|
|
Truyện/Ký |
NẮNG QUA THỀM
|
HỒ TRƯỜNG AN - đăng lúc 04:57:48 AM, Apr 20, 2005
Quân có hai bà chị họ cùng chung một họ, cùng chung một ông sơ bên nội, nhưng khác bà sơ. Ông cố Hai của chàng là con bà vợ lớn. Còn ông cố ruột và ba cố Tư của chàng là con bà vợ nhỏ. Ông cố Hai tức là ông cố ruột của hai nguời chị họ đó. Tuy thế, gia tộc của Quân cùng quây quần trong cái Xóm Cầu Kè thuộc làng Long Ðức Ðông theo kiểu tứ đại đồng thôn chứ không như các đại gia tộc quý phái bên Tàu sống theo kiểu tứ đại đồng đường.
Ông thân sinh của hai chị Băng Thanh và Tuyết Anh là cháu đích tôn của ông cố Hai, còn cha của Quân là cháu đích tôn của ông cố ruột của chàng mà hai chị gọi là ông cố Ba. Cho nên cha của hai chị và cha của Quân phải trông nom ngôi nhà hương hỏa của ông nội mình. Hai ngôi nhà ấy ở gần nhau, kiểu kiến trúc giống nhau, cách nhau một cái lạch nuớc viền những khóm ô-rô, những cụm bình bát xanh tươi, có chiếc cầu tre bắc qua. Ðó là kiểu nhà ba gian hai chái, sân lót gạch tàu đỏ tím như ruột trái du đủ xiêm. Hai nhà chỉ có khác nhau chăng ở chỗ ở giữa sân trước của cha của Quân có bày hòn non bộ, còn nhà bác Hai Chức (thân sinh của hai chị Băng Thanh và Tuyết Anh) có trồng trong bồn giữa sân một cây chuối kiểng thật to, tàu lá xếp hình rẽ quạt. Dưới hai chị Băng Thanh và Tuyết Anh có người em trai tên Khiết, nhỏ hơn Quân một tuổi, một nhâ vật lu mờ nhạt nhẽo nhất trong giới họ hàng cùng một thế hệ với Quân. Trên Quân là chị Hương Khuê, mặt lẳng ngầm, hễ mỗi khi chị cười là cặp mắt chị tít lại, rồi đưa đẩy tròng mắt ướt lóng lánh. Vừa mới 16 tuổi, chị bị anh Cẩn, thứ nam của ông bà Bang Biện Trọng dụ dỗ mang thai. Túng thế, ba má Quân điều đình vói ông bà Bang Biện Trọng gả chị luôn cho tên tiểu tặc dâm bôn kia. Chị Hương Khuê phải về chợ Ngã Tư, cách tỉnh Vĩnh Long 4 cây số để làm dâu cho ông bà điền chủ miệt vườn kia. Tuy ba má gả trôi được cô con gái thuồng luồng hổ mang kia, nhưng Quân hầu như không nghe ba má nhắc nhở tới chị Hương Khuê. Thỉnh thoảng chị có về thăm nhà, nhưng chưa bao giờ ở chơi trọn ngày; lúc đến và lúc đi, lúc nào chị cũng lặng lẽ như một cái bóng. Họa hoằn lắm, ba má Quân mới đi thăm chị, nhưng không bao giờ ở chơi với ông bà thông gia của mình một ngày.
Tuổi hoa niên của Quân bắt đầu t ừ am 1938. Lúc đó đất nước nằm trong tình trạng khủng hoảng kinh tế. Hàng hóa nhập cảng rất nhiều mà dân chúng không có tiền mua. Bên trời Âu, ngọn lửa Ðệ nhị Thế Chiến vừa mới ngún cháy. Chị Băng Thanh và chị Tuyết Anh đang học trường Áo Tím bị bác Hai Chức gọi về quê. Bác gái an ủi: – Con gái đâu cần học nhiều. Hai đứa bây học tới năm thứ ba ban Thành Chung như vầy cũng đủ văn minh tân tiến rồi. Bây về đây nên lo trau giồi công dung ngôn hạnh thì thiếu gì trai trẻ con nhà tử tế quanh vùng nầy nhờ cha mẹ tụi nó cầm trầu cầm cau cuới bây về làm vợ. Thuở đó, Quân mới ngồi lớp Ðệ nhất niên ban Thành Chung trường Cao tiểu Cần Thơ (Collège de Cần Thơ). Vào dịp bãi trường, chàng ôm rương tráp về quê nhà nghỉ mát suốt hai tháng hè. Nhân dịp nầy, chàng mới có dịp gần gũi và khắng khít với hai chị hơn. Còn Khiết vì không trúng tuyển vào trường Lycée Pétrus Ký nên anh phải học trường Tư thục Huỳnh Khương Ninh ở Sài Gòn. Bác Hai Chức trai thừa biết con mình học hành không mấy sáng dạ, chưa chắc theo đuổi hết chương trình ban Thành Chung. Chị Tuyết Anh ngắm nghía Quân: – Chị không ngờ chỉ trong vòng một năm mà em đã có lưng dài vai rộng như thế nầy. Em tuy lớn hơn Khiết một tuổi mà cao lớn hơn Khiết nhiều, lại còn cứng cáp vững vàng nữa. Quân nhìn trân trối hai cô chị họ. Về nhan sắc, chẳng có chị nào vượt mức trung bình. Nhưng chị Băng Thanh không chịu xấu; mặt mũi chị không có nét thô, chị lại còn trắng da dài tóc nữa. Nhưng những chi tiết trên khuôn mặt chị thiếu nét hài hòa, vẻ mặt chị lại cau có khó chịu như nét mặt kẻ mang bịnh táo bón kinh niên. Chỉ nhìn chị thoáng qua, người đối diện như bị một sức đẩy tuy nhẹ nhàng nhưng dứt khoát. Chị có vóc mình mảnh khảnh, vai mỏng, mông nhỏ. Nhưng mà quỉ ơi, đôi mắt chị có tròng đen quá nhỏ vì bị tròng trắng húng hiếp, lấn át. Ðã vậy chị lại hay trừng hay trợn nên trông chị dữ tợn và hậm hực, bất an. Còn chị Tuyết Anh có màu da hơi ngăm đen, cặp mắt hơi trố, hàm răng hơi vẫu. Những chi tiết đó tuy không kéo chị lên hàng ngũ mỹ nhân, nhưng cũng không thể dìm chị xuống hàng chị em, dì cháu, mẹ con bà Chung Vô Diệm được. Nhưng chị có nhiều cử chỉ quá trớn, ưa nguýt háy, nhúng trề, õng ẹo, véo von. Nghiệt một nỗi, những biểu lộ tình cảm tô đậm sắc thái ấy quá trơ trẽn, được diễn tả bằng giọng khàn đặc, nhưng cố tình làm ra âm sắc hổn hển, nũng nịu một cách gượng ép. Cũng như chị Băng Thanh, chị không chịu xấu để người xung quanh thương hại. Chị thừa biết mình không đẹp, nhưng muớn lôi kéo sự chú ý của kẻ khác nên chị tạo những cử chỉ và ngôn ngữ... quá đặc biệt. Tuy nhiên, chị tính sai vì những cái giả tạo đó chỉ làm người đối diện nhột nhạt tê tê như phải nghe tiếng vót tre vót nứa. Vừa gặp Quân, chị Băng Thanh không ba hoa vồn vả như chị Tuyết Anh đâu. Chị lãnh đạm nhìn Quân. Cặp mắt chị dù không trừng không trợn, nhưng lại dội lên xương sống chàng một gáo nước lạnh cóng. Chị cười gằn: –Sung sướng quá! Con trai thì được gia đình cho ăn học tới nơi tói chốn. Chỉ có bọn gái tụi nầy dẫu có học hành xuất sắc cho thế mấy cũng bị gia đình, gia tộc dìm tài, nhốt kín cái óc thông minh họ, bức tử con đường tiến thân của họ trong xã hội. Chị ngoe nguẩy vào căn bếp. Một lát sau, chị bưng ra ba chén tào hủ màu ngà non trộn bánh lọt xanh màu ngọc thạch được chan xâm xấp lớp nước đường màu ngọc mã não và nước cốt dừa trắng như sữa. Chị ân cần: – Em hãy ăn món nầy với tụi chị cho vui. Chốc nữa em ăn cơm luôn ở đây. Hôm nay, chị có đi xuống ông thợ đóng đáy mua được con cá bông lau để nấu canh chua dưa măng và một mớ tôm càng để tẩm bột chiên giòn. Thật tình Quân không sao hiểu tâm lý và cách cư xử của cô thiếu nữ tuy chưa làm gái già mà trở nên kỳ quặc nầy. Chàng sang đây thăm hai cô chị họ của mình là cốt mượn mấy cuốn tiểu thuyết của nhóm Tự Lực Văn Ðoàn về đọc giết thời giờ. Cây phượng vỹ ngoài cổng đã thịnh phóng hoa đỏ rực như gấm đại hồng. Giàn thiên lý trong sân kết những chùm hoa bích lục tươi nõn. Những ngày bãi trường xán lạn hãy còn dài. Vắng những cuộc phiếm du, vắng mấy cuốn văn chương thấm mát hơi sương lãng mạn và vắng một bóng hồng để mơ ước thì đối với chàng mùa hè trở nên vô vị một cách đáng ghét. Chàng đã có một bóng hồng là cô Thu Cảnh, con của thầy Hương hào Trần Sĩ Hiệp. Chàng cũng có mấy quyển tiểu thuyết thuộc tủ sách Phổ Thông Bán Nguyệt San được sắp xếp ngăn nắp trên kệ sách, nhưng xem thét thành nhàm. Chàng đã nghĩ đến toàn bộ tiểu thuyết của các tác giả trong nhóm Tự Lực Văn Ðoàn mà hai chị Băng Thanh và Tuyết Anh đã chắt chiu sưu tầm từ bao năm qua.
