Nov 21, 2024   log in
 
home
thơ
danh sách tác giả
nhạc
truyện ngắn
biên khảo,phê bình
điểm sách
phỏng vấn
quan điểm
sinh hoạt văn học

ban biên tập
tìm kiếm
thư tín
giới thiệu sách báo
 
 
  Sinh hoạt văn học-nghệ thuật
Một góc trời Tây Bắc/Sinh nhật Tháng Năm - tùy bút LINH VANG

 

Sinh nhật giữa tháng năm, đúng vào lúc cây cỏ xanh mướt màu lá mới. (American grandma thì 102 tuổi, sinh nhật của bà là một ngày sau sinh nhật của tôi!) Tôi vẫn vui vẻ, nghĩ mình còn trẻ…khi so với đồng nghiệp Mỹ cùng lứa tuổi. Nghĩ trẻ mà trông cũng trẻ - hihi. Trông trẻ vì nhờ mình có gene Á Đông chăng? 
Vậy mà tôi có thể về hưu rồi đấy.
Có người trêu tôi, bộ họ mướn you khi you mới 10 tuổi, phải không?
Tôi cứ nói chuyện về hưu, ai gặp tôi cũng cứ hỏi tôi, bao giờ thì về hưu? Nhưng tôi không chắc khi nào tôi sẽ về. Về hưu rồi thì sẽ làm gì cho hết ngày giờ? Chắc chắn không có chuyện du lịch rồi, tại tôi lười đi xa. Chắc chắn là sẽ dành nhiều thì giờ hơn để viết văn, làm báo.
Tôi đã qua cái tuổi mà Jane Austen mất, ba chị em nhà Bronte mất. Tôi thấy tôi may mắn quá! Life is good. Như tôi đã từng nói, bây giờ mỗi ngày là một bonus mà.
À, khi nào về hưu thì được ngủ nướng vào buổi sáng (đúng không anh chị Phan Anh Dũng?).  
 
Poulsbo là thành phố nhỏ, “little Norway on the Fjord”, nằm sát vịnh Liberty Bay, một nhánh của Puget Sound, đối diện Seattle, dân cư khoảng 6 ngàn người (để trên tấm bảng ngay con đường dẫn vào thành phố). Từ đây nhìn xa xa là những dãy núi Olympic và Cascade, tuyết vẫn còn phủ trắng trên đỉnh. Đường phố Poulsbo chật hẹp, mang những tên nhắc lại gốc Scandinavian của tổ tiên xưa, như là Moe, Iverson, Lindvig, Fjord. Những di dân đầu tiên đến vùng đất này lập nghiệp là người Na-Uy. Một số ít là Phần Lan. Mỗi năm thành phố tổ chức Viking Fest vào giữa tháng năm. Đó là một lễ lạc lâu đời của người Na-Uy ở vùng này để nhớ về tổ tiên của họ, truyền thống này kéo dài được 42 năm rồi, hằng năm lôi cuốn được nhiều khách phương xa. Festival được tổ chức ngay downtown Poulsbo. Phố chính có tiệm quán, nhà hàng, có không khí của một thành phố Na-Uy. Như mọi festival khác, Viking Fest có nhạc sống chơi ngoài trời, các em bé và những thiếu nữ lên sân khấu nhảy múa; có những gian hàng nhỏ bán thức ăn và đồ thủ công làm quà kỷ niệm. Và dĩ nhiên là phải có parade, diễn hành. Bà con kê ghế ngồi đông đúc hai bên lề đường. Để có chỗ tốt, họ phải đi thật sớm, rồi ngồi đợi. Không biết ở đây họ có cho đặt ghế từ mấy ngày trước như cái parade ở thủ phủ Olympia không? Nơi mà chiều thứ tư bà con đã được đem ghế ra xiềng xích để giữ chỗ, cho cái parade ngày thứ bảy! Những ngày ấy nhìn một con đường dài chạy ngang dinh thự thống đốc, nhà quốc hội, nhà tư pháp,…trông xấu xí, tức cười. Mà thành truyền thống rồi, không dẹp được.
Người đi diễn hành, có những thiếu nữ mặc y phục của người Na-Uy, trắng, xanh, đỏ trông rất đẹp mắt. Có đàn ông ăn mặc áo quần đội nón như những người Viking xưa đi đánh trận, chiếm đất đai khắp vùng Âu Châu. Có đoàn xe cảnh sát và chữa lửa của thành phố– đám con nít ngồi coi rất thích, la ó hoan hô. Nhiều đoàn diễn hành, lại có màn liệng kẹo cho người coi parade. Họ liệng ngay chỗ tôi đang đứng, làm tôi cũng chụp bỏ túi, như con nít!
Mới đầu ở đây ngôn ngữ chính được sử dụng là tiếng Na-Uy. Bây giờ tiếng Mỹ là chính vì thành phố Bremerton gần đó có công sở Naval Shipyard, nhiều người nói tiếng Mỹ làm cho Shipyard đã đến đây ở để đi làm cho gần.  
Tôi đứng coi diễn hành mà nhớ đến bạn tôi, nhà văn Võ Thị Điềm Đạm, đang sinh sống ở Na-Uy. Chị lập gia đình với một người bản xứ - mà có lần chị cho biết phía nhà chồng của chị rất tự hào về nguồn gốc dân Viking của họ.
Nghĩ tới Na-Uy thì cũng nghĩ tới Thi Hạnh, cô bé sinh vào thời điểm 75, rời VN khi mới 10 tuổi, mà cũng cố gắng giữ tiếng Việt, là làm thơ, viết văn và làm nhạc bắng tiếng Việt –đúng là người đa tài. Thật đáng khen!
Bây giờ nơi nào cũng có người Việt ở!
 
