Nov 21, 2024   log in
 
home
thơ
danh sách tác giả
nhạc
truyện ngắn
biên khảo,phê bình
điểm sách
phỏng vấn
quan điểm
sinh hoạt văn học

ban biên tập
tìm kiếm
thư tín
giới thiệu sách báo
 
 
  Truyện/Ký
NHỮNG CẢNH ĐẸP MIỀN NÚI LỬA HAWAII
NGUYỄN THỊ XUÂN-NGA

Kỳ nghỉ Hè năm nay, gia đình tôi chọn miền Hawaii. Chuyến đi chơi này còn có thêm ông bà than-gia nữa, tất cả là 7 người. Lúc 6giờ 45 phút ngày 19 tháng Tám năm 2006, xe “limousine” đến đón chúng tôi để chở ra phi-trường Philadelphia, thuộc tiểu-bang Pennsylvania. Trước đó một tuần lễ, đài truyền hình loan báo là bọn khủng-bố định dùng chất lỏng để làm bom phá máy bay do đó những hành-lý xách tay đều không được mang theo nước uống, juice, sữa, ngay cả thuốc đánh răng, keo xịt tóc, phấn nước, son… cũng bị cấm mang theo lên máy bay. Nhìn trên đài truyền hình chiếu thấy hành khách bị quẳng lại những đồ dùng cá nhân đi rất nhiều đầy cả thùng rác! Bữa đó ra phi-trường mà lòng cũng thấy hơi lo lo. Khi đến nơi mới được biết là chuyến bay 1281, khởi hành lúc 9 giờ 45 để đi Dallas, TX bị bãi bỏ, nên phải đi chuyến 1759 khởi hành lúc 11 giờ 15 phút. Chắc có nhiều người bỏ chuyến bay nên phi trường thấy vắng, khám người và hành-lý xách tay chỉ mất chừng 15 phút thôi. Sau khi ăn trưa xong thì được gọi lên phi-cơ. Hôm đó nắng đẹp, trời trong xanh, vì đi về phía Tây Nam nên nắng rất gắt, sờ vào thành cửa sổ mà bỏng cả tay. Lúc 2 giờ chiều tại Texas, máy bay trước khi đáp xuống phi-trường Fort Worth còn bay lượn vòng quanh thành phố, trông thật to lớn với nhà cửa san-sát, cây cối xanh ngắt. Vì phi-trường quá rộng nên khi đổi máy bay phải lên lầu 3 rồi dùng xe điện skylink đến cổng 20 sau đó còn phải đi bộ tới cổng 16 mới lên máy bay. Hôm nay Texas nóng tới 102 độ, 3 giờ rưỡi máy bay cất cánh để tới Los Angeles. Ở cạnh cửa sổ có một chỗ trống nên tôi bèn đổi ra ngồi ở đó, do đó tha hồ mà ngắm cảnh. Nhìn xuống dưới thấy cây cối vườn tượt xanh rì, thỉnh-thoảng lại thấy một hồ nuôi cá. Bay chừng một tiếng rưỡi đồng hồ thì qua một vùng toàn là núi đồi với đá màu vàng, màu xanh, không thấy nhà cửa, cây cối gì cả, có lẽ là vùng sa-mạc. Bay khoảng vài giờ nữa thì qua một vùng có sông, lạch nước trong xanh, thuyền bè đi như mắc cửi. Khi còn cách Los 120 cây số thì thấy đá đen và cát vàng. Khi tới phi-trường Los Angeles, lúc 6 giờ chiều lại phải đổi một chuyến máy bay nữa để đi Hawaii. Cuộc hành trình này thật là dài và diệu vợi. Lúc 8 giờ rưỡi địa phương, máy bay đáp xuống phi-trường Kona thuộc đảo Big Island của Hawaii. Phi-trường Kona rất nhỏ, từ máy bay xuống hành khách phải đi bộ ở ngoài sân để đến chỗ lấy hành-lý, đó là một khu lộ thiên. Tại phi-trường này chỉ có một căn nhà nhỏ có mái lợp ngói đỏ là chỗ cho hành khách tới làm thủ-tục gửi hành lý, tuy nhiên cái nhà này ba bề đều không có tường ngăn và không có cửa. Trên trần có quạt máy chạy vù vù và ở dưới đất họ đặt thêm mấy cái quạt đứng to tướng để thổi bớt sức nóng ra. Bên cạnh căn nhà này họ đặt mấy dẫy ghế dài để cho khách ngồi chờ, phía trên có mái che, nhưng nếu gặp trời mưa thì nước sẽ hắt vào. Ở sân phi-trường được trồng những cây palm thấp, lá xòe to phía giữa là một cái bệ bằng xi-măng, trên có tượng của mấy người đàn bà mặc váy bằng lá chuối đang múa. Ngoài ra cũng còn trồng nhiều cây hoa đại màu vàng, màu trắng…Chúng tôi lấy hành-lý rồi đem đến lề đường để chờ ông suôi và con rể tôi đi thuê xe. Vì không có loại xe van nên phải thuê hai xe. Ðồ đạc quá nhiều nên hai xe đều chật ních.

