Dec 28, 2024   log in
 
home
thơ
danh sách tác giả
nhạc
truyện ngắn
biên khảo,phê bình
điểm sách
phỏng vấn
quan điểm
sinh hoạt văn học

ban biên tập
tìm kiếm
thư tín
giới thiệu sách báo
 
 
  Truyện/Ký
EM CÒN NHỚ
NGUYỄN THỊ NGỌC DUNG


Em thương mến, anh định sáng nay sau khi đi lễ nhà thờ sẽ đến thăm em như những ngày Chủ Nhật khác. Nhưng đêm qua tuyết xuống thật nhiều, phủ trắng xóa cả vùng đồi cao rừng rậm xung quanh nhà. Cây cối nặng trĩu những cành bông tuyết. Mái chòi ngoài vườn lợp thêm mấy gang tuyết nữa trông như lớp kem trắng mịn trên bánh mùa Giáng Sinh. Ðường xuống đồi ngập tuyết như dòng sông sữa ngừng trôi. Không gian ngưng đọng như không có cả hơi thở loài động vật. Chim muông còn ngái ngủ trong tổ ấm, chưa gọi nhau thức dậy. Những con sóc đuôi dài ngại ngùng chưa muốn đụng chân xuống tuyết cóng lạnh.
Anh đi giầy tuyết định ra hộp thư dưới chân đồi lấy báo đọc thì bị ngã cái oạch ngay trên thềm nhà nên đành chịu thua băng giá. Tin thời tiết cho biết từ gần 100 năm nay hàn độ Virginia chưa bao giờ xuống thấp và tuyết nhiều như thế.
Vợ chồng con cái Tuyên đi trượt tuyết từ hai hôm nay. Ngày mốt chúng mới về. Nếu em nhìn thấy đôi má chín đỏ của thằng cu Tí lúc nó vào nhà sau mỗi lần nghịch tuyết trên đồi, em muốn cắn nghiến nó. Tuy một mình trong ngôi nhà vắng lặng, nhưng em đừng lo anh buồn chán và cô đơn, anh có nhiều thú tiêu khiển để giết thời giờ. Nếu em còn phải dưỡng sức ở đó, anh không có chút nào phàn nàn nào cả.
Hôm qua anh mới thu thêm được hai bản Nhớ Quê Hương của Phạm Ngữ, bản Dứt Ðường Tơ nhạc Văn Thủy lời Dzoãn Cảnh với tiếng đàn Tây Ban Cầm và Hạ-uy cầm của anh. Không có dụng cụ và phòng thâu thanh chuyên môn, anh chơi đàn và thu băng ngay ở giữa nhà, nên không thể hay được như những đĩa nhạc Hạ-uy cầm ngoại quốc chúng mình sưu tập đâu. Em đừng cười anh nhé!
Trong khi chờ đợi xe dọn tuyết trên đường xuống đồi để đi thăm em, anh vừa mới gọi vào Viện An Dưỡng và nhắn họ vặn giùm máy cassette cho em nghe băng nhạc anh đã chơi và cũng là nhạc đệm băng đọc chuyện chúng mình đây. Khi anh hoàn thành băng này, em sẽ lại được nghe để nhớ những kỷ niệm xa xưa của chúng mình. Những lúc anh không vào Viện thăm em được, y tá có thể vặn lên cho em nghe lời anh thủ thỉ bên em, dù anh biết em không còn nhận ra anh là người chồng đầu gối tay ấp từ mấy chục năm qua, là người thương yêu em từ những ngày chúng mình còn học chung một trường, thuở em còn là thiếu nữ Hà Thành.
Giờ đây, em không được khỏe lắm, nhiều khi không nhận ra anh, các con, họ hàng, bạn bè, nhưng bác sĩ nói, tuy em còn mệt không trả lời được, trong tiềm thức em vẫn có thể nhớ và nghĩ tới những hình ảnh cũ, những chuyện xưa, những bài hát quen thuộc. Vì thế từ ngày em phải vào nghỉ trong trung tâm dưỡng sức này anh bắt đầu chơi đàn lại và thu băng những bản nhạc tiền chiến chúng mình thích, chúng mình đã đàn hát cùng nhau. Anh thu được gần 20 bài cho em rồi.

