Nov 21, 2024   log in
 
home
thơ
danh sách tác giả
nhạc
truyện ngắn
biên khảo,phê bình
điểm sách
phỏng vấn
quan điểm
sinh hoạt văn học

ban biên tập
tìm kiếm
thư tín
giới thiệu sách báo
 
 
  Truyện/Ký
ĐẢO TRỤI
MAI NINH


Chúng tôi ngồi dưới tán cây dẻ xoà bóng, một buổi trưa đầu hè. Dưới chân xa, đồng hoa gai lung linh hắt nắng xanh ngược lên trời. Hơn dặm chim bay mới ra đến biển. Thế mà bỗng nhiên anh ta thốt lên : ‘‘Mỗi người đàn bà là một hải đảo !’’. Anh ta, một người đàn ông bình thường, không phải típ người làm thơ, không mơ mộng thái quá. Có lẽ tôi cũng đang bốc hơi cùng với nhựa cây và gió nên chẳng lên tiếng đáp hay hỏi lại : Vì sao hải đảo ? Cuối cùng anh ta nhỏm người bước khỏi bóng cây, đứng thẳng trên mõm đá nhô khỏi sườn đồi. Tay che mắt, lại buông thõng một mình: ‘‘Xanh ngắt, huyền bí’’. Câu cuối cùng này thốt nhiên lôi tôi ra khỏi vùng nắng hoa gai lơ lửng, nhướng mắt ra xa, cố tìm. Nhưng phóng tầm nhìn tới đâu, mút mùa đến dùng ống viễn kính cũng chẳng thấy nổi một hải đảo rậm rì cây cối. Nói đúng hơn, tôi thốt nhận ra một mụn đất trồi giữa biển, không xanh ngắt mà xám bạc. Chẳng huyền bí mà trơ hoang. Và đúng hơn nữa thì không phải bây giờ tôi mới thấy hòn đảo trơ cùng xám như thế. Đảo trụi vốn hiện diện trong tôi đã nhiều năm, kể từ ngày tôi gặp ‘‘L’île nue’’.

Người đàn bà mặc bộ quần áo đen, áo có hình vẽ lập thể như cắt từ một phông màn thô, quấn khăn trên tóc, chụp thêm cái nón che nắng, vai gánh hai thùng nước. Tất cả hình ảnh lờ nhờ như qua màn sương mỏng. Nước sánh qua sánh lại mặc dù thiếu phụ cố giữ thăng bằng trên con đường leo dốc gập ghềnh. Bước chân nặng nhọc, nín thở vì sợ trượt. Cả tấm thân oằn xuống mà vẫn phải nghiêng theo từng bước. Bên phải, bên trái, bước thẳng, rồi xoay sang trái, sang phải. Gồng xuống, nhích lên. Người đàn bà còn trẻ, nhưng chắc chắn đã gánh nước như thế từ bến thuyền lên ngọn đảo từ lâu rồi. Năm này qua tháng khác, thế mà vẫn dò chừng, vẫn có thể trợt chân trên con đường quen thuộc nhỏ hẹp chông chênh. Có lẽ vì sức người có hạn, đây lại là một thiếu phụ ốm yếu, hơn nữa mỗi giọt nước ngọt gánh được về đảo này là từng giọt quý.

Hai vợ chồng ấy lấy nhau từ bao giờ, từ đâu, không ai biết. Gia đình họ có hai đứa con trai chừng 5 và 7 tuổi. Trời còn đêm, hai vợ chồng xuống thuyền chèo vào đất liền múc nước từ một rãnh nước nhỏ đổ vô thùng, đem về đảo. Hai đứa con đợi cha mẹ trong căn nhà tranh đơn sơ, canh giờ nhóm bếp nấu cơm, rồi chạy ra bến lóng ngóng chờ bóng thuyền về lúc rạng sáng để vội vàng dọn bữa ăn. Ăn xong, người vợ lại quẳng thùng lên vai, xuống bến cùng đứa con lớn chèo sang thành phố biển bên kia đưa nó đi học và lấy nước về. Ông cha chăm lo tưới bón mảnh đất cằn. Cũng khó nhận ra họ trồng gì trên đấy. Chỉ thấy đất nứt khô, loe ngoe vài cọng như lá khoai èo oặt, cơ hồ bao nhiêu thùng nước họ khổ công gánh về vẫn không đủ cho cây đứng thẳng vươn lên. Cứ nhìn gương mặt lầm lì đăm đăm của ông chồng và vầng trán mệt mỏi của bà vợ là đủ thấy đời sống họ khô rang như đá đảo dưới mặt trời.

