Nov 21, 2024   log in
 
home
thơ
danh sách tác giả
nhạc
truyện ngắn
biên khảo,phê bình
điểm sách
phỏng vấn
quan điểm
sinh hoạt văn học

ban biên tập
tìm kiếm
thư tín
giới thiệu sách báo
 
 
  Truyện/Ký
LÁ THƯ KHÓ VIẾT
LINH VANG

Bảo Trâm và tôi quen biết nhau từ thời tiểu học, rồi cùng học với nhau qua trung học và đại học. Bảo Trâm còn độc thân, cũng chưa có người yêu khi tôi đi lấy chồng. Khoảng mười năm trước.
Tôi lấy chồng qua mai mối. Hai gia đình môn đăng hộ đối. Hai ông bố đều là viên chức cao cấp thời Đệ nhị Cộng hòa. Hai bà mẹ học hai trường cùng nổi tiếng ở Sài-Gòn. Mẹ tôi Gia Long, mẹ chàng Trưng Vương. Chàng có bằng tiến sĩ ngành cơ khí, đang làm cho hãng chế tạo máy bay Boeing ở Long Beach, một thành phố ven biển thơ mộng thuộc tiểu bang California. Tôi vừa lãnh bằng kỹ sư hóa học. Chưa làm ở đâu. Chưa có người yêu. Đùng cái có người đánh tiếng. Cha mẹ nói vô, thế là tôi bằng lòng. Tôi chỉ thấy mặt chồng tương lai vài lần trước ngày cưới. Chàng rất lịch sự, đẹp trai, cao hơn tôi một cái đầu. Tôi vốn thích người cao hơn tôi, cho tôi cái cảm tưởng là được che chở. Tôi chỉ trung bình, không đẹp không xấu. Cả một thời đi học, chỉ nổi tiếng chăm chỉ, chịu khó. Không có nhiều bạn bè.
Tôi hãnh diện khoe ngay hình chàng cho Bảo Trâm coi. Nó lại ngạc nhiên hỏi:
-Không biết nhau sao lại chịu lấy nhau như vậy?
-Muốn lấy Việt thì phải qua người quen giới thiệu thôi.
-Mỹ, Việt gì cũng được. Tao sẽ chỉ lấy người nào tao thương.
-Nếu không gặp được người mình thương?
-Thì ở vậy! Cái bằng đại học, mình không tự đi kiếm ăn được sao?
-.....!
Bữa đó, Bảo Trâm và tôi đang ngồi trên giường của tôi, đánh móng chân cho nhau. Nó thích màu đỏ hoa phượng chói chang, còn tôi thích màu tím hoa cà dịu dàng.
Bất chợt nó tửng tửng nói-có thể thật mà có thể chơi:
-Đừng vội có con ngay, để xem! Nếu không hợp thì về lại đây, có tao có mi.
Giọng nói xem chừng buồn buồn. Tôi an ủi nó:
-Rồi một ngày không xa cũng phải tới phiên mi đi lấy chồng thôi. Mong là mi sẽ lấy người mi thương yêu.
Nó nói một cách chắc chắn:
-Dĩ nhiên là vậy rồi!
Và tôi tin là nó sẽ làm được những gì nó nói. Tánh nó xưa nay như thế.
Bảo Trâm là một trong bốn cô phù dâu trong ngày cưới của tôi. Nó lăng xăng lo cho tôi những thứ nhỏ nhặt nhất. Khuôn mặt tươi rói, lúc nào cũng nở một nụ cười. Tôi rất vui khi giới thiệu nó với chồng tôi. Chàng cười nói phái các bà, các cô chơi với nhau thật lâu, có khi suốt đời, còn phái đàn ông thì không.
