Một ngày mùa xuân năm 2004, vợ chồng tôi may mắn được xem cuộc triển lãm Beyond The Frame của họa sĩ điêu khắc gia người Mỹ J. Seward Johnson, Jr. tại Bảo Tàng Viện Corcoran. Vì thế, chúng tôi được biết điêu khắc gia này có một khu vườn trưng bầy ngoài trời những tác phẩm của ông và của nhiều nhà điêu khắc khác. Tôi quyết định ngay với Robert, chúng tôi phải đi xem Ground For Sculpture của ông tại Tiểu Bang New Jersey.
Lúc đó tiết xuân Virginia còn lạnh và tôi đang bận tổ chức buổi kỷ niệm chín năm sinh hoạt văn học Tam Cá Nguyệt San Cỏ Thơm vào tháng tư. Tôi nghĩ, tháng năm vào giữa mùa xuân, trời ấm áp hơn, hoa fortysia, daffodils, tulips, azealias sẽ tưng bừng nở khắp nơi, đi xem Vườn Tượng của Ông Johnson, Jr. thì thật đúng thời điểm. Nhưng chúng tôi chưa kịp đi thì một tin thật buồn xẩy đến, Nhạc Sĩ Nhật Bằng đột ngột từ trần vào ngày 7 tháng 5, sau cơn đứt gân máu đầu. Ngoài tình thân gia đình, anh còn là thầy dạy hát của tôi từ khi anh định cư tại Virginia cho đến khi anh mất. Tường Huệ, phu nhân của Nhạc Sĩ Nhật Bằng là bạn đồng môn của tôi. Chúng tôi gặp gỡ nhau hoài trong các sinh hoạt văn nghệ và Trưng Vương vùng Hoa Thịnh Ðốn, cùng nhiều tiểu bang trên đất Mỹ. Nhà anh Nhật Bằng rất gần nhà tôi. Tường Huệ lại là tay nấu ăn ngon nhất vùng, nhất là món bánh cuốn Thanh Trì thì thực sự là Thanh Trì, nên tôi và các bạn Trưng Vương thường tụ tập ăn uống bên nhà Nhật Bằng hoài.
Mỗi khi được mời tham dự một buổi ca nhạc tại gia nào, tôi đều đến anh nhờ lấy ton và tập cho một bài hát để bỏ túi đem đi “thi thố tài năng”. Có vụ sinh hoạt văn nghệ nào tại nhà tôi, anh cũng sang ngồi bên cây dương cầm cũ để đệm đàn không biết mỏi mệt cho các vị ca hát, ngâm nga tài tử. Chúng tôi vừa gặp Nhạc Sĩ Nhật Bằng trong buổi hội ngộ cặp vợ chồng bạn cũ Phước Liên- Võ Trưng, và trong buổi kỷ niệm chín năm sinh hoạt văn học của Tam Cá Nguyệt San Cỏ Thơm. Vậy mà chỉ một tháng sau, anh đã ra người thiên cổ. Hai buổi đó đã trở thành hai kỷ niệm cuối cùng của anh với chúng tôi. Sự ra đi của Nhạc sĩ Nhật Bằng là niềm đau đớn lớn lao cho gia đình anh. Sự thân tình của anh với bạn bè cũng làm chúng tôi ngẩn ngơ, vô cùng thương tiếc.
Tôi để mùa xuân, mùa hè qua đi lúc nào không hay. Mãi đến khi rừng lá bắt đầu đổi màu, tôi mới chợt nhớ mùa đông lạnh sắp tới và rủ chồng đi viếng Vườn Tượng của điêu khắc gia J. Seward Johnson, Jr. Robert gọi điện thoại cho Grounds For Sculpture, (609) 586-0616, và vào website: www.groundsforsculpture.org, thì được biết những ấn tượng điêu khắc của Johnson, Jr. đã được dinh về trưng bầy trong Vườn Tượng của ông. Tôi quyết định phải đi xem ngay, nếu không tượng của Johnson, Jr. sẽ lại được viện bảo tàng nào khác khiêng đi.
Chồng tôi là hội viên của Hãng AAA (American Automobil Association) nên đã có tour book để chọn khách sạn giá phải chăng và gần nhất với Grounds For Sculpture, Clarion Hotel Palmer Inn, 3499 Route 1 South, Princeton, NJ. 08540 và đặt một phòng cho đêm thứ tư ngày 6 tháng 10, 2004.
Tôi vào Mapquest in ra đường đi nước bước cho ngắn gọn. Nhưng Robert vẫn thích xem sách chỉ dẫn du lịch của AAA. Vào khoảng 9 giờ hôm đó, sau khi ăn sáng, chúng tôi rời nhà. Mỗi người mang theo một cái suitcase nhỏ với quần áo và đồ dùng qua đêm. Nếu ra đi 8 giờ thì cũng bị kẹt xe giờ đi làm. Ði sớm hơn thì không muốn vất vả cho cuộc đi chơi hưởng thú nhàn.
Không khí mùa thu dìu dịu mát. Vườn cỏ còn ướt sương đêm. Hàng cây phong ngoài ngõ mới ửng màu vàng nhạt trong nắng ban mai rực rỡ. Xăng đã được đổ đầy bình xe từ hôm trước. Tôi ngồi vào tay lái để Robert có thể đọc báo Washington Post và New York Times, một thói quen thành ghiền không thể bỏ được của chàng.
Sau 9 giờ, đa số người đi làm đã vào đến sở, nhưng Beltway 495 North đầy xe vận tải hạng nặng. Từ Virginia, xe chúng tôi ngược dòng xe cộ của Maryland nên không bị kẹt đường. Qua cầu Sông Potomac, qua ngã rẽ vào con đường 270 coi như chúng tôi thoát nạn kẹt xe. Tôi thuộc đường lên xa lộ Bắc 95 nên chưa cần Robert hướng dẫn. Nhưng chàng dù cúi xuống tờ báo vẫn luôn ngẩng lên nhìn đường và coi chừng tay lái của vợ. Thỉnh thoảng chàng đặt tay trái lên tay phải của nàng và khen:
- Em là tài xế giỏi.
- Yên trí, anh cứ xem báo đi. Có tin tức gì lạ thì nói cho em biết.
