Tháng mười hai Tây Bắc mưa như thác đổ. Từ xa chàng viết thư về cho bạn bè thời đại học, chàng hay nhắc tới những cơn mưa. Mưa là đặc trưng của vùng này nên có người đã gọi đùa tiểu bang Washington là Xứ Mưa, dù rằng nó được mệnh danh là Evergreen, mà cô bạn Quỳnh Lan hay thơ thẩn vẫn kêu là Xanh Mãi Ngàn Năm.
Trong đám bạn thân ngày ấy, chàng thích Hân nhiều nhất. Thích mà rụt rè không dám nói, vì sợ nói ra nếu Hân không thương mình rồi tình bạn giữa hai người cũng sẽ mất. Nên cứ phải coi Hân như bạn. Rồi một ngày Hân làm đám hỏi với một người ở tiểu bang xa, do gia đình nàng mai mối, chàng nghe tin mà lặng người, biết là hết còn cơ hội nữa. Nhưng rồi cũng phải vui với bạn. Ngoài mặt phải khen, anh chàng bảnh trai, nhưng Hân cũng đẹp và thông minh, “túm” được Hân, chắc kiếp trước phải tu dữ lắm. Hân cười cười, anh Tuyến muốn mấy đồng xu lẻ của Hân hả? Cho anh rồi thì lấy gì Hân về xe buýt.
Thuở ấy, ít ai có xe hơi, vì toàn là học trò nghèo. Lộ trình buýt 61, về hướng Bắc. Chàng thích Hân mà chưa lần nào chịu khó giả vờ cùng lấy xe buýt ấy với Hân. Dễ thôi! Hết chặng thì lấy xe khác đi ngược về trường “W”. Nhà chàng ở hướng Nam của trường. Làm thế thì sẽ có dịp cho chàng trò chuyện với Hân trên suốt đoạn đường dài. Vậy mà bao nhiêu năm đi học chung trường chàng chẳng làm, bây giờ biết trách ai?
Ra trường, chàng được hãng Boeing chuyên chế tạo máy bay, ở ngay xứ mưa này, mướn. Công việc đưa chàng đi đó đi đây nhiều ở những nước Á Châu như Trung Quốc, Tân Gia Ba, Mã Lai Á, Phi Luật Tân...Con người được dịp thấy nhiều thành phố đẹp đẽ hay văn minh hay to lớn như thế thì không dễ gì nhớ về một nơi chốn cũ. Vậy mà chàng vẫn nhớ. Ngay cả đám bạn thời đại học, bây giờ cũng đi tản mát khắp nơi, chàng vẫn còn giữ liên lạc một số. Chàng phì cười nhớ cái danh sách dài về những con người đặc biệt được bạn bè nhớ tới. Đào hoa nhất: Ngọc Dao và Nghĩa. Bé bỏng nhất: Thu Hương. Cao nhất: anh Tâm. Có mái tóc đẹp nhất: Huyền Trang và Tâm. Nhát nhất (sợ ma): Anh Thư. Hiền nhất: Mai Trang. Lười nhất: Ai cũng lười (All of you). Điệu nhất: Mai Loan (em Mai Trang). Nói to nhất: chị Phi Hằng. Nói giọng dễ thương nhất: bé Ái. Dễ khóc nhất: Thu. Liếc dài nhất: Trân. Ngủ nhiều nhất: Sơn. Siêng học nhất: anh Trí. Già nhất: anh Trí. Gia đình nặng nề nhất: anh Trí. Ít nói nhất: anh Trí. Có giọng hắc xì đặc biệt nhất: Bích Hằng. Keo (kiệt) nhất: chị thủ quỹ của hội sinh viên VN, chỉ thích thu vô, không thích chi ra. Nấu ăn giỏi nhất: chị Ngọc Mai. Nấu mì gói giỏi nhất: Hòa. Một số những biệt danh này, nói vậy mà chẳng phải vậy.
Phương Nhu vừa gửi e–mail kể về một cô bạn khác, “Anh Tuyến phải e–mail chúc mừng Quỳnh Lan, một nhà văn đang lên của chúng mình, cô ấy vừa ra mắt cuốn sách thứ nhì.” Chàng còn nhớ Quỳnh Lan thuở đi học UW, lúc nào nơi nào cũng mang theo bên người một cây viết và cuốn sổ tay. Buồn cười là cô chẳng phải đi ban văn chương. Đi chơi giữa đám bạn bè, cô cứ như người đi trên mây, đầu óc cô thả rong đi lang thang nơi chốn nào.
Đoạn giữa e–mail cũng nhắc:
-Anh Tuyến còn nhớ Dũng, Trang, Thu không?”
Chàng trả lời cho mình nghe:
-Nhớ chư!
