Chiếc bus rời trạm đưa Hoàng trên đường đến nhà Vân. Mùng 1 Tết, ở đất Mỹ, Hoàng cảm thấy không khí và cảnh vật không khác như mọi ngày. Sáng đến, mọi người vẫn vội vã lái xe đến công sở, hãng xưởng, trẻ con vẫn đến trường, và các cửa tiệm buôn bán, tiệm ăn, vẫn mở như thường lệ để tiếp khách hàng. Một ngày như thế, Hoàng nhìn quanh phố xá trên đường xe chạy, chàng chẳng thấy không khí và cảnh vật của Tết nhất là đúng, vì ở đây ở đó, Hoàng không tìm ra một tà áo dài thướt tha của các cô gái mặc, một bộ “com-lê” với cổ đeo cà vạt của mấy ông đàn ông, một tiếng pháo hay một phong pháo dài nổ ròn rã, không, Hoàng đã không thấy trên suốt thời gian trên đường xe chạy qua các trục lưu thông từ trung tâm thành phố đến vùng ngoại ô có những mái nhà thấp, có vườn tược cây cối rậm rạp um tùm, cho đến lúc trước đầu xe, mắt Hoàng đã nhận ra sườn của một ngọn đồi thoai thoải, ở ngã ba, một con lộ ngoằn ngoèo như một con rắn trườn mình bò lên triền dốc, một con lộ khác chạy thẳng theo chiều dài của nó giữa hai hàng cây đứng đầu chụm nhau, và một con đường quẹo về hướng tay mặt một phần đã bị những dẫy nhà của khu phố che chắn mất dạng.
Bao giờ xe đến khúc đường này, Hoàng cũng thấy hiện ra ở phía trước một cây thụ già. Cây đứng ở cái ngã ba với cành lá vươn lên nom như một người khổng lồ ngạo nghễ. Cây thụ già đối với Hoàng chỉ là cái mốc báo cho chàng biết ở cái ngã ba đó có một trạm ngừng để chàng chuẩn bị xuống. Hoàng hiểu phải làm gì để cho người tài xế đến chỗ đó thì ngừng, nên với tay, chàng bèn đưa lên nắm sợi dây ở cạnh chỗ ngồi, giật. Tiếng chuông đã báo hiệu cho người tài xế biết trên xe có hành khách muốn xuống xe ở trạm gần tới.
Khi đã bước từng bước chân trên vỉa hè đường, với cái áo khoác ngoài phủ từ vai đến quá đầu gối, cổ quấn quanh một cái khăn bằng len màu hạt giẻ, đôi bao tay bằng da cho hai bàn tay, trang bị cho mình tất cả những thứ đó trước khi đi, Hoàng tưởng như thế là đã quá đủ để chống cái lạnh, nhưng cái lạnh cứ mỗi lúc mỗi đậm, áo quần chàng mặc chẳng cản được nó thâm nhập từ ngoài da thịt, rồi tới tận bên trong xương tủy. Chưa bao giờ bằng lúc này, Hoàng lại có cảm tưởng đi một đoạn đường từ đây đến cuối dẫy phố, thực ra nó không xa, nhưng Hoàng lại thấy nó xa một cách kỳ lạ. Miệng đã thở ra hơi như phà khói thuốc. Như thế đủ biết không khí ở ngoài trời rất lạnh. Cuối cùng, đôi chân Hoàng với từng bước bước tới, Hoàng cũng đến được bực thềm cửa của ngôi nhà của Vân, với ngón tay dí vào núm bấm, Hoàng bấm chuông. Cánh cửa mở. Người mở không ai khác là Vân. Thấy Hoàng đứng, chân run run, hai hàm răng đánh vào nhau lập cập, Vân hoảng sợ nói gần như muốn la:
“Mặt anh nom như đá đóng băng. Tội nghiệp quá thể. Có sao không ”.
Nghe Vân nói, Hoàng chỉ nhếch môi cười:
“Chưa đến nỗi chết đâu. Sáng nay, tôi cũng không ngờ thời tiết tệ hại tới cỡ này. Từ nhà ra trạm xe bus, lúc đi, thấy trời ấm áp chứ đâu quá lạnh. Chắc chỉ tại cái vùng cô ở gần đồi núi, có hơi băng, gió thổi đưa cái lạnh của băng đóng trên núi về nên không khí mới giá buốt”.
“Anh đã đến sao không vào nhà. Cứ đứng ở ngoài này nói mãi được hay sao”.
