Nov 23, 2024   log in
 
home
thơ
danh sách tác giả
nhạc
truyện ngắn
biên khảo,phê bình
điểm sách
phỏng vấn
quan điểm
sinh hoạt văn học

ban biên tập
tìm kiếm
thư tín
giới thiệu sách báo
 
 
  Truyện/Ký
NHỮNG KỶ NIỆM DƯỚI MÁI TRƯỜNG TRƯNG VƯƠNG
NGUYỄN THỊ XUÂN-NGA

Mùa Hè năm 1951, tôi thi đậu bằng Tiểu-Học. Ở Việt-Nam sau khi có bằng Tiểu-Học rồi, muốn nhập học trường Trung-Học Công lập, phải qua một kỳ thi tuyển rất khó khăn vì mỗi trường chỉ nhận mấy trăm học sinh vào lớp Đệ Thất mà trường nào cũng có mấy ngàn người dự thí. Gia-đình tôi cư-ngụ tại Hải-Phòng mà tỉnh này chỉ có một trường Trung-học Ngô Quyền nên con trai con gái học chung. Bố tôi muốn tôi vào học ở trường Nữ Trung-học nên bảo tôi ghi danh dự thí vào trường Nữ Trung-học Trưng-Vương ở Hà-Nội. Khoảng tháng 8, năm 1951, tôi lên Hà-Nội, ở trọ nhà cô Phán Lộc là em ruột của Bố tôi để đi thi. Anh Hải là anh ruột của tôi cũng đang ở nhà cô tôi để học Dược. Lúc đi thì anh Hải chở tôi bằng xe đạp đến trường Trưng-Vương và anh dặn tôi là phải nhớ lối mà về vì anh bận không đón được. Trong khi thi tôi hết sức hồi-hộp, phần vì lạ chỗ, không một người bạn nào, phần lo ngay-ngáy sợ lúc về đi lạc. Rất may, tôi đã trúng tuyển và vào học lớp Đệ Thất, ban Hán-Văn niên khóa 1951-1952. Trường Trưng-Vương là một dẫy nhà hai từng lầu rất lớn, tọa lạc ngay tại đường Hai Bà Trưng. Ngày khai trường tôi hãnh-diện và vui mừng cắp sách đến trường nhưng cũng không khỏi bỡ-ngỡ vì tất cả đều xa lạ đối với tôi. Tôi phải sống xa gia-đình, ở trọ nhà cô tôi cùng với anh Hải tại ngõ Hàng Kèn, về sau đổi là Xóm Hạ-Hồi vì ăn thông với đường Quang-Trung. Nhưng chỉ mấy tháng sau thì anh Hải bị gọi nhập ngũ khóa I Sĩ-Quan Trừ Bị Nam-Định. Sợ tôi buồn nên Bố Mẹ tôi phải cho chị Oanh là chị kế tôi lên Hà-Nội ở cùng với tôi để đi học. Chị học lớp Đệ Thất trường Nguyễn Huệ ở Phố Nhà Bè. Bố Mẹ tôi mua cho hai chị em tôi mỗi người một xe đạp hiệu Peugot để đi học; xe của chị Oanh màu lam, xe của tôi màu lá mạ. Hàng tháng Mẹ tôi thường lên Hà-Nội thăm chúng tôi bằng xe hơi hiệu Citroel. Trong thời gian Mẹ tôi còn ở chơi thường bảo anh tài Định chở tôi đi học. Thấy các Thày, Cô hoặc đi xe đạp hoặc đi xích-lô, mà mình thì đi xe hơi có vẻ sang quá nên tôi dặn anh tài là đừng bao giờ đỗ xe ngay cổng trường.

