Stehekin, tiếng người Da đỏ có nghĩa là Xuyên Sơn, một nơi chốn tuyệt vời cho người yêu thiên nhiên. Stehekin là phần rừng núi trên thượng nguồn hồ Chelan hay còn gọi hồ Bong Bóng. Hồ dài 55 dặm, sâu 1486 bộ. Chiều sâu của hồ đứng hàng thứ ba Mỹ quốc. Stehekein một nơi chốn xa thế giới loài người, có chừng 100 dân cư. Mùa hè con số này nhiều hơn vì du khách viếng thăm và vì các người yêu thích núi rừng.
Có ba cách đến Stehekin: máy bay nhỏ, thuyền, hoặc đi bộ. Hơn trăm năm trước du khách muốn được tàu chở lên Stehekin phải mất hai ngày dài, còn bây giờ với Lady Express, con tàu duy nhất đưa du khách, chỉ cần hai giờ mười lăm phút.
Từ Seattle tới thị trấn Chelan mất khoảng bốn tiếng rưỡi lái xe. Đường đến Chelan, chạy vòng vèo, xuyên qua núi rừng, thỉnh thoảng xa lộ chạy song song với các hồ ao nhỏ. Đoạn đường chót xe chạy song song với dòng Columbia trong veo, dài mênh mông. Nhiều đoạn sông hiền hoà như các hồ lớn trong những ngày lặng gió. Columbia vòng vèo kế các ngọn núi màu cỏ khô, nhìn từ xa mịn như nhung với những triền núi thoai thoải, những đường vòng thấp cao đụng trời xanh. Bên này bờ, xe chúng tôi chạy kế các rặng núi khô cằn, đá lổm chổm xấu xí, cao vời vợi.
Ở lại Wapato, mỏm khoai tây một đêm để đáp chuyến Lady Express sớm nhất. Wapato Point với những biệt thự trên bờ hồ, và những dẫy Condo giữa các thảm cỏ xanh.
Các bạn yêu con chữ ơi. Các bạn có thích như tôi thích, một chút lãng mạn, đọc sách ngoài mỏm Wapato để được hong nắng, được nhìn các triền đồi vàng nâu như nhung, được nhìn chuyến tầu duy nhất chở du khách và mọi thứ cần thiết lên thượng nguồn. Hồ nằm giữa hai rặng núi cao, cho nên những ngày đẹp trời nắng ấm, khoảng Wapato và thị trấn nhỏ bé Manson với các đồi táo xanh tươi kế bờ nước, luôn có mây giăng. Mây lững lờ giữa hồ như tấm màn trắng đục khổng lồ là là trên mặt nước. Tôi thả hồn mông lung, một vài giờ cho riêng tôi và chỉ tôi thôi. Một tuyệt vời trong thân phận con người. Ai bảo Thượng Đế bất công với chúng ta. Ngày tôi đau khổ rối bời Người đã từng đi song song như lời hứa đó sao? Còn bây giờ giữa muôn vàn trìu mến tôi biết chỉ có tôi, một ân điển của Người thả xuống cho loài người, những linh hồn nặng sân si tội lỗi và nhiều đam mê.
Các người yêu con chữ như tôi ơi, bạn có thích những buổi sáng thức giấc trong rừng. Vừa mở mắt đã có nắng nhẩy múa trên các cành cây, trên lều ngủ, và trên các cọng cỏ hay hoa dại ngay sát tầm mắt người nằm.
Còn về đêm, nằm ngủ trong các cái lều ni lông trên một triền núi, một tuyệt vời đó bạn. Bạn có cảm tưởng các vì sao nằm dưới chân, ngang đầu, bên phải bên trái, và vòm trời đêm sao mờ tỏ, cho bạn lạc vào mơ. Bạn thoải mái nằm, yên lặng nhìn bầu trời đêm đầy sao, nghe tiếng gió rì rào, tiếng các cành khô gẫy kêu lách tách, và ngửi được mùi nhựa thông thoang thoảng trong không gian. Bạn ơi đó là niềm hạnh phúc trong cô tịch bạn ơi. Chúng ta chẳng đã từng là những vì sao lạc lõng, chẳng đã từng có một phân đời riêng, chẳng từng mơ ước một điều không tưởng và nhất là mơ ước được một giây phút hoàn toàn tương giao với đấng Sáng Tạo đó sao ?
