THE MAN FROM BEIJING By Henning Mankell
Translated, from the Swedish, by Laurie Thompson
Knopf, 369 pp., $25.95 Phát hành 2010
Truyện bắt đầu vào một ngày lạnh lẽo của tháng giêng, năm 2006, tại một làng nhỏ mang tên Hesjövallen thuộc nước Thụy Điển. Cảnh vật im lặng như tờ, không một ngọn khói nào tỏa ra từ những ống sưởi, đến gần gõ cửa từng nhà, người ta phát hiện là có 19 người, phần lớn là người già, đã bị tàn sát một cách dã man. Hung thủ đã dùng một thanh kiếm bén để giết những nạn nhân –ngay cả thú vật họ nuôi. Điều lạ lùng là có ba người hàng xóm của họ lại được để yên. Manh mối duy nhất là cái ruy băng đỏ bằng lụa và cuốn nhật ký cũ kỹ từ thế kỷ 19 được tìm thấy tại nơi xảy ra án mạng.
Bà quan tòa Birgitta Roslin, 57 tuổi, tận tâm với công việc, thường xuyên bị cao máu và hay hốt hoảng. Bà có bốn người con nhưng lại ít gặp. Cuộc hôn nhân của bà với chồng thì lạt lẽo. Bà bị cú xốc mạnh khi biết trong số những nạn nhân đó có ông bà ngoại của bà – là cặp vợ chồng già Andréns. Họ là cha mẹ nuôi của mẹ bà, người đã lớn lên cũng ở làng Hesjovallen này. Birgitta cũng khám phá ra rằng một gia đình Andréns khác ở tiểu bang Nevada thuộc nước Hoa Kỳ cũng bị giết chết. Đọc cuốn nhật ký của tổ tiên dòng họ Andréns, bà biết người viết là một tay anh chị điều hành việc xây đường rầy xuyên bang, mô tả những người nô lệ Trung Hoa đã bị đối xử tàn nhẫn như thế nào, cũng công nhận là người Trung Hoa làm việc chăm chỉ. Bà so sánh họ tên của những người bị giết, thấy rằng họ đều có liên hệ tới dòng họ Andréns.
Trung Hoa năm 1863, dân quê bần cùng bị địa chủ bóc lột. Có ba anh em nọ mồ côi cha mẹ, lưu lạc tới Canton tìm việc làm. Trong lúc đói khát thì bị bọn buôn người bắt cóc, xiềng xích bỏ lên tàu, chở qua Hoa Kỳ, bị tra tấn hành hạ, bắt làm nô lệ, làm việc khổ cực là đẽo núi làm đường xe lửa. Được cho biết là phải làm việc trong bốn năm, sau đó được tự do, muốn làm gì thì làm. Họ có trốn đi nhưng rồi bị bắt trở lại, bị đánh đập. Họ đã chịu nhục nhã từ những con hẻm ở Canton, tới sa mạc ở Nevada, tới cả những con đường ở Nữu Ước sau này khi được thả ra.
Chỉ có một người trong số ba anh em đó là còn sống sót để trở về quê hương. Người đó là San. Ông sống mà không bao giờ quên mối nhục nhã đó nên đã viết và lưu lại cho con cháu một cuốn nhật ký với đầy đủ chi tiết.
Cảnh sát cho rằng chỉ có một người khùng điên là hung thủ của vụ tàn sát dã man này, nhưng Birgitta quyết tâm tìm cho được ai đã thật sự là hung thủ, mà nguyên do bà nghi ngờ là phức tạp hơn thế nữa. Birgitta dùng kinh nghiệm với đầu óc sắc bén của một quan tòa (bà là quan tòa) để nghi ngờ rằng ai đó ở Trung Hoa đã ra lệnh giết người vì có người đã thấy một người Trung Hoa đã có mặt tại hiện trường vào thời điểm đã xảy ra vụ tàn sát. Vì cảnh sát đã không tin lý luận của bà nên sẵn dịp có bạn cũ là Karin đi qua Trung Hoa, Birgitta đã đi theo. Ở Bắc Kinh, Birgitta đã viếng thăm Cấm Thành, leo Vạn Lý Trường Thành, và nhớ về thời còn trẻ như một người cấp tiến đã say mê với những lý thuyết về sự đoàn kết và giải phóng của Mao. Đồng thời bà cũng cố tìm hiểu ai là người đã đứng sau vụ tàn sát ở Thụy Điển. Sự tò mò của bà đã đặt bà vào chỗ nguy hiểm tới tánh mạng, bởi vì kẻ đó cũng đang theo dõi bà, muốn giết bà, vì bà đã biết quá nhiều. Đó là Ya Ru, con cháu của San. Ya Ru bây giờ đã leo lên đỉnh cao của chính quyền Trung Quốc, quyền uy tột bực, giàu sang phú quý. Ya Ru phải trả thù cho tổ tiên! Như vậy tội ác đã xảy ra là do sự trả thù, trả thù cái nhục mà tổ tiên của Ya Ru phải chịu. Bây giờ con cháu nhà Andréns phải gánh lấy hậu quả. Có ba người ở cái làng đó đã không bị giết vì là không có liên hệ họ hàng gì với họ Andréns.
Đây là một cuốn tiểu thuyết thuộc loại trinh thám, hồi hộp, có tính cách quốc tế vì sự việc xảy ra qua nhiều quốc gia. Tác giả đã móc nối nhiều sự kiện qua thời gian và không gian. Ông đã dựa trên yếu tố lịch sử là cuộc di dân vĩ đại của người Trung Hoa qua Hoa Kỳ để làm đường xe lửa, vào thập niên 1860, cũng như việc người Trung Hoa bây giờ muốn biến Phi Châu làm thuộc địa của mình.
Cái dở cũng như vô lý ở đây là tác giả đã cho cảnh sát Thụy Điển bất lực, và coi thường một vụ giết người to lớn như vậy, mà lại cho qua. Khi một người ở đâu đâu ra nhận tội rồi tự tử chết, thế là vụ án khép lại. Để rồi một người đàn bà chân yếu tay mềm, không có kinh nghiệm gì về việc điều tra, lại tìm ra được thủ phạm!
Cái dở khác là ở đoạn cuối sau khi độc giả ai cũng có thể đoán ai là chủ chốt, lý do giết người, tác giả lại dài dòng nói về những lý thuyết này lý thuyết nọ, quá rườm rà, lạc đề. Ông lại lo lắng về vai trò của người Trung Hoa ở Phi Châu.
San viết nhật ký. Ông cố của Ya Ru cũng viết nhật ký. Sao mà trùng hợp quá vậy!
Henning Mankell nổi tiếng ở quê hương ông là Thụy Điển. Sách của ông bán ra có tới trên 30 triệu cuốn, được dịch qua 39 thứ tiếng. The Man from Beijing là một trong những bestsellers của ông. Cha của ông là một quan tòa, nên ông đã tạo ra một nhân vật chính là một quan tòa, mà là quan tòa phụ nữ - để khác với cha ông.
MIMI BUI