Nov 21, 2024   log in
 
home
thơ
danh sách tác giả
nhạc
truyện ngắn
biên khảo,phê bình
điểm sách
phỏng vấn
quan điểm
sinh hoạt văn học

ban biên tập
tìm kiếm
thư tín
giới thiệu sách báo
 
 
  Sinh hoạt văn học-nghệ thuật
CHUYỆN DIỄN ĐÀN: MẠNG LƯỚI XÃ HỘI - PHẠM HUY THỊNH

Môi sinh tinh thần của cộng đồng người Việt hải ngoại đang bị ô nhiễm do sự xuất hiện lan truyền  nhiều tin đáng nghi ngờ, không đúng sự thật :
-Các “ tin vịt “ (hoax) đã có từ lâu, nhất là bản dịch ra tiếng Việt các “ tin vịt “ cổ xưa này ,
-Mạo nhận địa chỉ điện thư gửi thư mời kểt bạn, loại thư rác-lừa đảo,
-Trao đổi ý kiến với ngôn từ nặng nề, viết những điện thư, phổ biến thông tin không dẫn chứng nguồn gốc,…
đưa đến hậu quả là sự hoang mang, sự chia rẽ trong cộng đồng, ....

Những người  quan tâm luôn luôn cố gắng tỉnh thức, phân tích-kiểm chứng-tổng hợp các dữ kiện liên hệ để xác định sự việc tế nhị, nhậy cảm, gay cấn,  xẩy ra là do vô tình hay cố tình mà có cách hành xử thích hợp, giúp cho sinh hoạt trong thế giới ảo được triển nở tốt đẹp.

Những sự kiện không vui trong sinh hoạt của một diễn đàn nhỏ bé mà người viết tham gia   thiết nghĩ cũng chỉ là một phần trong bối cảnh  chung mà thôi .Môi sinh tinh thần trong diễn đàn hạn hẹp này cũng phần nào bị ô nhiễm .

Cách đây không lâu, thế giới ảo của cộng đồng người Việt hải ngoại bị   thư chứa sâu bọ điện toán lan chuyền  làm ô nhiễm môi sinh tinh thần. Sự việc được phân tích và phương cách đề phòng và giải trừ được phổ biến rộng rãi. Kết qủa, thời gian gần đây hiện tượng thư chứa sâu bó điện toán sút giảm ,  ít thấy xuất hiện quấy nhiễu vi hữu . 
 
Bây giờ là mạng lưới xã hội ( Social networking ) thuộc loại thư rác-lừa đảo (spam-scam) , bị kẻ xấu lợi dụng để chọc phá,  xách nhiễu, khiến người xử dụng lưới bực mình, mất vui đôi chút. Môi sinh tinh thần lại bị ô nhiễm.
 
Gần đây,trong  dỉễn đàn nhỏ bé mà người viết tham gia, nhiều vi hữu bị kẻ xấu giả mạo địa chỉ gửi i-meo thuộc loại thư rác-lừa đảo cho vi hữu khác, có khi gửi ngay cả lên diễ đàn, thậm chí có trường hợp 1 vi hữu cứ nhận được …dài dài thư rác do Myfanbox.com gửi dùng tên  của 1 vi hữu khác mà vi hữu này xác nhận là không gửi và cũng không phải là thành viên của Myfanbox. Các vi hữu này đều là nạn nhân của kẻ xấu.
 
Nhiều sự kiện trên một số diễn đàn  cho thấy   là có những điện thư, do vô tình hay cố ý , dưới nhiều hình thức khác nhau,   làm cho không khí trong diễn đàn trở nên căng thẳng, mất vui . 
Với sự hiểu biết giới hạn, người viết mạo muội trình bày về cách vận hành của mạng lưới xã hội , đề nghị một số việc nên làm khi gặp phải những trường hợp không vui này ,và rất mong được quý vị quan tâm đóng góp thêm ý kiến, kinh nghiệm giúp cho môi sinh tinh thần được trong lành. 
    
