Dec 03, 2024   log in
 
home
thơ
danh sách tác giả
nhạc
truyện ngắn
biên khảo,phê bình
điểm sách
phỏng vấn
quan điểm
sinh hoạt văn học

ban biên tập
tìm kiếm
thư tín
giới thiệu sách báo
 
 
  Truyện/Ký
ỔI THƠM MÙA HÈ NĂM ẤY
MAI NINH

Chị Hoàng đến đón tôi ở phi trường với vòng hoa sứ trắng. Hai tay chị khua khua vòng hoa ngang ngực, nụ cười tươi hàm răng đều trắng rỡ, cặp mắt tít lại dưới vòm tóc khum tròn. Giữa đám đông người, tôi buông vội chiếc va li, chạy ào tới ôm chị. Hai mươi lăm năm!

Chị choàng hoa vào cổ tôi rồi hôn tới tấp lên má. Vẫn giọng nói khàn khàn ngày xưa: - Cuối cùng em đã đến!

- Ừ, em tệ quá. Bao nhiêu ngày tháng em tự do, đi đó đi đây, thế mà...

Sau khi lăng xăng tự xách hết hành lý, chị đẩy tôi vào xe, đưa về khách sạn. Trên đường rời phi trường, chị nhăn nhó: - Sao em không chịu ở nhà anh chị cho vui, để tụi mình tha hồ tâm sự. Tôi chỉ biết cười, tự nhủ, có nói tại sao tôi thích được một mình, chắc chị cũng không hiểu. Gió mát ùa vào xe. Cả bầu trời xanh biếc và màu biển như ngọc chan hòa trước mắt. Có một luồng khí luồn lên từ chân dồn tới ngực, vào tim, lên đầu. Tôi ngả người ra, cố thở nhẹ nhàng. Chị Hoàng như cảm nhận, bóp nhẹ tay tôi.

Chị thả tôi trước thềm khách sạn, hẹn chiều ghé đón, dặn dò mấy lần, hãy cố ngủ để bắt lại mười hai giờ đồng hồ cách biệt giữa nơi tôi ở với hòn đảo thơ mộng này. Tiếng sóng dồn dập dội lên chiếc ban công của mấy tầng lầu. Những ngọn sóng trắng xóa, đúng là sóng bạc đầu. Hình như gió bây giờ lốc mạnh hơn khi tôi mới đến. Tôi trở vào phòng, khép kín những tấm màn, leo lên giường, ôm chiếc gối vào lòng. Giường xứ này thật rộng thênh thang. Chập chờn trong vùng tranh tối tranh sáng, giữa tiếng máy lạnh u u rì rầm, tôi vẫn không ngủ được. Lại nghĩ tới chị Hoàng. Và hình ảnh những cây dừa phất phơ tàu lá trên những con đường vừa đi qua, lẫn bụi trúc xanh mướt thoáng gặp trong khu vườn sau khách sạn, bỗng đưa tôi trở ngược thời gian.

Chị Hoàng năm đó còn trẻ lắm, và tôi, mười lăm tuổi. Mỗi lần từ Ðà Lạt xuống Saigòn chị không bao giờ quên túi mận cho tôi. Vừa ngồi cắn ngon lành những quả mận đôi khi còn chua đắng, tôi vừa ngây ngất nhìn đôi má mịn hồng dưới cặp mắt đen long lanh của chị. Rồi tôi theo chị bát phố, mua sắm, thăm bà con...Và ngay cả trong vài buổi hẹn hò của chị với anh Tố. Chị vẫn cười tít và đấm vào vai hay véo sườn tôi mỗi khi tôi thầm thì, hay cố tình hét to: " Tố của Hoàng ơi " (1). Trước mắt tôi, chị là khuôn mẫu của một sắc đẹp tươi mát, một tâm hồn hiền hậu. Nhiều khi nơi hàng quán, ngồi đối diện với anh Tố, tôi chẳng chút ngượng ngập, hai bàn tay tì vào má, chăm chăm nhìn anh Tố ngẫm nghĩ: ‘‘ Một con chim ríu rít yêu đời như chị tôi sao có thể yêu thương cái ông thầy giáo nghiêm nghị đến cù lần này?’’ Nhưng phải công nhận, anh Tố đẹp trai, khuôn mặt xương xương với những sợi tóc xõa xuống trán. Ðầy đủ vẻ nghệ sĩ. Ðiều khiến tôi chẳng mấy yên tâm. Cứ thấy tôi trầm ngâm như thế, anh Tố gõ ngay lên mặt bàn: ‘‘Ê, nhỏ M., tỉnh dậy đi chứ!’’ Tôi xì một tiếng, định nói với anh ý nghĩ của mình, nhưng lại thôi. Dù gì chị Hoàng cũng đã yêu anh dữ dội lắm, và tôi thương chị Hoàng của tôi biết mấy.

