Nov 23, 2024   log in
 
home
thơ
danh sách tác giả
nhạc
truyện ngắn
biên khảo,phê bình
điểm sách
phỏng vấn
quan điểm
sinh hoạt văn học

ban biên tập
tìm kiếm
thư tín
giới thiệu sách báo
 
 
  Truyện/Ký
TÌNH ĐẸP NHƯ MƠ
LÊ THỊ NHỊ

Ông Tân đứng trước gương, nắn nắn chiếc cà vạt lần nữa rồi cầm xâu chìa khóa, đi ra phía cửa. Vừa đi, ông vừa mỉm cười với chính mình: “Ô hay! Chỉ là một buổi đi nghe nhạc với một người bạn mà sao mình lại có vẻ quan trọng như thế này?
Sở dĩ, ông Tân có cảm giác đó bởi vì người bạn ấy lại là bà Hằng, cô y tá đã săn sóc ông trong những ngày ông nằm bệnh viện hồi mới chân ướt chân ráo đến đây và được biết rằng vợ mình đã có người yêu mới.
Bà Hằng là một người đàn bà đẹp và đứng đắn nhất trong số các bà, các cô mà ông có dịp quen biết từ khi ông đặt chân đến xứ Mỹ theo diện HO. Tuy có vẻ đứng đắn, nhưng cách nói chuyện của bà Hằng rất vui, tự nhiên và hấp dẫn.
Ông Tân cũng không biết ông đã có nhận xét như thế về bà Hằng từ lúc nào? Vì kể từ khi ông quyết định chia tay với vợ, để vợ ông có thể vui duyên mới thì lòng ông nguội lạnh và dửng dưng với tất cả những người đàn bà mà ông gặp gỡ. Do đó, mới ngoài 60 tuổi mà ông Tân vẫn sống côi cút một mình, mặc dù các bà, các cô luôn luôn muốn xâu xé ông, giành làm của riêng.
Sở dĩ ông cũng “có giá” đôi chút so với nhiều ông HO khác bởi vì ông không phải là mẫu người ngồi tiếc thương dĩ vãng vàng son và ỷ lại vào các con, cho dù các con ông khá thành công vì chúng sang đây từ hồi 1975. Ông là người thực tế và sớm nhận ra rằng xứ Mỹ quả thật là xứ của cơ hội nên ông đã không hề quản ngại làm những việc lao động cực khổ như: trông người già bệnh hoạn, quét dọn các cao ốc về đêm...để có tiền sinh sống trong lúc đi học Đại học.
Ngày tháng qua nhanh, bây giờ thì ông cũng đã tốt nghiệp Đại học như ai và đã có công ăn việc làm vững vàng.
Các bà, các cô, khi thấy ông Tân vẫn cứ “ì” ra, không chịu lọt vào những chiếc lưới tình mà họ giăng ra, thì lại có tiếng xầm xì: “ Chắc anh chàng này bị...bất lực rồi!”
Oan ơi ông Địa! Nhưng làm sao ông cải chính được điều này đây nhỉ?
Thực ra, họ cũng có lý do để mà nghĩ như thế. Vì với cái mã bảnh bao và nghề nghiệp vững chãi như ông, lấy một người vợ, có gì là khó đâu?
Đôi khi, ông cũng không hiểu chính ông nữa. Vì thực ra, ông luôn luôn là người thèm khát một mái gia đình. Mỗi khi đi làm, đi tiệc tùng trở về, ông thấy căn nhà mới hiu quạnh làm sao! Đọc báo, nghe nhạc, xem TV, ngồi trước bàn máy computer... giúp ông giết một số thời giờ, nhưng những lúc ăn, lúc ngủ, một mình, ông vẫn cảm thấy thiếu thiếu... một nửa của chính ông. Ông cũng có hẹn hò, thân thiện với mấy bà, mấy cô để cho ấm áp cuộc đời nhưng ông chưa hề nghĩ sẽ tiến tới hôn nhân với một người nào. Trong số các bà, các cô mà ông có dịp quen biết, hình như bà Hằng là người ông quý mến hơn cả.
