Nov 21, 2024   log in
 
home
thơ
danh sách tác giả
nhạc
truyện ngắn
biên khảo,phê bình
điểm sách
phỏng vấn
quan điểm
sinh hoạt văn học

ban biên tập
tìm kiếm
thư tín
giới thiệu sách báo
 
 
  Sinh hoạt văn học-nghệ thuật
Một góc trời Tây Bắc/Tháng Sáu Mùa Dâu - tùy bút LINH VANG

 

Sao cứ mùa hè nhìn strawberries, raspberries, blueberries bày bán đầy dẫy ở chợ là tôi cứ nhớ tới những mùa hè khi gia đình tôi mới đặt chân tới nước Mỹ - chị em tôi siêng năng ra đồng hái trái cây kiếm tiền xài vặt. Cứ tưởng như mới hôm nào! Cậu em út 5 tuổi giờ đã có vợ và hai con (5 tuổi mà cũng đi hái dâu, nhổ cỏ, chắc là hồi đó chưa có luật lao động hay có mà không ai thi hành nghiêm chỉnh chăng?). Thời gian thoáng đó mà các cháu mình giờ cũng đã ra trường đại học. Nhìn lại mình, tóc cũng đã bạc (lại cứ không chịu nhận là già, hihi). Vậy mà mỗi khi nhớ lại những ngày này lại thấy mình trẻ lại, thấy thuở đó mình sống cũng vui quá.
Công hái một thùng dâu strawberries 50 xu, đậu sweet peas 10 xu một pao (nó mỏng lét nhưng nhờ trái ra nhiều nên hái cũng mau), một thùng dưa leo 40 xu (sau này lên 50 xu, cũng biết cái mẹo là khi đem giao cho cai bấm thẻ thì đổ thùng dưa này qua thùng khác, trái chồng nhau, cái thùng dưa trông như đầy!), công làm cỏ một đồng một luống (hay hai đồng một giờ). Cuối ngày vừa có tiền vừa có cái thứ mà mình vừa hái để đem về nhà ăn (hái lén, đem lén một ít về, nhiều khi chủ có biết cũng chẳng nói gì). Strawberries rửa sạch, xắt lát, cho đá, cho đường vào…Hừm! Trời mùa hè nóng nực, ăn ngon tuyệt! Còn dưa leo mà được bác Sơn, người Nam, làm mắm dưa (trộn với mắm nêm cá cơm?), lại có những miếng ớt đỏ trong đó, ăn với cơm trắng, nghĩ tới mà thèm. Mỗi lần đến chơi nhà bác, ra về lại được bác cho một hũ (bác mất cũng khá lâu). Đó là thời kỳ ăn cơm trắng mà chẳng phải nghĩ ngợi gì hết! Bây giờ cơm trắng là …no no (tôi vẫn mê cơm trắng), chỉ ăn vừa đủ, đỡ thèm.   
Tôi hay nhắc tới thời kỳ này có cô chú Kiệt làm cai, coi tụi tôi làm cỏ, trong những journals đăng báo. Vài năm trước, có một hôm tôi nhận e-mail của một cô gái, cô nói em là con của chú K mà chị đã nhắc tới trong một bài tùy bút – hồi đó em còn kẹt lại VN. Tôi hỏi, vậy là em có đọc bài viết của chị hả?
Cũng vui, tưởng mình viết lăng nhăng cho vui, chứ không ai đọc đâu.
Ba má tôi lại cứ lo tôi bị…chửi, khi tôi viết truyện mà có những nhân vật trùng ngoài đời. Mà thật ra là trùng, chứ không phải là tôi viết về họ, vì tình tiết bị nhồi trộn như vậy thì làm sao mà về một người nào được chứ. Vậy mà có người lại nói với ba tôi là tôi viết về …người A, người B, đúng quá.
Viết lách vẫn làm tôi vui. Đôi khi tôi lại hài hước, cứ viết để coi mình có làm nhà văn được không.    
 
