Từ ngày bố mất, Thúy cảm thấy cô đơn. Cô đơn đã làm cô bé buồn. Tính tình cô thay đổi. Cô ít nói, ít cười. Vào những buổi sáng ngồi ăn điểm tâm với mẹ, mặt cô đăm chiêu tư lự, cô bé như có điều gì phải suy nghĩ. Khác với những ngày trước đây, khi bố còn sống, những bữa điểm tâm buổi sáng như thế, cô bé như con chim thích hót, luôn miệng chuyện trò, hỏi đủ điều ngây thơ ngớ ngẩn, thì bây giờ, cũng với những bữa điểm tâm của buổi sáng như thường lệ, cô bé chỉ ngồi lặng câm, ăn với đôi mắt nhìn xuống mặt bàn, như trên mặt bàn đó, cô theo dõi một con kiến đang bò. Nỗi buồn của cô không qua khỏi cặp mắt nhận xét của người mẹ, nên mẹ của cô phải gặng hỏi, nhưng thay vì trả lời, cô đã không trả lời, miệng ngậm câm, mặt buồn thiu buồn thỉu.
Mẹ có bạn bè thường ghé đến nhà chơi. Bạn của mẹ đàn bà có, đàn ông có. Ở phòng khách, mẹ ngồi chuyện trò vui vẻ với họ. Những lúc đó, bé Thúy tập trung tư tưởng vào bài vở, hay dán mắt trên màn ảnh TV, coi những phim họat họa của chương trình dành riêng cho trẻ em. Bé thấy trong số bạn của mẹ, có một ông khách thường xuyên hay lui tới nhà. Có nhiều khi ông đến, ông ở lại dùng cơm trưa hay cơm chiều với mẹ.
Mỗi lần ông đến như thế, chẳng bao giờ cô bé không thấy, ông quên mang theo những gói quà. Quà cho mẹ thường là một bó hoa hồng, một hộp đựng đồ mỹ phẩm. Quà cho bé, ông chọn những con búp bê, những viên kẹo gói giấy đủ mầu sắc, những thỏi chocolate hình chữ nhật, và những hộp đồ chơi xếp chữ làm bằng gỗ. Những món quà đó, cô bé rất thích. Cô ăn kẹo, ăn chocolate, bày những con búp bê be bé xinh xinh ở đầu giường ngủ, để những hộp đồ chơi ở cái bàn học kê sát cửa sổ chỗ cô thường ngồi học bài.
Ông bạn của mẹ năng lui tới, đã coi mình như một người quá thân trong gia đình, nên ông thường có những cử chỉ và thái độ tự nhiên thái quá. Cái ghế khi bố cô còn sống hay ngồi, mỗi lần đến, ông đã tự tiện ngồi xuống đó. Trong lúc ông ngồi, ông còn đẩy đưa cái ghế hay xoay qua xoay lại, khi cần đối diện để chuyện trò với mẹ, khi hướng về mé đường phố để đưa mắt nhìn ra bên ngoài. Mỗi lần thấy ông đến, nhìn ông ngồi ở cái ghế đó, cô bé tỏ vẻ phật ý, mắt mở to, mặt bỗng không được vui. Đấy là bởi, cô không muốn bất cứ một người khách đàn ông nào, ngoại trừ bố cô ra, được quyền xử dụng cái ghế mà bố cô đã ngồi trước đây. Đầu óc trẻ thơ trong trắng của cô bé, cô nghĩ rằng, những lúc bố cô muốn ghé về nhà, bố sẽ ngồi ở cái ghế đó, như lúc bố cô còn. Cô hiểu những điều như vậy, qua những câu chuyện người lớn kể ra, cô nghe nói về người đã chết, khi chết, thân xác bị hủy hoại, nhưng linh hồn vẫn còn tồn tại ở một cõi hư vô nào đó. Người chết, những lúc nhớ thân nhân trên dương thế, những lúc nhớ về nơi chốn cũ đã ở, hồn hiển linh, như một người đi xa lâu ngày trở về, để gặp lại gia đình, để nhìn lại ngôi nhà lúc mình còn sống.