 1.-MẠNG LƯỚI XÃ HỘI   
 
Những công ty khai thác dịch vụ xã hội trên lưới hiện nay có rất nhiều  đều có cùng mục đích...kiếm tiền . Có công ty đứng đắn nhưng cũng có những công ty ..bê bối .
 
Những công ty loại   này là những công ty   hoạt động hợp pháp ,  dùng những mánh lới chiêu dụ   lắt léo, qua những trình tự khác nhau, nhằm mục đích:
 
-Đạt được sự chấp thuận, sự cho phép của “khách hàng” để xử dụng danh sách  trong sổ địa chỉ của họ mà gửi thư mời hàng loạt , thư rác.
 
-Lấy được số thẻ tín dụng để  moi tiền thành viên khi xử dụng một “dịch vụ đặc biệt” nào đó , “mua hàng gía đặc biệt”, nhưng kết qủa có khi là dịch vụ dởm, hàng dởm, không nhận được hàng. Đòi lại tiền không được. Thành viên bị lừa tiền.
 
Những công ty này rất dễ bị khiếu nại, bị thưa kiện vì gửi thư rác, lừa tiền thiên hạ. Khi làm ăn không được nữa thì ...đóng cửa công ty này, mở ra công ty mới với tên khác , và thành viên được  chuyển sang công ty mới. Chẳng hạn như Reunion.com trở thành Mylife.com, sms.ca biến dạng thành Fanbox, Myfanbox ....
 
1.1. Cách vận hành công ty khai thác mạng lưới xã hội   
 
1.1.1. Cách vận hành của các công ty khai thác mạng lưới xã hội đều na ná giống nhau .
 
Khi nhận được thư mời mà   tiết lộ mật khẩu trương mục điện thư  là xập bẫy,  là  cho phép công ty nhân danh thành viên gửi thư mời   tới tất cả mọi người trong sổ địa chỉ .
 
 Nếu thành viên từ chối cung cấp mật khẩu thì được dụ  mở rộng nhóm bằng cách tự đánh máy từng địa chỉ người quen muốn mời . Công ty sẽ gửi thư tới những địa chỉ này thay cho thành viên.
 
Thế là xong . Công ty đã thủ kỹ càng là được sự chấp thuận của thành viên trước khi gửi thư mời nhân danh thành viên. Nhận được thư, thấy tên người quen mời thì nhấn chuột xem chơi. Chu trình dụ khị tái diễn. Người nhận thư rất dễ bị “xập bẫy”.
 
Dài dòng về cách “chiêu mộ “ thành viên này để thấy rằng có thể đã có sự hiểu nhầm khi cho rằng  “ mở xem thư  mời  là bị ngay  virus xâm nhập chôm sổ địa chỉ gửi thư đi tùm lum “, dù rằng có cảnh báo là khi bấm vào đường dẫn  trong thư rác sẽ bị mã độc (malware) xâm nhập.
 
 
1.1.2.-Những công ty cung cấp dịch vụ xã hội này dư biết sẽ có những người lợi dụng công ty để gửi thư chọc phá, xách nhiễu ngưởi khác nên cũng có biện pháp tự vệ, ngăn ngừa kẻ xấu thực hiện âm mưu của họ .
 
-Lưu trữ IP của người thăm viếng trang nhà của họ để trả lời giới chức có thẩm quyền khi cần. 
 
-Hạn chế số lần gửi thư “theo đơn đặt hàng” nằm mục đích xách nhiễu của kẻ xấu. Họ luôn luôn kiểm tra sự xác thực , thành tâm của người tìm vào gia trang của công ty để ghi danh  ,ủy quyền cho họ   gửi thư mời , bằng cách công ty gửi thư yêu cầu họ xác nhận. Nếu thư bị hoàn trả, địa chỉ ma, hay không nhận được hồi báo xác nhận   thì họ ngưng gửi thư mời để tránh phiền nhiễu . Thông thường,trong trường hợp “thân chủ” là người ghi danh lần đầu, công ty sẽ ghi i-meo, ngay cả  ghi  IP như trường hợp Jhoos.com,  của “thân chủ” khi gửi thư mời “khách hàng” mới để ”tự vệ”.
 