Vào thập niên 30, một cô gái thuộc bậc trung lưu cấp cao, học tới bậc Trung học dù hơi kém bóng sắc, nhưng được gia sản cha mẹ và một ít chữ nghĩa đấp điếm cũng đủ làm cho nhân diện và vóc dáng đương sự được đánh bóng mượt mà hẳn lên. Nhưng dung nhan hai chị Băng Thanh và Tuyết Anh lại không tụt xuống dưới mức trung bình bao nhiêu. Họ lại rành nữ công, biết thêu Tây lẫn thêu Tàu, và biết làm nhiều loại bánh xưa lẫn bánh nay. Bởi thế, cũng có vài nơi điền chủ khá giả cậy mai mối đến nhà bác Hai Chức để hỏi cưới hai chị cho con trai họ.
Mỗi khi đi ra chợ tỉnh, hai chị vẫn mặc áo dài màu tím. Không hẳn đó chỉ là hai màu áo kỷ niệm thời nữ sinh thơ mộng đối với hai chị đâu. Hai chị mặc áo tím cốt để ngầm khoe với những kẻ quen biết cùng hàng xóm láng giềng rằng hai chị là kẻ tân học trong khi các cô thiếu nữ nhà giàu khác trong làng, trong xóm đâu có thể leo lên bậc Trung học như họ. Hai chị khéo bày những cảnh để trai gái trong vùng chiêm ngưỡng. Bác Hai Chức có cất cái nhà mát gie ra ra dòng rạch chảy trước nhà. Chiều chiều, gặp thời tiết tạnh ráo, hai chị Băng Thanh và Tuyết Anh mặc áo bà ba bằng lụa Hà Ðông, quần sa teng tuyết nhung đen, đem sách ra nhà mát để đọc hoặc đem kim chỉ ra thêu thùa. Những ngưòi trong xóm mỗi khi chèo ghe hoặc bơi xuồng ngang qua nhà mát đều có thể trông thấy cảnh nhị kiều hóng mát như thế. Nhà mát cất theo lối thủy tạ, hình lục giác, mái lợp ngói ống, lan can bao quanh sơn son. Bác Hai Chức biết đủ cách sống phong lưu tao nhã. Mỗi năm vào xuân thu nhị kỳ, bác được hai cuốn catalogues tên là Fayettes và hai cuốn catalogues tên là Au Bon Marché từ bên Pháp gởi qua để bác có thể gởi mua hàng hóa và vật dụng sản xuất bên Pháp như chén dĩa, đèn măng-sông , đồng hồ treo trên vách, rèm màn dệt đăng-ten cùng nồi niêu, soong chảo bằng nhôm hay bằng đồng... Bởi đó, nhà bác có nhiều món cổ ngoạn bằng sứ Limoges hay các món ly cốc, bình hoa bằng pha lê sản xuất vùng Vosges. Riêng hai chị Băng Thanh và Tuyết Anh có thể mua những món tơ lụa do người Pháp chế tạo để may mặc. Quân vốn có tình lý đồng cân từ bẩm sinh. Từ thuở hoa niên đến tuổi thanh xuân, chàng chỉ mơ mộng lai rai, chơi đàn qua quít, yêu đương sơ sịa, si tình phơn phớt để cuộc sống thêm đôi chút hương vị đậm đà, để ý tình thêm dịu ngọt. Chàng không để tâm trí mình lún sâu vào bất cứ công việc gì ngoài việc học hành. Chàng cũng không mơn man một lý tuởng nào hoặc một mục đích thuộc về tinh thần nào để khỏi bị mắc kẹt mà không thể tháo gở dễ dàng, không thể rút ra trơn tru. Cho nên khi trò chuyện tương đắc với hai chị Băng Thanh và Tuyết Anh rồi, tự dưng chàng có linh cảm rằng đây là hai kẻ đam mê nồng nhiệt, sống chết với cái ảo tưởng mà họ lầm cho là cái lý tưởng. Cái ảo tưởng đó sẽ biến họ thành kẻ cuồng tín, nếu không nguy hiểm thì cũng dở hơi. Hai chị rất say mê nhân vật Dũng trong quyển Ðôi Bạn của Nhất Linh và hình ảnh chàng trai tóc lộng ơi bời gió bốn phương trong bài thơ Giây Phút Chạnh Lòng của Thế Lữ. Những ngày nhàn rỗi ở quê nhà càng làm cho hai chị ngóng đắm đuối về một phương trời xa xăm có cái lý tưởng phụng sự tổ quốc treo lủng lẳng như một thứ trái cấm. Ôi, thứ trái cấm ấy từ vài năm qua đã quyến rũ óc phiêu lưu của lớp người trẻ chuộng lý tưởng. Chị BăngThanh than thở: – Cuộc sống ở đây đều đặn quá, Quân à. Chị phải làm một cái gì mới được. Chỉ nghĩ tới ngày tháng dồn đống trước mặt mà chị bắt rùng mình. Chị Tuyết Anh đồng ý: – Ừ, chẳng lẽ chúng mình hết lo cơm sáng tới lo cơm chiều, thỉnh thoảng làm một tảng bánh để làm quà đám giỗ cho hàng xóm hay sao? Chẳng lẽ cuộc đời chúng mình chịu đóng khung cứng ngắc nơi đây, chịu ngưng đọng như nước ao tù hay sao? Quân cười thông cảm: – Nghe nói hai chị giỏi Quốc văn. Tại sao hai chị không làm thơ hay viết văn xuôi cho vui? Ô, lạ chưa! Cặp mắt của hai chị sáng háo hức chưa từng có! Thuở đó phụ nữ miền Nam viết văn và làm thơ chỉ có bà Mộng Tuyết (vợ nhà thơ Ðông Hồ) và bà Quỳnh Hoa (tên thật là Mai Huỳnh Hoa, vợ nhà cách mạng Phan văn Hùm). Trên nữa có bà Sương Nguyệt Ánh (con gái cụ Ðồ Chiểu và cũng là bà ngoại bà Quỳnh Hoa) giỏi thi ca, khi sáng lập tạp san Nữ Giới Chung thì nổi tiếng như cồn. Ngay ở tỉnh Vĩnh Long đã có nhà thơ nữ Trần Ngọc Làu và ở tỉnh Sa Ðéc có nữ sĩ Trần Kim Phụng đều nổi tiếng về thơ cảm hoài và thơ ái quốc. Quân không ngờ lời đề nghị vu vơ của chàng cũng đủ làm niềm hứng khởi đã bèo nhèo héo úa của hai cô gái đợi chồng kia bỗng tươi biếc rườm rà ngay. Trước đó, chị Băng Thanh có một tập giấy bìa cứng vẽ đầy những hình kiểu bông thêu. Còn chị Tuyết Anh cũng có tập bìa cứng để chị ghi chép cách làm các món ăn cổ truyền... Bây giờ chị Băng Thanh sắm thêm một tập bìa cứng khác để làm tập nhật ký lẫn tập ghi chép những thiên đoản văn và tùy bút của mình. Còn chị Tuyết Anh cũng sắm môt tập bìa cứng thứ hai để chép những bài thơ do chị sáng tác. Tạp văn xuôi của chị Băng Thanh có cái bìa được phất giấy nổi vân màu hồng đan tức là màu đỏ pha màu xám trân châu. Còn tập văn vần của chị Tuyết Anh màu lam thạch tức là màu xanh pha xám nổi những chấm sao kim nhũ lấp lánh. Chị Băng Thanh dùng mực xanh để chép lại những điều ghi từng ngày có biến cố đáng kể và những đoạn văn cảm hứng đẹp như thơ trên tờ giấy nháp, bởi thế nên cách trình bày trang nhật ký rất sạch sẽ và ngoạn mục. Còn chị Tuyết Anh cũng làm thơ trên các trang giấy nháp trước khi chép vào tập thơ bằng mực tím tươi và bằng lối chữ nắn nót.
Mùa hè chỉ mỏng bớt có hai tuần. Giữa lúc Quân trút bao tâm cơ vào cuộc ve vãn Thu Cảnh thì hai chị miệt mài sáng tác lai láng như nước sông mùa mưa. Họ không còn thấy ngày tháng mênh mông cuốn hút họ vào cái trống rổng bát ngát đến rợn ngợp và chới với nữa. Dù viết văn xuôi hay sáng tác văn vần, hai chị đều theo chủ trương văn dĩ tải đạo, chứ không ghi chép niềm rung động trữ tình nào, không để cho một thoáng gió lãng mạn mong manh nào lọt vào câu văn hay câu thơ của họ. Chị Băng Thanh sưu tầm thi ca các nhà ái quốc cận đại như Nguyễn Ðình Chiểu, Phan văn Trị, Huỳnh Mẫn Ðạt, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng và của nhóm Ðông Kinh Nghĩa Thục vào một tập giấy thứ ba của mình đuợc Quân vẽ hình hai bà Trưng cuỡi voi ở bìa. Chị Tuyêt Anh dùng màu huyết dụ tô lên hàng chữ kẻ trên vuông giấy bristol có màu trắng bóng như men sứ:
Phấn son tô điểm sơn hà Làm cho rõ mặt đàn bà nước Nam.