Buổi sáng mỗi ngày đến giờ đi học, mẹ cô thường lái xe đưa cô đến trường. Đôi khi, vì bận công việc, mẹ lại phải nhờ ông bạn của mẹ đến chở cô đi. Những lúc ngồi ở cái ghế bên cạnh ông, cô thấy ông thường ân cần hỏi chuyện, cười và nói rất vui vẻ. Ông là người tính tình cởi mở, thích pha trò, ăn nói có duyên, tạo điều kiện cho cô bé bạo dạn và thân thiện ông hơn. Nhưng không phải vì thế, cô có thể quên được những lần ông ghé đến thăm mẹ, ông đã tự tiện ngồi ở cái ghế của bố cô, dù cô không nói, nhưng trong lòng cô bé thực ra vẫn ấm ức bực bội.
Cả một tuần lễ mẹ bận việc, mẹ giao khoán cho ông bạn của mẹ đưa cô bé đến trường. Những lần ngồi trên xe, suốt con đường đi, ông thường vui vẻ kể một vài câu chuyện cổ tích, những câu chuyện quá hấp dẫn, nên nghe, cô rất thích. Một hôm, ông hứa đưa cô đi shopping mua đồ chơi, ông hỏi cô có muốn đi không. Dĩ nhiên khi ông hỏi như thế, ông đã thừa biết tâm lý trẻ con, chẳng có đứa nào lại không thích được người lớn cho đi shopping mua đồ chơi cả. Lần đi shopping bữa đó, cô bé đã được ông dẫn đến các cửa hàng cho cô được tự ý lựa chọn các thứ cô bé muốn. Khi rời khỏi thương xá, cô ôm trên tay một đống đồ chơi. Có hôm, ông vui miệng hỏi:
“Cháu có thường được bố cháu dẫn cháu đến các thương xá không?”.
Cô bé chẳng cần suy nghĩ về câu hỏi của ông hỏi, nên đã đáp liền:
“Bố cháu dẫn cháu đi hoài”.
“Còn mẹ cháu”.
“Mẹ cháu bắt cháu ở nhà với bố cháu. Mẹ đi với vài người bạn của mẹ. Mẹ còn bảo, cho con nít đi theo quẩn chân”.
“Được. Để sau này bác sẽ cho cháu theo bác đến “shopping” mỗi tuần. Cháu thích mua bất cứ đồ chơi nào, bác sẽ mua ngay cho cháu”.
Trời đang nắng, thấy cô bé mắt cứ nhìn cái xe bán cà rem dạo, ông ta hiểu ý của cô bé muốn gì, nên đã nói:
“Để bác mua cà rem cho cháu ăn. Chắc cháu đang khát đấy có phải không”.
Cô bé chỉ khẽ gật đầu. Đến gần cái xe bán cà rem dạo của một người đàn ông gốc Mễ, ông ta nói với người bán cà rem mua một cây loại Eskimo. Cầm cây cà rem từ tay ông bạn của mẹ đưa cho, cô bé vừa đi vừa ăn. Bọc ngoài một lớp vỏ chocolate hơi cứng, bên trong có sữa, cây cà rem thuộc loại đặc biệt, nên vừa cắn một miếng, mặt cô bé đã rạng rỡ, tươi như hoa.
Sau hôm đi shopping được vài ngày, một buổi chiều trời đã gần hết nắng, ông bạn của mẹ cô bé lại đến. Đang ngồi ở phòng khách coi TV, nghe tiếng chuông biết ngay là có khách, từ cái ghế sofa, mẹ của cô bé đứng bật dậy, rồi vội vã bước tới gần cánh cửa ra vào. Cửa mở, cô bé nhận ra người đàn ông vừa bước vào không ai khác là ông Quý.