-Ngược lại, nếu họ nhận được hồi báo thì tư cách thành viên của người ghi danh lần đầu được xác nhận và công ty sẽ thay mặt thành viên kiên trì, liên tục gửi thư mời và các thư khuyến mại khác cho khách hàng tương lai theo yêu cầu – hay không  – của thành viên và có thể chỉ đề tên chứ không ghi i-meo của “thân chủ” thành viên.
 
- Khi thành viên rút tên ra khỏi công ty thì công ty cũng ngưng gửi thư nhân danh thành viên. 
  
  1.2.- Phân tích-tổng hợp các sự kiện giúp nhận định được thực hư . 
  
  Khi biết  cách vận hành của công ty cung cấp dịch vụ xã hội như tóm tắt trên đây, căn cứ vào nhịp độ, số lượng nhận được thư rác , căn cứ vào sự giải thích của bạn bè nếu có, căn cứ vào những sự kiện liên hệ đã xẩy ra trong qúa khứ ... thì có thể rút ra được kết  luận THỰC-HƯ  để hành xử cho thích ứng tùy theo từng trường hợp.
 
-Nếu nhận được thư mời kết bạn từ địa chỉ người quen, rồi sau đó bạn ta viết thư xin lỗi vì bị ..”xập bẫy” thư nhận được từ người  khác, hoặc vì không biết mặt trái công ty, thì  cùng nhau cười xòa, xóa đi hoặc fwd báo cáo thư rác là xong . 
 
-Trường hợp biết có kẻ xẩu mạo danh  , gỉa địa chỉ i-meo để chọc phá, gây chia rẽ, hoang mang giữa những người quen biết nhau thì nên viết thư khiếu nại với dẫn chứng để nhờ giới chức có thẩm quyền can thiệp.
 
-Khi công ty gửi mà cho biết địa chỉ điện thư của người  họ thay mặt,  thì dễ cho người nhận thư biết  thực hư, dễ liên lạc để xác nhận thật giả.
 
-Nếu công ty chỉ để tên, không ghi địa chỉ điện thư thành viên,  thì người nhận gặp khó khăn hơn trong việc xác định thật gỉa vì trùng tên có thể  xẩy ra còn trùng điện thư thì không thể có .
 
Muốn tìm hiểu thêm về loại công ty cung cấp dịch vụ xã hội mang tính cách thư rác-lừa đảo và biện pháp đối phó thì xin tham khảo tại :
http://www.consumerfraudreporting.org/FanboxScam2.php
http://consumerist. com/380751/ reunioncom- will-scrape- your-address- book-then- spam-your- contacts
http://spamid.net 
   
2.- GIẢI PHÁP ĐỀ NGHỊ 
    
Sinh hoạt trong thế giới ảo thì người tốt, kẻ xấu lẫn lộn. Nhận được thư rác là chuyện thường. Nhận được thư khi đọc phải cau mày cũng không hiếm . Để góp phần giúp cho môi sinh tinh thần được trong lành thì cần tìm hiểu   thực hư của sự việc để sau đó có cách hành xử thích hợp.
 
Sự thẳng thắn, thành thật, ôn hòa  trong trao đổi nhằm chứng tỏ  thiện chí, giải tỏa khúc mắc là yếu tố căn bản giúp xác định thực giả, đúng sai của vấn đề .
 
Khi đã nhận chân được vấn đề thì phản ứng của mỗi người mỗi khác và thay đổi tùy theo từng trường hợp. Lý luận vững chắc , lời lẽ  nhã nhặn, kèm dẫn chứng mới mong thuyết phục được người đọc. Đôi khi im lặng  lại là cách trả lời, là giải pháp thích hợp để khỏi tạo thêm ồn ào , để khỏi “xập bẫy”... Với thời gian, mọi chuyện sẽ sáng tỏ.
 