Quân ráo riết ve vãn Thu Cảnh khi về quê nghỉ hè đuợc hai tuần. Thu Cảnh bình thản đón nhân tình yêu của anh bạn hàng xóm, không vồ vập nồng nàn mà cũng chẳng uể oải thờ ơ. Nhưng trong đáy mắt cô, một ánh xán lạn ngời ngời chiếu ra làm sắc mặt cô rạng rỡ, làm nụ cười cô càng đậm đà hẳn lên. Thu Cảnh ngây thơ, hiền dịu, hơi ngu ngơ, nhưng vẻ mặt thật trong sáng và thật phiêu hốt. Cô vô tư đến độ như một mẫu người nguyên sơ, cho nên có kẻ bảo cô hơi ngu đần. Nhưng chính ở cái ngây ngô thánh thiện của cô làm cho tâm hồn Quân rạng ngời một thu ánh sáng lạ lẫm, làm cho trái tim chàng ấm áp với một ý tình khó diễn tả mỗi khi chàng trò chuyện và tiếp xúc với cô. Thu Cảnh sớm mồ côi cha. Gia sản của thầy Hương hào Trần Sĩ Hiệp khánh kiệt vì sự bê tha trụy lạc của thầy. May mà thầy còn chừa lại cho hai mẹ con cô mười mẫu ruộng, một mẫu vườn và nếp nhà một gian hai chái để hai mẹ con cô sống đấp đổi qua ngày. Dạo gần đây, thím Huơng hào Hiệp gọi cô em gái góa chồng của mình về ở chung.. Ðó là cô Lan Chi, tuổi vừa ba mươi, có một đứa con gái lên năm. Hai chị em bày ra việc làm bánh xếp và bánh xùng đem bán ở chợ Cầu Lầu. Thu Cảnh vừa đỗ bằng sơ học rồi ở nhà phụ giúp dì cô xay bột để làm bánh. Ngoài ra cô còn lo việc bếp núc và quét dọn từ nhà trong tới ngõ ngoài. Thu Cảnh rất được lòng hai chị Băng Tâm và Tuyết Anh. Nụ cười hơi ngơ ngác và nét mặt hơi khờ khạo của cô luôn hóa giải những nỗi sần sượng và gút mắc trong lòng những kẻ xung quanh trong đó có hai người chị họ của Quân. Cô yêu mến tất cả mọi người, nhưng không tỏ vẻ bám víu tha thiết với bất cứ ai. Cô hay giúp đỡ mọi người bằng tấm lòng tận tụy hiếm có. Cô không đua đòi, không so sánh mình với bất cứ ai. Cô sử dụng triệt để những vật gì đã nắm bắt trong tay và không bao giờ ao ước nhũng gì của kẻ khác.
Gia đình thím Hương hào Hiệp ăn uống thanh đạm, có khi cả tháng ròng họ mới ăn được thịt heo. Họa hoằn lắm họ mới mổ gà mổ vịt. Có lần Quân đến thăm Thu Cảnh vào lúc thím Hương hào Hiệp và mẹ con cô Lan Chi đi ăn giỗ ở cuối làng Long Thanh. Thu Cảnh mua một mớ cá mồng gà lụn vun tuy không ươn, nhưng không còn tươi lắm. Nhưng cô biết cách ngâm cá vào nước lạnh pha muối để cá tươi hơn và cứng mình lại. Cô nấu cơm bằng gạo nàng quớt thô tháp và không đuợc trắng lắm trong cái om đất nhỏ. Cá không được kho bằng nước mắm ngon mà chỉ kho bằng tương hột. Vậy mà cơm vẫn dẻo bùi, cá kho vẫn thấm tháp ngon lành với gia vị nêm nếm vừa vặn. Ðặc biệt nhất là rổ rau hoang dại gồm rau dừa, rau nhút, rau đắng biển, rau mác xanh tươi mòng mọng để chấm vào nước cá kho và vào mắm nêm dầm tỏi ớt. Hôm đó Quân được Thu Cảnh mời dùng cơm. Món ăn tuy thanh đạm, nhưng vì lạ miệng nên chàng ăn ngon lành; nhất là khi chàng ngắm niềm vui an phận rạng chiếu trên khuôn mặt của Thu Cảnh. Chắc chắn cô thiếu nữ dễ thuơng nầy hoàn toàn hạnh phúc với hoàn cảnh hiện tại. Cô không chỉ chấp nhận nó bằng sự lạc quan hồn nhien đâu, mà cô còn nếm tất cả mật ngọt kỳ diệu ẩn trong đời sống nữa. Cô tận hưởng món ăn trong miệng nhai như tiếp nhận một ân sủng, không ngẩng cổ lên cao để cầu xin Thuợng Ðế thêm một hồng ân nào khác nữa. Thu Cảnh ăn chay mỗi tháng 10 ngày. Gặp hôm hết tương, chao, tào hủ, mì căn, cô hái rau giền, rau muống, đọt lang và đọt mì đem luộc để chấm muối ớt vắt chanh. Vậy mà cô vẫn ăn uống ngon lành, mắt lóng lánh một niềm vui kỳ diệu, trở nên đẹp khó tả. Thỉnh thoảng hai chị Băng Thanh và Tuyết Anh có làm bánh xèo và đúc bánh khọt thường kêu Thu Cảnh qua ăn. Cô trầm trồ suýt soa từng thứ bánh, ăn bánh một cách thống khoái hả hê để rồi sau đó cô không hề nhắc nhở tới nó và ao ước đuợc ăn lại. Ở cô, Quân có cảm tưởng rằng cô chỉ nắm bắt cái gì đang xảy đến, không hề nhìn quãng đời sau lưng hay mường tượng những gì sẽ đến. Cô sống ngoan ngoãn, đơn giản và hạnh phúc như con chim tu hú phải véo von khi gió xuân về, con cá phải tung tăng bơi lội, con ve phải ca hát vào mùa hè nắng ấm, không thể khác hơn.
Mùa hạ, cây ô-môi bên lạch nước trổ bông màu hồng đào ửng ánh tim tím, những cây sung nằm vắt qua ao trổ những chùm trái tròn trĩnh dễ thương. Thu Cảnh ngỏ ý với Quân: – Ở đây vui quá, anh Quân à. Em yêu mọi nơi trong cuộc đất xóm mình. Em thấy cái gì cũng ngồ ngộ dễ thuơng, thấy ai cũng có nhiều cái đáng mến. Chẳng hạn như cây sung nầy, những khóm sen trong ao kia. Lại còn những cây dương, cây sao cao vút ở cuối xóm nữa. Và anh có thấy mấy phiến đá ong ở bên cạnh ao bắt đầu đóng rêu xanh biếc và cả tảng đá xanh nằm dưới gốc cây da xà buông rể thướt tha từ cành to nhánh nhỏ không anh? Cái gì cũng làm em thích ngắm tới ngắm lui. Em yêu thích mọi thứ vừa kể mà không hiểu tại sao mình yêu thích. Mà hiểu để làm gì, hả anh? Nếu mình yêu thứ gì thì hãy ngắm nó, không cần nó phải thuộc về mình. Nhưng mà nầy anh, hồi xưa chỗ tảng đá xanh là chỗ của những cái hỏa lò bể, những đồ gốm bể. Sau đó, má em dẹp hết để đặt tảng đá xanh mà má cho rằng đó là Ông Tà mà má phải thờ phụng để ông ta ban phước cho mình. Lúc đầu, em cảm thấy buồn buồn tiêng tiếc những món đồ bể đã từng quen thuôc với cặp mắt em, với tâm tình em. Nhưng tiếc những cái gì mà mình không thể lấy lại để làm chi? Cho nên sau đó, mỗi khi ngắm nghía tảng đá xanh kia thét rồi em cảm thấy nó gần gũi mình, và em cũng thích nó như đã từng thích những món đồ bể kia. Thì ra, nó dần dần quen thuộc với em từ lúc nào mà em cũng không hay. Lúc Thu Cảnh nói, cặp mắt cô đẹp dễ sợ, sắc mặt tươi nhuận và xán lạn dị kỳ như thu hút mọi cái đẹp chung quanh. Giọng cô mỏng và thanh. Cô là mẫu người tuy không quá trái ngược với hai chị Băng Thanh và Tuyết Anh, nhưng có vô số điểm khác với họ. Quân tuy không hiểu những gì Thu Cảnh nói, nhưng khi nhìn nụ cười âu yếm của cô cùng sắc mặt thần tiên phiêu dật của cô, chàng biết rằng nơi nội giới bao la thăm thẳm của cô có một niềm thân ái thật mầu nhiệm, trong mát làm chàng có cảm tưởng như đuợc tuới tẩm bằng dòng sương ngọt trong tịnh bình của Ðức Quán Thế Âm Bồ Tát. Chàng thừa hiểu rằng về vấn đề nội tâm tràn ngập ánh sáng tâm linh kia, làm sao Thu Cảnh diễn tả trọn vẹn và minh mạch những điều cô cảm nhận. Nhưng cô cần phải nói với Quân vì cô tin cậy Quân. Và vì chỉ ở Quân thôi, cô có thể gửi gấm thông điệp nội tâm của cô.
