|
|
Truyện/Ký |
CUỘC ĐỜI DẠY HỌC
|
NGUYỄN THỊ XUÂN-NGA - đăng lúc 08:57:57 AM, Jul 17, 2008
CHẤM THI TẠI NHA-TRANG. Trưa hôm 14-5-1965 Tôi được xe của hãng máy bay Air Việt-Nam chở ra phi-trường Tân Sơn Nhất. Hồi này họ kiểm soát rất chặt chẽ. Hành khách được phát một cái thẻ, khi lên xe phải đưa cho tài xế coi. Khi đến cổng phi-trường, tất cả mọi hành khách đều phải xuống xe, cảnh sát kiểm vé máy bay của từng người rồi mới lên xe lại để được chở vào phi-trường. Hôm đó máy bay bị trễ hơn một tiếng đồng hồ nên gần 17 giờ chiều mới được lên máy bay và khi tới Nha-Trang đã 18 giờ. Tối đó Tuyết-Như, bạn cùng học ở Sư-Phạm tới..Cô ấy được Sự vụ lệnh coi thi Trung-hoc ở Nha-Trang nên hai chị em muốn đến ở nhờ. Tuyết-Như sướng hơn tôi nhiều nên từ ngày ra dạy ở Vạn-Ninh lúc nào cũng có bà chị gái độc thân đã lớn tuổi đi theo để nấu nướng chăm nom nên không bị cô-đơn như tôi. Hơn nữa chính tại nơi đó Như đã tìm được tình yêu, đó là ông Hiệu-trưởng N. Tôi mượn thêm một cái ghế bố để chị của Như nằm còn Như thì ngủ chung với tôi., hai đứa nằm thủ thỉ với nhau nên cũng vui. Như hỏi tôi về những kinh-nghiệm lứa đôi. Bác Tư đang sửa nhà , bác làm lầu ở phía sau của 4 căn nhà, vôi vữa bừa bãi cả phía sau, nên mỗi khi tắm lại sang nhà bác Tư nên cũng hơi phiền vì phải băng qua khúc sân khá rộng. Sáng hôm 15-6, tôi và Như cùng ra đầu ngõ để đón xích-lô đi coi thi. Tôi đến trường Nữ Tiểu-học Nha-Trang còn Như coi thi ở trường Trung-học Võ-Tánh. Khi chợt nhìn thấy ngôi trường Nữ quen thuộc, tôi bồi hồi nhớ lại những kỷ-niệm cách đó ba năm. Năm 1961, chị Hải đang làm ở Tu-Thư nên sở đã tổ chức tuần lễ hội thảo tai Nha-Trang và họ đã mượn trường này để cho nhân viên ở. Bố mẹ tôi, cô tôi, chị Oanh và tôi đã ra Nha Trang và ở đó mấy hôm. Giờ đây thì bố tôi đã không còn nữa, mẹ, cô và chị tôi thì ở phương trời xa, chỉ còn mình tôi đứng cô-đơn nơi chốn cũ. Ðây là lần đầu tiên tôi đi coi thi nên vô cùng háo-hức và thích thú. Lúc 7 giờ 30 tôi tới phòng Hội đồng thi để họp. Ông Chánh chủ khảo trình bầy những công việc mà các Giám-thị phải làm, chẳng hạn như phải ký vào tờ giấy làm bài trước khi phát cho thí-sinh, thu thẻ học sinh hoặc thẻ công chức, quân nhân , thâu bằng thể thao hoặc chứng chi tại ngũ để thí sinh được giảm một số điểm. Quân-nhân được trừ 10 phần trăm tổng số điểm.. Giấy giáp có nhiều màu: xanh đỏ, vàng, hồng, tím…không được phát cho những thí-sinh ngồi cạnh nhau và phía trên, phía dưới cùng một màu vì sợ họ đổi nháp cho nhau. Chỉ trả lại thẻ khi nào thí-sinh đã nộp bài để đề phòng trường hợp thí-sinh không nộp