Nov 21, 2024   log in
 
home
thơ
danh sách tác giả
nhạc
truyện ngắn
biên khảo,phê bình
điểm sách
phỏng vấn
quan điểm
sinh hoạt văn học

ban biên tập
tìm kiếm
thư tín
giới thiệu sách báo
 
 
  Truyện/Ký
VÀ MƯA VẪN RƠI
LINH VANG
Ở tiệc cưới, tình cờ Tuyền nghe một người ngồi cùng bàn kể chuyện cho người bên cạnh ông ta về một người khác ở xa.
“...Hắn là phó quận trưởng trước 75 mà giờ chuyện vợ con tang thương lắm. Ly dị có 3 đứa con, tiền chu cấp nuôi con làm hắn điên cái đầu. Làm có đồng nào là bị vợ lôi ra tòa đòi trả thêm. Hắn chán quá, làm liều, không thèm đi làm nữa, để khỏi bị chận tiền từ cái check lương, ở chung chạ với bạn bè, làm bậy bạ lấy tiền mặt, sống qua ngày, vợ cũ không biết. Đó là chính con vợ hắn bỏ hắn, có bồ mới và cũng có con với người ta rồi. Thấy hắn gọi sang kể lể tội lắm anh ơi. Dân 75, từ ngày qua Mỹ là đi học miết, có đủ thứ bằng, mới lấy vợ chừng 10 năm nay, ai dè khổ như thế!”
Tuyền hơi nghi nghi, có khi nào là Hoành...? Cũng cựu phó quận trưởng. Cũng học cao học rồi tiến sĩ, rồi đi làm có tiền và lấy vợ. Nhưng không lẽ hoàn cảnh của anh lại bất hạnh đến như thế! Tuyền chú tâm lắng nghe xem người đàn ông đó có nói thêm gì nữa không. Thì ngay lúc đó, người đàn ông nói tiếp:
“Thằng Hoành nói hoài, tui may mắn hơn hắn, đi cải tạo về còn vợ con, bây giờ vợ chồng, con cái dâu rể cháu chắt ở chung một nhà rộng lớn, vui vẻ. Còn nó thì không có cái nhà để ở, mang tiếng là dân qua năm 75! Bằng đó chữ nghĩa mà còn thua thằng HO mới qua như tui. Ở nhờ vả như thế thì ai cho ở hoài, họ cũng khinh khi ra mặt chớ!”
Người kia xem ra rành đời sống bên Mỹ, nói:
“Xứ này dính vào cái vụ Child Support (1) là không ngóc đầu lên nổi!”
Người đàn ông lại chắc lưỡi nói:
“Con vợ trẻ quá! Cái ngữ ấy thì sống với nhau không bền là cái chắc!”
Tuyền nghĩ thầm. Vợ của Hoành rất trẻ. Quả đúng là Hoành rồi! Sao đời lại ra nông nỗi đến thế!
Tuyền ngồi im thin thít. Hai người đàn ông nói thao thao qua lại đó quả là không biết Tuyền là ai. Tuyền không dám nhìn thẳng vào mặt họ, vờ hốt nắm đậu phọng rang trên cái dĩa, đưa từng hột vào miệng nhai, giả vô tình như không để ý họ đang nói chuyện với nhau, về một người nào đó ở xa.
Lúc đó, chồng của Tuyền đang ngồi lắng nghe trên sân khấu một ca sĩ Việt hát giúp vui một bản nhạc lời Mỹ. Anh không để ý mấy ông VN ngồi chung bàn đang nói chuyện gì, vì anh không hiểu tiếng Việt, chỉ biết sơ vài tiếng để chào hỏi thôi. Cô ca sĩ mầm non phát âm lời tiếng Anh không rõ, anh phải chăm chú lắng nghe là vì vậy. Anh vô tình không biết Tuyền đang bị một cái sốc mạnh. Tuyền đang lúng túng. Đầu óc Tuyền đang nhớ về dĩ vãng.