Sáng sớm hôm sau, chúng tôi đón chiếc Lady Express lên thượng nguồn. Trời tháng tám cho nên ấm áp, bến tàu vang động tiếng cười nói trẻ thơ, mặt hồ tĩnh lặng. Tàu rời bến lúc 8:30 sáng. Máy tầu rẽ nước, sủi bọt trắng xôn xao lan xa đằng sau đuôi tàu, giống như giòng nước bạc dưới tia nắng sớm. Tầu chạy giữa hai triền núi thẳng đứng, thưa thớt cổ tùng. Trên sườn núi một vài đám cháy nhỏ còn sót lại, khói nghi ngút. Tiếng trầm trồ xuýt xoa, tiếng máy ảnh bấm nhanh. Có nhiều lúc, mọi người hình như nín thở nhìn núi cao lừng lững, rừng tùng thẳng tắp, các tảng đá vĩ đại, như sợ, cho dù một tiếng động nhỏ cũng làm phiền người đứng bên cạnh đang chiêm ngưỡng kỳ công của Thượng Đế.
Làm sao tả hết vẻ đẹp một mặt hồ lăn tăn gợn sóng trong bóng râm hay ngoài nắng. Làm sao tả được những lúc nắng nhảy múa trên các tàn lá để người nhìn cảm nhận được niềm vui. Làm sao nói hết được vẻ thanh lịch dịu dàng của những con nai đuôi trắng với đôi mắt xinh xinh, những con chim đang chuyền trên cành hay đang hót những tiếng ngọt ngào. Làm sao tả được sự tự do của con chim ưng đang dang cánh rộng trong vòm trời cao. Làm sao tả hết nỗi lòng của đá qua bao triệu năm. Làm sao tả được niềm cảm thông sâu xa của người khi chính mắt nhìn được thiên nhiên và niềm kinh hoàng đến trong tâm để thấy con người quá mỏng manh.
Làm sao nói lên tiếng lòng của người bỏ quê hương, người thân yêu, lao vào biển Đông tìm sự sống trong cái chết. Làm sao nói hết lòng cảm tạ Thượng Đế từ những kẻ thoát chết có đời sống yên bình như tôi, một người nữ tỵ nạn. Làm sao nói được nỗi lòng tôi khi nhìn cháu mình vừa chào đời 21 ngày đã bị cuốn chặt trong chiếc khăn lông trên boong tàu 501 lúc năm giờ sáng ngày 30 tháng tư 1975. Cả một tàu gần 3000 người ngơ ngơ ngẩn ngẩn như kẻ không hồn. Trời ơi! Làm sao nói được tiếng lòng của tôi 32 năm trước một ngày tháng từ 1975 trong cảnh hỗn loạn của Saigon ngày cuối cùng. Làm sao nói được phút giây trong yên ắng phó mặc thân phận mình cho Thượng Đế để biết mình đang vào cõi tử sinh. Tôi làm sao nói được cho giọt lệ thầm những năm tháng dài trên miền đất hứa cho những bất hạnh của quê mình. Tôi làm sao nói được cho tôi những nghẹn ngào, đau đớn trong nắng ấm Thái Bình Dương khi tôi hát bài quốc ca của quê mình lần cuối. Ai bảo rằng hơn ba mươi năm là quá xa nhưng với lịch sử 30 năm chỉ là tích tắc. Nếu không viết được gì những ngày những tháng long đong cũ để con cháu mình biết thương yêu nhau trong cùng mảnh đất gọi là quê hương là chính tôi mặc nhiên phủ nhận sự hy sinh của bao nhiêu chiến sĩ miền Nam. Sir Winston Churchill nói: “ Success is not Final, Failure is not Fatal, that is the Courage to continue that Counts.”
