“Alo. Hồng đấy có phải không?”.
“Dạ. Em đây chị. Chị Trúc hả”.
“Ờ. Chị Trúc. Em khỏe chứ”.
“Em khỏe. Còn chị thì sao”.
“Cũng tàm tạm. Khỏe thì không khỏe lắm”.
“Chị nói em không hiểu”.
“Ờ, em không hiểu là bởi chị chưa nói hết. Chẳng là mấy bữa nay xương chân của chị nó trở chứng đau nhức, đi đứng khó khăn, nản quá. Tuổi đã ngoài bảy mươi, chẳng bệnh này thì cũng bệnh khác, tránh trời không khỏi nắng, nên than thân trách phận cũng có ai gánh bớt cho mình được đâu. À, điện thoại cho em, chị có chuyện này muốn nhờ em giúp. Được hay không cứ thẳng thắn cho chị biết nhé”.
“Chuyện gì chị cứ nói. Nếu khả năng em giúp được, em sẵn sàng giúp chị”.
“Con chị tháng sau đổi về làm việc ở San Jose, chị nhờ em để ý xem có nơi nào cho thuê, em thuê dùm một chỗ cho cháu”.
“Chị yên tâm, việc đó chị để cho em lo. Mục rao vặt trên báo, thiếu gì nhà có phòng dư muốn cho se, nhưng ở không phải chỗ nào cũng ở được, phải để em đến coi rồi mới biết chắc chỗ đó mình thấy có ở được không”.
“Chuyện đó chị tin cậy em giúp dùm chị”.
“À, chị Trúc. Còn cần gì phải hỏi ở đâu xa nữa. Ở nhà em, hiện tại còn dư một phòng. Nếu như chị muốn và cháu nó chịu, xuống San Jose cứ đến chỗ em là được quá rồi”.
”Lần chị đến thăm em, nhà em có hai phòng thì một phòng cho cháu Huỳnh, một phòng cho em, như vậy hai phòng cho hai mẹ con còn đâu dư mà em bảo còn phòng trống”.
“Còn trống vì cháu Huỳnh nó theo hãng rời qua Oklahoma từ tháng trước, nên em mới nói với chị là dư phòng. À, cháu là trai hay gái đấy hả chị”.
“Cháu trai. Thằng thứ hai của vợ chồng chị”.
“Cháu trai ở chung với em, chị thấy có điều gì bất tiện không”.
“Đã là chỗ bạn bè, con chị cũng như con em, có gì đâu để nói là bất tiện. Theo chị thì chị nghĩ như thế. Còn em ... .”
“Em cũng không khác ý chị”.
“Vậy chuyện kể như đã được giải quyết xong. Từ đây đến đó, nếu có gì thay đổi, em cứ điện thoại cho chị biết. Đã là chỗ chị em thân tình, em đừng có ngại. Chừng nào cháu chính thức xuống San Jose, chị sẽ báo ngay cho em biết”.
“Cần ra phi trường đón cháu, em sẽ ra đón. Anh chị đừng ngại làm phiền em”.
“Em giúp đỡ cho cháu cũng là giúp đỡ cho anh chị, anh chị có lời cám ơn trước”.
“Cám ơn em, thực tình em không dám nhận đâu. Từ ngày chị còn ở San Jose, quen chị hồi còn làm chung một hãng, tình thân chị em mình coi như ruột thịt, em giúp chị có đáng gì đâu mà chị cần phải cám ơn”.
2.
“Alo, Hồng đấy có phải không”.
“Vâng em đây”.
“Bảy giờ tối nay, máy bay của cháu Đức sẽ đến phi trường. Chị nhờ em ra đón cháu. Em có bận gì không”.
“Em không bận. Chị cứ yên tâm để việc đó em lo”.
“Chỗ tình thân, chị nhờ em nhưng chị vẫn cảm thấy áy náy”.
“Đừng có áy náy. Áy náy thì đâu còn gọi là thân tình giữa chị em mình nữa.
Thấy âm thanh ở đầu dây bên kia không còn vọng lại, biết là điện thoại đã cúp, thì Hồng buông ống nghe. Mới là buổi sáng của ngày chủ nhật, nếu bảy giờ tối máy bay của đứa con người bạn đáp xuống phi trường, thời gian còn khá dài rộng để Hồng dư thừa thì giờ làm sạch sẽ căn phòng ngủ, đồng thời xếp sắp đồ đạc cho gọn ghẽ, mà từ ngày con nàng rời nhà đi Oklahoma, chưa một lần Hồng bước chân vào”.