Ngày đó, Hoành có nhiều tham vọng. Muốn học thật cao, sẵn ỷ mình có khả năng học. Trai tài, gái sắc. Hoàng chủ trương lấy vợ trẻ, đẹp. Tuy là quen Tuyền nhiều năm, cũng nói yêu thương, nhưng Hoàng không có ý định lấy Tuyền làm vợ. Tuyền thì vẫn ngây thơ tin nếu Tuyền làm đủ mọi cách để Hoành phụ thuộc vào Tuyền, thì trước sau gì Hoành cũng sẽ hỏi cưới Tuyền. Tuyền lo cơm nước, học đủ món ăn Việt để nấu cho Hoành ăn, giặt giũ áo quần, làm đủ mọi thứ chuyện để Hoành rảnh rang mà học hành. Ngay cả việc Tuyền vào thư viện tìm giùm tài liệu để Hoành viết reports. Tuyền đi shopping sắm từng cái áo cái quần, đôi giày đôi vớ cho Hoành. Ngay cái bánh xe mà xẹp lốp, cũng Tuyền đứng lui cui bơm hơi!
Tuyền và Hoành tình cờ quen nhau ở tiệc sinh nhật của một người bạn. Hoành là bạn cùng lớp với Ân, bạn trai của Thảo, Thảo là bạn của Tuyền. Bạn cùng lớp nhưng thật ra Ân nhỏ tuổi hơn Hoành nhiều và chỉ hơn Tuyền và Thảo vài tuổi. Khi Tuyền cặp với Hoành, các chị của Tuyền không hiểu sao Tuyền lại thích một người đàn ông lớn tuổi như vậy. Hoành hơn Tuyền 9 tuổi. Tuyền chỉ trẻ, có làn da trắng, không đẹp cho lắm, tuy vậy cũng có nhiều thanh niên cùng trang lứa để ý, lại nữa dạo ấy hoàn cảnh người Việt là trai thừa gái thiếu. Ấy vậy mà Tuyền mê Hoành. Sau vài tháng quen biết là Tuyền dọn vô ở hẳn căn phòng nhà Hoành, vì Hoành thèm ăn đồ ăn Việt mà đàn ông con trai như Hoành lại không biết nấu nướng. Hoành nói, anh mê cái món cá kho của Tuyền, khẩu vị giống như mẹ anh thường nấu (bà còn kẹt lại ở quê nhà). Các chị khuyên em không được-Tuyền kêu là Tuyền đã lớn rồi, muốn tự lập-đành bó tay. Cha mẹ họ ở bên VN không biết. Vì không ai bên này dám nói, sợ ông bà buồn.
Thấy Tuyền ở chung với Hoành lâu mấy năm như vậy mà không nghe chuyện cưới hỏi, các anh chị của Tuyền cũng hồi hộp, sốt ruột, sợ em mình không chừng bị gạt cả tình lẫn công. Đó là chưa kể tuổi thanh xuân của em mỗi ngày mỗi trôi qua trong nỗi vô tình của trời đất. Các chị cứ hỏi, nó có tính toán gì không? Tuyền không biết trả lời sao. Tuyền hỏi Hoành có tính toán gì không, thì chính Hoành cũng nói thẳng, còn bận học, chưa nghĩ tới, chưa tính toán gì. Hỏi có thương Tuyền không thì Hoành nói có, nhưng Hoành không chắc chuyện ngày sau sẽ ra sao. “Anh sợ anh sẽ không chung thủy với em!” Tuyền nghe nói vậy buồn lắm, nhưng lại cố nghĩ anh nói như vậy nhưng không có ý như vậy, vì đâu còn ai chăm lo săn sóc anh bằng Tuyền. Tuyền không mong là anh sẽ cảm động rồi hỏi cưới Tuyền, mà mong là anh thấy sự cần thiết có Tuyền bên cạnh anh, rồi một ngày anh sẽ tự động làm việc ấy. Tuyền đi làm thêm để lo chi phí cho hai người. Thức khuya, dậy sớm. Vừa học vừa làm. Còn Hoành thì học toàn phần, không đi làm gì cả, lệ thuộc hẳn vào tiền grants (2) và tiền vay mượn, loans. Dĩ nhiên là phải túng thiếu. Tiền của Tuyền đi làm lấp vào chỗ hổng đó.