Sáng ngày 20 tháng 8, cả nhà kéo nhau đi ăn sáng tại nhà hàng Java On The Rock ở bên bờ biển. Ngồi ăn ở ngoài trời, gió buổi sớm mai thổi mát rượi, nhìn những đợt sóng lăn-tăn đập vào những ghềnh đá làm nước bắn tung trắng xóa, thấy lòng xúc động vô cùng vì cảnh ấy sao giống cảnh biển ở Ðồ-Sơn thế. Bên bờ biển những cây hoa phượng đỏ rực trên cành làm cho lòng nao nao buồn khi nghĩ đến những ngày Hè năm xưa được nghỉ học về nhà ở Hải-Phòng, thường được ngắm hoa phượng nở trên cây phượng ngay trước cửa nhà.
Chúng tôi cư-ngụ tại Fair Field Resorts ở tỉnh Kona thuộc đảo Big Island, có tên là Royal Sea Cliff Resort. Những dẫy nhà được xây ngay cạnh bờ biển. Mỗi buổi sáng, tôi thường dậy sớm, ra ngồi trên bao-lơn niệm Phật, được ngắm cảnh biển lúc sớm mai, xanh lơ, sóng lăn-tăn rì-rào vỗ bào bờ, thỉnh-thoảng lại thấy một du thuyền phăng phăng lướt sóng. Phía trước mặt là những dẫy núi, nhà được xây cất san-sát từ triền núi lên đến gần đỉnh. Xen lẫn âm-thanh của biển cả là những tiếng chim hót ríu-rít thật vui tai. Trên mái hiên, nhiều loại chim đang nhẩy-nhót hoặc đứng rỉa lông rỉa cánh. Những con chim gáy màu nâu bụ-bẫm, những con chim khuyên nho-nhỏ, những con sáo mình đen, mỏ vàng thi nhau hót véo-von. Những con chim quốc cứ kêu ra-rả tối ngày. Ngồi nơi đây cảm thấy lòng vô cùng thanh-thản. Khoảng cách giữa hai dẫy nhà, họ làm thác nước chảy róc-rách, tạo những khe suối nho nhỏ cho cá vàng tung-tăng bơi-lội. Bên bờ thác là những cây chuối cảnh xanh mướt, cây đu-đủ quả chíu-chít, cây cau mọi hoa màu trắng,những trái nho-nhỏ buông thõng xuống, hoa dâm bụt màu đỏ, vàng, hoa mào gà đỏ chót, và nhiều thứ cây miền nhiệt đới được trồng thứ-tự và đẹp mắt. Trong vườn cũng có mấy cây xoài và mãng cầu Xiêm. Cách bờ biển chừng dăm thước có một hồ bơi lớn ngoài trời. Quanh hồ bơi họ để khoảng năm chục cái ghế, có dù to che nắng để mọi người có thể nằm nghỉ sau khi bơi. Ngay cạnh hồ bơi họ kê mấy dẫy bàn dài để du khách có thể ăn “picnic” tại đó . Ở đây có hai cái lò nướng rất lớn. Nơi này họ cũng dùng làm chhỗ họp; mọi người được mời tới đó để họ giới thiệu những chương trình và nơi đặc biệt của vùng. Trong thời gian giới thiệu mọi người được ăn bánh ngọt, uống nước cam, cà-phê, và ăn dứa, đồng thời cũng được nghe họ đánh đàn, hát. Một ngườI đàn bà mặc váy bằng lá chuối, tóc cài hoa đại tím, cổ đeo vòng hoa trắng, chân đi đất rồi nhẩy điệu vũ của Hawaii rất uyển-chuyển, mền mại. Trên mặt bàn họ để từng đống hoa đại màu cà tím mới hái để cho mỗi người tự sâu cho mình một vòng hoa đeo cổ.