Ở Trưng-Vương các lớp từ Đệ Tứ trở lên thì học buổi sáng, còn các lớp Thất, Lục, Ngũ thì học buổi chiều, từ hai giờ đến sáu giờ. Tuy nhiên chúng tôi cũng phải đi hai buổi sáng cho các môn Thể-thao, Nhạc, Vẽ và Nữ công . Trưng Vương có đồng phục áo xanh lam. Chúng tôi phải mặc đồng phục ngày thứ hai để lớp buổi sáng làm lễ chào cờ và lớp buổi chiều làm lễ hạ cờ. Những ngày khác thì được mặc tự do nhưng lúc nào cũng phải đeo huy-hiệu của trường ở ngay nẹp áo trước ngực, ai không đeo sẽ bị phạt. Huy-hiệu xinh-xinh, có nền màu lam, chính giữa là một ngọn đuốc màu đỏ làm nổi bật thật dễ thương. Mỗi khi đi dự lễ hay đi quyên tiền giúp chiến sĩ hoặc giúp bão lụt, chúng tôi đều mặc đồng phục và đeo huy-hiệu. Hàng năm cứ vào ngày mồng 6 tháng 2 Ăm-lịch là ngày Kỷ-niệm Hai Bà Trưng, các nữ sinh Trưng-Vương, với những chiếc áo dài lam, tay cầm cờ Hiệu đoàn và những biển-ngữ rầm-rộ kéo đến đền Hai Bà ở làng Đồng-Nhân để dự lễ. Con đường từ trường đến đền, hai bên có cây me, cây sấu, tỏa lá rậm-rạp nên đỡ nắng, nhất là lúc đến gần đền thì những hàng cây hai bên đường ngọn đan vào nhau nên hoàn toàn râm mát.. Bao giờ nữ sinh Trưng-Vương cũng được đứng ngay ở sân, trước cửa đền và đồng ca bài hát Trưng Nữ Vương

Các Giáo-Sư Trưng Vương hầu hết là nữ, chỉ có Giáo-Sư Nhạc, Hội-Họa và Hán-Văn là nam. Bà Tăng Xuân An làm Hiệu-Trưởng , bà Phú làm Giám-Học, bà Nguyệt-Minh rất đẹp làm Tổng Giám Thị. Các bà rất nghiêm khắc, giờ chơi thường đi quanh để kiểm-soát học-sinh.. Chúng tôi sợ các bà lắm, hễ thấy các bà là vội tránh, không dám giáp mặt bao giờ. Mỗi khi ở trong lớp có học-sinh nào bị gọi lên Văn-phòng Tổng Giám Thị là hết hồn.. Đa số các Giáo-Sư đều hiền và dễ thương, chỉ có một vị là hơi khó khăn. Cô Giáo-Sư Toán, người thấp nhỏ, hơi móm, cô hay cho học-sinh ăn “trứng vịt”. Một lần thi Lục cá nguyệt, cô ra bài khó quá nên gần cả lớp bị dưới điểm trung bình; Đông-Mai nhất được 11 điểm, tôi đứng thứ 7 mà cũng chỉ được có 9 điểm thôi. Cô Nga dạy Anh văn, dáng người nhỏ-nhắn, tóc uốn cao, khá xinh. Cô Tỉnh dạy Pháp-văn, có cặp mắt thật sâu, nổi tiếng là “hắc”nhưng cô giảng bài hay. Tôi có con bạn thân ở đường Trần Hưng Đạo, gần nhà tôi nên mỗi ngày chúng tôi cùng rủ nhau đi học. Nó ngồi cạnh tôi, rất yếu môn Pháp văn; mỗi khi cô Tỉnh cho bài học thuộc lòng, thì nó lại nhờ tôi đọc rồi phiên âm ra tiếng Việt để học.; Tôi biết là nó đã để ra rất nhiều thì giờ để học nhưng khi bị gọi lên trả bài thì nó run rồi đọc lí-nhí, cô Tỉnh không nghe rõ nên cho ít điểm và còn kèm theo tiếng “lười” thật tội nghiệp. Lúc làm bài trong lớp, khi phải đặt câu hoặc dịch từ pháp sang việt hay ngược lại, tôi thường làm hộ nó nhưng bao giờ cũng để lại mấy lỗi để cô khỏi nghi ngờ. Bây giờ nghĩ lại, tôi thấy mình bậy quá! Tuy nhiên N. lại giỏi về vẽ và khâu nên kỳ thi nào nó cũng nhất do đó năm nào N. cũng được lĩnh phần thưởng vì trường tính thưởng theo từng môn.. Lý-Hóa, Vạn-Vật có cô Hòa phụ-trách.. Dáng người mảnh-mai, lời nói nhẹ-nhàng, vẽ hình trên bảng rất đẹp. Tôi còn nhớ khi giảng về con sóc, cô nói chúng ngủ suốt mùa Đông, sang Xuân mới thức dậy đi kiếm ăn; nhưng khi sang đến Hoa-Kỳ, tôi thấy sóc ở đây mùa Đông chẳng ngủ gì cả mà chúng còn chạy lon-ton ngay cả những lúc mặt đất bị tuyết phủ đầy. Nhìn cô Hòa đứng giảng bài trên bục gỗ, tôi thấy thật đẹp và ước mong sau này sẽ trở thành Giáo-Sư Lý-Hóa, Vạn-Vật như cô nhưng về sau tôi lại là Giáo-Sư Việt-Văn. Cô Tiến dạy Sử Địa, cô có khuôn mặt tròn, phúc-hậu, tóc cô được tết hai bên rồi quấn vòng ra sau gáy thành hình ô van.. Cô Trinh cao lớn hiền lành, tóc búi cao, phụ-trách môn Nữ-Công. Cô dạy chúng tôi đan, thêu, làm rua, mạng vải và len rất khéo khiến cho nếu không nhìn kỹ thì không thể nào phân biệt đâu là chỗ vá. Thày Thăng dạy Hán-Văn, răng đen, lúc nào cũng mặc áo dài the thâm, đi đôi giầy Gia-Định.. Thầy hiền lắm; tôi thích môn này nên lên trả bài thường được điểm cao. Những đứa ghét môn Hán, không chịu học để nhớ mặt chữ, mỗi khi Thày gọi lên trả bài bảo viết chữ gì thì mấy đứa bạn ngồi ở dưới viết lên cái bảng con rồi giơ lên cho đứa ở trên bảng nhìn mà viết theo. Thầy lo chấm vở nên không biết. Chúng tôi không nhịn cười đuợc; khi nghe thấy tiếng cười khúc-khích, Thày ngửng đầu lên thì cái bảng con đã nằm trong hộc bàn rồi. Chúng tôi học môn Thể-Thao với cô Hiền và cô Thoa. Ngoài những động tác thông thường, các cô còn dạy chúng tôi leo dây, nhẩy cao và nhẩy xa nữa. Bãi tập ở ngay bên hông trường. Tại đây có một cây cổ thụ, nên dây thừng có nhiều nút được cột vào một cành lớn để chúng tôi tập leo dây. Hồi đó hãng Mỹ-Vân thực hiện cuốn phim “Cô Gái Việt “đã đến trường Trưng-Vương thu hình lớp chúng tôi đang tập thể-dục, tất cả đều mặc quần dài và áo “Chemise” trắng. Thày Thẩm-Oánh dạy nhạc, thày gầy gầy, nhỏ bé. Phòng học có cửa thông sang nhà bà Hiệu-Trưởng nên chúng tôi thường lén nhòm qua lỗ khóa để nhìn cô Tuyết, con gái ông bà Hiệu-Trưởng.

