Tham khảo: - Việt Nam Gấm Hoa (Hương Giang Thái Văn Kiểm, nxb: 1997, Lang Van of Canada, Inc. - Cổ Học Tinh Hoa (Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân)
*
Nguồn Gốc của Lễ Tết & Lịch Pháp
Lễ Tết là một biểu hiện của văn hóa xã hội. Hầu hết các sắc dân đều có lễ Tết, nhưng ngày cử hành khác nhau. Tập tục lễ Tết của dân Lạc Việt nước ta không rõ có tự bao giờ; nhưng qua các truyền thuyết, Tết đã xuất hiện từ đời các Vua Hùng tức khoảng 2500 năm trước Tây Lịch.
Ở Á Châu chỉ có người Việt, Trung Hoa, và Ðại Hàn ăn Tết Nguyên Ðán vào ngày Một tháng Giêng âm lịch. Từ năm 1873 đời Minh Trị Thiên Hoàng Thứ VI, người Nhật đổi theo Tây Lịch nên họ ăn Tết vào ngày mùng Một Tháng Một dương lịch. Người Miên và Lào khai Tết vào khoảng tháng Ba hoặc Tư dương lịch.
Có lễ Tết tất phải có lịch pháp. Lịch pháp là kết quả của công trình theo rõi sự vận hành của mặt trăng (Ðông) hay mặt trời (Tây) để khám phá ra sự tuần hoàn của thời tiết xẩy ra trong chu kỳ 360 ngày (Ðông) hay 365 ngày (Tây). Từ đó lại khám phá ra thêm chu kỳ của 4 mùa Xuân, Hạ, Thu, Ðông và đặt ra chu kỳ 29/30 ngày hay 30/31 ngày của một tháng, và chu kỳ 7 ngày của một tuần.
Theo quan niệm cổ Trung Hoa, soạn lịch và ban hành lịch là trách nhiệm của Vua – Thiên Tử. Vua phải biết rõ thời điểm (ngày, tháng) thời tiết trong năm để ứng dụng vào những ngày tế lễ và làm mùa. Vua có nhiệm vụ thay Trời nhủ bảo cho dân bằng lịch pháp.
Sử sách Tầu ghi: Tết Nguyên Ðán có từ đời Tam Hoàng, Ngũ Ðế (Khoảng 2852 Trước Tây Lịch).
Ðời Nhà Hạ (Tam Hoàng), Vua chuộng màu đen nên chọn tháng đầu năm, tức tháng Giêng, nhằm tháng Dần (Cọp). Do đó Tết Nguyên Ðán vào đầu tháng Dần.
Nhà Thương thích mầu trắng, lấy tháng Sửu (Trâu) tức tháng Chạp làm tháng đầu năm.
Nhà Chu ưa sắc đỏ, chọn tháng Tý (Chuột), tức tháng Mười Một, làm tháng đầu năm.
Ðời Ðông Chu (Khổng Tử) an định tháng Tết là tháng Dần.
Ðời Tần Thủy Hoàng lại lấy tháng Hợi (Heo), tức tháng Mười, làm tháng Tết.
Ðời Hán Vũ Ðế (140 TCN) lại đặt tháng Tết là tháng Dần, tức tháng Giêng và từ đó tháng Tết không thay đổi nữa.
*
Về lịch pháp của nước ta, Giáo Sư Hoàng Xuân Hãn ghi nhận:
Lịch sử lịch pháp ở nước ta cho tới nay không thấy gì giúp ta biết cách xếp đặt ngày tháng của dân Lạc Việt xưa. Nhưng đoán rằng văn hóa Trống Ðồng của nước Văn Lang chắc đã dùng năm 12 tháng, tháng lần lượt có 29; 30 ngày cũng không hẳn là vô lý.
Từ năm Triệu Ðà bại Thục đến năm Ðinh Bộ Lĩnh lập quốc (khoảng 1000 năm) ắt hẳn lịch chính thức là các lịch dùng ở Trung Ương Trung Quốc hoặc tại Nam Trung Quốc. ... Phải đợi đến các đời Ðinh, Lê và nhất là Lý thì mới thấy có chép một số sự kiện có tháng ngày ... Tôi kết luận bằng giả thuyết sau: Từ đời Ðinh đến hết đời Lý Thái Tông, các vua Việt dùng lịch hàng năm do vua Tống cung cấp cho.
Sau đó người Việt ta cũng có đặt ra các quan chức coi thiên văn để tự làm lịch. GS Hoàng Xuân Hãn nhận định:
Tôi nghĩ rằng trước đó từ cuối đời Lý Thánh Tông (1054) đã có viên chức soạn lịch ở Triều Lý ...
Nguyễn sử (quyển 209) có kể lại một chuyện khá thú vị về sứ thần nhà Trần do thám như sau: “Sứ An Nam Ðặng Nhữ Lâm vẽ trộm bản đồ cung uyển, mua dấu địa đồ, sách cấm sao chép văn thư và bàn bạc chuyện đánh Giao Chỉ. Lại ghi trộm tình hình quân sự ở Bắc biên và xây sơn lăng”. Tôi nghĩ rằng chính trong dịp này người nước ta học được phép lịch Thụ Thời và có lẽ bắt đầu đặt Ty Thiên Văn hay Cục Thái Sử có viên chức cao phụ trách.. Ý chừng sau khi học được phép lịch của Quách Thủ Kính, ta cũng gọi lịch mình là Lịch Thụ Thời. Năm 1339, viên quan Thái Sử, Cục Lịch Nghi Hậu Lang là Ðặng Lộ tâu rằng: “Lịch trước đều gọi là Thụ Thời. Xin đổi tên là Hiệp Kỷ”. Vua bằng lòng. Ðây là lần đầu tiên trong sử ta chép đến một tên lịch ta, tên của một lịch gia, và cả tên một viện Thiên Văn nước ta”. ... Năm 1399, Hồ Quý Ly diệt họ Trần, đổi quốc hiệu Ðại Việt ra Ðại Ngu và theo đà ấy, đến tháng 2 năm Tân Tỵ (1401), Hán Thương đổi lịch Hiệp Kỷ của họ Trần mà ban hành lịch Thuận Thiên. ... Năm 1407, cha con họ Hồ bị bắt, tất nhiên lịch Ðại Thống (lịch Nhà Minh) lại chính thức được dùng.
Qua đời Nhà Lê (Lê Lợi, 1428), quốc hiệu nước trở lại là Ðại Việt và vẫn dùng lịch Ðại Thống. Ðời Nhà Mạc vẫn dùng lịch Ðại Thống.
Năm 1644, Nhà Thanh thay Nhà Minh bỏ lịch Ðại Thống, dùng lịch Tây Phương.