Ði Tầu Ngầm.
Trưa ngày 21 tháng 8, lái xe đến bến tầu, chờ đợi khoảng 15 phút, lúc 1 giờ, mấy chục người được chiếc tầu nhỏ chở tới ngoài khơi, chỗ tầu ngầm Atlantis Submarines đang đậu. Khi hai tầu kề sát nhau, chúng tôi phải dùng cái thang dây để leo sang tầu ngầm. Cái thang này nhỏ hẹp và cứ đu đưa nên bước thật khó, tôi phải bám chặt hai bên thành thang để khỏi ngã. Khi mọi người đã lên hết thì tầu bắt đầu di chuyển ra xa và cứ vừa đi vừa lặn từ từ xuống nước bắt đầu 4 feet và thuyền trưởng luôn cho biết là đang lặn xuống ở độ sâu nào. Tầu xuống sâu tới 100 feet. Hai bên thành tầu toàn bằng kính, trong nên nhìn ở dưới nước rất rõ. Nước trong vắt, cá tung-tăng, lúc-nhúc bơi lội thành từng đàn; những con cá chim to màu vàng tươi, đen tuyền, có con màu đen vằn vàng, những con cá đuôi vàng, đuôi đỏ, đuôi tím rất đẹp, chúng bơi thành từng đàn thật đông. Còn được nhìn những con rùa đang thanh thản bơi, những con star fish màu vàng nghệ. Ngoài ra dưới đáy biển còn được thấy nhiều cây san hô tím, trắng, xanh...tuyệt đẹp. Tầu cũng còn đi qua một chỗ có một cái tầu bị chìm từ hồi Ðệ Nhị Thế Chiến, nằm chúi đầu xuống, rất nhiều cá đang luồn lỏi trong những khe tầu.
Nửa giờ sau thì tầu quay lại rồi từ từ nhoi lên dần, khi còn cách mặt nước 4 feet thì áp sát vào tầu nhỏ để tất cả lên tầu đi vào bờ. Thủy thủ đoàn giơ tay vẫy mãi cho đến khi tầu của chúng tôi cập bến, lúc đó thì nhìn thấy họ rất nhỏ vì ở mãi ngoài khơi.

Ði ăn tối tại Volcano House.

