|
|
Phỏng vấn |
THƯỢNG VĂN PHỎNG VẤN MAI NINH
|
| #1 |
|
Bấm vào hình để phóng to |
THƯỢNG VĂN - đăng lúc 09:48:12 PM, Mar 22, 2009
(Nhanvan.com và Vietmercury, San Jose)
*/ Mai Ninh là ai?
- Nếu có một lần bất chợt bị vương vấn hay lãng đãng nghĩ đến điều này thì có lẽ đó là lần đầu MN nghe lời hát gì trong một bài nhạc của Trịnh Công Sơn: “ Tôi là ai mà còn trần gian thế “. Câu ấy vừa hỏi vừa trả lời, phải thế không?
Nhưng nếu hiểu câu hỏi này như về một chút thân thế, thì…MN trước kia là một cô nhỏ rời Saigòn đi Pháp du học khi đậu Tú Tài. Học xong, làm nghiên cứu viên khoa học, trong ngành vật lý. Cư ngụ ở vùng Normandie, tây bắc nước Pháp, từ hơn ba mươi hai năm. Có hai cô con gái, nay lớn hơn mẹ ngày rời quê hương.
*/ Tôi đọc ở đâu đó câu thơ của Jean Géhenno:
"Nous rêvons une vie,
Nous en vivons une autre,
Mais celle que nous rêvons est la vraie."
Ðâu là đời sống thật của Mai Ninh: một nhà văn, một nhà khoa học?
- Rêve là mơ ước. MN thường mơ về một trạng thái - un état - sống như thế nào, nhiều hơn là một đời sống - une vie. Ðời sống thật chính là cái hiện tại mình đang có mặt, hoà nhập hay bị lôi đi cùng với nó, cả đang chịu đựng. MN học và làm việc khoa học đã lâu so với thời gian viết lách và hiện thời vẫn còn trong ngành nghề ấy nên nếu nói về đời sống thật như một hiện tại chiếm hữu thời gian, trí óc mình hằng ngày thì MN gần với một người khoa học hơn nhà văn. Nhưng mặt nào đó, MN thấy mình “giàu có” nhờ ở chỗ, lúc thì được sống thật trong mẫu người này khi lại với tâm trạng và cái nhìn của người kia. Dĩ nhiên đã nhiều lần hai con người ấy đụng độ nhau, rất vui, bổ túc và bổ ích.
*/ Thói quen viết lách hàng ngày của Mai Ninh ra sao?
- MN không có thói quen hằng ngày cho sự viết lách. Có nhiều ngày không viết gì cả. Rất là tùy hứng, tùy công việc và những thứ lôi cuốn khác. Cũng khổ là dường như bị lôi cuốn bởi nhiều thứ. Trần gian mà. Thường thường, MN viết ban đêm, sau khi đi xem một cuộn phim về hay giữa khuya chợt thức. Nếu có một thói quen nào thì đó là viết trong im vắng, không có ai lướng vướng bên cạnh.
*/ Trong Hợp Âm Trong Vùng Sân Khuất, ngoại trừ hai truyện ngắn Bão Cát và ẩm Ướt Những Cơn Mưa không ghi ngày tháng, những truyện khác được viết trong khoảng từ tháng Giêng, năm 1999 đến tháng Sáu, năm 2000. Lý do nào đã khiến chị viết đều đặn trong khoảng thời gian này?
- Không biết những người viết khác sáng tác ra sao nên MN chẳng hiểu viết như thế nào được gọi là đều đặn. Cộng số tác phẩm ra đời trong một khoảng thời gian nhất định chưa hẳn là cách ước lượng sự đều đặn. Ðiều này tùy thuộc vào nhịp viết. Riêng MN, lắm khi nhiều ngày chẳng được vài dòng, rồi bất ngờ trong ít hôm là kết thúc một truyện ngắn. Còn về lý do đã “sản xuất” khoảng tám truyện trong một năm rưỡi, theo tính sổ của anh Thượng Văn, thì chỉ là sự tình cờ. Tình cờ từ một gặp gỡ với người, với cảnh ngộ, bắt gặp một tâm trạng, có khi một phong cảnh đặc biệt cũng làm lay động tư tưởng, đánh thức xúc cảm, khơi mở tưởng tượng để đưa đến ý muốn viết ra thành truyện.
