|
|
Truyện/Ký |
ĐÊM CÔ ĐƠN
|
LÊ THỊ NHỊ - đăng lúc 01:28:18 AM, Jul 14, 2007
Một ngày như mọi ngày đã qua đi. Cũng những công việc bề bộn ở sở. Cũng những tất bật khi về nhà. Cũng những khuôn mặt quen thuộc, đáng yêu và đáng ghét!
Những khuôn mặt thiên thần của các con. Nét mặt khó đăm đăm của ông xếp. Những con số nhảy múa trước màn ảnh của máy vi tính. Vẻ mặt lạnh lùng của chồng cùng những cái hóa đơn tiền nhà, tiền xe, tiền điện... tất cả, tất cả, như trộn lẫn, như quay tít trong cái đầu nhỏ bé của Thùy.
Thân hình gầy nhom của Thùy được cuộn tròn bởi tấm chăn mỏng màu xanh lơ nhạt, như dán xuống cái giường cỡ lớn nhất (King size), cái giường mà một tháng đôi lần chồng nàng tạt vào như những vì vua thuở trước đến cùng các cung tần mỹ nữ vào những đêm thanh vắng.
Có điều khác biệt là các cung phi háo hức mong đợi để được hầu hạ nhà vua, còn nàng thì không. Mặc dù, những khi vào căn phòng này, chàng đã cố gắng làm ra vẻ là một người chồng tình tứ!
Nhưng, mở mắt, nàng cũng thấy khuôn mặt lạnh lùng của chàng. Nàng cũng thấy chàng ngồi dán mắt vào cái Ti Vi trong khi nàng làm đủ mọi việc trong nhà sau một ngày dài mệt mỏi, căng thẳng đầu óc ở sở. Nhắm mắt, nàng cũng thấy nét cau có của chàng. Chàng im lặng, nhưng nàng cũng như nghe tiếng bẳn gắt, hét la các con, tiếng cười ha hả của chàng khi xem những chương trình chọc cười nham nhở trên Ti Vi.
Những lúc gần nhau, đôi khi, nàng ứa nước mắt, tự hỏi: “Tình mặn nồng chồng vợ là như thế này ư?
Mấy lúc sau này, không hiểu một động lực nào đã khiến Thùy có can đảm “Vùng lên” đối với chồng. Nàng đã dám cãi lại chồng những khi chàng làm sai, nói sai điều gì. Nàng đã dám thẳng thắn đề nghị chàng phải chi phí một vài ngân khoản cho gia đình mà lúc trước nàng cố gắng tự mình trang trải. Những lúc chàng đánh mắng các con, nàng cũng đã biết can ngăn chứ không còn chạy vào bếp mà khóc thút thít nữa.
Nhiều lần, chàng đã hét lên trước sự đổi thay của nàng: “Bây giờ cô giỏi lắm! Cô không còn coi tôi ra gì nữa phải không?”
Thực ra, thì nàng không giỏi dang gì cả. Cũng chẳng phải nàng đã thấm nhuần nếp sống của người đàn bà Mỹ là biết đòi hỏi sự bình quyền giữa vợ chồng mà chỉ vì nàng đã cùng đường rồi. Không thể chịu đựng thêm được nữa!
Ở sở, nàng đã phải cố gắng làm việc bằng hai bằng ba người mà vẫn không vừa lòng xếp lớn, xếp nhỏ. Những người làm cùng sở thì kèn cựa đủ thứ chuyện vì thấy nàng được hưởng lương cao. Về nhà thì phải làm trăm thứ việc, từ chợ búa cơm nước cho đến việc đưa đón con đi thư viện, đi học đàn, đi đá banh...trong khi chồng nàng thì cứ thản nhiên ngồi coi Ti Vi hoặc đi chơi với bạn bè. Chàng có thân mật với một hoặc nhiều người đàn bà khác thì nàng cũng chẳng hay biết. Bởi vì nàng mệt mỏi và bận rộn quá, không có thời giờ và tâm trí để dò xét, theo dõi chồng.
