Bích. Còn cái tiểu danh của bà là cô Ba Lào, chứ không phải Hai Lầu. Nhà viết địa phương chí Huỳnh Minh trong quyển Vĩnh Long Xưa Và Nay đã xác định như thế.
Thi ca của nữ sĩ SƯƠNG NGUYỆT ÁNH
Thi ca của nữ sĩ Sương Nguyệt Anh được truyền tụng nhiếu nhất là bài Thưởng Bạch Mai. Ðây là bài ngụ ý ngụ tình để tác giả nói lên cái dung nhan bóng sắc cùng cái tiết hạnh phẩm giá của mình. Nhờ cách cấu trúc tinh vi, cách dụng ngữ tài hoa, cách chuốc lọc ngôn từ bóng bẩy và cho nên bài thơ nầy được truyền tụng khắp Bắc Trung Nam:
Non linh đất phước trổ hoa thần
Riêng chiếm vườn hồng một cảnh xuân
Tuyết đuợm nhành tiên in sắc trắng
Suong pha bóng nguyệt ánh màu ngân
Mây lành gió tạnh nương hơi chánh
Vóc ngọc mình băng bặt cõi trần
Sắc nước hương trời nên cảm mến
Non linh đất phước địa trổ hoa thần..
Bài thơ nầy được nhiều người họa, nhưng vẫn không theo bén gót bài thơ xướng. Ðây cũng là loại thơ ngụ tình pha trộn với loại thơ ấn tượng. Tác giả dùng nhiều ngữ pháp rất thơ mộng để chỉ cái đẹp trong trắng của hoa như: tuyết đượm nhành tiên, sương pha bóng nguyệt, ánh màu ngân, vóc ngọc mình băng. Và để tả mùi hương của hoa, tác giả không dùng chữ Thơm hay chữ Hương mà dùng câu: Mây lành gió tạnh nương hơi chánh. Ở đây hơi chánh còn có nghĩa là chính khí ở người quân tử để ngàn sau còn lưu lại hương thơm cho hậu thế (vạn cổ lưu phương). Thật là một câu tinh xảo, chẳng những hàm nhuận nét thẩm mỹ độc đáo mà còn súc tích ý tình thanh cao!
Tôi rất tiếc Trần Trung Viện tiên sinh khi soạn cuốn Văn Ðàn Bảo Giám, ở quyển VI chỉ trích hai bài họa của bà Sương Nguyệt Anh đối với một bài xướng của một nho gia và một bài xướng của vị phủ quan mà bỏ quên bài Thưởng Bạch Mai rất nổi tiếng của bà, một là do óc kỳ thị Bắc Nam xui tiên sinh muốn dìm tài bà, hai là khiếu thưởng ngoạn của ông không thẩm thấu được cái đẹp của bài thơ. Lại nữa, trong toàn bộ quyển Văn Ðàn Bảo Giám (gồm 4 tập) tràn ngập những bài thơ khuyết danh tầm thường xoàng xĩnh mà không có một bài nào của bà Trần Kim Phụng và của bà Trần Ngọc Lầu. Ðó cũng là trường hợp của Hoài Thanh và Hoài Chân khi soạn bộ Thi Nhân Việt Nam bỏ rơi những bài thơ đẹp của Khổng Dương, Hồ văn Hảo gốc người Nam Kỳ mà đi nhặt nhạnh những bài thơ non nớt của Mộng Huyền, Lưu Kỳ Linh, Lan Sơn... vốn người Bắc.
Trong cuộc xướng họa với thầy Bảy ở Mỏ Cày, bà có hai bài họa rất dí dỏm mà không kém giọng rất đoan trang thục nữ. Bài xướng như sau:
Ai về nhắn với Nguyệt Anh cô
Chẳng biết lòng cô nghĩ thế mô?
Không phải vãi chùa toan đón cửa!
Ðây lòng gấm ghé bắc cầu Ô...
Bài thơ tuy có vẻ trống trải, ỡm ờ, bờm sơm, nhưng vẫn có tấm chân tình. Nếu nó điêu xảo, giả dối thì đời nào nữ sĩ Sương Nguyệt Anh họa lại.
I
Chẳng phải tiên cô cũng đạo cô
Cuộc đời dâu bể biết là mô?
Lọng sườn dù rách, còn kêu lọng
Ô bịt vàng ròng vẫn tiếng ô.
II
Phải thời cô quả, chịu thời cô
Chẳng biết tuồng đời tính thế mô?