Mùa hè năm ấy, chị Hoàng thi đỗ tú tài, đòi vô Saigòn học Dược. Nhưng ai cũng biết chị muốn được gần anh Tố nhiều hơn. Vừa xuống xe, thấy tôi ra đón ở sân trước, chị đã vội vàng lôi tuột tôi ra sân sau. Hai đứa đứng cạnh hàng dâm bụt, những bông hoa kèn tươi rực hơn trên mái tóc chị. Linh cảm có điều gì lạ, tôi lắc vai chị:

- Nè, được vào ở trong này luôn, sướng quá đi, sao mặt mày buồn hiu vậy? Chị xô nhẹ tôi ra, rướm rướm nước mắt:

- Nhỏ ơi, gần ba tháng nay không có thư anh Tố rồi, chẳng hiểu tại sao!

Ngay hôm sau, hai đứa kéo nhau tìm đến nơi anh Tố ở trọ. Bà chủ nhà béo mập gục gặc đầu xác định, anh đã dọn đi lâu rồi. Nửa đêm, trời Saigòn mùa hạ hay mưa. Có khi một chút hơi lạnh thoáng qua lúc gần sáng. Tôi nhẹ nhàng kéo tấm chăn đắp lên người chị. Hoàng vẫn thút thít khóc suốt từ ban chiều. Cuối cùng tôi không chịu nổi, phán ngay rằng, ngày mai hai đứa ra bến xe đò đi Mỹ Tho. Chị Hoàng co rúm trong chăn:

- Thôi đi, tụi mình chưa bao giờ mạo hiểm kiểu đó! Mà nhà ba anh Tố đâu ở Mỹ Tho, tận Bến Tre kia, xa lắm, biết đường đâu mà đi!

Tôi bực mình gắt:

- Dễ quá, ra bến xe hỏi, chứ có gì mà sợ. Bộ chị tính nằm chờ thư anh Tố tới sang năm? Coi chừng là " Tố của ai " (1) rồi đó! Nói xong tôi ân hận ngay, quay sang ôm chị vỗ về.

Lần đầu tiên được đi xa một mình - thật ra đâu phải thế, chị Hoàng ngồi bên cạnh đấy chứ. Nhưng đối với tôi, chị bỗng dưng trở thành bé nhỏ, yếu đuối, cần được bảo bọc. Tôi quên bẵng đi số tuổi mười lăm của mình, và cũng có khi, tôi quên cả nỗi đau của chị Hoàng. Tôi thò đầu ra ngoài cửa sổ chiếc xe đò, mải mê nhìn ngắm. Những ruộng mạ xanh tươi, những mái lá thơ mộng ở cuối con đường làng cong cong, thấp thoáng sau những bụi tre, bụi chuối. Chiếc xe đò chật chội, vậy mà người ta ồn ào chuyện trò, ăn uống, cười đùa trước những câu diễu cợt của hai anh lơ xe. Ðằng sau, trên nóc xe, chất đầy thúng mủng, quang gánh, gà vịt cục cục cạp cạp, có cả vài con chó con gâu gâu trong cái lồng dây kẽm. Tất cả những tiếng động ấy càng kích động tôi hơn. Rồi đến bến Mỹ Tho, lên một chiếc ghe, bơi ngang dòng sông nước đục. Gió mát giữa con sông thổi bay những sợi tóc dài của chị Hoàng. Tôi ngồi đầu mũi ghe, nhìn hình ảnh thật dịu dàng của chị rọi xuống mặt nuớc. Ðôi khi nó vỡ tan, biến mất, khi gặp đám lục bình lềnh bềnh giạt tới. Con đường từ chỗ ghe ghé bến đến nhà gia đình anh Tố loang loáng nắng. Co chân ngồi trên chiếc xe thổ mộ lắc lư tôi lấy làm lý thú. Mùi cây cỏ, mùi lúa và đất hoà lẫn vào nhau. Cả nắng dường cũng thoảng mùi thơm. Một cây cầu gỗ bắc ngang con lạch nhỏ. Những vòm tre cao vọi xanh biếc giao nhau. Tôi ngẩn ngơ trước cảnh vật thanh thoát an bình, mà cô bé thành thị chẳng hề được hưởng.