Nhắm mắt giả vờ ngủ, cô bé vẫn nằm ở cái ghế sofa, tai nghe mẹ và ông bạn
của mẹ nhỏ to nói chuyện. Tò mò muốn biết bữa nay ông đến, ông Quý có mang quà tặng như mọi khi không, ông Quý có ngồi ở cái ghế của bố cô không, cô mới hé mắt nhìn về căn phòng khách. Cô thấy ông Quý đang đứng, vì thế cái ghế đã không được ông ngồi. Ở mặt bàn, cô thấy hai cái gói bọc ngoài bằng giấy mầu, đấy là quà mang đến của ông. Nếu lúc đó mắt không nhìn thấy hai cánh tay ông Quý vòng ra sau lưng mẹ, đầu ông cúi xuống, mặt của mẹ ngẩng lên, môi của người này chạm vào môi của người kia, thì cô bé vẫn giả vờ nhắm mắt ngủ. Bây giờ, cô bé không có thể giả vờ ngủ được, nên cô tung cái chăn đắp, ngồi bật dậy. Không biết đứa con gái chỉ giả vờ nhắm mắt mà thực sự không ngủ, thấy nó tung chăn ngồi dậy, bà mẹ vội xô người đàn ông ra, rồi lên tiếng nói với con:
“Lại đây chào bác Quý rồi nhận quà của bác cho con đi”.
Người đàn ông tên Quý vừa cười vừa bảo:
“Bác mua quà mang đến cho cháu, thấy cháu ngủ, bác có ý chờ cháu thức để đưa cháu quà”.
Khác với mọi lần, khi mắt nhìn thấy gói quà bạn của mẹ mang đến, mắt cô sáng lên, mặt cô tươi rói, hôm nay thì không. Cô bé không cả một nụ cười, không mừng rỡ để đưa hai tay ra nhận gói quà, không còn nhớ đến một câu cám ơn bình thường như mọi khi nữa.
“Sao con lại thế. Nhận quà của bác cho mà không biết nói gì cả à”.
Thấy cô bé cứ đứng ngẩn người khi nghe mẹ nó nói như thế, người đàn ông tên Quý thấy thương hại cô bé, nên ông ta đã lên tiếng đỡ lời:
“Cháu nó chưa tỉnh ngủ, đừng quở cháu tội nghiệp”.
Cô bé ngước cặp mắt lên nhìn mẹ, phụng phịu nói:
“Con nhớ bố ...
Câu nói chưa dứt, nước mắt chảy ra, cô bé òa khóc.
“Này. Con làm cái gì lạ vậy. Tại sao lại khóc”.
“Con đã bảo, con nhớ bố mà”.
Mẹ của cô bé chưa kịp nói, người đàn ông tên Quý đã chen vào bảo:
“Cháu có lòng nghĩ đến bố cháu, cháu đúng là đứa con có hiếu thảo. Nhưng nghe bác nói đây, hãy nín đi đừng có khóc như thế nữa nhé”.
“Vào ngay bên trong rửa mặt cho sạch sẽ. Mẹ không muốn con làm phiền mẹ thêm nữa có được không”.
Cô bé không dám trái lời người mẹ, cô lặng lẽ bước vào phòng trong. Còn lại hai người, mẹ của cô bé nói với người tình của bà:
“Cũng tới bữa rồi, anh ở lại dùng cơm tối nhé”.
“Thôi. Để khi khác. Chốc lát nữa, anh có cái hẹn với một người bạn”.
Nói rồi, người đàn ông tên Quý kiếu về. Trước khi về, ông ta không quên hôn một cái hôn lên môi người tình, rồi như đã mãn nguyện, ông Quý mới bước ra khỏi nhà. Ngay ngày hôm sau, cô bé đã có phản ứng với người mẹ của cô.
«Mẹ à, con ghét ông Quý. Từ nay, mẹ đừng cho phép ông ta vào nhà nữa. Con không muốn thấy ông ta bước vào nhà ».