Dám thấy bụi trần toan đóng cửa
Ngọc lành chi để thẹn danh ô.
Thật ra những bài họa cho những bài của kẻ tỏ tình hoặc của kẻ cầu hôn mình, nữ sĩ Sương Nguyệt Anh chẳng những dùng làm bài cảm hoài để cho họ thông cảm tâm sự của bà mà còn để độc giả hiểu rõ hoài bão, chí hướng và ý tình của mình. Một ông phủ tân trào đã ngỏ ý với nữ sĩ như sau:
Phải gần với nguyệt lúc lưng vơi
Ðặng hỏi Hằng Nga nỗi sự đời
Ở hạ mây mưa còn kém sắc
Về thu non nước tỏ cùng nơi
Hay trông Dữu Lượng xây lầu trước
Hoặc đợi Thanh Liên cất chén vời
Vóc ngọc há sờn cơn gió bụi
Tài tình rõ mặt khá đua bơi.
Bà hoạ lại bằng hai bài, giọng điệu lại chán chường ngao ngán, nhưng đọc kỹ chúng ta vẫn bắt gặp ý tình cao khiết và khinh bạc:
I
Ðường xa vời vợi, dặm chơi vơi
Nghĩ nỗi mày xanh, ngán sự đời!
Biển ái nguồn ân còn lắm lúc
Mây ngàn hạc nội biết đâu nơi!
Một dây oan trái rồi vay trả
Mấy cuộc tang thương há đổi dời?
Chước quỉ mưu thần âu những kẻ
Gặp cơn nguy hiểm khó đua bơi
II
Hết lúc trăng đầy đến lúc vơi
Doanh hư trong cuộc phải coi đời
Ven mây bắn thỏ xa ngàn dặm
Ðáy nước cung thiềm tỏ khắp nơi
Nột trí đứa gian hiềm vẻ rạng
Vui lòng người triết thú đua bơi
Khơi dòng hối thực ưng ra mặt
Ðứng giữa trời xanh tiết chẳng dời
Những bài thơ cảm hoài của nữ sĩ thiếu cái tiểu xảo ở chỗ không dùng hình ảnh cụ thể để ghép thành một ý tưởng. Thuờng là những chữ trừu tượng, nhưng may thay cái man mác ngậm ngùi vẫn len lỏi và thấm nhuần vào mạch thơ. Hai câu có hình ảnh linh động để chỉ những kẻ săn tìm ảo ảnh như:
Ven mây bắn thỏ xa ngàn dặm
Ðáy nước cung thiềm tỏ khắp nơi.
Những câu như vậy họa hoằn lắm mới hiện diện trong các bài thơ họa. Sau nầy loại thơ tân cổ điển từ khi Ngân Giang nữ sĩ khởi xướng mới dùng thuật ghép hình ảnh thành ý tưởng cho thơ.
Bước qua loại thơ ái quốc, bà ít khi than thở khơi khơi. Ở bài tứ tuyệt bằng chữ Hán, bà đặt vấn đề khi nhìn sâu vào đại cuộc và thời thế:
Thái tức Trần gian sự cánh vi
Bỉ thương tạo hóa dụng tâm bi
Nam trì để cuộc hoàn nan giải
Tự tín đê hồi phản tự nghi
Cụ Lãng Nhân dịch như sau:
Ngán thay thế sự cứ sai lầm
Trẻ tạo bày ra chẳng dụng tâm
Cuộc ấy khó hay mà khó giải
Tự ngờ, tự tín, rối tơ tằm.
Thơ yêu nước của bà đa số vịnh vào những biến cố quan trọng xảy ra trong nước. Lời thơ khi thì hăm hở nồng nàn niềm tin tưởng, khi thì cảm khái xót xacho quốc dân đồng bào. Nhân dịp Hoàng Ðế Thành Thái ngự giá vào Nam, bà bày giải niềm cảm hoài của mình bằng bài thơ:
Ngàn thu mới gặp hội minh lương
Thiên hạ ngày nay trí mở mang
Tấc đất ngọn rau tràn dưới mắt
Ðai cơm bầu rượu chật ven đàng
Vui lòng thánh đế nơi xe ngựa
Xót dạ thần dân chốn lửa than
Nước mắt cơ cùng trời đất biết
Biển dâu một cuộc thấy mà thương!
