Nov 21, 2024   log in
 
home
thơ
danh sách tác giả
nhạc
truyện ngắn
biên khảo,phê bình
điểm sách
phỏng vấn
quan điểm
sinh hoạt văn học

ban biên tập
tìm kiếm
thư tín
giới thiệu sách báo
 
 
  Sinh hoạt văn học-nghệ thuật
BUỔI RA MẮT SÁCH MUỘN MÀNG của NHÀ THƠ HOÀNG TRÙNG DƯƠNG - LÊ THỊ NHỊ


Những nỗi nhớ, niềm thương của các văn thi hữu Kỷ Nguyên Mới đối với sự ra đi vĩnh viễn của nhà thơ Vương Đức Lệ vào ngày 20 tháng 1 năm 2008 chưa nguôi ngoai thì chúng tôi lại bàng hoàng trước tin nhà thơ Hoàng Trùng Dương từ trần vào lúc 3 giờ 30 sáng ngày 29 tháng 3 nắm 2008!

Mặc dù biết Hoàng Trùng Dương bị bệnh ung thư gan từ vài tháng nay, nhưng chúng tôi quả thật không ngờ anh lại đi nhanh đến thế!

Hôm anh Vương Đức Lệ mất, anh Hoàng Trùng Dương gọi điện thoại chia buồn cùng tôi, và hẹn sẽ đến nhà quàn trong ngày thăm viếng. Tôi nói với anh: “Anh không được khỏe, ở nhà nghỉ ngơi, tôi thắp nhang cho anh Vượng dùm anh là được rồi.” Anh bảo: “Em phải cố đến, nghĩa tử là nghĩa tận mà chị!”

Buổi chiều ngày 25 tháng 1, trong đám đông thân bằng quyến thuộc đến phúng điếu anh VĐL, tôi thấy có cả Hoàng Trùng Dương.

Nhìn Hoàng Trùng Dương gầy xọp hẳn đi, lòng tôi xót xa vô cùng vì tôi biết anh đang phải chiến đấu trong vô vọng với một chứng bệnh hiểm nghèo, giống như anh VĐL của tôi trong những tháng ngày qua.

Tôi nắm tay Hoàng Trùng Dương nói lời cảm ơn.

Anh vào lễ và nhìn mặt anh VĐL lần cuối.

Trước khi ra về, anh nói với tôi: “Xin lỗi chị, ngày mai em không đến tiễn đưa anh Lệ được, hôm nay em đi mà mệt quá!”

Sau đám tang anh VĐL, phần thì buồn, phần thì phải làm cho xong những công việc đã đọng lại trong thời gian qua nên tôi không có thời giờ đến thăm Hoàng Trùng Dương. Nhưng trong một cuộc điện đàm, tôi nói với anh rằng Câu Lạc Bộ sẽ tổ chức Ra Mắt Sách cho anh vào ngày 6 tháng 4 năm 2008. Giọng anh thật vui qua điện thoại:” Em cám ơn bác Trung và các anh chị, nhưng chắc ngày đó em không tới dự được đâu! Bây giờ em chỉ ngồi được chừng năm phút là lại phải nằm rồi!”. Tôi an ủi anh: “Không sao đâu, từ nay đến hôm đó còn nhiều ngày mà. Nhiều khi vì dùng thuốc nên thuốc nó hành đấy!”

Rồi một ngày, tôi hẹn với Hồng Thủy và chị Ngọc Hạnh gặp nhau ở trước tiệm Phở 50 ở đường Arlington để cùng nhau đi thăm Hoàng Trùng Dương. Tôi tình nguyện làm tài xế như thường lệ và cho xe chạy bon bon trên đường 66 West.

Ba chị em chúng tôi vừa ngồi trên xe vừa nói đủ thứ chuyện trên trời dưới đất. Thấy tôi cho xe chạy miết, Hồng Thủy hỏi tôi; “Đi có đúng đường không đấy bà?” Tôi trả lời chắc như bắp: “ Yên tâm đi! đường đi dễ lắm, vào Exit 43 B rồi đi thẳng, thấy đường Compton rẽ trái...”

Chúng tôi tiếp tục nói chuyện về những vui buồn trong sinh hoạt cộng đồng. Khi đề tài của chúng tôi đã cạn, tôi mới nhận ra rằng vào Exit đã lâu lắm rồi mà chẳng thấy đường Compton đâu cả.

Nhìn đồng hồ, tôi càng hãi hơn vì đã gần tới giờ hẹn với các anh chị Hoàng Song Liêm, Uyên Thao, Ngọc Dung... ở tiệm ăn Peter Pan.

Không còn cách nào hơn, tôi đành gọi điện thoại cho Hoàng Trùng Dương nói là chúng tôi đi lạc lâu quá, bây giờ thì phải quay về, hẹn ngày khác vậy!”

