Nov 21, 2024   log in
 
home
thơ
danh sách tác giả
nhạc
truyện ngắn
biên khảo,phê bình
điểm sách
phỏng vấn
quan điểm
sinh hoạt văn học

ban biên tập
tìm kiếm
thư tín
giới thiệu sách báo
 
 
  Điểm sách
TÌNH YÊU KHÔNG TUỔI
Hình ảnh
#1
#2
Bấm vào hình
để phóng to
TRẦN BÍCH SAN

Trong tùy bút Một Lá Thư Không Gửi, Nguyễn Tuân viết một lá thư cho người bạn tên Ngh. làm chân giặt quần áo trên chiếc tàu lớn chạy đường Le Havre ố New York. Với họ Nguyễn, những người muốn giang hồ mà không được thì chẳng khác gì như ”những người phải chôn chân đứng một chỗ với lòng hoài vọng trung thành, người đó thấy ngày tháng dài và nặng như ngày tháng của tội nhân bị khổ sai có kỳ hạn. Cái thằng được đi thì lại cứ được đi mãi, còn đứa phải ở nhà thì lại cứ phải mòn héo với cái tủn mủn một cuộc đời hẹp hòi” (Tùy Bút, p. 6). Nguyễn Tuân đã thay mặt lớp người trẻ thời đó cực tả được lòng thèm khát những chuyến đi đến những chân trời xa lạ, không phải chỉ riêng ông, mà là của những thanh niên sống trong một nước nhược tiểu bị đô hộ.

Ước mong sau này chết đi “được người đời thuộc da làm chiếc va li” nói lên niềm khát vọng “thèm đi” của lứa tuổi thanh xuân. Những người trẻ “mắt sáng với môi tươi” thèm khát được đi đó, đi đây, ấp ủ ước vọng được viễn du các nơi trên thế giới, nhưng giấạc mơ tuổi trẻ không thành vì đất nước bị ngoại bang đô hộ, và tiếp đó chiến tranh triền miên suốt 30 năm trường trên quê hương chúng ta. Ra nước ngoài cũng ít người thực hiện được điều mong ước vì lo tạo dựng cuộc đời mới nơi xứ người. Khi về già, sức khỏe yếu kém, lười xê dịch, giấc mơ vẫn chỉ là giấc mơ thôi.

Một nhà văn dù có văn tài nhưng nếu không sống bồng bềnh, không in gót chân đến những phương trời xa làm sao tả được những giây phút giang hồ? “Phải sống với du lịch đã rồi hãy nói tới du lịch”, Nguyễn Thi Ngọc Dung đã thực hiện được câu nói bất hủ này. Tác giả Non Nước Ðá Vàng có cái diễm phúc biến điều mong ước ngày mới lớn thành sự thực. Cô nữ sinh ngày nào trong cư xá công chức Sở Chước Bạ trên đường Võ Tánh, Phú Nhuận đã làm những chuyến du lịch thật tuyệt vời bên người chồng, cũng là người tình, các danh lam thắng cảnh của nước Mỹ bao la, hùng vĩ. Cái đặc sắc trong Non Nước Ðá Vàng là nhà văn không chỉ cảm nhận cảnh thiên nhiên bằng sự rung cảm của một nghệ sĩ hiến mình cho thi văn hội họa, mà còn ghi nhận bằng nhận xét tinh tế, khắc sâu ấn tượng cái đẹp vào tâm khảm người đọc.

Non Nước Ðá Vàng của Nguyễn Thị Ngọc Dung là một thiên bút ký ghi lại những cuộc du lịch của tác giả với chồng, vốn là một nhà ngoại giao Hoa Kỳ đã về hưu. Ðó là các cuộc du ngoạn tới Mount Rushmore, Yellowstone Park, Grand Teton Park, và Salt Lake City. Tác giả còn đi Canada, không chỉ để ngoạn cảnh mà với mục đích gặp lại các bạn cũ trường nữ trung học Trưng Vương của “Sài Gòn nắng nhớ mưa thương” với tác giả thuở nào.

Nhưng trong Non Nước Ðá Vàng không chỉ thuần chuyện du lịch mà còn có những sinh hoạt văn học nghệ thuật được tác giả kể lại. Thư Gửi Bạn Quê Nhà là một số sinh hoạt của các cựu nữ sinh Trưng Vương hải ngoại với các Trưng Vương trong nước. Lạc Vào Khung Tranh là cuộc thưởng lãm các danh họa của Renoir, Monet, Manet, Van Gogh cùng với công trình tạc tượng theo tranh của điêu khắc gia Hoa Kỳ J. Seward Johnson, Jr. tại viện bảo tàng Corcoran ở Hoa Thịnh Ðốn. Theo Dấu Chân Ấn Tượng là cuộc thưởng ngoạn nghệ thuật điêu khắc Ground For Sculpture của điêu khắc gia J. Seward Johnson, Jr. ở New Jersey. Và cuối cùng, Những Ngọn Cỏ Thơm thuật lại sự tham gia của tác giả cùng những vui buồn với tạp chí văn học Cỏ Thơm từ những ngày đầu của tạp chí này. Những cuộc họp mặt văn nghệ kỷ niệm ngày sinh nhật của tạp chí hàng năm, và đặc biệt các giai thoại văn chương giữa tác giả và những khuôn mặt tên tuổi trong văn giới cộng tác với Cỏ Thơm là những sự cố có sức thu hút người đọc.

Hoàng hôn cuộc đời thường buồn tẻ và cô đơn, nhưng với tác giả Sài Gòn Nắng Nhớ Mưa Thương khoảng thời-gian-serenate lại thật đẹp, đẹp hơn cả những thắng cảnh mà nhà văn đã để lại dấu chân. Nhà văn Hồ Trường An có nhắc tới trong một bài viết, nữ tài tử điện ảnh Pháp Michèle Morgan khi luống tuổi phải bỏ nghề nghiệp tìm niềm vui trong hội họa, vẽ kiểu áo, nữ trang, và viết hồi ký cho thăng bằng cuộc sống, Nguyễn Thị Ngọc Dung có cuộc sống chẳng những thăng bằng như Michèle Morgan, mà nhà văn nữ còn có cuộc sống thật hạnh phúc và ý nghĩa. Không những có con cháu nội ngoại xung quanh, có các bạn cũ Trưng-Vương-áo-xanh-khung-cửa-mùa-Thu, có bạn văn và Cỏ Thơm, nhà văn còn có tình-yêu-không-tuổi của người chồng trong buổi chiều tà cuộc đời nữa.

Tựa đề tác phẩm “Non Nước Ðá Vàng” mang ý nghĩa tình vợ chồng muôn thuở của tác giả vậy.

TRẦN BÍCH SAN

Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003