|
|
Truyện/Ký |
NHỮNG TÌNH KHÚC GIÁNG SINH
|
Hải Bằng HDB - đăng lúc 04:34:50 AM, Dec 24, 2005
Có phải là định mệnh không khi mà những tình khúc trong thời son trẻ của tôi đều giăng mắc vào Mùa Giáng Sinh với những nguời tên bắt đầu bằng chữ T?
Năm ấy mới vào đại học Khoa Học Toán, tôi đăng báo nhận dạy kèm tư gia. Tuần sau tôi nhận được thư mời. Học trò của tôi là hai anh em chuẩn bị thi tốt nghiệp trung học đệ nhất cấp. Người anh tên V, học Chu Văn An; còn cô em tên Th, học Trưng Vương; gia đình công giáo, lịch sự và nền nếp. Hai anh em thông minh, nhậy cảm, và rất dễ thương. Th đẹp, vẻ đẹp hồn nhiên của một cô gái tuổi chừng mười sáu. Thỉnh thoảng cuối tuần gia đình mời tôi ăn cơm. Tôi còn nhớ buổi ăn bún thang. Tôi bị ép ăn hai tô và vì thế mà mặt đỏ bừng khi cả nhà ăn xong chỉ trừ mình tôi, và Th phải ngồi ăn thêm tiếp tôi. Mùa Giáng Sinh năm đó, sau buổi học, lợi dụng lúc không có ai, Th trao tôi món quà, và dặn cất đi và về nhà mới được mở. Về nhà, tôi mở hộp quà thì thấy một bức thư, một con chó lông trắng xù xinh xắn có thể vặn dây cót cho nhẩy lên, nhẩy xuống, và một tấm plắc hình Thánh Thérèse. Trong thư Th nói: “Tặng thầy tấm plắc Mẹ Thérèse là Mẹ đỡ đầu của em.” Tôi bồi hồi cảm động. Tôi tự hỏi “mình có yêu Th không?” Tôi biết là V và Th và gia đình rất có tình cảm tốt đối với tôi. Nhưng tôi chỉ là một sinh viên nghèo và tôi lại không có đạo. Mẹ tôi sẽ chẳng ngăn cản gì nhưng tôi vẫn không thể quên được những ngày thơ đi chùa với mẹ: tôi rất thích cảnh chùa khói trầm hương nghi ngút, và có một lần một mình tôi được ngắm hoa quỳnh nở trong một đêm trăng thanh vằng vặc. Tôi cất giữ lá thư với những dòng chữ nắn nót ẻo lả dễ thương và lòng coi như là một kỷ vật của tình yêu. Có những đêm ba thày trò ngồi nói chuyện chờ bà và mẹ Th về. Trong dịp này tôi thường gợi chuyện hỏi. V tính nốn trầm ngâm cho biết thích làm thơ; còn Th thì mơ mộng thích viết văn. V hỏi tôi muốn làm thơ thì phải làm sao. Tôi nói phải đọc nhiều văn thơ kể cả lịch sử để trau dồi và tìm những cảm hứng mới. Tôi hỏi Th có tin chuyện ma quỷ không. Th cho biết Th tin có linh hồn. Th kể chuyện hồi còn ấu thơ, Th rất thương ông nội. Một lần chạy vào buồng thăm ông nội thì không thấy ông đâu cả. Chập sau thì thấy tiếng ông nội trong gọi . Th vào hỏi: “ông nội nãy giờ ở đâu?” Ông nói ông ngủ. Th hỏi: “sao cháu không thấy ông?” Ông trả lời: “ông xuất hồn đi chơi.” Càng ngày tôi thấy rõ là tôi yêu Th. Tôi lấy thư của Th ra đọc hoài. Càng đọc càng thấy lòng thổn thức kỳ lạ, và tôi cứ tự hỏi yêu là gì? Tôi định nghĩa yêu là thơ, là tiếng nói của con tim. Trong lúc tình cảm trào dâng, tôi viết một bài thơ âm thầm tặng Th:
Tôi thấy tình yêu tươi đẹp quá! Những ngày xa vắng bóng em tôi! Gặp nhau: - trong khoảnh khắc, Mà: - tình yêu đã kết tự bao giờ! Chỉ: - có mình tôi biết, Nàng: - là cả một bài thơ. Tôi muốn dâng lên cho vũ trụ Tâm hồn như sóng dậy một chiều nao. Tôi muốn dâng lên cho nàng Ngàn lời thơ nơi tân hồn cảm tác Của những ngày: - mình tôi biết tôi yêu.