bài rồi lại khiếu nại là mình làm mất bài của họ. Thường thường họ cắt cho một Giáo-sư coi với một hay hai Giáo viên.. Phần nhiều những Giáo-viên coi lơ-là có lẽ họ là người địa-phương, cũng có con em đi thi , hơn nữa đi coi thi lại không được tiền vì thường dạy ở đâu Nha cắt cho coi thi ở đó. Trái lại các Giáo-sư tuy dạy tại địa-phương cũng vẫn được trả mấy chục đồng mỗI ngày , còn dạy ở những nơi cách xa 10 cây số trở lên lại được tiền vãng phản 120 đồng mỗi ngày. Tất cả các Giáo-sư ở trường Diên Khánh đều được coi thi ở Nha-Trang mà trường cách Nha-Trang hơn 11 cây số nên đều được lãnh tiền vãng phản cả. Trong 11 năm đi dạy học, coi thi, chấm thi ở nhiều nơi, tôi thấy chỉ có kỳ thi Trung học Ðệ nhất cấp ở Nha-Trang năm đó là nhũng-nhiễu nhất. Mặc dầu trong phòng thi có mấy người coi, còn phía ngoài thì Giám-thi hành lang đi nườm nượp thế mà chỉ sau khi ra đề thi chừng nửa tiếng đồng hồ là ở bên ngoài trường thi đã có đề thi, thế là họ bắc loa lên rồi đọc lời giải. Giám-thi hàng lang không cho thì chúng ném đá vào rào rào. Cảnh-sát gác ở ngoài có vẻ đồng loã hoặc sợ nên mãi mới chịu dẹp. Ðề thi cũng dễ thôi nhưng chúng không chịu học, chỉ lo “quay bài”. Mặc dầu trước giờ bóc đề thi tôi đã yêu cầu thí-sinh nào còn giữ sách vở thì phải đem lên nộp, thế mà cũng còn nhiều thí-sinh giữ lại rồi mở ra coi. Con gái cũng dấu sách ở dưới vạt áo dài để chép.. Chỉ có mình tôi đi bắt thành ra mang tiếng ác. Tuy nhiên tôi cũng chỉ thâu sách vở rồi lại cho tiếp-tục làm bài. Nếu tôi không tịch thu, mà Giám thị hành lang vào bắt thì họ sẽ làm biên bản mà mình sẽ phải ký vào như vậy chứng tỏ đã không hoàn thành trách nghiệm và thí sinh cũng sẽ bị cấm thi mấy năm. Lúc thấy gần hết giờ thi là tôi cầm tất cả các thẻ trong tay. Chờ khi có kẻng hoặc chuông báo hết giờ, thí-sinh nộp bài, đếm đủ thì mới bỏ ra bàn để họ tự tìm thẻ lấy. Nếu thí-sinh nào quên lấy thẻ phải đem nộp cho văn-phòng. Sau ba ngày coi thi, hôm 18-6, tôi và Tuyết-Như phải tới trường Trung-học Võ-Tánh họp để bắt đầu chấm thi Việt-văn. Mỗi ban chấm họp ở phòng riêng. Ông Trưởng ban lấy một bài của một thí-sinh ra đọc rồi yêu cầu các Giám-khảo nghe và cho điểm kín. Tất cả các điểm đều được đọc lên để mình tự so-sánh xem đã cho quá rộng hay quá nghiệt. Bài luận văn thường thôi thế mà ông trưởng ban đọc thấy có người cho tới 12 điểm nên ông ta nói đùa:”Nếu bài này của một cô cho thì sau này lấy chồng thể nào cũng sanh con trai.” Quế, con bác Tư, cũng đi thi nên tôi bảo nó đưa tờ nháp cho tôi, nếu gặp thì sẽ cho thêm điểm. Vì Quế chẳng phải bà con của tôi, nên