Gửi em, Quốc Bảo
Tháng Tám đang rón rén về. Tháng Tám với người cao niên sẽ gợi nhớ mùa thu, dù Sài Gòn hiếm hoi với ngày thu.
Nắng California có vẻ dịu dàng hơn trong vài ngày cuối tháng Bẩy. Không biết khi Tháng Tám về, trời Cali sẽ ra sao?
Làm quen, tôi đang phải làm quen với khí hậu Cali. Sáu năm trời ở vùng đông bắc, khí hậu có khắc nghiệt hơn Cali thật nhưng lại có vẻ hạp với tôi. Hạp vì đường phố nhiều cây và rừng nhỏ. Hạp vì mùa thu lá vàng. Hạp vì tuyết trắng chiều đông. Và thực tế nhất, khí hậu dù khắc nghiệt nhưng chỉ ở ngoài, còn trong nhà hay sở làm thì lúc nào cũng được giữ ở 70 độ.
Về đây, nhiều nhà ở Cali không dùng heat và cũng chẳng có máy lạnh, vì thế tôi chưa quen lắm. Nhớ đầu tháng 7, có hôm nóng quá, trong phòng lên đến 85 độ, tôi phải lấy khăn uớt đắp trán liên tục. Sau đó phải cấp tốc đi mua “cooler”.
Tuy đỡ nóng nhưng hơi gió “phù phù” làm tôi khó chịu và hay nhức đầu. Cảm thấy nhớ Virginia,
mùa hè nóng nhưng trong nhà mát lạnh, thật dễ chịu và tha hồ làm việc, đủ thứ việc mà không thấy mệt. Vì thế nhìn Cali đang chuyển sang tháng Tám, tôi cảm thấy nhẹ nhõm.
Ban mai trời “ui ui”. Có việc gì đó để đi tìm ở net và vô tình tôi đọc được một tạp ghi. “Vai kép”. Tôi ngậm ngùi và nước mắt rưng rưng. Tôi không thương cho em, tác giả mà vì tôi thương tôi. Tôi soi thấy mình trong “đoạn Ba” của em. Mẹ em và cả em đều phải đóng “vai kép”. Đóng vai gấp đôi mà “thù
lao” chẳng những không gấp đôi mà chỉ là số không!
Em viết:
“Mẹ tôi, sau khi bố mất, đã trở thành một người đàn bà mang toàn bộ đức tính của người bố: cứng rắn, điềm tĩnh, nghiêm khắc, bương chải, đương đầu; như thế đương nhiên mẹ tôi đã hy sinh những gì đẹp đẽ của người mẹ, chẳng hạn sự mềm mại, ấm áp, vẻ yêu kiều để đảm trách việc lẽ ra không phải của mình. Mẹ tôi chưa từng là một người mẹ, vì đã trót làm một người bố.
Tôi thương con bằng tình thương một người bố có thể dành cho con, bởi dù có muốn, tôi cũng không biết thay thế vai trò người mẹ bằng cách nào. Nhưng tôi dịu nhẹ và chiều chuộng con hơn cả mẹ tôi, giờ làm bà nội, bà đã đảm trách vai trò nam giới thêm một lần nữa - nghiêm khắc, và điềm tĩnh (cũng có khi không còn giữ được điềm tĩnh vì tuổi tác), hay như một người cha quyền uy và gia trưởng.”
Tôi đọc em viết mà ngậm ngùi. Vâng, tôi, con bé con “ngốc nghếch và ngố”, mà người Bắc gọi là “tồ” cũng không nghĩ là mình phải vác cái “thánh giá” ( ví von thế cho dễ hiểu) một mình và lâu thế. Thuở nhỏ cũng mơ mộng một mối tình đẹp như thơ, một kết cuộc trọn vẹn để có một mái gia đình với ánh mắt của “nghiêm phụ”, nụ cười của “từ mẫu” và con trẻ lớn lên, hài hoà trong cái “nghiêm” và “từ” ấy. Nôm na là tôi cũng mong mình gặp được người đàn ông cao hơn tôi một cái đầu, cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Người ấy sẽ là bờ vai ấm áp cho tôi dựa, sẽ là cánh tay vững chắc cho tôi níu. Tôi sẽ có đầy đủ, như em viết, sự mềm mại, vẻ yêu kiều của người đàn bà. Các con tôi sẽ trưởng thành trong sự giáo huấn nghiêm khắc của chồng tôi, trong sự hiền hoà của người mẹ là tôi.