Ðột nhiên tôi phải đi xa. Tôi nhận dạy học tại Ba Xuyên. Tôi phải đi vì nghĩ đã đến lúc chấm dứt tình cảm đối với Th trước khi quá trễ. Tôi kiếm người thay thế và từ biệt. Lòng buồn man mác trong suốt mấy tháng. Th thỉnh thoảng gửi thư cho tôi. Trong một lá thư Th kể chuyện đi ăn đám cưới một người bạn. Tôi viết thư hỏi “chừng nào cho thầy ăn cưới của Th?” Th trả lời còn lâu lắm. Thế mà chỉ chừng ba tháng sau tôi nhận được tin Th sắp lên xe hoa! Trong thư báo tin, nàng viết: “em đi ăn đám cưới trong đó có một chàng trêu em, dấu bóp đầm của em làm em tức muốn khóc. Rồi chàng xin lỗi và đưa em về. Ít lâu sau chàng đưa cha mẹ đến hỏi cưới. Mẹ em nhận lời...” Tôi buồn, một cái buồn ủ ê, xa vắng. Tôi chấp nhận số phận vì biết mình thiếu cương quyết không tiến tới. Hình ảnh của Th ngày nào với đôi mắt trong, đôi gò má đỏ hồng, làn da trắng mịn, và một chiếc răng hơi khểnh xinh xinh lúc nào cũng như ở bên tôi như mới ngày hôm qua. Năm sau tôi bỏ về Saigòn và không một lần ghé thăm Th.
Nỗi nhớ nhung làm tôi quyết định bay ra Quy Nhơn dạy học để tìm quên. Trường học nhìn ngay ra bờ biển nên thơ mộng vô cùng. Quy Nhơn vào năm đó (1959) còn vắng vẻ, đơn sơ. Cả một dải biển có khi chỉ có tôi và họa sĩ Duy Thanh đặt giá vẽ cảnh núi ngoài khơi xanh mờ im vắng dưới bầu tời lảng vảng những chòm mây bạc. Xa Saigòn, lòng tôi càng cảm thấy hiu hút nhớ nhung, nhớ người mình chỉ mới thầm yêu mà sao cũng đậm đà, mênh mang quá. Có những buổi chiều một mình lang thang trên biển vắng. Tôi thấy nắng chiều vàng trên cát trắng mà thấy nhớ màu áo Th thường mặc vì tôi nói tôi thích màu đó. Sóng biển dạt dào tưởng như tà áo nàng đâu đây phơ phất. Tôi mừng nghĩ đến nàng giờ đây đang xây hạnh phúc hải hồ bên người thực sự nói yêu nàng. Rồi khung trường mới và những khuôn mặt học trò mới ngây thơ, trong sáng và yêu đời dần dần đã làm cho lòng tôi vơi nỗi đăm chiêu. Noel năm ấy, các giáo sư về Saigòn cả, chỉ còn tôi và một người nữa bị đau nên không về. Vài em học trò nhỏ mừng rỡ khi thấy tôi ở lại. Chúng bàn với tôi tổ chức ăn Noel ở phòng tôi. Trò Th hỏi tôi: “thầy thích có cây thông không?” Tôi gật đầu. Thế là chiều hôm đó anh của Th và một nhóm bạn lớp đệ tam kéo về cho tôi một cây thông mới chặt, đem vào phòng trang trí. Chúng tôi có bánh, đèn cầy, và nước ngọt. Chương trình có mục ca hát. Quây quần bên chúng tôi có chừng sáu trò. Th đẹp nhất và hăng hái nhất tuy tuổi mới chừng mười lăm mà không phải là trò thuộc lớp tôi dạy. Tôi chỉ dạy thế lớp đó cho bạn tôi có vài lần. Buổi họp mặt có một trò hát tặng tôi một bài vì mai mốt em đó phải rời trường về Saigòn. Giọng hát thật cao và rất truyền cảm khiến tôi còn nhớ mãi. Cánh chim đó bay đi và tôi chẳng còn bao giờ gặp lại dù lòng rất mến thương. Tiếng chuông nhà thờ đổ vang. Chúng tôi chia bánh ăn mừng. Th tò mò lật tập ghi nhật ký của tôi đọc bài thơ và hỏi tôi H.T. là ai? có phải là người yêu của tôi không? Tôi kể lại sự thật, không giấu giếm chút nào.