Mở cánh cửa sổ về mé vườn cây sau nhà, ánh nắng ồ ạt rủ nhau ùa vào căn phòng, làm căn phòng sáng hẳn lên. Gió cũng lùa vào làm không khí mát mẻ. Trên tàn lá cây rậm rạp, một con chim đang lảnh lót hót. Bãi đất cuối vườn, giàn cây leo hoa trắng xóa. Khi công việc dọn dẹp đã xong, Hồng ra phòng khách ngồi nghỉ. Buổi trưa, mặt trời to và tròn như một cái mâm đồng, rừng rực lửa, nom chẳng khác một cục than khổng lồ màu đỏ. Mùa hè, ngày với thời tiết trên 90 độ, sườn đồi cỏ đã vàng úa, lá đã khô cháy, không một ngọn gió thổi,
trong phòng không khí ngột ngạt, Hồng thấy da thịt rịn mồ hôi. Đấy chính là lý do thúc đẩy Hồng phải đứng dậy bước vào phòng tắm, tắm cho mát thân thể. Đứng dưới vòi nước, nước phun ướt thịt da, nàng cảm thấy dễ chịu và hết còn mệt mỏi. Tắm xong, Hồng trở lại phòng khách ngồi, nhìn đồng hồ mới hai giờ, mở TV, nàng ngồi coi. TV, vào giờ đó, đài nào cũng chỉ là quảng cáo hay show hài hước, những cái Hồng không mấy thích. Ba tháng thất nghiệp nằm ở nhà, Hồng thường ra thư viện mượn phim hay sách truyện để đem về coi. Nhờ những cuốn video, DVD hay tiểu thuyết, chúng đã giúp cho nàng khỏa lấp được thời gian ở nhà một mình, giúp cho nàng khỏa lấp được nỗi buồn trong lúc cô đơn. Trước đây đứa con nàng chưa theo hãng đi xa, nàng còn đi làm, Hồng không cần dùng đến những cuốn phim, đến những cuốn truyện, để cho thời gian qua đi bằng cách ấy. Nhưng ... nhưng từ ngày ...
Khi trên màn kính nhỏ hiện lên những nhân vật trong truyện, mắt theo dõi, thì ý nghĩ đang vần vũ trong đầu đã bị cắt đứt, vì nàng còn mải miết chăm chú coi. Hồng coi cuốn Võ Tắc Thiên. Đoạn phim đang chiếu Võ Tắc Thiên bị đày về tu ở ngôi chùa sư nữ trên núi. Vào thời gian đó, người ta gọi Võ Tắc Thiên là Mị Nương. Mị Nương là con của một vị võ quan giữ chức Đô Đốc ở một vùng xa triều đình, được tuyển vào hoàng cung. Vào hoàng cung, được gần Vua, được Vua yêu thương hết lòng. Nhằm lúc Hoàng Hậu bị bạo bệnh, vị đạo sĩ và các quan đại thần sàm tấu lên Vua, nói là phải giết Mị Nương thì Hoàng Hậu mới khỏi bệnh, nhà Vua nghe nên từ đó, Mị Nương bị thất sủng. Khi Hoàng Hậu không còn, thời gian sau vị Hoàng Đế cũng ngã bệnh rồi băng hà, trong di chúc, Vua có dặn phải đày Mị Nương về một ngôi chùa, đặt dưới quyền sai khiến của sư trụ trì. Từ đó, Mị Nương hằng ngày phải làm việc cực nhọc như ra suối gánh nước, bổ củi để có củi đun, ăn không no, ngủ không ấm chỗ. Núi thì cao. Đường thì dốc. Mỗi bực bước lên theo lối mòn, trên vai với cái đòn gánh hai đầu là hai thùng nước, người siêu vẹo, chân đi không vững, có khi vấp, có khi té, nước đổ không còn một giọt. Vì thế, mỗi bận về chùa, đã muộn lại nước không có, Mị Nương thường bị sư bà mắng mỏ, phạt cúp phần ăn, Mị Nương vẫn phải cắn răng chịu đựng, nuốt nước mắt làm lành, nhẫn nhục để gắng gượng vượt qua cơn khổ nhục.
Vừa ngồi coi, nước mắt Hồng vừa ứa ra ở đoạn phim đang hiện lên màn hình. Nghĩ đến nhân vật trong phim lại nghĩ đến mình vào
những ngày đặt chân lên đất Mỹ. Cái nhục nhằn cực khổ có khác nhau, một đằng Mị Nương vì kẻ ác đọa đày hành hạ, một đằng vì miếng cơm manh áo phải vất vả mưu sinh. Nhận đủ công việc, làm đủ thứ nghề, những năm đó vợ chồng phải đầu tắt mặt tối, lao lung khổ trí, để đứng vững và gày dựng cho tương lai.
Nhìn ra bên ngoài, thấy nắng đã dịu, mặt trời đã ngả về Tây, cũng là giờ phải ra phi trường đón con của người bạn, thì Hồng vội tắt máy, thay áo quần , rồi lái xe rời khỏi nhà. Sáu rưỡi, nếu vào mùa Đông, trời đất đã tối mù. Tháng chín đang mùa hạ, sáu rưỡi chiều nắng vẫn còn, trời đất vẫn sáng, đường phố vì thế xe còn tấp nập. Lái theo đường số 1 về hướng Nam, tới Brokaw, quẹo trái, quẹo phải, Hồng đã vào tới phi trường. Bỏ terminal A, chạy một đoạn ngắn, Hồng đã tới terminal C, nơi con của người bạn xuống máy bay và đợi nàng đến đón.
Ở trước cửa phòng lấy hành lý, đứng ngơ ngác nhìn những cái xe đón thân nhân đang từ từ chạy đến, Hồng thấy có một người còn trẻ, mắt đeo kính trắng, thì biết ngay đó là con của bạn mình. Nhận ra cái ngoắc tay của Hồng, người thanh niên vội kéo cái va li có bánh xe, hấp tấp đi về phía xe của Hồng. Khi đã ngồi ở cái ghế bên cạnh Hồng, cửa đã đóng, Hồng rời khỏi phi trường.
“Nhiều giờ trên máy bay, cháu thấy có mệt không”.
“Cũng hơi mệt cô ạ”.
“Mẹ cháu có cho biết tên cháu, nhưng bây giờ thì nhớ không ra. Vậy cháu tên là gì nhỉ”.
Giọng nói nhỏ nhẹ, người thanh niên đáp:
“Tên cháu là Đức”.