Ông còn nhớ, hồi mới sang Mỹ, khi được vợ gửi cho một bức thư báo tin rằng nàng đã có người yêu mới từ khi ông còn ở Việt Nam thì ông thấy như cả thế giới này sụp đổ. Ông sẵn bị bệnh đau tim nên vừa đọc thư xong là ông ngất xỉu ngay, các con phải đưa ông vào bệnh viện.
Vợ ông thấy ông đau yếu, định hy sinh tình riêng để trở về với ông. Nhưng vì tự ái nên ông nhất định từ chối. Ông nghĩ, tình yêu là một sự đáp ứng, không thể là một sự thương hại. Mặc dù ông biết, ông vẫn còn nặng tình nghĩa với nàng lắm và ông sẽ vô cùng bơ vơ buồn khổ trong một thời gian dài vì ông là người rất tình cảm, một cái áo cũ ông cũng quý, không chịu vứt bỏ đi, huống hồ người vợ đầu gối tay ấp mà ông đã từng chia ngọt xẻ bùi trong bao nhiêu năm trường.
Chính bà Hằng là người y tá đã săn sóc ông hàng ngày trong thời gian ông nằm bệnh viện đó. Biết được hoàn cảnh trớ trêu của ông, bà Hằng đã coi ông như một bệnh nhân  rất đặc biệt. Bà thường mang báo chí tiếng Việt vào cho ông đọc. Thỉnh thoảng bà lại mang cho ông một vài món ăn ngon do chính tay bà nấu. Các con ông nhiều lúc đã nói đùa: “Bố đào hoa quá! Mẹ chưa bỏ Bố, Bố đã có người sẵn sàng nâng khăn sửa túi cho Bồ rồi!”
Từ khi ra khỏi bệnh viện, ông Tân vẫn giữ liên lạc với bà Hằng, cho đến nay đã năm năm rồi. Nhưng tình cảm của ông đối với bà Hằng cũng vẫn thế: Một người thân mà ông có thể chuyện trò, có thể nhờ vả chuyện này chuyện kia khi cần đến và... một người thân để cho ông săn sóc, quý mến. Ông cảm thấy vui vì trong cuộc sống cô đơn của ông có sự hiện diện của bà Hằng, nhưng chưa bao giờ ông có ý định đi xa hơn tình bạn.
Bà Hằng góa chồng và thua ông năm tuổi. Các con bà đã trưởng thành và ra ở riêng cả nên ngoài công việc ở bệnh viện, bà chỉ quanh quẩn ở nhà làm vườn, đọc sách, nghe nhạc. Nấu ăn cũng là một sở thích của bà nên ông Tân vẫn thường được bà mời tới nhà để thưởng thức những bữa cơm ngon và truyện trò vui vẻ. Người ngoài, ai thấy sự thân mật của ông với bà Hằng cũng đều có ý nghĩ là hai người...già nhân ngãi, non vợ chồng.
Nhiều khi, ông Tân cũng lẩn thẩn tự hỏi tại sao ông không tính chuyện... bước thêm bước nữa với bà Hằng nhỉ?
Thật lòng mà nói, ông biết ông cần bà Hằng, nhưng ông chỉ muốn tình cảm của hai người dừng lại ở đó. Ông thấy như vậy lại đẹp hơn, thi vị hơn. Ở vào lứa tuổi của ông và bà Hằng mà bây giờ lấy nhau thì... ông thấy nó kỳ kỳ làm sao ấy. Bạn bè khi biết được ý nghĩ này của ông thì họ phá lên cười và cho rằng ông nhà quê quá! Mà có lẽ ông nhà quê thật, vì ở thời đại này, xã hội này, những cụ già bảy tám mươi tuổi vẫn còn làm đám cưới là chuyện bình thường.