Dưới đời Gia Long, GS Hoàng Xuân Hãn ghi:
Ðầu triều Gia Long có một vị khá đặc sắc, giỏi cả Nho học và Pháp học, ấy là Nguyễn Hữu Thận (1754- 1831) ... Năm 1808, Nguyễn Hữu Thận được đi sứ triều Thanh, tới Bắc Kinh, được đọc các sách lịch thư của giáo sĩ Tây Phương mà kết tinh là bộ sách Lịch Tượng Khảo Hành. Tháng 4, Canh Ngọ 1810 Hữu Thận về đến Kinh, dâng sách ấy lên vua, xin dùng sách ấy tính lịch. Gia Long đồng ý. Từ năm Quý Dậu 1813, lịch Việt Nam với tên Hiệp Kỷ, theo phép Thời Hiến, là phép trong Lịch Tượng Khảo Thành. Lịch Hiệp Kỷ vẫn được tiếp tục soạn và chính thức dùng ở nước ta đến năm 1945. (tr. 31, Văn Hóa Việt Nam, 1989-1995)
Tóm lại, sự kê khảo của GS Hoàng Xuân Hãn cho thấy các triều đại Việt vẫn luôn luôn cố gắng tự định ra lịch pháp cho dân sử dụng nhưng vì sự xâm lấn của Tầu nên các công trình đã không thể liên tục thực hiện mà đành phải theo lịch Tầu.
Tên của Năm: Thập Can & Thập Nhị Chi
Ở Ðông Phương, người xưa quan niệm sự sống là kết hợp của hai nguyên tố: Dương (Trời) và Âm (Ðất). Người xưa cũng tin rằng cuộc đời của mỗi người liên quan mật thiết đến giờ, tháng, và năm sinh. (Tử Vi; xem Phụ Lục (ở cuối bài): vận hạn nam nữ năm Canh Dần). Vì vậy, về lịch pháp, các hiền triết cũng lấy âm dương để đặt tên cho một năm.
Thiên Can là 10 Cột của Trời gọi là Thập Can gồm các tên: Giáp, Ất, Bính, Ðinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý.
Ðịa Chi là 12 Nhánh của Ðất gọi là Thập Nhị Chi gồm các tên: Tí (chuột), Sửu (trâu), Dần (hổ), Mão (mèo), Thìn (rồng), Tị (rắn), Ngọ (ngựa), Mùi (dê), Thân (khỉ), Dậu (gà), Tuất (chó), Hợi (Heo).
Theo lịch Ðông Phương, mỗi thế kỷ Á Ðông có 60 năm gọi là lục giáp; mỗi giáp là 10 năm.
Năm khai nguyên của Lịch Ðại Á Ðông cổ truyền là năm 2637 Trước Công Nguyên và lấy tên Giáp Tí. Tính đến năm 2010 được: 2637 + 2010 = 4647 năm. Chia 4647 cho 60 được 77 lần và dư 27. Như vậy chúng ta đang ở vào thế kỷ Á Ðông thứ 78; thế kỷ Tây Phương thứ 21, và năm nay, 2010, là năm Canh Dần lấy Hổ làm biểu tượng.
Ý Nghĩa Chữ Dần và Hổ
TS Thái Văn Kiểm viết trong cuốn Việt Nam Gấm Hoa tr. 81:
Người xưa lấy một chữ của Trời cộng với một chữ của Ðất để minh định tên một năm của niên lịch. Cứ theo thiên văn cổ truyền thì chi Dần và chi Mão chỉ về phương Ðông, thuộc hành Mộc (trong Ngũ Hành)là Cây, sắc Xanh.
Chữ Dần là cung kính, chăm lo. Kinh Thư có câu: túc dạ duy dần: sớm tối chăm lo; kính trọng chức vụ. ... Chữ Dần cũng có thể ghép với nhiều danh từ khác như:
Dần nguyệt: tháng Giêng
Dần khách: con cọp
Dần thú: con cọp
Dần tiễn: đưa chân người lên đường
Nhân sinh ư Dần: loài người sinh ở hội Dần
Năm Dần là năm tuổi con cọp; ai sinh vào năm ấy thì trên nguyên tắc có thể có tướng tinh con cọp, có tính tình con cọp. Tuy nhiên, trên thực tế, chúng ta nhận xét không đúng như thế. Tên chữ của cọp là Hổ. Vậy chúng ta cũng nên tìm hiểu những danh từ có chữ hổ ghép vào, như:
Hổ trướng: trướng hổ; da hổ giăng làm màn lớn.
Hổ bảng: bảng yết danh đại khoa tiến sĩ.
Hổ bôn: dũng sĩ có tướng như hổ.
Hổ khẩu: tên một mạch huyệt tại chỗ ngón tay cái.
Hổ bộ: đi hùng dũng như cọp
Hổ phù: phù hiệu vẽ hình con cọp đễ làm hiệu lệnh.
Các thành ngữ thông dụng:
Hổ phụ sinh hổ tử: cha anh hùng sinh con anh hùng.
Vào hang hùm mới bắt được hùm: phải dấn thân mới hy vọng thành công.
Hà chính mãnh ư hổ: chính sách hà khắc tàn hại hơn hổ dữ.
Coi cọp: coi hát không trả tiền vé.
Ðặc tính của Giống Cọp - Cọp Biết Ơn và Nghe Kinh Phật
Cọp thuộc nhóm mèo nhưng tinh khôn và dữ tợn hơn. Cọp không thích ánh sáng nên ban ngày chỉ núp trong bụi rậm chờ tới chạng vạng hoàng hôn mới xuất hiện. Nhờ cặp mắt sáng quắc như tỏa hào quang nên cọp nhìn rất rõ trong đêm tối. Râu cọp giúp đánh hơi tìm mồi nhưng râu cọp được coi là rất độc vì vậy nên khi bắt được cọp người ta phải đốt ngay râu cọp tranh để ai đó nhổ để làm thuốc độc. Xương cọp được nhà thuốc Bắc cho là rất bổ nên nấu thành cao gọi là cao hổ cốt. đuôi giúp cọp lèo lái thân hình lẹ làng. Cọp ăn thịt đủ thứ chỉ trừ thịt con công vì công thường xỉa răng cho cọp lúc nó ngủ hay nghỉ ngơi.
Có nhiều truyện kể cọp cũng biết ơn và đặc biệt là cọp biết lắng nghe kinh Phật như lời thuật của Pháp Sư Thích Giác Ðức kể chính ông đã từng chứng kiến cảnh bầy cọp đến nghe thuyết pháp của sư phụ.