Năm Đệ lục, tôi học Việt Văn với cô Nại; dáng cao cao, cô hiền nhưng lại nghiêm, không cười bao giờ. Cô Ngà dạy Toán, vui tính, hay cười, để lộ hàm răng đều đặn. Năm đó nhà trường tổ-chức đi cắm trại. Chúng tôi được đi xe điện. Khi đi qua Ô Cầu Giấy bỗng ngửi thấy mùi gì hôi thế, nhìn ra hai bên đường thì thấy họ bầy la-liệt những thúng phân trộn tro để bán. Tôi nghe nói ai đi bộ qua đấy mà vô tình bịt mũi là bị mấy bà ấy vẩy phân vào người. Vào ngày chủ nhật, thỉnh-thoảng nhà trường cũng tổ-chức những buổi đi gắn huy hiệu quyên tiền để uỷ lạo các chiến sĩ đang xông pha ngoài trận chiến để cho đồng bào ở hậu phương được yên vui làm ăn học hành, hoặc cứu-trợ nạn lụt nữa. Chúng tôi được chia làm từng nhóm ba người, mang một thùng đựng tiền có khe nhỏ để ai cho thì bỏ tiền vào đấy và đem theo những huy hiệu bằng giấy có in à chữ như Ghi ơn Chiến Sĩ… Chúng tôi đã được dịp đi lang-thang trên các đường phố đông đúc như Hồ Hoàn Kiếm, phố Tràng Tiền, hàng Ngang, hàng Đào… Phải gắn hết số huy hiệu mới được về trường để nộp thùng tiền. Nhóm nào xong sớm thì về sớm nhưng cũng phải về trường chậm nhất là ba giờ chiều.