Khi chứng kiến cảnh biệt ly của vợ chồng lính tùng chinh bên Pháp trong kỳ Ðệ nhất Thế Chiến (1914 - 1918), bà chia sẻ tâm sự với những người chinh phụ đáng thương qua bài:
Ðình thảo thành sao liễu hữu ti
Chinh phu hà nhật thị quy kỳ
Bán liêm tàn nguyệt thương tâm dạ
Nhất chẩm đề quyên lạc lệ thì
Tái bắc vân trương cô nhạn ảnh
Giang nam xuân tận tảo nga mi
Giác lai kỷ độ tương tư mộng
Tằng đáo quân biên trì bất tri?
Nguyễn Ðình Chiêm, em trai của nữ sĩ cũng là bậc danh si ở Gia Ðịnh và Ðịnh Tường dịch ra thơ tiếng Viêt. Song bài dịch không có hình đẹp bằng nguyên tác:
Cỏ rạp sân thềm, liễu rủ tơ
Chàng đi bao thuở lại quê nhà,
Nửa đêm trăng xế lòng ngao ngán
Chiếc gối quyên gào lệ nhỏ sa
Ải bắc mây giăng che bóng nhạn
Vườn xuân nắng tạc ủ mày nga
Nhớ nhau mấy lúc chiêm bao thấy
Ngàn dặm lang quân biết chẳng là!
Trong lối thơ ái quốc, Trần Ngọc Lầu thường cất giọng chì chiết tại sao quốc dân vẫn mải miết say ngủ giữa cảnh giang san nghiêng ngửa, tổ quốc lầm than. Còn Trần Kim Phụng trổi giọng lẫm liệt quật cường. Trong khi đó, bà Sương Nguyệt Anh kín đáo, ôn nhu và thùy mị hơn qua giọng thơ hàm súc thiết tha.
Thi ca của nữ sĩ TRẦN NGỌC LẦU.
Ba học giả gồm bà Phương Lan (qua quyển Anh Thư Nước Việt), Huỳnh Minh (qua quyển Vĩnh Long Xưa Và Nay) và Hứa Hoành (qua quyển III của bộ Nam Kỳ Lục Tỉnh) chỉ trích 4 bài thơ của bà Trần Ngọc Lầu cho chương khảo luận của mình. Trong đó có một bài thơ ẩn dụ, một bài khóc tình nhân, còn hai bài kia là bài cảm ngộ thân thế của nữ sĩ.
Có người đồn rằng mối tình đầu của bà với chàng thư sinh Nguyễn Hữu Ðức bút hiệu Phụng Lãm , quê ở làng Tân Giai (Vĩnh Long) chỉ là mối tư ước của đôi bên, chớ không phải là cuộc hôn nhân chánh thức. Nhưng, chàng Hữu Ðức yểu mệnh. Cho nên bà làm bài thơ khóc người yêu như sau:
Phụng Lãm ơi, người ở chốn nào?
Hai mươi sáu tuổi, một đời sao?
Tưởng câu cộng tháp mồ hôi hôi đổ
Nhắc chuyện tri âm, nước mắt trào
Chôn đất khối tình trời đất nhẽ!
Ðứt dây cầm nguyệt ruột gan bào!
Cảnh dời vật đổi, xem buồn nghiến!
Nhạn nhớ từng mây, cá nhớ ao.
Những nhà thơ nữ thời xưa ai mà chẳng có tâm sự? Nhưng tâm sự về cảnh ngộ, về duyên phận của bà lấn chiếm tâm sự vì cơn quốc phá gia vong. Vả lại sau cảnh nhà nghiêng ngửa, bà đã dan díu với kẻ kẻ dị chủng trong hàng ngũ Thực dân bạo chiếm nước ta. Như thế, bà làm sao khỏi nhột miệng khi cảnh tỉnh quốc dân ?
Nằm đêm nghĩ lại luống than thầm
Tài bộ như vầy đáng mấy trăm
Khôn khéo dễ thua người vịnh tuyết
Thông minh nào kém bạn thân cầm
Văn chương Tống Tín coi nhiều bợm
Từ điệu Như Hoành ngó vắng tăm
Chí dốc noi theo gương họ Mạnh
Kén lừa cho gặp khách tri âm.