Yêu thiên nhiên, để thấy Thượng Đế thật gần. Thấy lòng mình mở rộng, yêu thương được những đám lá mục dưới chân, những trái thông khô, những con sâu nhỏ trên các đường mòn. Yêu ngay cả những đám hoa cỏ dại xanh tươi trong rừng. Yêu thương các giọt nước cuồn cuộn xoay tròn quanh các tảng đá, các thân cây vắt ngang suối. Yêu được những tình tự của đàn bướm, của đám ong, của các con kim kim nho nhỏ đang thì thầm. Thiên nhiên đang ấp ủ, đang cười đùa, đang âu yếm người đi núi và người học biết muôn triệu điều không có trong sách vở con người. Những gì người tưởng là không quan trọng, trong thiên nhiên lại là sự sống và ngược lại. Hãy lại gần thiên nhiên, một thế giới lạ mà ta hay bỏ quên để đi tìm ảo ảnh.
Thời gian qua nhanh, bến tàu đang hiện ra trước mắt, với vài ba chiếc ghế dài trên bến, hai hay ba cầu tầu tư nhân và vài nhà hàng. Du khách đứng chụm năm túm ba hay ngồi chờ đáp tầu về xuôi. Tàu cặp bến, mọi người tản mát lên bờ. Người vào nhà hàng, người thăm viện bảo tàng, người viếng trung tâm du lịch lấy tin tức, mua bản đồ hay sách đọc.
Sau khi lang thang chúng tôi đón chiếc xe lam vào rừng. Ba giờ chiều, mắt tôi năng nặng không mở được. Cơ thể tôi uể oải. Tôi như chiếc lá héo trong nắng hè. Kiếm một bóng mát, tôi ngồi xẹp trên đất, lưng dựa vào thân cây nghỉ mệt. Tôi ngủ thiếp đi lúc nào cũng không hay cho đến khi chàng lay vai đánh thức. Lều đã được dựng lên, đồ đạc bừa bãi trên nền đất. Nhìn đồng hồ còn sớm, chàng muốn đi câu một chút. Chàng đi rồi tôi mang hai ba lô quần áo vào lều. Các thức ăn đóng hộp tôi để trên các thân cây kế bếp lửa hay trên các tảng đá xa xa. Tôi lang thang ra cây cầu băng qua suối tìm bóng mát. Mươi phút tôi trở lại lều, một anh chàng cảnh sát rừng (park ranger) đang đi qua đi lại với mảnh giấy trong tay. Hắn chào tôi và hỏi tên. Hắn viết vài hàng rồi hỏi tôi có dây thừng không. Tôi lắc đầu. Hắn đi vòng quanh mấy thân cây cách xa lều khoảng vài mét, nhìn quanh nhìn quẩn, hắn tìm được một sợi thừng thòng trên mặt đất. Hắn nhìn tôi nói, cô để nhiều thức ăn thế này là gọi gấu đen đến thăm. Mặt tôi tái đi vì sợ nhưng cũng còn cãi: "Tôi ăn hết miếng bánh mì lâu rồi.” Hắn đi vòng vòng không trả lời, nhặt mấy hộp thịt, hộp cá, mấy gói thức ăn khô, kem đánh răng, kem chống nắng, thuốc chống muỗi bỏ vào một cái túi nhỏ, rồi treo lên cao. Hắn còn nói cho tôi biết gấu rất thính mũi, ngửi được ngay cả mùi của món ăn đóng trong hộp, kem đánh răng hay kem tránh nắng, nước hoa hay các thỏi son. Nghe hắn nói, tôi run trong lòng chỉ muốn theo xe hắn ra bến tàu về xuôi. Hắn cho tôi tờ giấy phạt cảnh cáo là tôi không theo đúng luật cắm trại nơi có gấu. Tôi đứng ngồi khồng yên, mắt hết nhìn gốc cầy này, tảng đá nọ, con đường bụi mờ, và cơn sợ cứ tăng hoài.