Lấy chồng, một thảm kịch để kéo theo thảm kịch phụ là con. Và như mẹ em, tôi đã phải đóng “vai kép”. Một “vai kép” trong thời buổi nhiễu nhương, gian khó nên khó khăn bội phần so với “vai kép” của thời không nhiễu nhương. Vừa kiếm tiền nuôi con, vừa dạy con theo nếp nhà, vừa chỉnh con theo xã hội cũ, tôi đã không còn là một “cô bé ngây thơ ngốc nghếch, tồ” của Gia Long và cả Đại học Khoa học ngày xưa.
Mở dấu ngoặc, khi gửi bài “ Gia Long ngày ấy”, tôi đính kèm hình mình năm đệ nhị. Vài bạn hữu cho ý kiến. Một anh bảo “ trông đúng là học trò, thiên thần chứ không ngổ ngáo như sau này”.
Một chị “Chăm chỉ hạt bột”. Bạn cũ Gia Long mà tôi gặp lại vào khoảng năm 1985 đều ngạc nhiên “Hồi xưa QG hiền lắm, đâu có lanh như bây giờ?” Hay bạn Khoa Học, cũng tương tự “QGơi, anh nhớ hồi xưa, khi anh gặp QG là năm thứ hai mà QG ngố và ngây thơ lắm. Ở tuổi QG bấy giờ, con gái nhiều cô họ khôn và rất sắc mắc, không ai khờ như QG cả”.
Tôi đã tự mình đánh cắp cuộc đời của chính tôi khi buộc phải thủ “vai kép”. Tôi thương hại mẹ em, bà đã phải dấu đi vẻ “yêu kiều” của bà một, tôi thương tôi mười. Bởi vì tôi là người mơ mộng, tôi là người viết văn, vì thế khi phải tự đánh mất cái “yểu điệu thục nữ” của người có tâm hồn uớt át, hoàn cảnh tôi có lẽ bi đát hơn mẹ em.
Tôi nhớ lại, cũng em, cách đây không lâu, khi viết về Ngoại, em đã dành mọi trìu mến cho Bà và qua những “con chữ ngập ngừng” của em, tôi mang máng đoán được sự “xa cách” của em dành cho mẹ, người thủ “vai kép”. Lúc đó tôi mỉm cười vì tôi biết em “chưa qua cầu”. Hôm nay, con em mười tuổi và em đã qua cầu, mới hay”. Em, bắt đầu viết cho mẹ “
..” mẹ tôi đã hy sinh những gì đẹp đẽ của người mẹ, chẳng hạn sự mềm mại, ấm áp, vẻ yêu kiều.” là tôi biết, “ chỉ khi có con mới biết lòng cha mẹ” là như thế đấy. Em đang hoang sợ hãi trước biến đổi của đứa trẻ lên mười, và tôi, tôi chờ đợi nỗi đau của em khi đứa trẻ mười lăm, hai mươi lăm. Em ơi,
không phải tôi “trù ẻo” gì em vì cuộc đời là thế cả, là “của đồng lần” mà thôi. Dù sao, đã biết rằng mẹ, thay vì lập mái ấm mới để “yêu kiều , nũng nịu” với hình bóng mới, người phụ nữ Việt Nam
ấy, như bao phụ nữ Việt Nam khác, đã chọn con đường gian khổ là “đóng vai kép”, vào lúc này, em còn có cơ hội để người phụ nữ ấy cảm thấy “vai kép” của mình đã được đền bù, trả công muộn. Muộn nhưng, có còn hơn không.
Và chân thành mong rằng con em sẽ không phải thủ “vai kép” như mẹ em, em và tôi!
Hoàng Lan Chi