Căn nhà anh Tố ba gian, lọt thỏm trong mảnh vườn rộng trồng đầy ổi và mận. Mùa đó hãy còn ổi chín trên cành thơm nức. Chị anh Tố mời chúng tôi uống nước dừa tươi với một đĩa ổi và muối ớt dầm bên cạnh. Ba anh Tố đã đi thăm ai ngoài đầu xóm. Người chị của anh trò chuyện cầm chừng với chị Hoàng. Ðiều khiến tôi hơi ngạc nhiên và khó chịu, vì tôi chờ đợi một thái độ thân thiện hơn. Ba anh Tố đã có lần chính thức lên Ðà Lạt gặp bố mẹ chị Hoàng rồi đó. Nói qua nói lại, chị tôi vẫn chưa dám hỏi thăm điều chị nôn nóng. Chị anh Tố dường như cũng cố tránh. Lát sau chị ấy đứng lên: ‘‘Hai cô ngồi chơi, để nói tụi nhỏ đi kiếm ông ngoại về. Tôi ra sau sửa soạn cơm. Hai cô ở ăn trưa rồi chiều về, còn kịp chuyến xe.’’.

Chị Hoàng quay sang tôi, ánh mắt cầu cứu. Tôi bèn hít hơi lấy can đảm đứng dậy định nhập đề, nhưng chị ấy đã vội vàng vén cái mành trúc đi xuống nhà sau. Hai chị em tôi nhìn nhau thở dài. Ðể hạ cơn khó chịu, tôi cầm ngay miếng ổi lòng đào chấm vào đĩa muối ớt. Chị Hoàng nhìn tôi ăn ngon lành với cái nhìn hiền lành tha thứ. Một chốc, có đứa bé gái từ ngoài sân nắng chạy tọt vào nhà, đứng khựng lại trước chúng tôi, giương tròn đôi mắt. Chị Hoàng nhận ra ngay:

- A, bé Hương, cháu anh Tố đây mà!

Con bé gật gật, chị chụp ngay cơ hội:

- Hương ơi, cậu Tư đâu rồi, cậu có về đây không?

- Dạ, cậu Tư đi với mợ Tư về Sàigon bữa kia rồi.

Chị tôi nhìn sững con bé. Tôi ngỡ mình nghe lầm, hỏi lại: ‘‘Mợ Tư nào?’’

- Dạ, thì mợ Tư mới đám cưới bữa gì với cậu Tư đó.

Chị Hoàng ù chạy ra cửa. Không hiểu sao tôi còn chút tỉnh táo để chụp lấy cái túi xách của hai chị em. Vừa ra tới cổng, ba anh Tố trong bộ bà ba trắng, chống ba-toong lững thững đi vào. Ông thấy chị Hoàng, vội đưa tay ôm chị lại. Chị vùng vẫy thoát ra, suýt nữa xô ông cụ ngã nhào vào bụi hoa trang. Tôi chụp đỡ ông và cây ba-toong, rồi vừa nói: ‘‘Thưa Bác’’, vừa trả gậy cho ông, chạy vội theo chị Hoàng. Ðằng sau, tiếng ông cụ khản đặc, với theo: ‘‘ Hoàng ơi, bác xin lỗi cháu. Bác không làm sao khác được. Thằng Tố nó sắp có con rồi!’’.