Từ mấy tháng nay, Thùy lại bị chứng nhức đầu kinh niên hành hạ nên tinh thần và thể chất bị sa sút nhiều. Có những khi nàng như điên, như khùng, nhớ trước, quên sau, làm việc gì cũng không xong. Mặc dù vậy, nàng cũng không dám xin nghỉ phép để đi bác sĩ vì sợ bị đuổi việc.
Cho đến tháng trước thì nàng không còn gượng được nữa! Nàng đã bị ngất đi trong giờ làm việc và phải vào bệnh viện cấp cứu. Sau khi làm những cuộc thử nghiệm, bác sĩ cho nàng về vì không tìm ra bệnh trạng.Tuy nhiên, nàng cứ yếu dần và gầy xọp hẳn đi.
Thùy tưởng rằng khi thấy tình trạng sức khỏe của mình như thế, thì ít ra, chồng nàng cũng phải lo săn sóc nàng và thay nàng lo cho các con. Nhưng không, chồng nàng chỉ thay đổi một chút, chỉ một chút thôi! Một chút đổi thay ấy, không thể giúp gì cho gia đình nàng được.
Ngày nào Thùy cũng phải uống thuốc nhức đầu. Một viên, hai viên, ba viên... Và nàng vẫn phải làm việc ở sở, ở nhà với khối óc mệt mỏi, với đôi tay hằn lên những đường gân xanh xanh.
Đêm nay, Thùy trằn trọc mãi không thể nào ngủ được. Những cơn nhức đầu đến liên tục. Khi thì giật giật hai bên thái dương. Khi thì nhói đau trên đỉnh đầu. Hai tai nàng ù đi. Thùy nằm im lặng trên giường. Bỗng nhiên, nàng nghĩ tới cái chết.
Nếu nàng chết, cũng hay đấy nhỉ? Đằng nào thì cũng một lần phải giã từ cái thế giới này. Sớm một chút, có sao đâu? Càng đỡ phải sống. Đỡ phải quay tròn với những hệ lụy của cuộc đời.
Nàng cũng mường tượng ra đám tang nàng, một đám tang sẽ khiến mọi người chứng kiến mủi lòng, khi nhìn các con nàng lủi thủi đi sau xe tang. Nàng cũng mường tượng ra cảnh chồng nàng khóc lóc thảm thiết khi hạ huyệt, rồi bàn tay run run ném một nhánh hoa cuối cùng xuống lòng đất tặng nàng.
Mắt Thùy đăm đăm nhìn lên trần nhà. Rồi nàng vùng dậy mở tung cửa sổ, nhìn ra màn đêm. Khu vườn sau tối đen như mực, chẳng có gì để mà nhìn, mà ngắm. Chỉ có tiếng gió rít từng cơn. Chỉ có hơi lạnh lùa vào phòng. Thùy cứ đứng yên như thế rất lâu, rất lâu... Rồi khung cửa sổ được khép lại. Thùy đến bên bàn viết, bật đèn. Những xúc cảm tràn ra trên trang giấy trắng...
“Các con thương yêu của mẹ,
Trong cuộc đời, chưa bao giờ mẹ cảm thấy mẹ cô đơn như đêm nay. Nỗi cô đơn tận cùng và những cơn nhức đầu khủng khiếp đến liên tục khiến mẹ không còn có can đảm để mà sống thêm một ngày nào nữa! Xin lỗi các con. Mẹ đã yếu hèn trốn chạy trách nhiệm đối với các con, với xã hội. Nhưng mà, nhưng mà.... với tình trạng sức khỏe yếu kém và một tinh thần ngày càng sa sút thì mẹ nghĩ nếu mẹ có ráng mà sống thì mẹ cũng chẳng giúp ích được gì cho ai, mà lại còn là gánh nặng cho các con, cho xã hội nữa.
Hồi nào tới giờ, mẹ luôn luôn cố gắng để sống một cuộc đời có ý nghĩa, đới với gia đình, đối với xã hội. Bây giờ, mẹ thấy mẹ vô dụng thì mẹ buồn khổ và chán nản vô cùng. Thôi thì mẹ đành vĩnh biệt các con thương yêu của mẹ.
Trời sinh voi, Trời sinh cỏ”, mẹ nghĩ thế và yên tâm ra đi khi nghĩ đến các con.