“Đức. Còn cô tên là Hồng”.
“Cháu sang đây được cô cho ở chung nhà, mẹ cháu chắc không còn gì phải bận tâm về cháu”.
“Đúng vậy. Cô và mẹ cháu trước đây làm cùng một hãng, thời gian quen biết thân nhau như ruột thịt, nếu có giúp đỡ cháu cũng chỉ là chuyện bình thường, có gì đâu mẹ cháu và cháu phải bận tâm. Mẹ cháu tin cậy cô nên mới cho cháu ở nhà cô, còn không, thiếu gì nơi để cháu thuê ở”.
Ngưng một lúc, Hồng lại nói tiếp:
“Cũng cùng trường hợp như cháu, thằng con cô theo hãng đổi về Oklahoma nên nhà mới dư phòng, nếu không dư, cô cũng không đưa ra đề nghị với mẹ cháu để cháu về ở chung với cô như thế này đâu”.
Từ lúc đón người con của bạn lên xe ở phi trường, đến lúc trên đường xe chạy, đầu óc Hồng vẫn không khỏi luẩn quẩn nghĩ. Nghĩ cái gì. Nghĩ nàng không ngờ cậu con trai của người bạn đã quá lớn, không như trước đây, khi điện thoại nhận lời với bạn, nàng lại tưởng cậu ta còn nhỏ như con nàng. Với thân thể đẫy đà, với một chiều cao quá khổ, với sức vóc mạnh mẽ, bây giờ Hồng mới nhận ra việc ở chung nơi chung chỗ có cái gì đó không ổn. Nhưng, dù gì đi nữa, chuyện đã lỡ cả rồi. Được, Hồng tự bảo, để đó sau một thời gian rồi sẽ tính, đấy là nói thẳng với bạn để thu xếp cho Đức đi ở thuê nơi khác.
Xe đã về đến nhà, ý nghĩ trong đầu óc Hồng đã không còn tồn tại, là lúc Hồng và cậu con trai của người bạn cùng xuống xe.
“Đây là phòng của cháu. Cháu thấy có được không.
“Được cô ạ. Ban ngày cháu đi làm, tối mới về nhà ngủ, chẳng có gì cháu cần phải bận tâm cả”.
“Cháu nói hết tuần sau, cháu mới đi nhận việc. Cô còn thất nghiệp chưa cần tới xe, tạm thời cháu cứ dùng xe của cô để xử dụng cũng được”.
“Có bất tiện gì cho cô không. Cô không có xe làm sao đi chợ”.
“Chợ gần nhà. Cô đi bộ cũng được”.
“Vâng. Nếu cô đã nói thế, cô cho cháu mượn xe. Có lẽ chỉ một tuần thôi, cháu cũng phải mua để có phương tiện di chuyển”.
“Phòng tắm, cháu có thể tắm rửa rồi nếu thấy mệt, cháu đi ngủ”.
Sau cánh cửa đã đóng, tiếng nước ở vòi nước chảy vẫn lọt ra ngoài. Đấy là lúc Hồng ngồi ở phòng khách, nàng coi tiếp cuốn Video. Qua kính cửa sổ, vườn cây sau nhà, ngoài bóng tối, cảnh vật đã không còn thấy gì. Và đèn ở những cột đèn ngoài đường, ánh sáng đã rọi xuống vỉa hè. Phòng ai nấy ngủ, họ đã ngủ.
3.
Thời gian nếu không có lịch quyển thì không ai biết nó qua. Tính từ ngày Đức qua San Jose ở chung với Hồng, nay đã tròn hai tháng. Hai tháng với những ngày Hồng còn ăn tiền thất nghiệp nên ở nhà và Đức ngày ngày đến hãng, trừ thứ bẩy và chủ nhật. Việc ai người ấy lo, chuyện ai người ấy làm, sinh hoạt trong gia đình vẫn thoải mái bình thường. Sáng chủ nhật nên Đức không phải dậy sớm như mọi khi để đi làm. Dậy rồi, theo thói quen, Đức xuống bếp đun nước sôi để pha cà phê. Lúc nước chưa sôi, Đức nhìn qua khung kính cửa sổ, mắt thấy một con chim lông cánh màu đỏ, đậu trên cành một bụi hoa hồng vàng. Nhìn con chim có vẻ thích thú, Đức cứ gật gù đầu rồi suýt soa như tay đau vì chạm phải lửa.
“Cái gì vậy cháu. Cháu đun nước bị phỏng tay đấy à”.
“Không đâu cô”.
“Vậy sao lại suýt soa như bị phỏng vậy”.
“Cô ra đây mà coi. Con chim nhỏ bé cánh đỏ nom dễ thương biết mấy”.
Hồng nghe lời Đức, rời ghế đứng dậy đi về phía Đức:.
“Ờ. Con chim đó hàng ngày cô vẫn thấy. Thường vào giờ này, nó hay đến cây hồng đậu, chán rồi bay đi. Vậy ra chỉ có thế thôi hay sao”.
Đứng một lúc, Hồng lại trở về ghế ngồi coi phim tiếp, mắt vừa coi vừa nói:
“Hồi trước con cô còn ở nhà, nó thích nuôi chim lắm. Nhưng cô cấm không cho nó bắt chim rồi đem nhốt vào lồng. Làm như thế là làm mất tự do của nó. Không thể chấp nhận được”.
“Đúng đấy cô ạ. Chim hay con người khi bị nhốt, chẳng được bay, chẳng được đi lại, còn gì đáng để sống nữa.