Tôi lười xem cả tờ báo. Khi nào xem TV hay nghe Robert nói có tin tức hấp dẫn mới tìm đọc báo, xem kỹ chi tiết hơn.
Cây cối bên Maryland chỉ còn lác đác những chùm lá chết, di tích của loài ve sầu 17 năm sống ẩn dưới đất mới tới tuổi trưởng thành, rồi chui lên khỏi mặt đất. Chúng đi tìm tình nhân đúng tần số, ân ái được ba bẩy 21 ngày thì cùng ngã ra chết. Ve sầu cái để lại trứng. Trứng nở ra sâu. Sâu chui vào lòng đất, lại sống một chu kỳ 17 năm nữa mới trưởng thành. Trong khi đó, ở Tiểu Bang Virginia đầy cành lá đổi màu nâu, khô héo, vì là đệm êm, nệm ấm làm tình của hàng triệu cặp ve sầu trong mùa hè vừa qua. Virginia is for lovers mà!
Chúng tôi đổi tay lái tại hai trạm nghỉ chân và ăn trưa, khoảng 3 giờ chiều thì đến Clarion Hotel Palmer Inn, trên Quốc Lộ Số 1 ở Princeton, nơi có Trường Ðại Học nổi tiếng. Người ta lái xe nhanh chỉ mất chừng 3 giờ rưỡi, chúng tôi lái vừa tốc độ, và ngừng lại hai lần nên mất thêm một giờ nữa.
Khách sạn tỉnh nhỏ, chỉ có hai tầng, vừa đủ tiện nghi. Tôi nóng lòng muốn đến mục tiêu của mình nên thấy cần phải tranh thủ thời gian. Tẩy trần xong, chúng tôi nhanh chóng mang theo cái áo khoác để mặc khi chiều tối về trời lạnh và lại cầm bản đồ, giấy hướng dẫn đường đi tới Vườn Tượng, Grounds For Sculpture, 18 Fairgrounds Road, Hamilton, New Jersey 08619.
Tôi lái xe. Robert ngồi bên xem giấy chỉ đường. Trời hãy còn nắng. Xe cộ không nhiều và cũng không có gì lạ hơn mấy con đường thương mại như trong tỉnh nhỏ Reston của chúng tôi, cũng có Department Store bình dân như Target, cũng có Home Depot bán vật liệu làm nhà cửa, điện, nước... cũng Lions Super Market bán thực phẩm, Mcdonald’s bán hamburgers, gà chiên, khoai chiên...
Xe vừa vào tới Sculptor’s Way đã thấy lác đác hai bên đường những bức tượng điêu khắc tân hiện đại. Bỗng tôi nhìn nhanh kính chiếu hậu, không thấy xe nào đằng sau, tôi thắng gấp xe, miệng ú ớ:
“Kìa, kìa! Anh xem kìa. Tượng của Johnson kìa!”
Tôi chỉ bức tượng một người đàn ông như đang chạy theo sau và đỡ yên xe đạp cho một cậu bé trên hè đường.
“Ðúng là tượng của Johnson chứ không sai. ‘Cha tập xe đạp cho con’ . Trông vui ghê hả anh?”
“Em vui là anh vui rồi! Nhưng phải cho xe chạy chứ, không thể ngừng xe ngay giữa đường thế này được. Có xe tới kìa.” Robert vừa nhìn kính chiếu hậu vừa nhắc nhở vợ.
Tôi cho xe chuyển bánh nhưng chạy chậm và nhìn hai bên đường để tìm tượng:
“Anh nhìn bên mặt, em nhìn bên trái nhé, xem có tượng nào nữa không?”
Robert có vẻ chăm chú nhìn cảnh đường phố, vỉa hè, các tiệm buôn bán và nhà ở san sát của thị xã nhỏ. Nhưng chính tôi lại phát hiện trên hè đường bên tay mặt của Robert, một cậu bé của J. Seward Johnson, Jr. đang cầm que gỗ lăn cái bánh xe đạp.
“Anh thấy không, điêu khắc gia này cũng yêu thời dĩ vãng thơ ấu của ông ta đấy chứ?”
“Thì em có khác gì đâu!” Robert quay sang tôi mỉm cười.
Ừ nhỉ, tôi chẳng viết cả một quyển hồi ký về thời thơ ấu của tôi hay sao? Cái tên Phượng Vẫn Nở Bên Trời Hà Nội nào có xa lạ đâu?
Từ đó, vào đến cổng Grounds For Sculpture, chúng tôi không nhìn thấy một bức tượng nào khác. Tất cả các nhân tượng đang chờ tôi trong kia.
Chúng tôi phải trả 10 Mỹ kim cho hai vé vào cổng và hai cái bản đồ của Vườn Tượng. Vì là ngày thường và gần cuối ngày, bãi đậu không nhiều xe lắm. Theo tài liệu chúng tôi được đọc, Grounds For Sculpture là một công viên rộng 35 acres, triển lãm tượng điêu khắc và mở cửa tiếp đón khách thăm viếng từ năm 1992. Vườn Tượng đầy hoa lá, cây cảnh, có suối, ao, hồ, Arts Building, phòng triển lãm mấy tầng, rạp hát ngoài trời, nhà hàng, cafe, museum shop, có xưởng vẽ, đúc tượng. Hiện tại Vườn Tượng trưng bày 230 contemporary sculptures.
Ði theo bản đồ cả nửa giờ đồng hồ, qua nhiều tượng điêu khắc hiện đại mới, hình dạng khó hiểu, hình thù khó trông, chúng tôi vẫn không thấy bóng dáng ấn tượng, Impressionist của Monet, Manet, Renoir... của J. Seward Johnson, Jr. ở đâu. Trên bản đồ không ghi tên vị trí của tượng ở chỗ nào. Người ta cố tình làm du khách phải tìm kiếm để tất cả các bức tượng đều được chiêm ngưỡng. Khách lãng du phải tự dò dẫm mà thôi. Tôi lo lắng “hay là cái collection của nhà điêu khắc đã được đem đi triển lãm ở đâu rồi?”. Nhưng Robert đã gọi hỏi, người ta đã nói, điêu khắc tranh ba chiều của ông ta còn đang ở đây mà! Mặt trời đã khuất sau những ngọn cây cao. Thời gian bảng lảng hoàng hôn suốt đời vẫn làm lòng tôi xốn xang, hồi hộp thế nào! May mà tôi có Robert bên cạnh.