xin điểm cũng chẳng ngại gì. Tôi đưa nháp cho mấy ông ngồi ở gần xem và nói: -Tôi có con ông bà chủ nhà cũng thi kỳ này, nếu các anh gặp bài của nó, xin nới tay cho”. Ðược một lúc thì thấy một ông ngồi kế bên cho tôi xem một bài và hỏi tôi xem có phải là bài của Quế không? Tôi đọc thấy cái mở bài cũng đúng mà tuồng chữ cũng có vẻ giống nữa.nên xác nhận. Thế là ông ta nói: -Tôi cho 14 điểm chị nhá. Tôi cảm ơn rối-rít và chắc mẩm thế nào Quế cũng đỗ vì luận văn hệ số 3 như vậy là dư 12 điểm rồi. Nhưng rốt cuộc thì Quế rớt vì bài đó là của thí-sinh khác! Chắc là chúng đều có bài luận mẫu giống nhau. Thế là thí-sinh kia gặp may, đúng là “Học tài thi phận”. Lần đầu tiên đi chấm thi nên tôi và Như chấm quá kỹ, đã thế khi gặp những bài ngô-nghê lại đưa cho nhau xem và cười cho nên trong khi người ta chấm được ba xấp mà chúng tôi chấm chưa được hai xấp. Vì nhiều bài thi quá mà số Giám-khảo không đủ nên ngày thứ Bẩy cũng phải đi chấm. Dự trù việc chấm thi và cộng điểm phải tới 29-6 mới hoàn tất cho nên chúng tôi được miễn kỳ coi thi Tú-tài II vào ngày 23-6. Trong thời gian tôi chấm thi ở Nha-Trang thì tại Biên-Hòa Riễm phải đi công-tác liên miên.. Hàng ngày anh cùng với Trung-úy Cố-vấn Mỹ dùng trực thăng đi thanh-tra tại các nơi thuộc Quân-đoàn III nên cũng đỡ buồn. Anh đã viết cho tôi những bức thư khi đang ngồi đợi máy bay ở dưới sân phi-trường dưới trời nắng gắt. Ngày Chủ-nhật, bồ của Như tới thăm, vì có phòng khách tiếp chuyện tốt nên chàng ta cứ ngồi ì ra cả buổi. Bà chị của Như ra chợ mua thức ăn, nên dặn tôi: -Tôi đi chợ một lát, cô muốn đi đâu thì chờ tôi về hãy đi nhé. Bà chị cẩn thận không muốn cho cô em ở nhà một mình với người yêu. Như kể chuyện với tôi rằng, khi ở Vạn-Ninh, ông Nghi đến chơi, bà chị đã hỏi thẳng là”Ông đã có vợ chưa?” Tổng cộng vừa coi thi vừa chấm thi là 14 ngày nhân với 120$ như vậy là được lãnh 1680$ tiền vãng-phản. Ngoài ra tiền chấm thi cứ 5$ một bài. Kể ra làm Giáo-sư trường Công cũng sướng, ba tháng Hè được ăn lương mà đi coi thi chấm thi lại còn được tiền nữa.. Trình độ học-sinh năm đó rất kém, có lẽ phần lớn học-sinh ở trường Tỉnh lo biểu-tình bãi khóa nên không học hành gì cả. Bài giảng văn thì giải nghĩa sai còn bài nghị luận luân lý thì phê-bình mâu-thuẫn nhau.. Dù có chấm rộng cách mấy thì đa số đều dưới trung bình.. Có thương hại cũng không thể nào cho đậu được. Các học-sinh của trường Diên-Khánh vẫn đi học đều nên tỷ lệ thi đậu cao. Môn Việt-văn chấm thật lâu, cả buổi chỉ chấm được hơn một xấp, mỗi xấp khoảng 30 bài. Thế mà nghe nói bên Toán một buổi họ chấm được cả