Dec 26, 2024   log in
 
home
thơ
danh sách tác giả
nhạc
truyện ngắn
biên khảo,phê bình
điểm sách
phỏng vấn
quan điểm
sinh hoạt văn học

ban biên tập
tìm kiếm
thư tín
giới thiệu sách báo
 
 
  Truyện/Ký
NGƯỜI “CHU VĂN AN” LÝ TƯỞNG
NGUYỄN THỊ NGỌC DUNG

 Tôi không trực tiếp đi vào cuộc đời một vị Chu Văn An nào, nhưng khi lớn lên thì được biết Trường Chu Văn An là hậu thân của Trường Bưởi đã đào tạo nhiều nhân tài nước Việt và cũng là trường mà Bố tôi đã theo học và tốt nghiệp.   Ông và các vị xuất thân từ Trường Bưởi đều được coi là những bậc trí thức, dòng dõi con nhà.  Bố tôi không là danh nhân đất nước, nhưng ông là danh nhân trong hàng phố, trong giới bạn bè, họ hàng.   Người ta cũng biết đến ông vì ông là công chức thanh liêm chính trực, hay giúp đỡ người hoạn nạn.  Ông lại có dáng bảnh bao complet, cravat, nhà cao, cửa rộng, một cây tennis thể thao cường tráng, tổ tôm tài bàn có hạng, nhưng vẫn lo cho vợ cái, con cột có một đời sống khang trang, hạnh phúc.   Ông cũng văn thơ lai láng, cô đầu cô đuôi tài tử nhưng chẳng vướng mắc cô Hồng, nàng Tuyết  nào.  Bố tôi là mẫu người đàn ông lý tưởng của phụ nữ thời đó.  Bố hát con khen hay cũng là lẽ thường thôi!

 Bỗng dưng, sau khi đậu bằng tiểu học và thi đậu vào đệ thất nữ Trung Học Trưng Vương Hà Nội thì cái nhãn hiệu Chu Văn An tự nhiên xôn xao trong nhóm con trai cùng lứa tuổi tôi trong phố, trong các rạp chiếu bóng đồng hạng mà tôi cùng mấy cô bạn bé con thường chạm trán trong những ngày thứ bảy, chủ nhật.   Tôi không liếc những vẫn thấy mấy cậu bé vừa đậu vào Trường Trung Học Chu Văn An, láu lỉnh nhìn mình.  Cô bé Ngọc Dung cảm thấy vui vui trong lòng nhưng mặt cứ vênh lên như ta đây không thèm để ý đến mấy cậu nhóc.

 Thế rồi chỉ hai năm sau, trong một buổi từ giã cô bạn gái ở lại Hà Nội, trước khi theo gia đình di cư vô Nam năm 1954, tôi đã tình cờ gặp một đàn anh Chu Văn An điển trai, thanh lịch, làm tôi ngẩn ngơ.  Anh rút khăn tay trong túi quần và lau ghế đá bờ hồ Hoàn Kiếm, mời hai cô bé tuổi 15 ngồi.   Cái cử chỉ ân cần từ tốn ấy lại làm đôi mắt nai tơ của hai cô bé thêm ngơ ngẩn.  Anh cũng chỉ mới hai mươi cộng một, vừa tới tuổi trưởng thành.  Vài tháng sau, anh đến thăm tôi tại Sài Gòn, để cô bé 15 lúng túng khổ sở, đến cái độ không muốn gặp lại người thanh niên trai trẻ Hà Nội đó nữa.   Nhưng chẳng bao lâu, tôi đã nhận được thư tỏ tình của anh:  “Đôi mắt long lanh, nụ cười chúm chím của Ngọc Dung đã thôi miên anh...”   Thư như thế thì bảo sao tôi không rụng tim được!  Tôi nhận được vài cái thư tình đại khái như vậy của chàng từ miền rừng núi cao nguyên gửi về, thì bị ông Bố, học sinh Trường Bưởi của 40 năm về trước đó, cho hai cái tát nghiêng trời, lệch đất và cấm không cho chúng tôi liên lạc với nhau nữa. 