Hình ảnh thiếu phụ trên đảo trọc ngay phút đầu đã gợi trong tôi chị Hải của những năm nào từ Tân An lên Sàigòn trọ học, rồi từ Sàigòn trở về quê trong căn nhà cũng tiêu điều không kém. Có lẽ vì cùng khuôn mặt đăm chiêu, ánh mắt lo âu thắc thỏm, cùng thiếu nụ cười. Chị Hải là một người con gái có duyên như bác Hai, mẹ chị. Nhưng đẹp hơn mẹ nhờ dáng vóc cao, mảnh khảnh, trong khi bác Hai, bạn thân hồi kháng chiến chống Pháp cùng mẹ tôi, thấp người lủn tủn. Tuy vậy bác lanh lợi đi đứng thoăn thoắt như một con thoi. Có thế, bác mới nuôi được ba đứa con sau khi chồng bị lính trong đồn Pháp giết và người em chồng tước đoạt cả gia sản, chỉ để lại căn nhà nhỏ trên mảnh vườn con, bên một bờ lạch Tân An. Hồi chị Hải đậu tú tài một, bác Hai dẫn chị về Sàigòn, bác bước vào cổng nhà tôi với nụ cười rạng rỡ. Như mọi lần ghé thăm, bác xách theo giỏ trái cây nào mận, nào cam và nhất là những quả ổi đỏ lòng tôi vô cùng ưa thích. Lần ấy, tôi cứ ngẩn người nhìn chị Hải vì chị đã trở thành thiếu nữ, khác hẳn mới đó chị còn mặc quần cộc, tóc kẹp sau lưng bằng kẹp ba lá, leo cây hái trái hay chèo xuồng đưa tôi vào vườn dừa sâu hút trong sông lạch. Đấy là lần đầu tiên tôi thấy chị mặc áo dài, cái eo nhỏ, gò ngực rộ, tóc vuốt hai bên thật duyên dáng, điểm thu hút nhất là ánh mắt thông minh. Cứ tưởng bác Hai cho chị ở nhà tôi để đi học tiếp, nhưng bác bảo chị sẽ đến nhà một ông chú, cho phải đạo gia đình và kiêm luôn việc kèm bọn con nhỏ của ông ấy. Mẹ tôi thương chị, thấy vậy rất vui, tin chị ở nhà chú được an toàn dù thời đó Sàigòn còn hiền lành lắm. Thỉnh thoảng cuối tuần, chị Hải đạp xe đến nhà tôi. Nhỏ tuổi hơn nhiều nên tôi không thể là bạn cho chị tâm sự hay trò chuyện gì nhiều, chị cũng ít nói. Nhưng tôi biết chị mê cơm xứ bắc của gia đình mình. Mẹ thấy nhà neo đơn trống trải, thêm tính giao thiệp và dễ dãi thường mời giữ khách, nhiều người họ hàng xa vẫn hay ghé vào, có khi ngồi chơi một buổi, khi ở lại vài hôm hoặc cả tháng. Có lẽ, tôi sẽ xem chị bình thường như họ nếu không có một buổi trưa hâm hấp hơi mưa chị Hải xuất hiện giữa vòm cổng, gương mặt bệch bạc như người chết trôi, hai lọn tóc quấn quíu vào nhau, tay xách cái cặp táp quen thuộc nhưng lần này nó căng phình, lòi ra mớ áo quần lươm bươm.

Mẹ cho gọi ông bác sĩ bên kia đường sang nhà. Tôi bị đuổi ra khỏi căn phòng chị nằm, đóng cửa kín mít. Rồi lát sau u Thơ đem ra một mớ bông và vải dính máu gói ghém, cuộn tròn. Mấy hôm sau đó, u Thơ mỗi ngày cạo gió bôi dầu. Không ai cho tôi biết chị bệnh gì, chỉ bảo trúng gió. Khi lành, chị ở lại nhà tôi. Bắt đầu từ ngày ấy, chị không còn là một người đến rồi đi như bà con xa. Khi tôi ngồi học bài ở ngưỡng cửa ra sân sau, chị đến bên cạnh, có lúc đột nhiên chị rùng mình, bàn tay lạnh ngắt nắm vội lấy tay tôi. Từ thềm gạch ấy, chị Hải nhìn nắng long lanh trong vại nước và im lặng. Ánh tinh anh trong mắt chị nhạt đi, trở sang màu mây của cơn mưa sắp đổ, nhưng cuối cùng chị không bao giờ khóc, ít nhất trước mặt tôi. Đúng thế, có lẽ tôi chẳng thể nào nhìn thấy giọt nước trong lòng mắt mỏi của thiếu phụ âm thầm sáng chiều quằn người gánh nước lên đảo trụi, cũng như tôi sẽ không thể thấy chị Hải nhỏ lệ, nếu không có ngày xảy ra một sự cố tàn khốc cho hai người đàn bà nhẫn nhục ấy.