Nước ta có nhiều nơi có cọp nổi tiếng như cọp Khánh Hòa, Nha Trang. TS Thái Văn Kiểm kể:
Có một lần, từ trong núi Ðồng Bò, một con cọp đi lạc ra Suối Dầu (Diên Khánh, Nha Trang), đi ngang qua lộ lớn số 1, khiên ai cũng lo sợ. Họ báo động nhau để kịp né tránh. Liền khi đó có bác sĩ Alexandre Yersin, Giám Ðộc bịnh viện Parteur, Nha Trang cũng vừa đạp xe máy tới nơi. Họ liền báo cho ông ta hay, nhưng ông ta cứ thản nhiên đạp chiếc xe cọc cạch mà trả lời bằng tiếng Việt rằng: “Ðường mình mình cứ đi; đường người ta người ta đi; ai đi đường nấy; cớ chi mà sợ?” Thế là nhà bác học Yersin cứ tiếp tục đi vào rừng cao su và quinquina Suối Dầu do ông sáng lập từ đầu thế kỷ XX. Ông mất tại Nha Trang ngày 10 tháng Ba, 1943, được chôn cất nơi rừng cao su này, nơi chúng tôi đã kính cẩn đặt vòng hoa mười năm sau, ngày 10.3.1953, trên ngôi mộ rất đơn giản lưu danh một nhà bác học rất yêu mến nước Việt Nam.
Cọp còn được gọi là “Ông Ba Mươi”. Tại sao? TS Thái Văn Kiểm ghi nhận:
Theo nhà thiện xạ G. Chochod, người ta sợ hãi giống cọp đến nỗi không dám gọi là con mà phải gọi là ông, rồi kiêng cữ cả tên nữa mà phải gọi là Ba Mươi. Nhưng tại sao lại Ba Mươi mà không la Hai Mươi? Là vì giống cọp có trí nhớ rất ngắn, nó chỉ chạy khoảng 30 sải là đã quên hết, khác với giống voi có một trí nhớ kinh khủng mà người Tây Phương gọi là “mémoire d’éléphant”.
Còn ông Ðốc Phủ Lê Văn Phát, tác giả cuốn Contes et Légendes du Pays D'Annam, Saigon, Imprimerie F-H Schneider, 1913, thì giải thích rằng: “Ngày xưa ai giết được cọp thì được nhà cầm quyền thường 30 quan tiền nhưng đồng thời người đó cũng bị ba mười roi sau đít nhằm an ủi linh hồn ông cọp, may ra ông ta sẽ không trả thù.”
Riêng mẹ tôi lại kể rằng: “Cọp có tai rất thính tai và nghe biết tiếng người nói nên ai nói tới tên Cọp là cọp sẽ nghe thấy và sẽ xuất hiện liền nhất là vào đêm 30 âm lịch là đêm không có trăng, rất tối, và cọp xuất hiện tìm mồi sớm hơn thường lệ. Ðể tránh cọp không biết, người ta gọi cọp là Ông Ba Mươi.”
Truyện Vui và Lạ về Cọp
TS TháiVăn Kiểm đã sưu tầm được một số truyện tích tóm lược như sau:
Mèo lừa cọp: Mèo và cọp vốn là cậu (mèo) cháu (cọp) với nhau. Cọp thì siêng năng còn mèo thì biếng nhác. Bao nhiêu thức ăn mèo ăn hết rồi chỉ ngủ. Cọp tức giận rượt mèo chạy. Mèo leo lên cây cau. Cọp không trèo được nên hăm he nếu bắt được mèo sẽ ăn cả phân mèo. Từ đó, mèo đi tiêu đều phải bớt đất dấu phân!
Chồn gạt cọp: Một con chồn bị sập xuống hầm. Một con cọp đi ngang qua, chồn nói: “Ủa chứ anh không nghe trời sắp sập rồi sao? Cọp tưởng thiệt mới xin chồn cho xuống nấp chung. Lợi dụng lúc cọp sơ ý, chốn nhẩy lên lưng cọp rồi tiện đà nhẩy ra khỏi hầm. Chưa hết, chồn còn chạy báo cho dân làng tới giết cọp. [ khờ khạo bị họa].
Cọp chứa dã tâm nên không được cứu: Chúa sơn lâm đau nặng, nằm liệt một chỗ, bèn nhắn gọi thú vật tới thăm đặng nhờ vả. Con chồn tới trước, cọp hỏi: “Tao đau mà thơm hay thúi?” Chồn đáp: “Thúi”. Cọp giận, duỗi chân chụp hụt chồn. Chồn chạy ra ngoài kể chuyện cho con cò nghe. Cò có tính nghênh ngang, đi thẳng vào hang cọp. Chú sơn lâm cũng hỏi thơm hay thúi. Cò nói “Thơm”. Cọp cho là cò nịnh cũng duỗi chân chụp cò nhưng chụp hụt. Cò kể lại tự sự cho chuột. Chuộc tính xắc lắc, vỗ ngực nhẩy vào hang hùm xem sao. Hùm cũng vẫn hỏi thơm hay thúi. Chuột chí chóe đáp: “Không thơm, không thúi”. Cọp nổi giận cho là xạo, thò chân toan bắt nhưng chuột đã lẹ làng tháo chạy.
Vài hôm sau, cọp lành bịnh, loạng quạng bước ra ngoài kiếm ăn thì lại bị bẫy cần vọt treo cọp lơ lửng trên cao. Tình cờ chuột đi tới, thấy vậy bèn nói lỡm: “Ủa sao ông nằm gì kỳ cụ vậy?” Cọp biết chuột nói xỏ mình nhưng cũng đành xuống nước van lơn xin cứu. Chuột nói: “Cứu ông thì dễ thôi. Tôi chỉ cần leo lên cắn đứt sợi dây là xong. Nhưng cứu rồi ông lại xơi thịt tôi thì sao? Nói rồi, chuột lủi đi mất.
Người không tạo phúc đức, khi gặp hoạn nạn, sao mong có người cứu giúp?
Cọp trong Lịch Sử và Văn Chương Việt
TS Thái Văn Kiểm ghi trong Việt Nam Gấm Hoa (tr. 94):
Xây chuồng cọp để răn đe phạm pháp: Ðể bảo vệ kỷ cương xã hội, Vua Ðinh Tiên Hoàng cho xây chuồng cọp và đặt vạc dầu trước Ðiện Hoa Lư ở giữa có một tấm bảng lớn bố cáo: “Ai không tuân theo pháp luật sẽ bị luộc dầu hay cho cọp ăn. Khâm thử.”
Anh hào được phong “Hổ Oai Tướng Quân”: Theo sách Ðại Nam Biên Liệt Truyện, Nội Tán Ðào Duy Từ (đời Chúa Nguyễn Phúc Nguyên, 1631) nằm mộng thấy cọp đen từ phía nam đến. Sáng dậy ông tin là sẽ có việc lạ xẩy ra nên mặc y phục nghiêm chỉnh ngồi chờ. Quả nhiên ông thấy có người mặc áo đen từ phương nam đến. Thấy tướng mạo phi thường, Ðào Duy Từ hỏi:
- Người tên họ là gì?
- Tôi tên là Nguyễn Hữu Tấn.
- Tuổi gì?
- Nhâm Dần.
Ðào nghe nói, trong lòng mừng thầm cho là phù hợp với điềm mộng tối qua, bèn mời vào nhà nói chuyện. Thấy người đó có kiến thức rộng, Ðào bèn gả con gái cho và tiến cử lên Chúa Sãi. Sau đó, Tấn lập được nhiều công to và được Cúa Sãi ban thưởng và phong tặng: “Khai Quốc Công Thần – Anh Quốc Công”. Ở Bắc Hà, quân Trịnh cũng gọi Nguyễn Hữu Tấn là “Hổ Oai Tướng Quân”.