Một tuần lễ sau, buổi sáng cũng đứng đun nước sôi, nhìn qua khung kính cửa sổ, thấy cây hồng vàng nhưng không thấy con chim lông cánh đỏ đậu trên cành ngước cổ hót. Không thấy con chim lông cánh đỏ hót, nhưng trong bụi hồng vàng lại có tiếng chim kêu.
“Cô ơi. Con chim nó làm sao ấy”.
Hồng đến bên Đức, nhìn qua khung kính cửa sổ, thấy con chim trong bụi hoa hồng đang cố sức rẫy rụa.
“Để cô ra xem. Hình như cánh của nó bị vướng trong bụi gai”.
Nói rồi Hồng mở cửa ra vườn. Đức cũng vội nối bước theo ra.
“Cánh nó bị gai móc. Tại sao nó lại chui vào bụi hồng để bị gai móc như vậy.
“Cô để cháu gỡ cho nó.
“Ừ. Gỡ cho nó đi”.
Sau một lúc đưa tay luồn lách trong bụi hồng, cuối cùng Đức cũng gỡ được con chim ra khỏi đám gai nhọn. Tay vừa mở ra, con chim đã đập mạnh cánh bay đi.
“Chết. Tay cháu làm sao rồi”.
“Không sao đâu cô. Đụng nhằm cái gai đau sơ sơ thôi”.
“Sơ sơ. Máu như vậy mà cháu nói sơ sơ hả. Thôi vào trong nhà, để cô lấy băng cuốn tay cho cháu”.
Khi cả hai đã vào trong nhà, Hồng đem bông và cuộn băng ra. Ngồi đối diện nhau, tay đã cầm tay Đức, Hồng lo cuốn ngón tay cho Đức để máu cầm chảy. Nhác thấy những ngón tay của Hồng thuôn dài như búp măng, Đức thản nhiên khen:
“Tay cô thật đẹp. Nom như những búp hoa quỳnh”.
“Thật thế sao. Cô rất ít khi để ý đến bàn tay, nên bàn tay cô như thế nào cô cũng không biết nữa”.
Lần đó là lần đầu, dù đây chỉ là trường hợp ngoài ý muốn, bàn tay Hồng đã cầm bàn tay Đức, mà chỉ là để băng bó vết thương. Lúc băng bó vết thương, chuyện chỉ là bình thường, nhưng sau đó, Hồng cảm thấy cơ thể bỗng đổi khác, ý nghĩ bỗng chao đảo, ham muốn sôi sục bỗng dâng lên. Trong lặng lẽ âm thầm và kín đáo, nó âm ỉ ở bên trong mà không phát ra bên ngoài, đấy là sự dồn nén chịu đựng kìm hãm, để nó không như một quả lựu đạn chưa được rút kíp.
Buổi tối vào một ngày thứ bảy, Hồng ngồi ở phòng khách coi tiếp cuốn Võ Tắc Thiên. Phim tới đoạn Võ Mị Nương phạm tội bị đọa ngục rồi đưa ra pháp trường. Ở pháp trường, đêm đó là một đêm khuya khoắt. Bầu trời mây đen kịt. Lốm đốm vài ngôi sao lấp lánh sáng. Võ Mị Nương đứng trên đài cao, hai tay bị trói, đầu đút vào sợi dây thòng lọng. Bọn hành quyết đang đợi tới giờ xử tội nhân. Hồng ngồi coi quá thương sót cho Võ Mị Nương, cảm xúc đến nỗi nước mắt cứ ứa ra, nước mũi cứ chảy xuống, cổ họng tắc nghẹn, nên chốc chốc lại xụt xịt.
“Cô làm sao vậy”.
“Không. Cô có làm sao đâu”.
“Vậy tại sao cô lại khóc. Cháu ở trong phòng thấy cô khóc nên không yên tâm mới ra hỏi”.
“À. Tại cuốn phim. Nó làm cô xúc động vì Võ Mị Nương đang bị treo cổ”.
“Trời ơi. Phim người ta đóng chứ có phải thực sự là treo cổ đâu cô”.
“Cháu không biết. Phim dựa theo lịch sử có thật, người ta có đóng cũng là dựa theo lịch sử có thật, chứ đâu phải bịa mà có đâu cháu. Cháu có muốn coi, ngồi xuống đây coi cho biết.
Đức nhìn quanh không thấy cái ghế nào trừ cái sofa chỗ của Hồng đang ngồi. Thấy thế, Hồng đưa tay đập đập vào mặt đệm sát cạnh chỗ mình, bảo:
“Chỗ này không được sao. Ngồi xuống đi”.
Căn phòng ngoài tiếng nói của nhân vật trong phim phát ra, chung quanh im ắng lặng tờ. Ngọn đèn ánh sáng không đủ chiếu hết mọi chỗ, nên căn phòng nơi thì mờ mờ, nơi thì tối đậm.
Coi được một lúc, Đức thấy chán thì đứng dậy”.
“Cô coi tiếp đi. Cháu coi phim loại này không thích cho lắm. Cháu đi ngủ trước cô nhé”.
“Ờ. Cháu cứ đi ngủ. Cô coi hết đoạn này, mệt, cô cũng đi nằm”.
Buổi sáng với những tia nắng lúc hừng đông lại tìm cách xuyên qua kính cửa sổ để vào căn phòng. Đó là giờ Hồng mở mắt thức dậy. Đêm với những ám ảnh từ cái chết trên đoạn đầu đài treo cổ Võ Mị Nương, nó là ấn tượng đã đi vào đầu óc Hồng tạo ra cơn mê, mê chưa đúng mà là ác mộng.
Ngày với nhiệt độ trên 90, không khí bên ngoài cũng như bên trong đều nóng bức và oi ả ngột ngạt. Cái nóng bức và oi ả ngột ngạt đó khiến cho khô da héo thịt, thở khó, vì thế, muốn dễ chịu chỉ có nước là cách tốt nhất để làm mát cơ thể. Đấy là tắm. Thay vì mọi khi ngày chỉ tắm một lần, nay, buổi trưa Hồng phải tắm ngoại lệ để được thoải mái dễ chịu hơn. Bữa nay cũng như mọi ngày, Hồng tắm ở phòng tắm để cơn nóng hạ hỏa. Bồn nước chứa đầy nước lạnh, nằm thả người cho nước thấm mát vào da thịt mình, Hồng thấy khoan khoái như lúc đang bơi ở trong hồ bơi.
“Cô ơi. Cô đang tắm đấy hả”.
“Ờ. Cô đang tắm. Có gì vậy”.
“Cô có thể lè lẹ một chút được không cô. Cháu . . ..”
“Cái gì. Cháu làm sao”.
“Cháu cần đi cầu. Cháu chịu không nổi rồi”.
“Ờ. Khoan đã. Đợi một chút cho cô bận quần áo. Rồi cô ra cho cháu vô”.
Hồng choàng vội lên người cái khăn tắm lớn. Cái khăn phủ từ vai đến chân. Mở cửa, bước ra, Hồng nhường lối cho Đức bước vào. Sau một lúc hơi lâu, cánh cửa được đẩy, cũng là lúc Đức bước vội ra ngoài”.
“Cháu làm phiền cô quá. Nhưng không phiền không được. Bây giờ xong rồi, cô vào tắm tiếp đi”.
Hồng cảm thấy mắc cỡ trước con mắt Đức nhìn mình xăm xoi. Cái khăn tắm dù có lớn, nàng vẫn cho rằng cái khăn nó quá hẹp, quá ngắn, và quá hở, không đủ khả năng để che thân thể của mình.
Nhưng biết làm sao được, nếu không ra, Đức sẽ không giải quyết được tình trạng khó khăn lúc bấy giờ. Thôi cũng được, Hồng tự an ủi để coi như chuyện xẩy ra đã xẩy ra rồi.
Buổi tối, khác với mọi khi, Hồng không còn ngồi coi phim. Nằm dài trên cái ghế sofa ở phòng khách, Hồng thả ý nghĩ trôi đi như những cái lá ngụp lặn trên dòng nước. Trong khi đó, ở trong phòng, Đức đang đứng nhìn qua khung kính cửa sổ, mắt ngước lên vầng trăng, Đức thấy vầng trăng đang rọi ánh sáng làm những ý nghĩ trong đầu óc Đức nhấp nháy như những tia lửa đỏ. Những ý nghĩ trong đầu óc Đức nhấp nháy như những tia lửa đỏ đó là gì. Là hình ảnh của người đàn bà buổi trưa với cái khăn tắm choàng lên thân thể, nó chỉ có thế nhưng nó cứ ám ảnh đầu óc Đức, mất rồi hiện.
Khuya. Khi tiếng chuông của cái đồng hồ quả lắc treo trên tường đã đổ một tiếng, Đức thấy nếu cứ đứng nhìn vầng trăng mãi như thế cũng vô ích, thì lên giường, nằm xuống, chờ giấc ngủ. Vừa chợp mắt, Đức cảm thấy có người mở nhẹ cánh cửa, rồi tay mình có người tìm nắm. Người đó là ai, chẳng cần mất công suy đoán, Đức đã biết là ai rồi.
Đêm qua đi rồi trời lại dựng sáng. Sáng với ánh sáng của mặt trời và tiếng chim hót ở bụi cây hoa hồng vàng. Đứng ở khung cửa sổ, ngó ra bên ngoài, Đức bỗng nói như reo:
“Cô à. Con chim. Con chim lông cánh đỏ.
“Ủa. Vậy sao. Nó lại đến à.”
“ Vâng. Nó lại đến. Nhưng cầu xin nó đừng chui vào bụi cây hồng để rồi lại bị mắc kẹt trong đám gai”.
“Đêm qua, Đức có mệt không”.
“Không cô. Còn cô”.
Câu hỏi của người hỏi thì có, nhưng câu trả lời của người phải trả lời thì không. Im lặng hiểu theo nghĩa là khó nói, nói ra không được, tốt hơn hết, đấy là cách Hồng vờ như không nghe thấy, nên không trả lời. Không trả lời cũng là lúc điện thoại có tiếng chuông reo.
“Chị Trúc. Em nghe đây”.
“Dạ không sao. Chị cứ nói với anh, anh cứ đến. Vâng. Còn cháu Đức hả. Chị yên tâm. Cháu bình thường. Chỗ làm cũng vậy. Chị có muốn nói chuyện với cháu không. Đây. Cháu nó đây”.
Lúc Đức đã nói xong rồi buông ống xuống, Hồng mới bảo:
“Cuối tuần, bố của Đức xuống San Jose. Trước là thăm Đức, sau là dự đám cưới con của người bạn”.
Nghe, nhưng Đức chỉ ậm ừ . Không ra vui cũng chẳng ra buồn, Đức có vẻ dửng dưng trước cái tin đó như không có gì liên can tới mình.
4.