Cũng có đôi ngày mưa trời phải rơi xuống đảo, như phải một lần gia đình thanh bần trên đảo trụi được biết chút hân hoan. Họ mừng vui, mỗi người mặc bộ quần áo tươm tất để lên một con tàu lớn chở hành khách vào đất liền, đem theo cái xô đựng một con cá to mà hai đứa trẻ đã may mắn bắt được. Nhưng dạo quanh mấy tiệm vẫn không bán nổi, có nơi thẳng thừng từ chối, cuối cùng họ bán đại con cá quý cho xong, hẳn với giá rẻ. Sau đó vợ chồng dắt con dạo phố, mua vài áo thun cho hai đứa nhỏ cùng ít vật dụng rồi vào một hiệu ăn mì. Hai đứa bé đã khám phá ra vô tuyến truyền hình với hình ảnh một cô gái xinh tươi xoay tròn trên màn ảnh. Cuối ngày, họ trở về ngọn đảo. Từ trên lan can tàu, tấm váy trắng của thiếu phụ bay bay, y vạt áo dài của chị Hải tung tăng trong thương xá Eden, hôm chị trúng tuyển trường sư phạm Cần Thơ. Mẹ tôi cho tiền hai chị em dẫn nhau đi xi-nê. Chúng tôi xem một phim cao bồi có mấy pha hài kịch. Bấy giờ tôi mới gặp mắt môi chị cười. Chị cười thành tiếng trong bóng tối phòng chiếu phim. Lúc ấy, tôi cứ tưởng từ nay chị sẽ vui, chị sẽ thành cô giáo, bác Hai sẽ đỡ buôn bán vất vả để nuôi anh Trai và chị Bồng, hai người em chị Hải. Chị Bồng gù lưng đi đứng chậm chạp, anh Trai mắc bệnh hen suyễn. Từ chị Hải đi Cần Thơ, chỉ còn bác Hai ghé đến nhà, bao giờ bác cũng đặt giỏ trái cây lên tấm phản, để tôi lục ngay trong đó tìm ổi lòng đào. Trên mảnh vườn nhà bác, cây ổi tôi yêu quý này trổ bông thơm ngát những ngày tôi nghỉ học, theo mẹ về Tân An chơi. Bác Hai thích ngồi bệt xuống nền gạch hoa lau thật bóng, tháo khăn quấn đầu để quệt những giọt mồ hôi và hơi nắng. Rồi bác từ từ kể chuyện nhà, chuyện chị Hải đã thi ra trường và vừa đi dạy vừa may quần áo kiếm thêm tiền mua thuốc suyễn cho anh Trai. Bác kể huyên thuyên, cả việc anh Trai hay đau yếu vậy mà đòi lấy vợ, còn chị Hải có người muốn cưới nhưng chị lắc đầu bảo lấy chồng rồi không ai giúp mẹ nuôi em. Một hôm, tôi thốt hỏi :

- Chị Hải có cười không bác Hai ? Bao giờ chị lấy chồng chắc chị sẽ cười bác hả.

Bác không trả lời, nhìn tôi chăm chăm, rồi chẳng nói gì thêm, quấn lại chiếc khăn vải lên đầu, nhỏm dậy lật đật đi ra cổng. U Thơ gọi với, kêu ở ăn cơm rồi hãy về, bác quay lại đáp nhanh :

- Tui ra cho kịp chuyến xe đò.

Tôi thấy ‘‘L’île nue’’ khoảng đâu mười bốn tuổi, qua một anh con trai lớn của bạn mẹ tôi đi Nhật học điện ảnh trở về. Cũng thời gian ấy tôi biết được nguyên do thảm kịch đã đẩy chị Hải chạy đến nhà tôi lúc chị ở trọ nhà ông chú và lên cơn bệnh thập tử nhất sinh. Từ đó, những cơn ác mộng của tôi không còn ma quỷ biến hoá doạ nạt khiến mỗi tối trước khi vào giường tôi từng bắt chước mẹ cắm một nén hương lên trang thờ Phật, chẳng cầu xin gì ngoài đừng nằm mơ thấy ma. Thay vào đấy là các gương mặt hình thù phụ nữ biến dạng méo mó. Áo quần tóc tai của họ phất phơ biến hiện trong mấy con ngõ tối. Tôi cùng họ đuổi tìm những đứa trẻ con, chúng cứ chực rớt xuống hố hay sắp ngã xoài đâm vào mô đất. Thức dậy, tôi nhìn đình màn còn thấy ánh mắt bất lực khổ hận của thiếu phụ đảo trụi cùng chị Hải. Cũng từ đó, tôi để tâm đến những người đàn bà hơn nữa, không hẳn là người khổ cực mà là những người giỏi chịu đựng, âm thầm kiên trì trước hoàn cảnh. Nếu thiếu phụ trên đảo có lúc kiệt nhoài sức lực nên đôi lần sơ xẩy làm đổ thùng nước quý, để bị ông chồng nổi giận tát cho, thì chị Hải từng đi bộ mỗi ngày mười mấy cây số đến trường dậy học, phải nhịn đói dành gạo nấu cháo cho mẹ và em vào những năm tháng tôi không còn ở quê hương.