Mai này, khi không còn mẹ, Ba các con sẽ lo làm ăn chăm sóc các con hơn. Gia đình hai bên nội ngoại khi thấy các con còn nhỏ mà côi cút chắc cũng thương yêu, săn sóc các con giùm mẹ .Các con lại vốn ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành nên mẹ tin rằng các con sẽ có một tương lai tốt đẹp.
Giây phút cuối cùng của đời mẹ, mẹ sẽ nghĩ đến các con với muôn vàn thương yêu trìu mến.
Mẹ
Thùy mở các hộc tủ, ngăn kéo, lục lọi, tìm kiếm. Nàng muốn gói mấy món quà cho các con. Những món quà nàng đã mua khi gặp dịp bán hạ giá, để dành sẵn cho các con trong những dịp Sinh nhật, Giáng sinh... Nàng loay hoay với mấy cuộn giấy hoa, cái kéo, cắt, cắt, dán, dán.
Nàng ở một nụ cười mãn nguyện khi nhận ra rằng các con nàng, mỗi đứa đều có quà sinh nhật trong vòng mười năm. Nàng cũng cẩn thân ghi từng năm trên mỗi gói quà. Tất nhiên, chồng nàng cũng có phần, nhưng chỉ một gói thôi. Nàng nghĩ, sau đó, chàng sẽ có một người yêu hoặc một người vợ mới, tặng quà cho chàng.
À, lại còn con chó Lucky nữa. Nàng phải gói cho nó quả bóng nhỏ, một miếng xương giả để nó chơi. Lại còn…... lại còn...Thùy cố nhớ ra những người thân, à, không phải, những người mà nàng thương thì đúng hơn, vì làm sao Thùy biết người ta thân hay thương mình? Những món quà nhỏ mới nguyên đã hết, nàng gói thêm cả những vật dụng còn tốt của nàng. Chỉ là kỷ niệm, nàng nghĩ thế, nên không ngần ngại gói hết gói này đến gói kia... Nàng mỉm cười thầm nghĩ “Thì ra, mình thương nhiều người quá!”
Tiếng tích tắc của kim đồng hồ trong đêm khuya, Thùy nghe rõ mồn một. Rồi chuông đồng hồ thong thả buông ba tiếng rời rạc. Giờ này, chồng và các con đã say ngủ trong những căn phòng gần bên. Chắc chắn là mọi người đều khóa cửa phòng, thành ra, nếu nàng có muốn nhìn mặt các con một lần chót cũng không thể được! Thôi thì lấy album gia đình ra mà xem vậy.
Cái ảnh lớn cùng cỡ với quyển Album mà vợ chồng nàng chụp trong ngày cưới để ở trang đầu mới đẹp làm sao! Mắt nàng cười có đuôi, nụ cười của chàng hồn nhiên với cái miệng rộng. Cả hai người cùng nhìn thẳng vào ống kính của máy ảnh nên trông thật linh động. Ba trang sau đó là hình ảnh của một đám cưới linh đình với những mâm quả phủ khăn màu đỏ thắm, với những cô phù dâu xinh như mộng, những chàng phù rể hào hoa, phong nhã, với họ hàng , bằng hữu ăn mặc sang trọng... những trang tiếp nối là hình ảnh của mỗi đứa con, từ lớn tới nhỏ. Từ lúc mới sinh cho đến bây giờ. Những tấm ảnh đã đưa Thùy trở về với muôn vàn kỷ niệm. Những kỷ niệm chan hòa niềm vui, ngập tràn hạnh phúc... Những kỷ niệm đã bị đời sống phũ phàng xóa nhòa đi, bỗng nhiên đêm nay sống dậy trong lòng Thùy...
Trong một tiệc cưới của một cô bạn,Thùy và Chi đang ngồi ở ngoài sân, bên một khóm cây, thì một anh chàng phù rể ra mời Chi khiêu vũ. Thấy Chi nhìn mình rồi định từ chối, Thùy cười, nói nhanh:
- Chi cứ ra nhảy đi, mình ngồi đây một chút, có sao đâu!
Chi mỉm cười đưa tay cho anh chàng nắm và giao hẹn:
- Nhảy ở ngoài sân này thôi anh nhé, Chi không vào phòng đâu!