«Cái gì. Con nói cái gì. Bác ấy là bạn của mẹ, sao con lại dám ăn nói hỗn thế ».
«Mẹ à. Bác ấy không phải là bạn của mẹ. Bác ấy là người không tốt ».
«Con còn con nít. Con biết gì mà nói bác Quý là người không tốt ».
Cô bé bướng bỉnh cãi:
«Nếu bác ấy tốt như mẹ bảo, bác ấy đã chẳng có quyền ôm và hôn mẹ ».
«Ôm và hôn mẹ hả. Ai nói với con như thế. Ai nói ».
Người mẹ giận điên lên, giọng hơi sẵng. Mọi khi, thấy mẹ nóng, bé Thúy rất sợ. Nhưng bữa nay, không hiểu vì lý do gì, cô bé có thái độ cứng cỏi lạ thường:
«Không cần ai nói với con cả. Hôm qua, chính con đã nhìn thấy ông ta đứng ôm mẹ. Ông ta còn hôn mẹ nữa ».
«Thôi đủ rồi. Mẹ không muốn nghe con nói thêm gì nữa. Mẹ đang nhức đầu đây ».
Câu chuyện xẩy ra giữa cô bé và người mẹ đến đó thì ngưng. Tưởng thế rồi thôi, ba ngày sau, ông Quý lại lù lù dẫn xác đến. Ông đến theo thói quen, ông lại ngồi phịch xuống cái ghế xoay có lưng tựa kê ở góc phòng. Thấy thế, cô bé lặng lẽ tiến đến chỗ ông ta ngồi, lạnh lùng nói:
«Thưa bác. Cái ghế này là cái ghế bố cháu thường ngồi. Cháu xin bác đừng ngồi trên cái ghế đó có được không ạ ».
Người đàn ông tên Quý bất ngờ nghe cô bé nói, sửng sốt ngạc nhiên, và không có thể tin vào đôi tai mình đã nghe thế hay không, nên chưa biết nên phản ứng như thế nào. Lần thứ hai, cô bé lại phải lên tiếng:
«Bác không thể ngồi cái ghế khác ngoài cái ghế này được sao ».
«Ờ ờ, bác có thể ngồi cái ghế khác được chứ. Nhưng …
Cô bé vội cướp lời. Cô nói chững chạc như một người lớn:
«Từ đây trở đi, bác đừng mua đồ chơi cho cháu nữa. Bác có mua, cháu cũng không nhận bất cứ cái gì bác mua cho cháu đâu ».
«Cháu nói thế là thế nào ».
«Cháu nói thế là cháu không thích bác, cháu ghét bác nên cháu không nhận đồ chơi của bác cho. Còn cái túi cháu mang ra đây, nó đựng tất cả những cái bác đã cho cháu, cháu xin được trả lại bác. Cháu không thể nào còn yêu bác được.Từ đây trở về sau, bác không nên đến quấy rầy mẹ cháu và cháu nữa.
Từ nẫy đến giờ, người mẹ bận nấu nướng ở trong bếp, khi bước ra, mẹ của cô bé nghe thấy đứa con mình nói thế, tức thì, mẹ của cô tức giận dằn giọng nói lớn:
«Mày là đứa bé ngỗ nghịch. Trước mặt bác, sao lại có thể ăn nói hỗn láo như thế được hả. Đi. Đi ngay vào trong nhà ».
Người đàn ông tên Quý bảo:
«Cháu nó là con nít biết gì. Đừng bận tâm chấp nhất và mắng nó tội nghiệp em à ».
«Anh đừng bênh vực nó. Nó hỗn. Em là mẹ nó em phải dạy nó cho biết thế nào là lễ phép lịch sự. Nó nói như thế với anh là không thể chấp nhận được ».
«Hẳn phải có lý do nó mới hỗn ».