Khi tôi trở về sau các năm 80, phố nhà thay đổi, người quen hàng xóm chẳng còn mấy ai nhưng bà già mỗi khuya gánh chè đậu đen trôi nước bột khoai thời nào vẫn còn đó. Bà chưa chết nhưng liệt cả hai chân. Hai lóng chân đã lê gần suốt đời người trên bao con hẻm và đường phố đêm, dưới cái gánh cũng nặng quằn như của người đàn bà chèo thuyền leo đá đem nước về tưới cây. Từ khi biết bà già bị phù chân mà vẫn phải gánh chè đi bán để nuôi ba đứa cháu nội mồ côi, cha chúng đi lính tử thương, mẹ lấy chồng khác, tôi thường mua cho bà một lượt mấy thứ chè khác nhau. Bóng bà thấp thoáng dưới ngọn đèn vàng võ, từ đầu đường đi tới. Giọng rao ngọt lịm trong không gian đã bớt ồn xe cộ, cất lên như hát giữa màn mưa đêm. Đến trước cổng, bà đặt gánh xuống, rút chiếc ghế đẩu thấp lè tè nhét dưới mông rồi ngửng lên lan can nhà tôi, chờ đợi con bé ló đầu ra. Một lát sau, tôi kẹt cửa với hai ba cái cốc trong tay, bà cười dưới vành nón lá nhỏ nước long tong. Nụ cười móm mém hiền lành, y hệt bà già bán cà-rem, đậu phọng lép trong văn chương Kiệt Tấn.

Tôi chỉ can đảm đi qua nhà cũ một lần rồi thôi. Người quen cho biết bà già đậu đen bột khoai nước đường liệt chân đã nghỉ bán chè. Nhưng dù đã xấp xỉ chín mươi, mắt gần mù còn phải ngồi nặn bánh bán trước cửa, và trông nuôi những đứa con của chính mấy đứa cháu nội ngày xưa tôi đã nghe bà kể. Con đường nuôi con nuôi cháu nuôi chắt của bà chưa chấm dứt. Bà vẫn bước đi, không còn trên đôi dép cao su Nhật Bổn mà bằng đầu, tim và hai tay, miệt mài chậm chạp như hình ảnh thiếu phụ ghì chặt dây treo hai thùng nước, gánh lên ngọn đảo xám trơ. Tưởng chẳng bao giờ ngừng được, mãi âm thầm tiếp diễn như thế. Tôi cứ ngỡ họ không bao giờ cất tiếng than, kêu gào hay tỏ ra chống đối định mệnh. Nào ngờ.

Mẹ thường đứng đợi tôi ở một góc đường mà tôi không thể nào băng qua dòng xe cộ để chạy sang. U Thơ chìa tấm vé số và vặn to đài phát thanh, tôi nghe tiếng Trần Văn Trạch hô hào xổ số kiến thiết quốc gia giúp đồng bào ta rõ mồn một, thế mà không cách gì đọc được các con số chòng chành trên bàn tay khô của u, như thể tấm vé đang bềnh bồng mặt nước. Nhưng đuối nhất là chạy thế nào cũng không đuổi theo kịp chị Hải suốt con đường từ cái chuồng có con công đang múa ra tới cổng sở thú. Mới đó, hai chúng tôi đang ngồi nghỉ chân, ném bắp rang cho công ăn. Chợt một người mẹ trẻ ẵm đứa bé mới sinh trên tay, tay kia dắt một đứa khác chập chững biết đi đến gần, định ngồi cùng băng ghế. Thằng bé vấp vào rễ cây vội chụp lấy ống quần chị Hải. Chị tính đưa tay đỡ nó, đứa nhỏ sơ sinh chợt oe lên mấy tiếng. Bà mẹ vội vàng ầu ơ nựng con ngọt ngào. Thế là như bị điện giật, chị Hải run bắn người, đứng dậy, hốt hoảng bước thật nhanh, không nghe tiếng tôi gọi sau lưng. Tôi ôm thằng bé đặt lên ghế rồi chạy theo, chị Hải khuất biến sau các lùm cây, chuồng thú.