*/ Tennessee Williams có nói rằng ông có thể viết hay hơn nhiều nếu ông không quá lo lắng về khả năng viết lách của mình. Mai Ninh có nỗi lo lắng này khi bắt đầu cầm bút?
- Có hơi băn khoăn lẫn dè dặt một chút lúc viết hai ba truyện đầu tiên, khởi sự một điều gì cũng thế, nhưng không lo lắng. MN chẳng thấy gì phải lo lắng cả, khi đấy không là chuyện thiết yếu cho đời sống của mình. Tuy thế, MN không xem viết chỉ là chuyện để chơi. Nếu là chơi, dễ đưa đến cách viết vô ý thức (tất nhiên chẳng thể nói, cứ chơi là vô ý thức, “nghề chơi cũng lắm công phu”), lại đem đăng báo thì hoá ra xem thường người đọc.
*/ Viết lách theo chị có phải là hành động truyền đạt, chuyển vận những kinh nghiệm cá nhân vào chữ nghĩa?
- Với MN, trước hết nó khởi đầu bằng nhận thức, sau đó là ý muốn truyền đạt những thao thức, cảm nhận và suy nghiệm. Ðúng thế, suy nghiệm cá nhân nhiều hơn là kinh nghiệm. Nếu chỉ chuyển tải kinh nghiệm thì không mấy người đọc những ngòi viết trẻ tuổi ư ? Trong khi thật ra chúng ta có thể bắt gặp, nhận được rất nhiều điều mới lạ trong văn chương chữ nghĩa của họ. Chúng không chuyên chở kinh nghiệm mà chính là những chụp bắt cảm xúc tinh khôi, nhiều khi nhất thời, nhưng là những suy nghĩ và khao khát về cuộc sống.
*/ Một số truyện của Mai Ninh (Nến Trong Kẽ Liếp, Mây Một Ngày) có khung cảnh của Việt Nam thời chiến tranh trước năm 1975. Liệu cái khoảng cách thời gian trên dưới 25 năm có giúp Mai Ninh nhìn rõ hơn cuộc chiến này và những hệ lụy của nó trước khi viết?
- Rời quê hương vào cái tuổi bắt đầu có những thắc mắc, suy tư riêng biệt, định hình và ý thức hơn về thế giới cùng những sự việc xảy ra quanh mình, nên mỗi khi nhớ về Việt Nam thì hẳn nhiên điều hằn sâu, nhớ đời với MN vẫn là khung cảnh và cuộc sống cùng con người nơi ấy ở thời sắp đi du học, nghĩa là trước năm 1975.
Người ta thường nói, muốn nhìn rõ sự việc, nhất là những sự kiện lịch sử phải có một khoảng cách thời gian rất dài. Về cuộc chiến tranh cuối này trên xứ sở chúng ta thì 25 năm chưa đủ để nhìn rõ mọi sự kiện. Không chiến tranh nào với tầm cỡ ấy chỉ thuần là nội chiến, rất nhiều yếu tố địa hình, nhân sự, chính trị, kinh tế đến từ bên ngoài mà chúng ta chưa biết hết, mà những guồng máy điều động, tham dự còn giấu kín. Hiện thời, MN cảm nhận và nếu có viết ra những gì liên quan đến quê hương và các hệ lụy để lại của cuộc chiến ấy là thuần qua tình người và bằng linh cảm.
*/ Mai Ninh viết trong lời tựa: "... nếu phần lớn các hành động của con người đều do tình yêu dẫn dắt và chi phối, thì viết, với tôi, cũng vì lẽ ấy." Nhân vật của Mai Ninh là những kẻ đi tìm tình yêu và phần lớn, họ không tìm thấy (tôi trong Bão Cát, tôi trong Ðêm Rượu Ðợi, tôi trong Nến Trong Kẽ Liếp...) Họ đi tìm thứ không hiện hữu trong thế giới này?