Đã đến ngày giờ chuyến bay chở bố của Đức đáp xuống phi trường. Lái xe ra đón ông bố của Đức có Hồng và cả Đức nữa. Chẳng bao lâu sau đó, đường rút ngắn dưới bánh xe lăn, cả ba đã về tới nhà. Đãi khách phương xa, Hồng đã chuẩn bị các món ăn từ buổi trưa, nên đến giờ ẩm thực, ở bàn, các món đã được dọn lên đầy đủ cả. Khi ba cái ghế đã được ba người ngồi, vừa ăn vừa nói chuyện, thì Hồng lên tiếng hỏi:
“Sao anh không cho chị đi cùng.
“Chị của cô không đi chứ không phải là anh không cho đi. Ờ, nói rỡn đấy thôi, bà ấy tính đi nhưng sắp đi lại mắc kẹt.”
“Kẹt gì vậy anh”.
“Có mấy bà bạn ở xa hẹn sẽ qua chơi. Vì thế chị ấy muốn đi cũng không đi được”.
Ăn đã xong, Hồng lo thu dọn bát đũa. Người chồng của bạn tên là Chức và Đức ngồi ở phòng khách, hỏi nhau về chuyện này chuyện kia, mắt vừa theo dõi những hình ảnh trên màn TV. Bát đũa rửa đã xong, Hồng thấy cũng đã muộn, thì vội bảo:
“Nhà chật hẹp, tối nay lại có thêm anh, em không biết phải làm sao bây giờ đây”.
Ông Chức cười:
“Làm sao hả. Có gì khó giải quyết đâu. Chỗ này là chỗ tôi nằm”.
Vừa nói, bàn tay ông ta vừa vỗ vỗ xuống mặt cái ghế sofa”.
“Không được đâu bố. Bố cứ vào phòng con ngủ, còn con, con ngủ ở cái ghế này.
“Cháu Đức nói thế là đúng đấy anh. Cả ngày ngồi trên máy bay, tuổi đã lớn, anh cần phải có giường nằm cho thoải mái, không nên gò bó ép thân thể trên cái sofa chật hẹp như thế này được”.
“Được mà. Anh ngủ dễ, đặt người xuống chưa mấy chốc đã ngáy khò khò”.
Người nói qua, kẻ nói lại, cuối cùng ông Chức cũng phải theo lời con là vào bên trong để ngủ. Căn phòng đèn đã tắt, im ắng lặng tờ, thì đấy là lúc cả ba giường ai nấy nằm, phòng ai nấy ở.
Đêm mùa hè trăng sáng rực rỡ. Từ khung kính cửa sổ, ánh sáng của vầng trăng chiếu vào bên trong làm những đồ vật nom như di chuyển, chính bởi những hình thù giao động đó đã khiến Hồng thao thức khó ngủ. Phần khác, Hồng đang đuổi theo ý nghĩ, hay đúng
hơn, ý nghĩ đuổi theo nàng, không cho phép nàng không thể không nghĩ về nó. Cái sofa ở trong phòng khách, cái sofa có Đức nằm, khoảng cách với cái phòng ngủ của nàng không xa mấy đỗi. Giờ này Đức đã ngủ hay Đức còn thức. Hỏi là chỉ để hỏi mà người hỏi không có câu trả lời. Vào lúc vầng trăng xê dịch để chệch qua cửa sổ, bóng tối đã làm căn phòng tối lại, thì Hồng quyết định rời khỏi giường. Cũng vào lúc Đức thấy cần đi tiểu, Đức rời khỏi cái sofa để đi vào “restroom”.
“Đức đấy hả”.
Hồng hỏi khẽ rồi nghe thấy tiếng Đức cũng trả lời rất khẽ.
“Vâng. Cô vẫn chưa ngủ sao”.
“Cô ... à, cô ... .”
“Cô cần đi cô đi trước. Cháu có thể chờ được”.
“Đức ....”
Thấy cần gấp, Đức đã bước vội vào bên trong, đóng cánh cửa lại. Đâu có cần đi như Đức hiểu, lại nghe thấy tiếng ho của ông Chức ở phòng ngủ của ông, nên Hồng sợ mới trở về phòng mình, nằm mà nghe thấy tim đập và thấy hơi thở thở bất bình thường.
Đêm đã qua. Trời lại sáng. Ngày có những việc cần phải làm, có những chuyện cần phải nói, đấy là lúc Hồng chuẩn bị cho bữa ăn điểm tâm và ngồi tiếp khách theo phép xã giao hơn là theo ý muốn của mình.
Đã cuối tuần và là ngày thứ bảy, tối đến thì ông Chức mượn xe của con lái đến nhà hàng tham dự tiệc cưới. Mãi khuya khoắt, ông mới về đến nhà. Về đến nhà thì Hồng đã ngủ, còn Đức, Đức sốt ruột nên vẫn ngồi ở phòng khách ngong ngóng đợi ông bố về. Vào lúc tỉnh giấc, Hồng nghe thấy tiếng Đức càu nhàu:
“Miệng bố hôi mùi rượu. Bố lái xe về đêm lại còn uống rượu không sợ say rồi lạc tay lái hay sao. Đấy là con chưa nói đến gặp cảnh sát, nếu họ phát hiện ra miệng bố nồng nặc mùi rượu, bố bị phạt còn mất bằng lái là cái chắc rồi”.
“Biết chứ. Nhưng lâu không gặp bạn bè, vui mà uống, uống quá mới say. Nhưng say, bố biết mình còn tỉnh táo, đủ sức lái, thì lái xe có sao đâu con”.