Rồi mùa hè năm 1942, hai chị Băng Thanh và Tuyết Anh hẹn hò cùng lũ bạn đồng tâm đồng chí đến suối Lồ Ồ để cắm trại, để nghe nhóm Lưu Hữu Phước, Mai văn Bộ và Huỳnh văn Tiểng diễn thuyết về vận hội mới của thanh niên trước cao trào giành lại chủ quyền cho dân tộc. Khi về tới nhà, tinh thần hai chị bừng bừng phấn khởi và họ sẵn sàng nhập vào đại cuộc để giai phóng dân tộc ra khỏi ách nô lệ của bọn Thực dân Pháp. Họ được thầy lục sự Thông bên chợ tỉnh dạy hát những bài cổ súy lòng yêu nước của Lưu Hữu Phước như Thanh Niên Hành Khúc, Lên Ðàng, Xếp Bút Nghiên, Hội Nghị Diên Hồng, Chi Lăng, Bạch Ðằng Giang, Khúc Khải Hoàn... Về sau, Quân không lấy làm lạ, khi Việt Minh lên nắm chánh quyền, hai chị Băng Thanh và Tuyết Anh gia nhập vào Phong Trào Thanh Niên Tiền Phong một cách hăng hái. Chị Băng Thanh giữ chứ Chủ tịch Hội Phụ Nữ Tiền Phong, còn chị Tuyết Anh không mấy hài lòng khi được cấp trên giao cho chức Phó chủ tịch. Nhưng chừng một tuần lễ sau, chị vận động để nắm chức Chủ tịch Hội Hồng Thập Tự. Hai hội này ở ngoài chợ tỉnh. Hai chị có quen tên Bảy Việt giữ chức Trưỏng ban Quốc Gia Tự Vệ Cuộc cũng ở ngoài tỉnh, nên vận động với y ta để đẩy anh Khiết vào ngành đó với chức vụ truởng toán. Ghê thay, ngành Quốc Gia Tự Vệ Cuộc bắt bớ, thủ tiêu hoặc xử tử quá nhiều, quá bừa bãi những người địa chủ, những kẻ mà họ nghi làm tay sai cho Thực dân Pháp. Cứ cách vài ngày là có Tòa Án Nhân Dân đem ra đấu tố và hành quyết những kẻ mà họ bắt giam. Khiết bị khủng hoảng tinh thần trở nên điên khùng, ngày tối cứ tìm góc tối, nói lẩm bẩm một mình.
Chẳng bao lâu, Việt Minh đổi danh xưng Thanh Niên Tiền Phong thành lực lượng Nông Công Dân Cứu Quốc Ðoàn. Hai chị Băng Thanh và Tuyết Anh hăng hái xé lá cờ Thanh Niên Tiền Phong với nền vàng ngôi sao đỏ để treo lá cờ nền đỏ ngôi sao vàng và lá cờ nền đỏ nổi hình búa liềm vàng trên mái nhà.
Ít lâu, Pháp tái chiếm Nam Kỳ, chính phủ Việt Minh do Trần văn Giàu cầm đầu dời bản doanh về Vĩnh Long. Thế tái chiếm mau như chẻ tre. Cuối cùng lực lượng Việt Minh phải rút vào bưng biền. Chị Băng Thanh và Tuyết Anh rút vào Cái Ngang, thuộc huyện Tam Bình và thuộc Khu 8 do Việt Minh chiếm đóng. Bác Hai Chức lại bị bọn Phòng Nhì (Phòng Tình Báo) của Pháp cho đòi lên thẩm vấn, bị đòn nhừ tử, may có người em vợ của bác có quen với tên quan ba (đại úy) phó trưởng phòng can thiệp nên bác được phóng thích. Anh Khiết vẫn dở điên dở khùng, dở tỉnh dở mê. Cha của Quân vẫn bám riết mảnh đất nhà. Lính tập có xây đồn bót ở vàm rạch Cầu Kè đổ ra sông Long Hồ. Quân sau khi thi đậu bằng Thành Chung được dạy học ở trường nam tiểu học (thuở đó gọi là Ecole des Garậons) ở ngoài tỉnh, gần Ðất thánh An Nam. Chàng không dám ở vùng nửa chợ nửa quê, tuy không mấy xa phố thị như các xóm Thiềng Ðức, Bánh Phồng và Cầu Kè. Chàng mướn một căn phố ở dãy phố bà Thông Vịnh, gần Ðất thánh Tây. Cho nên ít khi Quân gặp Thu Cảnh. Mối tình của cả hai chỉ là mối tình phơn phớt như lớp phấn tuyết nhung phủ mượt mà trên lá môn ngọt, lá sen. Chưa bao giờ họ hôn nhau; họ chỉ quàng tay ôm eo lẫn nhau. Thu Cảnh vẫn ở xóm Cảu Kè. Dù cả hai chỉ cách nhau 3 cây số và cách chiếc cầu sắt lót ván bắc qua sông Long Hồ, chẳng có xa xăm dịu vợi chi mấy, nhưng chuyện xa mặt cách lòng làm sao tránh khỏi? Quân cưới Kim Mai, con gái ông bà trưởng tòa Trần Hòa Phong ở chợ Tân Ngãi. Hôm nhóm họ, Thu Cảnh có qua bên nhà ba má Quân để phụ chị Hương Khuê cùng các bà các cô họ hàng chòm xóm bên đàng trai dọn cỗ. Lúc nào cô cũng tươi cười hồn nhiên. Gặp Quân, cô khen: – Em có gặp chi Kim Mai vài lần. Chị ấy đẹp, ăn nói mềm mỏng, dễ thương quá, anh Quân à. Nụ cười của Thu Cảnh mới thần tiên làm sao! Ðó không phải là nụ cười an phận, mà là nụ cười vui sướng thật sự, hồn nhiện thật sự, không một bóng mây mặc cảm nào thoáng qua, không một chút mỉa mai chua chát nào làm vẩn đục. Không hiểu chị Tuyết Anh luồn lỏi cách nào mà xin được cái giấy thông hành do nhà việc của làng Long Châu cấp cho để tung hoành trong chức vụ công tác thành (túc là công tác giao liên ở ngoài thị thành để cung cấp tin tức cho chiến khu). Có điều khác hơn bọn công tác thành khác vốn không có giấy thông hành nên chị ngang nhiên chường mặt ở thành phố, còn họ phải lẩn lút ở các xó xỉnh, hẻm hóc trong các xóm lao động, không có bọn lính kín (tức là bọn mật thám của Tây) hay bọn lính tập lai vãng rình rập. Trong khi những tên công tác thành khác lui tới thường xuyên ở các điểm nóng (les points chauds) trong đó có các vùng xôi đậu để móc nối dân chúng cho công tác dân vận thì chị Tuyết Anh công khai về nhà, công khai đi ra chợ tỉnh, công khai đi xe đò qua các đồn bót được xây cất trên các tuyến đường bộ, hay công khai quá giang các ghe chở hàng hóa trên những sông rạch. Chị Băng Thanh làm việc tại Quân Y Viện với chức vụ viện truởng ở Giáp Nước, cách chợ Tam Bình 8 cây số. Ðó là một túp nhà lá gồm một căn hai chái giữa vùng lau sậy trùng điệp. Chính chị Tuyết Anh điều động toán liên lạc viên và toán công tác thành chở thuốc men, dụng cụ y khoa cùng những thức bồi dưỡng như sữa hộp, lương khô cho các thương bịnh binh của phe kháng chiến.