trăm bài, hèn chi cứ thấy họ đứng hóng mát ở hành lang, hút thuốc và tán gẫu với nhau trong khi mình chấm bài mờ cả mắt, khát nước cũng không kịp uống nữa. Nha-Trang hồi này rất nóng nên càng mệt. Theo ông Trưởng ban thì mỗi người phải chấm khoảng 10 xấp bài. Ông Chánh chủ khảo cho biết là việc chấm bài phải hoàn tất hôm 23-6 để còn ráp phách và cộng điểm nữa. Ông yêu cầu ban Sử Ðịa và ban Việt-văn đi chấm thêm vào ban đêm. Lúc đó tôi và Như mới chấm được 3 xấp nên tối đó, sau khi ăn cơm xong tôi và Như thuê xe xích-lô đến trường Võ-Tánh. Chấm từ 19 giờ rưỡi đến đến 22 giờ đêm. Lúc đó không còn xích-lô nữa nên ông Chánh chủ khảo phải lái xe jeep đưa chúng tôi về. Sau khi xem tình hình có thể chuồn sớm được nên tôi ra hãng máy bay giữ chỗ về hôm 28-6, rất may còn chuyến 17 giờ chiều. Vì có thẻ sinh-viên nên khứ hồi được trừ 100$. Ngày 24-6 chúng tôi bắt đầu ráp phách. Các bài thi trước khi đưa cho Giám-khảo chấm thì Chánh chủ khảo đánh số riêng cho từng xấp và từng bài rồi cắt cái phần ghi tên tuổi và số báo danh của thí-sinh cất đi.gọi là dọc phách. Sau khi các bài đã được chấm xong thì mới đem ráp lại gọi là ráp phách.. Sau đó đến việc đọc điểm và cộng điểm. Chúng tôi được chia thành từng nhóm, mỗi nhóm ngồi quanh một bàn dài để đọc điểm. Cứ một người đọc thì hai người chép vì cần hai bản. Sau đó lại chuyển cho người khác để đọc lần thứ hai. Nếu thấy có sự khác biệt thì phải xem điểm nào đúng thì sửa vào rồi mấy người đều phải ký tên cùng với Trưởng nhóm. Việc cộng điểm cũng phải làm như vậy để tránh nhầm lẫn. Nhờ kỳ chấm thi này mà tôi gặp lại nhiều bạn cũ từ Trưng_Vương, Chu-Văn-An, Văn-Khoa và Sư-phạm như Quán từ Phan-Thiết, Thanh-Minh từ Phan-Rang, Tuyết-Nga, Phúc… nên rất vui. Tôi may mắn được coi thi và chấm thi cùng một nơi chứ có người làm Giám-thị ở Nha-Trang,sau đó lại phải bay đi Ðà-Lạt hoặc Huế để chấm thi. Kể ra nếu tình-hình yên-ổn thì đi như vậy cũng thú-vị vì được biết nhiều nơi. Sau khi làm xong nhiệm-vụ ở Hội-đồng thi Võ-Tánh, tôi lại thơ-thới ra hang máy bay để về Sài-Gòn và hôm sau đi Biên-Hòa với Riễm. Hai chị em Như vẫn ở nhờ để chờ coi thi Tú-tài I ngày 7-7. Tôi được 10 ngày nghỉ xả hơi.. Hôm 6-7 tôi trở lại Nha-Trang thì chị của Như than rằng: -Từ hôm cô về Sài-gòn, bữa nào ông ấy( chỉ bồ của Như) cũng đến từ sáng sớm, tôi chưa kịp đi chợ mua bán gì. Có hôm đi sớm quá chỉ mua được mấy cái bắp ăn trừ cơm trưa. Có cô ở đây tôi còn được đi chợ thong-thả. Tôi được chỉ định coi thi Tú-tài I ở trường Tiểu-học Sinh-Trung, nằm trong một con đường hẻm ở bên kia quốc lộ số I, rất gần nhà, chỉ cần đi bộ 7 phút là tới nơi, không tốn tiền xe. Ðáng lẽ tôi ở trong danh sách làm việc tại văn phòng nhưng kỳ đó nhiều Giám-thị bị đau hoặc trễ máy bay, nên ông Chánh chủ khảo yêu cầu tôi đi coi và chỉ có một mình tôi coi một phòng. Kỳ này thí sinh đàng-hoàng hơn nên tôi không phải bắt thí sinh gian-lận nhiều. như kỳ thi Trung-học vừa qua. Một hôm giờ thi Toán, tôi đi loanh-quanh trong lớp để coi; khi đến gần một Quân nhân thì anh ta nói: -Cô ơi chỉ dùm em đi. Suốt ngày đối diện điểm đen, không học hành gì được! Tôi chỉ mỉm cười rồi đi qua chỗ khác. Phần lớn những Quân-nhân ghi danh thi để được mấy ngày phép chứ rất ít ngưới muốn cầu tiến. Có lúc thấy những đề thi Toán, Lý Hóa, tôi thấy ngứa tay, toan lấy nháp giải thử để xem đáp số nhưng lại sợ Giám thị hành lang tưởng nom thấy, tưởng là mình giải để đưa cho thí sinh thì phiền nên đành thôi. Hôm 9-7 Hội-đồng thi đưa giấy đến các phòng kêu gọi những Giám-thị có khả năng thì tình nguyện đi chấm thi Việt-văn và Công-dân cho mau xong. Giá ở Gài-Gòn tôi đã ký cả hai tay vì lại được thêm tiền nhưng ở đây lại phải về trễ cả tuần nên không ham. . Từ dạo nghỉ Hè, tôi ra Nha-Trang coi thi, chấm thi 3,4 kỳ , Riễm và tôi vẫn viết thư cho nhau nhưng nội dung không còn u uất như trước mà đã có những nét vui tươi. Chúng tôi đã viết và kể cho nhau những chuyện vui để khi đọc thư thì mỉm cười chứ không phải thổn-thức nữa. Những thư viết cho nhau chúng tôi chia ra từng giai đoạn như: Ðợt I: Sau khi Ðính hôn, Ðợt II : Sau lễ Thành hôn. Ðợt III: Sau Tết Dương-lịch. Ðợt IV: Sau Tết Nguyên-Ðán… Bác Tư đã làm xong lầu ở phía sau dài 11 thước và được chia làm ba phòng. Thấy tôi thuê nhà mà dịp Hè không ở mấy vả lại cũng sắp đổi về nên bác Tư đề nghỉ tôi trả lại nhà cho bác để các con bác có chỗ học hành., nếu niên học tới có phải ra dạy nữa thì bác sẽ cho ở một phòng trên lần. Thế là chuyến nghỉ Hè đó tôi mang hết đồ đạc về. Tưởng là còn lâu mới phải trở lại thì nhận được điện tín của anh Hổ báo tin là tôi phải làm Giám-thị kỳ thi tuyển thí-sinh vào trường Sư-Phạm Nha-Trang, hôm 17-8 thế là lại phải vội vàng ra hãng máy bay giữ chỗ ngày 16-8. Hôm 16-8 khi xe của hãng máy bay vừa chơ tôi tới đường Ðộc-lập thì thấy một cảnh đổ nát ghê sợ do một phi-cơ quân sự rớt trúng. Mười căn nhà bị sập hoàn toàn,, một số nhà khác, cái thì mất nóc cái sập cả tầng lầu, gạch ngói ngổn ngang. Nghe đâu số người chết cũng nhiều vì khi máy bay vừa bị rớt, một số hiếu kỳ tới xem, một số đi hôi của nên gặp bom từ máy bay nổ bị chết thêm.. Kỳ thi Sư-phạm này , mặc dầu một số vắng mặt nhưng vẫn