Lúc 4 giờ 15 phút ngày 22 tháng 8, chúng tôi được xe buýt đón. Xe buýt này lớn, sau khi đón chúng tôi, trên đường đi họ tiếp tục đón nhiều người ở các nơi khác nữa, tổng cộng hơn năm chục người. Xe chạy qua những khu phố có nhiều tiệm ăn, tiệm kim hoàn, nhà thờ, khách sạn và chạy dọc theo bờ biển. Chừng 20 phút sau xe bắt đầu leo dốc, con đường ngoằn-ngoèo nhỏ hẹp, chỉ đủ chỗ cho hai xe tránh nhau mà thôi. một bên là núi, một bên là biển. Vách núi toàn là đá đen thui trên đó mọc lên những cây sương rồng lá to hoa màu vàng, có những hoa tuơng tự như hoa mào gà màu đỏ chót. Xe cũng chạy qua một vườn cà phê rộng lớn bên bờ biển. Ở vùng Kona này nổi tiếng là có cà-phê ngon. Trên đường đi cũng gặp nhiều cây avocado quả xanh chíu-chít trên cành. Những cây đu đủ rất sai trái, những cây chuối tươi tốt, những cây mía còn nhỏ mọc chúm chụm vào nhau, thật nhiều những cây đại hoa màu trắng, màu vàng, màu đỏ, hoa đặc biệt của xứ Hawaii mà họ thường sâu thành chuỗi để đeo. Nhiều cây phượng vỹ, hoa nở đỏ rực kín cả cành. Khoảng một giờ sau thì đến một vùng rộng mênh-mông toàn là đá đen do núi lửa phun ra, không cây cối, sau đó lại tới một vùng mà cây cối đã bị dung nham của núi lửa thiêu đốt, chỉ còn trơ lại những thân cây đen thui. Ở giữa những cây khô héo đó lại mọc lên rất nhiều những cây xương rồng khổng lồ mọc từng khóm, lá tròn, to hơn bàn tay, tỏa rộng đến nửa thước. Ði lên cao hơn nữa thì gặp một vùng có cỏ vàng mền mại với những con bò vàng, trắng đang thong thả gặm cỏ, cũng gặp cả một đàn cừu nữa. Xe chạy qua tỉnh Parker Ranch có nhà cửa trù-phú, có nhà thờ, trường học, sân đánh bóng. Xe chạy qua vùng đá đen, nhìn xuống thung-lũng chỉ thấy sương mù dầy đặc. Sáu giờ chiều thì xe dừng lại tại Volcano House.
Volcano House được xây trên sườn núi lửa trong một vùng rộng lớn, nuôi nhiiều bò, và dăm con ngựa. Tại đây có trồng một loại thông rất lạ chưa từng gặp ở đâu. Lá thông mềm-mại rủ xuống như cây liễu, có cây lá xòe ra như cái tháp mà cọng lá lại to và mập chứ không nhỏ li-ti như những cây thông thường gặp. Khi khách tới nơi thì họ, nói Aloha rồi mời uống nước táo hoặc uống rựơu. Tiếng Aloha ở Hawaii có nhiều nghĩa, có thể là xin chào, là cám ơn hoặc là tạm biệt. Bởi vậy khi gặp bất cứ người Hawaii nào họ cũng nói như vậy. Trẻ con được cưỡi hoặc sờ vào những con ngựa. Sau đó tất cả được mời vào ngồi ăn trong một căn nhà trống, chỉ có mái chứ không có tường chắn. Thực đơn gồm có khoai nghiền, rau trộn, bắp luộc, đậu đỏ, gà, bò. Tráng miệng có cà phê, nước trà, bánh pine có “nuts” rất ngon. Trong khi ăn uống thì ca sĩ vừa đánh đàn vừa hát những bài “country songs”. Họ cũng dẫn một con heo mập mũm-mĩm ra để nó biểu diễn. Sau khi ăn xong mọi thực khách được mời lên tập trung lại để họ dậy nhẩy. Khi chúng tôi trở lại đến nơi cư-ngụ thì vừa đúng nửa đêm.

Thăm núi lửa.

