Nov 21, 2024   log in
 
home
thơ
danh sách tác giả
nhạc
truyện ngắn
biên khảo,phê bình
điểm sách
phỏng vấn
quan điểm
sinh hoạt văn học

ban biên tập
tìm kiếm
thư tín
giới thiệu sách báo
 
 
  Sinh hoạt văn học-nghệ thuật
GIÓ CALI - HÒANG LAN CHI

Tiểu bang California lớn, ai đó nói rằng bằng nước Việt Nam cho nên bão nơi này và bên kia chẳng biết. Vì thế khi “em” gửi mail cho tôi vỏn vẹn vài hàng như sau:

-Chị sợ gió Calif chưa?
Gió có buồn lòng người lữ thứ?
Đã làm tắt lò hương cũ, hay đã làm cháy thêm nén hương lòng?

 Ngỡ là em ám chỉ cơn gió kia, tôi gõ trả lời:

-Gió nào hả em. Nếu sợ gió thì đừng ra gió. Nếu ra rồi thì hãy đứng đầu sóng ngọn gió mà đi, mà tiến và không  lùi.

Không gió nào có thể làm tắt lò hương cũ vì hương cũ ấp ủ trong tim. Cũng chả gió nào cháy thêm hương lòng vì hương lòng cũng dấu kín trong tim. Mọi cái trong tim, chỉ chia sẻ với người yêu dấu.  Câu em viết bỗng làm lòng chị dịu. Trong khi chị đang xao động với thời sự.

-Em viết là gió Santa Ana, đã thổi gẫy bao nhiêu cây ở  Pasadena. Em không biết vụ chị đang đứng đầu gió.  Câu trả lời của chị hay, vững lắm.

-Câu trả lời nào cơ? Chị trốn trong nhà không biết vụ Pasadena.

-Hôm thứ 5, 6, gió thổi 60-70 mph, gẫy 100 cây ở Pasadena, San Grabriel valley.

 À hoá ra gió to cây đổ, Pasadena. Thế mà nơi này, tôi chả biết gì. Đường phố vẫn vậy, ồn ào, bụi bậm và cây vẫn chút xanh, khô khốc. Vài nơi có lá vàng, lá đỏ nhưng mầu lá “già” vô cùng kể, không mướt, không  thắm nghĩa là không đẹp vô cùng diễm lệ như của Virginia.

 Gió, tôi bâng khuâng tự hỏi mình có yêu gió không? Tôi không yêu mưa dù mưa thì thường có kỷ niệm, nho nhỏ hay không  nho nhỏ. Tôi nhớ chiều mưa Sài Gòn trắng xoá, mưa như trút nước và tôi nghiêng đầu chụm với một cậu em khác để phả khói thuốc thơm. Tôi nhớ giảng đường B của Khoa Học, những nằm đầu đời của thuở sinh viên, đứng bên người bạn trai và khói thuốc trong chiều mưa bay bay, thơm ngát cả không gian. Còn gió, dường như chưa bao giờ tôi chú ý đến gió. Khi gió lớn, lớn thật lớn để hình thành “bão rớt” thì dường như có vài “bão rớt” thổi qua đời. Chút kỷ niệm mong manh của những cơn bão rớt còn đâu đó.

 Vì thế tôi mới trả lời em, gió, với tôi, không gió nào có thể thổi tắt hương cũ mà cũng chẳng gió nào có thể làm bùng hương mới.

 Ngày mai, tôi sẽ thử lang thang đường phố Cali xem gió Cali như thế nào. Tôi đang là gió, gió thổi vào những nơi tôi nghĩ là bụi bậm và tôi muốn bụi trôi đi. Với người tình nguyện làm gió thì gió ngoài kia của đất trời sẽ như thế nào nhỉ? Không biết, câu trả lời, nằm ở ngày mai!