Các con của ông cũng thường khuyên ông nên lấy vợ để có người hủ hỉ lúc tuổi già và: “Như vậy thì tụi con yên tâm, không phải lo gì cho Bố nữa!”
Đôi khi ông thấy mọi người cũng có lý và cũng định “xét lại” xem sao, nhưng rồi việc đâu vẫn vào đó. Ông vẫn thấy đời sống của ông như vậy là được rồi: Có công ăn việc làm tốt, con cái ngoan ngoãn, thành công. Có bạn bè và có bà Hằng là người tri kỷ.
Cũng có khi ông sợ sẽ có một ngày ông mất bà Hằng vì xung quanh bà, không phải là không có người tán tỉnh, theo đuổi, kể cả người ngoại quốc lẫn người Việt. Khoảng thời gian gần đây, thì ý nghĩ này trong ông có vẻ rõ rệt hơn vì ông được biết trong bệnh viện, nơi bà Hằng làm việc, có một anh bác sĩ người Mỹ thường mời bà Hằng đi ăn cơm trưa. Bà Hằng cũng đã mời ông ta về nhà ăn cơm tối và mời cả ông sang ăn để giới thiệu nữa.
Ông Tân bắt đầu cảm thấy lo lo vì anh chàng bác sĩ này khá đẹp trai và tất nhiên là địa vị trong xã hội cũng như tiền bạc thì hơn hẳn ông rất nhiều. Về mục tán tỉnh thì ông lại thua đẹp! Bởi vì ông thuộc loại đàn ông Việt Nam cổ hủ và quê quê, so sánh làm sao được với những anh chàng Mỹ luôn luôn biết dùng lời nói để làm vui lòng người nghe, nhất là người nghe đó lại thuộc về phái đẹp.
Có lẽ cũng vì lý do đó mà hồi này ông có vẻ đỏm dáng hơn một chút, chăm sóc bà Hằng kỹ hơn một chút và hình như, trong lúc nói chuyện với bà Hằng, ông có cái vẻ “ỡm ờ, ấm ớ”, cái tật cố hữu của các đấng mày râu Bắc kỳ. Ông Tân mỉm cười với sự nhận biết này.
Hôm nay, nhân dịp Tết âm lịch sắp đến, có một buổi tiệc tất niên nho nhỏ do một hội đoàn tổ chức, nghe nói, có ca sĩ Anh Dũng từ California sang, sẽ hát toàn nhạc tiền chiến, ngoại trừ một số bản nhạc mới do các nhạc sĩ trong vùng sáng tác. Ông chắc chắn bà Hằng sẽ ưa thích chương trình này, vì ở lứa tuổi của ông, nhạc “Tiền Chiến” thường đưa người nghe về những khung trời kỷ niệm tràn đầy hoa mộng.
Những bản nhạc mới, bà Hằng cũng sẵn sàng tận tình thưởng thức, bà thường than thở mỗi khi được nghe một bản nhạc mới mà hay: “Uổng quá! bản nhạc thật hay mà ở Hải ngoại không có phương tiện để phổ biến rộng rãi! Nghe một lần đã thấy hay thế này thì nghe nhiều lần chắc phải hay lắm!”. Bà Hằng cũng thường rất không vui khi nghe những tiếng xầm xì to nhỏ trong giới khán thính giả: “ Ban tổ chức bắt bà con phải nghe nhạc “gà nhà”ø nhiều quá!”
Trong dịp này, ông Tân cũng đã liên lạc với ban tổ chức để nhờ ca sĩ Anh Dũng hát bài “Chiều Quê” của Hoàng Quý, vì ông biết bà Hằng rất thích bản nhạc này. Có phải ông đang muốn “lấy điểm” với bà Hằng đây không nhỉ? Ông tự hỏi như  thế và ông chợt nghĩ, hay là, tình cảm của ông đối với bà Hằng... có chiều hướng đi lên, nhờ có sự cạnh tranh của anh chàng bác sĩ Mỹ?