Về sau, trong các vùng bị Việt Minh chiếm đóng nổi lên phong trào cấy nhau do nhà bác học Liên-xô tên là Filatov sáng chế ra. Mảnh nhau được cắt từng mụn nhỏ, được ướp lạnh để sớ nhau tiết ra chất bổ dưỡng. Các y sĩ chỉ cần tiêm thuốc tê vào bắp thịt bịnh nhân, xẻ một vạch nhỏ để nhét mụn nhau vào. Mụn nhau cấy vào thịt kia sẽ đem vào cơ thể đương sự một nguồn dinh dưỡng phong phú. Quân y viện do chị Băng Thanh trông nom có sắm đưọc cái tủ lanh, tuy chạy bằng dầu lửa mà cũng có nước đá như những cái tủ lạnh chạy bằng điện ở ngoài thành phố. Do đó, chị tha hồ tìm nhau của các sản phụ quanh vùng để ướp chất dinh dưỡng. Dù sợi giây gia tộc có thiêng liêng mầu nhiệm cách mấy, nhưng Quân không thích thăm viếng chị Tuyết Anh hay trao đổi thư từ với chị Băng Thanh. Họ quá sốt sắng cảnh tỉnh Quân nên bỏ nghề mô phạm trong chế độ Thực dân để đi theo phe kháng chiến chống Pháp. Bởi đó, chàng không muốn liên lạc với họ vì chàng sao đành đập vỡ nồi cơm nuôi sống cái tiểu gia đình của chàng? Họ còn muốn đào tạo Quân trở thành một người trai thời đại mới trong chủ nghĩa đại đồng của Cộng Sản nên họ chì chiết thói cầu an của Quân , đay nghiến cho vỡ tan cơn u mê chịu ách nô lệ của Quân. Và dần dà họ trở thành những kẻ xa lạ với Quân. Chị Tuyết Anh nhiếc móc: – Bọn phong kiến cùng bọn Thực dân Pháp và bọn Ðế quốc Mỹ thường nhồi sọ quốc dân mình bằng lối giáo dục củng cố chế độ bóc lột của chúng. Coi bộ em mê man lú lậm cái cặn bã của thứ chế độ ăn cướp, phi nhân ấy tới óc não và tủy xuơng rồi. Chị Băng Thanh thường gửi thư bằng cách trao tay cho cậu em họ mà chị âu yếm tặng cho cái hổn danh thập phần kiều diễm là tên bồi bếp của Thực dân. Thư thuờng lập đi lập lại những câu ý mòn khuôn cũ như: – Chị muốn xây dựng em thành mẫu người mới, lành mạnh hơn. Thời thế thay đổi không ngừng nghỉ. Cuộc tiến bộ sẽ loại bỏ những kẻ có óc vong nô, tinh thần chủ bại... Vận hội mới đã đến rồi, chúng ta chỉ cần chuẩn bị tinh thần để tham gia, nhập cuộc và đóng góp mà thôi. Bởi có tinh thần cải tiến quá cao, bởi sự vụt chạt với vận tốc mạnh bạo cho nên hai chị cào xướt tơi tả tự ái nhiều người mà họ muốn canh tân cải tiến. Trong vòng họ hàng, trong giới quen biết, chẳng mấy ai ưa hai chị. Có kẻ dám công khai đả kích hai chị lếu láo, dở hơi, khật khùng. Thu Cảnh lúc nào cũng lắng tai nghe hai chị dạy dỗ, nghe rồi thì bỏ qua. Mà dẫu cô có hưởng ứng lời xây dựng của hai chị thì không bao giờ cô tán dương hai chị, cũng không hề đem những gì mình nghe để xây dựng lại kẻ khác. Cô thường tháp tùng chị Tuyết Anh đi Giáp Nước để thăm chị Băng Thanh. Tuy nhiên, hai chị Băng Thanh và Tuyết Anh có một vài tông đồ hết lòng chiêm ngưõng và ái kính hai chị. Ðó là Kim Mai, vợ của Quân và Kim Liên, người chị kế của Kim Mai. Anh Thiện Thành, chồng của chị Kim Liên đã đi theo phe kháng chiến, sau khi anh học sinh Trần văn Ơn bỏ mạng trong cuộc biểu tình chống chế độ Thực dân. Hiện giờ anh ta hoạt động ở vùng U Minh Thượng, gần miền Cực Nam của dải đất Nam Kỳ. Vùng nầy hoàn toàn do Việt Minh chiếm đóng và kiểm soát. Chị Kim Liên nói xóc óc Quân: – Giặc tới nhà, đàn bà còn phải đánh. Vậy mà có nhiều anh chàng tuy có lưng dài vai ộng, nhưng vẫn trùm chăn ngủ kỹ giữa lúc bao người cùng kê vai gánh việc nước non. Bởi họ mê bơ, sữa, cacao và chocolat của tụi Thực dân Pháp nên đành giả điếc trước tiếng gọi của tổ quốc nhân dân. Vậy mà coi được hay sao? Kim Mai liếc xéo chồng rồi cười gượng gạo, đỡ lời cho chồng: –Trượng phu của em vẫn đóng tiền nguyệt liễm đều đều cho Quân Y Viện do chị Băng Thanh điều hành đó chứ. Anh ấy còn mua thuốc men và các dụng cụ băng bó thương tích để gửi vào trong ấy đều đều. Chồng em cũng muốn đáp lời sông núi, hưởng ứng cao trào dân tộc như anh Thành. Ngặt một nỗi, anh ấy là con một của ba má chồng em. Anh ấy đâu thể bỏ nhà theo bước anh Thành được. Chị Kim Liên đã có hai đứa con gái với chồng. Chị mang thai ở U Minh Thượng, gần ngày lâm bồn mới chịu về nhà cha mẹ. Ðẻ con xong, chị giao con cho mẹ mình và vú em rồi tìm cách đi U Minh Thượng để hú hí với chồng. Bà Trưởng tòa Phong thường than thở với ba má của Quân: – Con Hai Kim Liên đi thăm thằng chồng nó thường lắm. Lần thăm nào cũng dài lâu, từ chuối trồng cho tới chuối trổ, nó mới chịu về nhà vợ chồng tôi. Lần đi, nó mang theo nào cà phê, sữa hộp, cacao, bơ lạt, bơ mặn, cá hộp, hầm dĩ, khô cá sưởu... Lần về, nó mang theo cái bầu lớn cỡ trái mít nghệ. Hễ đẻ đái vừa cứng cáp xong, nó giao con cho tôi rồi sắm sửa món ngon vật lạ để đi U Minh Thượng, nạp mạng cho chồng nó. Mỗi lần mang bầu về, nó cũng mang theo lời ăn tiếng nói nghe lạ hoắc: nào là chủ nghĩa, chế độ, phong trào, nào là vận hội mới, trường kỳ kháng chiến, chống ngoại xâm... Quỷ thần thiên địa ơi, mấy ông soạn tuồng trong gánh Hoa Sen chưa chắc có nhiều chữ nghĩa như nó. Mà cũng lạ, mỗi khi véo von những chữ nghĩa kỳ cục đó, mặt nó hừng hực lửa giận như mấy cô đào võ trên sân khấu Phụng Hảo, Nam Phi, coi tức cười lắm chị sui . Kim Mai chỉ quanh quẩn ở tỉnh nhà, họa hoằn lắm mới qua xóm Cầu Kè thăm viếng cha mẹ chồng. Nhưng qua chị Tuyết Anh và chị Kim Liên, nàng biết đủ chuyện ở Khu 8 và ở Khu 9. Mỗi ngày, Quân mua ba tờ nhật báo. Kim Mai thích đọc truyện đăng từng kỳ của Ngọc Sơn, Thanh Thủy, Nguyễn Ngọc Mẫn, Duơng Hà, bà Tùng Long... Nhưng nàng cũng ghé mắt ở những bài viết về thời cuộc, những mục tin chiến sự. Nhưng nàng không tin tưởng nhưng tin thắng lợi của phe Liên Hiệp Pháp. Theo nàng, tin trên báo đời nào chịu ghi trung thực tin thảm bại của phe nầy đâu. Cho nên nàng thường thỏ thẻ thuật cho chồng nghe những tin do bọn công tác thành trong số có chị Tuyết Anh hoặc tin do chị Kim Liên hóng chuyện cung cấp. Nhưng dù vậy, Kim Mai vẫn thích cùng chị Tuyết Anh và chị Kim Liên nghiền ngãm tin tức đăng trên báo rồi diễn tả và phổ biến với bạn bè và chòm xóm theo sự đoán mò, đoán ẩu, đoán vô căn cứ của họ. Có đêm, vì bị kích thích quá độ, nàng đang nằm cạnh chồng vụt ngồi phắt dậy, mái tóc xỏa rũ rượi, mắt tóe lửa, trông nàng giống mụ Chín điên ở ngoài bến đò. Nàng gằn giọng: – Ðể rồi anh coi, tên đầu sỏ Thực dân Pháp sẽ đại bại. Các mặt trận Cao Bằng, Lạng Sơn, Na San, Sầm Nứa đã tỉa rụng mấy danh tướng cùng mấy danh tá thiện chiến của bọn chúng rồi. Chẳng bao lâu, căn cứ Ðiện Biên Phủ sẻ bị phe Việt Minh chúng mình bứng đi một cách trơn tru dễ dàng như húp cháo lõng. Mỗi tháng Kim Mai chỉ dùng 20 đồng đóng nguyệt liễm cho Quân Y Viện. Nàng có cảm tuởng mình tích cực đóng góp vào đại cuộc bằng nửa cuộc đời, nửa thân thế của mình. Mỗi lần đóng nguyệt liễm như thế, nàng bắt chồng phải ngồi nghe nàng chửi bọn Thực dân Pháp và nghe nàng công kích thói hưởng thụ xa hoa của dân thành phố. Quân chỉ biết ừ ào cho vợ vui lòng. Kim Mai tuy chửi kẻ xâm chiếm quê hương tổ quốc (sic) thật hăng, nhưng nàng vẫn thích may mặc quần áo bằng tơ lụa nhập cảng từ bên Pháp, thích trang điểm bằng son phấn và nước hoa được chế tạo bên Pháp. Chị Kim Liên cũng thế. Chị thường trầm trồ cô em của mình: – Eo ơi, em mặc chiéc áo dài bằng mousseline màu thiên thanh điểm bông trắng nầy thì các cô thiếu nữ tỉnh mình trở nên mờ lu bóng sắc, hiu hắt dung nhan ngay. Con nầy lại còn tô son Roses Camélias chói bóng nữa! Càn khôn vũ trụ ơi, nó dám xài nước hoa Chanel số 5 nữa. Chết hết các hảo hán anh hùng còn gìá! Kim Mai cười ngượng ngùng. Nàng chống chế để bao che cái tật đỏm dáng se sua của mình: – Có phải em thích ăn diện sặc sỡ đâu. Ngặt vì em đứng bán hàng ở tiệm bazar của ba má tụi mình, nếu em ăn mặc quá đơn sơ, trang điểm lôi thôi thì khách hàng đương thèm tới tiệm. Và nàng vẫn tiếp tục chửi Pháp một cách hăng hái, vẫn tiếp tục mua bơ, sữa, nước chấm, thực phẩm đóng hộp từ bên Pháp nhập cảng qua... Hễ thấy ai chiên cá chẻm, cá chim, cá thu, nàng cười nụ thật dễ thương: – Cá chẻm chiên rưới tương hột, cá chim chiên và cá thu chiên sốt cà sao bằng phết bơ Bretel lên ba món cá chiên nầy có nổi hương nổi vị hơn không? Một bà nội trợ sành ăn không bao giờ dùng nước mắm pha giấm ớt để dùng làm nước chấm cho loại cá chiên phết bơ Bretel mà phải dùng Maggi mới đúng điệu. Khi ăn mì, tôi không hề dùng xì dầu mà phải dùng Viandox mới hợp khẩu vị của tôi. Thật tình, ba má tôi bạc phước mới sanh một cô con gái kén ăn như tôi. Giữa lúc phe phụ nữ trong vòng gia tộc của Quân và trong vòng thông gia của cha mẹ Quân đang xao xuyến bồn chồn trước thời cuộc thì Thu Cảnh ung dung sống bên mẹ cô và dì cô. Cô hay đau yếu, nhưng hễ khi bịnh vừa rút lui thì cô cần mẫn lo việc nhà, lo việc trồng trọt, đầu tắt mặt tối. Vậy mà cô vẫn nở một nụ cười ngây ngô, hạnh phúc, đầy nhiệt tình, âu yếm. Mỗi khi về Cầu Kè thăm nhà, Quân thuờng đến bờ rào cuối vườn để ngắm Thu Cảnh cuốc đất đánh vồng. Cô miệt mài làm việc, áo xống ướt đẫm mồ hôi, nhưng vẻ mặt vẫn tươi rạng dưới vành nón lá rộng. Từ khi thím Hương hào Hiệp bị bịnh lớn tim, chính Thu Cảnh phải cáng đáng việc làm vườn.