“A, em thấy cây dù trên kia. Nó phải là cái dù của bà vợ Monet!” Tôi reo lên, rảo bước dưới tàn cây quanh một gò đất cao và tới một khoảng trống.
“Ðây rồi. On the Poppied Hill của Johnson đây rồi!”
Trên gò đất, bà vợ của Monet đang cầm dù đứng bên cạnh cậu con trai. Robert đưa máy ảnh lên chụp. Nhưng mặt trời đã xuống sau lưng nàng. Tôi thất vọng kêu lên:
“Ôi thôi, mặt nàng bị che tối rồi!”
Robert vòng ra phía sau tượng và chụp được mấy cái phía sau lưng vợ con Monet vẫn còn sáng nắng chiều. Chàng an ủi tôi:
“Chúng mình còn cả ngày mai nữa cơ mà. Sáng mai mình sẽ đến đây thật sớm.”
“Sao mặt trời ở đây xuống nhanh thế. Mới có năm giờ.” Tôi buồn bã than.
Robert ôm vai tôi:
“Em không biết bây giờ đã vào thu và vùng này là miền bắc, cách Virginia mấy giờ đồng hồ hay sao?”
Chúng tôi tiếp tục đi loanh quanh tìm kiếm. Dưới lùm cây, thấp thoáng vài bức tượng màu sắc nhạt nhòa trong bóng tối chập choạng, có chụp ảnh cũng chẳng rõ, chẳng đẹp. Tôi đành bỏ cuộc đi tìm dấu chân tượng trong chiều hôm tối rồi. Chúng tôi khoác áo dạ mỏng lên vai, đi ra parking lot lấy xe, và vòng tới cửa trước của Rat’s Restaurant trong Grounds For Sculpture.
Một cảnh tượng lạc lõng nhưng trông quen quen hiện ra trên lối vào nhà hàng. Hai cỗ xe không ngựa, có vẻ cổ xưa đậu bên ngoài một mảnh tường thật cao và dài cả mấy chục thước, vẽ cảnh nhà cửa nông trại vùng quê Âu châu nào đó tôi đã đi qua, hay bức tranh nào đây tôi đã được xem. Lại một tượng cảnh của J. Seward Johnson, Jr. chứ không sai!
Thực vậy, sau này tôi được biết đó là tượng cảnh Designated Coachman (2001) của nhà điêu khắc, được đúc bằng nhôm, dựa theo tranh The Tarascon Stagecoach của Vincent Van Gogh. Hai cỗ xe cồng kềnh như vậy, thảo nào tôi không thấy trong triển lãm Beyond The Frame tại Corcoran Gallery mùa xuân vừa qua.
Nhà hàng có tên Rat’s nhưng lẽ dĩ nhiên không có nghĩa là chuột trù, chuột cống bò dưới chân. Ðó chỉ là một trong những ý nghĩ dí dỏm của điêu khắc gia J. Seward Johnson, Jr. Rat’s Restaurant được trang hoàng ấm cúng và lịch sự. Tiếng nói cười ồn ào của cái tiệc nào đó trong phòng khánh tiết tầng dưới. Chúng tôi được đưa lên lầu trên, tới một bàn cho hai người bên cửa sổ. Trên tường được trang hoàng với nhiều bức tranh lớn vẽ thân hình những người đàn bà không quần áo, nhưng không có vẻ tục. Nét vẽ thô sơ, màu sắc mạnh mẽ. Khăn bàn đỏ chói, ghế gỗ đen mun. Ðĩa sứ đủ màu sặc sỡ. Ly pha lê. Muỗng nĩa bóng loáng như bạc. Lác đác vài cặp khách y phục thời trang lịch sự, rủ rỉ đối diện nhau. Bên lò sưởi không lửa, một cặp vai kề vai thân mật trên cái ghế đệm dài rộng, bọc vải hoa nhiều màu. Cách trang trí phòng ăn có vẻ miền Nam Nước Pháp và Tây Ban Nha. Robert gọi soup, salad và salmon. Tôi gọi beefsteak và vegetables để chia nhau ăn cho đỡ ngán, đỡ bỏ phí. Một nhà hàng kiểu cách như thế nên chúng tôi phải đợi cả giờ mới được tiếp món ăn cũng không có gì lạ. Khi chúng tôi ra khỏi Rat’s Restaurant thì trời cũng đã tối mịt.
Sáng hôm sau, chẳng nhờ nhân viên khách sạn đánh thức, chúng tôi cũng dậy rất sớm. Tôi trang điểm sơ sài, thay bộ đồ khác hôm trước, nhưng vẫn tươm tất và hợp với màu sắc chớm thu miền bắc.
Sau khi thu xếp mọi thứ bỏ vào 2 cái suitcases nhỏ, chúng tôi xuống phòng ăn sáng và checkout luôn. Vì phải trả phòng vào 11 giờ sáng, nên chúng tôi định đi thăm Grounds For Sculptures rồi về thẳng Virginia từ đó.
Sớm mai mùa thu mát mẻ, nắng hanh vàng trong sáng. Nhiều hàng quán chưa mở cửa. Sự sinh hoạt chậm chạp. Chúng tôi vẫn thấy một người cha tập xe đạp cho cậu con trai và một cậu bé khác đang dùng cây gậy đẩy cái bánh xe đạp chạy trên hè phố vắng. Có lẽ ai nhìn thấy cảnh này cũng phải để lại nơi đây một nụ cười yêu đời, nhớ thương thời trẻ thơ quý báu của mình.