Nhà cách mạng Tăng Bạt Hổ cải họ và tên: Nguyên Lê Thiệu Hổ, người làng An Thường, Hoài Nhơn, Bình Ðịnh, làm Tán Tướng Quân Vụ cho Mai Xuân Thưởng, lãnh tụ Cần Vương ở Bình Ðịnh. Năm 1887 Lê Thiệu Hổ trốn ra ngoại quốc hoạt động. Năm 1914, ông bí mật trở về nước tiếp tục chống Pháp. Khi mất, mộ chí của ông có khắc tấm bia với bút tích của cụ Phan Sào Nam : “Lê Thiệu Dần Chi Mộ”. Chữ Dần được dùng thay cho chữ Hổ vì sợ người Pháp lùng ra tung tích. Lê Thiệu Hổ nổi tiếng dùng roi dâu đánh lui nhiều mãnh hổ nên người ta gọi ông là Bạt Hổ. Còn chữ Tăng là do ông đã cải trang làm thầy tu, mặc áo vàng trong lúc đảm nhận bí mật hướng dẫn các thanh niên xuất ngoại nên người ta gọi ông là cụ Tăng.
Khi Tăng Bạt Hổ từ trần, các nhân sĩ từ Nam chí Bắc đều thương tiếc. Cụ Tây Hồ Phan Chu Trinh làm hai câu đối được cụ Huỳnh Thúc Kháng dịch như sau:
Ba mươi năm lẻ, núi biển trải nhọc nhằn, ai cũng thương cho cảnh ngộ; trời hẳn thấy rõ nhiệt thành, quất ngựa thắng non thần, tráng chí mới thông miền Thượng quốc.
Hai chục kỷ đời, gió mây chiều biến đổi, người đều đua lấy tâm trí; người muốn đấu bằng gan sức, quay gươm về nước cũ, hồn thiêng còn mến đất Thần Kinh.
Cổ Học Tinh Hoa và Hổ
Trong cuốn sách quý Cổ Học Tinh Hoa của Trần Văn Ngọc & Trần Lê Nhân có ghi vài câu truyện ngụ ngôn liên quan đến cọp:
Hồ Mượn Oai Hổ (tr.80): Vua Tuyên Vương nước Sở thắc mắc về chuyện Chiêu Hề chỉ là người bày tôi của mình mà sao người phương bắc ai nghe nói cũng sợ. Quần thần không ai giải thích được thắc mắc đó. Riêng có Giang Nhất tâu rằng:
Con hổ thường ăn thịt các giống thú. Một hôm hổ bắt được một con hồ. Hồ nói với hổ: “Coi chừng! Chớ có động đến ta mà chết ngay đấy. Ta được Trời sai xuống cầm quyền coi hết bách thú. Ngươi mà ăn thịt ta là trái mệnh trời, sẽ hại đến thân ngay lập tức. Không tin, ngươi hãy đi sau ta xem có con con thú nào ta lại không sợ hãi mà tìm đường trốn cho mau không?”
Hổ vốn khờ khạo cho là hồ nói thật, bèn chịu đi theo sau. Quả nhiên đi đến đâu bách thú trông thấy hồ và hổ đều chạy cả. Hổ vẫn không biết rằng bách thú chỉ sợ mình mà chạy, cứ tượng là chúng sợ hồ. Nay nhà Vua nước mạnh, quân nhiều, và lại giao cả quyền thế cho Huề Tất; người phương bắc sợ Huề Tất, nhưng kỳ thực là sợ Vua đấy thôi.
Cách Ðâm Hổ (tr.121): Hai con hổ đang giành nhau ăn thịt một con trâu. Biện Trang muốn đâm hổ. Có một thằng bé nói:
- Hãy hượm, ông ạ. Hổ là giống tàn bạo, trâu bò là mồi ngon. Bây giờ hai con hổ thấy thịt ngon đanh giành nhau ăn. Chúng tất đánh nhau. Con nào yếu sẽ chết mà con được cũng bị thương nặng. Ông đợi đến lúc đó hãy ra tay thì chỉ đâm một con mà rồi được cả hai con. Như vậy chẳng là tốn ít công mà lợi nhiều hơn ư?
Biện Trang nghe ra bèn làm theo lời đứa trẻ. Quả nhiên giết được cả hai con hổ mà tốn ít công.
Hà Chính Mãnh Ự Hổ (Chính sánh hà khắc tàn bạo như hổ dữ; tr. 163): Khổng Tử đi sang Tề, qua núi Thái Sơn, thấy một người đàn bà ngồi khóc ở ngoài cửa động, nghe thê thảm. Ngài nói “người đàn bà này nghe như nhà có trùng tang?”; rồi sai thầy Tử Cống đến hỏi. Người đàn bà thưa rằng:
- Ở đây lắm hổ, bố chồng tôi đã chết vì hổ. Bây giờ con tôi lại chết vì hổ nữa. Thảm lắm ông ơi!
Thầy Tử Cống bảo:
- Thế sao không bỏ chỗ này đi ở chỗ khác?
Người đàn bà nói:
- Tuy vậy ở đây chính sách quan trên không đến nỗi hà khắc như các nơi khác.
Thầy Tử Cống đem câu chuyện thưa lại với đức Khổng Tử, Ngài nói:
- Các ngươi nhớ đây: “Chính sách hà khắc khốc hại hơn là cọp dữ.”
Kết: Vài bài Thơ về Hổ
Hổ Phận Già
- Thảo Am Nguyễn Khoa Vy
(Ðầu mỗi câu là tên một giống vật)
*
Lạc hồng một giống đội trời chung
Hổ phận mình già xếp một nơi
Mang tiếng học hành, tài kém cỏi
Nai lưng gánh vác, sức thua đời
Trâu tra chẳng dám khoe sừng khỏe
Ngựa dữ không thèm bóp dái chơi
Thỏ thẻ chuyện trò vui với bạn
Khỉ khầm đôi chén rượu đầy vơi
*
Hổ Nhớ Rừng
- Thế Lữ
*
Gậm một mối căm hờn trong cũi sắt
Ta nằm dài, trông ngày tháng dần qua
Khinh lũ người kia ngạo mạn, ngẩn ngơ
Giương mắt bé diễu oai linh rừng thẳm
Nay sa cơ, bị nhục nhằn, tù hãm
Ðể làm trò lạ mắt, thứ đồ chơi
Chịu ngang bầy cùng bọn gấu dở hơi
Với cặp báo chuồng bên vô tư lự
Ta sống mãi trong tình thương nỗi nhớ
Thưở tung hoành, hống hách những ngày xưa
Nhớ cảnh sơn lâm, bóng cả cây già
Với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn hét núi
Với khi thét tiếng trường ca dữ dội
Ta bước chân lên dõng dạc, đường hoàng
Lượn tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng
Vờn bóng âm thầm, lá gai, cỏ sắc
Trong hang tối, mắt thần khi đã quắc
Là khiến cho mọi vật đều im hơi
Ta biết ta chúa tể cả muôn loài
Giữa chốn thảo hoa không tên, không tuổi
Nào đây những đêm vàng bên bờ suối
Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan
Ðâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn
Ta lặng ngắm cảnh giang san ta đổi mới
Ðâu những bình minh cây xanh nắng gội
Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng
Ðâu những chiều lênh láng máu sau rừng
Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt
Ðể ta chiếm lấy phần riêng bí mật
Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu
Nay ta ôm niềm uất hận nghìn thâu
Ghét những cảnh không đời nào thay đổi
Những cảnh sửa sang, tầm thường, giả dối
Hoa chăm cỏ xén, lối phẳng cây trồng
Dải nước đen giả suối, chẳng thông giòng
Len dưới nách những mô gò thấp kém
Dăm vừng lá hiền lành, không bí hiểm
Cũng học đòi bắt chước vẻ hoang vu
Của chốn ngàn năm cao cả, âm u
Hỡi oai linh, cảnh nước non hùng vĩ
Là nơi hùm thiêng ta ngự trị
Nơi thênh thang ta vùng vẫy ngày xưa
Nơi ta không còn được thấy bao giờ!