Sau đám cưới, tôi bỏ phố núi theo chồng về Cali nắng ấm. Mẹ tôi có buồn vì sắp xa con, nhưng mẹ lại nói an ủi, con ở dưới đó thì bố mẹ vài tháng đi thăm con, lại có chỗ đi chơi. Lương bổng của Phúc quá cao, chàng khuyên tôi nên ở nhà trông coi việc nhà và sau này khi có con thì lo cho con cái. Thế là cái bằng của tôi chỉ giá trị nơi nhà bếp! Việc nhà ở đâu mà làm hoài không hết. Vợ chồng son không bao lâu thì hai đứa con ra đời. Tôi túi bụi việc con, việc nhà, đi dự những cái party ở sở chồng. Có một lúc tôi chợt khám phá ra: cuộc sống của tôi chẳng khác nào cuộc sống của mẹ tôi, bận rộn với chồng và con cái. Nhà cửa ngăn nắp, cơm nước đàng hoàng. Lo từng cái áo, cái quần cho chồng, cho con. Quà cáp hai bên nội ngoại. Quà cáp cho chồng trao đổi ở sở làm. Có khác chăng là mẹ tôi học hết trung học, còn tôi học hết đại học. Mà lại ra trường với bằng danh dự! Mẹ an phận với bổn phận. Tôi chu toàn bổn phận mà trong lòng lại ray rứt. Tôi biết ở nhà miết tôi đâm ra buồn nhưng Phúc vẫn khăng khăng kêu xã hội không cần tôi. Chàng và các con cần tôi.
Tôi nuôi con kỹ lắm, kỹ đến nỗi nhiều khi chính tôi cũng thấy tội cho chúng nó. Các con không được ăn bánh kẹo, đồ ngọt, sợ hư răng mà cũng không tốt cho cơ thể. Trong khi tụi anh em họ của chúng ăn bánh kẹo thì con bé con của tôi lôi ra họp snack của nó-tôi cũng bỏ trong cái hộp đàng hoàng-là những cọng đậu luộc nhạt nhẽo. Khi chúng còn trong bụng tôị, tôi đã cho chúng nghe truyện cổ tích đọc bằng tiếng Mỹ rồi.
Bảo Trâm và tôi vẫn liên lạc thư từ qua lại. Lần nào cuối thư, nó cũng viết, cho tao gửi lời thăm người chồng đẹp trai, lịch lãm của mi. Sau này lại thêm lời: thăm hỏi hai đứa con kháu khỉnh, ngoan ngoãn của mi. Nó vẫn chưa có chồng. Nhưng đường công danh sự nghiệp của nó thì thẳng tiến đều đều. Đi công tác ở nhiều nước Âu Châu, Á Châu những nơi mà hãng của nó có đặt văn phòng. Tự mua cho mình một căn nhà xinh xinh nằm sát mặt hồ. Mướn người tới cắt cỏ, bỏ phân. Tự sắm quần áo đẹp, hột xoàn lóng lánh mà không cần phải hỏi xin ai. Với tôi, nó vẫn hồn nhiên, vui vẻ, vẫn nhớ tới tôi mà gửi quà cáp, từ những nơi chốn xa xôi. Các con tôi nhận quà của Bảo Trâm nhiều đến nỗi chúng cho Bảo Trâm là bà dì mà chúng yêu quý nhất, my favorite aunt. Tôi âm thầm so sánh giữa tôi và bạn.
Có lần Bảo Trâm phân bua:
-Chỗ nào cũng đi được, vậy mà chưa có dịp xuống Long Beach thăm gia đình mi được, tao có tệ không chứ! Thôi xin lỗi nghe. Tháng này vườn hoa nhà mi đã nở rộ rồi phải không? Ôi tao ganh tị cái gia đình bé nhỏ hạnh phúc, lý tưởng của mi. Ồ! Mà tao cũng yêu cái nếp sống của tao. Muốn làm gì thì làm, muốn đi đâu thì đi.
Bảo Trâm còn đi dự được tiệc đánh dấu mười năm khóa của bọn tôi ra trường. Tôi thì phải viết thư xin lỗi chị Ngọc Anh là bận rộn quá, không về được. Không dám nói rõ là bận chuyện nhà!
Tôi không cho Bảo Trâm biết sự thật là có lúc tôi cũng buồn tủi vì cứ phải thui thủi đóng vai người vợ, người mẹ, là chồng tôi không cho tôi đi làm, là bạn bè của tôi giờ chẳng còn có ai, ngoài nó. Tôi không biết gì cái thế giới bên ngoài. Tôi không giữ đồng tiền trong tay, ngoài cái thẻ đi chợ và đổ xăng chở con đi học, đi bơi, đi học nhạc. Tôi như con chim xinh đẹp bị nhốt trong lồng. Nếu tôi có gọi về cho mẹ than thở với mẹ thì mẹ tôi lại kêu tôi chỉ nghĩ vớ vẩn, không phải đi làm mà vẫn có nhà cao, cửa rộng, xe hơi đẹp, áo quần đẹp, thì có gì mà than thở chớ! Theo bà, thì tôi nên tội cho Phúc đầu tắt mặt tối lo kiếm tiền nuôi vợ nuôi con.