Sau đó vào dịp gần Tết tôi sắp sửa về Saigòn thì nhận được một lá thư mà ông bạn già của tôi cứ đùa là của người yêu ở Quy Nhơn gửi tôi. Thì ra là thư của cô bé tên Th. Lá thư bầy tỏ tình yêu non nớt của Th. Th viết: “em nhớ ... quá. Nhiều đêm em không thể ngủ được. Em mong ... trả lời. Em yêu ...” Tôi bàng hoàng, lòng tự hỏi cô bé còn ít tuổi thế mà đã yêu sao? Tôi thấy không thể tin được. Th còn bé dại quá. Tôi không muốn Th sao lãng việc học. Phải làm sao đây? Sau Tết, tôi trở lại trường và tránh không gặp Th nữa. Th vẫn vui cười nhưng có vẻ người lớn hơn và không dấu được vẻ buồn trong ánh mắt. Một lần gặp tôi trong sân trường, Th cúi đầu chào, mắt chăm chăm nhìn tôi. Trong giây phút, tôi có cảm tưởng như nhìn một pho tượng thiên thần. Chẳng ai biết được chuyện này kể cả anh của Th. Cho tới ngày mãn khóa, các trò lại tìm đến tôi xin ghi bút ký. Tôi đề tặng chung một bài thơ:
Ai xa Quy Nhơn ... Mà không nhớ những người em gái nhỏ? Những chiều mái tóc bay trong gió, Thơ thẩn đùa vui dưới bóng dừa. Nhớ những chiều xưa. Dăm mái đầu xanh, Kề nhau tâm sự. Hè về rồi trao lại những tâm tư Trên trang giấy nét run run vì bở ngỡ. Nói năng chi ngày chia tay dang dở. Mỗi người đi đã gói trọn tâm tình Gửi cho gió cho mây và cho nước. Còn đâu nữa những ngày vui mùa trước! Xa bạn lòng ai nặng những u buồn.
Chuyến bay cất cánh đưa tôi rời Quy Nhơn với một nỗi buồn da diết. Nhìn rặng dừa xanh dài theo bãi biển và những làn sóng bạc nhấp nhô tôi tưởng như những tà áo phất phơ và những tấm mút soa vẫy tiễn đưa. Tôi không hề hay biết rằng ở đó có một trái tim nhỏ bé đang tan vỡ trên những trang giấy học trò từng hoen mực vì những giọt nước mắt cho tình yêu thủa ban đầu không một lời đáp trả. Tôi rời Quy Nhơn từ đó và không hề nghĩ ngày trở lại. Bẵng đi vài ba năm, một hôm tôi và một người bạn đang chạy xe chầm chậm trên con đường nơi chợ vườn chuối thì bạn tôi bỗng nói to lên: “B à, có một cô bé đẹp quá kìa!” Tôi nhìn lên và sững sờ nói: “Tớ quen. Học trò cũ của tớ.” Bạn tôi ngừng xe. Tôi chạy lại. Th, xinh đẹp hơn ngày xưa bội phần (tại QN, có ảnh Th chưng ở tiệm chụp hình) cũng ngừng xe, cúi đầu lễ phép chào tôi. Nếu có một mùa xuân nào rực rỡ nhất và một đóa hoa nào tươi đẹp nhất thì Th chính là mùa xuân đó, chính là bông hoa đó. Nó làm cho người nhìn không thể không rung cảm trước vẻ toàn mỹ của bàn tay hóa công khi tạo nên một người nữ đang độ xuân thì. Th cảm nhận thấy điều đó nơi chúng tôi và vội cho tôi địa chỉ rồi chia tay. Khu chợ đông người hôm đó: nắng như vàng tươi hơn và đầy hương thơm ngát. Cuối tuần tôi tìm lại gặp Th. Nàng sống một mình trong