Con đường đầy nắng rơi khi đến, phút chốc âm u. Lại chuyến xe ngựa lóc cóc đưa chúng tôi ra bến đò. Những đám lục bình vẫn từ muôn ngả trôi về, vỡ toang khuôn mặt chị tôi bất động như xác chết trên mặt nước. Mới buổi sáng đến đây, tôi ngây thơ thu góp cảnh vật êm đềm thơ mộng. Bây giờ, vừa xế trưa, tôi đã già dặn không ngờ. Tôi ôm chị Hoàng tả tơi trong hai cánh tay mình mảnh khảnh. Tất cả, con đường tre trúc xanh tươi, bến đò, dòng nước phù sa bình thản, con ghe một lá sang sông...mới sáng ngày, còn lắng lòng tôi thơ mát. Vậy mà lúc này mang màu xám mù phản trắc. Hai cô gái nhỏ nép sát cạnh nhau trong chiếc xe đò vốn đã nêm cối, mặc những cái nhìn xoi mói của mọi người.

Tối hôm ấy tới nhà, tôi mệt lả, ngủ vùi. Xế trưa tỉnh dậy, chị Hoàng đã bỏ tôi trở về Ðà Lạt. Vài tháng trôi qua, một hôm Bác tôi, mẹ chị, gọi về thảng thốt, chị Hoàng vừa bỏ nhà đi. Tôi khóc ngất. Mọi người đổ xô các nơi tìm chị. Nhưng biết tìm đâu? Một đêm khuya, tôi nằm đọc

" Ngoại ô, Dĩ An và linh hồn tôi " (2) của một nhà văn vừa nổi tiếng thời bấy giờ, thì ngày hôm sau, tôi nhận được lá thư. Nét chữ quen thuộc của chị với con dấu bưu điện Ðà Nẵng bỗng làm tôi rùng người, sợ hãi. Chỉ vỏn vẹn vài chữ trên tờ thư. Không thể nào đoán được thực sự chị đang làm gì và sống ra sao. Ðầu óc tôi bấn loạn, hằng bao ý nghĩ u tối nhất. Hình ảnh hai chị em gái lăn xả trong tận cùng với những anh chàng GI vừa đổ bộ lên thành phố miền biển xa xôi, mà tôi đã bắt gặp trong truyện ngắn đêm qua, đảo lộn quay cuồng trong tâm trí. Gia đình chạy hết ra Ðà Nẵng tìm chị. Những lần đầu vô hiệu. Nhưng rồi cuối cùng cũng tìm được chị về. Tôi ôm quàng lấy chị Hoàng, chị đẩy tôi ra. Tôi nhìn sâu vào lòng mắt đen của chị, cũng vẫn ánh tinh anh trong vắt của bao giờ. Tự nhiên tôi thở ra, yên lòng. Chẳng bao lâu sau, tôi lớn thêm hơn, và cuộc đời, định mệnh đã đẩy tôi đi, xa chị muôn trùng. Một đôi lần tôi có dịp trở vể, chị vẫn phòng không. Gặng hỏi thêm, chị lắc đầu: ‘‘Ta già rồi, yêu thương chi nữa, dành cho em đó’’. Tôi kề tai nói nhỏ: ‘‘Em cũng sợ tình yêu lắm Hoàng ơi’’. Chị trừng mắt : ‘‘Ê, bậy nào!’’. Làm sao chị hiểu được cái dấu ấn đã đóng rập lên linh hồn tôi vào buổi trưa hè, trong vườn ổi thơm năm ấy.

Gần mười năm sau, chị Hoàng rời quê hương đi đoàn tụ với mẹ và anh. Thỉnh thoảng chị viết cho tôi một tờ thư ngắn kể sơ về cuộc sống. Không than thở, cũng không rạng chút niềm vui. Rồi thư thưa vắng, chị bảo chẳng có gì hay ho để kể. Tôi thở dài, tôi cũng thế thôi. Khi chị xa dần số tuổi ba mươi, tôi nghĩ chị Hoàng đã chọn con đường lầm lũi cho mình. Nào ngờ, một lá thư rất gọn vượt đại dương đến báo tin: Chị đã gặp anh Nguyên. Tháng bảy mùa ngâu, chị đi lấy chồng em ạ.