-Mẹ không tiếc là bao năm mẹ đã lo cho con ăn học. Cho con tiền đóng tiền trường, tiền nội trú, cuối tuần con về, mẹ giặt áo quần, xấy khô dùm cho con, nấu nướng thức ăn, bỏ hộp cho con mang đi. Nếu con đi làm thì tháng tháng con đã cho mẹ chút đỉnh, đằng này, không phải tiền của con...
Nói xong tôi thở dài. Mẹ có nghe tôi thở dài nhưng mẹ lại nói:
-Mẹ đâu cần tiền của con. Con sướng thân là mẹ mừng rồi.
Sao mẹ biết là tôi sướng thân? Tôi nghĩ trong bụng mà không nói ra.
*
Chồng tôi nói cả đời chàng, bây giờ chàng mới biết yêu. Chàng đã yêu một đồng nghiệp mới ra trường, một cô trẻ hơn chàng mười mấy tuổi. Vì mến phục nhau trong công việc làm, tình yêu đến một cách bất ngờ, không ai né tránh được. Tôi nghe mà tái tê cõi lòng. Chàng nhắc lại cuộc hôn nhân của chúng tôi, đã lấy nhau chỉ để làm cha mẹ hai bên vui lòng. Tôi không phủ nhận điều này, nhưng bao năm chung sống bây giờ chẳng lẽ một chút nghĩa cũng không còn? Tôi hỏi, chàng thản nhiên trả lời:
-Dĩ nhiên là anh vẫn quý trọng em, nghĩa thì mình vẫn có đó chứ, nhưng anh biết lâu nay anh không yêu em!
-Sao anh không nói chuyện anh không yêu tôi sớm hơn?
-Tại vì anh không biết yêu là như thế nào, anh cứ nghĩ có vợ có con thì là mình yêu vợ yêu con thôi.
-A! Bây giờ thì anh nhắc tới con. Khi anh nói anh yêu...”nó”, anh có nghĩ tới các con không?
-Dĩ nhiên là anh không bao giờ bỏ con anh. Anh xin lỗi em!
Sau đó, biết là còn ở chung trong nhà thì sẽ ra vô khó thở nên Phúc dọn ra ở apartment. Phúc đi rồi, căn nhà bỗng lạnh như tủ đá. Tôi ôm mặt khóc, thấy cả một vũ trụ đổ xuống đè bẹp lấy tôi. Tôi không biết tôi đã khóc bao lâu nữa. Cho đến khi hai đứa con đi học về-tôi không nghe tiếng xe buýt ngừng trước nhà-; thằng bé con tông vào nhà, mặt đỏ, đưa tay chỉ vào tôi, nhịp nhịp, giận dữ:
-Mẹ làm gì mà ba nói ba không về nhà nữa? Mẹ làm ba giận. Rồi gằn giọng-Lỗi của mẹ phải không?
Thằng bé lâu nay rất ngoan, chưa bao giờ nó dám ăn nói với tôi như vậy. Chưa để cho tôi giải thích, nó chạy vào phòng của nó, dập cửa cái rầm. Tôi đuổi theo, đứng ngoài cửa phòng nó, cũng quát to lên:
-Lỗi của ba mày, chứ không phải lỗi của tao!
Nó tấn cái ghế nơi cửa, làm tôi không mở được. Phòng của các con từ trước tới nay không được làm ổ khóa vì khi chúng còn nhỏ, sợ mó máy bậy bạ rồi vô tình khóa cửa phòng, mà bên ngoài mở cửa không được.
Đứa con gái nhỏ tái mặt, chạy lại ôm chân tôi, khóc tỉ tê:
-Mẹ ơi! Mẹ đừng nói mày tao, con sợ. Mẹ dặn không được nói mày tao với ai hết. Nói như vậy là không nice!
Tôi hất con bé ra, thấy nó té xuống đất rồi lồm cồm ngồi dậy. Mặt nó tái xanh. Lúc này tôi không cần biết tôi có nice hay không. Rồi cả hai mẹ con đều oà lên khóc. Rồi không bao lâu sau, tôi ôm con bé vào lòng. Hay đúng ra, nó vẫn chưa bỏ tôi, chính nó đã sà vào người tôi, và tôi đang ôm nó như đang ôm một cái phao khi biết mình sắp chết đuối trên biển cả.