còn đông lắm, phòng nào cũng có 2,3 người coi và Giám-thị hành lang thì đi nườm-nượm bên ngoài. Ông Chánh chủ khảo cho biết sở dĩ Nha cử nhiều Giám thị như thế vì muốn cho khóa thi được công bằng và ông yêu cầu các Giám-thị nên gắt gao với thí sinh. Ấy thế mà tôi coi với hai ông nữa, họ chỉ đứng nói chuyện với nhau . Sáng 18-8, tôi lên trường để coi thi lên lớp. Chúng tôi chung mỗi người 50$ để làm bữa cơm trưa tiễn biệt lẫn nhau vì tôi cũng sẽ đổi vào trong Nam, anh Du, anh Cẩm, anh Bách sẽ bị gọi nhập ngũ tập thể, , Mỹ Nam sẽ đổi về trường Nữ, Nha-Trang. Hôm 20-8 phải đi coi thi Tú-tài I khóa II Tuyết-Như và chị Táo chẳng thấy đâu; số Giám thị vắng mặt không thể tưởng tượng được. Buổi đầu tôi coi một mình nhưng đã có kinh nghiệm nên không ngại gì. Bữa sau tôi coi thi với một chị nữa. Các thí sinh kỳ này phần lớn chỉ trông mong vào việc “quay phim”. Phòng có 13 thí-sinh mà có tới 8 người mang tài liệu theo nên bữa đó chúng tôi bắt tơi bời.. Có thí sinh kê sách ở dưới ghế rồi ngồi lên, mình bảo đứng lên nhưng hắn vẫn cứ ngồi.. Lại nữa, chiều đó có một Quân-nhân bị thu sách nên tức, khi các thí-sinh đã nộp hết bài và ra về mà hắn cứ ngồi lỳ ra mắt gườm gườm, làm tôi và chị kia sợ quá phải kêu Giám-thị hành lang. Ông ta vào mang thẻ xuống chỗ hắn ngồi, vuốt ve mãi hắn mới chịu đi ra. Khi về tôi thấy lo lo chỉ sợ tên đó thù đón đường đánh thì nguy, vì đã có mấy trường hợp Giám thị bị ăn đòn của thí-sinh rồi. Sau kỳ thi Tú-tài I khóa II tôi lại về Sài-Gòn rồi đi Biên-Hòa với Riễm. Lúc đó anh đã thuê được một căn nhà ở Xóm Chùa, thuộc vùng ngoại ô khá xa nơi làm việc của anh. Căn nhà này nhìn sang một khu vườn chuối cùng những cây ăn trái um-tùm của nhà chùa nên trông có vẻ âm-u, bên hông nhà lại có một khóm tre già gió đưa kẽo-kẹt rất ư là nhà quê., khung cảnh thật tĩnh-mịch và vắng vẻ.. Con đường từ ngoài dẫn vào nhà thì ngoằn ngoèo và sâu thăm-thẳm. Lúc tôi về nhằm tuần lễ Kỷ-luật nên tối nào Riễm cũng phải vào trại ngủ. Buổi tối, một mình trong căn nhà vắng vẻ, chỉ nghe tiếng khóm tre xào-xạc, tiếng ếch nhái kêu ồm ộp, mà đầu ngõ thấy lố nhố những người mặc quần áo đen làm cho tôi sợ quá không ngủ được. Khu đó chỉ có cái chợ chồm hổm, bán lèo tèo vài miếng thịt bạc nhạc, dăm con cá, mấy mẹt tôm rảo, mấy bó raư. Ấy thế mà đi trễ là chẳng còn gì để mà mua.. Cửa ra vào chúng tôi dùng khóa chữ. Có một kỷ niệm không bao giờ quên tại căn nhà đó là một hôm tôi đi chợ về, loay hoay mãi cũng không mở được cửa, có lẽ nhớ nhầm số, thế là đành phải đứng ở ngoài đường, mãi đến trưa Riễm đi làm về tôi mới vào được nhà.