Một tuần, hai tuần sau đó, hôm thì Hồng Thủy bận, hôm thì tôi không rảnh. Ngày Thứ Tư 26 tháng 3, tôi hẹn gặp Hồng Thủy lúc 1 giờ để đi thăm HTD, một lúc sau, Hồng thủy gọi lại tôi: “Tôi hơi bận, chắc mình phải gặp nhau lúc 2 giờ!” Tôi nghĩ ngay tới cảnh kẹt xe vào giờ đó trên xa lộ 66, sợ về không kịp đón cháu nên bảo HT để ngày khác vậy.

Ngày hôm sau, Thứ Năm, tôi rảnh buổi sáng nên gọi Ngọc Dung và vợ anh VĐL hỏi có đi thăm anh HTD với tôi không thì cả hai chị cùng nhận lời đi ngay.

Tôi gọi điện thoại cho HTD thì vợ của anh trả lời, tôi hỏi đường đi thì chị bảo “Chị đi 66 West rồi vào Exit 53 B, đến đường Compton thì chị quẹo trái...” Bấy giờ tôi mới vỡ lẽ ra rằng lần trước tôi đi lạc là vì tôi ghi lầm, Exit 53 B thành 43 B.

Lần này, tôi cho xe chạy thẳng một mạch là đến nhà HTD. Chị HTD đứng ngay ở cửa đón chúng tôi. Dáng dấp chị nhỏ bé và dịu dàng, đằm thắm. Tôi bỗng nhớ đến những bài thơ tình HTD làm cho vợ. Tôi thấy chị xứng đáng được HTD tặng cho chị những vần thơ đầy tình nghĩa ấy.

Bước vào nhà, tôi thấy HTD gầy hốc hác, nằm trên cái giường kê ngay ở phòng khách. Anh xin lỗi không thể ngồi dậy được.

Chúng tôi cùng thăm hỏi anh một đôi câu rồi chị VĐL, Ngọc Dung ngồi ghế salon nói chuyện với chị HTD. Tôi kéo cái ghế nhỏ lại cạnh giường HTD. Tôi báo tin cho anh biết là Chủ Nhật tuần tới sẽ Ra mắt thơ cho anh. Ánh mắt anh reo vui, nhưng anh nói rất nhỏ:”Em chắc không kịp quá!”

Chị HTD tiếp lời: “Anh em trông ngày Ra Mắt Sách lắm!”

Từ giã anh chị HTD, tôi mang theo một thùng thơ của anh. Lên xe được vài phút, tôi gọi điện thoại báo tin cho nhà thơ Hà Bỉnh Trung, nhà văn Lê Mộng Hoàng là tình trạng sức khỏe của HTD không khá lắm và chúng tôi quyết định, Câu Lạc Bộ và Hội Thân Hữu Quảng Đà tổ chức ra mắt thơ cho HTD sớm hơn một tuần, tức là vào ngay ngày Chủ Nhật 30 tháng 3 (Nghĩa là chúng tôi chỉ còn hai ngày để mời khách tham dự) với hy vọng là anh có thể xem được Video ngày Ra mắt đứa con tinh thần của anh.

Sáng ngày Thứ Sáu, tôi mang quyển thơ của HTD đến nhờ Bác sĩ Văn Sơn Trường chọn dùm một bản nhạc phổ thơ HTD, nhờ ca sĩ Quỳnh Lan hát thật gấp, trong vòng một hai ngày.

Buổi trưa, tôi mang quyển thơ Tình HTD đến Đài Phát Thanh để nhờ Nam Anh làm cho một chương trình thâu vào CD “Tác Giả, Tác Phẩm- Hoàng Trùng Dương”.

Chỉ mấy tiếng đồng hồ sau khi tôi đưa tập thơ của HTD, Nam Anh đã gọi và cho biết CD đã làm xong, tôi có thể tới lấy.

Cảm ơn Đài Phát Thanh Hải Ngoại, Cảm ơn Nam Anh, Kiều Loan, Chân Như.

Cả ngày Thứ Sáu, Nhà thơ Hà Bỉnh Trung, Mộng Hoa và tôi lo gọi điện thoại và e mail mời thân hữu dến tham dự buổi Ra Mắt Sách ở nhà hàng Thần Tài buổi trưa ngày Chủ Nhật.

7 giờ sáng ngày Thứ Bảy, 29 tháng 3, nhà thơ Hà Bỉnh Trung gọi điện thoại báo tin HTD đã từ trần tại bệnh viện Fair Oak hồi 3 giờ 30 sáng.

Tôi gọi hỏi ý kiến Mộng Hoa về buổi Ra Mắt Sách ngày Chủ Nhật 30. Mộng Hoa bảo hoãn lại, thế là chúng tôi vội vã nhờ Đài Phát Thanh loan báo dùm và gọi điện thoại cũng như e- mail cho các thân hữu về tin HTD qua đời và hoãn buổi Ra Mắt Sách.

Hai ngày hôm sau, tôi lại gọi diện thoại hỏi Mộng Hoa: “Mình có nên làm Ra Mắt Sách cho HTD Chủ Nhật 6 tháng 4 như đã dự định khi trước không hay để một vài tháng nữa? Mọâng Hoa đề nghị:” Thôi, làm luôn đi, sẵn có chỗ rồi, mình có một tuần mời khách tham dự cũng được!”