*
Bây giờ cầm cái thiệp cưới của Bảo Trâm trên tay, với lời nhắn kèm theo:”Thế nào mi cũng về dự chứ, Thụy Kim. Kêu ông Phúc đưa về. Cũng là dịp cho tao thấy rõ mặt ổng lần nữa! Hay ổng bận quá thì mẹ con mi về. Cũng đủ cho tao vui mà. Con bé con của mi làm flower girl cho tao được chứ hả? Và cậu con của mi làm chú bé ring boy giữ nhẫn cho tao, phải quá rồi!”, tôi bối rối quá. Những hàng chữ nhảy múa trước mắt. Lá thư thật dài, kể đủ thứ chuyện. Chuyện của một người con gái đang yêu và sắp lên xe hoa về nhà người yêu.
Tôi vẫn chưa cho Bảo Trâm biết là Phúc đã ra ở riêng được mấy tháng rồi. Chỉ còn lại là ba mẹ con trong căn nhà rộng lớn, lạnh lẽo. Nhưng trước sau thì căn nhà này cũng phải bán đi thôi, vì Phúc sẽ không trở lại mà tôi cũng không có khả năng giữ nó. Cho dù có khả năng giữ, tôi cũng chẳng muốn giữ. Tôi đã bỏ công sức vào căn nhà này quá nhiều, lại chẳng vui sướng gì, chỉ thấy trách nhiệm nặng nề thôi. Dứt bỏ nó, may ra tôi sẽ thấy nhẹ người.
Lâu nay, Bảo Trâm vẫn viết thư hỏi thăm mọi người trong gia đình tôi như thường lệ. Câu trả lời của tôi bao nhiêu lần cũng chưa khác đi. Ông xã mình vẫn bận rộn việc sở, vẫn thăng chức đều đều. Các con của mình ngoan, học giỏi lắm...Mình trồng thêm những hàng hồng ở bên hông nhà, loại cánh dày và có hương thơm thật thơm, cũng kiếm được loại hồng vàng mà Bảo Trâm thích đó. Mình nói với các cháu, bụi hồng của dì Bảo Trâm.
Con bé con cũng thích cây cỏ như mẹ. Mỗi lần tôi chăm sóc vườn tược thì nó cứ lẩn quẩn bên tôi, nói con giúp được gì cho mẹ, con lượm cái lá vàng, cái trái thông dưới cỏ nè mẹ.
Tôi có trăm ngàn lý do để không về dự đám cưới của Bảo Trâm. Tôi sẽ từ từ nghĩ ra. Bạn tôi sẽ thông cảm. Sẽ không giận tôi.
*
Đứng trong bếp sửa soạn món mì sợi nấu kiểu Ý mà hai con thích nhất, ngửi mùi thơm phứt của món ăn, tôi nghĩ ngợi bâng quơ, tôi biết sẽ có những ngày không êm đềm trôi chảy cho ba mẹ con, sẽ có những đêm mất ngủ, những ngày mất hồn. Những cái dập cửa mạnh. Những lời lớn tiếng qua lại. Những giọt nước mắt tuôn rơi. Không tránh được. Nhưng lát nữa đây, mẹ con tôi sẽ ngồi đối diện nhau, có với nhau một bữa ăn tối bình thản, cố gắng sức như chẳng có chuyện gì đã xảy ra.
Ngày mai, tôi sẽ viết cho Bảo Trâm một lá thư dài. Một lá thư khó viết, nhưng nếu mình cố thì mình cũng sẽ viết được. Tôi tự nhủ như vậy.
Tôi mơ màng tưởng tượng.
Nơi đó nắng tháng sáu vẫn chưa gay gắt. Cây cỏ đã xanh thật xanh. Nàng trở về thăm lại thành phố cũ, đúng ra là để dự đám cưới của một người bạn gái thân thiết. Ở phi trường, nàng đón xe taxi đưa thẳng về nhà bố mẹ. Đã mười năm xa nơi đây, nàng cũng muốn có những giây phút riêng tư để nhớ về thành phố cũ, không chừng nàng cũng sẽ đi thăm ngôi trường cũ nữa. Cái hồ nước trong sân trường. Những con vịt thảnh thơi bơi lội...
Bảo Trâm đã đi dự đám cưới của tôi, thì không lý gì trong ngày vui của bạn, tôi lại vắng mặt. Bạn bè nếu mình biết quý trọng giữ gìn thì mình biết chắc đó là cái tình mình sẽ có suốt đời.
Quyết định xong, tôi thấy người nhẹ nhõm.

Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003