Bà Hằng đón ông Tân ở cửa với nụ cười thật tươi:
- Hãy còn sớm chán! Anh vào đây uống tách trà nóng đã!
Ông Tân vui vẻ:
- Trời lạnh thế này mà được uống trà nóng thì thật tuyệt vời!
- Lại là trà ướp hoa sói, em mới được bà bạn đi Việt Nam về cho nữa chứ!
-  Có bánh đậu xanh Bảo Hiên Rồng Vàng không cô?
- Nhất định rồi! Có bao giờ anh đến đây mà em không có bánh đậu xanh đâu nào?
Ông Tân theo bà Hằng vào phòng khách. Căn phòng này ông vẫn thường tới, vẫn thường ngồi trên chiếc ghế bọc nệm nhung đỏ thẫm này để uống trà, ăn bánh và truyện trò với bà Hằng nhưng hình như chỉ hôm nay ông mới nhận thấy căn phòng này nó ấm cúng và cần thiết cho ông như thế nào. Ông mỉm cười vu vơ và ngắm bà Hằng lúi húi pha trà: dáng ngồi nghiêng nghiêng, bàn tay xinh xinh với những ngón thon dài, mái tóc ngắn gọn gàng, để lộ cái cổ trắng ngần. Bộ áo đầm màu rượu chát làm nổi bật nước da trắng hồng trên khuôn mặt thanh tú. Phải thành thật mà nói, trông bà Hằng vẫn còn đẹp lắm! 
Bà Hằng chợt ngẩng lên, bắt gặp cái nhìn của ông Tân, bà mỉm cười hỏi:
- Trông em lạ lắm sao mà anh nhìn kỹ vậy?
Ông Tân chối bai bải:
- Ơ! Anh đâu có nhìn cô? Anh đang ngắm cái áo cô mặc đó thôi. Cái áo này màu và kiểu đẹp quá, cô mặc trông rất hợp.
Vẫn lối “tán gái” kiểu...Hà Nội 49, muốn khen nàng đẹp mà lại chỉ khen...cái áo! Ông Tân cười thầm trong bụng.
Bà Hằng vui vẻ kể:
- Hôm nọ đi phố, may quá! Em tìm được cái áo này, mặc vừa in mà giá lại sale tới 70% nữa! Hôm nay em diện lần đầu tiên đấy!
Ông Tân đùa:
- Thế cô không để dành để mặc đi chơi với anh chàng bác sĩ Mỹ à?
Bà Hằng thật thà:
- Em cũng ít đi chơi riêng với ông ấy lắm, chỉ hay truyện trò ở trong bệnh viện thôi. Gặp nhau hằng ngày ấy mà.
Một nỗi giận hờn len lén dâng lên trong lòng ông Tân. Ít đi chơi riêng có nghĩa là cũng có đi. Gặp nhau hằng ngày và hay truyện trò, thế thì thân quá rồi còn gì nữa?
Nhưng ngay khi đó, ông  cảm thấy mình vô lý. Ông là cái gì của bà Hằng chứ? Chỉ là bạn thôi! Cả trăm lần, cả vạn lần ông đã xác định với chính lòng mình như thế cơ mà.
Ông Tân hỏi dò:
- Thế cô có định lên xe bông với ông ấy không đấy? Để tôi còn phải để dành tiền mừng cô chứ!
Bà Hằng đùa:
- Để em phải đi xem bói, xem tuổi có hợp không đã, kẻo như lần trước, em lại phải ở góa!