Sức khỏe là vàng. Ông bà mình vẫn hay nói như vậy. Có sức khỏe thì muốn làm gì thì làm, ham công tiếc việc như tôi thì lại càng ôm đồm nhiều thứ, chỉ biết làm nhiều thì vui nhiều. Đôi khi bất chợt tôi cũng nghĩ chỉ cần nhức đầu, trúng gió, đau bụng chi đó, người khó ở chút đỉnh thôi, nghĩa là mấy thứ không nguy hiểm tới tính mạng, thì mình cũng đã bần thần chẳng muốn làm gì rồi. Huống chi đau ốm nặng.
Một tuần nay tôi nhận được nhiều e-mails của bạn bè cho biết bệnh tình của nhạc sĩ Từ Công Phụng. Ông bị bệnh ung thư gan. Có người nói bác sĩ bảo ông chỉ còn sáu tháng. Có người lại nói bác sĩ bảo chỉ còn ba tháng. Vợ ông khóc nhiều lắm, nhưng tránh khóc trước mặt ông vì sợ ông thấy mà buồn. Được biết ông không muốn chết. 
Tôi không quen biết ông, dù thành phố ông ở cũng gần nơi tôi ở, chưa tới ba tiếng lái xe, có nhiều lần tôi đã gặp ông. Tôi thấy ông thật hiền, dễ thương, dáng cao đẹp trai, khuôn mặt hơi phong sương chút chút, nhìn là biết ngay đó là con người nghệ sĩ. Nước da ông ngâm ngâm vì ông gốc người Chăm ở Ninh Thuận. Có lẽ vì mang giòng máu Chăm nên khuôn mặt ông trông cũng buồn buồn, như thương cho dân tộc của ông. Ông không những làm nhạc, ông còn biết hát. Tôi thích nghe ông hát. Tôi bỏ cái CD của ông trong xe và thường nghe trên đoạn đường đến sở làm – những ngày không đi xe buýt. Thỉnh thoảng tôi còn hát loạn trong xe, “Bây giờ tháng mấy rồi hở em?” (mà bà con hay đổi lời là “Bây giờ mấy tháng rồi hở em?” Nghe nói ông không mấy hài lòng về chuyện thiên hạ đổi lời bài hát của ông. Tôi lại nghĩ, bà con đổi lời như vậy rồi hát, chứng tỏ là “đứa con tinh thần” của ông đã rất gần gũi với quần chúng, là điều nên vui chứ. Làm tôi nhớ tới những “đứa con” của tôi, mong sao chúng cũng được độc giả chiếu cố như những “đứa con” của ông vậy.
Cái năm mà hội QNĐN ở đây in đặc san ở nhà in của ông, khi đến nhận sách, Ng còn được phu nhân của ông tặng CD của ông. Theo lời Ng kể bà có cho biết bà là người BĐ. Nhưng sao bà nói giọng Bắc rặc như thế, nếu chỉ nghe giọng nói thì sẽ cho bà là người Bắc. Có lẽ là người gốc Bắc nhưng ở BĐ chăng? Đồng hương của you. Ng cười bảo vậy. Với tôi, nghe ai đồng hương là tự nhiên thấy thân thiện, “thấy người sang, bắt quàng làm họ” rồi!
Tôi có nói với chị Hồng Thủy rằng em hay nghe nhạc Từ Công Phụng, nhưng em lại không biết nhiều về ông, mà chị thì lại chơi thân với vợ chồng ông ấy, em nghĩ chị nên viết một bài về ông, sẽ có nhiều độc giả muốn đọc đấy, hãy viết ngay để ông còn đọc, cho vui. Chị trả lời là sẽ cố gắng viết cho số tháng sáu này.    
Tôi muốn ông biết là ông có nhiều người ái mộ ông –những người thầm lặng ái mộ ông như tôi nữa. Có âm nhạc thì đời tươi vui, thú vị hơn. Tôi nghĩ ông đã làm bao nhiêu người vui.
Nhất là khi đọc được tâm tình của ông ghi trên một trang web:
                                