Em còn nhớ không? Thuở ấy em mới học đệ lục trường Nguyễn Huệ trên đường Trần Quang Khải, Hà Nội mà người ta quen gọi là Ðường Bờ Sông, nghe có vẻ nên thơ hơn em nhỉ? Anh học đệ tứ cùng trường và cùng lớp với anh Tuấn của em. Từ lớp học trên lầu, anh có thể nhìn qua khung cửa sổ ra bến nước sông Hồng bát ngát, mênh mông. Ðôi khi mộng viễn du hồ hải làm anh lãng trí trong lớp học.
Hồi đó em còn long tong, loắt choắt lắm, anh đâu thèm để ý. Mãi tới năm anh lấy được mảnh bằng Thành Chung sang học trường Nguyễn Khuyến phố hàng Bè, một hôm đến thăm Tuấn, được nghe tiếng đàn Hạ-uy cầm của cô em từ phòng trong vọng ra, anh mới để ý tới cô bé mặc áo cánh trắng bồng vai, thêu hoa đó. Còn đang tập tành mà tiếng đàn của em đã lưu loát uyển chuyển, anh cảm mến tài em và tìm cách làm thân. Anh nghĩ kế, âm thầm ráo riết học với ông anh họ ngón đàn em đang tập. Nhờ trời anh có khiếu nên học rất chóng và thuộc lòng rất mau những bài vừa tập. Anh trổ tài chơi bản Dư Âm của Nguyễn Văn Tý cho em nghe. Em phục lắm cứ tưởng anh là bực thầy nên rối rít nhờ anh chỉ dạy, để em khỏi phải đạp xe đi tập đàn với ông thân sinh ra cô bạn ở phố Hàng Bún.
Khi Tuấn đưa em đi xi-nê anh cũng đòi đi theo. Tuấn vui mừng nói ngay:
“Nếu cậu bao tụi tớ thì đi cùng lúc nào cũng được.”
Sau xi-nê lại đi ăn kem Hồng Vân Hồ Hoàn Kiếm nữa. Dù Tuấn không để anh phải trả tiền hoài, nhưng chỉ một tháng đôi lần thôi anh cũng xiểng liểng. Anh xin tiền mẹ cho đi học tư thêm Anh, Pháp văn nhưng không ghi tên học mà lấy tiền đó để đi chơi với Tuấn và em, rồi còn học đàn nữa để dạy lại em chứ!

Em còn nhớ không? Hai đứa mình cùng hợp tấu bản Suối Mơ của Văn Cao, chẳng biết có hay không, ba em và Tuấn khen quá chừng. Tuấn và em mồ côi mẹ, ba anh đi kháng chiến Việt Bắc biệt vô âm tín từ lâu. Anh được ba em và Tuấn thương, cho ra vào nhà em như người thân. Hơn nữa, anh học hành khá nên mới may mắn được Tuấn và ba em tin cẩn. Tuy vậy, anh đâu dám tỏ ý thân mật với em bao giờ. Thấy bàn tay em nuột nà vuốt trên phím đàn, anh cũng chẳng dám chạm, chỉ sợ em e thẹn chạy mất, anh hết đường gặp gỡ.