- Những con người ấy tự tạo ra một hình tượng của tình yêu, rồi loay hoay, trăn trở, đi tìm. Nếu họ không tìm thấy, phần lớn vì tình yêu trong họ hầu như biểu tượng sự tuyệt đối, hay ít nhất điều khó gặp trong đời/người thường. Nhưng tác giả dù đau lòng cho nhân vật của mình vẫn thấy nhữngï đợi chờ biển trời, những thất vọng quay quắt đến độ đẩy họ vào buông thả chính là thực chất của đam mê, là cái đẹp mênh mông của sự đi tìm. Những con người đam mê như thế sẽ mãi đi tìm, không cần biết điều họ tìm hiện hữu hay không.
*/ Mưa Ðá Âm Dương là một thử nghiệm siêu thực trong truyện ngắn của Mai Ninh?
- Ðúng, đấy là một thử nghiệm, có chút ảnh hưởng từ nghề nghiệp và điện ảnh. MN rất thích điện ảnh, và đây là ngành nghệ thuật khai phát khiá cạnh siêu thực nhiều hơn những ngành khác. Mặc dù cho đến nay, điện ảnh khai thác điều này về mặt kỹ thuật nhiều hơn. MN thấy, phần nào đó, với thể loại ấy người viết dễ xây dựng một cốt truyện phong phú, xử dụng một văn phong mới, thăng hoa nhiều ý tưởng. Nói chung, ngòi bút như được đi trên “con lộ mở”*. Trong chiều hướng đó, MN định đi xa hơn, tiếc là mới được thế thôi. Nhưng sẽ tiếp tục.
*/ Mai Ninh có tin là nhà văn phản ảnh thời đại họ sinh sống? Thời Mai Ninh cầm bút có khác gì so với trước kia?
- Có chứ, nếu không, người ta cần gì đọc sách báo. Ngay cả những tác phẩm viết về quá khứ cũng là viết bằng tâm trạng và với cái nhìn của người đang sống giờ phút hiện tại. Vũ trụ lúc nào cũng vận chuyển, biến hoá, con người thay đổi cách sinh sống và suy nghĩ, nên thời đại của họ phải khác hơn. Nhiều thứ khác. Hẳn nhiên nhà văn bây giờ viết không giống những người trước họ. Chẳng hạn, văn chương Ðức sau bức tường Bá Linh sụp đổ bớt khô cứng, lý luận gò bó. Các nhà văn Ðức sau này nghiêng về đời sống hằng ngày, có những cái viết thực tế cởi mở, đôi khi hài hước. Người ta cũng ghi nhận họ viết nhiều về tình dục và đề cập đến đủ các vấn đề “tabou”.
Về “thời MN cầm bút” mà anh Thương Văn hỏi thì cái khác mà MN thấy rõ ràng nhất đó là sự tự do, tự do trong ngôn ngữ, trong cách diễn đạt.
*/ Mai Ninh đọc và chịu ảnh hưởng của tác giả nào?
- Một câu hỏi tương tự đã được chị Thụy Khuê đặt ra nhân một phỏng vấn trên đài RFI của Pháp. MN không nghĩ mình chịu ảnh hưởng của một tác giả nhất định nào, Việt Nam lẫn ngoại quốc. MN yêu thích một tác phẩm, nhưng một tác giả, thì không. Một điều chắc chắn, văn hoá của xứ sở MN đã sống hơn 30 năm có ảnh hưởng nhiều trên suy nghĩ và cách viết. Về đọc, MN đọc đủ loại và xem đó là một sự khám phá, nên thường vào hiệu sách, thấy một cuốn sách trình bày đẹp hoặc cái tựa hay hay thì cầm lên xem, dĩ nhiên nhiều lúc tên tác giả làm mình chú ý. Ðọc lướt vài trang, tựa hay kết luận. Với MN, vài trang ấy thường đủ để thấy cuốn truyện có thể hấp dẫn mình hay không. Cũng đôi lần thất vọng sau khi đọc, nhưng có sao đâu.
*/ Nhà văn Vladimir Nabokov có nói ông viết cho một nhóm nhỏ người, trong số này đa số là bạn bè. Hợp Âm Trong Vùng Sân Khuất viết cho ai?
- Ðã viết trong lời tựa “Hợp Âm”, vì tình yêu, nên HATVSK là cho những kẻ xa gần đã cho MN nhận biết thêm về hạnh phúc và đau khổ, từ tình yêu “giữa người và người, giữa tôi và người”. Khi viết, nếu có đối tượng sẽ hứng thú hơn. MN không viết cho đại chúng, vì đại chúng này mơ hồ quá.