Tôi hớt hải tìm chiếc áo cánh sọc vàng của chị giữa mấy anh xe cà-rem, các chị bong bóng, mấy con bé mía ghim. Thoáng chốc đó mà chẳng thấy chị đâu. Đứng khựng trong đám trẻ nít của một lớp tiểu học vừa xuống xe buýt, lau nhau theo sau cô giáo vào viếng thảo cầm viên, tôi vừa sợ vừa giận chị Hải bỏ mình lạc lõng. Cất tiếng gọi, không một âm thanh nào bật ra, ngực uất đau nhói buốt. Tỉnh dậy, toát mồ hôi, rồi thấy mắt mình ướt nước, tôi chợt nhận ra đó là mơ nhưng cũng chính là sự thực trong quá khứ vừa trở lại. Mãi, tôi không thể quên cặp mắt đỏ hoe, cử chỉ chậm chạp rời rã của chị Hải khi chị từ một bụi cây gần cổng sở thú đi ra trưa ấy. Trên vòng xe đạp chở tôi về, thỉnh thoảng chị thò tay ra sau vỗ vỗ tỏ ý xin lỗi. Mười ba mười bốn tuổi, tôi chỉ có thể cảm chứ làm sao thấm được tận tường tâm trạng đau đớn của một người thiếu nữ đã bị tên con trai ông chú cưỡng đoạt, và vì sợ hãi cô ta đã nghe lời một người đàn bà trong xóm đi nạo thai. Nhưng giữa chừng ân hận tủi hổ, cô bỏ chạy. Hòn máu nhỏ xíu chưa kịp định nhân hình đã trút ra trên tay ông bác sĩ bên kia đường nhà tôi. Mẹ bảo u Thơ đem chôn trong một vườn chùa xa, để chị Hải đừng mang tội và không nghĩ tới. Nhưng giọt máu tồn tại mãi trong góc thẳm linh hồn chị Hải. Nó ở đó, tan loang ra, hoá băng, đóng thành gương, bắt chị soi vào để nhìn thấy cùng một lúc hình ảnh nạn nhân và tội phạm.

Ít nhất mảnh gương hãy còn đó, sắc sáng cho đến lần tôi gặp lại chị Hải dưới mái một ngôi trường trung học đệ nhất cấp huyện lỵ, gần ba mươi năm sau. Chị vừa được chuyển nhiệm đến đó làm phó hiệu trưởng. Chị già hõm hẳn, tôi chỉ nhận ra từ người đàn bà đang ngồi ghi chép sổ sách bên manh cửa sổ, mỗi một điều quen thuộc là ánh mắt âm u. Dù ngoài song cửa, những nhành lá tầm ruột xếp đều đang xanh rộ lên dưới nắng. Cơn nắng cháy bỏng của một tháng tư khô khốc. Sau khi phát cho chừng mười đứa học trò nghèo nhất mỗi đứa một tô cơm, miếng thịt kho và một con cá mắm, mua bằng tiền đóng góp của chị và hai người bạn đồng nghiệp độc thân của ngôi trường nhỏ xíu này, chị dẫn tôi ra một quán cơm phở gần đấy. Hai chúng tôi ngồi nhìn những chiếc xe đò chất đầy người và đồ vật lắc lư trên con đường mù mịt bụi. Bụi bốc từ đất khô và từ những bãi gạo trải tênh toang hai lề đường. Xe đạp, xe ba bánh, xe máy, cam-nhông tha hồ cán lên. Tiếng lẹp nhẹp hợp tấu với âm thanh bình bình phát ra từ các miếng tôn cũng bị đè dưới những vòng bánh xe lớn nhỏ. Chị nhìn tôi :

- Ở đây người ta tận dụng hết mọi nguồn năng lực vậy đó em.

Tôi không nói gì, tôi còn bận thu vào mắt lỗ trống nơi hai chiếc răng cửa của chị. Thảo nào giọng nói chị đơn đớt chút gì và khuôn mặt giống chị Bồng hơn. Chị Bồng có vành miệng hơi móm từ thuở bé. Chị Hải nhận ra, nói nhỏ :

- Chị bị gãy hai cái răng cách đây không lâu. Chiều, chị dẫn em về nhà nghe.

- Hồi nãy em đã đến đầu con hẻm vô nhà chị, vẫn thấy trại cưa và tiệm bán nước đá nhưng người ta cất thành nhà lầu mấy tầng, lạ hoắc. May, bà bán thuốc lá chỉ em đến trường này tìm chị.

- Con Bồng vẫn ở căn nhà đó em à. Chị dọn lên đây để canh chừng trường luôn.

- Uả, trường có gác dan chứ.

- Ông gác dan chết cả năm nay, không ai chịu làm thay. Vả lại, chị đã nổi tiếng…

Chị Hải ngừng ở đó. Ba người đàn ông xe thồ bước vào ồn ào. Tôi đứng dậy, hẹn chị buổi chiều tan trường sẽ gặp lại.