“Nếu các bạn nghĩ tình yêu trong âm nhạc của tôi là những hoa hồng bên cánh cửa sổ thì mong những dòng âm thanh ấy quấn quít mãi trong đời bạn. Nếu vẻ đẹp trong âm nhạc của tôi cũng chính là một phần trong vẻ đẹp tâm hồn bạn, thì tôi xin làm tấm gương để các bạn ngắm mãi một phần đời óng ả của mình đang lùi dần vào dĩ vãng theo bóng thời gian”.
Ông sẽ không cô đơn. Tôi cầu mong ông bình an, chống chọi được căn bệnh hiểm nghèo.
 
Tháng sáu rồi mà trời Tây Bắc vẫn còn mưa lạnh. Năm ngoái khoảng thời gian này nhiệt độ đã lên được 80 (tôi nhớ được là vì coi lại nhật ký có ghi điều này). Năm nay mặt trời chỉ lấp ló. Trời mưa làm Ng bỏ bê vườn rau. Một ngày nhìn lại. Ôi thôi! Mấy dây bí, dây dưa leo, mấy cây ớt bị sên ra ăn sạch từ ngọn tới gốc! Bây giờ mà bắt đầu ươm trở lại thì cũng muộn rồi. Kiểu này đành phải đi Farmers’ Market vác về những cây đã lên cao. Hay vào Costco? (hihi, quảng cáo cho Costco) Thấy mấy chậu cà chua của nó đã đơm đầy bông và ra trái nhỏ. Vác về chẳng mấy chốc là sẽ có trái chín ăn ngay. Cây nhà lá vườn, organic là tốt nhất rồi.    
Hè năm nay vườn sau nhà có nhiều đất rộng, tha hồ mà trồng, là vì mới mướn thợ tới chặt 5 cây thông cao, chỉ để dành một cây con. Chặt từ 6 cây trở lên, trong vòng 36 tháng, thì phải xin phép City. Nếu không xin phép mà bị hàng xóm thưa méc với City là mình sẽ bị phạt. Xin phép thì cũng dễ, chỉ là vì mình lười thôi, cho cẩn thận chỉ chặt 5 cây. Mấy cây thông cao ngút ngàn này là mối lo lắng vào những tháng mưa to gió lớn (tháng 11, tháng 12), gió thổi mạnh, cây lá lào xào chao động, trái thông rớt lộp độp trên mái nhà, cứ sợ cả cây thông đổ xuống nhà. Bây giờ khỏe rồi! Bao nhiêu năm cứ tiếc, lại cứ nghĩ bảo vệ cây cối, môi trường, không chịu chặt, mà cái tâm không an. Chặt rồi thì cũng thấy hơi tiếc tiếc vì quen nhìn, chứ chẳng có gì khác.  
Tưởng mình làm gi ở trong đất của mình thì không ai để ý, vậy mà cũng có một ông hàng xóm, ở xéo xéo bên kia đường, qua nhà gõ cửa nói là phải gìn giữ cây để bảo tồn thiên nhiên chứ. Nghĩ bụng, cây mà đè sập nhà, chưa kể tới cái mạng của mình, thì ai lo cho mình đây, ở đó mà nói chuyện environment!
 