Lấy chồng rồi, chị Hoàng chạy theo những di chuyển không ngừng của anh Nguyên. Anh dời đổi chỗ làm luôn luôn, hết miền tây sang miền đông của cái nước non rộng không biết bao lần cái xứ tôi ở. Tôi hẹn sẽ sang thăm chị và xem mặt anh Nguyên, từ hè này qua hạ khác. Cũng có nhiều khi, trong dòng đời băng băng, tôi cố kìm mình đứng lại. Giữa chặng ngừng ngắn ngủi ấy, không có gì gọi kêu tha thiết bằng những hồi tưởng lặng thầm về quê nhà và quá khứ tuổi thơ. Trong quá khứ ấy, có tia sáng lung linh từ một góc trời riêng rọi tới, mang theo hình ảnh chị Hoàng tươi mát lẫn khổ đau. Có lẽ tôi chần chờ một lần hội ngộ, vì tôi không dám chạm vào thực tại, sợ một thứ "động hờ sẽ tan". Hay chỉ vì chút nắng còn vương lại trong tôi vốn đã mong manh.

Ba tiếng gõ cửa, tôi choàng dậy. Chị Hoàng vừa bước vào phòng vừa kêu: ‘‘Dậy đi, giờ này thiên hạ đang tưng bừng sống, còn em âm u ngủ!’’ Rồi chị kéo rột mấy tấm màn. Ánh sáng ngoài trời đã dịu. Chiều nay, chị Hoàng mặc chiếc áo trắng điểm hoa vàng li ti. Bây giờ tôi mới ngắm kỹ, chị đẫy đà hơn trước. Tóc cắt ngắn, úp hai bên má. Tôi tiếc những sợi tóc chị dài năm xưa. Lòng mắt vẫn đen nhưng mí hơi sụp xuống. Tuy thế lúc chị cười hãy còn linh động lạ lùng. Tôi chui vào phòng tắm, hỏi vọng ra: ‘‘Hoàng nè, sao tóc chị còn đen thế?’’

‘‘Nhuộm đó. Ta tra rồi mi ơi, chừ còn đen chi được!’’

Tôi mỉm cười, chao ơi chị Hoàng bây giờ nói pha tiếng Huế. Nghe đâu anh Nguyên gốc Huế năm đời.

Chúng tôi đi dọc theo bờ biển. Buổi chiều tung gió mát. Những con hải âu cánh xám, không sợ người, xà ngang mặt cát. Chúng to lớn, kềnh càng, nhưng từng con một gục gù đơn độc. Trong khi ở nơi tôi, loài chim biển trắng bé nhỏ họp nhau bay từng đàn. Chị Hoàng bảo lên xe, rồi chạy vòng mấy con đường phố chính tràn đầy du khách. Tôi bâng quơ nhìn những khách sạn cao ốc vươn lên nhiều tầng, và bao nhiêu cửa hiệu đã sáng rực ánh đèn. Chị Hoàng chỉ trỏ, giới thiệu từng nơi như một chuyên viên du lịch, thật khác hẳn cô gái nhỏ nhẹ bẽn lẽn năm xưa. Tôi ngạc nhiên:

- Sao mới ở đây ba năm mà chị rành thế, đi chơi nhiều lắm hả?

- Nhiều chi. Anh Nguyên có cho đi mô. Mỗi lần khách trong đất liền ra, chị giở mấy cuốn sách du lịch học trước. Vài lần bắt nhớ chứ chi. Mà xứ ni nhỏ xíu, bằng nắm tay, sợ em ở hai ngày đã chán.

Tôi sẽ mau chán không? Tôi mãi lãng đãng lênh đênh như chị Hoàng biết tính. Chị đang huyên thuyên chợt kêu hoảng:‘‘Chui cha, anh Nguyên chừ ở nhà rồi. Hai cha con chờ mình, về thôi em hỉ?’’

Con đường đến nhà chị qua những khu biệt thự dựng sát bờ biển, ẩn mình sau bao nhiêu loại cây và hoa thường chỉ gặp ở miền nhiệt đới. Bắt đầu khúc quành này, tôi ngỡ ngàng xúc động. Những cây phượng đầy hoa như một áng trời đỏ cam rực rỡ trước mắt. Không biết đã bao năm, tôi mới thấy lại màu phượng đằm thắm thế này. Ðôi lần trở về quê hương, tôi tìm đến ngôi trường cũ. Một góc sân trường vẫn còn gốc phượng già. Nhưng có phải, những sinh lực được hấp thụ từ bao tâm hồn học trò non trẻ từng tụ tập dưới chân cây, giờ đã tiêu hao. Chúng tôi dần dần từ bỏ nó ra đi. Cây chẳng còn gì nuôi sống, nên mỗi mùa hoa chỉ nở vài cành như một hoài niệm mà thôi.