Thật ra từ 5 năm chót của thập niên 60, khi Mỹ chưa đổ binh qua Miền NamViệt Nam, lễ giáo vốn khắt khe đối với phụ nữ huống hồ vào thập niên 90 của thế kỷ 19 và các thập niên 10, 20, 30, 4O, 50 của Thế kỷ 20 Cho nên, nữ sĩ Trần Ngọc Lầu cũng muốn sống trong khuôn nếp hiền phụ từ mẫu, nhưng bà không gặp được người tri kỷ để kết duyên. Bà dan díu với nhiều người để tìm gặp một người bạn đời lý tưởng. Ðiều ấy làm sao gây thuận nhãn, đẹp lòng những kẻ chung quanh. Cho dù có nhiều kẻ tài hoa sĩ khí cho thế mấy cũng vẫn chẳng có ai như chàng Thúc Sinh hay chàng Từ Hải chỉ biết yêu nàng Kiều mà không cần thân thế và dĩ vãng của nàng. Do đó, nghiệp lực đẩy đưa bà từ bến nầy sang bến khác, càng lúc càng xa cứ điểm an toàn của cuộc đời mình:
Mười hai bến nước, bến nào trong?
Kén chọn lâu nay chửa toại lòng
Nhắn nhủ cùng ai người quốc sĩ
Ngọc lành cao giá, thiếp trao không!
Rốt cuộc, bà Trần Ngọc Lầu gặp toàn những kẻ tâm địa hèn kém, dạ chuột lòng dơi, chỉ có cái tài đĩ miệng điếm mồm. Cho nên, bà nạng họ ra bằng những câu hăm he khinh bạc:
Cái giọng đôi ba thiếp đã từng
Trách ai vẽ bướm ghẹo hoa xuân
Thử lòng ả Trác, ai kìa chớ
Kháng diện chàng Tương, thiếp bảo đừng
Rờ vảy hàm rồng, khen lớn mật
Cắp non nhảy biển gẫm quen chưn
Làm thinh chẳng nói cho là ngộ
Nói lại e mang tiếng sẽ sừng
Theo các bậc cựu trào già nua đất Vĩnh Long mà thuở hoa niên tôi thường tiếp xúc thì càng lớn tuổi, bà Trần Ngọc Lầu càng trước tác những bài hưởng ứng cao trào chống Pháp càng nhiều hơn.
Nữ sĩ Phương Lan trong cuốn Anh Thư Nước Việt đã viết:
Người ta đã kể chuyện lại rằng: có một lần Ngọc Lầu đi thuyền từ Mỹ-tho về Bà-bèo cùng một số văn nhân nam giới, hôm ấy giông tố mịt mù. Ngọc Lầu đã làm thơ tức cảnh sau đây;
Dì gió ghen chi với chị Hằng
Mà đem mây trắng lấp cung trăng?
Non sông khôn thoát cơn mơ mộng
Sóng gió như khêu nỗi bất bằng
Lánh nạn bay dài chim mỏi cánh
Giận trời nghiến mãi cóc mòn răng
Ai ôi vì nước không lo liệu
Kẻo đến chân rồi hết nói năng.
Người ta thường nói, phong hoa tuyết nguyệt hay là núi non trăng gió là vương quốc của thi nhân, nhưng trăng gió ở đây của nữ thi sĩ Ngọc Lầu không phải là thứ... trăng gió cũ sáo, rổng tuếch của những thi nhan tầm thường.
Nếu không cảm hứng với nỗi căm hờn khi thấy đất nước Việt Nam bị bọn Tây-Dương bạch chủng dày xéo thì làm sao nói lên được ... mây trắng lấp cung trăng... và không căm thù bọn bạo tàn cướp nước, thì làm sao kêu to lên được?
(các trang 181, 182)
Thi ca của nữ sĩ TRẦN KIM PHỤNG
Rất tiếc, tôi không sưu tầm được một bài thơ trữ tình nào của bà Trần Kim Phụng. Ða số là thơ thù tạc, thơ ngụ tình, thơ ái quốc.
Thơ ngụ tình của bà được tiêu biểu qua bài Vịnh Cây Vạn Thọ để chỉ cái thân thế cao sang đài các, cái khí tiết trường tồn cùng với tuổi thọ của mình.
Tuổi già trường trải có ai qua?
Vạn thọ khang cường vốn đấy ta
Vững cội khoe cành xinh nét vẻ
Lớn chồi tủa lá lịch màu hoa
Tháng ngày thong thả cùng quan các
Tết nhứt khoe khoang với phú gia
Bởi có cái danh ai cũng chuộng
Nên người yêu mến chúc ông bà.