Chờ mãi chưa thấy Sự vụ lệnh thuyên chuyển gì cả, nên hôm 8-9 tôi lại phải nghẹn ngào từ giã Riễm để ra đi. Lần này tôi không còn căn nhà đầy đủ tiện nghi nữa mà ở một phòng nhỏ nằm giữa của căn lầu mà cửa ra vào chỉ được che bằng một tấm màn không đủ dầy nên mỗi khi gió thổi lại bay phất-phơ. Căn phòng trong cùng rộng rãi thì bác Tư cho ông Minh, Sĩ-quan Không quân thuê, căn ngoài cùng thì ba Hải-quân ở. Chỉ có mình tôi là đàn bà nên bác Tư phải kê hai giường nhỏ để mỗi tối lên ngủ với tôi.. ,Ở nhà ngang bác cũng cho mấy quân-nhân nữa thuê.và bác thổi cơm cho bọn họ ăn nữa nên mỗi tháng bác tiêu-thụ mấy tạ gạo. Bọn họ ngồi ăn chung với gia đình bác còn tôi thì có riêng một mâm đặt ở cái bàn nhỏ kê phía trong. Mỗi buổi chiều họ đi làm về thì căn gác trở nên ồn ào, mấy cái radio ,mở một lúc, cứ loạn sạ lên , không biết đằng nào mà nghe nữa.. có hôm mấy tên độc than lại lôi đàn ra đánh ầm ĩ…Ở hành lang có một cái bàn và mấy cái ghế, nếu không có bọn họ ở đấy thì tôi có thể ra ngồi viết thư hoặc chấm bài., nhưng nếu có sự hiện diện của mấy người đó thì tôi lại phải rút lui vào trong phòng rồi lại kê giấy lên đùi mà viết. Căn gác này nóng lắm, tuy đã tháng 9 mà ngồi trên đó còn đổ mồ hôi. Tôi lại rơi vào tình trạng chỗ ở luộm thuộm như lúc ban đầu do đó sự chán nản và đau khổ lại vây phủ quanh tôi và tôi lại gửi đến Riễm những lá thư đầy nước mắt. Riễm cũng lủi-thủi trong căn nhà ở vùng hẻo-lánh nên cũng buồn lắm. Ông Hiệu-trưởng rất hài lòng về sự có mặt của tôi.. Ông đã vào chấm thi ở Sài-Gòn và cho biết là chính mắt ông đã được nhìn thấy cái Sự vụ lệnh viết bằng bút chì, thuyên-chuyển tôi về trường Trung-học Thủ-Ðức.và ông ấy còn nói thêm: -Trường Thủ-Ðức còn lớn hơn trường mình.. Khi nào có giấy thuyên-chuyển thì tôi sẽ làm eo với Nha bằng cách giữ chị lại. ba hôm để đánh điện tín về Nha xin người thay thế, rồi sau đó dù có người hay không tôi cũng để chị đi.. Nghe thấy như vậy tôi lại nuôi hy-vọng. Hơn nữa chị Táo cũng chưa ra mà nghe bác Tư nói thì chị ấy đang làm ở Vĩnh-Bình rồi.,như vậy việc thuyên-chuyển của tôi chắc cũng không lâu. Niên khóa này tôi phải phụ trách 4 lớp Việt văn là 2 lớp Ðệ tứ, một Ðệ Ngũ và 1 lớp Ðệ thất và 4 giờ trực Văn phòng., tổng cộng là 28 giờ mỗi tuần. Thứ Ba và thứ Năm dạy hai buổi.; thứ Bẩy cũng có 4 giờ buổi sáng.. Tôi dự trù sẽ không về phiền bà Long-Ðô nữa mà buổi trưa đi ăn phở rồi về nghỉ tại trường vì anh Hổ cho biết là đã dành một phòng để cho Nữ Giáo sư và đã mua ghế bố rồi..Tôi than phiền về cái thời khóa biểu thì anh ấy lại nói: -Chị lo không được đổi hay sao mà cứ than hoài vậy? Mới có giấy