Câu nói đùa của bà Hằng làm ông Tân đau nhói trong lòng. Thế này thì ông sắp mất bà Hằng thật sự rồi! Điều này ông có thể chấp nhận được không nhỉ? Một ý nghĩ thoáng qua trong đầu, ông Tân cũng nói đùa:
- Tôi... kỳ thị chủng tộc, tôi không muốn gả cô cho Mỹ đâu nhé. Thôi, để tôi lấy ngày sinh tháng đẻ của cô, rồi tìm người nào hợp với cô, tôi sẽ làm mai cho. Bạn HO của tôi “độc thân tại chỗ” có cả mấy tiểu đội. Vợ bỏ cũng có, bỏ vợ cũng có, vợ chết cũng có. Mập, gầy, cao, thấp gì cũng có hết! Ông nào cũng đang muốn kiếm người để hầu hạ cả.
Bà Hằng cười khúc khích:
- Anh nói các ông muốn kiếm người để hầu hạ hay kiếm người để được hầu hạ? Anh phải nói cho rõ chứ!
- Chắc là họ muốn kiếm người để được hầu hạ thì đúng hơn.
- Thế thì có ai khùng mới lấy các ông ấy! Em chưa khùng đâu anh à!
- Bây giờ cô chưa khùng, nhưng rồi nhất định cô... sẽ khùng.
- Có thể lắm chứ anh? “Biết Ra Sao Ngày Sau” mà!
Ông Tân, đón lấy tách nước từ tay bà Hằng:
- Cảm ơn cô! Có lẽ từ ngày sang đây, hôm nay tôi mới được uống trà ướp hoa sói đấy!
Hương trà thơm dìu dịu như đưa ông Tân trở về căn nhà quê cũ với mảnh vườn đầy hoa sói, hoa ngâu, nơi ông đã sống những ngày thơ ấu thần tiên, những ngày mới lớn ngác ngơ nghe tiếng súng đầu tiên của cuộc chiến dài đằng đẵng của dân tộc. Ông nhấp một ngụm trà thật nhỏ vậy mà ông vẫn cảm thấy nghèn nghẹn. Lòng ông Tân chùng xuống khi tiếng hát Thái Hiền vẳng ra từ phòng ngủ của bà Hằng bản nhạc “Mẹ Việt Nam Năm 2000”:
“Mẹ bây giờ là trẻ thơ em gái.
Thiếu ăn thiếu mặc và thiếu học hành.
Đời thiếu an ninh tình thương cũng thiếu.
Mở mắt nhìn nhau chẳng thây mai sau.

Mẹ bây giờ lạc loài trên thế giới
Việt Nam là gì giảng nghĩa cho con
Mẹ quên tiếng nói tên họ đổi thay
Cuối thế kỷ này mẹ mới hai mươi.”

Bỗng nhiên, cả ông Tân và bà Hằng cùng yên lặng. Hình như cả hai người đang thưởng thức bản nhạc và cùng có những xúc động giống nhau.
Bản nhạc dứt, bà Hằng nói với ông Tân:
- Những bản nhạc như thế này, phải nghe một mình anh ạ. Bản nhạc này mà nghe ở một buổi Đại Nhạc Hội cả mấy trăm người thì chẳng còn ý nghĩa gì hết, anh nhỉ?
- Nghe hai người cũng được đấy chứ! Tiếc rằng bài này được ít người biết đến. Thường thì nói đến Phạm Duy, mọi người nghĩ ngay đến Tình Hoài Hương, Tình Ca hoặc Nghìn Trùng Xa Cách...
-  Có thể nói là nhạc Phạm Duy nổi trôi theo vận nước và gắn liền với dân tộc Viẹât Nam, anh nhỉ?
- Cô nói đúng đấy! Có những nhạc sĩ, làm nhạc tình rất hay nhưng dù sống trong cảnh khổ đau của dân tộc mà không “đẻ” ra được một bài nào có dấu ấn của thời đại mình đang sống cả. Như vậy có vẻ “Đi bên cạnh cuộc đời” quá!