 Bẵng đi 10 năm,  tôi gặp lại người tình thư Chu Văn An.  Tôi viết “người tình thư” bởi vì anh mới chỉ bắt đầu viết thư tình cho tôi trong thời gian ở xa thôi. “Tim em chưa rung qua một lần, làn môi chưa hôn ai thật gần...”  Dáng dấp thanh tao, lịch lãm của chàng một lần nữa lại quyến rũ tận cùng trái tim cô đơn của tôi.   Nhưng chàng càng tha thiết nói vẫn yêu thương, tôi càng sợ hãi, trốn chạy.   Chàng đã có vợ con.   Tôi cương quyết xa chàng từ đó và chưa bao giờ gặp lại.   Đời tôi không có duyên với người Chu Văn An ... Tuy nhiên, người ấy đã là hình ảnh Phượng Vẫn Nở Bên Trời Hà Nội của Nguyễn Thị Ngọc Dung. 

 Theo thời gian trưởng thành, tôi không chỉ để ý đến cử chỉ diện mạo của người Chu Văn An “cao ráo, sạch sẽ”.  Tôi cảm phục cả những tài năng, đức tính của các chàng nữa.   Có những chàng Chu Văn An học giỏi, đi du học, rồi về nước giữ những chức vụ lớn trong chính phủ.  Thời buổi “phi cao đẳng bất thành phu phụ”, vài cô bạn tôi đã lên xe hoa với các ông lớn này.  
 
  Chiến tranh bắt đầu trở lại, nhiều chàng trai Chu Văn An đã phải hay tình nguyện khoác áo chiến binh hiên ngang, hùng dũng vào quân trường.   Trong những cuộc biểu tình, xuống đường, chống chính phủ cũng lại có những chàng Chu Văn An trong đám sinh viên, học sinh hăng say bầu nhiệt huyết cho chính nghĩa quốc gia.  Trong giới văn, thi, họa, nhạc sĩ nổi tiếng cũng không thiếu các chàng Chu Văn An làm xiêu lòng bao trái tim thích mộng mơ, ưa lãng mạn.  

 Thế rồi chiến tranh leo thang, bao nhiêu đại bàng gẫy cánh, bao nhiêu chàng thuyền trưởng  (thứ thiệt) trẻ tuổi chìm biển theo tàu, bao nhiêu quan quân xông pha trong lằn tên mũi đạn và gục ngã trên chiến trường dù xuất thân từ Trường Chu Văn An, hay các trường nào khác cũng khiến lòng người quặn đau, thương tiếc huống chi những bà quả phụ mất chồng, những đứa con mất cha.  Những người đã hy sinh vì tổ quốc thực sự là những đấng liệt sĩ anh hùng đáng được nghiêng mình kính phục.

   Sau 30 tháng tư 1975, thoát khỏi đất nước , đa số các đấng tu mi nam tử điển hình là người Chu Văn An, đã hội nhập xứ người rất mau chóng.   Các chàng đã dùng cái học rộng tài cao sẵn có, đi học lại hay kiên nhẫn làm bất cứ một việc gì để lo cho gia đình, con cái.   Chỉ vài năm sau đã thấy quý ông có văn phòng bác sĩ, luật sư, địa ốc, thương mại, xí nghiệp... nhà cao cửa rộng, con cái học hành theo nghiệp ông cha, vẻ vang dân Việt.  