một căn phòng nhỏ bên đường rầy xe lửa cũng khu chợ Vườn Chuối. Mùi nước hoa thoảng trong phòng. Gặp tôi, nàng vội nói ngay qua nụ cười để lộ một hàm răng trắng đều đặn: “thưa thầy. Chuyện ngày trước xin thầy quên đi. Bây giờ em đã có người yêu.” Tôi vội hỏi với vẻ sững sờ như không tin: “người ấy là ai?” “anh ấy, Th trả lời thật nhanh qua hơi thở, là sinh viên Bách Khoa. Chuyện ngày xưa đã qua, xin hãy để cho qua. Nay nếu thầy muốn, em sẽ giới thiệu thầy với một người bạn của em, nếu thầy chưa có gia đình.” Nàng với tay gỡ tấm hình gắn trên tường xuống cho tôi xem ảnh người yêu. Tôi ngắm ảnh mà thật ra như chỉ nhìn thấy cô học trò bé nhỏ ngây thơ của mấy năm về trước. Tôi thực sự không muốn tìm đến để viết tiếp mối tình đơn phương ngày trước của nàng. Tôi tìm để nói cho Th biết sự hờ hững của tôi ngày trước vì Th còn nhỏ dại quá và cần phải không xao lãng việc học; cần phải chờ đợi, dù chờ đợi có thể có những đổi thay. Thấy tôi như muốn nói điều gì, một điều gì chăng nữa, có lẽ cũng chỉ làm cho Th sẽ không cầm được nước mắt nó vẫn dường như chưa cạn được với những thổn thức còn thoi thóp trong tim của mối tình đầu thánh thiện thơ ngây nhất của tuổi học trò, nàng vội đứng lên mấp máy đôi môi tím nhợt nói: “thôi thầy về đi! Em vẫn kính yêu thầy như ngày nào!” Nàng tiễn tôi ra cửa, vẫy tay cho đến khi tôi khuất dạng ở đầu đường. Tôi không biết khi quay về phòng, nàng có tấm tức khóc không? Tôi thầm mong và nghĩ là không, vì sự gặp lại và hình ảnh ngày hôm nay của tôi đã làm cho hình ảnh của tôi trong tim nàng của vài năm về trước nhòa nhạt đi ít nhiều. Khói lửa chiến trường lên cao, tôi phải lên đường nhập ngũ vào Thủ Ðức. Chưa được hai tháng thì đã nghe tin bạn khóa mười ba, tên Thiệu, cựu sinh viên y khoa, đã tử trận. Chúng tôi buồn nhưng chẳng hề nhụt chí. Th đưa người bạn lên thăm tôi vài lần. Nỗi bất trắc của đời chiến binh chưa biết thế nào khiến không có một tình cảm nẩy nở trong lúc đó. Ra trường, tôi phục vụ tại Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn IV/P 6, Cần Thơ. Cuộc đời lính: sự sống chết và tình đồng đội gắn bó với lý tưởng dưới bóng cờ tự do khiến tôi vui và thương đời lính khi thấy mình có chan hòa chia xẻ với mọi người trong quân ngũ. Một lần lúc ra về từ nhà một người bạn tôi thường đến thăm, thì bà hàng xóm gọi tôi từ bên hàng rào: “xin lỗi, ông có phải tên là B không?” Tôi gật đầu. Bà ta hỏi tiếp: “phải ngày trước ông dạy ở trường TB Quy nhơn không? “Phải, tôi trả lời, sao bà biết tôi?” Bà ta trả lời: “tôi học trường TB cùng với Th. Thầy nhớ Th không?” Tôi trả lời: “nhớ chứ.” Bà ta vội nói: “nhưng chắc thầy