Không muốn giải thích cái lý do mà ông Quý vừa đặt câu hỏi để hỏi, mẹ của bé
Thúy quay ra nắm tay đứa con, kéo tuột vào phòng. Khi quay ra thấy ông Quý đã đứng dậy, dường như có ý muốn về, người mẹ nhẹ giọng bảo:
«Con bé có lỗi làm anh buồn. Anh bỏ qua và đừng giận nhé ».
«Giận à. Nó còn nhỏ biết gì. Không ai chấp nhất một đứa bé như thế bao giờ cả. Hôm nay anh đến gặp em, mục đích để báo cho em biết, thiệp cưới anh đã cho in, nhà hàng cũng đã đặt, mọi việc chuẩn bị cho ngày hôn lễ đã đâu vào đấy cả rồi. Anh cũng dự trù một tuần trước ngày cưới, anh sẽ đưa em đến tiệm đặt mua áo quần và vương miện đội đầu cho cô dâu của anh ».
«Thật tuyệt vời. Em mong đợi một ngày như thế đã lâu rồi ».
«Chẳng phải riêng em, anh cũng như em thôi ».
Cánh cửa lại mở rồi đóng lại khi người đàn ông tên Quý bước ra ngoài. Thời gian trôi qua, mới đấy mà đã tháng 11. Tháng 11 sau lễ Thanksgiving đúng một tuần, đã tới ngày cưới.Buổi sáng sớm,bé Thúy thấy mấy người bạn gái của mẹ có mặt ở trong nhà. Người lo kê xếp chỗ ngồi, trải khăn trắng trên mặt hai cái bàn dài kê ở phòng ăn, cắm những bông hoa hồng vào những cái lọ thủy tinh trong suốt, người bày những bánh và những món ăn nhẹ dùng cho bữa tiệc trà. Ở trong phòng ngủ, mẹ được bạn của mẹ lo phấn son trang điểm, mặc cái áo phủ trùm từ bờ vai xuống tới chân, bé thấy hôm nay mẹ trẻ và đẹp như một tiên nữ. Mẹ rất vui khi nhìn trong gương thấy mẹ thật lộng lẫy.
Mẹ cười nói với bạn bè của mẹ tưởng như chưa bao giờ mẹ lại hân hoan đến thế. Giờ giấc cứ chậm chạp theo cây kim đồng hồ chạy. Khi ánh nắng đã bò qua cửa sổ vào căn phòng, lúc đó là lúc ngoài đường phố, những cái xe của họ nhà trai đã đến. Người ta, đàn ông đóng bộ áo quần « com-lê », đàn bà áo dài cổ đeo vòng vàng hay chuỗi hạt, bước xuống xe và đi một hàng dài tới cửa ngôi nhà. Bên họ nhà gái, bữa nay ngoài những bạn bè của mẹ, cô bé còn thấy mấy ông và bà đã kéo đến, đấy là những người bên họ mẹ tới dự buổi lễ rước dâu.Khi mọi người bên họ nhà trai đã vào hết trong nhà, căn phòng khách bỗng chốc chật cứng và ồn ào những tiếng người. Máy quay phim được quay. Máy chụ ảnh được chụp. Cũng như bất cứ buổi lễ đón dâu nào khác, chương trình được xếp sắp trước cả rồi, nên mọi diễn tiến do một « MC » đứng ra điều khiển, đã tuần tự từ lúc mở đầu cho tới lúc chót.
Sáng nay, gần như bị mẹ ép buộc, cô bé miễn cưỡng phải mặc bộ quần áo mới. Cái váy mầu trắng phủ quá đầu gối, đầu cài chiếc nơ xanh, chân đi đôi dầy da, cô bé nom xinh xắn dễ thương như một con búp bê đẹp ơi là đẹp. Giữa đám đông người, cô đã chẳng tìm thấy niềm vui mà ngược lại, trong lòng cô, chỉ là nỗi cô đơn và buồn bã.