Có biết chăng trong những ngày ngao ngán
Ta đương theo giấc mộng ngàn to lớn
Ðể hồn ta phảng phất được gần người
Hỡi cánh rừng ghê gớm của ta ơi!
*
Canh Dần: Hổ Thiệt hay Hổ Giấy
- Hải bằng.HDB
*
Trung Quốc thường vẫn nhạo Hoa Kỳ là cọp giấy. Hãy xem HK có phải là cọp giấy hay cọp thiệt.
XUÂN CANH DẦN (2010)
Hổ Thật hay Hổ Giấy?
- Hải Bằng.HDB
*
Nhân Xuân Dần đến, chứng minh câu
Hổ Mỹ không là cọp giấy đâu
Trước đó tấn công tan Ðức Nhật
Gần đây chiêu dụ tách Nga Tầu
Ngân hàng lớp lớp tiêu tùng vốn
Kinh tế nơi nơi suy thoái cầu
Ðừng tưởng cơ trời xui khiến vậy
Cũng hùm Sam đó tạo mưu sâu
*
* *
Phụ Lục
Lưu ý: Nếu có tin vào tử vi, tướng số thì cũng nên nhớ câu: “Ðức năng thắng số” để hiểu rằng nếu hằng ngày không tu nhân, tích đức thì số tử vi dù có tốt đến đâu rồi cũng rã thành mây khói và ngược lại, dù số mạng xấu nhưng biết sám hối, tu tỉnh thì vận mạng sẽ hanh thông.
CANH DẦN (THUỘC MẠNG MỘC)
1. NAM MẠNG :
Cuộc Đời :
Điểm nổi bật của tuổi Canh Dần là tình duyên bất hạnh, nhiều đau thương về vấn đề tình ái bắt đầu từ 20 tuổi trở đi.
Tuổi Canh Dần thuộc mạng Mộc nhưng tánh lại nóng nảy, cộc cằn làm cho cuộc sống trở nên khó khăn hơn. Cuộc sống chưa hẳn thành công vào tuổi nhỏ. ít ưa thích xa hoa nhưng lại có nhiều mơ tưởng về công danh sự nghiệp. Sáng suốt và nhẫn nại lắm mới vượt qua những gian khổ về thể xác, tâm hồn hay bị dao động, tình cảm có phần không hay đẹp lắm, phải qua nhiều sóng gió. Như một con thuyền đang ở biển khơi có gió bão. Số rất ngay thẳng, nhưng thường hay làm cao, hưởng giàu sang ở mức vào giữa cuộc đời, tâm tánh hay nóng nảy, thiếu bình tĩnh, số của bổn mạng rất tốt ít hay đau bịnh bất ngờ.
Tóm lại: Cuộc đời toàn là sóng gió và sôi động như mặt biển bị cơn giông to phải bình tĩnh và sáng suốt lắm mới thoát được những cạm bẫy.
Tình Duyên :
Là tuổi Dần lại thuộc mạng Mộc do đó chuyện tình duyên có nhiều khe khắt. Phải qua nhiều thay đổi và mang nhiều vết thương đau, không bao giờ được sống với cuộc đời tràn đầy hạnh phúc mà trái lại toàn là chuyện đau lòng về vấn đề này. Những vết thương tình ái cứ tiếp tục gây ra thành những dòng máu thương đau trong kiếp sống, làm cho cuộc đời mang nhiều mặc cảm về vấn đề tình duyên.
Nếu bạn sanh vào tháng tháng 5, 7 và 11 âm lịch thì lương duyên có nhiều biến động và tối thiểu là ba lần thay đổi . Nếu bạn sanh vào tháng 1, 3, 6, 8 và 12 âm lịch thì bạn phải hai lần thay đổi . Nếu bạn sanh vào tháng 2, 9 và 10 âm lịch thì đỡ hơn một chút.
Gia Đạo Và Công Danh :
Công danh của tuổi Canh Dần bắt đầu phát triển và có nhiều may mắn vào 19 tuổi trở đi, phần công danh có cơ hội lên đến mức độ trung bình. Sẽ có kết quả tốt đẹp vào những năm 23 và 24 tuổi, và đến 26 và 27 thì công danh có phần nổi bật lên cao. Nếu sang suốt và nhẫn nại trong vấn đề này. Gia đạo lại có nhiều buồn phiền, số chắc chắn không được sống nhờ bà con thân tộc về mọi vấn đề mà phải sống cô đơn hay nhờ ở bè bạn, người xa lạ nhiều hơn. Ít khi có một cái gì tốt đẹp do bà con, gia tộc dành cho.
Vấn đề gia đạo thật có nhiều phiền tủi vào những năm từ 20 đến 21 tuổi. Nếu mồ côi cha trước thì công danh ít sáng tỏ. Nếu mồ côi mẹ trước thì trái lại phần công danh sáng tỏ và lên cao mau lẹ. Gia đạo luôn ở trong những việc buồn phiền, số không nhờ được gia đạo, không được gia đình yêu thương .Phải cố gắng và phải có lòng yêu mến gia đạo thì Trời, Phật mới thương mà giúp cho tạo lấy một cuộc sống nhiều may mắn.
Sự Nghiệp, Tiền Tài :
Công danh cũng có lúc trầm bổng, thông minh nhưng công danh vất vả, tuy nhiên vẫn được đạt thành sở nguyện. Hy vọng vào năm 18 tuổi, công danh bắt đầu có cơ hội tạo điều kiện tiến bộ và nhờ đó bạn có thể phát triển thêm.
