Ngày phát hành: March 30, 2010
Nhà xuất bản: St. Martin Press
Hardcover, 390 trang
ISBN-13: 978-0312611576
Giá bán: $24.99
Tựa đề “The Lotus Eaters” có xuất xứ từ truyện The Odyssey của Homer, dựa theo thần thoại Hy Lạp, nói về một giống dân chuyên ăn hạt sen. Họ không giết những kẻ lạ xâm nhập vào lãnh thổ của họ mà còn đem hạt sen ra mời. Những ai đã ăn thử hạt sen rồi thì không muốn hay quên hẳn ý tưởng trở về quê cũ, mà chỉ muốn ở lại cùng dân bản xứ.
Từ ý niệm đó, trong “The Lotus Eaters”, tác giả Tatjana Soli đã nói rằng có những phóng viên chiến trường mà một khi họ đến VN để tường thuật về cuộc chiến ở nước này, họ đã đeo đuổi đam mê nó đến nỗi là họ không bỏ đi được.
Truyện mở đầu ở thời điểm Sài Gòn sắp bị sập đổ, xe tăng Bắc Việt đang tiến vào thành phố, có hai kẻ yêu nhau đang băng qua những đường phố hỗn loạn vào lúc bấy giờ (1975), để tìm đường thoát ra khỏi VN. Một người lên được máy bay và một người chọn ở lại.
Helen Adams là nữ phóng viên chiến trường và Linh là chồng của Helen. Dùng tài ngoại giao, Helen đưa được Linh ra khỏi VN, còn cô thì chọn ở lại để quan sát một biến cố quan trọng sắp xảy ra và mong chụp được những tấm hình để đời.
Sau đó truyện kể tới liên hệ của ba nhân vật suốt trong 12 năm qua (từ năm 1963).
Mười năm trước, cái chết của người anh trai đã khiến Helen bỏ học mà đến VN – cô muốn biết anh cô đã tử trận như thế nào. Năm đó là năm 1965, cuộc chiến VN đang leo thang, mà cô chỉ là một phóng viên trẻ, non nớt, không có kinh nghiệm. Cô gặp Sam Darrow là tay chụp hình chiến trường lão luyện, ông đã được giải thưởng Pulitzer. Darrow cho là Helen không thể nào đương đầu với những thử thách gay go, mà ông bảo, đó là công việc của đàn ông. Nhưng Helen nhất quyết tạo một tiếng tăm. Darrow nhìn Helen như là một bản sao của chính ông lúc ông còn trẻ. Ông theo dõi Helen từ xa, thấy từ từ cô cũng bị cuốn xoay vào cơn lốc VN với cuộc chiến phức tạp của nó. Cô cũng yêu VN như quê hương của mình, cũng đau đớn khi thấy Nam VN mất. “Nếu những tấm hình của bạn chưa có một giá trị nào thì tại bạn chưa đến gần lắm”, photojournalist Robert Capa đã từng nói như vậy. Liệu Helen có đủ can đảm? Nhưng không bao lâu, Darrow cũng nhìn Helen như là đối thủ cạnh tranh với mình, dù ông có truyền kinh nghiệm trong nghề, và cũng trở thành tình nhân của Helen (Darrow có vợ con ở quê nhà). Nhờ chụp được một tấm hình làm thế giới rung động (làm độc giả liên tưởng tới tướng NNL bắn một du kích quân), cô được thâu nhận vào làm việc cho tờ báo Life.
Có thể nói đây là một cuộc tình tay ba vì cũng có anh chàng Linh, là thông dịch viên và là phụ tá cho Darrow, cũng thầm yêu Helen sau khi Darrow đề nghị Linh qua giúp Helen. Linh hiểu rõ về cuộc chiến hơn cả Darrow và Helen. Linh đã mất tất cả vì cuộc chiến (vợ con, cha mẹ, nhà cửa), đã đào ngũ, là một người lính bất đắc dĩ vì Linh vốn chỉ thích làm thơ, viết kịch.
Darrow bỏ mạng trong một chuyến đi săn tin. Sau khi Darrow mất, Helen và Linh có dịp gần gũi nhau hơn và một lần Helen bị thương và được Linh săn sóc, tình cảm giữa hai người có dịp phát triển.
Đọc cuốn sách, tôi như có thể nhìn ra được Sài Gòn vào lúc biến cố 75 xảy ra. Tôi đọc thấy tên những con đường, những thành phố, những căn cứ quân sự, một đất nước điêu tàn vì chiến tranh. Tưởng như tác giả phải là nhân vật Helen, một nữ phóng viên lăn lóc nhiều năm với cuộc chiến VN, mà kỳ thật là Tatjama Soli chưa qua VN, chỉ biết VN qua sách vở! Tác giả cho biết chỉ trùng hợp ngẫu nhiên mà nhân vật Linh được mô tả như là một người làm việc cho báo Life mà lấy tin tức cho phía Bắc Việt, giống như trường hợp có thật ngoài đời là Phạm Xuân Ẩn, một điệp viên của Bắc Việt, làm ký giả cho báo Time. Tác giả tạo dựng một nhân vật như thế trước khi biết trường hợp của Phạm Xuân Ẩn.
Linh bị cưỡng bức phải làm như vậy, dù rằng anh ta từng đi lính cho miền Bắc và sau trốn vào Nam, và rồi bị bắt đi lính cho miền Nam. Đây là một nhân vật khá phức tạp, xem chừng làm việc cho Mỹ nhưng không tin Mỹ? Linh tức giận với chính quyền và với sự phản bội của Mỹ.
Helen đưa Linh (đang bị thương) tới tòa đại sứ Mỹ và được di tản ra hạm đội, sau qua Mỹ; còn Helen ở lại, hầu chụp được những tấm hình có giá trị lịch sử. Helen là trọng tâm của cuốn tiểu thuyết “The Lotus Eaters”, cũng như những phóng viên chiến trường khác, cô đã trả một cái giá quá đắt khi vô nghề này (bị thương ở chiến trường làm hư tử cung, tử cung bị cắt bỏ, tai hại là không sinh đẻ được nữa). Liệu sau này Helen có thoát được khỏi VN và đoàn tụ với Linh? Cô đã “vượt biên” dùng đường bộ qua vùng killing fields của Khmer Rouge đang chiếm Cambodia. Tôi sẽ không tiết lộ điều này để khỏi làm mất hứng cho những ai muốn thưởng thức cả cuốn sách “The Lotus Eaters”.
Tatjana Soli đã theo học ở Stanford University và chương trình khoa văn Warren Wilson MFA.
Đây là cuốn tiểu thuyết đầu tay của cô. Cô viết nhiều truyện ngắn cho The Sun, StoryQuarterly, Confrontation, Gulf Coast, Other Reviews, Nimrod, Third Coast, và Sonora Review. Có truyện đã được đề nghị cho giải Pushcart Prize.
Hiện cô sinh sống ở Orange County, tiểu bang California.
Mimi Bùi