Trong lúc mọi người cười nói và vỗ tay, cô đã len lén bước ra khỏi căn phòng khách, trốn cái đông và cái ồn ào, để thoát ra ngoài vườn cây trước nhà, đứng nhìn một con bươm bướm đang bay vật vờ trên một bông hoa thược dược. Cô cảm thương con bươm bướm lẻ loi như chính cô thương cô.
«Kìa cháu Thúy, sao cháu không ở trong nhà lại ra ngoài này làm gì vậy.Vào đi. Mẹ cháu đang hỏi cô, cháu đâu rồi đấy ».
Một người bạn gái của mẹ đứng ở đằng sau cô bé lên tiếng. Nghe, bé Thúy thản nhiên trả lời như câu trả lời đó, cô bé đã có sẵn ở trong đầu:
«Mẹ cháu cần gì phải hỏi cháu. Hôm nay là ngày vui của mẹ, cháu không muốn mẹ cháu phải bận tâm nghĩ về cháu. Cô đừng bắt cháu vào. Cô cứ để kệ cháu ở ngoài này cũng được mà cô ».
«Được sao được hả cháu. Nghe cô, cháu vào trong nhà ngồi ăn với mọi người cho vui ».
Biết thuyết phục đứa bé cũng không thể thuyết phục được, người đàn bà là bạn của mẹ cô bé đã nản lòng, nấn ná đứng thêm một vài phút, chán rồi bỏ vào. Ở trong nhà, lúc đó là lúc mọi người ngồi dự tiệc trà đã mãn. Khách bên họ nhà trai lục tục rời khỏi ghế, theo nhau bước ra cửa. Khác với những đám cưới có từ trước đến giờ, nếu bữa nay là lễ rước dâu thì cô dâu sẽ lên xe hoa đi về nhà chồng, thì bây giờ cô dâu và cả chú rể thay vì phải về bên nhà trai, cả hai vẫn ở lại bên nhà gái chứ không như tập tục và thông lệ đã có. Người ta rỉ tai bảo nhau rằng, chú rể hiện đang ở « share » phòng, vì thế, ở « share » phòng thì không có phòng đâu để đưa cô dâu về cả. Người ta cũng còn bảo, sau đám cưới, chú rể sẽ dọn đến ở chung nhà với cô dâu. Đấy là theo lời bạn bè của cô dâu biết và nói thế.
Khi khách khứa thuộc họ hàng bên nhà trai và nhà gái đã về cả, trả lại cái im lặng cho căn phòng, thì những bạn bè thân thiết của mẹ cô bé còn nán ở lại, để phu một tay kê xếp đồ đạc, thu dọn những thức ăn đồ uống còn bừa bãi ở trên mặt bàn, và làm sạch sẽ phòng ốc. Từ bao giờ không rõ nữa, cô bé đã trốn vào phòng của cô, nằm trùm chăn che kín đầu. Cô nằm như thế rồi ngủ lúc nào không hay. Trong giấc ngủ, cô mơ thấy bố cô về. Bố đứng im lặng nhìn cô không nói gì cả. Cô thấy mặt bố buồn rời rợi. Đúng lúc cô lên tiếng gọi bố thì cũng là lúc mẹ của cô vào đánh thức cô dậy. Mẹ bảo:
«Sắp đến giờ đi đến nhà hàng rồi, con để mẹ rửa mặt, chải đầu rồi thay quần áo cho con nhé ».
Nghe mẹ cô nói, cô bé không một lời đáp lại. Mẹ cô đưa cô ra phòng ngoài. Ở phòng ngoài, vẫn cái ghế của bố cô ngồi, cô thấy ông Quý ngồi ở đó. Áo quần «complet » đóng bộ, giầy da đen đi ở chân, ông đưa mắt gườm gườm nhìn cô bé,lặng lẽ nhếch môi và không một lời nói. Bây giờ ngoài trời nắng đã tắt. Bóng tối chỉ chờ có thế để từ từ bò về. Ở dẫy phố, những ngọn đèn đường tự động sáng. Đưa mắt nhìn lên cái đồng hồ quả lắc treo trên tường, mẹ cô lên tiếng nhắc:
«Anh. Đi thôi không trễ ».