Nếu bạn có sự nghiệp vững chắc và bền bỉ thì cũng phải ở vào số tuổi bắt đầu từ 26 trở đi, nhưng chỉ trong mức độ trung bình chứ không được một sự nghiệp vĩ đại . Tuy nhiên nắm lấy được một sự nghiêp nho nhỏ và vững chắc hơn bạn mới có thể kéo dài một cuộc sống ở vào tình trạng trung bình. Tiền tài từ tuổi 19 trở đi đến tuổi 26 thí ít khi phát triển mạnh mẽ, nhưng bước qua 27 tuổi lại có nhiều cơ hội tốt đẹp tạo nên cho bạn về vấn đề tiền bạc. Tiền tài tuy không lên cao hay giàu sang phú quí nhưng sự nghiệp và tiền tài do bạn tạo ra cũng tạm được ở trong một mức sống khá .
Những Tuổi Hợp Cho Sự Làm Ăn :
Nhâm Thìn, Ất Mùi, Mậu Tuất, Kỷ Sửu giúp bạn thành công hơn.
Hôn Nhân Với Cuộc Sống Cao Sang :
Nhâm Thìn, Ất Mùi, Mậu Tuất, Kỷ Sửu, Nhâm Ngọ, Quý Mão, Bính Ngọ : được nhiều ảnh hưởng tốt đẹp. - Bạn kết duyên với tuổi Nhâm Thìn giúp bạn tạo được công danh cuộc sống khá đầy đủ , hào tài hào con vượng phát. - Bạn kết duyên với tuổi Ất Mùi giúp bạn được giàu sang phú quý, đầy đủ phước đức, hào tài hào con đều đông đủ. - Bạn kết duyên với tuổi Mậu Tuất giúp bạn thành công trên mọi khía cạnh tình cảm, tài lộc lẫn sự nghiệp công danh, rất thuận lợi cho bạn trong việc tạo lấy sự nghiệp. - Bạn kết duyên với tuổi Kỷ Sửu giúp bạn được giàu sang, con cái đầy đủ gia đình hạnh phúc. - Bạn kết duyên với tuổi Nhâm Ngọ, Quý Mão, Bính Ngọ, đều có thể trùng hợp làm cho bạn rạng rỡ công danh cũng như về con đường tài lộc và sự nghiệp.
Hôn Nhân Với Cuộc Sống Trung Bình :
Nếu bạn kết hôn với những tuổi: Tân Mão, Đinh Dậu, Bính Tuất thì chỉ hạp với tuổi Canh Dần về tình cảm mà phần tài lộc chỉ có tính cách tượng trưng.
Hôn Nhân Với Cuộc Sống Bần Hàn, Làm ăn Khó Khăn:
Nếu gặp những tuổi : Đinh Dậu, Giáp Ngọ, Kỷ Hợi những tuổi này rất khắc với tuổi Canh Dần về mặt phát triển tài lộc.
Những Tuổi Đại Kỵ Trong Cuộc Đời :
Những tuổi đại kỵ với tuổi Canh Dần, đó là những tuổi: Ất Mùi, Canh Tý, Tân Tỵ, Đinh Mùi, Quý Mùi, Mậu Thân. Những tuổi này nếu kết duyên thì sanh ra cảnh biệt ly hay tuyệt mạng, thúc đẩy bạn vào con đường không có ngày mai của cuộc sống.
Những Năm Mà Bạn Không Nên Cưới Vợ :
18, 22, 24, 30, 34, 36 và 42 tuổi : Nếu bạn cưới vợ hay lựa chọn lương duyên trong những năm này thì sanh ra nhiều buồn phiền, số phận hẩm hiu xa vắng làm cho bạn có nhiều khổ tâm về tình duyên hay số phận của bạn.
Sanh Vào Những Tháng Nào Có Nhiều Vợ ?
Bạn sanh vào tháng 3, 4, 5, 6, 11 và 12 âm lịch thì Không bao giờ thoát được cảnh truân chuyên thay đổi.
Nhận Xét Tuổi Canh Dần Qua Những Năm Khó Khăn Nhất :
Những năm mà tuổi Canh Dần mang lấy nhiều khó khăn nhất đó là những năm tuổi Canh Dần ở vào tuổi 16, 22, 26, 28, và 32. Những năm này nếu không xảy ra đau bệnh, thì cũng gặp nhiều trở ngại trong việc làm ăn, sự phát triển công danh bị ngăn trở hay sự nghiệp cuộc đời thường bị đe dọa thường xuyên.
Ngày Giờ Xuất Hành Hạp Nhất Trong Ngày :
Ngày chẵn giờ lẻ và tháng chẵn sẽ mang lại nhiều kết quả.
Những Diễn Tiến Từng Năm Trong Suốt Cuộc Đời :
Từ 18 đến 25 tuổi: 18 tuổi gặp nhiều trở ngại lớn trong vấn đề công danh, thường hay bị sứt mẻ tình cảm và có những buồn phiền về gia đạo, tuy nhiên năm này bạn không có những trở ngại lớn. Năm 19 và 20 tuổi mang nhiều đau xót về cuộc đời nhưng công danh có phần tiến bộ. Việc tình duyên cũng bắt đầu chớm nở trong những năm này. Năm 21 và 22 có thay đổi quan trọng trong cuộc sống, thành công đôi chút về công danh lẫn tài lộc, Năm 23 và 24 tình duyên có thể kết hợp trong những năm này, tài lộc có phần hao hụt và thiếu kém, mức sống trở nên khó khăn hơn và có nhiều buồn phiền. Năm 25 tuổi công danh lên đôi chút, cuộc sống có phần dễ chịu, tình duyên nhiều hay đẹp.
Từ 26 đến 30 tuổi: 26 tuổi có nhiều thắc mắc hay trở ngại trong sự làm ăn, cần cẩn thận thân thể, năm này không thể phát triển công danh được. Năm 27 tuổi sao La - Võng chiếu năm này rất khó làm ăn lắm. Nên cẩn thận xe cộ . Năm 28 tuổi nhiều tốt đẹp cho công danh, nên cẩn thận trong mọi công việc giao dịch, giao thương, cũng như mọi công việc khác. Năm 29 đến 30 tuổi hai năm có nhiều triển vọng tốt đẹp hơn hết, chẳng những phát triển việc làm ăn mà còn tấn phát về đường tài lộc.
Từ 31 đến 35 tuổi: Thời gian này là thời gian bạn lên hương nhất, phát triển mạnh mẽ về nghề nghiệp, công danh lẫn tài lộc, có thể hoàn thành sự nghiệp trong những năm này, hoàn toàn thành công trên mọi khía cạnh nghề nghiệp. Năm 31 và 32 tuổi không nên đi xa làm ăn. Năm 33 và 34 tuổi việc làm ăn có nhiều phần tiến triển tốt. Năm 35 tuổi lên cao trong tất cả mọi vấn đề, cố gắng giữ lấy thân mình vào năm 35 tuổi, sự phát triển nghề nghiệp sẽ có kẻ ganh tỵ, thù hiềm, đề phòng mang tai vạ.