Căn nhà chị Hoàng xinh xắn, vườn trước vườn sau với những cây dừa và hoa sứ. Anh Nguyên ra mở cửa. Thằng bé Ðan, mười hai tuổi lấp ló đằng sau. Hắn ngăm đen như thổ dân đảo này. Anh Nguyên chìa tay ra, tôi vội vàng nắm lấy, mắt không rời vầng trán cao trên đôi mắt hiền từ. Anh toát ra vẻ gì điềm đạm, tín cẩn. Bỗng dưng tôi cảm thấy yên tâm. Chị Hoàng lăng xăng bầy cơm. Ðây, em phải ăn món này, đó, em nếm thứ kia đi. Anh Nguyên ngồi trước mặt, ăn chậm rãi. Tôi tiếp thức ăn vào bát anh, anh đẩy lui, từ chối. Chị Hoàng vội nói:

- Quên, không cho em biết, anh ni phải ăn kiêng, bệnh dị ứng nặng lắm. Ăn bậy là khó thở ngay! Rồi chị kể một thôi, nào anh bị áp huyết cao, anh bị đường nhiều trong máu, nào cholestérol...Tôi ngạc nhiên:

- Kiêng gì mà kinh khiếp vậy, cả rau cỏ nữa sao? Em thấy nãy giờ anh chỉ ăn toàn cá nướng thôi.

Anh Nguyên cười tội nghiệp: ‘‘Có chi mô, quen rồi cô ạ. Kiêng để sống lâu với vợ con. Hoàng, hắn sợ tui chết lắm!’’. Chị Hoàng bỏ đũa, nắm lấy tay anh, giọng ướt sượt:

- Ba Ðan à, em không thích anh nói gở ri đâu!

Những hôm sau, ban ngày hai chị em chạy chơi mọi nơi, tắm biển, dạo phố, ăn hàng, thăm viếng phong cảnh. Và tôi kéo chị đến chơi với vài người bạn quen trên đảo. Nhưng chiều nào, cứ tới giờ, chị cũng lật đật, về thôi, nấu ăn cho anh Nguyên. Tôi chặc lưỡi: ‘‘Cơm cho anh dễ ợt, có gì đâu mà làm’’.

Chị nghiêm trọng:

- Phải nấu đàng hoàng, không giỡn đâu em.

Tôi cằn nhằn: ‘‘Ăn là cái thú nhất. Chị bắt ảnh kiêng quá, còn gì là đời. Em, thà chết sướng hơn.’’

Chị cười: ‘‘Trông mi như con cò con, mà nói ngon. Nì, ở đây lâu hơn, ta nuôi mi cho mập!’’.

Tôi xua tay:

-Thôi, em không ham. Bữa nào cũng nhìn một đống thức ăn trước mắt, trong khi anh Nguyên có mỗi đĩa cá nướng trần, em chịu gì nổi. Chị ăn vậy mà chịu được sao?

- Thì, chị cũng ăn cùng với anh như thế, ủng hộ tinh thần mà.

- Còn cháu Ðan?

- Nó ăn trước. Lâu lâu, chị thèm quá, hai mẹ con chờ anh đi làm rồi, bày ra ăn đủ thứ.

***

Ðêm trước ngày từ giã chị rơi trúng đêm rằm. Anh Nguyên sùng đạo, cả nhà ăn chay. Sau bữa cơm chiều, anh chị đề nghị đưa tôi đi chơi đêm lần cuối. Tôi từ chối, kêu mệt. Chị Hoàng bầy chiếc bàn nhỏ ra sân để cúng rằm. Trong khi chị thắp hương, tôi ngồi trên bệ cửa. Trăng trong vắt, rải đầy trên cây cỏ. Hồn tôi rưng rưng khi nhìn ánh trăng sáng trên những bông sứ rơi rụng đầy sân. Tôi thầm ước, phải chi có thêm loài hoa mận nữa, cho tôi cảm thấy màu trăng càng trắng hơn, hay mang vẻ huyền ảo của những vần thơ thân thuộc đang khẽ khàng âm vọng trong tôi.