“Cô không thấy tôi đang để mắt ngắm mấy cây hồng kia chắc. Những bông hồng ở mấy chậu cây đặt bên cạnh cửa sổ nom đẹp khó có thể diễn tả nổi”.
“Vườn sau nhà em, thiếu gì những bông hồng như anh nói. Để chốc lát nữa, chờ cho nắng lên, ấm áp một chút, em mời anh ra coi cho đã con mắt. Còn bây giờ, anh đừng bận tâm đến hoa nữa, vào nhà đi”.
Cánh cửa được đóng. Đã vào rồi, giầy được bỏ, cái áo khoác ngoài Hoàng vừa tính cởi nốt nó ra, nhưng Vân vội lên tiếng cản:
“Anh cứ mặc tự nhiên cho ấm người”.
“Đi ngoài đường mới cần tới nó, vào trong này ấm áp mặc nó để làm gì, cô cứ để tôi cởi ra cho người được nhẹ nhõm thoải mái hơn là mặc cái áo này, nó vừa nặng vừa chật làm tôi khó cử động chân tay”.
Đã ngồi xuống cái ghế sa lông kê trong phòng khách, Hoàng không thấy chồng Vân, nên vội hỏi:
“Khương đâu. Còn ở nhà hay đã đến văn phòng rồi”.
Vân chưa kịp đáp, thì ở trên lầu, đã có tiếng Khương nói vọng xuống:
“Anh Hoàng đấy có phải không. Anh ngồi chơi chờ tôi một chút”.
Trên tay với tách trà nóng khói còn bốc, Vân từ bếp bước tới chỗ Hoàng ngồi:
“Anh uống cho ấm người”.
“Tối qua cô điện thoại cho tôi tôi lại đi vắng”.
“Anh đi đâu vậy”.
“Đến cái quán ở góc phố, mang về một ly cà phê, chỉ có mỗi một việc như vậy. Ngồi một mình đâm ra buồn, bỗng dưng thấy nhớ và thèm, mới cất công đi mua”.
“Em điện thoại chẳng có chuyện gì khác, là, nhắc để anh nhớ sáng mai, mùng 1 Tết, anh đến ăn Tết với bọn này”.
“Năm sau, cô khỏi cần gọi. Đêm giao thừa, bao giờ tôi cũng nhớ sáng mai là sáng mùng một, việc đầu tiên là phải đến nhà cô, trước là để chúc Tết, sau là để cụng ly mừng mùa Xuân mới”.
Khương bận công việc gì đó vẫn còn ở trên lầu chưa xuống, Vân đang dở tay ở bếp nấu nướng món ăn cho bữa điểm tâm, một mình ngồi ở phòng khách, Hoàng nhớ đến đêm qua ở khu chung cư nơi chàng cư ngụ, người sống trong dẫy phố lầu chuẩn bị đến giờ cúng lễ giao thừa. Ở ngoài hành lang, sắp sửa tới giờ tống cựu nghênh tân, trên những cái bàn hoa quả bánh trái đã được bày sẵn, ly đựng gạo dùng để cắm nhang những cây nhang đã được đốt, và những cây nến ngọn nến đã được thắp, Hoàng thấy mấy ông mấy bà hàng xóm đứng nghiêm chỉnh cúi đầu khấn vái. Những năm thành phố chưa có lệnh cấm đốt pháo, vào đúng nửa đêm, những tràng pháo dài lê thê được thòng xuống từ lan can lầu, đầu chấm tới đất, đã nổ đùng đùng làm khói lẫn mùi diêm sinh trộn vào không khí bay kín cả con hẻm nằm giữa hai bên là những căn phòng. Cũng có vài gia đình không bầy lễ vật cúng lễ ngoài trời, nhưng nhìn vào trong phòng của họ qua kính cửa không có rèm che, Hoàng cũng thấy trên bàn thờ đã có sẵn đủ mọi thứ, cùng di ảnh của những người đã khuất được lồng khung kính và được treo theo ngôi vị ở vách của bức tường.
Hoàng ở “share” phòng của một ông cụ tuổi đã ngoài bẩy mươi. Ông cụ vui vẻ dễ tính nên suốt nhiều năm sống chung, Hoàng không thấy có vấn đề gì đáng phải bận tâm để nghĩ tới cả. Với một không gian vừa đủ kê một cái giường cá nhân, một cái bàn vuông dùng để ngồi mỗi khi cần viết, một cái kệ mà trên kệ là chỗ dành cho những cuốn sách và những tờ báo Hoàng lưu giữ được xếp đứng ngay ngắn, thứ tự, gáy của mỗi cuốn có tên tác giả và tên tựa của nó tiện cho chàng tìm kiếm mỗi khi cần đọc.