Ðảo Big Island này có 3 ngọn núi lửa, 2 cái lớn và một cái nhỏ. Các con tôi mướn nhà ngay tại chỗ núi lửa trong 3 ngày hai đêm để tiện việc đi quan-sát. Sáng ngày 23 tháng 8, khởi-hành từ Kona theo quốc-lộ 19. Trước khi ra highway, thấy trong thành-phố có trồng nhiều cây hoa gai vàng, tím, đỏ, hoa dâm bụt trắng, đỏ, hoa đại hồng, vàng trông rất vui mắt. Cũng có nhà trồng những cây xoài những trái to chẩy thõng xuống. Sau khi qua khỏi phi-trường Kona thì thấy hai bên đường do dung nham (lava) chảy qua lúc núi lửa phun nên trở thành đen thui như than đá vậy. Khi tới tỉnh Kailua-Kona thì quốc lộ 19 trở thành quốc lộ 11. Năm 2003, núi lửa phun, dung nham liếm bao trùm cả một khúc đường của quốc lộ 19 và chẩy lấn ra biển, làm cho đảo rộng thêm. Nơi đây mặt đất nứt nẻ, nhưng lạ thay giữa vùng đất đá mênh-mông đó lại mọc lên những cụm hoa gai đỏ chót rất dễ thương. Xe lái qua một vùng thung-lũng ở phía dưới có nhà cửa, cây cối, vườn tược rất trù-phú. Lúc 12 giờ rưỡi thì chúng tôi tới Volcano Farm. Ðó là một căn nhà lớn có 2 phòng ăn rộng, tủ lạnh và bếp với 8 phòng ngủ. Chúng tôi thuê 3 phòng, mỗi phòng đều có buồng tắm, có hai giường đôi hoặc một giường “king size”, mỗi ngày phải trả 350 đồng. Phía sau căn nhà là một khu rừng cây cối um-tùm.
Sau khi ăn trưa xong, chúng tôi bắt đầu đi thăm các nơi đã xẩy ra núi lửa. Có nhiều chỗ tuy núi lửa đã tắt nhưng khói vẫn còn tuôn ra ngày đêm khiến cho cả một vùng trời ở đó trở thành màu xám. Có một cái hố rộng, chiều dài khoảng thước rưỡi, chiều ngang gần một thước, khói trắng đục luôn tỏa ra, cúi nhìn xuống hố thì thấy sâu thăm-thẳm. Có những khoảng đất rất rộng cả mấy chục cây số từ mặt đất có rất nhiều khe hở, khói tuôn lên mù mịt, và có thể ngửi thấy cả mùi thán-khí nữa. Chúng tôi ăn trưa tại Volcano House. Từ đây nhìn xuống phía dưới quan sát được toàn thể vùng núi lửa bao la với những khối đá đen to, những viên nhỏ. Người ta khuyến cáo là du khách đừng bao giờ lấy những viên đất đá đó đem về nhà vì rất xui-xẻo. Họ cho biết trước kia có nhiều người đã lấy những viên đá về sau gặp tai nạn, có người bị chết nên họ gửi trả lại những viên đá đó. Ở miền núi lửa này có nhiều những cây fern khổng lồ, thay vì những cây thông thường mọc thấp lè-tè ở mặt đất thì những cây ở đây lại mọc cao tới hơn 2 thước, lá xòe rộng cỡ nửa thước. Chúng tôi cũng ghé thăm một cái “park” mà năm 1970 núi lửa phun, dung nham chùm lên cây-cối ở đây làm cho cây bị chết biến thành những cái”mold “có hình thù rất lạ, có cái giống như hình một người đang đứng. Có mấy cây cổ-thụ bị dung nham làm chết, người ta kéo cây lên, tạo thành một cái hố rất sâu như cái giếng, những chỗ đó được quây chung quanh lại để cho du khách xem.

Ði thăm thác.
Ngày 25 tháng 8, trả nhà và trở lại Kona. Trên đường về thấy những cây cổ thụ, rất lớn, cành lá xòe tròn xoay tỏa rộng như cái lọng, đường kính mấy chục thước. Con đường đi bên phải là biển với hàng dừa cao vòi-vọi, bên trái là dẫy núi cao. Cây cối trên núi tươi tốt lắm. Ở Hawaii này chỗ nào cũng thấy mía; hai bên đường thường thấy những cây mía mọc rậm rạp trông cứ tưởng là cỏ lau. Chúng tôi ghé Hilo để xem thác Railbow Fall. Sở dĩ có tên như vậy vì buổi sáng khi ánh nắng mặt trời chiếu vào thì thác có hình cầu vồng rất đẹp. Thác Peepee Falls Boiling Pot, thác đẹp, có hai ngọn nước cùng chảy từ rất cao xuống và khi xuống đến dưới thì nước sủi lên trắng xóa như nước đang sôi nên mới có tên là Boiling Pot. Ở thác này có nhiều cây ổi, quả nho-nhỏ, chín vàng. Trên đường trở lại Kona cũng còn ghé thăm hai thác nữa là Akaka Falls và Kahuna Falls. Con đường đi lên hai thác này cây cối rậm-rạp nên mát mẻ, những khóm tre gìà cao vút, vàng suộm, thân cây bám đầy rêu xanh. Con đường lên thác hẹp, có bực nên cũng dễ đi. Thác Akaka từ trên độ cao 60 feet đổ xuống phía dưới rồi chẩy qua các bực đá tạo thành một con suối nhỏ. Thác Kahuna ở độ cao 80 feet đổ xuống thành một dọc dài trắng xóa. Khi đi gần tới thác là đã nghe thấy tiếng nước chẩy rào rào.