Ðến năm sau, em lên đệ tứ, anh đệ nhị, chúng mình chuyển sang giai đoạn thứ hai, cùng Tuấn và vài người bạn em rủ nhau đi hái ổi Nghi Tàm, Quảng Bá. Vì có mấy cô con gái, nên hai thằng con trai đâu dám lội xuống Hồ Tây vào vườn hái trộm ổi. Anh phải trả mấy đồng bạc để cả bọn vào vườn ổi ăn thả cửa. Không được hái đem về, nhưng chém chết thế nào chúng mình mỗi đứa cũng thủ một hai trái trong túi. Anh và Tuấn thích ăn ổi vừa xanh vừa chua, khi nhai nghe thấy cả tiếng ổi dòn lốc cốc trong miệng. Còn em và các bạn chỉ thích ăn ổi mềm, ruột đỏ hay ruột trắng. Cứ tưởng tượng những miếng ổi thơm ngọt ấy nằm trong miệng xinh xắn với đôi hàm răng trắng như ngà, môi đỏ như son của em, anh cũng ngất ngây người.
Lần thứ nhất đi thuyền Petit Ðồ Sơn, em sợ rúm người khi nghe Tuấn kể truyện con trâu vàng Hồ Tây:
“Tục truyền rằng, ngày xửa ngày xưa có ông Khổng Lồ cho đúc quả chuông lớn trên núi Phao Sơn, Bắc Ninh. Khi ông đánh thử ba tiếng chuông, con trâu vàng bên Tầu nghe được, tưởng trâu mẹ gọi, bèn chạy tới chỗ Hồ Tây này vùng vẫy thành ra hồ sâu.”
Tuấn thêm rằng:
“Trâu vàng là trâu thần không bao giờ chết cũng như rùa thần Hồ Hoàn Kiếm. Trâu có thể quẫy lên, ngay dưới đáy thuyền tụi mình bất cứ lúc nào.”
Chẳng biết có tin thật hay không, em rùng mình làm tròng trành cả thuyền. Con gái đâu dễ nhát sợ thế! Em nhất định không cho hai anh chèo thuyền ra xa. Anh và Tuấn ngồi hai đầu thuyền, chỉ được xải mái chèo tới bên chùa Trấn Quốc cho em hái hoa sen, ăn hạt sen và hít hà mùi hương sen ngào ngạt. Em vui quá quên cả sợ hồ sâu, trâu vàng vùng vẫy, sóng thần nổi dậy có thể làm lật thuyền, chúng mình chìm hết. Ngắm nhìn em, anh thầm nghĩ em là bông sen duy nhất đời anh.
Vài lần sau dạn rồi, em đem theo đàn và đòi ra tận giữa hồ rộạng mênh mông. Em ngồi giữa thuyền chơi đàn réo rắt những bài Bến Cũ của Anh Việt, Con Thuyền Xa Bến của Lưu Bách Thụ, Con Thuyền Không Bến của Ðặng Thế Phong. Tuấn cười khôi hài:
“Tôi muốn con thuyền này có bến ‘đình huỳnh’ cơ, để lát nữa ghé vào đường Cổ Ngư chén mẻ bánh tôm, thạch lèng cố chứ.”
Chúng mình cùng vui mừng tán thưởng, lại làm thuyền nghiêng chao. Em rú lên inh ỏi bám chặt hai bên mạn thuyền, cây đàn Hạ-uy-di xuýt rơi xuống hồ. Nhưng hai anh dùng mái chèo ghìm giữ thuyền thăng bằng ngay. Em được ngồi giữa hai ông anh, những cây bơi lội thành thạo, nên sau một hồi ngồi ngay cứng, em mới hoàn hồn. Anh phải dỗ dành mãi em mới tiếp tục chơi đàn anh nghe. Thỉnh thoảng em nhìn anh cười thật vô tư, hồn nhiên như đợi những cái gật gù tán thưởng của anh. Có thế thôi, sao anh lòng lâng lâng, dạt dào như ráng trời chiều, như ánh nước Hồ Tây huyền diệu trong mắt em. Chỉ tội nghiệp Tuấn, thuở đó đang thất tình người đẹp cùng phố học trường Tây vừa rời Hà Nội đi du học Pháp. Tiếng sáo bạc của Tuấn dặt dìu họa theo tiếng đàn của em làm anh cũng cảm thấy bùi ngùi. Anh nghĩ tới chuyện chúng mình. Nếu vì lý do nào đó anh phải xa em chắc anh sẽ buồn chết mất hay có thể điên lên được.
Thế rồi như hiểu được nỗi lòng anh, Tuấn luôn luôn kiếm cớ phải đi mua sách, ra thư viện, phải đi công việc cho ba em, để anh được ngồi nhà với em hay thong dong đi xe đạp bên em trên đường em đi học về. Nhà anh ở Hàng Ðậu, nhà em ở Hàng Cót. Nhưng nếu có dịp, bao giờ anh cũng thích đạp xe đi bên cạnh em và đưa em về tới tận cửa hay vào trong nhà uống ly nước mưa lọc hay nước chanh do em tự pha, rồi anh mới chịu ra về.
Có lần nước sông Hồng lên cao lắm, cả thành phố xôn xao lo ngại vỡ đê. Từ trường Nguyễn Khuyến anh phóng xe vèo sang trường Nguyễn Huệ đón em và rủ em đi xem nước sông. Ði qua ngã tư Cột Ðồng Hồ, chúng mình xuống xe dựng hai cái vào nhau dưới chân cồn đất cao. Gió sông xoáy cuốn, xoay cuồng. Tà áo màu hoa cà em bay tung như bắt với, quấn quít người anh. Em vụng về giữ vạt áo trước, vạt áo sau thì làn tóc dài xòa xuống che đôi mắt khép. Anh ôm ngang lưng em dìu lên cồn đất. Dòng sông cuồn cuộn đục ngầu phía dưới chân đê, cuốn phăng phăng theo rác rến, lá cây, gỗ mục, cả trăm thứ không tên. Em rùng mình nhìn dòng sông đầy đe dọa và nắm tay anh chạy trở lại đường cái. Bây giờ, anh còn nhớ cái cảm giác xúc động, nóng ran thân thể lúc đó, cái cảm giác đầu đời nam nữ. Anh giữ đôi bàn tay em trong tay anh thật lâu và nhìn sâu vào đôi mắt em long lanh ngơ ngác:
“Em hết sợ chưa?”
Em gật đầu không nói. Anh cảm thấy đôi tay em run rẩy lạnh:
“Anh giữ tay em cho ấm lại mới để em lên xe đạp.”
Lần đầu tiên anh thấy đôi má em hồng lên của người thiếu nữ đã biết e thẹn. Em cúi mặt nói nhỏ:
“Thôi... mình đi về không... muộn!”
Anh vẫn nắm tay em, không chịu rời. Em ngước nhìn anh với trời cầu khẩn. Toàn thân em run rẩy không chỉ riêng đôi bàn tay. Anh yêu em quá, thương em quá! Anh hiểu rằng em không còn sợ dòng sông giận dữ mà em đã có rung động cho anh. Từ phút đó, anh biết rằng anh không thể xa em, anh không thể thiếu em trong đời.