Mặt đường cao hơn mặt đất. Tôi đứng ven bờ nhìn theo chị Hải đi trở về ngôi trường xám xịt mái tôn, khoác mấy cánh cửa sơn xanh lam nham đã lóc hết màu. Dáng chị chẳng còn như xưa, còng xuống, càng giống chị Bồng. Sửa lại cặp kính mát, tôi trực nhớ đã quên hỏi : chị bảo mình nổi tiếng, nhưng về chuyện gì ? Rồi tôi lững thững đi dọc đường cái, dưới hàng dây điện chằng chịt, giăng ngang những tấm biển quảng cáo lớn nhỏ đủ cỡ trồng hai bên bờ. Trên đó nào hình vẽ máy tivi, điện thoại, tủ lạnh, cả hình mỹ nhân tóc vàng uốn lượn cầm chai coca nâu óng, tay kia cái ly sủi bọt mát rượi làm cổ họng khô khan của tôi thèm khát. Bỗng không, chợt nhớ bát cơm trên tay mấy đứa học trò nghèo chị Hải. Xe cộ từ sau lưng vẫn ào ào vượt tới, đẩy tôi lùi lại. Lùi về mấy năm trước, cũng trên con đường làng quê này hai bên quán chợ ọp ẹp, thỉnh thoảng nhô lên một cái chòi với thùng phi nước trên cao. Chiếc xe chở hàng phì phì khói đen sau đuôi, phò phò hơi nóng trên ca-pô ọc ạch chạy tới, ngừng dưới chân chòi. Tài xế xuống xe, tắt máy trả tiền cho người canh chòi xong là nước trong thùng phi đổ ào xuống nắp máy, dội mát cái động cơ nóng nẩy lửa của chiếc xe đáng lẽ phải nằm trong nghĩa địa từ lâu. Mấy năm ấy, không có biển quảng cáo các vật dụng tư gia hiện đại, chẳng coca lẩu Thái như bây giờ, chỉ lèo tèo vài tấm bảng vẽ lem nhem mấy gói mì ăn liền. Không có nhắc nhở đề phòng sida mà là dòng chữ khuyến cáo rằng chỉ một con gia đình mới ấm no hạnh phúc. Chị Hải không có gia đình, không dám lấy chồng, không dám hoài thai. Chẳng dám để cho một bàn tay chạm vào da thịt mình.

Sau các quán nước và một vài cửa tiệm bán gạo củi, đến đồng ruộng xanh rì lá luá. Gió bỗng bốc lên lay lay màn nắng đứng. Hai người đàn bà tát nước từ một con lạch, đều tay, không ngừng. Khi họ đổ nước sang đám luá thì thiếu phụ đảo trụi ấy đứng bên nhúng vội cái gầu đuôi dài của mình vào múc. Hai người đàn bà Việt Nam đội nón lá, còn cái trên đầu thiếu phụ người Nhật đan thô bằng lá cọ. Thế đấy, người đàn bà tôi vẫn giữ mãi hình ảnh ống quần đen bay phần phật giữa trời biển và đất đá cằn khô lại đang ở nơi này, giữa đồng luá xanh um. Không nhìn thấy mặt hai người đàn bà Việt giấu dưới vành nón rộng, nhưng hẳn giống thiếu phụ trên đảo. Nét mặt vẫn im lìm, ánh mắt mãi man mác nhưng sao chúng vẫn đi theo đến tận đồng ruộng này, làm hồn tôi nặng chùng xúc động. Cái cảm xúc ấy ngọt ngào lẫn mặn chát muối. Nó sâu buốt tựa rút từ đời mình ra, hay từ một con người thật mà tôi thân mến, chứ không hề từ một nhân vật hay hình ảnh có được nhờ diễn viên tài ba trong cuộn phim.

Thời xem ‘‘L’île nue’’, tôi còn nhỏ quá, đâu ý thức gì về một nước Nhật đang được tán dương với những tiến bộ kỹ thuật vượt trội, cả không về tình hình chính trị bắt đầu gay go do cuộc chiến tranh lạnh giữa những trục đế quốc ở các năm 60 ấy. Và cũng chẳng nhận ra thông điệp của Kaneto Shindo, tác giả cuộn phim : Kêu gọi trở về với đời sống nông dân giản dị để phản kháng cơn mê cuồng hiện đại, thời thượng phô trương mà một số người đã cho đó là ý tưởng của ông khi thực hiện cuốn phim này. Con bé học trò tuổi ấy chỉ tiếp nhận ‘’L’île nue’’ bằng tâm cảm. Dù đấy là hư cấu nhưng nào khác gì hiện thực chung quanh, khi động đến thân phận con người.