Chúng tôi lại trả tiền vào cổng, lại đậu xe. Nhưng có xá gì chuyện trả thêm 10 đồng bạc nữa cho một ngày nhàn du thưởng thức nghệ thuật. Chúng tôi vừa đi vừa nhìn ngắm những bức Contemporary Scupltures vĩ đại trên thảm cỏ xanh rì, chan hòa ánh nắng ban mai. Ðầu óc nông cạn của tôi không đủ tưởng tượng sâu xa nên chẳng dừợng lại để tìm hiểu những hình thể kỳ lạ hay kỳ dị. Tuy nhiên, tôi cũng thích và có cảm xúc với vài bức tượng được cấu tạo bằng nhôm, bằng cẩm thạch trắng, bằng đá hoa cương... Tôi nhận ra một tượng cảnh quen quen bằng đồng đen với năm người đàn ông đội mũ sùm sụp, mặc áo khoác dài, rộng thùng thình. Họ đứng xếp hàng người này sau người kia, cúi mặt buồn rầu bên ngoài bức tường đen, trước một cánh cửa đen đóng kín. Lại gần thì ra đó là tượng phẩm Depression Bread Line (1999), 108” x 148” x 36”, của George Segal (1926-2000). Ðây là tượng cảnh Depression Bread Line thứ hai được làm tại xưởng đúc của J. Seward Johnson, Jr. Tượng phẩm Depression Bread Line thứ nhất được đặt tại The Franklin Delano Roosevelt Memorial, tại Washington, D.C. Mall mà tôi đã thăm viếng vài lần. Ông Roosevelt là vị Tổng Thống đã khôn khéo, hướng dẫn dân chúng Hoa Kỳ qua khỏi thời kỳ khủng hoảng kinh tế trầm trọng nhất lịch sử Hoa Kỳ, từ năm 1939 đến năm 1945.
Vì nhớ đường, nên qua vùng Contemporary Sculptures, chúng tôi đến thẳng ngọn đồi hoa đỏ, On Poppied Hill (1999) của J. Seward Johnson, Jr. trước hết. Tôi vui mừng vì nắng ban mai xuyên qua mảnh khăn voan mỏng che mặt bà Monet và cũng là người đẹp của ông chủ Grounds For Sculptures này. Robert ngắm nghía chụp ba bốn phía tượng cảnh. Chỉ tiếc một điều hoa đỏ là hoa poppies giả và cỏ thiệt thì đã úa vàng. Vào mùa xuân, ngọn đồi này chắc xanh rờn cỏ, và hoa poppies thiệt nở rực rỡ lắm? Johnson, Jr. dựng tượng cảnh này theo bức tranh Femme à l’ombrelle ố Mme. Monet et son fils (1875) của Claude Monet.
Chúng tôi lần theo đường mòn đi tới. Ô kìa, hai ông em trai của Manet và người mẫu mặc y phục Eva đang ngồi picnic trên thảm lá vàng mùa thu của miền Ðông Bắc Hoa Kỳ! Cô bồ của họa sĩ đang rửa chân bên dòng suối. Gần đó là chiếc thuyền nhỏ neo bờ. Thưa rằng, bờ suối thiệt sự đó, quý vị ạ! Cái đam mê của một điêu khắc gia triệu, triệu phú là vậy đó. Tượng cảnh này, Déjeuner Déjà Vu (1994) của J. Seward Johnson, Jr. dựa theo bức tranh Le Déjeuner sur l’herbe (1863) của Edouard Manet. Trong triển lãm Beyond The Frame tại viện bảo tàng, Johnson, Jr. phải vẽ bức tranh có một người nữ tắm suối với chiếc thuyền bên dòng nước, dựng phía sau ba bức tượng kia như tranh Manet.
On Poppied Hill, 1999: J. Seward Johnson, Jr. Part of the Nature, 2000: J. Seward Johnson, Jr.
Rời chân đi còn ngỡ ngàng với cảnh tượng như thiệt vừa qua, chúng tôi lại ngẩn ngơ bước vào một vùng khói sương mờ ảo. Một thiếu phụ khỏa thân da dẻ hồng hào, cặp nhũ hoa căng cứng, cặp bồng đảo căng tròn, thân hình nẩy nở, đẫy đà. Nàng ngồi trên một phiến đá bên bờ lau sậy, đang lau mình sau buổi tắm suối bốc hơi nước nóng. Ðó là tượng phẩm Part of the Nature của J. Seward Johnson, Jr. đúc vẽ theo bức tranh After Bath của Pierre-August Renoir.
Tôi muốn đặt bàn tay lên đôi vai tròn trĩnh của nàng như chào đón một người từ hai thế kỷ trước đã được nhà điêu khắc làm sống lại trong khu vườn tiên cảnh của ông. Nhưng tôi bỏ ý định đó vì nước suối chảy tràn lan dưới chân nàng, tôi sợ ướt giầy, vớ.
Cũng nên nói, những bức tượng của J. Seward Johnson, Jr. đều được đúc bằng đồng, sơn vẽ bằng chất không phai màu. Người ta được phép chụp hình, sờ mó, miễn là nhẹ nhàng và lịch sự. Ðừng lợi dụng đen tối làm mất mỹ thuật. Ðừng nghĩ bậy, phản bội nghệ thuật!
Tôi muốn đứng lại lâu ở mỗi tượng cảnh, nhưng cũng háo hức muốn gặp gỡ các tượng nhân khác đang đợi chờ. Vừa đi trên đường mòn chúng tôi vừa nhìn hai bên vườn cây, nhìn vào các bụi rậm hóc hiểm, sợ bỏ sót một tượng cảnh nào.
Bước chân chúng tôi đặt lên lối đi trên ván gỗ, như woodden walk way cho du khách bãi biển. Tôi nhận ngay ra cặp tình nhân Argenteuil (1874) của Edward Manet. Chàng và nàng âu yếm ngồi bên nhau trên cái ghế dài bên bờ Sông Seine. Nhưng ở đây, sau lưng họ là con
Déjeuner Déjà Vu, 1994: J. Seward Johnson, Jr.
lạch nhỏ có ghe thuyền buông buồm dừng bến. J. Seward Johnson, Jr. đặt tên tượng cảnh là Sailing the Seine (1999). Ở tượng cảnh này trong viện bảo tàng, nhà điêu khắc đã vẽ một bức tranh bằng cả mảng tường cao rộng cho khung cảnh sông nước và bến thuyền, được dựng phía sau cặp tình nhân.
Ði bộ cũng đã nhiều, chúng tôi ngồi xuống nghỉ chân bên chàng thủy thủ của J. Seward Johnson, Jr. và thay phiên nhau chụp hình với “cặp tình nhân” ấy. Nhưng ngồi không yên, chỉ độ vài phút sau, chúng tôi lại đứng dậy đi tìm dấu chân những nhân vật ấn tượng mà tôi khao khát muốn gặp.