Người đàn ông tên Quý, từ vai trò một chú rể, nay đã chính thức là chồng mới cưới của mẹ cô bé, nghe thì rời cái ghế đứng dậy, mở cánh cửa,và đợi cô bé và mẹ của cô bước ra. Cái xe chở ba người do ông Quý lái đã bon bon chạy
trên những con đường rồi chẳng bao lâu, họ đã tới bãi đậu nơi nhà hàng. Đến, lúc đó khách còn thưa thớt. Sau, họ kéo đến thật đông. Biết công việc sẽ lu bu chẳng có thể trông coi đứa con của mình, vừa tới nhà hàng, mẹ của cô bé đã
giao cô bé cho một người bạn để bạn coi con dùm mình. Cô bé được ngồi cái ghế cạnh người bạn của mẹ. Một cái bàn tròn đã có mặt đủ mười vị khách. Lạc lõng giữa những người khách vừa đàn ông vừa đàn bà xa lạ, cô bé cảm thấy chẳng thể vui được. Cô ngồi co ro, mặt buồn ủ rũ, vì người lớn thì mải chuyện trò, không ai buồn ngó ngàng hỏi một câu với cô. Người bạn của mẹ trong lúc quay qua hàn huyên với một bà ngồi ở bên cạnh, hình như đã quên sự có mặt của cô bé, mặc cô bé muốn làm gì thì làm.
Khách khứa đã đến đông đủ. Những cái ghế kê chung quanh những cái bàn tròn cũng đã kín người ngồi. Và giờ khai mạc của buổi lễ chính thức được « MC » là một cô gái trẻ tuyên bố bắt đầu. Diễn tiến của bữa tiệc cưới, « MC » giới thiệu cô dâu chú rể, song thân của chú rể và người đứng chủ hôn đại diện cho cô dâu, thân quyến họ hàng nhà trai nhà gái và quan khách đặc biệt được xướng danh. Mỗi lần sau khi cô « MC » dứt lời, những tràng pháo tay lại nổ vang. Kế đến, để thay đổi không khí, ca sĩ lên sân khấu cầm « micro » đứng hát. Gần như, lúc đó là lúc các thức ăn đã được những người phục vụ của nhà hàng bưng ra bàn, khách mải mời nhau ăn, nên chẳng mấy ai còn rảnh để lắng tai nghe những bài hát và ban nhạc, trống đánh, đàn dạo.
Đã đến thời điểm đi chào bàn, dâu rể, bố mẹ, người đứng chủ hôn, từ đám thực khách này sang đám thực khách khác, tới để nhận những lời chúc mừng, nhận những phong bì tiền, ở đâu cũng thấy rộ lên những trận cười ròn rã, những tiếng vỗ tay bôm bốp, thậm chí còn có cả những tiếng khua chén gõ bát nghe lách cách leng keng.
Người được mẹ cô bé giao cô bé giữ dùm, thấy chỉ còn vài bàn nữa là tới bàn của bà, thì mới để ý đến cô bé ngồi ở bên cạnh. Nhưng cái ghế trống, cô bé thì đã đi đâu từ bao giờ, bà đâm ra hốt hoảng. Chạy đi tìm cô bé, từ bàn này qua bàn kia, từ nơi này đến nơi khác, khắp trong nhà hàng cũng chẳng thấy cô bé ở đâu. Bà hỏi hết người này đến người kia, cuối cùng có một người thấy mặt bà thất thần, bèn lên tiếng hỏi:
«Chị cần kiếm ai vậy ».
«Tôi kiếm con bé. Anh có thấy con bé trên tóc nó có cài cái nơ hình con bươm bướm mầu xanh lơ không ».
«Tôi vừa ra ngoài hút thuốc, con bé mà chị diễn tả đang ngồi ở cái ghế ngoài hàng hiên ».