Chị Hoàng lặng lẽ đến ngồi bên cạnh lúc nào không hay. Gương mặt chị nghiêng nghiêng trong ánh trăng. Vẻ hiền hậu, lắng đọng ở một người đàn bà đã đạt tới sự bình yên. Suốt mấy ngày chúng tôi đã kể với nhau về cuộc sống của mỗi người. Nhưng có đôi điều, như vết thương xưa, hay một chút cảm giác có thể gọi là hạnh phúc, thì tôi vẫn loanh quanh, chưa hỏi được. Ngoài tiếng gió xao động trên cành lá và mấy chú chim sục sạo trong các lùm cây, đêm êm ả vô cùng. Chợt tôi thấy những câu chưa hỏi kia không cần thiết nữa.

Mãi một lúc lâu, chị Hoàng đưa tay quàng qua vai, rồi vuốt mái tóc tôi. Vỗ về, gượng nhẹ. Tôi không thể cầm giữ những giọt nước dâng lên trong mắt. Hoá ra dù không gian chia cách, dù đã bao tuổi đời, chị vẫn âm thầm ở bên tôi tựa ngày thơ trẻ. Như chia nỗi xúc động, chị Hoàng cầm lấy bàn tay tôi và nói thật khẽ:

- Tay em sao lạnh thế! Nì, khi nào anh Nguyên khỏe hơn, chị sẽ sang thăm.

Chị yên lặng một chút rồi chậm rãi:

- Chẳng phải cuộc đời không thể khác. Cũng không phải điều gì chúng ta chạm vào cũng sẽ vỡ tan, cũng là một nỗi đau hay thất vọng. Ðừng khăng khăng từ chối nó.

Có tiếng tôi vâng dạ mơ hồ. Những đoá hoa sứ nằm trên thảm cỏ bấy giờ như đang lớn dần lên, trước đôi mắt tôi ướt đẫm. Cánh hoa càng nở bung nguyệt bạch thì nhụy vàng lại thẫm đi như đã hút thêm bóng tối. Cuối cùng, chị Hoàng kéo tay tôi đứng dậy:

- Chị đưa về khách sạn nghỉ thôi, kẻo ngày mai em mệt trên chuyến bay.

Trước khi vào nhà, tôi cúi xuống nhặt lấy một bông hoa. Hôm đầu chị Hoàng đã bảo, hoa sứ ở đây không hăng như quê mình. Tôi cố tìm chút hương thoang thoảng. Anh Nguyên không đi theo như những tối trước. Anh tế nhị, để hai chị em chuyện trò thêm đêm cuối. Xe lại qua những con đường đầy phượng vĩ hai bên. Câu nói lúc nãy của chị Hoàng rất nhỏ nhẹ như hơi thở, thế mà đã dấy động trong tôi nỗi rưng rưng kỳ lạ. Một khuôn mặt, một nụ cười từ nơi xa, bỗng nao nao về đậu trên đoá hoa tôi vẫn cầm trong tay. Lại mong ước giá là hoa mận.

Bâng quơ, tôi quay sang hỏi:

- Bên này có trồng mận hay ổi không Hoàng?

- Mận xứ mình chị không thấy, nhưng ổi thì có.

Tôi thầm nghĩ, chắc chẳng phải ổi lòng đào! Cả hai cùng im lặng. Bất ngờ giọng chị Hoàng khe khẽ :

- " Những cây ổi thơm ngày ấy...và vườn hoa ngâu mưa thu " (3). Em à, một lần, chị đã gặp lại anh Tố.

Không biết sao, tôi chẳng mấy ngạc nhiên. Có lẽ, hiểu chị Hoàng từ hồi nhỏ, tôi đã linh cảm được sự bình yên thanh thản kia của chị chỉ có thể bắt đầu từ một điều như thế. Tôi không vội vã, biết rằng chị sẽ kể.