Ði dọc theo bờ sông, tôi bỗng trông thấy một tấm bảng ghi mấy dòng chữ và vui mừng reo lên:
“We are invited”!
“Chúng ta được mời cái gì?” Robert ngơ ngác hỏi:
“Chán anh quá! Một tượng cảnh của nhà điêu khắc có tên là Were You Invited?”
Thực vậy, Robert đi theo vợ cho vui, chứ chàng có để ý gì đến tranh ảnh, tượng cảnh nào của ai đâu. Tên các danh nhân lịch sử, hay các chính trị gia thì chàng nhớ lắm. Tôi xăm xăm bước xuống mấy bực gỗ, vào ngay khung cảnh của J. Seward Jonhson, Jr. dàn dựng theo bức tranh Le déjeuner des canotiers (1881) của Pierre-Auguste Renoir. 21 bức tượng có kích thước người thật đứng, ngồi, ngả nghiêng tựa thành tầu, ăn uống cười nói quanh một cái bàn trên con tàu nhỏ. Qua mạn thuyền, dòng sông nơi đây rộng hơn. Bên kia sông là một khu nhà cửa khang trang của Thị Xã Hamilton, New Jersey. Robert chụp cho tôi mấy tấm hình đứng lẫn vào đám người “đang ăn uống” của nhà điêu khắc, xem như mình cũng được ông ta mời ăn trưa trên một dòng sông thực sự của New Jersey, chứ không phải trong tranh Ấn Tượng.
Trở lên bờ, chúng tôi tha thẩn dưới bóng cây bên sông, rồi ngồi nghỉ bên cái bàn tròn trải khăn trắng với bốn ghế tựa rộng rãi. Trên bàn bày một chai, bốn ly rượu đỏ, bốn cái đĩa, khăn ăn trắng còn nguyên nếp gấp, muỗng, dao, dĩa đủ cả. Cũng không thiếu giỏ bánh mì, đĩa bơ và lọ hoa tím đỏ vàng. Chúng tôi biết ngay đây cũng là một trò đùa cợt dí dỏm của chủ nhân vườn tượng nhưng vẫn giả bộ nâng ly mời nhau. Nhưng ly không nhúc nhích. Tất cả đều được gắn chặt xuống bàn. Thưa rằng, cái bàn và các vật trên bàn, kể cả khăn trải bàn và khăn ăn đều được đúc vẽ như các tượng cảnh nghệ thuật cao cường của J. Seward Jonhson, Jr.
Tiếp tục trò chơi ú tim với những ấn tượng nhân của J. Seward Jonhson, Jr., tôi, vâng chỉ là tôi chứ không là Robert, lại chú ý tới cái bảng Lakeside Table #1(1999) ở trước một cái cổng cửa đóng then cài. Hai bên cửa không có tường hay hàng rào chỉ có bụi cây rậm rạp. Vịn cửa,
Robert và Ngọc Dung trong Sailling The Seine (1999) của J. Seward Johnson, Jr.
Ngọc Dung lên thuyền không có giấy mời nên bị J. Seward Johnson, Jr. hỏi “Were You Invited?”
kiễng chân, nghển cổ ngó vào bên trong, tôi nhìn thấy một cái đầu... đen. Tôi lấy máy ảnh Robert đang cầm và đi ngược lại hàng rào, tìm chỗ giậu thưa len vào. Robert kêu ầm lên:
“Ðừng, đừng, em ngã xuống sông bây giờ!”
Bởi vì chỗ tôi len rào xuống, mấp mé nước sông, nhưng tôi túm chặt mấy bụi cây, lần từng bước lại phía cổng. Trong bóng râm của tàn cây rậm rạp, hai người đàn ông và một người đàn bà y phục thời French Impressionism, ngồi bên bàn với mấy cái ly và chai rượu. Hai người đàn ông đều có râu rậm như Monet, Manet. Tay họ cầm điếu thuốc lá. Tôi không nhận ra tượng cảnh này được dựng theo tranh nào. Và tại sao ông Johnson, Jr. lại nhốt nhân tượng trong một chỗ kín đáo này? Hay là ông chưa dàn cảnh xong, hoặc định cửa đóng then cài để gợi tò mò người xem như nàng Ngọc Dung?
Robert lắc đầu, cười:
“Em thật là con nít? Cho anh xem cái ảnh em vừa chụp nào?”
Tôi hí hửng mở máy ảnh. Nhưng cái hình tối om vì trong bóng râm rịt. Tôi lại quên không bấm flash, khi in ảnh ra phải đổi độ sáng thật cao vẫn không được rõ.
Vẫn với đôi mắt láo liên, tôi vừa đi vừa nhìn quanh không bỏ sót một xó xỉnh nghi ngờ. Một cái ao sen hiện ra trước mặt. Lá sen to như cái mẹt, vẫn còn xanh, nhưng không có cái hoa nào. Một cái hương sen già nhô trên cái cuống cao ngòng giữa hồ. Tôi mon men đi xung quanh xem còn cái nào gần tầm tay không. Tôi không gặp may mắn, không được nhâm nhi hạt sen tươi, nhưng tôi được gặp Two Sisters on the Terrace (1881), của Pierre-Auguste Renoir mà J. Seward Johnson, Jr. đã lấy cảm hứng dựng thành tượng phẩm Family Secret (1998). Hai Chị Em của Renoir ngày xưa ngồi bên bờ Sông Seine, giờ đây họ đang thủ thỉ bên nhau dưới tàn cổ thụ bên hồ sen Grounds for Sculpture, New Jersey.
Trong triển lãm Beyond the Frame, đằng sau Hai Chị Em là một bức tranh với hàng cây ngả ánh nắng thu vàng bên bờ Sông Seine phản chiếu cả một khung trời xanh lơ thơ mộng. Bây giờ, trong khu vườn tượng New Jersey, đằng sau Hai Chị Em là một nhà thủy tạ hai tầng,
J. Seward Johnson, Jr. mời Robert ngồi Lake Side Table.
Ngọc Dung nghe lén Family Secret (2000) của J. Seward Johnson, Jr.
có chỗ ngồi ăn uống nhẹ cho du khách dừng chân ngắm cảnh, ngắm người tranh của Renoir, người tượng của Johnson, Jr. và những bức Contemporary Sculptures rải rác quanh đó.