Hè năm nay, vườn nhà tôi sẽ chẳng có một cái hoa hồng nào để tôi cắt đem vào sở cắm bình nơi bàn làm việc, tại vì một chú nai nào đó đêm tối đã lẻn vào ăn hết lá non, búp hồng, ngọn nào cũng bị ăn trụi lũi hết rồi. Nhìn những dấu chân để lại không lớn không nhỏ thì đoán là nai. Đi ngõ nào mà vào vườn sau của mình chứ? Quanh vườn, thấy bụi lá gai còn nguyên, thấy mớ rau rán đủ loại của mình còn nguyên, thấy bụi hoa peony, hoa cẩm tú cầu còn nguyên. A! Thì ra nai khi vào vườn người, chúng chỉ thích ăn lá hoa hồng thôi. Lâu nay thường thấy chúng ăn lá thông non (người ta bảo ăn thịt nai xứ này không ngon vì chúng ăn lá thông. Tôi không rành vì tôi chưa ăn thịt nai ở Mỹ bao giờ). Lái xe đi chơi về khuya, thường thấy chúng đứng ăn ở hàng thông bên đường.
Tôi bị mất hoa hồng mà cũng chẳng tiếc (dù rằng hoa hồng của tôi phần lớn là loại có mùi thơm, khi mua tôi đã chọn như vậy), tại khu này ngày xưa toàn là thông, là nơi ở của nai mà. Bây giờ, con người cứ chặt bớt thông, cất nhà cửa, mỗi ngày mỗi đông đúc, coi như mình đi dành chỗ ở của nai rồi còn gì. Tôi cứ nghĩ giống như anh Mỹ trắng chiếm đất của giống dân Da Đỏ rồi lâu ngày lại nghĩ là đất của mình – mà cho là anh Da Đỏ đòi hỏi quyền lợi này nọ nhiều quá.
Người và nai. Thôi thì chia sẻ. Cứ như khi lái xe thì mình cũng nhường đường cho người đi xe đạp, “share the road”, thường có mấy tấm bảng để như vậy. Mà thường cũng bực mình vì mấy anh này, ở những đoạn không có lane dành riêng cho anh, anh cứ làng chàng trước mặt, vì đang share đường với mình. Cũng phải cẩn thận, chứ lỡ đụng vào anh thì cũng phiền. 
Với lại, vườn nhà không có hoa hồng thì có dịp để tôi mỗi thứ tư đi dạo Farmers Market, Chợ Nhà Nông, ghé sạp bông hoa của cô bán hoa trẻ, chân chất, người Hmong, ít nói, chỉ mỉm cười, mua một bó mang về sở. Cái sạp của cô lần nào tôi cũng chỉ thấy một mình cô, không thấy ai khác đứng phụ. Chợ này chỉ nhóm mỗi ngày thứ tư và vài tiếng trong khoảng buổi trưa, từ cuối tháng năm cho tới cuối tháng mười (khi không còn gì để gặt hái?). Chẳng biết những ngày khác thì họ nhóm ở đâu, chứ chỉ một ngày ở đây thì làm sao sống.
Chợ nằm trong khu vực có toàn là những cao ốc tiểu bang nên khách hàng quen mặt mỗi tuần phần nhiều là công chức tiểu bang. Tôi hay mua một miếng pizza (4 đô) được nướng ngay tại chỗ bằng lửa củi thật, rồi tôi lững thững vừa đi vừa ăn vừa ngắm những cái sạp bán những rau cỏ khác, hay có khi đứng lại thưởng thức một ban nhạc sống với vài người chơi nhạc ngay nơi bãi cỏ gần đó. Khi quay trở về sở làm thì tôi mua một bó hoa mang về (khoảng 10 đô). Hay có khi mua một ổ bánh (5 đô), một vỉ trái cây cho đồng nghiệp (3 đô, ăn lấy thảo). Mùa hè thời tiết Tây Bắc thật đẹp, nắng dịu dàng và cây cỏ xanh tươi mát mắt, làm tôi nghĩ, có đi chơi đâu thì hết mùa hè rồi hãy đi, mùa hè mà bỏ nơi này đi chơi chỗ khác thì uổng quá.  
Mùa này, nơi tôi làm việc, tôi thấy những con chuồn chuồn mỏng như cây kim, đang bay lượn. Có lẽ vì có cái ao nước ngay trước sở? Tôi chưa bao giờ thấy những con lớn như từng thấy ở VN. Tháng bảy heo may, chuồn chuồn bay thì bão. Con chim đen cánh đỏ cũng đã rời tổ đi nơi nào. Bây giờ chỉ còn lại những con quạ đen. Quạ đen trong thơ Edgar Allan Poe, the raven. Nhìn thấy không mấy ưa!
Năm nay, scotch broom nở chậm (đây là loại cây dại do mấy ông Tô Cách Lan đem từ quê nhà qua đây trồng, để nhớ về quê hương của họ, hình như chỉ có ở tiểu bang này, vì có vài người bạn của tôi từ những tiểu bang khác đến khi nhìn thấy đã trầm trồ khen?), tháng sáu mới nở, thường mọi năm đã nở rộ vào giữa tháng năm. Hoa nở vàng cả vùng, nhìn xa tưởng như một rừng mai. Rhododendron cũng trễ vậy. Coast rhododendron là hoa tượng trưng cho tiểu bang Washington. Hoa nở chậm, mùa xuân hầu như chẳng thấy, mùa hè đến muộn, nhưng tôi mong mùa hè ở lâu lâu một chút. Bữa nay, đi khám răng định kỳ, trước khi ra về, tôi được cho cái hẹn vào…tháng mười một. Mới tháng sáu, tôi muốn vui chơi, muốn enjoy mùa hè, chưa muốn nghĩ tới tháng mười một. Mèng, tháng mười một! Là tháng bắt đầu mưa to gió lớn rồi, là tháng bắt đầu có những cơn bão từ biển thổi vào rồi. Điện cúp (nhà mà không có điện, sưởi không chạy, vài tiếng sau nhà lạnh quá, tưởng nằm trong cái tủ lạnh, ngủ không được) máy điện toán cúp (được dặn dò tắt máy trước khi ra về), cây cối gãy cành gãy nhánh, đổ lá đầy đường –xứ này là xứ thông. Chỉ mới nghĩ tới đã thấy…Nản! Viết tới đây lại chợt nghiệm ra từ câu ca dao trên, tháng bảy heo may, chuồn chuồn bay thì bão, vậy thì ở VN thường bị bão vào tháng bảy?
À, tôi phải khoe là mồng tơi đã lên được ba cây con rồi. Nhìn thấy “thương” làm sao!
 