Công việc liên lạc và công việc công tác thành của chị Tuyết Anh bị bại lộ. Bác Hai Chức và cha của Quân phải chạy chọt ở nhiều nơi thân cận với chính quyền địa phương để chị khỏi bị đưa ra tòa, khỏi bị giam giữ. Nhờ quen biết với các đấng tai to mặt bự trong quân đội Liên Hiệp Pháp và trong chánh quyền địa phương nên bác Hai Chức cứu được con gái khỏi bị đòn bọng và khỏi bị tù đày. Chị Tuyết Anh về nhà với thân thể gầy khô gầy héo, với tâm thần hoảng hốt. Ðêm đêm, chị thường bị ác mộng quấy nhiễu. Chị ở luôn Cầu Kè, không vào Khu 8 nữa.
Thu Cảnh đi Giáp Nước thăm chị Băng Thanh. Rủi thay, trong một cuộc ruồng bố của bọn lính thuộc lực lượng cảm tử quân ( le commando), cô bị tên đội (trung sĩ) người Pháp hãm hiếp đến độ bất tỉnh. Hắn để cô nằm bên cạnh bàu nước có những cây điên điển hoa vàng viền quanh, có những dây rau nhút nằm vắt dài trên mặt nước. Chiều tối, chị Băng Thanh mới dám từ đám lá dừa nước chui ra đem Thu Cảnh ra ngoài vàm rạch Giáp Nước, đổ từng muỗng sữa vào miệng cô, hơ lửa và xoa bóp thân thể cô để cứu sống cô. Thu Cảnh lần hồi bình phục, vẫn giữ cảm giác ê ẩm ở hạ bộ trong một thời gian dài. Từ đó hễ ai nói tục, nói trây về chuyện giao hợp là cô tái mặt, bỏ đi chỗ khác. Tuy nhiên, cô vẫn cười ngây ngô, vẫn giữ sắc mặt trong ngọc sáng gương, vẫn không hề giấu diếm tai nạn thảm khốc của mình. Rồi Thu Cảnh có thai. Thím Hương hào Hiệp và cô Ba Lan Chi khuyên cô nên đi phá thai để mai sau cô còn có cơ hội lấy chồng. Thu Cảnh tươi cười bảo: – Con sợ chuyện vợ chồng lắm. Con không phá thai đâu. Bộ má và dì không sợ mất con khi gả con cho một kẻ ở phương xa hay sao? Rồi một khi biết được chuyện bất hạnh của con, anh ta sẽ đối xử với con thế nào đây? Thu Cảnh vui vẻ đón đứa con lai, vui vẻ cưng yêu hoạn dưỡng con. Rảnh rang, cô qua nhà bác Hai Chức để săn sóc anh Khiết. Anh vẫn tìm góc tối để lầm bầm lảm nhảm một mình.
Sau hiệp Ðịnh Genève, chị Băng Thanh được lịnh xuống Năm Căn, địa điểm tập kết để đưa bọn Việt Minh ra Bắc, có tàu Ba-lan chở họ tận bến Hải Phòng. Nhưng không hiểu sao chị lẩn trốn để được ở lại. Nhờ Quân giúp đỡ trong việc xin giấy tờ để hợp thức hóa trở thành công dân miền Nam nên chị có thẻ kiểm tra dưới chính thể Tổng Thống Ngô Ðình Diệm. Chị ghi tên vào lớp đào tạo cô đỡ hương thôn tại Bệnh Viện Vĩnh Long. Khóa học kéo dài một năm, để rồi sau khi mãn khóa, chị có thể hành nghề tại các vùng ngoại ô và vùng phụ cận tỉnh nhà. Chị Tuyết Anh học cách tiêm thuốc và nghiền ngẫm mấy cuốn sách viết về cách trị các bịnh thông thuờng để hành nghề y tá lậu song song với nghề tiêm thuốc theo toa bác sĩ. Hai chị còn hành nghề cấy nhau nên kiếm được nhiều tiền. Quân được nghe Kim Mai bảo mỗi chị chỉ trong vòng bốn năm mà sắm được 20 lạng vàng, một đôi hoa tai nạm hai viên kim cương cỡ 5 ly rưỡi, ánh nước trắng tím. Bỗng dưng cả hai đổ đốn ăn diện thật diêm dúa, rườm rà. Dường như tự bấy lâu, họ cố tình đè nén sự ưa thích ăn mặc điểm trang để đi làm việc nước. Nhưng chuyện nước non vẫn chưa ngã ngũ ra sao khi chính phủ Ngô Ðình Diệm từ chối cuộc Tổng Tuyển Cử sau hai năm đất nước bị chia đôi. Chuyện nước non thống nhất đem lại vinh quang cho hai chị trở nên xa xôi mơ hồ trong khi cái sở thích chung của phụ nữ là được tô hồng chuốc lục để trở thành đối tượng quyến rũ đối với phái mạnh vụt trổi dậy bất ngờ ở họ. Những cơn thèm khát đàn ông, những ý nghĩ báo thù thuở sống vì nước vì dân mà phải chịu ăn mặc sồi vải, phải lánh xa son phấn, nước hoa, nữ trang làm họ hơn lúc nào hết trở nên ham sống cho chính bản thân mình, thúc đẩy họ phải tìm kiếm hạnh phúc cho riêng mình. Họ cần phải bận bịu việc chăm sóc dung nhan để khỏi quên mình vẫn còn là phụ nữ, để được đàn ông mơ ước thèm thuồng, để được sống theo cái bản năng mà Tạo Hóa dành riêng cho giống cái. Hai chị vẫn tiếp tục nói xấu chính phủ quốc gia ở miền Nam, vẫn thóa mạ chủ nghĩa tư bản của Ðế Quốc Mỹ (sic), nhưng vẫn không quên nhung gấm, phấn son, kim cương, ngọc thạch... Nhưng mà, tuổi xuân của họ đã trôi qua mất tự bao giờ. Gái không con thì vẫn chưa già theo số tuổi. Nhưng vì không chồng, không tình nhân, nên họ không được hưởng sự trao đổi tình cảm và nhục cảm với người khác phái để tìm gặp những giây phút mê ly nồng nàn thắm đượm. Như thế làm sao họ tươi mát, nuột nà được? Với thân xác không được tưới tẩm ân sủng của người yêu, với tâm tình táo bón, cả hai trình bày với người xung quanh một tấm chân dung chát ngầm và vẻ mặt cau có bất an. Bao năm gối đất nằm sương ở chốn bưng biền, chị Băng Thanh mang chứng phong thấp. Chị lại còn mang chứng đau gan, hậu quả của chứng sốt rét kinh niên dù chứng sốt rét kia đã được trị tuyệt nọc đi nữa. Còn chị Tuyết Anh trước đó vì bị đòn bọng khảo tra nên cũng nay ốm mai đau với những chứng bịnh khó hiểu. Vợ chồng bác Hai Chức lần lượt qua đời. Anh Khiết vẫn còn điên dại. Nhưng tuy điên mà anh rất hiền, không hò hét chửi rủa ai bao giờ. Hai chị Băng Thanh và Tuyết Anh vẫn săn sóc anh chu đáo. Còn Thu Cảnh đôi khi còn dắc anh đi tiêu, đi tiểu, lại còn can đảm tắm gội cho anh, giặt rũ quần áo cho anh mỗi khi anh lỡ phóng uế trong quần. Nhưng một hôm nọ, anh Khiết có vẻ bừng tỉnh cơn điên. Anh đòi hai chị mua cho anh một tập giấy dầy. Suốt 3 tuần lễ, anh cứ ghi ghi chép chép lăng nhăng lít nhít hết cả quyển vở bằng lối chữ rối rắm. Những bài viết thường đệm thêm những câu văn bí hiểm với những ngôn từ không có trong tự điển, trong các thổ ngữ, trong các tiếng lóng. Quyển vở vừa ghi chép ý tưởng của kẻ có vẻ vừa tỉnh cơn điên xong, thì anh từ trần, sắc mặt đẹp và trong sáng như sắc mặt thiên thần, nụ cười thập phần phiêu dật. Trong lúc phe phụ nữ gồm hai chị Băng Thanh và Tuyết Anh, thêm hai chị Hương Khuê và Kim Liên cùng với Kim Mai xúm lại quanh giuờng anh than khóc kể lể thì Thu Cảnh nấu nước hương nhu để cùng Quân tắm gội thi hài của anh, mặc quần áo đẹp cho anh, vẻ mặt cô hồng hào tươi nhuận như thường lệ. Cô khuyên mọi người: – Em rất vui lòng. Anh Khiết chết một cách sung sướng! Các chị nên mừng cho anh ấy mới phải. Vậy là ngôi nhà từ đường của ông Cố Hai thuộc về hai chị Băng Thanh và Tuyết Anh. Ðêm đêm, hai chị mở tập giấy của anh Khiết ra đọc, đoán mò từng câu văn. Rốt cuộc, họ tưởng chừng đó là những cái thai đề hay những bài sấm ký. Anh Khiết khi còn tỉnh táo và lành manh thì rất lu mờ nhạt nhẽo. Cơn điên loạn vùi anh trong bóng tối huyền bí, tạo cho anh nhiều huyền hoại lý thú. Bởi đó họ hàng và láng giềng cứ đoán già đoán non, cho rằng anh bị ma dựa quỷ ám hoặc bị hồ ly tinh hớp hồn. Và rồi cái chết cùng tập di cảo của anh dệt thêm cho những thiên huyền thoại ấy nhiều đường chỉ rùng rợn, thêu thêm những bông hoa quái đản, kích thích óc tưởng tượng những người quen biết.
