1-
Mẹ già như chuối ba hương
Như cây khế ngọt, như đường mía lau
Mẹ như nước trong nguồn, với tình thương yêu vô tận dành cho đàn con. Mẹ Việt Nam có những niềm đau vì đất nước, có những nỗi khổ vì chồng, lại có cả những cay đắng vì con. Tất cả những cay đắng, niềm dau và nỗi khổ ấy đã làm còng lưng mẹ, nhưng ý chí mẹ vẫn quật cường, vẫn vươn lên, vẫn vượt muôn ngàn khổ ải để bao bọc đàn con, để tiến về phía trước. Mẹ của Chinh Nguyên là một trong những bà mẹ Việt Nam đó.
Bà gánh việc nhà chồng, chịu đựng những bất hòa do chính kiến giữa anh em bên chồng. Chồng đi xa vì lý tưởng, bà sống trong nỗi cô đơn qua tháng năm dài quạnh quẽ. Cánh tay gầy guộc làm mọi việc cực nhọc để nuôi con, mong cho nên người.
Suốt những tháng năm dài cô quạnh giữa phồn hoa đô hội, sống nghèo nàn giữa xa hoa. Chồng thì biệt tăm, gia đình chồng ở xa biền biệt, không biết trông cậy vào ai. Một mình bà, chỉ một mình bà bương chải kiếm ăn. Sống trong một căn lều rách nát trên đất chùa. Đem tấm thân còm cõi làm phu hồ kiếm cơm nuôi ba con bé dại. Chinh Nguyên lớn nhất cũng chỉ có 7 tuổi đã phải trông hai đứa em cho mẹ đi làm. Thảm nhất là hôm mẹ đau, nằm trong góc căn lều tối tăm, không thuốc, không cháo, không cơm! Ba đứa con chỉ biết nhìn nhau khóc. Lời dặn dò của mẹ như lời chối chăng: “Nếu mẹ ốm không đi làm được, con dẫn hai em lên chùa gặp sư cụ”. Chinh Nguyên đã phải đi lên chùa, đến từng nhà xin thuốc về cho mẹ uống.
Mẹ làm bất cứ việc gí miễn là nuôi được đàn con. Hai mẹ con, một bóng gày gò dắt theo đứa con nhỏ ra bến Phà Đen hốt than vụn về đun bếp chiên bánh cam. Sáng tinh mơ mẹ gánh bánh cam và chảo mợ sôi đi bán dạo dọc phố. Chiều về có chút gạo chút mắm nuôi con.
Mẹ Việt Nam không bao giờ nghĩ đến bản thân, chỉ nghĩ đến gia đình và luôn nghĩ đến đàn con. Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào. Tình mẹ bao la như trời như biển.ï Mẹ không bao giờ kể công và luôn dấu nỗi khổ cho riêng mình. Giọt nước mắt nếu có thì cũng là những giot nước mắt âm thầm giữa canh khuya mà không bao giờ con thấy được.
Mẹ là dòng suối ngọt. Bất cứ lúc nào và bất cứ hoàn cảnh nào mẹ vẫn cứ mỉm cười. Nói với con ngọt ngào như đường như mật, nhẹ nhàng như gió như mây. Mẹ đem tất cả tình thương nồng ấm cho con. Không những cho trái tim mà cho cả cuộc đờiĐông Anh
2-
Hôm nay ngày 7 tháng 1 năm 2010 Mẹ đã ra đi. Trong mấy tuần qua mẹ đã phải vào nhà thương vì đường xuống thấp. Sau đó về nhà và trở lại bình thường. Chinh Nguyên hy vọng mẹ còn khỏe và sẽ gặp mẹ dịp tết Canh Dần này. Vé máy bay đã sẵn sàng, chương trình chúc thọ mẹ cũng đã hình thành. Đây là một cái tết đoàn tụ các con cháu từ Mỹ về, từ Sài Gòn lên, từ Hà Nội vào. Tất cả họp lại để mừng thọ mẹ 98 tuổi. Từ nhà thương về, mẹ muốn có một chiếc xe lăn để tiện bề di chuyển. Con trai ở Mỹ gửi về liền. Ngày 7 khi nhận xe, mẹ đã ngồi thử và con cháu xúm lại đẩy cụ đi một vòng quanh xóm. Mẹ khen xe đẹp nhỉ. Sau đó cụ ăn chiều và đi nghỉ. Ai ngờ cụ đi luôn và không bao giờ dậy nữa.
Hai giờ sáng, tiếng điện thoại vang lên đánh thức hai vợ chồng nhà thơ dậy. Bốc điện thoại lên là tiếng nức nở đầu giây vọng từ chốn xa xăm báo tin buồn Mẹ đã ra đi!
Một buổi sang tất bật, vợ đi đổi vé, sắm dụng cụ chịu tang, chồng lo đăng báo cáo phó, làm chương trình phát tang, gọi điện thoại thúc dục con cháu về Việt Nam gấp. Buồn thì thật là buồn nhưng không có thì giờ để khóc. Ngay đêm 7 tháng 1 cả gia đình chiếm giữ một khoang máy bay để bay về Việt Nam. Đúng ra mẹ là công dân Hoa Kỳ, nhưng mẹ lại muốn về sống tại quê hương lúc cuối đời. Cụ còn căn dặn Chinh Nguyên là khi cụ nằm xuống thì con phải đem ba về nằm cạnh mẹ tại Ban Mê Thuột là nơi hai cụ sinh sống, lập nghiệp và nuôi dạy đàn con khôn lớn.
Ngày 12 tháng 1 năm 2010 toàn gia đưa tiễn mẹ đến nơi yên nghỉ cuối cùng.
Trời Ban Mê Thuột mát mẻ, êm đềm, ngào ngạt hoa cà phê. Mẹ đã nằm lại với quê hương. Mẹ đã yêu quê hương và quê hương đã thương mẹ. Nhục thể của mẹ đã hòa vào lòng đất quê hương để ơn đức cao dầy của những Mẹ Việt Nam ngày thêm thiêng liêng và vinh hiển.
Đông Anh
12/1/10