Hết tháng sáu, bắt đầu tháng bảy, công chức như tôi sẽ bị cắt lương tạm thời 3%, nhưng bù lại sẽ được cho 5.3 giờ nghỉ. Tưởng chỉ bị cúp, chứ không được nghỉ. Bây giờ được cho nghỉ, vậy thì cũng công bằng rồi.
Kinh tế tiểu bang này vẫn còn suy thoái quá, như đang đi trong đường hầm mà chưa biết bao giờ mới ra khỏi đường hầm, dù rằng có Boeing đang làm ăn khấm khá.
Bao giờ WA nó khá thì chúng tôi được trả lại 3% lương. Còn nói chuyện tăng lương theo vật giá leo thang thì chưa tính, có lẽ…trăm năm sau! Dù rằng quả thật là cái gì bây giờ cũng tăng giá cả. Chẳng hạn tiền cước phí gửi tờ Kỷ Nguyên Mới tới tay độc giả cũng vừa tăng khủng khiếp (từ 2 đồng mấy xu lên 2 đồng rưỡi?)! Báo đã nghèo lại còn nghèo hơn. Ước mơ có ngày KNM có khả năng trả được tiền nhuận bút cho những cây viết của nó, mà…xa vời quá. Anh Lê Văn Phúc đùa, viết 10 năm chưa được tòa soạn cho chiếc kẹo nào cả!?!? Tưởng tiền bạc, chứ kẹo thì dễ thôi, mà anh có dám ăn ngọt không? Anh không sợ bị bệnh à?
Bà thống đốc hiện nay, bà Chris Gregoire (đảng Dân Chủ, có 40 năm thâm niên phục vụ quần chúng), vừa tuyên bố là sau hai nhiệm kỳ làm thống đốc, bà sẽ không ra chức này nữa, dành thời gian còn lại cho gia đình và cho những việc bà vui thích.
Ông Rob McKenna (đảng Cộng Hòa), 48 tuổi, đang là Attorney General của Wa, tuyên bố sẽ ra tranh cử ghế này.
Còn 18 tháng nữa, chưa biết ai sẽ là thống đốc của tiểu bang này?  
   
Linh Vang

Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003