Không thấy hai người lời qua tiếng lại nữa, Hồng biết là Đức còn hậm hực, ông Chức đã vào phòng tắm khi nghe thấy vòi nước mở, có tiếng nước chảy.
Sau đám cưới ngày thứ bảy, bữa sau là chủ nhật, buổi chiều ông Chức phải ra phi trường. Trước khi tới giờ vào phi trường, ở phòng khách, ông ngồi trò chuyện với Hồng, còn Đức lái xe ra cột xăng đổ thêm xăng. Chỉ có hai người ngồi đối diện, ông Chức cứ nhìn người bạn của vợ mình chăm chắm. Hồng thấy cái nhìn từ đôi mắt đó nó có vẻ khác thường thì hơi sợ. Để phá tan cái không khí ngột ngạt như thế giữa hai người, Hồng phải gượng cười và tìm một câu gì đó để hỏi:
“Mấy ngày anh sang đây, nhà cửa thì chật hẹp, tiện nghi thì thiếu thốn, không được như nhà anh chị ở bên đó rộng rãi khang trang, có gì không phải xin anh cũng đừng để tâm phiền trách anh nhé”.
“Sao Hồng lại có thể khách sáo nói ra như vậy được. Sợ, anh chỉ sợ quấy quả làm phiền cho Hồng, chứ còn anh, không cám ơn thì thôi chứ sao lại còn dám phiền trách. À Hồng này, bấy lâu nay em sống cô quả, thiếu vắng bóng người chồng, em có bao giờ cảm thấy buồn không”.
Trước câu hỏi đó, nghĩ là câu hỏi chân tình của người mình thân, Hồng thật thà nghĩ sao nói vậy:
“Cũng có đấy. Đôi khi, không tìm được niềm vui của ai san sẻ, cô đơn và thiếu vắng cũng là chuyện bình thường phải đến có vậy thôi. Những lúc tỉnh táo sáng suốt để suy nghĩ, muốn cái muốn không bao giờ được thì mình phải can đảm chấp nhận. À, mà chuyện đó sao lại nói và nói để làm gì thế nhỉ”.
“Để san sẻ nỗi buồn cho nhau”.
“Không. Không ai san sẻ được”.
“Anh có thể san sẻ nếu như em muốn. Tay em đâu”.
Vừa lúc đó cánh cửa mở và Đức bước vào. Cánh cửa mở hay không mở, Hồng cũng sẽ không đưa bàn tay ra theo yêu cầu của Chức, người chồng của bạn mình. Lúc này là lúc đã tĩnh tâm, Hồng mới nhận ra tại sao lại đem tâm sự của mình, thay vì để nói với bạn bè phái nữ, chứ không phải là phái nam một người như Chúc được.
“Tới giờ ra phi trường rồi, đi thôi bố”.
“Ờ. Câu chuyện còn đang dang dở, lẽ ra nó phải có cái kết, đã tới giờ ra phi trường, muốn hay không cũng phải ra thôi”.
“Thực sự, thân mới nói, vui mới cởi mở, nhớ chẳng nên nhớ để làm gì, thì tốt nhất hãy nên quên. Quên, bởi vì em nói thế phải hiểu là không phải là thế, nên xin anh đừng có hiểu sai về con người của em”.
“Rất tiếc thời gian quá ngắn ngủi không cho phép nói nhiều, dù gì đi nữa, anh cũng thông cảm những gì em đã nói”.
“Em đã nói, thực ra lời nói đó đâu phải nói cho anh. Cho ... .”
“Bố ơi. Đi đi không trễ”.
Ông Chức còn đứng tần ngần một lúc mới chịu theo con ra xe. Đứng gần cửa sổ ngó ra mặt tiền của ngôi nhà, Hồng chờ cho cái xe biến mất ở cuối con phố, mới đến cái ghế sofa ngồi xuống, nghĩ ngợi về những điều đã nói với Chức. Bây giờ, Hồng mới tự hỏi mình tại sao lại nói như vậy, để có thể Chức hiểu không đúng về mình. Thiếu thốn, thèm khát, đòi hỏi, ước muốn, chờ đợi ... , có mà là không, thiếu, thèm, đòi, ước, chờ cũng là không, chẳng qua mọi điều chưa thành sự thực vì chưa có người cần để gửi. Chắc chắn người để gửi đó không phải là Chức, vì Chức là chồng của bạn mình.
5.
“Alo. Xin lỗi ai đó”.
“Chị Trúc đây”.
“Ủa. Chị Trúc. Chị mà em không nhận ra”.
“Mấy hôm nay chị bị cảm. Em không nhận ra tiếng của chị cũng vì giọng nói có đổi khác. À, bữa nay điện thoại cho em, chị có chuyện này muốn nói”.
“Chuyện gì. Chị cứ nói đi”.
“Phải thành thực cám ơn em đã giúp anh chị cho cháu ở nhờ, suốt thời gian qua, em đã tận tình săn sóc chu đáo cho nó, anh chị xin có lời đa tạ. Nay, chẳng dám làm phiền cho em, anh chị có ý muốn cho cháu Đức nó ra thuê ở chỗ khác”.
“Nghe chị nói, thực tình em không biết em có điều gì làm anh chị phật ý không. Còn chuyện cháu nó ở, bấy lâu nay đã ổn định, sao anh chị lại tính cho cháu Đức ra ngoài làm gì vậy”.
“Đấy cũng là ý của nó. Nó muốn sao, chị theo ý nó muốn”.