Căn nhà rộng với hai cô gái già. Xế xế, gặp lúc nhàn rỗi, họ nhìn bóng nắng vàng úa ngả dài qua sân, lắng tiếng gió xao xuyến ở ngoài vườn và trên cây hoàng lan, trên cây bằng lăng, ngọc lan, mộc lan bên hè. Mặt họ buồn bã, lãnh đạm. Nhưng mỗi khi nhận một thiệp cưới trong giới quen biết, mặt họ vụt trở nên thách thức, ngạo mạn một cách khó hiểu.
Rồi có tin đồn chị Băng Thanh dan díu với chú Chệt Xương Ký có chành lúa ở ngoài Càu Dài, túc là ở vàm sông Long Hồ đổ ra sông Cổ Chiên; ông ta vốn góa vợ từ 2 năm qua. Lại có tin đồn chị Tuyết Anh tằng tịu với thầy Hương thân Mẹo. Hư thực vốn mờ mờ nhân ảnh nên Quân không dám tin lời đồn đãi. Chàng vẫn thấy ngôi nhà từ đường của ông Cố Hai lạnh tanh, vẫn thấy hai chị luôn xéo xắt cay cú như tự xưa giờ... Rõ ràng họ không hạnh phúc. Chị Băng Thanh lại có cặp mắt ác độc: nhìn bất cứ cô gái nào, chị cũng thấy họ nếu không đĩ lộ thì cũng đĩ ngầm. Chị chì chiết: – Coi có được không chớ! Con Bạch Lựu hễ thấy bóng dáng đàn ông là nó bắt đầu chỉnh đốn bộ điệu: giọng nó đang ong óng điếc tai điềc đít bỗng êm dịu lạ kỳ. Khi nói chuyện là nó ưa chớp lia chớp lịa cặp mắt. Nó lại còn làm ra dáng điệu khép nép nữa chớ. Cái đoan trang thùy mị giả tạo đó vốn là thối thân tánh đĩ ngầm, chớ còn gì nữa? Còn con Ngọc Nga hễ mỗi khi bạn trai của anh nó tới viếng nhà là nó thấp thoáng ra vào, ỏn a ỏn ẻn chọc bọn họ cười, rồi thết đãi trà bánh cho họ ăn ngập mặt lút mày. Con nầy thuộc hạng đĩ lộ, lẳng sao mà lẳng nhức lẳng nhối, không hề che giấu cái thói muốn chồng thèm trai của nó. Còn chị Tuyết Anh hễ gặp anh chàng nào ở ngoài chợ hay ở dọc đường dọc sá mà chịu tiếp chuyện với chị hay ngó chị chăm chú là chị đổ hô đương sự si mê chị. Chị véo von: – Quỉ ơi, hôm qua, tôi vừa mặc áo nhung tím bước ra khỏi cổng thì gặp thầy ký Ðằng. Sum la vạn tượng ơi, thầy ta ngó tôi một cách khờ khạo đờ đẫn... khiếp lắm, hãi lắm, bà con ơi! Thấy cặp mắt gian tà dịch vật của đương sự, tôi rét lắm, run lắm! Trước khi mau chân bước đi, tôi thấy rõ ràng thầy ta thất vọng, không sao che giấu được. Còn thầy giáo Bính, mười lần đủ chục, khi y ta gặp tôi là cặp mắt y ta lộn thinh như mắt cá uơn. Bởi y ta quá si mê ngốc nghếch tôi nên miệng lưỡi y ta tê liệt, không nói được câu nào. Trông cũng tội! Bởi không thương yêu say đắm y ta nên tôi không thèm an ủi khuyên lơn y ta đó thôi. Cũng có vài lần, Quân gặp chú Chệt Xương Ký hoặc thầy Hương thân Mẹo tại nhà hai chị. Chệt Xương Ký hiền lành, phúc hậu. Còn thầy Hương thân Mẹo thì lực lưỡng, khôi ngô. Vậy thì lời đồn đãi về chuyện tình cảm riêng tư của hai chị không hẳn là vô căn cứ. Nhưng cớ sao gương mặt hai chị vẫn nghiêm khắc, cái nhìn của họ vẫn lãnh đạm, nụ cười của họ vẫn gượng gạo? Càng lớn tuổi, họ càng khó tánh hơn, càng chăm sóc nhà cửa sạch bóng như lau như ly. Một cọng rác là kẻ thù của họ. Một hột bụi là kẻ nghịch của họ. Không có tôi tớ nào ở với họ lâu. Không ai có thể làm gì vừa lòng họ. Chị Băng Thanh và chị Tuyết Anh rất yêu thương Thu Cảnh, thường giúp đỡ cô. Ngoài thuốc thang, tiền bạc, họ còn săn sóc cô mỗi khi cô đau yếu vì dù sao họ cũng biết cách trị liệu hơn dì Ba Lan Chi. Thu Cảnh hễ mỗi khi gặp cơn trái gió trở trời là ngã bịnh. Thân cô càng mỏng, vai cô càng gầy, nhưng cô can đảm gánh vác việc mưu sinh phụ giúp dì Ba Lan Chi như gánh vác cả hệ lụy bằng một thái độ dũng cảm, bằng một quan niệm khắc kỷ tuyệt vời với nụ cuồi thanh thản bất tuyệt mỗi khi cô tiếp xúc với bất cứ ai. Ðó có phải chăng là thái độ đối phó hiếm có của cô trước cái ác quả mà cô đã tạo cái ác nghiêp từ hồi iền kiếp và cô chỉ có cách là phải trả cho sạch nghiệp trong kiếp nầy?
Trong cuộc nội chiến Quốc Cộng, hai đứa con trai của Quân đã bỏ mình trên chiến truờng An Lộc, trong mùa hè đỏ lửa, năm 1972. Kim Mai trở nên ngốc ngếch khờ dại vì hai nhát búa định mệnh thảm khốc giáng xuống đời mình một cách thô bạo. Chính Thu Cảnh săn sóc nàng như săn sóc một đứa trẻ. Cô khuyên lơn an ủi nàng, nhưng đầu óc và thần kinh nàng trở nên tê liệt rồi. Năm sau, Kim Mai từ trần.