- Theo em thì không hẳn như vậy đâu. Độ nhậy cảm và óc tưởng tượng ở mỗi người đều khác nhau. Đừng bắt người nghệ sĩ sáng tạo ra những tác phẩm về những đề tài mà họ không thật sự xúc động. Đâu phải ai cũng ở trong trường hợp: “ Một thoáng thôi cũng đủ nhớ nhung nhiều” đâu anh?
Ông Tân gật gù:
- Cô nói có lý! Nhiều người phải mất... mấy tháng, mấy năm, có khi gần chết rồi mới biết nhớ nhung không chừng. 
Bà Hằng nhìn đồng hồ:
- Chúng mình phải đi thôi, kẻo trễ!
Hai người nhanh nhẹn thu dọn tách chén và cùng nhau bước ra cửa.
Mùa đông năm nay ở vùng Đông Bắc Hoa kỳ thật dễ thương. Tháng Hai rồi mà vẫn chưa có trận bão tuyết nào. Thường thì bầu trời chỉ hơi xam xám, gió hơi lành lạnh. Hôm nay, lại còn đặc biệt hơn nữa là có chút nắng ấm và trên trời cao, một vài đám mây đùng đục lững lờ trôi...

Bước chân vào căn nhà dùng để tổ chức bữa tiệc, ông Tân và bà Hằng được chủ nhà tiếp đãi niềm nở. Cảm giác đầu tiên mà ông Tân có được là căn nhà này tuy to lớn rộng  rãi nhưng thật ấm cúng, rõ ràng là “Tổ Ấm” chứ không phải chỉ đơn thuần là “Cái Nhà” với nhiều phòng ngủ, phòng khách, phòng gia đình, phòng ăn... vĩ đại.
Ngay cửa đi vào, phía bên trái là phòng khách, phía bên phải là phòng thờ. Một ban thờ Phật với rất nhiều tượng Phật lớn nhỏ. Một kệ sách thấp, để những quyển sách quý về Phật giáo. Bàn thờ phu nhân chủ nhà không đặt ở trên cao mà được đặt rất thân mật ở một ngăn giữa của kệ sách với một tấm hình không lớn lắm và môt bát nhang nho nhỏ. Căn bếp rộng rãi, kê được cả một bộ bàn ăn đủ cho mười hai người ngồi, ngay kế bên là phòng gia đình, trên tường treo một bức tranh thật lớn màu vàng rực rỡ, phòng ăn ở bên cạnh được chủ nhà dùng tạm cho khách để áo lạnh. Tất cả các phòng, đều trang trí rất mỹ thuật với nhiều đồ cổ, tranh, cây và hoa.
Dưới basement, nơi được dùng để hát hò ăn uống thì trên tường treo la liệt tranh phong cảnh Việt Nam với Đền Ngọc Sơn, những dòng sông nhỏ, những thiếu nữ trong tà áo trắng, mái tóc dài... Những ghế sô pha lớn thường ngày được kê sát vào tường, giữa phòng nhiều hàng ghế chờ đợi khách đến thưởng thức thơ nhạc.
Ông Tân đang mải mê ngắm tranh thì bà Hằng ghé vào tai ông nói nhỏ:
- Chương trình bắt đầu 2 giờ, bây giờ 2 giờ rưỡi rồi mà còn vắng hoe thế này?
Ông Tân thì thầm:
- Không đi trễ, không phải Việt Nam! Người bạn trong ban tổ chức mời anh cũng chưa tới.
Khoảng 3 giờ thì khách đến khá đông, khoảng sáu chục người, ngồi hết ở những hàng ghế và những ghế sô pha.
Chương trình văn nghệ thật hay với những bản nhạc ông Tân và bà Hằng thường yêu thích. Ông càng ngạc nhiên và thích thú hơn nữa khi được nghe những bản nhạc của hai nhạc sĩ mới trong vùng. Ông đưa mắt liếc nhìn bà Hằng đang chăm chú lắng nghe, có lẽ nàng đang nghĩ thầm trong bụng “Nghe một lần đã hay thế này thì nghe nhiều lần chắc phải hay lắm!”.