“Vâng. Anh chị đã cho biết, chuyện đó là quyền của anh chị và cháu nó quyết định”.
“Một lần nữa, anh chị hết lời cám ơn em. Chị cúp nhé”.
Buông ống nghe, Hồng ngồi lặng yên suy nghĩ. Cái gì đây. Hay là ... hay .... Tự vấn, hỏi nhưng có ai đâu mà trả lời câu hỏi khó như vậy được. Đúng vào lúc Đức đi làm về, Hồng đem câu hỏi đó để hỏi thẳng Đức:
“Mẹ Đức vừa điện thoại cho cô. Mẹ Đức bảo Đức muốn ra ngoài ở có đúng thế không.
“Không. Cháu đâu có nói với mẹ cháu cháu xin ra ngoài.
“Vậy chẳng lẽ mẹ cháu dựng chuyện để nói ra hay sao. Ờ, cháu muốn ra ngoài thì cháu ra, cô lấy quyền gì xen vào chuyện của cháu được”.
“Cô ạ. Để cháu hỏi mẹ cháu xem sao đã ....”
“Khỏi. Cô đã nghe mẹ cháu thì không còn gì phải hỏi nữa”.
Đức đứng ngậm câm, mặt bỗng xụ xuống như một đứa trẻ vừa bị mẹ rày. Vài ngày sau, không phải do lời Hồng nói mà do chính lời của mẹ Đức qua phôn, mẹ Đức bảo Đức nên rời chỗ ra ở riêng. Đức đã ra ở riêng theo đúng lời mẹ, và nơi ở riêng đó là chỗ của một bà già người Mễ, có phòng dư cho “share”.
Đã qua một tháng, một bữa Hồng đi chợ thì gặp Đức.
“Ủa. Đức”.
“Cô cũng đi chợ ở đây hay sao”.
Không trả lời thẳng vào câu Đức hỏi, Hồng quay sang chuyện khác:
“Đức ở chỗ đang thuê, có OK không”.
“Được. Nhưng đâu bằng chỗ cô cho cháu ở”.
“Chuyện đó bây giờ không còn gì để nói đến nữa. Đức chẳng cần nhắc lại và nên quên nó đi”.
Không nghe thấy Đức lên tiếng, Hồng vội tiếp:
“Bữa nào rảnh, có Đức ở nhà, cô muốn đến coi xem phòng Đức có được không.
“Có gì đâu mà cô phải hỏi như vậy. Chừng nào cô muốn đến cứ đến, cháu sẵn sàng tiếp đón cô”.
“Ờ. Thế thì được. Nếu đến, cô sẽ đến vào ngày thứ bảy hoặc chủ nhật, những ngày khác Đức đi làm cô đến không gặp thì đến làm gì”.
“Cô nhớ điện thoại cho cháu biết trước nhé”.
“Dĩ nhiên là vậy rồi. À, cô có điều này muốn nói”.
“Cô cứ nói. Cháu đang đợi cô nói để nghe đây”.
Hồng quay mặt đi nói như nói cho chính mình:
“Có bao giờ một người làm cho người khác đau khổ, nếu biết, người đó có cho phép mình được quyền vui hay không nhỉ”.
Vì nói lại nói quá nhỏ, chợ đông, tiếng người ồn, nên Đức nghe mà chẳng nghe thấy gì cả. Không nghe thấy gì cả, nên nét mặt Đức vẫn thản nhiên, không đổi khác. Biết đã đến lúc phải về, Hồng khẽ bảo:
“Nếu lúc nào còn nhớ đến con chim cánh đỏ và bụi hồng vàng, rảnh, Đức muốn đến, Đức cứ đến nhé”.
“Cô nhắc đến con chim cánh đỏ và bụi hoa hồng vàng, có bao giờ cô nghĩ cháu chính là hiện thân của con chim đó không cô”.
“Ờ, có. Nhưng chẳng lẽ con chim cánh đỏ như Đức nói là hiện thân của Đức, thì bụi cây hồng vàng phải được coi là hiện thân của ai. Của ai thì cô không biết nhưng cô thấy nó chính là cô đấy”.
“Nếu là cô, cháu thấy cũng được chứ có sao đâu. Dễ hiểu và để trả lời vì tên cô là Hồng”.
“Ừ nhỉ. Vậy thì con chim cánh đỏ có gì phải sợ những cái gai của bụi hoa hồng. Nếu nó có bị sây sát da thịt vì bị gai móc, cô nghĩ nó phải sung sướng chứ sao lại kêu đau”.
”Cháu không biết trả lời cô như thế nào vì thực sự cháu không phải là con chim đó. Nhưng nếu cháu là con chim đó, cháu sẽ không kêu như nó đã kêu để cầu cứu ai đem nó ra khỏi bụi gai của cây hoa hồng bao giờ đâu”.
”Có thực lòng Đức muốn nói thế hay không. Nếu tạm thời cứ cho là thực, con chim đó được cứu thoát rồi bay vụt đi, còn con người, tại sao lại cũng tìm cách trốn khỏi ngôi nhà ở chỗ ở đó. Cô chỉ nói thế, còn hiểu ra sao và hiểu như thế nào, cô không cần biết. Nhớ đấy, một ngày nào đó cô sẽ đến thăm Đức. Cây hồng vàng có gai sẽ đến với con chim cánh đỏ. Có nghe cô nói gì không”.
Chẳng cần đợi câu trả lời của Đức, Hồng bước nhanh về hướng cửa, ra khỏi chợ.
NGUYỄN TRUNG DŨNG