«Vậy đúng nó rồi. Cám ơn anh ».
Bà ta bước vội vã ra ngoài cửa nhà hàng. Đúng như lời ông khách vừa nói, bà nhận ra ngay, ở cái băng ghế có cô bé đang ngồi.
«Sao cháu lại ra đây. Trời ơi. Đi tìm cháu mãi không thấy làm cô quýnh quáng cả lên ».
Cô bé thản nhiên nói:
«Sao cô lại phải quýnh quáng ».
«Còn phải hỏi. Mẹ cháu nhờ cô trông cháu, cháu đi đâu lạc mất thì cô chịu trách nhiệm, tìm đâu cũng chẳng thấy cháu, cô không quýnh quáng làm sao được ».
«Cô cho phép cháu được ngồi ngoài này. Cháu không muốn vào bên trong đó nữa đâu ».
«Ngồi ngoài này làm cái gì. Cháu không thấy mưa tạt và còn cả gió nữa sao. Nghe lời cô, theo cô vô trong đi ».
«Cháu không vào đâu. Cháu ngồi đây thích hơn ».
«Có gì đâu mà thích hả cháu. Trời thì tối, mưa thì lất phất bay, lạnh thế này mà cháu ngồi có nước cháu bị cảm rồi ho đấy. Thôi nghe cô vào đi. Vào, ở trong đó vui hơn ».
«Không vui. Cháu thấy không vui mà cô ».
«Cháu nói cái gì. Không vui. Ngày cưới của mẹ cháu, cháu lại nói là không vui ».
«Ngày cưới của mẹ cháu thì mẹ cháu vui. Còn cháu, cháu không vui ».
«Đừng nói thế có được không. Nói thế là cháu đã không yêu mẹ cháu ».
«Mẹ cháu bỏ cháu đi lấy chồng, cháu ghét mẹ cháu».
«Con bé này ăn nói lạ nhỉ. Mẹ mà không yêu thì yêu ai hả cháu ».
«Cháu yêu bố cháu ».
«Đúng rồi. Cháu yêu bố cháu thì mẹ cháu là người sinh ra cháu, cháu cũng phải yêu chứ ».
«Không. Cháu đã nói cháu không yêu. Cô đừng nhắc mãi thế nữa. Cô vào bên
trong đi. Cô vào để kệ cháu ngồi ở đây được mà ».
Nói đến khô cả cổ họng, vẫn không cách nào lay chuyển được ý định của cô bé bướng bỉnh, bạn của mẹ cô bé cứ đứng mà chẳng biết phải làm sao bây giờ. Không nhẽ lại cầm tay lôi nó vào bên trong, không nhẽ tức giận lại bạt tai nó một bạt, không nhẽ kệ xác nó muốn ngồi ở đây thì ngồi, không nhẽ đã trở thành không thể, nên vẫn cứ đứng, bà ta hết nhìn cô bé, hết nhìn trời, kết cục chẳng biết phải giải quyết ra làm sao cả. Lại xuống nước hạ giọng, bà bạn của mẹ cô bé dịu dàng nói:
«Cháu đã muốn ngồi đây thì cháu cứ việc ngồi, nhưng theo cô nghĩ, cháu cũng nên vào bên trong một tí rồi lại ra ngồi có được không ».
«Không. Cháu không muốn nghe cô nói thế nữa đâu. Cô nói nữa cháu cũng nhất định không vào.»
«Cái con bé nầy thật khó bảo. Cô đã hết lời mà cháu cứ khăng khăng không chịu, vậy cháu ngồi đâyđể làm cái gì ».
Mặt xụ xuống, nước mắt chảy ra, cô bé mếu máo nói:
«Cháu nhớ bố cháu. Bố ơi. Bố đến với con đi. Bố… bố…bố… ».
Chỉ thế thôi, rồi quá xúc động, bé Thúy òa lên khóc.
NGUYỄN TRUNG DŨNG