Thời gian mới sang Mỹ, vẫn một thói quen cũ như hồi còn ở Sàigòn, đánh bài cho mấy tờ báo Hoàng cộng tác, Hoàng vẫn xử dụng cái máy chữ được chàng coi là phương tiện duy nhất để Hoàng viết văn.
Có lần ông cụ bước vào phòng, thấy Hoàng ngồi lọc cọc gõ máy thì bật cười rồi thẳng thắn bảo: “thời buổi hiện đại bây giờ, anh còn xử dụng cái máy cũ kỹ cà khổ như vậy được thì cũng lạ thật. Sao không quẳng nó đi rồi mua một cái computer đánh cho nó có sướng hơn không”. Hiểu ông cụ là người tốt bụng, nghĩ sao nói vậy, Hoàng chẳng những không phật ý mà chỉ ngồi ậm à ậm ừ vừa như chấp nhận vừa như không. Thực ra, Hoàng cũng quá biết cái máy chữ của chàng đang dùng, nó đã lỗi thời và cũ đến độ cạnh chữ đã sứt mẻ, trục “ru lô” đã lồi lõm, nhưng nói đến chuyện đem bỏ thì chàng dứt khoát không thể bỏ được.
Ngày còn sống ở Sàigòn, Hoàng đã mua cái máy này ở cửa tiệm sửa chữa máy cũ và bán máy mới tại cửa hàng của ông bố Vân. Vân đứng phụ bố tiếp khách vào những ngày nàng không phải đi học. Chính hôm Hoàng đến để mua cái máy chữ, Vân đã tiếp chàng. Sau vài lần gặp gỡ, tình yêu chớm nở giữa hai người rồi mỗi ngày mỗi thắm đậm hơn. Có hôm, Hoàng đã đến tận cổng trường để đón Vân. Trên đường về, Hoàng đã ngỏ ý muốn lấy Vân làm vợ. Chuyện hai người yêu nhau được ông bố Vân phát hiện. Ông bố Vân biết Hoàng chỉ là một nhà văn thì quyết liệt ngăn cản và cấm Vân không được tìm cách tiếp xúc với Hoàng. Có lần bất ngờ gặp Hoàng, ông bố Vân đã không kềm được nóng nẩy, giận quá trở nên hung hãn, ông cụ đã nói thẳng vào mặt Hoàng một cách không cần biết lịch sự tối thiểu là gì.
Qua lần Vân kể, một buổi tối trong bữa cơm ở trong nhà, Vân bảo bố đã dằn mặt Vân với những lời lẽ có tính cách xúc phạm nặng nề đến Hoàng khi ông nói: “Cái thằng đó chỉ là một thằng nhà văn. Viết lách lăng nhăng không phải là cái nghề để kiếm ra tiền. Mày lấy nó, có gì bảo đảm chắc chắn cho tương lai không”. Kể từ khi Vân lấy Khương, dù vẫn yêu Vân tha thiết, Hoàng tự cho mình không còn lý do gì để tiếp tục theo đuổi Vân nữa.
Biến cố năm 75, với những ngày lênh đênh trên biển cả, Hoàng đã tới được Hoa Kỳ. Chàng xin đi làm ở hãng để sinh sống. Tay trái, Hoàng vẫn viết văn. Một buổi chiều thả bộ trên đường phố, Hoàng gặp vợ chồng Vân ở trước cửa một tiệm bán sách. Trong tiệm bán sách này, cuốn truyện Hoàng mới phát hành
có bầy trên kệ. Sẵn trên tay còn số sách mang theo, Hoàng đã ký tặng vợ chồng Vân một cuốn. Nhận thấy Khương là một người lịch sự và cởi mở, trong cái bắt tay rất thân mật và thực lòng, Hoàng có thiện cảm với Khương từ đó. Ngược lại, Khương biết Hoàng là người tình ngày trước của vợ, nhưng thái độ của Khương không những đã nhã nhặn lại còn cởi mở chứ không có một suy nghĩ gì khác về người tình cũ của vợ mình.
Có tiếng chân bước từng bực thang lầu của Khương xuống dưới nhà, đã cắt ngang tư tưởng trong đầu óc Hoàng như một dòng nước đang chảy bị vật cản chặn lại, quá khứ trở thành hiện tại, Hoàng bừng tỉnh.
“Anh Hoàng. Chào anh”.
“Chào Khương”.
“Năm mới, chúc anh …”
Đứng ở trong bếp, nhanh miệng, Vân chen ngang lời nói của chồng chưa nói ra hết:
“Anh có chúc, chúc anh ấy năm nay lấy vợ là đúng nhất”.
