|
|
Truyện/Ký |
NỖI BUỒN XA
|
CAO MỴ NHÂN - đăng lúc 09:45:33 PM, Jan 20, 2004
Tôi cũng muốn nói tiếp về kỷ niệm Trịnh Công Sơn sau khi đọc “Truyện Ba Bữa Ăn” của Ðỗ Kh đăng trên tạp chí THƠ, số mùa thu hai ngàn lẻ một. Và cũng muốn nhắc sơ về Ðỗ Kh rất thoáng qua trong lần đi Tiệp Khắc vào mùa thu năm 1994, cùng phái đoàn Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại lừng lẫy tiếng tăm, lúc thi sĩ Viên Linh, chủ tịch PEN V.N đang vang danh trên dòng thi lộ.
(Trong phái đoàn, chỉ một mình Viên Linh ủng hộ việc nhà thơ trẻ Ðỗ Kh tham gia còn các đại sư khoa cử đều nhìn lướt qua danh sách sứ trình viên, ai nấy dừng lại một giây ở tên Ðỗ Kh cuối bảng.) Chuyện đã trở thành dĩ vãng, tôi thật lôi thôi đang muốn kể về Trịnh Công Sơn, sao lại viết trong dấu ngoặc về Ðỗ Kh Riêng tôi đứng vào hàng thứ ba, vừa đả đảo vừa hoan hô bát ngát, có lẽ tại tôi vốn lừng chừng, phân tâm, phân tán, không tự tin, tự chủ, bản lãnh khật khũ, lập trường thơ miên man, chưa dứt khoát, mộng mơ nhiều thành mơ hồ, lãng đãng
Trở lại chuyện Trịnh Công Sơn mới chết, đã khiến nhiều người cảm thấy mất mát, nhiều người hay tin chán ngán.
Mấy năm đầu thập niên 80, thế kỷ trước, tại biệt thự Minh Minh Thư Uyển, tọa lạc nơi cư xá Bắc Hải, Trịnh Công Sơn và người bạn văn tên Thái Bá Tân ôm đàn đến hát “Một Cõi Ði Về” tặng chủ nhân, là thi sĩ Thanh Vân, tức nhà tự điển Hán Việt Nguyễn Duy Nhường, phu quân của nhà văn Như Hiên Nguyễn Ngọc Hiền, nhị vị đương nêu là bạn tôi, lại cũng là song thân của nữ thi sĩ trẻ Nguyễn Thị Khánh Minh quen thuộc nơi mục thơ Tân Hình Thức của tạp chí THƠ.
Bấy giờ tôi bị, hay có dịp được làm MC quốc nội, người ta thường gọi “người thuyết minh” hoặc “điều khiển chương trình”, dân Bắc Kỳ bảo là “cô ăn nói”. (Sự thực nói thì nhiều, chứ ăn có bao nhiêu, hầu như chẳng ăn, vì suốt buổi cứ nói và thích nói.)
Tôi có bổn phận làm nổi bật các vai diễn hiện diện, có hai nhân vật “đối chọi” kịch liệt nhưng vui vẻ chẳng ai bằng, lại là hai tên tuổi thời đại, - nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và nữ nghệ sĩ diễn ngâm Hồ Ðiệp, giờ cả hai vị cùng thất lộc rồi.
Mỗi lần tôi giới thiệu thơ do giọng vàng Hồ Ðiệp trình bầy, thì Trịnh Công Sơn đùa nhái, anh cười hả hê, cặp kính trễ xuống sống mũi, áo sơ mi sọc dọc, tay cầm ly rượu sánh bọt đam mê.
Qua giới thiệu đàn ca, Trịnh Công Sơn như bay bổng, anh hát với cả tim gan rung động, quên trời, quên đất, nhớ người trong phút chốc rồi quên người trong thổn thức. Trịnh Công Sơn có thể hát liền mười bài một lúc khiến Hồ Ðiệp nhéo tôi nhắc chừng (CMN hẳn cũng quên thơ, chắc vậy) vì tiếng hát Trịnh Công Sơn đã bay rất xa. Bỗng hai ngón tay Trịnh Công Sơn bứt sợi dây đàn guitar nghe đánh “phựt”, đoạn cười xòa. ố “Ðể chị Hồ Ðiệp ngâm thơ kẻo tội.”
Tại sao “kẻo tội”, giọng Huế chan chan, mênh mang, nghệ sĩ Hồ Ðiệp trừng mắt ngó Trịnh Công Sơn, rồi nhoẻn cười lãng mạn, chị phán câu: “phạm thượng!”, làm ai nấy cười ồ. Trịnh Công Sơn lắc đầu quen thuộc, mỗi lần nhạc sĩ lắc đầu làm nẩy cả bờ vai, nụ cười hòa ái luôn nở trên môi miên viễn. Trịnh Công Sơn cứ vỗ đàn, cứ hát, cứ uống, và chẳng bao giờ muốn ngừng, anh ru người, ru đời, ru tình và ru mình.
Nhiều lần như thế ở nhiều nơi khác nhau, nhưng nơi nào hình ảnh Trịnh Công Sơn cũng lưng chừng, ngất ngưởng buồn vui. Cái thật lòng không ở một không gian, thời gian nào hạn chế. Ðôi chân anh, Trịnh Công Sơn, chưa từng bi trói buộc, mà sao tù túng thế.
Anh cười: Không thích chết, nhưng chết chắc tự do. Và anh chết, tưởng là vô tư, nhưng hình như ưu phiền và sầu tủi. Vì còn nhiều điều anh muốn nói, chưa nói hết qua thơ, nhạc, họa hoặc bạn bè.
Ðời anh phong phú bởi rất nhiều bạn, thậm chí chẳng cần nhớ tên, chẳng cần biết tên người đối ẩm, đối thoại với mình.
Ðỗ Kh viết “Truyện Ba bữa ăn” thật chí lý, tôi cũng đang buồn, buổi cuối ở Duy Tân, lại là buổi đầu sau khi anh chết, tức khi đã vắng thật hình ảnh sống của anh vào lúc 10 giờ sáng 2/4/2001, tôi lặng lẽ đếm đi đếm lại 9 vòng hoa cườm treo trên tường hẻm, hoa tươi mới lác đác đặt quanh quan tài. Chiều hôm đó, và mấy ngày sau thì hoa nhiều vô kể. Thấy buồn, buồn quá đỗi chứ, cuộc đời của một người rất tiếng tăm, sôi nổi đã chấm dứt. Vầng trăng cô lẻ, đơn bạc.
Viết tặng DIỄM XƯA, cũng đang lưu lạc ở Hoa Kỳ và ÐỖ KH, để làm gì, có lẽ chỉ vì nỗi đời hữu hạn, mông lung, biết vậy mà sao vẫn buồn chán, bâng khuâng.
CAO MỴ NHÂN
|
|
Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003 |