của Nha chỉ thị cho các trường phải tổ chức buổi diễn thuyết nhân kỷ niệm 200 năm sinh nhật của cụ Nguyễn Du và giao cho một giáo-sư ưu -tú nhất của trường đảm nhận. Cụ Nguyễn Du là người làng Tiên-Ðiền, huyện Nghi-Xuân, tỉnh Hà-Tĩng, tự là Tố Như hiệu là Thanh Hiên, sinh năm Ất Dậu, đời Cảnh-Hưng nhà Lê. Ông Hường chỉ định tôi làm thuyết trình. Tôi bảo ông ấy là vì hai chữ ưu-tú nên tôi không dám nhận. Ông Hường nói đùa là: -Cũng chỉ vì hai chữ ấy nên tôi mới phải giao cho chị đấy. Tôi chuẩn-bị rất kỹ-lưỡng bài thuyết-trình tuy nhiên cũng hơi ngại vì chưa nói trước đám đông bao giờ. .Nhưng sau đó cuộc diễn thuyết bị bãi bỏ vì lúc này tình hình Diên-Khánh không được yên nên ông Quận-trưởng không muốn tụ họp đông người. Ông Không-quân thuê ở căn phòng trong cùng của bác Tư có vợ đang dạy học ở Bến-Tre nên cũng có vẻ buồn, không hay đi chơi đâu, cứ đi làm về là xem sách, báo. Ðã có phòng riêng và có cửa sổ đàng hoàng nhưng ông ta không ở trong đó mà lại ra hành lang ngồi, chỗ xế cửa phòng của tôi, còn bọn độc thân hay xuống dưới nhà để đấu láo với bọn Quế và Hà.. Rốt cuộc trên lầu chỉ còn tôi và ông Không-quân tôi cảm thấy nó kỳ kỳ làm sao ấy nên cứ mồi buổi chiều, sau khi ăn cơm xong, tôi thường xuống vườn, đi bách bộ và sau đó ra ngồi ở một cái ghế bên bờ giếng, mở radio nghe nhạc hoặc thẫn-thờ nhìn bầu trời tối sẫm với những vì sao lấp-lánh cho đến khi trời tối mịt và bị muỗi đốt quá mới lên lầu, rút vào phòng,nằm đọc sách, đọc báo, đọc lại thư của Riễm và để mặc cho nước mắt tuôn trào. Khoảng gần 10 giờ tối bác Tư mới lên, hai bác cháu nói chuyện một lúc rồi mới đi ngụ.. .. Tôi lại nhận được giấy phải làm Giám-khảo cho kỳ thi trắc-nghiệm và khẩu vấn của kỳ thi Sư-phạm Quy-Nhơn trong ngày 20-9. Buổi sáng thi trắc-nghiệm, buổi chiều thi khẩu-vấn, chỉ trọn 6 Giám-khảo, 3 nam, 3 nữ, trong số đó có tôi..Trong khi những người khác được thư-thả ra về thì tôi phải ở lại để họp lúc 12 giờ trưa và đến 14 giờ rưỡi chiều phải trở lại để hỏi thi. Tôi gặp Kim-Liên cùng học ở Trưng-Vương, và Sư-phạm cũng làm Giám-thị tại kỳ thi này, nên trưa hôm đó hai đứa rủ nhau đi ăn phở, rồi ra tòa Tỉnh-trưởng ký lộ trình thư, sau đó cùng nhau đi lang-thang tâm-sự nên rất vui Nhân dịp nghỉ Lễ Quốc-khánh, tôi lại được về nhà. Hôm sau chúng tôi đến Phòng Nhân viên Bộ Giáo-dục thì họ cho biết là tôi được thuyên-chuyển về trường Trung-học Nhơn-Trạch thuộc tỉnh Biên-Hòa. Chúng tôi xin được cầm tay cái Sự-vụ-lệnh ấy để đem đến trường Nhơn-Trạch.
NGUYỄN THỊ XUÂN-NGA Trích trong Hồi-ký : CUỘC ÐỜI DẠY HỌC
|
|
Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003 |