“Phải, Khương cười ròn rã. Em nói quá đúng”.
Hoàng nhăn mặt:
“Chúc gì thì chúc, đừng chúc tôi lấy vợ”.
“Bộ anh cứ muốn sống như thế này mãi sao. Không lấy vợ rồi đến lúc về già, ở một mình buồn lắm”.
Thấy câu chuyện đến đó là đã quá đủ, Khương vừa đi tới cái tủ kê ở góc phòng, vừa nói sang đề tài khác:
“Ta không bàn đến việc đó nữa, để khui chai rượu đầu năm mời anh Hoàng uống một ly mừng năm mới đầy hi vọng cho một tương lai hứa hẹn”.
Nhưng Vân cản:
“Chờ để em dọn thức ăn ra bàn, trước khi nhập bữa, có cụng ly hãy cụng ly vẫn hơn là bụng đang trống, uống vào làm dạ dầy khó chiụ”.
Khương chiều theo ý vợ, tay đang cầm chai rượu vội để xuống bàn, thôi không khui nữa.
“Bây giờ các món đã xong, anh Khương mời anh Hoàng ngồi vào bàn được rồi đấy”.
Nghe vợ nói, Khương vội đưa tay làm một cử chỉ ra dấu cho Hoàng rời cái ghế sofa đang ngồi, đứng dậy tới cái bàn hình ô voan mặt kính kê ở phòng ăn, nhập bữa.
“Bánh chưng cô mua hay ở nhà tự gói lấy vậy”.
“Em góp tiền cho bà bạn hàng xóm bên cạnh nhà, bà ấy năm nào cũng nấu chung cho vài người quen khác”.
“Nom vừa mềm vừa mịn, chưa ăn đã có cảm tưởng ngon rồi”.
“Cái đĩa củ kiệu tôm khô này, uống rượu đưa cay cho hai ông chắc không đến nỗi tệ”.
Nghe Vân nhắc đến rượu, chai rượu đang để ở bàn được bàn tay Khương đưa ra, nắm cổ, rồi vội khui. Hai cái ly thủy tinh hình ống loa kèn, chân cao, rượu được rót. Cầm một cái Khương đưa cho Hoàng, cái kia cho mình, Khương cười tươi như hoa vừa nói:
“Mời anh cụng ly”.
“Cám ơn. Lúc nẫy, Khương đã thay mặt Vân chúc tôi, bây giờ đến lượt tôi chúc lại. Ờ, chúc gì đây nhỉ. Chúc vợ chồng hạnh phúc trước đã. Sau đến, chúc Khương một năm có nhiều thân chủ. Còn Vân, Vân trẻ hoài và đẹp mãi”.
“Với lời chúc đầu năm như thế của anh, tụi này cho là đã quá đủ. Chẳng mong ước gì hơn sẽ được như
vậy”.
“Thủ tục đã xong, mời anh Hoàng đụng đũa”.
Bận ăn, cả ba im lặng nhiều hơn là nói. Bữa điểm tâm sáng mùng 1 Tết đã đến lúc kết thúc, ngồi ở phòng khách chuyện trò dăm ba câu, Khương nhìn đồng hồ đã tới giờ phải có mặt ở văn phòng, thì bàn tay đưa ra, Khương bắt tay Hoàng vừa nói:
“Thật tiếc Tết lại là ngày làm việc ở Mỹ, nếu không, tôi đã ngồi tiếp chuyện với anh lâu hơn. Bây giờ xin phép anh tôi đi, anh cứ tư nhiên ở chơi đến bao giờ muốn về thì về”.
Sau đó ít phút, từ nhà xe, nhìn qua cửa sổ, Hoàng đã thấy cái Mercedes màu đen do Khương lái lùi từ từ ra đường, rồi lăn trên con lộ, cái xe chạy về phía trước.