Vốn có tấm lòng ái quốc, có ý tưởng ưu thời mẫn thế cho nên nữ sĩ cảm khái trước cảnh ăn chơi của kẻ thống trị dân tộc chúng ta được biểu hiện qua anh Tây, của bọn gian thương mưu lợi chẳng kể gì nỗi đau của đất nước chúng dung thânđược điển hình qua chú Khách (tức là bọn Hoa Kiều). Và trong các cuộc ăn chơi đó thế nào mà chẳng có những kẻ mãi quốc cầu vinh hoặc bọn hững hờ truớc cảnh quốc phá gia vong. Xin đọc bài Cuộc Ruợu Nam Thành:
Cuộc rượu Nam Thành quá đỗi vui
Trộm xem ai nấy cũng say vùi
Anh Tây chếnh choáng quăng chai ngược
Chú Khách xì xồ ném chén xuôi
Giận đất lung lay không vững bước
Cười trời lững đững bỗng chân lui
Ðứng ngồi chẳng tiện, lôi thôi cả
Cuộc rượu Nam Thành quá đỗi vui.
Văn thơ ái quốc nằm trong khuynh hướng văn dĩ tải đạo. Nhưng yêu nước không phải chỉ có chuyện chống Thực dân Pháp mà còn phải hưởng ứng cao trào canh tân nước nhà, đề cao nữ quyền, khuyến khích sự tham gia của phụ nữ vào đại cuộc phục hưng xú sở. Cho nên khi ở Huế có tổ chức Nữ Công Học Hội, bà Trần Kim Phụng mượn vận sự ấy để cảnh tỉnh phụ nữ xứ mình. Học tập nữ công cũng chỉ là chuyện chăm lo cho gia đình. Ðó là chuyện thông thường đã từ nghìn xưa đã trói buộc phụ nự từ sân trước tới bếp sau. Ý của bà Trần Kim Phụng đâu chỉ muốn phụ nữ thu gọn cái thiên chức của mình trong phạm vi nhỏ hẹp một cách gọn gàng như thế. Bà mượn một chuyện nhỏ để phóng chiếu một vấn đề lớn lao:
Chị em ơi!
Chúng ta cũng da vàng máu đỏ
Nông nỗi nầy biết ỏ cùng ai?
Từ khi non nước tơi bời
Tấm thân bồ liễu nhiều lời đắng cay
Chị em sao ngủ dai quá vậy?
Chuông tự do khua dậy bên tai
Ầm ầm khua khắp mọi nơi
Sao mình không dậy trông người thử xem
Kìa phụ nữ chị em các nước
Bọn quần xoa cùng tiến bước lên
Chúng ta cũng bọn thuyền quyên
Cũng phường đồng bịnh đồng thuyền mà ra
Sao mà họ đờn bà như thế
Chị em mình càng kể càng đau!
..................................................
.................................................
Ngay ở giây phút tiễn bạn văn tên Ngô Vị Ðường lên đường nhậm chức vụ mới, ba vẫn ân cần khuyên nhủ:
Mai nầy bạn dấn bưóc lên đường
Phận sự chức quyền đặng vẻ vang
Chữ dạ chớ sai lời thiết thạch
Nghiêng vai đừng nệ gánh giang san
Tấc công Tạo hóa nên đầy đặn
Cái chí anh hùng mặc ngổn ngang
Phải gặp thế nào nên thế ấy
Sá điều ly hiệp với bi hoan.
TỔNG KẾT
Người đương thời và kẻ hậu thế vừa yêu tài vừa kính trọng bà Sương Nguyệt Anh nên vào thời Ðệ nhất Cộng Hòa ông Ðô Trưởng dành một con đường ở Thủ Ðô Sài Gòn mang tên bà. Bộ Quốc Gia Giáo Dục cũng lấy bút danh của bà để đặt tên cho một trường nữ trung học.
Bà Sương Nguyệt Anh là phụ nữ ngoại hạng về sắc, tài và đức. Trong khi đó, bà Trần Ngọc Lầu và bà Trần Kim Phụng chỉ ngoại hạng ở chỗ sắc và tài. Cái đức của họ không ở chỗ tứ đức tam tùng mà ở chỗ tấm lòng yêu nước. Cả hai biết dùng cái tài của mình vào công cuộc văn dĩ tải đạo. Cái đạo ở đây là cái đạo của đàn ông: Trai thời trung hiếu làm đầu. Còn bà Sương Nguyệt Anh chẳng những sống theo lý tưởng của câu thơ trên mà còn biết giữ gìn tư cách phẩm giá theo câu kế tiếp: Gái thì nết hạnh làm câu trao mình. Ðó là hai câu trong truyện thơ Lục Vân Tiên của thân phụ bà, nhà chí sĩ Nguyễn Ðình Chiểu, đã từng làm hai câu kim chỉ nam trong suốt cuộc đời của bà, nhưng được bà áp dụng ở một phương cách lớn rộng hơn.