Về quan điểm cho rằng khi nhận được thư rác thì chỉ xóa đi là xong, không thắc mắc gì cả, im lặng là vàng, thì có người đồng ý, cũng có người không đồng ý . 
 
Lý do không đồng ý  với quan điểm là khi nhận được thư rác  thì chỉ xóa đi là xong ,   có thể tóm lược như sau:
 
-          biết sự thực  về nguyên nhân gây sáo trộn mà cứ im lặng giữ cho riêng mình, không chia sẻ với người khác thì không hữu ích gì cho tập thể, cho xã hội .
 
-          chính mình tiếp tục nhận được thư rác, mất thì giờ xóa bỏ , tài nguyên thế giới ảo bị lãng phí, , kẻ xấu  tiếp tục tung hoành , ...
 
-           khi nhận được thư lạ lại không đọc qua, cứ xóa đi ngay không thắc mắc gì cả, thì có thể gặp trường hợp kẻ xấu giả mạo i-meo của mình ghi danh xử dụng một dịch vụ nào đó và tổ chức này gửi thư tới i-meo của mình để xác nhận mà  mình ...”không biết” để có phản ứng thích hợp thì thiệt hại cho chính mình trước đã .
 
Tóm lại, những người theo quan điểm sau cho rằng  cần có thái độ hành xử thích hợp  để   cho chính mình được thư thái , thoải mái trước đã, và như vậy người khác cũng được hưởng   sau. 
   
  2.1.- Những việc nên làm 
   
Một cách tổng quát, khi nhận được i-meo   có tính cách bất thường, làm mình khó chịu thì nên công khai hóa cho mọi người biết để không có người này nhìn thấy thì cũng có người khác nhìn thấy  sự thật, thấy những gì che dấu đằng sau ( chẳng hạn như nhận được thư   với địa chỉ điện thư của mình gửi lên  diễn đàn mà không phải do chính mình gửi …) . Khi nhìn thấy sự thật, có chứng cớ, thì chia sẻ cho người khác biết , dù chỉ cho một số ít người chọn lọc, chứ đừng giữ làm của riêng !
 
Những biện pháp đề phòng, đối phó chung khi xử dụng i-meo, khi nhận được thư mời từ các hãng gửi thư rác-lửa đảo thì nhiều người đã biết. Với sự hiểu biết giới hạn,  xin trình bày vài ý kiến như sau :
 
2.1.1.- Thường xuyên kiểm tra lại máy và thay đổi mật khẩu.
 
2.1.2.- Nếu muốn mời bạn mình tham gia nhóm trong một công ty khai thác dịch vụ xã hội thì nên viết thư báo   cho bạn mình biết trước khi gửi thư mời để bạn mình khỏi ngỡ ngàng và dễ quyết định.
 
2.1.3.-Không trả lời, không bấm vào bất kỳ đường dẫn   nào trong thư rác vì bấm như vậy là xác nhận i-meo của mình là ...”tốt” và chỉ càng nhận thêm thư rác.
 
2.1.4.- Không muốn nhận được thư rác thì ngăn chận, lọc  tên miền công ty gửi thư rác. Dịch vụ i-meo nào cũng có phần này. Hiệu qủa đối với thư rác không ghi i-meo cá nhân nhưng khó thành công trong trường hợp thư rác ghi i-meo “người quen” là người gửi.
 
2.1.5.- Thay vì bấm Delete , xóa đi  cho xong chuyện , thì bấm vào Spam (Yahoo ),   Junk  (Hotmail) ...để báo cho giới chức phụ trách biết đó là thư rác để họ hoàn chỉnh phương tiện lọc thư . Đây là việc tối thiểu nên làm vì cũng chỉ cần một động tác bấm chuột như bấm Delete mà thôi .
 