Em còn nhớ không? Trên con đê Yên Phụ gió lồng lộng chiều ấy, anh rình những lúc vắng người qua lại hai bên đường để nắm tay em. Anh muốn vòng tay anh qua cái eo thon nhỏ mà không dám. Em trong trắng, tinh khiết quá, anh e ngại làm em xấu hổ.
Từ đấy, em tránh tất cả những cơ hội gặp gỡ chỉ có riêng hai đứa, ngoại trừ trên đường đi về học, khi em cần anh làm vệ sĩ. Nếu không có anh, biết bao thanh niên khác theo làm em lúng túng, khổ sở đến phát khóc vì những lời chọc ghẹo. Em không bao giờ chịu đi chơi một mình với anh mà không có Tuấn hay các bạn gái. Có khi anh cạn túi vì sự đi chơi đông đảo ấy. Nhưng may mắn anh giúp mẹ lo sổ sách buôn bán nên khi cần, anh có thể vay bà trước rồi làm việc trả sau. Thuở xưa con gái kín đáo, e dè ấy làm kỷ niệm chúng mình trở nên hiếm quí như những đồ vật cổ, giá trị muôn đời.
Lần đầu tiên chúng mình đi lễ Ðền Ngọc Sơn tối giao thừa năm ấy, em mặc áo dài lụa màu hồng nhạt, áo “veste” màu trắng ngà, khăn quàng màu vàng nhạt. Em đi đôi giầy da đỏ gót hơi cao và cầm cái ví tay nhỏ xíu cũng màu đỏ. Trông em lớn hẳn lên, bắt đầu ra dáng thiếu nữ Hà Thành. Anh tinh nghịch mặc áo “veston” và đội mũ dạ của ba anh để lại. Em chế riễu anh sắp giống “ông bô” rồi đấy!
Pháo nổ lạch tạch bên bờ Hồ Gươm tấp nập người đi hái lộc, trai thanh gái lịch dạo bước ngắm nhau. Cầu Thê Húc tưởng chừng có thể gãy vì đông người. Hương khói thơm ngát, mịt mờ cảnh tượng trong chùa. Mỗi đứa hái một cành ngâu nhỏ, trao lộc Tết cho nhau. Chúng mình cùng thắp nhang cầu xin cho em đậu bằng Thành Chung, anh đậu Tú Tài I, đất nước Việt Nam hòa bình, chúng mình không bao giờ phải xa nhau.
Anh biết, yêu em quá sớm để tiến tới xây dựng gia đình. Bằng cấp là mức độ trưởng thành và hữu dụng nhất cho người trẻ lập cuộc đời. Từ sau Tết, anh quyết định “gạo” học, chỉ đưa em đến trường hay về nhà, không đi chơi đâu nữa. Cả hai phải để tâm vào việc học hành thi cử. Kết quả cuối niên học ấy em và anh cùng thi đậu. Hiệp Ðịnh Ðình Chiến Genève chia đôi đất nước Việt Nam ký kết hơn tháng sau đó.