Những bãi biển ở Hawaii.
Buổi trưa ngày 26 tháng 8 chúng tôi đến tắm ở bãi biển Kahalu’u Bay’s Corals. Chỗ đậu xe rất gần mà không phải trả tiền. Trên bờ biển có hai căn nhà to, họ kê 10 cái bàn dài gắn liền ghế hai bên nên ngồi nghỉ hoặc ăn uống rất thoải mái mà không bị nắng. Cát vàng nhưng không mịn nếu đi chân không trên đó thì nghe lạo-xạo và thấy đau. Bên bờ biển cũng có những tảng đá thoai-thoải, trên bám đầy rong rêu(corals) nếu bước nhầm vào đó thì rất trơn, có thể bị ngã. Nước biển mát rượi và trong-vắt nên nhìn được rõ những con cá, con rùa đang bơi. Tại đây người ta cũng cho thuê phao và các dụng cụ để lặn. Vài con rùa rất to, thân màu vàng mai màu xanh, chiều dài tới cả thước, sau khi ăn rong rêu xong thì bò lên bờ nằm nghỉ; mọi người tới xem rồi chụp hình mà nó vẫn nằm yên. Mai rùa rất đẹp nhìn như đồi-mồi.
Ngày 29 tháng 8, chúng tôi đi thăm South Point là điểm cực Nam của nước Mỹ. Trên đường quốc lộ 11, cũng gặp những vườn cây trông như là xoài và nhãn. Lái khoảng 2 giờ đồng hồ thì tới một vùng do dung nham chảy qua khu rừng mà nay chỉ còn là một vùng đá đen nhánh, có những hố sâu cao, thấp khác nhau. Khi cách South Point chừng 12 miles thì lại thấy rừng rậm, có nhiều cây mía và ổi, những cánh đồng, trâu bò đang ăn cỏ. Tại đây có một dẫy những cái quạt gíó để làm điện. Miền này gíó thổi rất mạnh về phía Tây làm cho ngọn cây ngả dạt hẳn về một phía trông rất lạ. Con đường dẫn đến miền Nam này nhỏ hẹp và gồ-ghề, là con đường đọc đạo nên khi gặp xe đi ngược chiều phải ngừng lại đậu sát vào lề để tránh nhau. Biển ở đây gíó thổi mạnh nên khi đứng trên những phiến đá để chụp hình chỉ muốn ngã. Nơi đây không phải là chỗ tắm mà người ta chỉ đến để câu cá mà thôi. Sau khi chụp hình, chúng tôi lại quay về, tìm được một tiệm để ăn Pizza. Ở tiệm này họ có một hồ nuôi cá kiểng, những con cá coy của Nhật màu đen, màu vàng, màu trắng có khoang, chen chúc bơi.
Trên đường về, đến Bleach Park để xem biển Punalu’u Black Sand. Bãi biển chạy dài cả cây số, lổn-nhổn vừa đá vừa cát đen thui. Cách bờ chừng mấy thước, có một ghè đá. Tại đây bốn con rùa đang nằm chúm-chụm với nhau. Người địa phương cho biết là rùa thường đến biển này để đẻ trứng.

Ngày 30 tháng 8 đi tắm ở biển Maunakea, là bãi biển đẹp nhất của United States. Bãi biển không được lớn nên có một trạm kiểm-soát, mỗi ngày chỉ cho 30 xe vào thôi nên chúng tôi phải tới đó từ 8 giờ rưỡi. Từ bãi đậu xe, đi bộ chừng 5 phút là tới biển. Con đường đi được láng xi-măng, hai bên có cây cối um tùm như đi trong rừng rất đẹp. Nước biển màu xanh lơ, cát vàng thật mịn màng. Bãi biển có mấy cây bàng rất lớn, cho bóng mát. Ở đây gíó rất mạnh, thỉnh-thoảng lại có cơn gíó nổi lên làm cát bay tung. Biển này có cá mập (shark) nên chỉ được ra sâu tới bụng mà thôi. Ông gác ở bãi biển cho biết có lần có cá mập dài bằng cái thuyền của ông ta. Ông Joe Appleton nói là trong 22 năm chưa bao giờ thấy cá mập xuất hiện thường xuyên như bây giờ. Ông nói, tuần trước có một con tiger shark dài 15 feet, vào gần bờ. Ðó là loại cá mập lớn nhất, có con có thể dài tới 18 feet và nặng tới hai ngàn pounds.