Tôi chụp cho Robert đứng trên lầu thủy tạ nhìn xuống Hai Chị Em của Renoir. Người đẹp trong tranh được họa sĩ đương thời chiêm ngưỡng, hơn một thế kỷ sau lại được điêu khắc gia tôn làm thần tượng và tha nhân ngưỡng mộ. Ôi, “mỹ nhân tự cổ như danh tướng...”
Ðể lại Hai Chị Em với Bí Mật Gia Ðình họ, chúng tôi tiếp tục đi trong vườn cây cho khỏi nắng. Con đường mòn dẫn chúng tôi tới cái hồ rộng, có vẻ thiên nhiên chứ không nhân tạo. Tôi bỗng nhìn thấy một con thuyền nhỏ, rất “khả nghi” trên mặt hồ.
“Anh có nhìn thấy cánh buồm đen kia không? Nó phải liên hệ tới một cái gì đó.”
Ngọc Dung với Claude Monet trước cảnh If It were Time (1999) của J. Seward Johnson, Jr.
Nói rồi, tôi rảo chân đi trước Robert và mắt vẫn không rời mặt hồ. Một cây cờ tam tài, xanh trắng đỏ nhô trên những ngọn cây. Tôi reo lên trong lòng: “Nhất định phải là tượng cảnh If It were Time của Johnson, Jr. Tôi đi theo hướng cây cờ và rẽ xuống mấy bậc thềm. Tôi đụng ngay Claude Monet đang đứng trước giá vẽ, tay cầm bút lông to, bút lông nhỏ và palette màu. Họa sĩ đang hướng mắt vào khung cảnh La Terrasse à Sainte-Adresse . Một cặp đứng tuổi ngồi ghế mây dưới sân. Một cặp uyên ương trẻ đứng bên lan-can trông ra Biển Normandy, mà ở đây là hồ lớn của New Jersey. Với đam mê các danh họa ấn tượng, với nghệ thuật cao thủ, J. Seward Johnson, Jr. đã công phu tìm đúng địa điểm dựng nên cảnh If It Were Time này. Cái lan-can và hai cây cột cờ được đúc bằng đồng, cũng không thiếu trong cảnh. Ngón nghề cao quý của nhà điêu khắc đã được người đời ca tụng từ thuở sinh thời, không cần đợi đến “tam bách dư niên hậu”...
Tôi đòi Robert chụp cho mấy kiểu đứng với Claude Monet. Nếu là họa sĩ bằng xương bằng thịt, tôi đâu dám khơi khơi hỏi Robert như vậy, và nhất định chàng sẽ không vui vẻ chút nào.
Vì ở ngoài trời, nên từ khởi đầu cuộc Theo Dấu Chân Ấn Tượng của J. Seward Johnson, Jr., chúng tôi không gặp cô nàng Olympia trong Confrontaional Vulnerability, cậu bé thổi sáo Follow Me , bà Landlady . Chúng tôi cũng không nhìn thấy cặp trai tài gái sắc Whispering Close , cặp tình nhân say sưa khiêu vũ A Turn of the Century , người đàn bà với Oriental Fan , con chó bông trên Lap of Choice . Chúng tôi không nghĩ tới A Thought to Consider của một cặp tình nhân trong nhà kiếng. Chúng tôi cũng chưa đến căn phòng Welcome Home , vì bối cảnh của những tượng phẩm đó không ở ngoài trời, mà ở trong nhà như chúng tôi đã được thưởng ngoạn tại Corcoran Gallery of Art, Washington, D.C. hồi đầu năm.
Mặt trời đã đứng trưa, chúng tôi cảm thấy cần ăn uống và nghỉ chân để đi trở lại vài địa điểm còn lưu luyến. Bản đồ Grounds For Sculpture đưa chúng tôi trở lại và đi dưới dàn cây leo wisteria mà trong mùa xuân, hoa tím rủ từng chùm chắc phải làm ngơ ngẩn lòng người. Nhưng, chẳng cần đợi tới mùa xuân, một cảnh hiện ra trước mắt làm tôi ngẩn ngơ như đang đi trong mơ. The Bridge của Claude Monet ở bên kia suối. Trong một giây, tôi không tin hình ảnh này có thật. Cây cầu cong cong cũng được sơn màu xanh lá cây. Hai bên cầu liễu rủ la đà chạm dòng suối xanh ngắt một màu. Nhất cái nhà ông J. Seward Johnson, Jr. này rồi! Ông có cả 35 acres vườn tượng, xưởng vẽ, xưởng đúc tượng ngay bên cạnh vườn hoa, cây cỏ, suối, sông, hồ. Ông ta có thể làm được tất cả, có thể còn hơn những gì Claude Monet có trong Giverny Garden.
The Monet Bridge, Grounds For Sculture, New Jersey.
The Waterlily Pond with the Japanese Bridge (1899): Claude Monet.
Cảm ơn Ông J. Seward Johnson, Jr., từ khi còn ở Bỉ, ở Ðức và đến bây giờ tôi vẫn ao ước có ngày viếng thăm Cây Cầu của Monet trong vườn nhà ông ở Giverny, miền Bắc Nước Pháp, nhưng vẫn chưa thực hiện được. Tôi chụp một tấm hình cây cầu của J. Seward Johnson, Jr. mà ông đặt tên là Monet Bridge, ở góc cạnh như bức trong tranh của Claude Monet, và nói với Robert:
“Anh đứng đây chụp cho em một cái đứng trên cầu nhé.”
“Chụp xa như vậy thì đâu có nhìn thấy người.” Robert nói.
“Em không muốn làm xấu cây cầu.”
Thực vậy, tôi cảm thấy quần áo của mình không tha thướt, không thích hợp với bóng liễu mềm rủ bên cây cầu duyên dáng. Ðã xem nhiều sách tranh của Claude Monet, tôi không nhìn thấy nhân dáng nào, được nhà danh họa vẽ trên cây cầu của ông. Hình như những người mẫu phụ nữ của Monet đều to lớn, nặng nề, đều tương phản, đối nghịch với cây cầu tơ liễu mong manh bắc qua ao hoa súng xinh tươi thơ mộng của người họa sĩ.
Tôi chỉ muốn hình bóng tôi nhỏ li ti, lẫn vào bóng liễu hai bên cầu, phải nhìn qua kính hiển vi mới thấy. Chỉ gọi là một chút kỷ niệm đã dừng chân nơi đây.