Ngày thứ hai với Park Creek Pass mười sáu dặm lên xuống.
Theo quyển Washington’s North Cascades National Park Region cho biết cần ba ngày để leo dốc này(một ngày leo, một ngày nghỉ, một ngày xuống núi cho các người mang nặng gần ba mươi ki lô). Chàng muốn đi nhanh, lên đèo nhìn phong cảnh, rồi trở lại lều. Tôi vốn lười nên lấy cớ mệt để không đi theo.
Không xa lều tôi là mấy, một tấm bảng có khung kính to như cái bàn dựng trên hai cột, bên trong có bản thông cáo: luật lệ cắm trại trong rừng Stehekin, cảnh cáo về gấu, về rắn về sâu bọ độc hại và về nước uống. Bên cạnh lời cảnh cáo có in dấu chân khác nhau của gấu đen và grizzly, loại này rất nguy hiểm. Tôi nhớ Grizzly chỉ có ở North Cascade do mấy thằng cha quá khích muốn bảo vệ mấy con gấu này, được Quốc hội cho vào danh sách các con vật đang bị diệt chủng. Họ thả chúng trong rừng núi North Cascade phần lớn thuộc về Canada.
Nắng sớm thả các vạt nắng đến từng gốc cây trong rừng. Tôi tìm một gốc cây có một vạt nắng nhỏ ngồi đọc. Các tia nắng sớm tinh nguyên vừa chạm cuốn sách. Khi nắng biến mất, tôi chạy qua gốc cây khác. Cứ như thế tôi chạy theo nắng đọc truyện.
Các ngưòi mê đọc sách, các bạn có thích đọc truyện dưới nắng, tựa lưng vào một tảng đá nào đó, một gốc cây nào đó để nắng sớm vờn tóc môi không? Dưới chân, có thể là thung lũng với rừng thông ngút ngàn, có thể là giòng nước bạc ngoằn ngoèo dưới nắng sớm giữa hai triền núi thẳng đứng, có thể là các tảng đá hàng triệu năm trước đang mong nắng, cùng bạn chia sẻ cái tĩnh lặng. Các bạn tôi ơi, bạn có biết bên bìa rừng nào đó, có những bông hoa đang đợi bình minh, có những con nai nhỏ nằm đợi nắng, và những tiếng hót tưoi vui của loài chim đang đợi tình nhân?
Nắng trưa trong rừng ngột ngạt, tôi ra suối tìm hơi mát, nước tuôn tràn, xoáy nhanh, ào ào. Không quên mang theo cuốn vớ và cây bút mực tôi yêu mến. Tôi thích nó vì khi tôi viết giòng mực hình như bắt được tư tưởng của tôi. Tìm được tảng đá bằng phẳng có bóng mát, tôi ngồi nhìn giòng nước tung các hạt thủy tinh trong veo giữa trời nắng gắt. Thỉnh thoảng có những làn gió nhẹ trườn mình theo suối. Thỉnh thoảng một con chim lạ bay vù qua trước mặt, thả lại một giọng cộc cằn lạ lùng. Đâu đây vài con bướm trắng vờn quanh các chùm hoa dại, vài con chuồn chuồn ớt dập dờn trên mặt nước. Rừng thông hình như cũng đang cong mình chịu nóng.
Chiều đến, chàng trở về lều mắt sáng rực thoải mái có một ngày vui. Thấy tôi, chàng cười và nói: “Nửa đường xuống đây, thấy hai mẹ con gấu đen, đang không biết làm gì. Đi tiếp, chúng nó biến vào rừng thành cũng đỡ.”
Tôi có một ngày êm đềm với con chữ bên con suối nên thơ. Đêm xuống rất nhanh, khí núi lạnh, hai đứa tôi chui vào lều. Có chàng ở bên, tôi rơi nhanh vào giấc ngủ.