*/ Mai Ninh có một quan niệm chung nào về cách diễn tả nhân vật?
- Làm thế nào cho con người, tâm tư của nhân vật được thực sự định hình. Xúc cảm của nhân vật là quan trọng, hãy cho phép họ diễn tả tự do, phù hợp với cá tính, con người của họ trong truyện.
Ở mỗi tác phẩm, các nhân vật phải quận lại với nhau trong cùng một thế giới. Thế giới ấy có thể tròn trịa, đầy ắp hay méo mó, lệch lạc, ngay cả bất đồng và đầy lỗ hổng, nhưng mỗi nhân vật là bổ túc cho những nhân vật khác. Sự va chạm giữa họ là một trong những yếu tố quyết định sức cuốn hút của truyện.
*/ Khi viết, tưởng tượng của Mai Ninh bắt đầu bằng ngôn ngữ hay hình ảnh?
- Rất ít khi bằng ngôn ngữ, thường là hình ảnh nhưng là hình ảnh diễn tả, mở ra tâm trạng của nhân vật hay dẫn đến sự kiện muốn viết. Ngôn ngữ để kiện toàn hình ảnh và câu chuyện.
*/ Nghe đồn, (từ câu hỏi của chị Thụy Khuê), Mai Ninh và Trần Vũ, Nam Dao có lập một một văn đàn hay phong trào gì gì đó. Chuyện này ra sao?
- Không có văn đàn, càng không phải là phong trào gì cả. Ba người trên vừa là bạn bè vừa như anh em cùng yêu thích văn chương. Họ may mắn được gặp và trao đổi với nhau về một số tác phẩm đã, đang và sẽ viết…bên những ly rượu cay cay, nồng nồng thật vui và hứng thú. Khi không gặp mặt, bàn cãi thẳng thừng qua email. Và để đánh dấu kỷ niệm bèn đặt ra một cái tên clan vui vui.
Ðã trả lời chị Thụy Khuê, người viết hải ngoại rất cô đơn, ít nhất đó là cảm nhận của MN. Thường thường viết xong một cái gì rồi gửi đi cho một tạp chí, có khi chủ biên hồi âm, có khi không (trừ khi nào họ túng bài thì thông tin sẽ thường hơn). Bài in ra, thỉnh thoảng may mắn được bạn mình đọc rồi cho tiếng vọng. Vì thế khi có trao đổi giữa những người cầm bút là điều rất vui.
Trong tinh thần ấy, Trần Vũ đã đưa ra chủ đề “Nhà cho thuê” trong một số Hợp Lưu gần đây. Mười hai ngòi viết từ nhiều nơi đã hứng khởi tham dự và nói chung họ đều hài lòng với cuộc chơi ấy, một cuộc chơi hồn nhiên. Tiếc là thời gian lúc đó hơi gấp, không kịp có tác phẩm của một bạn văn trong nước. Nghe nói chị Trần Thị NgH có viết nhưng loạt truyện đã gửi đi mất rồi.
Chẳng phải để quảng cáo, nhưng MN xin tiết lộ một tí bí mật là một số bạn đang tiếp tục bày cuộc kiểu này.
*/ Tác phẩm kế tiếp của Mai Ninh sẽ là gì? Chị có dự định viết truyện dài trong tương lai?
- Hiện thời đang bận việc, công và tư, MN chẳng viết gì nhiều. Về truyện dài, vẫn ở trong dự định, một dự định ám ảnh. Cốt truyện đi theo, nhân vật nhảy múa kêu gọi. Nhưng viết truyện dài cần sự chuyên cần, đều đặn hơn truyện ngắn. Phải hằng ngày sống với nhân vật, nghe họ nói, nhìn họ hành động, chia sẻ và sát cận với họ thì truyện mới có dòng, mới sống động. Nếu viết ngắt quãng, bỏ họ đi chơi, để mình cuộn chìm vào đời sống riêng tư thì truyện dễ bị giống như một tiểu thuyết định kỳ. Vì thế, còn hẹn với mình, một ngày nào đó.
------------
* Chữ Thường Quán dùng trong một bài viết.
|
|
Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003 |