Trước ngày miền Nam rơi vào tay Cộng Sản một tháng, Quân chết vì binh hoại huyết. Trong những ngày nằm chờ chết, không hiểu sao chàng nghĩ rất nhiều về hai người chị họ của mình? Và về Thu Cảnh nữa. Cuộc đời về sau của hai chị vẫn là một chuỗi buồn thảm, hết thất vọng nầy sang thất vọng khác. Hai chị đi làm lịch sử, nhưng không có tài khua động lịch sử. Lý tưởng không giúp họ tạo được một danh vọng lẫy lừng nên họ đâm ra dở hơi. Chiến tranh giữa Pháp và Việt Minh kết liễu, một trang đời của họ bị lật qua. Tuổi xuân của họ đã mất. Họ không tìm được ý trung nhân, không được làm vợ và làm mẹ đúng theo hoài bão của đa số phụ nữ. Và Thu Cảnh dó, ai biết duơc cô nghi gì, có nhân sinh quan ra sao? Nhưng tại sao cô vẫn giữ được nụ cười trước sau như một? Tuy tự hỏi, nhưng Quân không cần câu trả lời, không cần câu giải thích. Do một trực giác kỳ diệu, Quân tin rằng Thu Cảnh luôn luôn hạnh phúc. Mà thật vậy, dù cô có sức khỏe mong manh, dù cô phải chật vật kiếm sống, nhưng lúc nào vẻ ngây ngô hồn nhiên cùng thần thái phiêu hốt thoát tục của cô cũng đem lại cho người xung quanh một một niềm an lạc tươi mát chưa từng có. Thím Hương hào Hiệp qua đời. Cô Ba Lan Chi vẫn bán bánh xếp bánh xùng như cũ. Con Lan Hương, ái nữ của cô đã ngồi lớp Ðệ nhất A trường Tóng Phước Hiệp và thi đậu Tú Tài I. Vào ngày 28 tháng 4 năm 1975, nó theo người tình Trung Úy Hải Quân di tản qua đảo Guam. Ít lâu, nó cùng chồng bảo lãnh mẹ qua Hoa Kỳ theo diện đoàn tụ O.D.P. Thằng Âu, con trai của Thu Cảnh học chưa hết phần Trung học Ðệ nhất cấp thì quốc nạn xảy đến. Nhưng nó cố gắng chạy giấy tờ theo diện con lai, rồi cũng được cùng mẹ sang định cư bên Pháp. Song đó là hai chuyện về sau, bắt đầu sang thập niên 80. Trước đó, chị Băng Thanh cho Thu Cảnh mượn tiền mua tiểu thuyết về cho mướn. Nhưng hễ rảnh rang là Thu Cảnh chăm bón mảnh vườn nhà. Ðó không chỉ là chuyện để cô kiếm hoa lợi, mà là thú giải trí của cô. Từ bẩm sinh, cô yêu cây cỏ cùng thiên nhiên Tạo vật. Ðã bao phen cô bị bịnh thập tử nhất sinh, nhưng cô không chết. Cô vẫn sống để gửi cho người xung quanh và cho cuộc đời nụ cười bát ngát niềm lạc quan và sáng ngời ý nghĩa âu yếm, thanh thản của mình. Cô có thể cuốc đất đánh vồng, săn sóc vòi dưa dây mướp trong lúc cô đang hâm hấp sốt. Vừa khi cơn bịnh trên đà rút lui, dù tay chân còn yếu ớt, cô vẫn ra vườn để khơi ngòi, tháo nước đọng tràn lênh láng khỏi vũng ra ngoài dòng rạch, để cứu mấy cây đu đủ khỏi chết vì úng thủy. Cây ăn trái và rau dưa do cô châm bón đều sum suê thịnh mậu. Thằng Âu do mẹ hoạn dưỡng chu đáo nên có lưng dài vai rộng, thể chất cường tráng, lành mạnh. Nó đẹp trai, ăn nói có duyên, lại chăm học, và không bao giờ giấu diếm cái căn nguyên éo le của mình cùng cái thảm kịch đen tối của mẹ mình.
Nghề cấy nhau chỉ tồn tại 4 năm đầu trong chế độ Ðệ nhất Cộng Hòa. Từ năm 1956, những kẻ tin tưởng phương pháp dưỡng sinh kỳ quặc đó lơi dần và âm thầm xa lánh hẳn.. Nhưng hai chị Băng Thanh và Tuyết Anh vẫn không đầu hàng cảnh ngộ. Họ mướn bằng cấp của một mụ dược sĩ ở Cầu Bà Ðiều để mở nhà thuốc Tây ở bên hông chợ tỉnh. Họ vẫn làm ra tiền. Họ cũng có bạn trai để giải sầu cô độc. Chú Chệt Xương Ký tâm sự với Quân: – Cô Hai tuy không lược lẹp, nhưng ngộ thương cổ lắm lớ. Hễ cổ chịu là ngộ cưới cổ liền lớ. Không piết tại xao cổ dùng dằng dục dặc không chịu lấy chồng Chệt lớ. Chệt như ngộ cũng có ăn học tới pực Kao Chung (Cao Trung), cũng piết cưng dợ lắm chớ. Chồng Chệt piết cưng dợ, có cơ xở mần ăn thi pảnh cũng như chồng Duyệt Nàm (Việt Nam) lớ. Thấy Hương thân Mẹo buồn bã bảo Quân: – Tuy tôi lớn hơn cô Ba 9 tuổi, lại không giàu, nhưng tôi có cơ sở làm ăn, có lợt tức hằng tháng. Bởi cô ấy là kẻ tân học, còn tôi chỉ là một cựu hương chức trong ban hội tề hồi trào Tây thì kể như dân đàng cựu rồi. Cho nên cô Ba không chịu làm vợ tôi, mà lại chọn cách sống già nhân ngãi non vợ chồng với tôi để khỏi hổ mày thẹn mặt với họ hàng lối xóm. Rõ ràng hai chị không hạnh phúc trong tình yêu vì hạnh phúc ấy không ở chỗ hai chị ngước lên cao mà ở chỗ hai chị phải cúi xuống để tầm nhìn được xuyên vào nơi sáng suốt và thấu đáo hơn. Cho nên chữ phúc không hề hiện hữu suốt chiều dài của cuộc đời họ.
Về sau, chị Băng Thanh có thêm nghề xem chỉ tay, chị Tuyết Anh có thêm nghề bói bài Tarrot. Họ làm chơi mà ăn thật. Tiền bạc đối với họ sao mà dễ kiếm. Còn một tấm chồng tân học và hào hùng như chàng Dũng trong quyển Ðoạn Tuyệt của Nhất Linh chắc hai chị chỉ tìm được ở kiếp lai sinh nếu kiếp nầy nếu hai chị tu kỹ. Sáng nào, hai chị cũng thuật cho nhau nghe những cơn chiêm bao trong đêm qua của mình, rồi mở cuốn Ðoán Ðiềm Giải Mộng ra nghiên cứu. Họ thường đi chùa Bảy Phủ ở Cầu Ðào (thờ Ðức Quan Thánh Ðế Quân), chùa Minh Hương ở Cầu Dài (thờ Ðức Thiên Hậu) để xin xâm. Họ không mấy tin tưởng nghề xem chỉ tay và nghề bói bài của mình. Ðôi khi họ ngồi xe thổ mộ lên Cầu Cái Cam để cầu đồng cốt, để biết việc tương lai gần cũng như việc tương lai xa. Càng về già, hai chị càng thích là nũng với cuộc đời. Mỗi khi Quân tới thăm, chị Băng Thanh thế nào cũng có thêm vài chứng bịnh mới để kể cho chàng nghe. Nếu Quân tỏ vẻ quan tâm săn sóc tới chị, dù bằng lời nói phất phơ đi nữa cũng đủ làm cho gương mặt chị hoan hỉ rạng ngời. Và chị thết đãi cho chàng cơm gà cá gỏi hay bánh trái ngon lành. Còn chị Tuyết Anh có tật tự kỷ ám thị kỳ quặc. Hễ ai nói tới bịnh gì thì chị có cảm tưởng cơ thể mình ngầm chứa mầm mống của chứng bịnh ấy. Hễ nghe nói tới bịnh lao phổi, chị có cảm tưởng ngực mình nặng trìu trịu, phổi mình đang rách te tua, mình sẽ ho rách cổ họng và sắp thổ huyết dầm dề chứ không chơi. Hễ nghe ai nhắc tới những người cùi là chị có cảm tưởng da thịt mình vừa đau vừa ngứa ngáy, sắp nứt nẻ để nước vàng và máu độc chảy ra lai láng.
Trên giường chờ chết, Quân ngẫm nghĩ rất nhiều về cuộc sống của những kẻ xung quanh. Chẳng ai mà chẳng có nỗi khổ tâm riêng. Nhưng đối với cái khổ, người đời có một trong hai thái độ tương phản qua Thu Cảnh cùng qua hai chị Băng Thanh và Tuyết Anh. Chàng mường tượng lại nụ cười của Thu Cảnh. Và khi khép rèm mi lại, chàng thấy từ nụ cười của cô, một nguồn ánh sáng trong mát chiếu lên khuôn mặt cau có hậm hực của hai bà chị họ mình. Lòng chàng vụt êm ả và sảng khoái lạ thường. Chàng như thấy dưới nguồn chiếu rọi ở nụ cười Thu Cảnh, vẻ đau khổ và bất an của hai chị phai dần để trở hành khuôn mặt xán lạn dịu hiền chưa từng có. Rồi trên khuôn mặt hai chị, nụ cười tươi tắn và thoải mái nở rộng để hòa nhập vào nụ cười thần tiên của Thu Cảnh.
Quân chết đi, thất khiếu chàng xuất huyết dầm dề. Nhưng mà lạ chưa, trên khuôn mặt khắc khổ của chàng, nét mỉm cười đẹp tuyệt vời như ghi dấu ấn giấc ngủ thiên thu của chàng đầy những cơn chiêm bao lộng lẫy.
Cổ Nguyệt Ðường, ngày 24/12/ 2002. Hồ Trường An
|
|
Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003 |