Dòng thơ cổ điển của ba bà Sương Nguyệt Anh, Trần Ngọc Lầu, Trần Kim Phụng cùng với dòng thơ các bà nữ sĩ ở Quê Bắc như Nhàn Khanh, Cao Ngọc Anh, Ðào Vân Khanh, Chi Tiên đều là dòng thơ cổ điển dù đề tài ái quốc hay trữ tình đi nữa. Rồi tất cả bị lấn át bởi dòng thơ lãng mạn hay hiện thực của các bà Hằng Phương, Vân Ðài, Mộng Tuyết, Thu Hồng (lãng mạn) và Anh Thơ (hiện thực).
Sau cuộc chiến tranh Ðông Dương, dòng thơ lãng mạn hay hiện thực bị lu mờ. Nhưng dòng thơ cổ điển tái sinh, tuy nhiên nó mặc chiếc áo mới, rực rỡ hơn, thêu thùa tinh xảo hơn. Ðó là dòng thơ tân cổ điển với thuật dụng ngữ tân kỳ, với ngữ pháp hoa lệ mà trước thời chiến tranh Ðông Dương vài năm, nữ sĩ Ngân Giang đã áp dụng trong thi tập Tiếng Vọng Sông Ngân. Bên nam giới đã có Vũ Hoàng Chương, Ðông Hồ, Bùi Khánh Ðản, Hư Chu, Ðan Quế, Cao Tiêu, Thanh Vân, Phương Hồ hưởng ứng khi họ di cư vào Nam. Còn bên nữ sĩ (gồm Bắc, Trung, Nam) có Thi Ðoàn Quỳnh Dao với các bà Mộng Tuyết, Bạch Lãng (Nam), Quỳ Hương, Uyển Hương, Trùng Quang, Thu Nga, Vân Nương, Tuệ Nga, Phượng Tần, Ðinh Việt Liên, Nguyễn Việt Liên, Ngân Hà, Như Hiên, Cao Mỵ Nhân (Bắc) v.v...
Tuy hai cụ bà Cao Ngọc Anh, Ðào Vân Khanh (Bắc), Tôn Nữ Chung Anh, Tôn Nữ Hỷ Khương (Huế) có chân trong thi đoàn nầy nhưng họ vẫn giữ lối thơ cổ điển trước sao sau vậy. Riêng nữ sĩ Trần thị Tuệ Mai (Bắc) thì không rành thơ thất ngôn bát cú, dù ở trong thi đoàn, nhưng chị muốn dùng đôi hia bảy dặm bay đến tuyệt đỉnh thi đàn cho theo kịp trào lưu thi ca thay đổi không ngừng.
Như thế, thơ ba bậc nữ lưu thời cận đại đất Nam Kỳ là Sương Nguyệt Anh, Trần Ngọc Lầu, Trần Kim Phụng càng lúc càng bị dồn vào quá khứ tối tăm, chỉ còn là cái vang lạnh ngắt, cái bóng nhạt mờ.
Nhưng trong văn học sử nước nhà, những ai biên khảo về bộ môn thơ vẫn không nên quên nhánh thơ yêu nước. Nếu đuợc vậy thì tên tuổi của ba bà Sương Nguyệt Anh, Trần Ngọc Lầu, Trần Kim Phụng luôn luôn hiển thánh trong nhánh đó.
TÀI LIỆU BIÊN KHẢO:
-Văn Ðàn Bảo Giám của Trần Trung Viên do Mặc Lâm xuất bản (1968).
- Anh Thư Nuớc Việt của Phương Lan do Xuân Thu tái bản (không đề năm).
- Nam Kỳ Lục Tỉnh (quyển III) của Hứa Hoành do Văn Hóa xuất bản (1993).
- Hương Sắc Quê Mình của Lãng Nhân do Làng Văn xuất bản (1993).
– La Vie Sexuelle dans la Chine Ancienne của Robert Van Gulik do Gallimart xuất bản (1951).
– Di cảo tập thơ dịch của cụ Văn Lang Trần văn Ân (Rennes, Pháp quốc).
|
|
Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003 |