Họ sống có khác chi một cặp vợ chồng trẻ còn nghèo. Vợ đi làm nuôi chồng ăn học. Chừng chồng vinh hiển thì vợ sẽ hưởng bổng lộc theo. Tuyền tự an ủi mình, cái tờ hôn thú chỉ giúp người đàn bà cảm thấy an tâm hơn, chứ thật ra chẳng có nghĩa lý gì nếu họ muốn chia tay. Nhưng ở đây, Hoành lại không hứa hẹn gì cả. Nên không ai có thể trách cứ Hoành được. Chỉ có Tuyền là mong một ngày được Hoành đeo cho nhẫn cưới vào ngón tay thon thon của nàng.
Có những mầm mống sở khanh rõ ràng như thế mà Tuyền vẫn khờ vẫn sống với Hoành cho tới ngày Hoành bỏ Tuyền đi lấy vợ ở một tiểu bang khác. Tuyền nghe bạn bè nói phong phanh, đó là một người con gái trẻ đẹp, nhỏ hơn Hoành gần hai chục tuổi, vừa xong trung học và không có ý muốn học cao, mà Hoành quen trong lúc đi phỏng vấn xin việc ở tiểu bang nơi cô ta ở. Thế là công lao lâu nay của Tuyền một sớm một chiều đã trở thành là công dã tràng se cát! Tuyền đau khổ lắm nhưng phải ngậm hột thị không dám hé răng than vãn với các chị của nàng, sợ lại làm các chị buồn, vì đã không chịu nghe những lời các chị khuyên bảo trước đây.
Đó là thời gian cuối năm dương lịch, năm đó trời mưa dữ lắm, mưa ào ào như trút nước và rồi rỉ rả ngày này qua ngày khác. Cảnh vật thật ảm đạm, thê lương. Ảm đạm ngoài trời, ảm đạm trong lòng. Mà cái ảm đạm trong lòng Tuyền thì còn kinh khủng hơn. Có một khoảng trống vắng khó tả. Tưởng chừng như có thể buông xuôi tất cả. Người Tuyền cứ như lơ lơ lửng lửng trên không! Tâm sự nặng trĩu mà không cởi mở cùng ai được. Ngay cả bạn bè, vì Tuyền sợ chúng chê cười.
Không bao lâu Tuyền cũng đi lấy chồng để lấp khoảng trống vắng đó. Sống nhiều năm với một người đàn ông mà không cưới hỏi, ở vùng này, ai cũng biết chuyện nên Tuyền khó quen với người đàn ông Việt nào khác nữa. Dạo đó dư luận (cộng đồng Việt) còn khắt khe đến như thế. Tuyền đành phải nhận lời lấy cái tên Mỹ trẻ măng cùng sở. Trẻ và đẹp trai. Trẻ hơn Tuyền hai tuổi và đẹp trai hơn Hoành nhiều. Tóc óng ánh vàng. Mắt xanh da trời. Lại chìu Tuyền hết cỡ. Tuyền giờ không phải làm toi mọi cho ai cả mà còn được chồng hầu. Chồng tháo vát lo được việc nhà, cơm nước như phần lớn đàn ông Mỹ, nhưng khổ nỗi là Tuyền không quen ăn đồ ăn Mỹ, nên rồi lại phải nấu nướng đồ ăn Việt cho mình nàng ăn.
Khi nghe tin Tuyền ở bên này lấy chồng Mỹ, lấy người dị chủng, cha mẹ nàng buồn lắm. Ông bà vẫn mong các con có chồng Việt, vợ Việt, vì họ quan niệm, rồi cũng có ngày đưa nhau về VN ở hay ít ra cũng về thăm ông bà chứ. Tuyền phải giải thích là Paul rất thương yêu chăm sóc nàng, vả lại Tuyền cũng sợ đàn ông VN nữa. Ông bà vẫn không hiểu tại sao Tuyền lại sợ đàn ông VN. Vì tuy là Tuyền có giải thích nhưng câu giải thích lại không rõ ràng. Tuyền đâu dám cho ông bà biết sự thật: con gái như Tuyền vì si tình mà đã ăn ở chung với một người đàn ông trước khi cưới hỏi.
Tình nghĩa lâu ngày cũng sâu đậm. Vợ chồng Tuyền có hai đứa con: một gái, một trai. Michelle 8 tuổi và Michael 5 tuổi. Bố Mỹ, mẹ Việt, con hai giòng máu thật đẹp. Mới nhìn thì cứ tưởng là con Mỹ, vì cũng tóc vàng, da trắng, mắt to, mũi cao. Nhưng nhìn kỹ thì cũng có chút nét Á Đông thanh nhã. Hai đứa nhỏ dẫn đi đâu thường được thiên hạ trầm trồ khen ngợi. Làm Tuyền cũng hãnh diện lắm.