Ông Tân nắm tay bà Hằng bóp nhẹ như muốn bà hiểu rằng ông đang đồng cảm với bà.
Ông cũng chợt nhận thấy rằng bà Hằng quả là tri âm, tri kỷ của ông. Bà Hằng đúng là... một nửa của ông. Ông tưởng tượng ra một ngày nào đó, ông không còn được gặp gỡ và truyện trò với bà thì ông sẽ gặïp ai, nói chuyện với ai nhỉ? Tình cảm giữa hai người bây giờ thì đẹp như mơ thật đấy, nhưng liệu ông có giữ mãi được tình trạng này không?
Trên đường về nhà, bà Hằng than :
- Chương trình hay quá, chỉ phải cái tội nhiều người nói chuyện ồn ào quá! Tội cho các nhạc sĩ, ca sĩ và cho cả những người mê nghe nhạc.
- Thì mọi người lâu lâu mới có dịp gặp nhau mà!
- Vì thế em mới thường thích nghe nhạc khi nằm dài trên giường, khi lái xe, khi làm bếp.
Dư âm của buổi thơ nhạc như còn vương vấn trong lòng bà Hằng:
- Ca sĩ Anh Dũng hát thì tuyệt vời. Nhất là bài “Còn Một Chút Gì Để Nhớ,” Phạm Duy phổ thơ Vũ Hữu Định! Giọng hát Anh Dũng khỏe nhưng lại ngọt.  Những ca sĩ tài tử của vùng mình hát cũng hay nữa. Em thích nhất cô ca sĩ hát bài Tiếng Hát Lênh Đênh của Lương Ngọc Châu và Tử Phát. Giọng cô ta êm, nhẹ và truyền cảm. Cô hát rõ từng lời, từng lời khiến em nhớ lại một quê hương ngày đó, một tuổi thơ đã qua...
Ông Tân bỗng hỏi:
- Cô có nhận xét gì về căn nhà mình mới đến không?
- Cách trang trí chứng tỏ gia chủ có óc mỹ thuật và gia đình này có một “ Nếp Nhà” đáng quý. Cứ nhìn những người con của ông cụ loay hoay trong bếp chuẩn bị thức ăn, thức uống cho bấy nhiêu người khách của bố thì đủ biết!
- Anh đồng ý với cô hoàn toàn! Thời nay, và ở xứ Mỹ này, những gia đình còn giữ được lối sống như vậy hiếm hoi lắm!

Những ngày đông tháng giá của miền Đông Bắc Hoa Kỳ chầm chậm trôi qua. Ông Tân vẫn đến nhà bà Hằng uống trà, ăn bánh, nghe nhạc, kể cả những ngày bão tuyết, lái xe thật khó khăn. Những khi không gặp nhau, hai người nói chuyện điện thoại dứt không ra.
Khi mùa xuân đến, từng giọt nắng rơi rơi trên những thảm cỏ xanh non, những khóm hoa đua nhau khoe sắc thắm và chim chóc ríu rít hót ca trên những cành cây mới đâm chồi nẩy lộc thì ông Tân cảm thấy con đường từ nhà ông tới nhà bà Hằng dường như thu ngắn lại.
Một ngày đẹp trời, có nắng vàng, có mây bay và gió nhẹ, ông Tân nắm tay bà Hằng đi thong thả trên bờ sông Potomac, dưới tàn những cây hoa Anh đào vào ngày nở rộ. Ông thủ thỉ bên tai bà Hằng:
- Mùa Thu này, mình làm đám cưới nghe cô?
Bà Hằng nhìn ông Tân âu yếm:
- Độ nhạy cảm của anh quá chậm! Làm em chờ mãi!

LÊ THỊ NHỊ 

 


Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003