không biết chuyện lúc thầy bỏ về Saigòn, Th phát điên trong hai năm liền. Lúc nào mơ cũng gọi tên thầy. Chúng em tìm nhật ký thấy nó ghi nó yêu thầy mà thầy không yêu nó. Cả nhà Th biết thầy không có ý tình gì. Sau hai năm thì nó đổi tính: đi học nhẩy và hết điên. Thầy có tội nghiệp cho nó không?” Tôi bàng hoàng đi một chút. Nhìn kỹ lại bà ta, cố nhớ vài hình ảnh. Tôi mường tượng nhận ra những nét hồn nhiên của các cô học trò bé bỏng ngày xưa: bà cũng có vẻ trẻ đẹp như Th ngày nào. Tôi nói với bà trong vẻ ngậm ngùi: “Thế à? tôi thật sự không rõ chuyện đó. Th còn nhỏ quá mà đã sớm biết yêu!” Ðêm đó tôi thật sự không ngủ được. Nước mắt cứ ứa nhỏ hoài khi hình dung một con tim nhỏ bé sớm ứ máu vì yêu. Tôi ghi vội mấy vần thơ như để tạ tình với Th:
Ta biết là em yêu ta lắm: Ðôi mắt mơ buồn đã nói biết bao nhiêu! Ta biết là em đau khổ đã nhiều Khi tưởng tới tình yêu phai nhạt. Nhưng em không biết Tình Yêu Bát Ngát Có ai yêu không đau khổ bao giờ? Ta cố gắng cố quên ngày hôm đó, Từng cánh thư trao ấp ủ nơi tim! Nhưng chỉ vì em chưa vững niềm tin, Ta không muốn em vương sầu thế tục. Ta chỉ muốn em say mê sự học, Và ngày mai khi đã hiểu cuộc đời, Em sẽ tự nơi tim mà chọn lấy. Th Th hỡi người yêu anh ngày ấy! Ta sẽ ghi muôn thế thế kỷ bên lòng.
Tại Cần Thơ, cũng trong một dịp Noel, tôi lại quen với một cô bé tên T khác. Cũng như phần lớn các cô cùng lứa tuổi hồn nhiên và thích làm quen với lính, T thường đi với tôi vào Hội Quán khiêu vũ. Ánh đèn mầu và khúc nhạc du dương có tác dụng làm cho tạm quên đi những gian khổ và những mất mát của đời chiến binh. Th có lẽ thực sự đã không yêu tôi mà yêu màu áo xanh rêu của lính. Khi khám phá ra tôi đã có người yêu thì Th giã từ tôi và nói: “người yêu của anh đẹp quá. Em tiếc em là kẻ đến sau. Chúc anh và người yêu của anh hạnh phúc trọn đời. Chỉ xin anh dành cho em đêm Noel năm nay, chúng ta đi với nhau một lần cuối.” Sau lần đó, tôi không bao giờ gặp lại T nữa.
Tôi lập gia đình. Rồi về Saigòn. Sóng đời vẫn vô tình xô đẩy tôi đi tới. Tôi vẫn cố mong tìm gặp lại những người ngày xưa. Người ta thường nói: “con người là lầm lẫn.” tôi muốn thêm vào: “nhất là tuổi trẻ”, bởi vì tuổi trẻ chỉ hành động theo tiếng gọi của con tim hơn là của trí óc. Nhưng lầm lẫn của tuổi trẻ có khi lại rất dễ thương và đáng tha thứ, vì ít ra nó cũng làm cho tuổi già sống bớt khô khan và làm cho trái tim đập dồn dập trở lại như thủa còn xanh mái tóc. Tôi bất giác nhớ lại câu thơ Pháp: “Où sont les neiges d'antan? – Còn đâu áng tuyết năm xưa?
Viết cho Noel 2005 HẢI BẰNG H.D.B.
|
|
Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003 |