Paul chí thú làm ăn, ngoài việc làm thảo chương điện toán cho tiểu bang, anh còn mua nhà cũ sửa lại để cho mướn. Anh đã lai rai làm cái việc đầu tư đó hồi chưa lấy Tuyền. Rồi địa ốc lên giá, mười căn nhà đã giúp anh có một số vốn khá lớn. Từ khi có thai đứa con đầu lòng, Tuyền không đi làm. Mới đầu thì tính nghỉ khoảng hai, ba năm chờ cho con lớn một chút, rồi mới đi làm lại, sau đó lại thấy không cần thiết phải đi làm nên Tuyền không nghĩ chuyện đi làm nữa. Bây giờ thì coi như học có cái bằng để cất cho vui thôi. Nói thì nói vậy, chứ Tuyền biết những năm sau khi các con lớn một chút, chừng đó chắc chắn là cần tới nó. Tuyền có thể hướng dẫn các con trong chuyện học hành. Lúc này Tuyền lo chở con đi học, đi bơi, đi học đàn dương cầm, vĩ cầm, đi chơi thể thao. Tuyền tham gia hội phụ huynh học sinh ở trường, cũng hăng say trong nhóm thiện nguyện gây quỹ cho thư viện địa phương, hay sốt sắng làm công quả ở chùa.
Hai ngày lại có một bà người Việt tới dọn dẹp nhà cửa và nấu đồ ăn Việt cho Tuyền. Mỗi tuần Tuyền đi ăn trưa với đám bạn gái còn đi làm. Họ kể cho nhau nghe đủ thứ chuyện. Nên tuy ở nhà mà Tuyền không cảm thấy bị cô lập với cái thế giới bên ngoài. Paul đi làm về thì tắm rửa cho con, phụ việc nhà. Paul nấu đồ ăn Mỹ cho anh và cho hai con.
Gia đình Tuyền có hạnh phúc. Nếu hạnh phúc là điều đơn giản tự mình cho như thế đó. Vợ chồng yêu thương nhau, không gây gỗ. Con cái ngoan ngoãn, biết nghe lời. Đi thưa về trình. Đôi khi Tuyền cũng tự hỏi, nếu như Tuyền lấy Hoành thì liệu nàng có được hạnh phúc như thế này hay không. Hay cả một đời cứ phải làm toi mọi cho Hoành? Và quên bản thân nàng?
Tuyền dạy các con nói tiếng Việt với mẹ. Đêm dỗ chúng ngủ bằng những câu ca dao mà ngày xưa khi nàng còn bé mẹ nàng vẫn hay dỗ nàng ngủ. Chúng biết hát những bản nhạc Việt quen thuộc, biết nghêu ngao ...Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra, một lòng thờ mẹ kính cha, cho tròn chữ hiếu mới là đạo con...Con mèo mà trèo cây cau, hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà. Chú chuột đi chợ đằng xa, mua mắm mua muối giỗ cha chú mèo...Bóng trăng trắng ngà, có cây đa to, có thằng Cuội già, ôm một mối mơ...
Có lần chơi với đám bạn Mỹ hàng xóm, hai đứa trẻ đã có thể nói tiếng Việt lén với nhau về một đứa bạn Mỹ mập nào đó. Tuyền bắt gặp và la con không được nói xấu sau lưng bạn, nhưng rồi Tuyền lại cười nói nhỏ với chúng:
“Các con có thấy là biết thêm được tiếng Việt có lợi không nè?”