 Tôi vui lây khi thấy không thiếu hình ảnh hạnh phúc của nhiều cặp uyên ương Chu Văn An thời đại.   Dễ thương nhất là quý ông biết quét nhà, rửa bát phụ với vợ, cắt cỏ làm vườn tưới rau, tỉa hoa khi hai vợ chồng cùng phải đi làm, gia đình không đủ tài chánh mượn người giúp việc.  Các ông không tiếc lời khen và cảm ơn vợ khi bà nấu cho những món ăn ngon, hấp dẫn, thơm lừng thơm nức nhà cửa.  Đáng phục biết bao, khi nàng đau, chàng cũng lục đục vào bếp nấu được nồi cháo gà cho nàng ăn lại sức.  Mỗi buổi sáng chàng tự pha cà phê cho mình và cũng khéo léo pha thêm một ly cho nàng đem theo đến sở.   Khi nàng phải đi chợ mua nhiều đồ nặng, chàng đòi lái xe chở nàng đi hay ra xe đem đồ vào nhà khi nàng đi chợ về. 
 Khi có phim hay, chàng lại réo gọi nàng “em ơi ra ngồi đây xem TV, có một phim hay lắm, ra ngồi đây xem với anh!” Và chàng ngồi sẵn trong cái love seat đợi nàng. Thỉnh thoảng chàng rủ nàng dung dăng dung dẻ đi xem ciné, tay nắm tay trong rạp.   Những buổi trời đẹp, chàng cùng nàng chạy đua dưới trời xanh, nắng vàng hay thả bộ trong rừng, nghe chim hót, suối reo!  Bao giờ đi dự tiệc chàng cũng có nàng sóng đôi bên cạnh, vẫn ôm eo nàng như thuở mới cưới và không quên xuýt xoa khen nàng như thuở mới yêu nhau, “em của anh còn đẹp lắm, còn hấp dẫn lắm”.  Chàng không ngớt khen mái tóc nàng chải khéo, làn da trang điểm mịn màng, đôi môi quyến rũ, cái áo, cái quần hợp với vóc dáng của nàng. 

 Người đàn ông quá tuổi trung niên, nếu trên khuôn mặt hiện lên những nếp thời gian thì được khen là có nét già dặn, từng trải, phong trần quyến rũ. Nhưng các bà khi có nếp nhăn nào trên mặt là bị thiên hạ đếm ngay.   Nàng muốn đi căng da mặt, cắt da mắt, xóa bỏ những vết nhăn tàn nhẫn của thời gian.  Chàng đã không phản đối mà trái lại còn cảm thấy hồi xuân và hãnh diện vợ mình trẻ đẹp lại.   Các đấng mày râu này đáng được hoan hô, khen ngợi. 

 Có những chàng là thi, văn, nhạc, họa sĩ Chu Văn An đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy” vẫn có hứng sáng tác những vần thơ, những bài văn, những tấm tranh vẽ hay bản nhạc ca tụng vợ.   Chàng vẫn vui nhộn ca hát và âu yếm khiêu vũ với nàng như đôi tình nhân và luôn luôn cảm tạ nàng đã cho mình hạnh phúc.  Sinh nhật vợ chàng không quên vài chữ hay một bông hoa tặng nàng.  Những ngày nghỉ lễ dài chàng đưa nàng đi nghỉ mát miền thơ mộng, hay đi cruise biển này sông nọ. Chàng không phiền hà để nàng sinh hoạt trường học xưa, bạn bè cũ, không ngần ngại để nàng đi học line dancing, karaoke giải trí lành mạnh trong khi chàng cũng mà-chược hay tennis với bạn.   Chàng khuyến khích, hoan nghênh sinh hoạt hữu ích, có ý nghĩa cao cả trong cộng đồng của nàng.

 Vâng, các quý ông nói chung và các chàng thư sinh bạch diện Chu Văn An của 3, 4 hay 5 thập niên về trước, nói riêng, có được vài đức tính lý tưởng kể trên cũng xứng đáng được các nàng tôn thờ và Nguyễn Thị Ngọc Dung ngưỡng mộ!!!

NGUYỄN THỊ NGỌC DUNG
(Virginia 01/10/2010)
 

 


Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003