Trên đường đến nhà quàn để thăm viếng HTD, tôi đã nghe hết hai CD Nhạc và Thơ HTD.
Giọng hát Quỳnh Lan trầm và nức nở, thật cảm động trong bản nhạc Lời Cho Em, thơ HTD do Trịnh Hưng phổ nhạc.

Nam Anh, Kiều Loan, Chân Như giới thiệu tác giả, tác phẩm THƠ TÌNH Hoàng Trùng Dương thật rõ ràng, ấm áp, đượm một chút buồn man mát, có lẽ vì cả ba người bạn trẻ của tôi đã cảm thương tác giả trước giờ ly biệt cõi trần.

Đặc biệt giọng nam rất trầm ấm của Chân Như. Giọng của Chân Như hay đã đành rồi, nhưng quí hơn nữa là khi đọc thơ, Chân Như đã chuyên chở được cái hồn của thơ, đã diễn tả được trọn vẹn tâm tình của tác giả gửi gấm trong thơ.

Một sự tình cờ hay có sự sắp đặt của Hương Hồn anh VĐL? HTD được quàn tại cùng một nhà quàn, cùng một phòng và cùng một cái áo quan như anh VĐL.

Tôi đưa tặng hai cái CD cho con trai của HTD và bảo cháu có thể mở cho bố cháu và thân hữu đến thăm viếng nghe.

Trong xe, trên đường về, tôi nghe đi nghe lại bản nhạc Lời Cho Em của Trịnh Hưng phổ thơ HTD và bản nhạc Nhớ Mẹ Ta Xưa, Văn Sơn Trường phổ thơ VĐL.

Cả hai bản nhạc cùng thật hay khi được hát lên, nhưng cả hai anh cùng chưa hề được thưởng thức khi tim các anh còn đập, còn cảm nhận được cái hay, cái đẹp của cuộc đời.

Hình ảnh HTD và anh VĐL nằm an bình trong chiếc quan tài ẩn hiện trong mắt tôi. Hình ảnh những bằng hữu của các anh âm thầm rơi lệ, lâm râm khấn vái trước di ảnh và di hài của hai anh khiến lòng tôi chùng xuống. Trên xa lộ 495, hai dòng xe vẫn ngược xuôi thản nhiên chạy vùn vụt...

Cuối cùng, ngày 6 tháng 3, Câu Lạc Bộ và Hội Thân Hữu Quảng Đà cũng đã tổ chức Ra Mắt Thơ Tình Hoàng Trùng Dương như đã hứa với anh.

Khách tham dự không đông vì trùng với sinh hoạt của ba bốn hội đoàn khác. Có nhiều người rất tiếc vì không thể tham dự được!

Nhưng tất cả những người có mặt đều đến với buổi RMS với tất cả tấm lòng.

Mộng Hoa (Nhà văn Lê Mộng Hoàng, người của Câu Lạc Bộ và Hội Thân Hữu Quảng Đà)) đã lo lắng cho buổi RMS thật chu đáo phần tiệc trà. Trong phần giới thiệu tác giả HTD, Mộng Hoa nghẹn ngào rơi lệ khiến mọi người ngồi phía dưới đều ngậm ngùi. Hồng Thủy mít ướt, ngồi cạnh tôi, khóc sụt sùi.

Người MC khả ái dễ thương luôn luôn tươi như hoa hôm nay cũng vắng hẳn nụ cười. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Anh giúp cho phần âm thanh và hát một bản nhạc thật hay do anh sáng tác để giã từ HTD, Bạch Mai, Tuyết Mai ngâm thơ HTD và một bài thơ của Đăng Nguyên khóc HTD với tiếng đàn tranh của Giáo sư Kim Oanh. Kiều Nga hôm nay hát bản nhạc Tình Ca thật thích hợp cho không khí buổi RMS.

Trong số khách tham dự, ngoài các con của HTD đến hơi muộn vì bận làm lễ trên chùa, tôi còn thấy sự có mặt ba người bạn trẻ của chúng tôi: Hoàng Vi Kha, anh Tùng, anh Lộc.

Tôi ngỏ lời cảm ơn ba anh và mong rằng các anh sẽ tiếp nối con đường chúng tôi đi vì thế hệ chúng tôi, cũng sắp đi đẩu đi đâu rồi!

Tôi bảo Hoàng Vi Kha “từ nay, trong những buổi sinh hoạt như thế này, VK phải lo dần đi thì vừa!” Anh Lộc nói với tôi: Có sinh hoạt gì, cô cứ gọi con!

Buổi Ra Mắt Sách tuy muộn màng, nhưng chúng tôi hy vọng Hương Linh anh Hoàng Trùng Dương sẽ vui vì tất cả bằng hữu và các đồng hương Quảng Đà của anh đã đón nhận đứa con tinh thần của anh một cách rất trân trọng và vô cùng tiếc thương anh, một nhà thơ tài hoa, hiền hậu và đức độ của xứ Quảng Đà Địa Linh Nhân Kiệt!

LÊ THỊ NHỊ

Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003