Nhà Phát Hành: Riverhead
Ngày Phát Hành: Tháng Ba 2010
Hardcopy Sách Dày 480 trang
Giá Bán: $26.95
The Surrendered là tác phẩm thứ tư của nhà văn Mỹ gốc Đại Hàn Chang-Rae Lee. Nếu nói rằng mọi người cuối cùng đều đầu hàng cái chết thì trong truyện này (hầu hết) những nhân vật chính phụ đều đầu hàng cái chết!
Ở chương một, truyện bắt đầu với cô bé June Han lúc đó 11 tuổi, đang đưa hai đứa em song sinh 7 tuổi trên đường lánh nạn – tìm về gia đình của người chú ở miền Nam. Đó là năm 1950 và cuộc nội chiến mới bắt đầu ở Đại Hàn. Cha và anh đã bị bắt mang đi, không biết sống chết như thế nào. Mẹ và chị vừa trúng bom chết. Xe lửa chở đầy người tị nạn, June và hai em phải ngồi ở trên đầu tàu. Hai đứa em rồi cũng chết. June có lúc đã phải ăn bùn để khỏi chết khát. Rồi June gặp một người lính Mỹ vừa bị khai trừ ra khỏi quân đội vì tội đánh lộn. Victor Brennan chừng 20 ngoài, cũng bỏ quá khứ đau thương ở quê nhà, để phục vụ đất nước. Anh ta đưa June tới một cô nhi viện, nằm ở vùng quê không xa Hán Thành cho lắm.
Qua chương hai là ba chục năm sau, khi đang ở New York và có cửa tiệm mua bán đồ cổ khá thành công thì June vừa khám phá ra là mình bị bệnh ung thư bao tử, June quyết định không chữa trị nữa, bán cửa tiệm mà đi tìm Nicholas, đứa con trai duy nhất của cô đã vắng nhà bảy tám năm nay, chỉ thỉnh thoảng gửi về những bưu thiếp. June mướn thám tử điều tra thì biết được là Nicholas có lúc đã ở bên Ý (Nicholas tưởng cha mẹ cậu đã gặp và yêu nhau ở đây). June tìm Victor, lúc này đang làm nghề quét dọn vào ban đêm cho một thương xá của người Đại Hàn, để cùng đi tìm Nicholas vì ông chính là cha của Nicholas – ông không biết mình là cha – kết quả của một lần chung chạ.
Trở lại thời sau đình chiến, năm 1953. Sylvie Tanner theo chồng là bác sĩ cũng là nhà truyền giáo qua Đại Hàn coi ngó cô nhi viện mà Victor vừa đưa June đến. Sylvie năm đó 34 tuổi, là một thiếu phụ xinh đẹp, bị hư thai nhiều lần.
Ngược dòng thời gian, Sylvie cũng đã là đứa trẻ mồ côi, mất cha mẹ bởi sự tra tấn tàn ác của quân Nhật khi họ chiếm đóng Manchuria năm 1934. Ông bà cũng là người đi truyền đạo và đã giúp đỡ dân chúng nơi ông bà truyền đạo. Nhìn tận mắt hai cái chết thảm thương của cha mẹ đã ảnh hưởng tới tâm tính của Sylvie sau này. Sylvie thường xuyên đọc tới đọc lui quyển “A Memory of Solferino” của J. H. Dunant. Cuốn sách mô tả trận đánh dữ dội giữa quân lính Pháp và Áo trong một thị trấn nhỏ của nước Ý vào năm 1859. Chính trận đánh ở Solferino đã đẻ ra hội Hồng Thập Tự sau này để giúp những nạn nhân của tai ương.
June có nơi nương tựa, có bữa cơm để ăn no và áo để mặc ấm, cũng như có giấc ngủ được bình yên. Victor cũng ở cô nhi viện làm việc lặt vặt. Ở cô nhi viện này cả Victor và June đều muốn Sylvie dành hết tình cảm cho mình. Victor dan díu với Sylvie. June gần gũi Sylvie để mong được làm con nuôi, được đưa qua Mỹ. Để rồi ba mươi năm sau, June và Victor gặp lại nhau, phải đối diện với những bí mật của ngày trước, cũng như những thảm kịch, cảnh chết chóc đã cột số mệnh họ lại với nhau. Sylvie và người chồng chết khi cô nhi viện trong lửa đỏ, để cứu một đứa trẻ. Mà cũng trong lửa đỏ đó, June đã cứu Victor – khi Victor tìm cách cứu Sylvie.
Tuy truyện có bối cảnh chiến tranh tả rất hiện thực – nhiều đoạn đọc rất nặng nề, bạo động- , nhưng nhà văn Chang-Rae Lee nói rằng đây không phải là quyển truyện nói về chiến tranh mà là nói về hậu quả của chiến tranh, con người đã phải chịu đựng như thế nào bởi chiến tranh và họ đã phản ứng ra sao đối với những biến cố đau thương xảy đến cho họ. Chiến tranh đã ảnh hưởng không những thể xác mà cả tâm tính của con người nữa. Độc giả có thể hiểu tại sao nhân vật June lại cứng cỏi như vậy, cũng là vì sự sống còn đó thôi. Khi còn bé ở cô nhi viện, cô không để ai ăn hiếp cô và ba mươi năm sau, khi mắc phải chứng bệnh hiểm nghèo, cô cũng tự làm chủ đời cô, tự quyết định không chịu để bác sĩ chữa bệnh tiếp, mà bỏ tất cả để đi tìm đứa con, và ngay những giây phút cuối, trên đất Ý, cô đã chống chọi với cơn bệnh để không phải ngã tới. Cô tới để nhìn ngắm chứng tích điêu tàn của trận Solferino. Ở chương này, độc giả cũng sẽ biết rằng Nicholas thật sự đã qua đời sau khi bị tai nạn xe cộ, mà những bưu thiếp June nhận sau này là từ một kẻ mạo danh để làm tiền!
Phải mất 6 năm, tác giả mới viết xong The Surrendered. Cảnh ngồi chen lấn trên nóc xe lửa là Chang-Rae Lee dựa vào sự kiện có thật. Em trai của cha tác giả đã rớt khỏi xe lửa và bị bánh xe lửa cán qua chân. Người anh đã ôm chặt đứa em cho đến khi nó mất.
Tác giả cho độc giả đi từ hiện tại, trở về quá khứ, rồi hiện tại.
Đây không phải là một cuốn tiểu thuyết vui, có hậu – kẻ yêu nhau thì lấy nhau, sống hạnh phúc đời đời mà toàn là những sự chịu đựng, những sự đau khổ, sự tra tấn, chết chóc – nhưng là cuốn sách đáng đọc.
Chang-Rae Lee cũng là tác giả của quyển Native Speaker, được giải thưởng Hemingway Foundation/Pen Award, A Gesture Life, và Aloft, được báo The New Yorker chọn là một trong 20 nhà văn xuất sắc nhất ở tuổi dưới 40. Chang-Rae Lee dạy môn Văn ở Princeton University.
MIMI BUI