Em còn nhớ không? Mẹ anh nhất định ở lại chờ tin tức ba anh. Ba em quyết định di cư theo sở vào Sài Gòn. Ngày nào anh cũng đến thăm em để nhìn thấy em khóc. Anh không khóc được. Con trai ra cái điều can đảm, anh hùng mà, không thể tỏ ra yếu mềm dù sự chia ly có đau đớn thế nào. Nhưng trong lòng anh tan nát, rối bời. Ðã nhiều lần anh cương quyết nói với mẹ, một là anh cưới em ngay để em ở lại với anh, hai là nếu ba em không bằng lòng như vậy, anh sẽ theo em vào Nam, đợi em trưởng thành sẽ xin cưới em.
Những ngày hoang mang, lo sợ cuối cùng đó được anh quyết định sau chuyến đi thăm dò vùng kháng chiến với Tuấn. Cả hai đứa đều thất vọng khi gặp các cán bộ Việt Minh, chứng kiến những cuộc đấu tố dã man, tàn bạo. Anh xin mẹ tha tội bất hiếu để mẹ ở lại với chị Thục chờ tin tức ba anh, rồi vài ngày sau khi gia đình em rời Hà Nội vào Sài Gòn, anh cũng lên đường.
Anh buồn xa mẹ, xa chị Thục, xa Hà Nội, nhưng gặp lại em là tất cả đền bù. Tội nghiệp em, một tuần xa anh, em lo sợ anh đổi ý kiến ở lại Hà Nội và mất anh luôn phải không? Em khóc sưng cả mắt. Ba em giao hẹn cho anh một năm thi nốt Tú Tài II, năm nữa đi làm, em cũng có hai năm để học thêm rồi cưới gấp, săn sóc nhau, lo cho nhau, để ông nhàn thân già và Tuấn cũng phải có vợ để thế con gái ông trong gia đình.
Trước thời hạn cấm giao thông giữa hai miền Nam-Bắc, me anh và chị Thục đã kịp thời xuống Hải Phòng đi tầu vào Nam. Bà gặp ba anh trở về Hà Nội với cô cán bộ trẻ người thượng du, nên bà quyết định cùng con gái đi theo con trai.
Hai năm sau anh có việc làm tại một cơ sở ngoại quốc. Em học sư phạm, tốt nghiệp cô giáo, nhưng dạy trường tư ở Sài Gòn để gần anh. Anh cưới được em như mong ước.
Thế rồi thằng Tuyên, thằng Tiến, con Hạnh ra đời. Gia đình mình hạnh phúc chan hòa. Em là người vợ hiền ngoan, người mẹ đảm đang, cho anh những đứa con xinh đẹp, khôi ngô, tuấn tú. Chúng mình có tất cả tình yêu và tình yêu ấy không bao giờ suy giảm.
Năm năm sau anh được đổi đi Mỹ làm việc tại Washington, D.C. Vợ chồng con cái mình hòa nhập với đời sống xứ người rất nhanh chóng. Em của anh rất thông minh. Sau một năm ở nhà lo xếp đặt việc định cư cho chồng con, em trở lại lớp học. Hai năm sau anh rất hãnh diện em lấy được chứng chỉ kế toán và xin được việc làm một cách dễ dàng. Chúng mình mua căn nhà xinh xắn ở Annandale em nhỉ?
Ở đó ba năm, gia đình mình đi Singapore. Rồi tiếp tới biến loạn 30 tháng tư 1975, một cơn khủng hoảng, kinh hoàng cho bao triệu người dân miền Nam. May mắn ba em và gia đình anh Tuấn thoát hiểm, đến định cư tại Los Angeles. Mẹ anh và gia đình chị Thục lập nghiệp ở Houston.
Sau bốn năm làm việc tại Singapore, anh được đổi về Virginia. Rồi các con vào đại học, đỗ đạt. Chúng mình có con dâu, cháu nội. Em là bà nội trẻ nhất thế gian này. Mùa xuân năm ngoái cô con gái thứ hai của chúng mình đã làm lễ thành hôn với Hùng con trai anh chị Linh. Lúc đầu hai đứa chẳng thèm để ý tới nhau chỉ học thôi. Gần đây chúng gặp lại trong sinh hoạt cộng đồng và nên duyên đấy. Hai đứa định sang năm mới có con. Tiến, cậu út ít còn bay bổng lắm, muốn đi làm việc bất cứ nơi nào có việc tốt. Việc làm đầu tiên ở Los Angeles, Tiến ở gần ông ngoại và gia đình anh Tuấn. Chúng mình yên tâm hơn. Ðứa nào cũng nói “khi bố mẹ già về ở với chúng con.” Nhưng chúng mình còn ham đời sống độc lập, tuy chỉ cu ki hai vợ chồng, vẫn gặp được con cháu mỗi tuần là vui rồi.

