|
|
Sinh hoạt văn học-nghệ thuật |
NHẠC SĨ ANH VIỆT TRẦN VĂN TRỌNG đã trở về BẾN CŨ - DIỆU TẦN NGUYỄN TINH VỆ -
|
Đăng lúc 03:03:08 AM, Apr 03, 2008
Mùa hạ Mậu Tý sắp tới nữ sĩ Trùng Quang niên kỷ đã gần bách tuế nhân dịp ra mắt tập truyện Ngọn Cờ Nương Tử, đã có ý kiến mời các văn nghệ sĩ San Jose trên 80 đến dự và sẽ có tiết mục họp măt tuổi già.
Tôi nghĩ đến ngay và phải mời cho được đàn anh Anh Việt năm nay đã 81 tuổi đời, nhưng cựu đại tá Trần Văn Trọng, nguyên Cục trưởng Cục Quân Cụ quân đội VNCH đã rũ áo ra đi không chờ mùa hè tới. Anh còn là Chủ tịch Hội Văn Nghệ sĩ Quân Đội, tính xuề xoà, không chịu cho gọi anh bằng cấp bậc, cứ gọi nhau là anh em cho thân mật như cố văn sĩ Bỉnh nguyên Lộc thường bảo anh chị em. Ngày 15 tháng Ba anh đã làm Một Chuyến Đi không bao giờ trở lại. Cách dây 15 năm, khi nhà thơ Diên Nghị đến Mỹ muộn màng, tôi đang làm một cuộc phỏng vấn các văn nghệ sĩ vùng Vịnh. Trả lời câu hỏi : Anh/chị qúy trọng ai nhất trong các văn thi hữu, Diên Nghị nói ngay: Anh Anh Việt chứ còn ai nữa, một người làm văn học nghệ thuật chân chính, nhân hậu.
Trong dịp tôi dẫn một bạn dưới quyền trong binh chủng của anh Trọng, người bạn ngó mái đầu anh, nói: “Tóc anh bạc đi nhiều”, anh vốn nòi tình đa tài, đa cảm cười, nói Tóc tôi bạc, nhưng trái tim không bạc! Người bạn đời của anh một nữ sinh xứ Huế, hậu duệ một dòng họ thế gia vọng tộc, dường như anh đã đưa chị vào ý thơ lời nhạc:
Em đến với tôi rực rỡ như nắng hạ Bên bờ Hương Giang hoa phượng vĩ khoe màu thăm
Chị Trọng có lần kể chuyện về thăm quê hương, chị vào thăm anh chị em trong Lục quân Công xưởng cũ được đón tiếp thân tình, chị được mời ngồi vào bàn giấy của Cục Trưởng ngày xưa mà rưng rưng nước mắt, không do tiếc cái ghế mà thưong cho anh chị lao động vất vả với đồng lương không đủ sống, thương cho mệnh nước nổi trôi.
Cách đây 7, 8 năm, dịp Thảo Chi ra mắt CD thơ nhạc, anh vẫn cố lái xe buổi tối từ Los Altos đến dự bữa ăn nhỏ thân mật với tác giả và dăm bè bạn, thơ nhạc. Anh cười hiền nói : Tôi còn lái xe được, anh chị em mời là tôi đến ngay. Mái tóc như tuyết phủ khuôn mặt rạm nắng, nụ cười hiền hoà, giọng nói trầm ấm, phong thái khoan thai, đĩnh đạc, anh tự diễu , nói không cười: Có người bạn thân bảo tôi: Sao trông anh đen đen giống nông dân quá, sao làm nhạc trữ tình thế?