 Em và Tôi

 Hôm nọ trong lớp học, cô giáo nói về những người nữ thuở nhỏ là tomboy và khi trưởng thành họ sẽ là một mẫu người, chỉ thích kết bạn với đàn ông và không  thích kết bạn với phụ nữ, cô giáo bỗng chỉ tôi và nói tôi là thế. Tôi bật cười. Thuở nhỏ tôi chả là tomboy tí tị tì ti ông cụ nào. Thuở trung học cũng hiền hơn ma sơ, có nghịch ngợm gì đâu. Học hành thì khi chăm khi không, nhưng đặc biệt những năm cuối trung học thì rất chăm. Hình dáng bên ngoài thì ít chú ý vì mải học nhưng cũng thích cột tóc thành hai cái đuôi gà nhỏng nhảnh. Lên đại học, vẫn hiền và khờ vô cùng kể. Khờ  và tồ đến độ mấy ông “masculin” của Khoa Học thuở ấy có vẻ hay “bắt nạt” là khác. Thuở ấy tôi cũng chơi vừa bạn trai vừa bạn gái. Nhưng đúng là tôi có vẻ nghiêng về bạn trai nhiều hơn vì tôi không hạp đi phố, không  hạp ăn quà vặt với mấy cô bạn. Tôi nghĩ vớ vẩn, mơ mộng viển vông và thích văn thơ đạo thiền tả pí lù. Có lẽ vì thế hạp với bạn trai hơn.

 Giờ đây điểm lại thì đúng là tôi thích chơi với đàn ông hơn phụ nữ. Vì chơi với đàn ông nhiều nên có một điều tệ hại là lắm khi tôi quên béng mình là nữ. Ví dụ có lần  tôi nói với một người bạn “Sao tôi thấy ông ‘đàn bà’ quá đi.” ! Điểm đặc biệt khác là đôi khi tôi lại có vẻ chơi hạp với các “cậu em”. Có lẽ giao tình với các “cậu em” có vẻ “an toàn trên xa lộ” hơn chăng? Nôm na là khi tôi trò chuyện, vì “chúng nó” là em, tôi dễ bắt nạt, dễ la lối do cái ‘tố chất’ “Bà Tổng” trong tôi chăng? Sau nữa, chơi với “lũ em”, vợ chúng nó không  ghen. Chứ chơi với người lớn tuổi hơn, quý bà hay ghen làm tôi thấy quá mệt!

 Khi mới đến Virginia, tôi có một cậu em. Em và về một phương diện nào đó, là “ân nhân”. ThanksGiving năm 2007 gì đó, tôi viết một bài về em, ở đây: Người Dưng Cùng Họ

 Trước đó ở Virginia, những năm đầu chưa có xe hay có xe nhưng không biết đường đi, hầu hết các buổi văn nghệ hay cả đấu tranh, tôi và em đi chung. Nhưng hỡi ôi, cơn gió thời sự đã chia em và tôi. Con đường tranh đấu vẫn giống nhau đấy chứ nhưng ở một ngã ba, em chọn đường tắt B và tôi chọn B phẩy. Trong lòng tôi, sâu thẳm vẫn là tình cảm dành cho em. Tôi có một đoản văn khác, rất riêng “cõi riêng vô cùng” tôi viết cho em và ...lại là một cậu em khác được coi.

 “Em mới” bây giờ, người vừa mail hỏi tôi về gió Cali, người được xem đoản văn “cõi riêng ấy”, thì không là ân nhân nhưng là “ẩn nhân”. Em đọc bài của tôi, đọc hết những cái vớ vẩn lăng nhăng gì đó để “biết” về tôi nhưng lại chả cho tôi biết mặt em bao giờ. “Ẩn nhân” là thế. Em có những nhận xét nho nhỏ rất sâu sắc làm tôi vui.

 Khi nghe nói những câu tương tự, tôi mong mình là...gió Cali thổi sang em, cuốn em quăng ra đại dương!

 


 
 

 


Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003