Em thương yêu! Cho đến ngày những con số trong công việc làm đầu óc em rối ren, nhức nhối. Em cũng chẳng cần ý niệm thời gian. Em không nhớ hay quên những chuyện phức tạp trong cuộc đời này. Em không phải đi đến sở làm nữa và anh cũng xin về hưu sớm để được gần gũi, săn sóc em từng giờ, từng phút.
Anh buồn là sau hai năm không còn đủ sức lực và phương tiện để lo cho em chu đáo. Anh đành phải gửi em đến trung tâm nuôi dưỡng người bệnh để em được săn sóc với những phương pháp tối tân nhất. Anh đã bán cái nhà ở Annandale và dọn về đây ở với vợ chồng Tuyên. Chúng xây cho anh một căn nhỏ giáp cạnh nhà, với đầy đủ tiện nghi. Anh có bếp riêng, phòng kiếng cho các chậu cây cảnh, bồn nhỏ nước chảy róc rách. Anh có máy TV, CD, cassette, computer. Các con trang bị tất cả máy móc cần thiết cho anh dùng. Anh có thể đàn hát, tự thu băng, có thể liên lạc với ba, mẹ, gia đình anh Tuấn, chị Thục và các con bằng email. Anh đâu ngờ ba, mẹ còn sức khỏe hơn em. Hai người già quá rồi không thể đi thăm em được. Ông, bà vẫn hỏi thăm em hoài.
Khi đàn và thu hết những bản nhạc tiền chiến xong, anh sẽ thu nhạc ngoại quốc đặc biệt Hạ-uy cầm em thích nhé!