Tôi từ từ, chầm chậm, nhè nhẹ từng bước đi lên cây cầu J. Seward Johnson, Jr. để thấm nhập cái cảm tưởng phỉ nguyền đang đi trên cầu Claude Monet bên trời Tây. Robert chụp cho tôi vài bức hình trên Monet Bridge trong Grounds for Sculpture, nhưng tôi vẫn chọn bức hình không có tôi trong đó, dù rất nhỏ, để bên cạnh tranh Monet trong bài viết này.
Và, hình như từ phút đó tôi đã mãn nguyện, không còn ao ước đến tận Giverny để thấy tận mắt cây cầu của Monet nữa. Bởi vì hai cây cầu giống hệt nhau và cây cầu J. Seward Johnson, Jr. cũng ở trong một bối cảnh thơ mộng tuyệt vời. Thật là một ngày du lịch lý tưởng cho một nhóm bạn, cho những kẻ yêu nhau, cho những cặp tình nhân, cho những người có tâm hồn lãng mạn, yêu chuộng nghệ thuật.
Tôi bầy tỏ ý nghĩ với Robert. Chàng nói:
“Còn anh, anh rất vui mừng thấy em tung tăng như con nít được đi chơi vườn trẻ. Cảm ơn em đã cho anh một buổi hẹn hò (a date) với em. Chúng mình phải làm những chuyến đi chơi như thế này thường xuyên hơn.”
“Em muốn trở lại đây vào mùa hoa poppies và wisterias nở.”
“Mình sẽ trở lại bất cứ khi nào em muốn.”
Rời cây cầu danh tiếng đó với bao lưu luyến, chúng tôi đi qua một thác nước ào ào chảy mạnh, bốc hơi như sương mù. Hai bên lối vào Rat’s Restaurant là vườn hoa, cây cảnh được chăm chút từng bậc trên đồi, từng bước bên chân. Chúng tôi chọn ngồi ngoài sân nhà hàng dưới dàn hoa gỗ sơn màu đỏ tươi vui như mới. Bàn ghế sắt cũng sơn đỏ, phủ khăn bàn đỏ. Tôi nói với Robert:
“Em gọi một cái salad gà thôi. Ðể dành bụng ăn bánh ngọt và uống cà phê ngoài vườn Museum Shop. Buổi sáng lúc mới đi vào, em thấy thấp thoáng có tượng cảnh nào đó.”
Robert cũng đồng ý, ăn một cái hamburger và gọi thêm hai ly nước lạnh. Tôi lấy miếng chanh của Robert và của tôi vắt vào ly nước lạnh, thêm hai gói đường hóa học. Tôi hý hửng vì sự láu cá có ly nước chanh không phải trả tiền. Khách ngồi ăn trưa ngoài sân nhà hàng khá đông, nhưng không ồn ào, náo nhiệt. Ai nấy hình như rất thư thái, quên thời gian đang trôi. Họ không nóng nẩy đợi lâu mới có một cái hamburger, hay sandwich. Những giây phút thanh thản, quý giá này thật hiếm có trong đời sống hằng ngày. Không cần thiền tịnh cũng quên được hết những phiền lụy, nhiễu nhương trên thế gian.
Từ chỗ này, chúng tôi vẫn nhìn được cây Cầu Monet mơ màng bên hàng tơ liễu mềm rủ. Ðàn vịt ung dung bơi lội trên mặt hồ lác đác vài bông hoa súng cuối mùa. Vào mùa xuân, mùa hè cảnh này sẽ không khác những bức tranh Waterlilies của Claude Monet.
Du khách lại thêm một ngạc nhiên nữa. Giữa vùng hơi nước tỏa bốc như khói sương ấy, nhô lên một khuôn mặt phụ nữ mỹ miều trên cần cổ thanh cao, tóc chụp mũ bơi lội. Người ta có cảm tưởng “nàng” đang ngâm mình trong hồ nước nóng. Ðó là bức tượng bán thân, Leucantha (1993), 108” x 118” x 118”, bằng nhôm, sáng loáng dưới ánh mặt trời ban trưa, của Ðiêu Khắc Gia Philip Grausman, giáo sư Yale University.
Một bức tượng toàn thân phụ nữ trong xiêm y đỏ chói, thướt tha, mềm mại, với mái tóc ngắn, đen bóng ôm khuôn mặt nhỏ nhắn được đặt đứng trên một bệ đá nhẵn bên bờ hồ của nhà hàng. Ðó là bức tượng Summertime Lady (1999), 116” X 32” X 24” bằng đồng của Ðiêu Khắc Gia David Hostetler, tốt nghiệp Indiana University và Ohio University.
Ăn xong, chúng tôi đi xuyên qua nhà hàng vào Toad Hall Gallery bên cạnh. Tiệm bán các phẩm vật nghệ thuật, nữ trang bằng bạc, pha lê, đồ gốm, lụa, những bức tranh nhỏ, nhưng sờ vào là cháy tay đấy quý vị ạ! May quá, tôi chỉ thích ngắm, không muốn mua một thứ gì.
Từ cửa kính của Toad Hall Gallery, tôi “đánh hơi” thấy có một cái gì đó trong Court Yard, sân bên ngoài. Tôi hỏi người bán hàng: “Có tượng nào ở ngoài kia không, bà?”
“Có, mời ông bà ra xem.”
Vừa mở cửa bước ra ngoài cái sân rộng hình tròn, tôi thú vị nhìn ngay thấy cặp uyên ương che ô cho nhau trên “hè phố” Paris Street: A Rainy Day của Gustave Caillebotte, danh họa Ấn Tượng Pháp. Trong triển lãm Beyond The Frame, J. Seward Johnson, Jr. phải vẽ một bức tranh vĩ đại với cảnh Paris dưới trời mưa rét mướt và dựng đằng sau cặp uyên ương che chung cây ô. Nhà điêu khắc đặt tên La Promenade cho tượng cảnh này và dàn dựng trước lối vào Rat’s Restaurant. Robert lại chụp vài hình cho cặp tượng. “Họ” như có vẻ là thực khách đang đi đến nhà hàng. Nếu người ta chỉ muốn đến ăn ở nhà hàng, không thăm viếng Grounds For Sculpture, thì đi vào lối sân trước của Rat’s Restaurant. Hôm trước, trời đã nhá nhem tối, có thể từ xa, tôi đã tưởng cặp tượng này là thực khách nào đó đi tới nhà hàng. Vì thế tôi đã không nhận ra “họ” trong La Promenade của Johnson, Jr.