Buổi trưa chúng tôi rời biển Maunakea để đến biển đẹp thứ nhì của nứớc Mỹ là bãi biển Hapuna Beach. Bãi biển này rộng hơn bãi biển Maunakea nhiều nhưng không có cây cối. Phía trên có mấy căn nhà kê bàn ghế để du khách ngồi ăn. Bãi cát ở đây cũng màu vàng và rất mịn. Ở vùng này cũng còn có bãi biển cát xanh nữa nhưng chúng tôi không có dịp đi tới.

Hôm 27 tháng 8, chúng tôi đã lấy vé “air tour”, đi máy bay quan-sát quanh vùng Big Island, nhưng buổi sáng hôm đó trời mưa nên chuyến bay phải dời tới ngày hôm sau. Trưa hôm đó hết mưa, nắng đẹp nên chúng tôi đi ăn tại Hard Rock Coffee rồi sau đó đi “shopping” tại mấy tiệm gần đó. Ðồ ăn ở đây rất đắt đỏ, vì phần lớn đều phải chở từ các nơi tới bằng đường hàng không. Tại tiệm wall Mart bán nửa gallon sữa tươi “organic” $5.45, trong khi ở New Jersey chỉ phải trả từ 3 đồng đến $3.50; một ổ bánh mì vuông “on sale” mà cũng $2.50. Táo $3.00 một puond, chuối mà cũng tới một đồng một pound.

Buổi sáng ngày 28 tháng 8, chúng tôi lái xe đến phi-trường Kona. Máy bay “tour” này nhỏ, chỉ chở được 10 người, mỗi vé 265 đồng. Gia đình tôi gồm 3 người lớn và hai trẻ con nên họ tính đổ đồng là 200 đồng mỗi người. Trong thời gian này hai ông bà suôi gia đi chơi đảo Honolulu. Phi công là một người Nhật, đến Hawaii được 7 năm. Trước khi lên máy bay, mọi người đều phải đứng lên bàn cân để đo trọng lượng kể cả xách tay. Chuyến này có một bà hành khách béo lắm, gấp đôi người thường nên họ chỉ chở có 8 người thôi. Ngồi trên phi-cơ nhìn được rất rõ toàn thể cảnh vật ở trên đảo. Bay qua một khu vực rất lớn, “lava” còn đang chẩy ra màu đỏ như son. Khi bay qua vùng rừng già thì thấy cây cối rậm-rạp. Rồi bay qua vùng núi có hàng chục ngọn thác từ sườn núi chẩy xuống thành những vệt dài màu trắng rồi tạo nên những con suối trông rất đẹp. Ðược nhìn thấy những thung-lũng rộng lớn với vườn cây xanh tốt và nhà cửa san-sát nhau, có khu-vực được ngăn cách nhau bằng những hàng thông mọc thẳng-tắp, những hàng dừa cao vòi-vọi. Rồi qua vùng biển rộng mênh-mông nước xanh lơ, qua vùng núi toàn đá đen, mặt đất nứt-nẻ. Khi qua vùng núi lửa mới tắt, khói tuôn ra mù-mịt, tạo nên đám mây xám dầy, boa phủ cảnh-vật bên dưới. Núi lửa ở đây to gấp trăm lần núi lửa Helene ở Orlando. Vì núi trải rộng nên sườn thoai-thoải, nhà cửa được xây cất từ chân núi lên đến gần đỉnh.
Buổi trưa hôm đó sau khi ăn trưa xong, chúng tôi đi “shopping “ ở tiệm Hilo Hattis. Khi vừa bước vào cửa là được họ choàng cho một chuỗi dây đeo cổ xâu bằng những con ốc biển nhỏ màu trắng. Mua năm mươi đồng thì được tặng một cái túi màu xanh dương hoa in hoa dâm bụt màu trắng để đi biển; phía đáy có một khúc là “couler” nên rất tiện lợi.