Từ 36 đến 40 tuổi: Suốt thời gian này bạn làm ăn rất phát đạt, có thể có nhiều triển vọng tốt đẹp về tài lộc lẫn tình cảm. Nhất là những năm mà tuổi bạn ở vào 37 và 38. Năm 39 và 40 có đau bịnh, hao tài đôi chút, không đến nỗi phải đỗ vỡ sự nghiệp.
Từ 41 đến 45 tuổi: Thời gian này là thời gian có nhiều sung sướng nhất, có thể lên cao nữa về vấn đề tài lộc lẫn tình cảm. Nhưng vào năm 41 và 42 tuổi, trong gia đạo không được yên vui lắm, sẽ có nhiều chuyện buồn phiền đưa đến. Năm 43 và 44 tuổi không xảy ra việc gì quan trọng . Ngoài ra tuổi 45 là tuổi nhiều rạo rực về tình cảm và phát đạt mạnh về tài lộc. Tạo lấy được cơ hội phát triển mạnh mẽ và có thể giàu sang vào những năm này.
Từ 46 đến 50 tuổi: Năm 46 tuổi gặp sao Thái Bạch, năm 47 tuổi gặp sao Thổ Tú, hai năm này công việc làm ăn, tình cảm tài lộc vẫn ở trong mức độ bình thường, nhưng hãy phòng bệnh hoạn vào những tháng 6, 7 và năm 47 tuổi. Năm 48 và 49 tuổi rất hay đẹp, không có sự gì quan trọng xảy ra trừ gia đạo có đôi chút rắc rối. Năm 50 tuổi hưởng an nhàn và bình thản cho đến suốt cuộc đời. Không có việc gì mà bạn không hưởng được cả.
Từ 56 đến 60 tuổi: Thời gian này chỉ đề phòng bệnh hoạn, vấn đề con cháu có rất nhiều phát triển nghề nghiệp. Con cái phải chịu nhiều cay đắng rồi mới thành công được và cũng hưởng phần tài lộc ở vào mức độ trung bình mà thôi.
2. NỮ MẠNG :
Cuộc Đời :
Điểm nổi bật của tuổi Canh Dần là tình duyên bất hạnh. Tuổi Canh Dần có nhiều cay đắng về cuộc đời, nhứt là về vấn đề tình duyên. Sự thay đổi hay bi quan về cuộc sống không ngoài việc không chủ tâm được cuộc sống mà trái lại có nhiều bi quan thành thử ra cuộc đời không nhiều may mắn lắm. Nhưng nếu có theo đuổi về con đường công danh thì trái lại có kết quả vẹn toàn. Cuộc đời vào tiền vận nhiều cay đắng đau xót, vào trung vận thì lao đao cực nhọc vì cuộc sống, vào hậu vận mới an nhàn và sống trong cuộc đời hoa gấm.
Tóm lại: Tuổi Canh Dần tuổi nhỏ cô độc, nhiều cay đắng không được yên vui, tâm trí thường lo nghĩ, hay có tánh bi quan, tiền vận vất vả, trung vận lao đao cực khổ , cho đến hậu vận mới được an nhàn sung túc.
Tình Duyên :
Về vấn đề tình duyên, tuổi Canh Dần có nhiều đau xót, sống với chuỗi ngày bi quan và nhiều đau buồn. Trong cuộc sống đối với vấn đề tình duyên rất đỗi đau buồn, bất hạnh . Nếu bạn sanh vào tháng tháng 3, 7 và 12 âm lịch thì lương duyên có nhiều biến động và tối thiểu là ba lần thay đổi . Nếu bạn sanh vào tháng 4, 5, 8 và 11 âm lịch thì bạn phải hai lần thay đổi . Nếu bạn sanh vào tháng 1, 2, 6, 9 và 10 âm lịch thì đỡ hơn một chút. Trên đây là những diễn tiến của bạn về vấn đề tình duyên và hạnh phúc được nghiên cứu tỉ mỉ trong khoa tướng số riêng cho tuổi Canh Dần.
Gia Đạo Và Công Danh :
Phần gia đạo vào trung vận có nhiều rắc rối và khe khắt, vào hậu vận mới được êm ấm . Phần công danh nếu có thì lên cao vào khoảng 24 trở đi, tuổi Canh Dần có triển vọng về công danh, rất nên theo đuổi công danh thì tốt, nếu không theo đuổi công danh thì tuổi Canh Dần thuận lợi về mua bán, có tài lộc và nhiều hay đẹp.
Sự Nghiệp, Tiền Tài :
Cuộc đời tuy có lao đao, nhưng sẽ thành công về sự nghiệp vào năm 37 tuổi. Tiền bạc vào trung vận thì trung bình, vào hậu vận hưởng được nhiều hay đẹp về vấn đề nầy. Bạn đừng buồn vì con người hễ thiếu cái này thì có cái khác bù đắp, đó là định luật của tạo hóa. Tuổi Canh Dần nên sống ngay thẳng, cố gắng tạo nhiều phúc đức sẽ thay đổi được vận số.
Những Tuổi Hợp Cho Sự Làm Ăn:
Nhâm Thìn, Ất Mùi và Mậu Tuất giúp bạn thành công hơn.
Hôn Nhân với Cuộc Sống Cao Sang :
Nếu kết hôn với các tuổi: Nhâm Thìn, Ất Mùi, Mậu Tuất, Kỷ Sửu chẳng những hạp về đường lương duyên mà còn hạp về đường tài lộc. Bạn kết hôn với tuổi Nhâm Thìn, Ất Mùi: Cuộc sống được khá đầy đủ . Với tuổi Mậu Tuất và Kỷ Sửu: tạo nhiều điều kiện thành đạt về công danh lẫn sự nghiệp, đẩy mạnh cuộc đời đi đến chỗ giàu sang phú quý. Những tuổi trên con cái trung bình , chỉ đủ nuôi.
Hôn Nhân Với Cuộc Sống Trung Bình :
Nếu bạn kết hôn với những tuổi: Tân Mão, Đinh Dậu chỉ có hạp về đường tình duyên mà không hạp về đường tài lộc.
Hôn Nhân Với Cuộc Sống Bần Hàn, Làm Ăn Khó Khăn :
Nếu bạn kết hôn với những tuổi : Giáp Ngọ, Kỷ Hợi, Mậu Tý, Đinh Hợi không hạp với tuổi bạn về đường tình duyên và cả vấn đề tài lộc.
Những Tuổi Đại Kỵ Trong Cuộc Đời:
Canh Dần, Quý Tỵ, Bính Thân, Nhâm Dần, Ất Tỵ, Mậu Thân và Giáp Thân. Tốt hơn muốn cho cuộc đời đừng giẫm lên nhiều đau xót thì nên tránh những tuổi này.
