Đây là một truyện ngắn của một nhà văn trẻ người Mỹ gốc Việt, dài khoảng 15 trang đánh máy, nói về một người đàn ông vốn là một con người văn hóa, từng là viện trưởng một trường đại học ở Việt Nam, nay được nhận vào định cư tại Mỹ và trở thành một nhân viên cấp thấp nhất trong ngành bưu điện. Trong chuyến vượt biên trốn khỏi Việt Nam với gia đình, ông đã dùng dao giết chết một tên hải tặc sắp sửa hãm hiếp vợ của ông, dù trước đó ông tôn trọng sự sống của muôn loài đến mức không đang tâm giết một con nhện mà thả nó ra bụi cây trong vườn. Bây giờ ông lại bị đưa đến một tình huống sát nhân nữa chỉ vì không kềm được mình trước sự chứng kiến những câu nói bông đùa của một đồng sự về cô con gái 13 tuổi, điều đã làm cho ông cảm thấy bị xúc phạm nặng nề đến nỗi mất hết cả sự bình tĩnh cần có.
Chi tiết kịch tính nhất trong truyện là khi ông Việt nhìn thấy lưỡi dao thòi ra từ túi đựng cơm trưa, đưa ông về khúc phim trên chiếc ghe vượt biển và hành động giết người của mình.
Một truyện ngắn là một hư cấu lấy chất liệu từ đời sống. Phần hư cấu là phần hấp dẫn, nhưng phần chất liệu cần có tính thuyết phục. Trong truyện này, những chất liệu đưa ra chưa đạt được tiêu chuẩn đó.
Thứ nhất, ông Việt từng là một giáo sư đại học về Triết tại Việt Nam, mà tiếng Anh của ông lại quá kém, không thể phản ánh trình độ học thức của ông. (td. “You talk about her, only thirteen, like whore.”). Thứ hai, đối với tôi, ông giống như là một nhà thơ hoài cổ, ngưỡng vọng văn hóa Trung Hoa, hơn là một giáo sư triết học mà vào những năm ’70 tại Việt Nam rất sính đưa ra và bàn thảo về những triết thuyết cao siêu và hiện đại của những triết gia Pháp đương thời.
Chi tiết về những tên hải tặc cũng thiếu tính thuyết phục. Chỉ thấy có hai đứa, mà lại là Tầu lai Việt. Không thấy có bất cứ chi tiết nào thêm vào đám cướp để làm cho người đọc tin rằng chúng không phải là những đứa ngờ nghệch dễ bị khuất phục như vậy.
Chi tiết về hoạt động trong phòng xếp loại thư của bưu điện cũng cho thấy một đám công chức lười biếng nói nhiều hơn làm, điều khó tin trong môi trường làm việc tại Hoa Kỳ. Sự xuất hiện của cô con gái Elle tại nơi làm việc để đưa túi cơm trưa cho ông bố cũng là chuyện khó xảy ra.
Dù sao, Angie Châu cũng cho thấy một văn phong linh hoạt của một nhà văn trẻ đang cố gắng vươn lên trong dòng văn học chính thống của Hoa Kỳ. Hy vọng với thời gian, cô sẽ có thêm cơ hội để mài giũa tài năng và tạo thêm tiếng vang mới đại diện cho một thế hệ trẻ trung đang cố gắng hội nhập vào đời sống văn hóa bản địa.
KIM VŨ