Dũng cặp với Huyền Trang nhưng rồi lại lấy Thu. Huyền Trang với Thu là bạn của nhau. Bây giờ thì họ không còn liên lạc với nhau nữa, nghe nói vậy, nhưng ngày đó có một dạo họ là cặp bài trùng nổi tiếng trong trường. Cứ thấy một người là xoay qua sớm muộn sẽ thấy người kia. Cứ như một cặp vợ chồng. Mà cả chồng lẫn vợ đều nhỏ con! Rồi Dũng xuất hiện, từ một đại học khác đổi về trường này, thì khi ấy lại thấy đi đâu cũng có ba người. Giống như Dũng có hai bà vợ là chị em song sinh, chỉ khác ở chỗ Huyền Trang để tóc dài, còn Thu để tóc ngắn. Huyền Trang nói giọng bắc, còn Thu nói giọng nam. Ngộ là cái anh chàng Dũng này lại là dân Trung, Trung của xứ Quảng Nam Hay Cãi. Ở cafeteria, thường thấy Dũng bê mỗi tay một khay thức ăn cho mỗi “bà vợ”. Có bao nhiêu tiền trường vay mượn, Dũng cũng đổ vào những tốn kém này, ly cà phê buổi sáng, hay ly kem buổi chiều, buổi tối, và những lần đi nhảy đầm. Đúng là dân chơi xứ Quảng!
Rồi chẳng ai biết chuyện gì đã xảy ra, người trong cuộc chẳng ai nói, mà Huyền Trang lấy chồng xứ lạ, về miền Đông nước Mỹ, rồi không bao lâu thì Dũng lấy Thu. Cuộc hôn nhân mấy lần vỡ mấy lần hàn lại, giờ vẫn thấy họ sống với nhau. Chắc duyên số ràng buộc như thế. Có chung một đứa con trai. Cả hai đều thương yêu đứa nhỏ này lắm. Ở với nhau vì con chăng?
-Thằng bé Steve là học trò của em. Nó ngoan lắm!
À thì ra Steve là tên của chú nhỏ, con của Dũng và Thu. Phương Nhu là cô giáo tiểu học. Dạy đám học trò con nít là phải rồi, chứ dạy học trò trung học, sợ cô giáo lại đi sợ học trò, vì học trò lớn ở xứ này hỗn hào, cứng đầu lắm. Dạo đó chỉ có Phương Nhu là học làm cô giáo, còn thì đều thích vô ngành kỹ sư, có giá hơn, mà là kỹ sư điện hay kỹ sư cơ khí để ra trường là làm cho Boeing. Những ai vô ngành kỹ sư không được thì học toán, học lý hóa. Con trai kỹ sư mà con gái cũng kỹ sư. Chỉ có một ít con gái đi thương mãi hay kế toán. Bị chê vậy mà thương mãi với kế toán lại khó vào ngành hơn, mới lạ!
Lại có Tân, cũng dân ngành điện như Tuyến, Tân đã hai lần lấy vợ. Hai lần làm đám cưới đều gặp lúc chàng về lại Mỹ nên chàng đi dự cả hai. Không ngờ tình duyên của người bạn này lại lận đận đến như vậy. Đi làm 10 năm cực khổ, cái gia tài khiêm nhường của bạn bị người vợ thứ nhất cưa mất một nửa. Có người an ủi, thế còn may, nếu có con với nhau, có lẽ lại ra đi với hai bàn tay trắng thôi! Chàng thấy tội bạn, nhưng nhìn lại hoàn cảnh của mình, bao năm rồi vẫn đơn độc, vẫn những bữa ăn tối lẻ loi ở ngoài quán xá, vẫn những mối tình tạm bợ qua đường. Cô gái Mã Lai, cô gái Tân Gia Ba. Chàng cứ ao ước có một ngày bước chân vào phi trường Mỹ, có được người vợ thân thương đi đón, mở rộng vòng tay ôm lưng mình. Nếu có được Hân?
Chỉ là thoáng qua một ước mơ mỏng manh. Hân bây giờ đã có một gia đình khá lớn: một chồng và bốn con trai. Xứ bận rộn này có bốn con là nhiều đấy, chắc là cứ mong kiếm thêm một mụn con gái? Hẳn là Hân có được hạnh phúc. Chúc mừng.
Hôm qua, chàng bắt phôn gọi cho cô bạn nhỏ bé hay gửi e-mail này, hỏi thăm bao nhiêu chuyện, rồi trong một phút giây bất ngờ, chàng lại hỏi:
-Còn Phương Nhu thì sao? Bao giờ Phương Nhu lấy chồng thì dù bận rộn cách mấy tôi cũng sẽ về đi dự đám cưới.