Học hết năm Đệ Lục thì không còn ban Hán-Văn nữa mà chuyển cả sang ban Sinh-Ngữ. Sự khác biệt giữa hai ban chỉ là môn Anh Văn học ít giờ hơn mà thôi còn Pháp-văn cũng học như nhau. Năm Đệ Ngũ tôi học Anh văn với cô Lan. Dáng người cô tròn-trịa, tóc uốn thành từng lọn sát da đầu trông rất ngộ. Cô Tuyết dạy Việt-Văn, khi giảng bài cô thường phe phẩy cái quạt giấy. Cô Phúc dạy Sử Địa, vóc người cao lớn, nhanh-nhẹn, vui vẻ; tóc cô uốn thành từng lọn, chẩy dài trên bờ vai. Thày Bốn phụ-trách môn Hội-Họa. Mấy đứa tinh ranh cứ ghép thày với cô Lan. Khi Thày vừa vào lớp là chúng nhao nhao lên : “Xin Thày cho vẽ bốn bông lan ạ.” Thật là Nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò”. Ở Trưng-Vương có kỷ luật rất nghiêm khắc. Hễ học-sinh nào nghỉ không có giấy phép, phạm kỷ luật hoăc bị số 0 thì phải đi phạt gọi là đi “consigne”. Nghe mấy đứa bị đi phạt về nói rằng phải chép mấy trăm câu như “Tôi phải chăm học”, “Tôi phải tôn trọng kỷ-luật”…chúng nói rằng chép mỏi tay lắm.

Tôi được Mẹ mua cho chiếc nón dứa để đội đi học vì người nói rằng đi xe đạp mà đội nón lá nhẹ, gió thổi xụp xuống mặt thì khốn. Cả trường chỉ có mình tôi đội nón dứa nên bị tụi bạn tôi gọi là “Cụ Lý Xuân” ( cụ Lý là cụ Lý Đình Dù đó mà). Ở Trưng-Vương Hà-Nội, tôi chơi thân với Nguyệt-Nga, Tường-VY, Đông-Mai, Trang, Kim-Dung, Bích-Thu. Thân nhất là Nguyệt-Nga. Ở lớp còn một Nga nữa là Quỳnh Nga.

Thấm-thoát đã ba niên học qua đi. Tháng Sáu năm 1954 tôi và chị Oanh chuẩn-bị về Hải-Phòng nghỉ Hè. Lúc đó tình-hình chiến sự có vẻ nguy-ngập, Con đường Hà-Nội Hải-Phòng thường bị đặt mìn, tầu hỏa cũng bị lật, do đó Mẹ tôi không dám đem xe lên đón, chúng tôi phải xuống Hải-Phòng bằng đường hàng không. Rồi ngày 20 thàng 7 năm 1954 Pháp và Việt-Minh ký Hiệp định Geneve chia đôi đất nước làm hai miền Nam, Bắc, ranh giới là con sông bến Hải, vỹ tuyến 17,

Tháng 8, năm 1954, chúng tôi lên lấy đồ đạc, sách vở và xe đạp còn để ở nhà cô tôi. Hà-Nội lúc đó thật là tiêu-điều: Trên vỉa hè của bất cứ đường phố nào cũng thấy người ta bầy la-liệt nào là bàn ghế, giường tủ, nào là quần áo, sách vở, bản nhạc..để bán trước khi di cư. Chúng tôi chỉ ở lại Hà-Nội vài tiếng đồng hồ để thu xếp rồi trở về ngay nên tôi không có thì giờ để từ biệt các bạn và nhìn lại ngôi truờng thân yêu lần cuối. Một nỗi buồn xen lẫn hoang-mang đến xâm chiếm tâm hồn khiến tôi cảm thấy nghẹn-ngào.

Thời gian trôi thật mau, kể từ ngày rời mái trường Trưng-Vương Hà-Nội đã nửa thế kỷ rồi. Giờ đây nhớ lại những kỷ-niệm thời còn cắp sách tới trường, tôi cảm thấy lòng bùi-ngùi luyến tiếc.

Trích trong Vòm Trời Kỷ Niệm

Nguyễn Thị Xuân-Nga
Cựu học-sinh Trưng-Vương
Niên-khóa 1951-1957

Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003