Với kỹ thuật làm giãn thời gian và xoay chiều ống kính của Shindo, người xem có cảm giác bước chân gánh nước lên đồi trong phim còn chậm và nặng nhọc hơn ở ngoài đời nữa. Mỗi cử chỉ trên màn hình cho thấy sự kiên trì của con người trước nỗi bất hạnh. Kiên trì chịu đựng cho đến ngày một ngọn lửa bùng lên giữa đống rơm khô : Cái chết đã đột ngột xảy ra trong gia đình nhỏ bé trên đảo. Bữa ấy, hai vợ chồng chèo thuyền đi lấy nước như thường lệ, thằng anh lớn bất ngờ đau nặng, ngã lăn ra, chỉ có đứa em nhỏ cuống cuồng bên cạnh. Đến khi cha mẹ về, người cha tất tưởi trở vào đất liền tìm thầy thuốc đưa sang đảo thì đã muộn. Chắc chắn họ không hiểu tại sao cái chết có thể nhanh chóng và định mệnh khốc liệt đến thế. Ba người còn lại lăng xăng đóng quan tài, tiếp đón thầy giáo cùng bạn đồng lớp của con mình sang đảo dự đám tang. Thiếu phụ bấy giờ thay bộ quần áo đen, mặc vào chiếc kimono đẹp nhất trân trọng tiễn đưa con, tề chỉnh mà âm thầm lặng lẽ. Chỉ về sau, khi mọi người đã ra đi, ngọn đảo trở về với cái trần trụi nhức nhối của nó, lúc ấy trời đất mới chứng kiến sự bùng nổ của một chịu đựng số mệnh đã đến mức tột cùng. Ngày hôm đó, người đàn bà vẫn gánh nước trèo đồi, nhưng khi sắp múc từng gầu tưới vào mỗi chân cây thì nỗi đau không kiềm được nữa, thiếu phụ đã bất cần tất cả, tự tay đổ thốc thùng nước lênh láng. Rồi dốc người, nằm xoài ra, úp mặt vào đất nức nở. Những ngón tay giận dữ oán hờn cào quíu vào đất đá, trước lòng mắt thương tâm bất lực của ông chồng.

Cuối chiều đó, tôi quay lại cùng chị Hải về thăm ngôi nhà tôi từng đến những mùa hè xưa. Con ngõ từ đường lộ dẫn vào nhà trước rộng mấy thước nay chỉ còn đủ chỗ cho một chiếc xe máy chạy qua. Tiệm làm nước đá và nhà máy cưa được chủ mới xây cao bốn từng, họ đã chiếm đất của con hẻm để xây rộng ra. Nhà máy xay bột đóng cửa từ lâu nên con lạch sát bên nhà chị Hải không còn xuồng chở gạo luá tới cập bến, dần dần khô cạn, chẳng ai đoái hoài, bùn và rác ngập gần lên tới bờ. Miếng vườn nhà chị cũng bị gia đình cán bộ đến mua nhà cũ bên cạnh lấn sang. Qua khỏi cái cổng ọp ẹp, tôi ngó bâng quơ lên những căn lầu cao chung quanh. Chị Hải đã vào tới thềm cửa quay trở lại, thở một hơi thật nhẹ :

- Có lần chị nằm mơ mình đang đứng trên sân thượng của một trong mấy ngôi nhà này nhìn xuống. Chị thấy căn nhà nhỏ xiú của mình như một manh chiếu lọt thỏm dưới vực, nó có một sức hút kỳ lạ gọi kêu chị nhảy xuống. Chị còn lưỡng lự thì có tiếng người ta lao xao ồn ào trên các sân thượng còn lại. Họ đang ăn uống nhậu nhẹt và thay nhau ném ly, giấy, đồ ăn thừa xuống cái hố có manh chiếu tối ấy. Tất cả bay như bươm bướm óng a óng ánh thật đẹp. Chị nghĩ rằng nếu nằm trên tấm chiếu quen thuộc đó giữa xác bướm cũng đã đời, thoải mái. Nhưng cùng lúc ấy, con Bồng kêu thất thanh : Chị Hai ơi, họ đang đóng cột chiếm đất nhà mình. Choàng thức đậy, chị còn mơ mơ nghĩ bụng thôi đành không nhẫn nhục nữa, phải để thằng Trai đem cái đơn nộp lên huyện. Nếu huyện chẳng giải quyết thì thưa lên tới tỉnh. Nhưng khi tỉnh hẳn, mới nhớ ra thằng Trai chết bệnh hai năm rồi.

Tôi xoay người, vuốt nhẹ cánh tay chị Hải, chưa biết nói gì thì mắt chạm vào nửa thân cây cụt giữa mảnh sân. Dù quanh cái thân còn lại đó đã có cành non đâm ra những tấm lá mong manh, vẫn hiện rõ ràng những vết dao chặt vào thịt gỗ. Có vết ngang bằng sắc lẻm, có vết sần sùi gồ ghề như phải chém nhiều lần. Tôi ngỡ ngàng :

- Cây ổi lòng đào đây mà. Tại sao, tại sao ?