- Bao năm ở quê hương và quê người chẳng hề gặp lại. Vậy mà một năm sau đám cưới, hôm ấy chị vào siêu thị đó lần đầu. Cuối dãy hàng thực phẩm, chị bỗng thấy anh Tố đứng đầu kia. Anh ấy vẫn vậy, chị nhận ra ngay. Còn chị, chắc đã đổi khác quá nhiều, ảnh ngỡ ngàng một lúc. Bấy nhiêu câu hỏi dồn ứ, tích đọng trong ngần ấy thời gian. Chị cứ nghĩ rằng, một ngày, chị phải hỏi cho ra, phải tìm cho hiểu. Thế nhưng, khi một người đàn bà trang điểm kỹ lưỡng, vững chắc, mập mạnh đi đến cạnh anh Tố, để bỏ thêm đồ đạc vào chiếc xe đẩy, thì những sôi sục từ thuở nào bỗng nhiên nguội lạnh. Chỉ qua giây phút đó thôi, tất cả như bị nhúng vào một hồ nước mùa đông. Chị quay người ra khỏi siêu thị. Trời đổ cơn mưa nhỏ, chị đứng lại dưới mái hiên. Mưa giống khi xưa còn ở Ðà Lạt, có anh Tố lên thăm. Hai đứa đội chung áo mưa trên đường đến quán cà phê gần chùa Linh Sơn. Em có đến đó rồi, còn nhớ chăng M.? Không ngờ phút chốc, những hồi tưởng từng làm đớn đau quay quắt lại có thể rơi xuống nhẹ nhàng như những hạt mưa trời dìu dịu. M. ơi, chị sung sướng nhận ra rằng, mọi sự đã vào trong thinh lặng, đã là chuyện cổ xưa.

Tôi bâng khuâng quay sang nhìn chị. Thật sự tôi không hiểu mình buồn hay vui. Nếu tôi buồn, chắc vì tôi quá lãng mạn. Nếu bảo tôi vui, thì sai sự thật. Bởi tôi đang ngậm ngùi với hình ảnh chị Hoàng đã bứng đi cả một vườn ổi xanh xưa.

Sau khi hai chị em chia tay, tôi muốn đi ngủ sớm, hay nhấc điện thoại để nói với một người về hoa mận trắng, về những cành phượng đỏ ối trong tôi với nỗi buồn khó tả. Nhưng vẫn tiếc rẻ một đêm trăng và không khí ấm, tôi mặc vội áo tắm, chạy xuống bãi biển. Còn một vài người đang tắm đêm. Ðèn hắt ra từ những quán nước của các khách sạn quanh đây. Chiếc khăn tắm rộng quàng trên vai, tôi đứng nhìn biển đen thẵm ngoài xa và hít không khí thật sâu vào người. Vẫn chẳng có chút mùi rong rêu sò ốc của biển mặn. Tôi đã đến nơi này, rồi ngày mai sẽ đi, thật chóng vánh. Chị Hoàng kèo nài đòi tiễn tôi ra phi trường, nhưng tôi cản lại. Anh Nguyên không đi làm chiều mai, sẽ về ăn trưa. Và tôi thích chị ở nhà dọn cơm cho anh. Mấy ngày nay, tuy hay chế diễu, tự nhiên bây giờ, tôi nghiệm ra ý nghĩa trong cử chỉ săn sóc nhưng nghiêm ngặt, bắt anh Nguyên kiêng thứ này, cữ thứ kia, của chị Hoàng. Tôi mỉm cười mường tượng lại những đối đáp của họ. Nhiều lúc chị Hoàng cố tình đùa nghịch, gọi kêu anh bằng cái giọng ngọt ngào dẻo kẹo trước mặt tôi. Còn anh thường đáp lời chị ngắn gọn, vụng về nhưng kèm theo con mắt rất dài.

Sóng không còn động như buổi chiều, chỉ lăn tăn liếm láp bờ cát. Mặt nước yên ả, dập dềnh ánh trăng. Trong làn sáng bạc ấy, tôi nhìn thấy hình ảnh những con cá phơi mình óng ánh. Không phải trong lưới nắng, nhưng tựa hồ cũng phập phồng hơi thở. Cá kia chắc đang mong mỏi một bàn tay độ lượng gỡ thả chúng về thế giới thênh thang. Bỏ tấm khăn rơi trên nền cát ẩm, tôi lao vào nước trăng, chìm ngay trong biển. Ði tìm.

Mai Ninh

những chuyến bay, mùa hạ 98.

……………………………

(1) Thơ Vũ Hoàng Chương.

(2) Truyện ngắn Cung Tích Biền.

(3) Thơ Quang Dũng.

Nguồn: http://amvc.free.fr/

Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003