Từ tháng sáu năm nay cho tới tháng sáu năm tới, mọi công sở của tiểu bang WA sẽ đóng cửa 10 ngày. Để người dân khỏi thắc mắc ai mở ngày nào, ai đóng ngày nào, quốc hội tiểu bang đã ký một đạo luật, cho biết 10 ngày nhất định do chính họ chọn. Toàn là chọn vào những ngày thứ hai hay thứ sáu, để bà con công chức tiểu bang có weekend dài 3 ngày. Bộ của tôi cũng sẽ phải đóng cửa theo dù nó tự trị, không lệ thuộc vào general fund. Section nào cũng phải đóng, ai cũng phải nghĩ, trừ cái nhóm của bọn tôi, ông sếp lớn tranh đấu, vì tầm quan trọng do công việc của nhóm, là lo nhận tiền nong vào mỗi ngày, sau đó phải bỏ vào chỗ đầu tư. Vậy mà tôi cứ tưởng mình cũng sẽ được nghỉ. Tại chưa bao giờ nghỉ cái kiểu không ăn lương như thế này nên cũng “hí ha hí hửng”. Ai dè lại phải đi làm!   
 
Tôi vẫn viết nhật ký mỗi ngày. Trong một trang nhật ký viết lâu lắm rồi, tôi đã viết như thế này:
Viết nhật ký là một thú vui mỗi ngày mỗi phổ thông, dù rằng trong đời sống, việc học hành và sau đó là việc cơm gạo đã làm mình đủ bận rộn.
Con gái thích viết nhật ký hơn con trai. Cuốn nhật ký được coi như một người bạn thân. Một người bạn chỉ biết lắng nghe mà không bao giờ ganh tị, hơn thua với mình. Anne Frank gọi "người bạn nhật ký" của cô là Kitty, và cô đã bắt đầu cuốn nhật ký này với hàng chữ:
"Mình mong là mình có thể kể lể tâm sự mọi thứ cho bồ nghe những khi mà mình không thể kể lể tâm sự với ai được, và mình cũng mong là bồ sẽ là niềm an ủi và sự hỗ trợ lớn lao vô biên cho mình..."
Nhờ cuốn nhật ký này, chúng ta biết được Anne Frank đã sống như thế nào trong những ngày cô và gia đình cô trốn tránh sự rùng bố và tàn sát dã man của bọn Đức Quốc Xã. Đó là những ngày tù túng và lo âu. Cô chết ở Bergen-Belsen, chỉ còn thiếu ba tháng là cô tròn 16 tuổi.
Tôi đã bắt đầu viết nhật ký khi tôi lên lớp đệ lục (lớp bảy). Nhắc về những ngày đó đã rất xa là xa...Tôi vẫn giữ thú vui này cho tới bây giờ-một thú vui lâu ngày đã trở thành thói quen, như ta phải xúc miệng đánh răng mỗi ngày.”
Khi nào mua xách tay, tôi cũng kiếm mua cái nào mà có thể chứa vừa cuốn nhật ký. Mỗi khi vào các tiệm sách hay Wal*Mart, Office Depot, tôi vẫn hay đi lại cái kệ để những cuốn nhật ký. Và tôi cũng hay cầm lên ngắm nghía, nghĩ ngợi, có nên mua không đây? Mình đang có nhiều quá rồi, chưa xài cũng cả 10 cuốn. Mình sẽ cố gắng nhớ là đừng mua nữa, cho đến khi nào xài hết thì mới mua.
Tôi thích viết nhật ký bằng viết pic màu xanh, ở Wal*Mart, loại này 10 cây trong một bịch, đồ của Mỹ, nhưng Made in Mexico, với giá chỉ có một đô, rẻ quá.
Tôi viết nhật ký trên xe buýt, ở sở làm, ở trong …phòng tắm, và nhiều nơi chốn khác nữa. Trên bàn, dưới thảm, ở đâu cũng viết được. Viết văn thì gõ computer, còn viết nhật ký thì viết tay. Cũng phải có nơi để lưu lại thủ bút của mình chứ!
 
Tin mới nhất: ai cũng phải nghỉ! Như vậy mới công bình. Việc đâu thì cũng còn đó.
Ừ thì nghỉ!
 
LINH VANG

Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003