Cô bạn cười nhẹ:
-Em thì chắc ở vậy. Sao gặp được một người để thương để chịu lấy người ta làm chồng, khó quá. Thống kê cho biết cái tỷ số mình bị sét đánh chết còn cao hơn cơ hội lấy chồng đấy! Có người kêu em về Việt Nam “cưới chồng”, anh nghĩ có nên không? Em thì sợ quá, lo một thân một mình cho rồi, hơi đâu lại rước của nợ vào người! Anh đi nước ngoài nhiều, cũng về làm việc bên Việt Nam nhiều năm, sao anh không kiếm cho mình một người “nâng khăn sửa túi”?
Chàng cũng cười:
-Ừ nhỉ! Nhưng thời buổi này còn có cảnh nâng khăn sửa túi à?
Rồi nghe như có tiếng ầm ầm bên kia đầu dây, chàng hỏi ngay:
-Mưa phải không?
-Dạ, mưa lớn đó anh. Tháng mười hai mà, anh quên sao? À anh đi lâu vậy thì làm sao nhớ được chứ. Anh có nghe tiếng sấm chớp không? (Giọng người con gái chợt như nhỏ lại.) Đêm nghe tiếng mưa to sấm chớp lớn em thường sợ. Thấy mình yếu đuối quá! Em không sợ ma, dù mấy cây thông quanh nhà uốn mình rù rì theo từng cơn gió nghe cũng thê lương lắm. Em đang tính kêu thợ tới chặt hết. Gió thổi làm trái thông rơi lộp độp trên mái nhà. Đáng lẽ là nên làm vài tháng trước. Cứ chần chờ, nghĩ cũng tiếc, vì xứ ngàn thông xanh mãi, mà ai cũng như mình để thông bị chặt hết thì lấy gì xanh mãi được.
Phương Nhu đã tự tạo cho mình một căn nhà. Còn chàng vẫn chưa làm sở hữu chủ một cái gì cố định!
Lần này, chẳng biết có phải là lời than thở. Không hiểu sao mà hai hôm nay chàng cứ nghĩ tới cô bé Phương Nhu thật nhiều. Nhớ giọng nói dịu dàng, nhỏ nhẹ đó. Lâu nay thì e–mail qua lại nhiều hơn. Một địa chỉ yahoo quen thuộc. Bây giờ thì chàng ngạc nhiên về nhiều thứ...Sao lâu nay Phương Nhu vẫn chưa có người thương? Có bao giờ Phương Nhu nghĩ đến mình mà không phải chỉ là tình cảm của hai người bạn?
Có lẽ tình yêu của người đàn ông dành cho người đàn bà thường bắt đầu từ chỗ người này muốn được lo lắng che chở cho người kia?
Ngồi làm việc ở sở mà nghĩ đâu đâu. Về nhà, vẫn tình trạng vật vờ. Chàng đi tới đi lui trong phòng, định gọi cho Phương Nhu, dặn về mấy cây thông:
-Đừng chặt!
Mà vẫn có chút ngập ngừng. Cô bé sẽ nghĩ gì? Có hiểu ý mình không?
*
Tuyến có dự định là về Mỹ kỳ tới, chàng sẽ đến thăm Phương Nhu, đưa nàng đi ăn ở ngoài tiệm rồi dò dẫm ý của nàng (chàng thật sự thèm một mái ấm gia đình), nhưng rồi công ty trúng được một khế ước khác và sếp chàng muốn chàng ở lại Tân Gia Ba thêm một năm nữa. Công việc bề bộn, chàng phải đi đó đi đây nhiều hơn. Lâu lâu chàng mới gọi hỏi thăm Phương Nhu, mà cũng không nói được nhiều. Phương Nhu lại trầm lặng hẳn đi, không còn líu lo kể chuyện bạn bè như ngày xưa nữa. Nhưng chàng chắc chắn một điều, Tây Bắc vẫn mãi mãi có những cơn mưa dai dẳng. Và hình như Phương Nhu cũng đã chặt những cây thông. Chàng vẫn như người vô tình!
Ngày tháng trôi qua. Rồi một hôm giữa tháng Sáu, khoảng hai năm sau, lúc đó còn đang ở Đài Bắc, chàng nhận thiệp hồng của Phương Nhu, con dấu bưu điện từ Seattle, USA, báo tin nàng đi lấy chồng. Họ Nguyễn và họ Bushell đan vào nhau, quấn quít. Cầm thiệp mà chàng đau nhói. Tưởng như chưa bao giờ bị đau nhói như thế!
Chắc chắn là rồi chàng cũng sẽ gửi quà cưới và thiệp chúc mừng cho Phương Nhu. Lại một lần đánh mất, như mười mấy năm trước, chàng đã đánh mất Hân.
LINH VANG