Chị Bồng vừa đi giao quần áo về ô lên mừng rỡ. Hai đứa nhỏ con chị loắt choắt, đen đủi nhưng khoẻ mạnh liến thoắng. Chúng vồ lấy cái túi của tôi, mắt sáng lên trước gói kẹo, y như tôi ngày nào lục giỏ mây của bác Hai, lôi ra những quả ổi trong đỏ ngoài xanh thơm nức.

Đêm Sàigòn chương lên. Tôi nằm trong căn phòng khách sạn ngó mấy cánh quạt trần quay tít. Không gian nặng với bầu không khí nóng hầm hập và trong cái nền âm thanh đều đều của quạt máy vu vu cùng xe cộ ngoài đường rào rào, có cả tiếng máy may xành xạch của chị Bồng. Nhưng đột ngột rít lên tiếng xe phanh trên mặt đường đêm và chan chát phầm phập những lát dao từ tay chị Hải. Áo quần xốc xếch, chị chạy từ trong nhà mình ra sân, theo sau là tên công an phường. Vấp phải bực cửa, chị ngã xuống, đập miệng vào đống gạch mới mua về để dựng lại vách đất đã đổ. Nhổ vội ra búng máu cùng hai mảnh răng, rồi chị cố cất tiếng kêu cầu cứu. Gã đàn ông thấy chị sóng xoài liền xấn tới ôm lên, tay chân tiếp tục suồng sã. Chẳng ngờ chị Hải đường cùng, thu hết sức vùng ra chạy tới bên chái nhà lượm con dao cặt củi, rượt theo. Làm sao người đàn bà đang tả tơi như thế đuổi kịp hắn. Chị Hải uất hận quay lại chém xối xả vào thân cây ổi giữa sân cho đến gẫy lià. Rồi buông dao khuỵu xuống, ôm chầm lấy nó mà khóc. Cây ổi không phải chỉ riêng tôi yêu dấu, nó là của chị. Bác Hai từng kể, ngày biết bác thọ thai con đầu lòng, bác trai bảo vợ bỏ kháng chiến về nhà để sinh đẻ an toàn, khi chia tay bác đưa cho vợ một trái ổi lòng đào nhỏ xíu đem theo. Bác Hai đã ươm hột, cây ổi mọc lên, cùng tuổi với chị Hải.

Buổi chiều Tân An đó, tôi ngồi cạnh chị Hải trên bộ ngựa, nhà chị chỉ có cái phản gỗ cũ xưa này với một tủ thờ bầy ảnh vợ chồng bác Hai và anh Trai là đáng giá. Trời bắt đầu nhỏ vài giọt mưa đầu mùa, hơi đất xông lên nồng nồng. Chị Hải chờ hai đứa con chị Bồng say ngủ rồi mới kể lại chuyện tên công an phường lợi dụng nhà chẳng còn người đàn ông nào - anh Trai đã chết, chồng chị Bồng bỏ đi - để liên tục đến chèn ép chị phải bán nhà cho hắn, dọn đi nơi khác. Lần đó thừa dịp chị Bồng vắng mặt, hắn nhào tới túm lấy chị Hải. Người đàn bà ấy làm thế nào chịu nổi lần cưỡng hiếp thứ hai ! Tin chị Hải cầm dao đuổi chém gã đàn ông đã vang đi khắp làng xóm, chị nổi tiếng là người đàn bà gan dạ. Câu chuyện gay cấn thế mà giọng chị đều đều như tiếng chị Bồng đạp máy may dưới ánh đèn vàng úa. Thấy tôi mỏi mệt, chị Hải đẩy cái gối kêu nằm xuống nghỉ.

Tôi nhắm mắt, lại thấy cái lỗ trơ hốc ở chân răng, rồi manh chiếu thâm lọt thỏm trong cái hố giữa mấy căn nhà lầu, đón những rác rưởi người ta vất từ ba bốn tầng cao, rơi như bướm. Trong không gian choàng tối ấy, đáng lẽ phải có tiếng ễnh ương, côn trùng rên rỉ và lá xao xác ngoài vườn, nhưng không hiểu sao tất cả các âm thanh chung quanh tôi lại hoá thành tiếng biển. Tuy thế, không có hơi thở hồng hộc giận dữ của chị Hải vung dao chặt loạn vào cây ổi, cũng không cả tiếng gào oán hờn cùng hai bàn tay cắm cấu, bóp nát đất đá của thiếu phụ. Tôi nghe từng lớp sóng rạt rào, tràn lên rút xuống chẳng bao giờ ngừng quanh hòn đảo đơn độc, nhỏ bé đến nỗi chỉ là một cái chấm tưởng tượng giữa biển khơi.

Mai Ninh
(tháng chạp, Bính Tuất)
Nguồn: http://amvc.free.fr/


Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003