Mùa hè rồi, Tuyền đã bắt đầu dạy Michelle học đọc và viết tiếng Việt. Con bé học mau. Nó đã có thể viết những câu tiếng Việt ngăn ngắn để dặn nàng làm cái này cái nọ cho nó. Đôi khi nó viết không bỏ dấu, hay không phân biệt được dấu hỏi, dấu ngã, mà đều cho dấu hỏi. Tuyền đọc mà tức cười quá, nhưng vẫn nói với con, tốt quá rồi, từ từ rồi mẹ sẽ nhắc dần cho con nhớ. Nó cũng thích nói tiếng Việt với nàng, vì biết như thế thì mẹ sẽ vui, mà mẹ vui thì nó thỏ thẻ cái gì mẹ cũng gật đầu hết. Nàng nói với con gái, “con phải viết chữ tiếng Việt cho giỏi để mà viết thư cho ông bà ngoại, chứ ông bà ngoại không đọc được chữ tiếng Mỹ đâu”. Nàng tự hứa là một ngày nào đó nàng sẽ đưa các con về VN thăm ông bà ngoại.
Trời mưa. Đường xa lộ về khuya vắng vẻ. Paul vừa lái xe vừa nghe nhạc, loại nhạc êm dịu. Thấy vợ yên lặng nhắm mắt, Paul tưởng vợ ngủ nên anh cũng không hỏi han gì. Anh vừa vặn thêm sưởi cho vợ được ấm áp. Tuyền biết điều này, vì một luồng hơi ấm vừa tỏa vào người nàng, thoải mái. Tuyền thấy cảm động, thương chồng. Hoành không bao giờ làm những điều nhỏ nhặt ấy với nàng.
Tuyền miên man nghĩ chuyện xưa, chuyện nay. Chuyện xưa bây giờ chỉ như là giấc mơ thôi. Với Tuyền, hiện tại với gia đình nhỏ của nàng mới là quan trọng. Chuyện vừa nghe được đêm nay, Tuyền nhủ thầm, quên đi, không phải là chuyện của mi nữa đâu, Tuyền ơi!
Tuyền mở mắt, người rục rịch nhẹ. Bấy giờ chồng nàng mới lên tiếng:
“Gần về nhà rồi! Thấy honey ngủ thật ngon! Sợ hai đứa nhỏ không chịu đi ngủ mà còn đợi em về.”
“Cái đám cưới này đãi tiệc xa quá!”
****
Chỉ mấy tháng sau đó, vào một ngày cuối tuần đi chợ VN, Tuyền nhặt được tờ báo Việt khi đứng chờ ở quầy tính tiền. Ngẫu nhiên Tuyền thoáng thấy được cái tít đăng ở trang đầu tin về một người VN ở tiểu bang C vì chuyện phải trả tiền nuôi con cho vợ cũ, hận vợ cũ dùng tiền đó để ăn chơi, nuôi bồ, mà người đàn ông đó đã giết cô vợ trẻ. Tuyền cuối xuống đọc kỹ lại. Tuyền lạnh người, hoa mắt lên. Tên họ của người đàn ông trên trang báo đó là của Hoành! Tuyền trả tiền, rồi vội bước ra khỏi cửa tiệm mà quên không xách mấy túi thức ăn. Không nghe tiếng của cô đứng tính tiền đuổi theo: Chị ơi, chị quên...Tín à, em chạy theo kêu cái chị áo tím ấy đi, chị đã bỏ quên không lấy đồ!
Ngoài trời mưa vẫn rơi...như chưa từng dứt. Những hạt mưa đột nhiên nặng hột đã trút đổ xuống người Tuyền, làm tóc đầu áo quần nàng ướt mem. Tuyền không còn biết cái lạnh là gì cả, vẫn đi trong mưa. Tuy là cả bao năm nay Tuyền không gặp lại Hoành, chuyện quá khứ đã chôn vùi trong đống tro tàn, nhưng bỗng dưng hôm nay mọi hình ảnh cũ như khơi sống lại, như mới hôm nào, như mới hôm qua. Tuyền cảm thấy như nàng vừa nghe tin một người thân của nàng đang lâm vào hoạn nạn. Tuyền biết dù người đàn ông đó đã đối xử không tốt với nàng, đã làm nàng khổ đau, nhưng Hoành vẫn có một chỗ đứng trong trái tim nàng. Trái tim đó vẫn biết đau nhói. Như bây giờ. Như vừa bị một nhát dao. Đau, đau quá!

LINH VANG

(1) tiền Child Support: tiền cấp dưỡng nuôi nấng con cái còn vị thành niên.
(2) grants: tiền mà chính phủ Hoa Kỳ giúp sinh viên nghèo, cho mà không bắt phải trả lại.

Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003