Những Năm Mà Bạn Không Nên Kết Hôn:
Có những năm bạn rất xung khắc tuổi, nếu bạn kết duyên sẽ phải gặp cảnh xa vắng triền miên, đó là những năm mà bạn ở vào số tuổi: 17, 23, 29, 35, 41, 47 và 53 tuổi. Những năm này định việc hôn nhân thì sẽ không thành hay nếu thành thì gặp cảnh xa vắng.
Sanh Vào Những Tháng Nào Có Nhiều Chồng?
3, 4, 6, 11 và 12 âm lịch : Bạn sanh vào những tháng này đời bạn có thể sẽ có nhiều chồng hoặc phải chịu đau khổ vì chồng con, khắc chồng con, đó là số mạng của bạn.
Nhận Xét Tuổi Canh Dần Qua Những Năm Khó Khăn Nhất :
23, 27 và 34 tuổi : Những năm này bạn làm ăn khó tạo được tiền bạc, gặp nhiều rối rắm trong cuộc đời; nên đề phòng những năm này vì sẽ xảy ra nhiều buồn bực, bệnh hoạn hay hao tài tốn của.
Ngày Giờ Xuất Hành Hạp Nhất Trong Ngày:
Ngày chẵn, tháng lẻ và giờ chẵn đem lại những thành công tốt hơn .
Những Diễn Tiến Từng Năm Trong Suốt Cuộc Đời:
Từ 17 đến 20 tuổi: Năm 17 tuổi không nên tính việc hôn nhân, mặc dù năm này phần tình cảm vượng phát, công danh ở vào mức độ bình thường, tài lộc yếu kém. Năm 18 tuổi khá tốt, công danh có phần thắng lợi, tình cảm lên cao, tiền bạc bình thường. Năm 19 tuổi tài lộc khá, phần công danh tiến triển, tình cảm hay đẹp, làm ăn buôn bán có lợi. Năm 20 tuổi đầy đủ và sung túc trong mọi vấn đề, tình cảm, công danh lẫn tài lộc.
Từ 21 đến 25 tuổi: 21 tuổi khá tốt, thuận lợi vào những tháng 6, 8 và 12 âm lịch, những tháng khác bình thường. Năm 22 tuổi xấu, không nên đi xa, làm ăn không thu hoạch nhiều hay đẹp, công danh có phần yếu ớt về khả năng cũng như về cuộc sống. Năm 23 tuổi đề phòng về tai nạn cũng như về bệnh hoạn, việc công danh hay làm ăn có nhiều buồn bực, kỵ đi xa . Năm 24 tuổi công danh, sự nghiệp và cuộc đời có phần lên cao, tình cảm có nhiều xích mích hay nan giải, tháng 8 trở đi thì vui vẻ. Năm 25 tuổi cũng khá tốt, phần tài lộc rất tốt. Năm này kết duyên gặp số tốt, bổn mạng vững.
Từ 26 đến 30 tuổi: Năm 26 tuổi kỵ vào những tháng 3, 6, 9 và 12 . Những năm này cẩn thận kẻo mang tai tiếng, phần tài lộc và công danh ở vào mức bình thường. Năm 27 và 28 hai năm phần công danh lên cao, tài lộc điều hòa, tình cảm có vượng phát mạnh, nhất là tháng 6 trở đi. Năm 29 và 30 tuổi , năm 29 tuổi không được tốt lắm, nhưng tài lộc và tình cảm được dễ dãi. Năm 30 tuổi khá hay, nên nhịn nhục vào những tháng 6, 7. Phần tình cảm, gia đình có chuyện buồn bực, ngoài ra những tháng khác trung bình.
Từ 31 đến 35 tuổi: Năm 31 tuổi tài lộc lên cao, tiền bạc được dồi dào, công danh toại nguyện, tình cảm tốt đẹp. Năm 32 tuổi, không được may mắn về vấn đề làm ăn và sự phát triển nghề nghiệp, kỵ vào tháng 7. Năm 33 tuổi có đau bệnh, năm này không nên xuất ngoại, hay đi xa có hại. Năm 34 tuổi được tốt, sự phát triển nghề nghiệp được tốt, tài lộc dồi dào, tiền bạc dư dả. Năm 35 tuổi mọi việc làm ăn đều ở vào mức độ trung bình mà thôi.
Từ 36 đến 40 tuổi: 36 tuổi khá tốt đẹp về tình cảm và tài lộc, những tháng đầu năm có lợi, cuối năm có nhiều hao hụt. Năm 37 tuổi, không được khá lắm, nên cẩn thận về tiền bạc cũng như về việc làm và công danh, gia đạo. Năm 38 tuổi không nên phát triển sự nghiệp và cũng không nên giao dịch về tiền bạc, sẽ bị thất bại nhất là tháng 8 và 11. Năm 39 và 40 tuổi, hai năm tình cảm vượng tốt, về tài lộc có phần yếu kém, vào tháng 8 và 10 có hao tài.
Từ 41 đến 45 tuổi: 41 tuổi bình thường, toàn năm không có gì xảy ra quan trọng cho cuộc sống. Gia đình êm ấm, tài lộc, tình cảm điều hòa. Năm 42 tuổi nên đi xa, xuất ngoại, hay phát triển về việc làm ăn thì tốt. Năm 43 tuổi không được nhiều may mắn trong cuộc đời, có thể gặp nhiều trở ngại trong nghề nghiệp, làm ăn. Năm 44 tuổi năm mà mọi việc có thể thâu gọn được, không nên xuất phát tiền bạc cho người không được tin cậy, sẽ bị mất của. Năm 45 tuổi tốt vào những tháng đầu năm, những tháng cuối năm xấu, giữa năm trung bình.
Từ 46 đến 50 tuổi: 46 tuổi phát triển mạnh mẽ về đường tài lộc lẫn tình cảm, thâu nhiều thắng lợi tốt đẹp. Năm 47 và 48 tuổi có phần tốt đẹp về vấn đề tiền bạc, tình cảm bị sứt mẻ, công việc làm ăn có nhiều trở ngại, năm 47 kỵ tháng 6, năm 48 kỵ tháng 10, hai tháng này khó thoát được bệnh hoạn hay hao tài. Năm 49 tuổi tài lộc và sự nghiệp vững chắc, toàn năm đều tốt. Năm 50 tuổi trung bình, việc làm ăn tiến triển bình thường, gia đạo tình cảm êm dịu.
Từ 51 đến 55 tuổi: 51 tuổi nên cẩn thận về tài lộc, không được tốt về bổn mạng, vấn đề tài lộc có nhiều hao tốn. Năm 52 và 53 trung bình. Bổn mạng có phần vững chắc, tiền bạc và công danh ở vào mức độ tầm thường. Năm 54 và 55 tuổi hai năm này đặc biệt cẩn thận.
Từ 56 đến 60 tuổi: Khoảng thời gian này có nhiều may mắn về đường tình cảm, về vấn đề tài lộc ở vào mức độ trung bình, phần con cái có nhiều phát triển về nghề nghiệp cũng như về cuộc đời. Con cái có hưởng nhiều phước lộc. Phần cá nhân nhiều sung túc.