Lúc 5 giờ rưỡi, chúng tôi tới khách sạn Sharaton để ăn tối. Mỗi phần ăn $75.00, nếu không muốn xếp hàng để lấy thức ăn, sẽ có người bê đến tận bàn nhưng phải trả $95.00. Khi tới nơi, mỗi người được họ choàng vào cổ cho một chuỗi hạt màu huyền. Những món ăn chơi gồm có sushi, cá, mực sống và một món soup nguội màu xanh nhạt nhách. Món chính gồm có cơm gà, cá thu, thịt bò và thịt heo. Các món ăn đều mềm và ngon. Tráng miệng thì có nhiều loại bánh ngọt và trái cây. Ngồi ăn ở ngoài trời. Chung quanh họ đốt những ngọn đèn phụt lửa lên làm giả núi lửa đang phun. Trong khi hát thì được nghe họ hát xem họ múa rất mềm mại và còn đóng kịch, diễn lại sự-tích Hawaii nữa. Khi bắt đầu ăn tráng miệng thì mưa lâm râm, sau đó thì mưa nặng hạt. Tôi vì sợ lạnh nên luôn mang theo cái jacket mỏng nên mặc vào không bị ướt. Lúc 8 giờ rưỡi khi cuộc trình-diễn kết-thúc thì trời đổ mưa lớn.

Ngày mồng một tháng 9, lúc 5 giờ, chúng tôi đến Royal Kona để ăn tối. Khi ấy trời còn nắng mà tôi lại quên mang mũ nên ngồi ở ngoài trời cũng hơi khó chịu. Ở đây mỗi thực khách được họ choàng cho một vòng hoa tươi màu tím đỏ. Chỗ ăn ngay cạnh bờ biển nên được trông thấy một chiếc du thuyền rất lớn đi qua. Lúc 6 giờ, họ kêu mọi người ra xem chỗ họ nướng heo. Một con heo lớn mấy trăm pounds được bọc nhiều lớp lá chuối tươi rồi bỏ xuống một cái hố đất, sau đó phủ 4 lớp vải dầy và lấp đất lên rồi đốt củi ở trên. Khi họ dùng xẻng xúc đất lên và rỡ vải và lá chuối ra thì thấy một chú heo to tướng được nướng thật nhừ, đủ cho mấy trăm người ăn. Chung quanh chỗ ngồi ăn đều có những ngọn đèn lửa cháy bập-bùng. Món ăn được đặt trên một dẫy bàn dài gồm rau, đậu, dưa leo, nui, cá salmon, thịt heo, thịt bò, thịt gà. Nước dứa rất ngon. Tráng miệng có ba loại bánh pie. Trong lúc ăn cũng được nghe họ hát, nhẩy múa, đóng kịch… Ðặc biệt có một người múa lửa rất giỏi, hai tay cầm hai cây đuốc lửa cháy bùng bùng, Ông ta nhào lộn đủ kiểu rồi còn nuốt lửa, ngậm lửa nữa.

Buổi trưa ngày mồng 2 tháng 9, chúng tôi tới phi-trường Kona để trở về. Từ Kona bay gần một tiếng đồng hồ đã tới Honoululu. Khi gần đến phi-trường thì thấy một cầu vồng lớn rất đẹp. Phi-trường này rộng lắm, có mấy tầng lầu. Sau khi ra khỏi máy bay chúng tôi phải dùng Shuttle để đến lầu 3 rồi từ đây đi thang máy xuống lầu 2 rồi đi bộ đến cổng 17 B. Máy bay American Air Line này to, chở được 300 hành khách, có 3 hàng ghế, 7 chỗ ngồi. Phi cơ cất cánh lúc 6 giờ rưỡi chiều và 6 giờ sáng thì tới Texas. Tại đây cũng phải đi nhiều trạm mới tới máy bay. Thoạt đầu đi bộ đến lầu 3, đi thang máy xuống lầu 2, đi shuttle đến building phía bên kia rồi lại dùng skylink để tới cổng 30 rồi đi bộ đến cổng 37 để chờ lên máy bay. Báy bay rời phi đạo lúc 8 giờ rưỡi sang và tới Philadelphia lúc trưa, hoàn tất cuộc du-lịch 2 tuần lễ. Hơn một tháng sau thì TV chiếu cảnh động đất ở Hawaii, chính tỉnh Kona mà chúng tôi đã ở đó. Thật hú vía!

Nguyễn Thị Xuân-Nga

Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003