Vẫn ngồi lún sâu trong cái ghế đệm mút, vẫn cầm ở tay cái ly rượu mầu đỏ mầu hạt lựu, Hoàng lơ đãng thả mắt nhìn những bông hồng cắm trong cái lọ thủy tinh để trên mặt bàn. Đối diện với Hoàng, Vân có vẻ hơi khớp, bối rối ở những cử chỉ nên không được tự nhiên. Rõ ràng như thế khi ở trong căn phòng lặng lẽ vắng vẻ, chỉ có hai người mà người ngồi trước mặt nàng lại là người tình cũ. Bỗng như một hòn sỏi vừa được ai đó ném xuống lòng ao gây ra tiếng động, câu nói của Hoàng chính là hòn sỏi ném xuống lòng ao đúng vào lúc cần phải phá tan cái không khí im lặng có vẻ ngột ngạt và khó chịu giữa hai người vào lúc này:
“Chắc chắn cô đã quên nhưng tôi, tôi còn nhớ. Vào một ngày mùng 1 Tết, tôi đến đúng lúc thấy cụ thân sinh của cô đang đứng ngắm mấy bông hồng ở ngoài sân, không muốn làm cụ mất vui vào ngày đầu năm, chẳng còn cách chọn lựa nào tốt hơn là cách tránh mặt cụ nên tôi đã ra về. Lần đó, dự định đến để rủ cô đi chơi, tôi đã thất bại cay đắng và buồn nữa khi đi cô đơn lẻ loi một mình giữa phố đông người. Những bông hồng cắm trong lọ hoa để ở mặt bàn, mắt nhìn chúng, không hiểu vì sao tôi bỗng nhớ đến chuyện xa xưa thuở đó. Cụ mất tính đến nay đã quá nhiều năm rồi. Dù gì đi nữa, không thể khác được, tôi vẫn tôn kính cụ như tôn kính cha tôi”.
“Hỏi thật anh, đến bây giờ anh còn giận bố em không”.
“Hồi trước, thú thật, anh không những đã giận mà còn thù ghét ông cụ nữa đấy. Nhưng đến bây giờ, nghĩ đi nghĩ lại, chẳng những đã không thù và ghét mà còn thương cụ rất nhiều. Nếu cha anh là cụ, cha anh cũng hành xử như bố cô đã làm”.
“Như vậy có nghĩa là các cụ đều không muốn cho em lấy anh. Sao lại thế được nhỉ”.
“Chẳng sao lại thế được nhỉ gì cả. Đơn giản là lấy anh, em sẽ không bao giờ được hạnh phúc với một người chồng chỉ lo viết văn, đúng như bố em trước đây đã nói, viết văn không phải là một cái nghề kiếm ra tiền, nếu muốn nói thẳng ra là nghèo, thì chẳng làm gì có hạnh phúc. Bằng cớ hiển nhiên và cụ thể, lấy Khương, em đã được Khương lo cho đầy đủ mọi thứ, như trước mắt bây giờ chẳng hạn”.
“Tất cả những gì anh nói em công nhận là đúng. Nhưng về mặt tình cảm, anh không thể hiểu được em như thế nào đâu”.
“Em nói anh không thể hiểu hay anh hiểu về em như thế nào đi nữa, có một điều anh khuyên em là hãy nhìn cho rõ mình đang đứng ở đâu, định vị trí để thấy cái hiện tại hơn là cái quá khứ đã xa lắc xa lơ, tay dù đưa ra muốn nắm bắt cũng không có cách nào nắm bắt được. Vậy thì điều tốt nhất vẫn là chấp nhận hiện tại có thật hơn là ảo tưởng đến một hình ảnh xa vời thiếu thực tế”.
Rời khỏi ghế, Hoàng đứng dậy. Xua đuổi những ý nghĩ thiếu trong sáng còn lởn vởn trong đầu, Hoàng cười lên một tiếng cố làm ra vẻ vui để trấn áp Vân:
“Cám ơn cô đã cho tôi một buổi sáng mùa Xuân thật rực rỡ. Rượu, bánh, trà, và vài phút ngắn ngủi được gần bên cô đủ cho tôi sống lại tuổi đời. Bây giờ, tôi về được chứ”.
“Anh muốn về anh cứ việc về. Đừng mất công hỏi em có muốn cho anh về hay không có lẽ vẫn hơn”.
Đã đứng lên rồi, Hoàng không có ý định ngồi xuống nữa. Vì thế, bước từng bước tới cái cửa ra vào, tay dứt khoát nắm lấy nắm đấm, Hoàng vặn nắm đấm cho cánh cửa mở ra. Một cơn mưa bụi đón ngay lấy Hoàng ở bên ngoài.
Ở cái bảng có chữ “Bus Stop”, Hoàng đứng đợi xe. Xe tới, Hoàng leo lên. Vẫn cái ghế sát bên cửa sổ, mắt nhìn ra bên ngoài, Hoàng thấy một con chim hải âu lẻ loi đang nghiêng chao đôi cánh. Con chim một mình dưới bầu trời mầu xám chì, mưa không lớn mà chỉ là cơn mưa phùn với những hạt nhỏ như hạt bụi, phất phơ bay.
NGUYỄN TRUNG DŨNG
11.09