2.1.6.- Báo cho chính quyền biết công ty khai thác thư rác bằng cách chuyển thư rác với “đầu thư đầy đủ”( full header) tới : spam@uce.gov, CFR2008A@consumerfraudreporting.org .
 
2.1.7.-Một khi đã là thành viên, muốn ra khỏi mạng lưới thì có thể vào gia trang để rút tên hoặc bấm vào đường dẫn  dành cho việc này trong   thư nhận được. Nếu không xong thì phải viết thư riêng.
 
2.1.8.-Muốn không còn là thành viên, không muốn nhận thư rác thì có thể viết thư cho hãng yêu cầu họ bỏ tên mình ra khỏi danh sách mạng lưới xã hội của hãng . Nếu i-meo của mình bị ai đó gỉa mạo thì cũng nói rõ   cho họ biết và yêu cầu họ điều tra và ngăn chận sự việc tái diễn . Nhớ đính kèm thư rác liên hệ với đầu thư đầy đủ. Nếu cần thì nhờ giới chức có thẩm quyền cao hơn can thiệp.
 
2.2.-Cách đọc đầu thư đầy đủ 
 
Tham khảo mục “Trợ giúp”- Help- để biết cách làm sao cho có đầu thư đầy đủ của i-meo mình xử dụng .
 
Vào http://www.consumerfraudreporting.org/email_headers.php tham khảo cách xem đầu thư đầy đủ và cách đính kèm đầu thư đầy đủ khi báo cáo vi phạm trực tuyến.
 
Vấn đề chính yếu trước khi báo cáo vi phạm   là phải biết được địa chỉ IP ( IP address )   của máy gửi thư rác và địa chỉ giới chức trách nhiệm để khiếu nại.
 
 Các tài liệu hướng dẫn cách đọc đầu thư đầy đủ để truy lùng nguồn gốc IP và cách khiếu nại, kể cả thư mẫu, có rất nhiều trên lưới, cụ thể là   tại địa chỉ : http://www.spam.abuse.net/userhelp
   
2.3.-Cách kèm đầu thư đầy đủ 
   
Không có đầu thư đầy đủ thì giới chức nhận thư khiếu nại không xét tới.
 
Không phải cứ đã xem thấy đầu thư đầy đủ rồi chuyển tiếp thư –fwd- là đầu thư đầy đủ tự động đi kèm. Yahoo là một thí dụ . Dù đã xem thấy đầu thư đầy đủ thì khi “Chuyển tiếp” hay “Trả lời” cũng chỉ có đầu thư đơn giản (brief header ) đi kèm.
 
Để có đầu thư đầy đủ trong thư khiếu nại, sao/dán đầu thư đầy đủ vào notepad, rồi lại sao/dán   từ notepad vào thư báo cáo vi phạm. 
   
2.4.-Cách tìm địa chỉ khiếu nại và gửi thư báo cáo vi phạm
 
Dùng phương tiện trực tuyến tại  http://www.Spamid.net  để truy tìm các địa chỉ có thể khiếu nại. Sao/dán đầu thư đầy đủ vào phần dành sẵn rồi bấm “ Prepare email” . Một danh sách địa chỉ các giới chức trách nhiệm hiện ra .Dùng địa chỉ nào là do sự lựa chọn của người gửi thư khiếu nại . Thông thường là địa chỉ cuối cùng trong danh sách tìm thấy. Cũng có thể gửi thẳng thư khiếu nại từ spamid.net .  
 
Trường hợp thư ghi i-meo người gửi thì xem đầu thư đầy đủ có thể  thấy tên miền trách nhiệm và khi kiểm lại trên lưới thấy tên miền này có gia trang chính thức thì có thể gửi thư khiếu nại tới đây. Tuy nhiên, căn bản vẫn là IP nguyên thủy tìm thấy trong đầu thư đầy đủ và từ đó tìm ra địa chỉ khiếu nại .
 