Chúng tôi hỏi người bán hàng của Gallery thì được biết, những bức tượng indoor được trưng bầy trong Private Gallery, phòng tranh tư của J. Seward Johnson, Jr. Và, hôm nay, ông không có mặt tại đây.
Trên đường tản bộ trở ra Museum Shop chúng tôi ngồi nghỉ chân trên ghế đá được đặt thành nhiều hàng nửa vòng cung trên cỏ của Amphitheather. Tại rạp hát ngoài trời này và tại nhiều vị trí khác trong Grounds For Sculpture, như Court Yard, Outdoor Cafe, Domestic Art Building, người ta có thể vừa thưởng thức những chương trình ca, vũ, nhạc, kịch, đọc thơ, kể truyện, pupet show vừa pinic. Du khách có thể tham dự nhiều sinh hoạt địa phương nếu theo dõi lịch trình hằng tuần của Vườn Tượng.
Chúng tôi vào Museum Shop, mua kỷ niệm vài quyển sách tranh ảnh màu về Grounds For Sculpture, mấy tấm cards có hình tượng, thêm một bức tượng nhỏ, rất tinh vi và xinh đẹp, A Turn of the Century của J. Seward Johnson, Jr. dựa theo tranh Dance at Bougival (1883) của Pierre-Auguste Renoir.
Còn một cảnh tượng cuối cùng đang chờ tôi, nhưng tôi muốn kéo dài thời gian còn lại và nhẩn nha đi vào Domestic Art Building xem những Modern Art Works của các điêu khắc gia địa phương, chế tạo ngay trong xưởng điêu khắc của Grounds For Sculpture. Water Garden bên ngoài Domestic Art Building, là những Contemporary Sculptures được đặt trong nước chảy, hay nước chảy qua những hình thể, hình khối điêu khắc này.
Sau cùng, chúng tôi vào Garden Cafe ẩn dưới bóng râm cây cối rậm rạp và chọn bàn gần tượng cảnh The eye of the Beholder (1997) của J. Seward Johnson, Jr., dựa theo tranh Chez le Père Lathuile (1879) của Edouard Manet. Không khí thật êm đềm, ngưng đọng như muốn du khách ngừng chân nơi đây thật lâu dài. Vài bàn chung quanh có khách ngồi ăn uống chậm rãi, nhàn hạ.
Tượng cảnh là cặp nam nữ ngồi bên nhau trong một tiệm ăn. Nàng trong xiêm y đen, dài, tóc bới cao. Chàng trong bộ quần áo màu hạnh nhân, thắt cái nơ lớn trịnh trọng trước cổ. Tay chàng quàng qua lưng ghế của nàng, mắt đắm đuối nhìn nàng như săn sóc thăm hỏi: “Em đã bớt mỏi chân chưa? Chúng mình đi bộ hơi nhiều nhỉ. Em muốn anh bóp chân cho em không? Em muốn dùng coffee, ice cream hay bánh ngọt?”
Nhưng chính là chàng Robert đã hỏi nàng Ngọc Dung như vậy. Tôi trả lời:
“Cho anh nợ đến tối về nhà. Bây giờ em muốn uống cà phê, ăn kem và cả bánh ngọt nữa.”
Robert trợn tròn mắt. Tôi nói tiếp:
“Anh và em mỗi đứa ăn một nửa kem và một nửa bánh. Nhưng em cần cả ly cà phê để lái xe về khỏi buồn ngủ.”
Tôi nghe nói cái bí quyết của người Pháp giữ thân hình không mập, là chỉ ăn mỗi món một chút, thì món gì cũng được thưởng thức mà không sợ ăn quá độ và lên kí.
Nhìn quanh tìm tiếp viên nhà hàng, tôi giật mình suýt vẫy một người bồi bàn của Ðiêu Khắc Gia J. Seward Johnson, Jr., đứng cách đấy vài thước, tay cầm bình cà phê, nhìn về phía chúng tôi. Tượng nhân bồi bàn khoác cái tablier dài, trắng ra ngoài bộ quần áo đen với cái nơ trên cổ cùng màu.
Trong triển lãm Beyond The Frame, nhà điêu khắc phải vẽ một bức tranh với khuôn viên cây cối um tùm và chung cư thành phố như trong tranh của Chez le Père Lathuile của Edouard Manet, để làm nền cảnh cho The Eye of the Beholder. Nhưng ở đây, chính khung cảnh Garden Cafe, thực khách và chúng tôi đã làm nên bối cảnh phẩm.
Vừa ăn vừa mở xem những quyển sách tranh ảnh mới mua, chúng tôi nhìn lại những nhân tượng điêu khắc đã được gặp trong Grounds For Sculpture hôm nay. Chúng tôi rất hài lòng, mãn nguyện chuyến đi thăm Vườn Tượng này. Công trình xây dựng nghệ thuật của J. Seward Johnson, Jr. thật đáng nể, độc nhất vô nhị. Nếu có dịp, chúng tôi sẽ không từ chối trở lại và sẽ trở lại vào cuối xuân, đầu hè thì tốt nhất. Nghe nói, ông chủ vườn tượng và xưởng điêu khắc của ông sẽ không ngừng tiếp tục đúc vẽ tượng cảnh ba chiều dựa theo những bức tranh danh tiếng nghệ thuật thế giới, những thần tượng Hollywood và danh nhân lịch sử Hoa Kỳ...
Tôi mong rằng những người yêu chuộng nghệ thuật tranh vẽ, điêu khắc sẽ có dịp như tôi, viếng thăm Grounds For Sculpture ít nhất là một lần trong đời.
NGUYỄN THỊ NGỌC DUNG
Trích trong bút ký Non Nước Ðá Vàng
H1. NV NgọcDung
H2. Part of the Nature, 2000:cûa J. Seward Johnson, Jr.
H3.La Promenade (1999) cûa J. Seward Johnson, Jr.
H4.Claude Monet
H5. Sailling The Seine (1999) của J. Seward Johnson, Jr.