Ngày thứ ba, Ripway Ridge, 12 dặm
Sáng sớm ngày hôm sau, tôi và chàng leo con đường mòn Ripway Ridge. Thoạt đầu lối đi có vẻ bằng phẳng và rộng, sau hai dặm, lối đi nhỏ hẹp vòng vèo, triền núi một màu xanh ngút ngàn. Dưới chân tôi, có khi là con sông nhỏ như một sợi chỉ bạc trắng đang uốn oéo giữa hai triền núi cao, có khi là triền núi đối diện quá gần, dựng đứng nhìn được màu vàng màu nâu của núi, có khi là một con chim ưng soải cánh lượn lờ trong vòm trời rộng, trên khu rừng bao la. Tôi cảm nhận được sự tự do tuyệt đối, một thế giới riêng , một can đảm tuyệt vời, một anh hùng, một kiếm sĩ ở chim. Đường đi lên càng lúc càng dốc và quanh co làm tôi không thở được. Cứ bước hai hay ba bước tôi phải dừng uống nước hay nghỉ mệt. Tôi trách tôi không đi YMCA đều, lười đi bộ, lười xuống cân. No pain no gain tôi nhủ thầm. Tự hứa lần này về nhà sẽ đi bộ mỗi ngày cho dù mưa hay nắng. A ! Những lúc này giá có một cái kem thì sướng biết mấy. Tôi sẽ ngồi đây ăn kem đánh đổi cho con suối vĩ đại và các đỉnh núi trên cao.
Đi được năm dặm, tôi dừng chân nghỉ mệt dưới bóng mát một cây thông cổ thụ. Cây đứng chênh vênh bên lề đường nhìn xuống thung lũng một màu xanh ngút ngàn. Trên cao, mây chiều bảng lảng trong vòm trời xanh trong. Chỉ còn một dặm thôi là tôi tới đích. Tôi quyết định nghỉ mệt để chàng đi một mình. Tôi trải áo trên thảm cỏ ven đường, dưới gốc cây, nằm dài ngắm thung lũng và trời mây, quên các con gấu đen, tôi ngủ quên lúc nào không biết
Tỉnh dậy, tôi đi nhanh xuống núi theo con đường ngoằn ngoèo. Tôi thơ thới trong lòng như một người đi núi nhà nghề, chân tôi nhẹ tâng, tôi đi như chạy. Chẳng bao lâu tôi nhìn thấy mấy cái lều(tent) màu cam, màu xanh lá mạ trên bờ sông. Một cô gái đang ngồi trên võng đọc sách. Nắng chiều ươm vàng màu tóc, cô trông giống như một nữ thủy thần trong các huyền thoại Hy Lạp.
Trên đường về lêu tôi vừa đi vừa hát. Tôi hát nho nhỏ những bài hát tôi có thể nhớ được, những bài du ca của thầy Quảng dạy đám sinh viên năm nào trường Đại Học Sư Phạm Saigon. Những ca khúc làm hồn tôi rung động, những ngày tôi và quê hương với bao nhiêu tình tự. Các người bạn chung một lớp học năm xưa bây giờ còn hay mất trên địa cầu này. Chỉ biết rằng nơi núi non hùng vĩ châu Mỹ, có tôi đang nghĩ tới chúng và đang hát một mình.
Dù chưa dành nhiều thời gian cho Stehekin, chúng tôi có hai ngày trong cô tịch. Chàng được chinh phục các con đường mòn cao thấp và tôi được trong nắng, trong yên ắng suy tư. Sáng sớm hôm sau, chúng tôi đón xe về bến tàu. Trong khi đợi giờ tàu khởi hành, chúng tôi lang thang gần bến. Stehekin nơi tôi đứng là mỏm đất đá cao vài trăm bộ nhìn xuống hồ. Rừng thông phơi mình trong nắng sớm, các tảng đá rải rác đó đây như mời chào và hồ Chelan êm đêm hiền hoà giữa các rặng núi cao.