Em còn nhớ bản nhạc Pháp nhưng có nhan đề chữ Anh Forget Me Not không? Thuở mới học Hạ-Uy cầm ai không biết. Chúng mình thuộc lầu và đàn hát cùng nhau em nhỉ! Ðể anh hát lên em sẽ nhớ lại ngay. Em nghe cũng đừng buồn, đừng khóc nhé!
Rita, tu pars sans un regret,
Mais moi je ne peux t’oublier,
Toi tu voles vers d’autres fleurs,
Mais moi je reste avec les pleurs.
Si tu m’avais laissé un baiser
S’envoleront tous mes tracas.
Mais tu partis sans me parler
Au moins ne m’oublie pas...

Ðàn hát lại bài này, anh muốn nói không bao giờ quên em. Nhớ đến em là nguồn hạnh phúc của anh. Chúng mình đã có đầy đủ tất cả những mơ ước, bây giờ phải trả lại đời để về nước Thiên Ðàng cũng là được ơn Chúa gọi đấy thôi.
Anh sẽ đàn, hát bài Ne M’oublie Pas và thu băng cho em nghe lần sau đến thăm em. Anh vui mừng nhận thấy đôi mắt em sáng lên chút linh động khi nghe anh kể chuyện con cháu hay những bản nhạc lời ca, dư âm chúng mình ngày xưa!
Lúc này, anh không có em ấm cúng bên cạnh, nhưng hình ảnh em tràn ngập mọi chỗ trong nhà. Anh có ảnh phóng lớn của em trong phòng khách, ảnh em đứng tựa gốc cây gạo anh chụp được trong lần chúng mình đi chợ phiên Bờ Hồ Hà Nội. Phóng ảnh hai đứa mình chụp trong ngày cưới, treo trong phòng ngủ. Ảnh bốn mẹ con em ngồi trên bãi biển Vũng Tầu, treo bên bàn ăn cùng với hình vợ chồng con cái mình trước Ðài Kỷ Niệm Washington khi mới tới đất Mỹ. Còn nhiều ảnh gia đình mình chụp những dịp Giáng Sinh, lễ Tết với con cháu, anh bày la liệt khắp nơi trong giang sơn nhỏ bé của anh. Anh sống giữa những khuôn mặt thân yêu nhất đời và anh không cảm thấy cô đơn lắm đâu em!
Từ ngày em ngoảnh mặt làm ngơ với thế gian, anh cũng chẳng thiết tha gì nữa. Về đây, anh chỉ liên lạc với con cháu, gia đình thân thuộc và vài người bạn chí thiết khác bằng thư từ, điện thoại. Ngày nào em còn ở trung tâm đó, anh còn muốn sống thầm lặng để chia sẻ thế giới bình an, cách biệt ấy với em.

Em thương yêu, ngoài kia tuyết trắng xóa, không vết chân người. Không gian hoàn toàn vắng lặng, không cả tiếng xe chạy dưới thung lũng. Anh không cảm thấy buồn chán em ạ, vì anh vẫn còn tất cả kỷ niệm chúng ta. Ðó là hạnh phúc nuôi dưỡng anh trong vùng mênh mông thiếu vắng em. Những âm thanh, nhạc điệu, lời ca vương vấn đầy hình ảnh em làm ấm áp lòng anh.
A, có lẽ đã tới giờ thức giấc và ăn sáng của loài vật. Em có nghe không, tiếng chim non vừa gọi nhau chiêm chiếp? Em có nghe không, tiếng sóc truyền cành làm một nắm tuyết nhẹ như bông vừa rơi trên thảm tuyết trắng như tà áo băng trinh của em thuở nào?
Nắng đã chiếu qua rừng tuyết như hào quang phép lạ, như những tia hy vọng thần diệu không bỏ quên loài người dù kẻ kém may mắn nhất. Chiều nay anh sẽ đến thăm em với cuốn băng đọc chuyện chúng mình. Ðừng bỏ đi khi không có anh bên cạnh. Em nhé, em thương yêu của anh!

NGUYỄN THỊ NGỌC DUNG







Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003