Nếu vì lý do gì đó không tìm được  địa chỉ chính xác để gửi thư thì cứ gửi tới : abuse@ ..., admin@ ..., postmaster@ ...,webmaster@ ...,hostmaster@ ....,info@ ...,(tên miền liên hệ),  thì sẽ có thư tới tay giới chức trách nhiệm của hãng. Trông đợi sẽ có thư bị hoàn trả vì không đúng địa chỉ .
 
Đừng quên gửi bản sao (CC ) lá thư này cho : spam@uce.gov .
 
Trường hợp bạn mình xác nhận là họ không gửi, i-meo của họ bị gỉa mạo thì   thư khiếu nại ghi rõ thêm điều này  và gửi bản sao  CC   cho bạn minh.
 
Lưu trữ lá thư khiếu nại này và các thư rác liên hệ khác trong một hồ sơ ( folder) riêng để làm bằng chứng khi cần khiếu nại tiếp tới giới chức có thẩm quyền cao hơn.
 
2.5.-Trường hợp  là nạn nhân : 
 
Nếu cảm thấy bị là mục tiêu xách nhiễu liên tục qua thư rác , thư chứa sâu bọ điện toán, thấy i-meo của mình bị giả mạo, máy điện toán bị tin tặc xâm nhập....thì khiếu nại với IC3, The Internet Crime Complaint Center (IC3) tại http://www.ic3.gov/default.aspx . Trung tâm này phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền khác như FBI, NW3C,BJA đế giúp giải quyết mọi loại tội phạm qua internet. 
 
Xin tham khảo thêm các chi tiết về cách thức,tài liệu,hồ sơ phải giữ...tại gia trang IC3 như ghi trên.
 
Tham khảo thêm tại http://www.consumerfraudreporting.org để biết các dịch vụ tương tự như IC3 của Hoa Kỳ cho mỗi quốc gia .
 
2.6.- Kết quả:
 
Khi hãng khai thác thư rác nhận được thư yêu cầu họ bỏ tên mình ra khỏi danh sách mạng lưới xã hội của hãng và thấy có CC cho các cơ quan khác thì thông thường họ bỏ tên mình vào danh sách đặc biệt ,  không gửi thư rác cho mình nữa , không cho kẻ xấu mượn i-meo của mình nhờ họ gửi thư, để tránh phiền nhiễu.
 
Giới chức có thẩm quyền càng nhận được nhiều thư khiếu nại thì càng sớm tới “gõ cửa” công ty khai thác thư rác. 
 
Khi cơ quan công lực “hỏi thăm” về thành viên của hãng thì hãng phải trả lời và cung cấp IP ,từ đó truy ra thủ phạm .
 
***
 
Những điều trình bầy trên đây chắc chắn là còn thiếu sót,   xin quý vi hữu  bổ túc thêm cho đầy đủ.
 
Điều quan trọng   khi nhận được thư chọc phá   là bạch hóa, là đưa lên diễn đàn cho mọi người biết, và nhờ đó, có thể   kẻ xấu chẳng qua là  bất đắc dĩ, do nể nang quen biết, vì công việc, rơi vào hoàn cảnh “ gặp thời thế, thế thời phải thế “, thấy mọi người đã biết đầu đuôi ngọn ngành cả rồi, không còn “múa” gì được nữa, mà  ngưng ...xách nhiễu người khác thì đây là một điều đáng mừng . Chúng ta nên quên những chuyện “vớ vẩn” đã qua mà vui với bạn bè. 
 
Ước mong  được các vi hữu  quan tâm tiếp tay thực hiện, giúp cho sinh hoạt trong thế giớ ảo được trong lành bằng cách báo cáo vi phạm, cẩn trọng khi phổ biến tin tức, kiểm tra sự xác thực của những thông tin giật gân, ôn hòa khi tranh luận , luôn luôn tỉnh thức ..v...v...
 
Mong lắm thay! .
 
Phạm Huy Thịnh
12/2009


Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003