Quả thật khi viết nhạc tình, anh lãng mạn, trữ tình, thứ lãng mạn trong sáng, chân thành, thủy chung, đôn hậu. Hãy nghe nhạc tình của Anh Việt, qua bài Thơ Ngây :
Khi ấy em còn thơ ngây Đôi mắt chưa vương lệ sầu Cười đùa qua muôn ánh trăng Đắm xinh đôi môi hồng thắm
bản nhạc Thơ Ngây và Bến Cũ được coi như hai trong mấy nhạc phẩm bất hủ, để đời, người đời nhớ mải, hát mãi trong bất cứ thời gian nào, không gian nào như Biệt ly của Doãn Mẫn, Em đến thăm anh một chiều mưa của Tô Vũ, Con thuyền không bến của Đặng Thế Phong, Nỗi lòng của Nguyễn Văn Khánh...Nhạc phẩm Bến cũ với những lời ca không thể nào quên:
Bến ấy ngày xưa người đi Gió cuốn muôn phương về đây Thấy bóng người về hay chăng
Hay trong Lỡ chuyến đò:
Đây người sang với con đò xưa Và chiều chiều thôn nữ vấn vuơng Duyên tình xưa êm thấm còn đâu
Anh nặng lòng với quê hương với nơi chôn nhau, cắt rốn qua nét nhạc sâu lắng;
Sông Kiên Giang lờ đờ Sông trôi đi nơi nào Hàng cây bến xưa còn đó Nay bóng anh còn đâu
Hay mơ về thành phố nơi anh trưởng thành và thành danh:
Sài Gòn buồn hỏi tôi; Bây giờ anh vui mộng hải hồ Bây giờ anh quên tình sông núi? Không, tôi không quên Sài Gòn đâu
Đến tuổi cổ lai hy, Anh Việt chuyển mình, ngồi tọa thiền làm nhạc tâm linh, triết lý, anh không ngạo nghễ, huyễn tưởng như Mai Thảo cất lời thơ cuối đời: Ta thấy tên ta giữa miếu đền. Anh Việt chỉ nhỏ nhẹ viết nhạc qua lời thơ Tố Oanh:
Nghiêng mình soi bóng nước Ta thấy bóng của ta In trên nền sỏi đá Giữa lòng sông chiều tà Anh rất chân thật, ít người ngờ đựoc một ông sỉ quan cấp bậc cao, trong ngành toàn máy móc, kim búa, dầu mỡ lại có thể sáng tác được những bản nhạc dịu dàng , bềnh bồng. Nơi xứ người anh cũng chẳng nề hà chuyển bao gạo, đưa chai nước mắm, chuyển lọ dưa kiệu khi mở chợ nhỏ ở San Jose, hoặc vui vẻ trao hộp bánh tận tay cho khách người Mỹ gốc Pháp sành ăn ưa thưởng thức bánh ngọt kiểu Pháp, vì chị có bằng làm bánh học ở Paris.
Anh Việt là một cây đàn muôn điệu, một con dao làm đủ mọi việc. Giới nhận nhận định về suối nhạc của anh đã chia nguồn nhạc đa năng, đa tài Anh Việt làm nhiều thời kỳ: Nhạc kháng chiến chống Pháp, nhạc tình yêu, nhạc quê hương , nhạc hùng quân đội và cuối đời là nhạc Thiền, nhạc Kinh Phật. Cho đến khi nằm xuống anh đã sáng tác trên 200 bản nhạc các loại như thế. Trong nhóm nhạc 5 người anh cùng với một người còn sống là Lê Trọng Nguyễn, ba người đã đi trước anh là Hồng Nguyên, Lan Đài và Nguyễn Hiền đã hợp soạn tập “Nhạc ru tuổi hồng” nổi tiếng. Anh gặp lại Sĩ Phú, Duy Khánh, Hùng Cường...họ sẽ hát lên chào anh tái ngộ.
Nhưng thôi sống gửi, thác về, hồn anh đã được bay trở về dòng Kiên Giang, con thuyền tình của anh đã trở về Bến Cũ. Anh đã cỡi hạc bay đi theo tiếng nhạc trầm buồn, chúng tôi trong Ban Chấp hành do anh là chủ tịch hôm nay chỉ có Diên Nghị, tôi, vắng măt Võ Sum, Viên Linh, vắng mặt các anh em cựu quân nhân cầm bút còn ở bên nhà, chúng tôi không thể nào níu kéo anh ở lại được.
Người nhạc sĩ tài danh cống hiến cả cuộc đời mình cho nghệ thuật, như một chiến sĩ dũng lược, không chết mà chỉ mờ nhạt, mờ nhạt dần đi.
DIỆU TẦN NGUYỄN TINH VỆ
|
|
Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003 |