Anh chàng phù rể lịch sự gật dầu:
- Xin tuân lệnh! Vả lại tôi cũng thích nhảy ở ngoài này nữa. Khung cảnh có vẻ thơ mộng như trong phim Sabrina vậy!
Thùy ngồi ngắm hai người quay tròn trong điệu luân vũ và cảm thấy mình quê mùa làm sao! Nàng đưa ly nước lên miệng, nhấp một ngụm cho đỡ bối rối, rồi tự trách mình tại sao lúc nãy không kiếu từ, về sớm.
Thực ra, Thùy cũng muốn ở lại nghe nhạc và để biết cái không khí của một buổi dạ vũ nó như thế nào. Nhưng tới bây giờ thì nàng mới thấy rằng không biết nhảy mà ngồi ở đây thì kỳ quá! Nếu có ai mời nhảy mà mình nói là không biết thì ngượng chết được!
Đang miên man suy nghĩ thì Thùy nghe có tiếng nói bên tai:
- Cho tôi ngồi đây nói chuyện với Thùy được không?
Thùy ngỡ ngàng nhìn lên, lung túng.
- Thùy ngạc nhiên vì sao tôi biết tên Thùy phải không? Dễ thôi mà, tôi hỏi cô dâu đấy!
Không đợi Thùy trả lời, anh chàng kéo ghế, ngồi xuống, giọng thân mật:
- Ngồi ngoài này mát mẻ mà lại có người nói chuyện nữa thì thật là thú vị! À, tên tôi là Luân. Nguyễn Luân.
Thùy vụng về hỏi:
- Anh không thích nhảy ư?
- Cũng thích chứ! Nhưng nếu được ngồi đây nói chuyện với Thùy thì vui hơn!
Thùy thấy vui vui trong lòng.
Dưới ánh đèn mờ, Thùy thấy Luân khá đẹp trai với khuôn mặt vuông và đôi mắt sáng. Giọng nói của Luân trầm ấm và miệng cười thật tươi.
Luân bắt chuyện thật dễ dàng. Chàng nói đủ mọi thứ chuyện: chuyện về nghề nghiệp, phim ảnh, âm nhạc, thơ văn...Chàng nói nhiều, lôi cuốn người nghe nhưng chàng cũng biết gợi ý để nàng phải nói, phải tham dự vào câu chuyện của chàng.
Thấy Thùy đã có người nói chuyện, Chi mỉm cười, nháy mắt nhìn nàng rồi tiếp tục nhảy hết bản này sang bản khác. Do đó, câu chuyện giữa Thùy và Luân mỗi lúc thêm đậm đà, vui vẻ. Khi buổi tiệc tàn thì Luân và Thùy đã như hai người bạn thân từ thuở nào và họ trao đổi số điện thoại cho nhau và hẹn sẽ gặp gỡ.
Mấy ngày hôm sau, khi gần tới giờ tan sở thì Luân tới, đem cho nàng một bó hồng vàng thật đẹp và nói:
- Chiều nay, anh mời Thùy đi ăn cơm nhé. Anh sẽ đi vòng vòng ngoài phố một lát rồi trở lại đón em!
Chàng có lối nói như ra lệnh. Và tất nhiên, Thùy không từ chối.
Ở thời buổi này, ở xã hội này, Thùy nghĩ, mọi người đều phải chạy theo cây kim đồng nên cái kiểu “Đánh nhanh, đánh mạnh” trong việc tán tỉnh của Luân , Thùy cũng cảm thông thôi và chính nàng cũng muốn như thế. Dù mới gặp nhau, nhưng Thùy cảm thấy Luân là mẫu người lý tưởng của nàng. Nàng muốn tìm hiểu chàng thêm và cầu mong hai người sẽ nên duyên chồng vợ.
Thùy nhớ, mỗi lần nghe ba mẹ kể về mối tình của hai người, nàng đều cười ngất:
- Yêu đương gì mà chỉ nhìn nhau, viết thư tình lẩm cẩm, chẳng được đi ăn, đi chơi với nhau tới mấy năm lận, chán chết!
Những lần như vậy, ba mẹ nàng lại nói:
- Ba mẹ thì lại thương cho mấy đứa thời nay là không biết yêu đương thơ mộng gì hết!
Vả lại, ba mẹ thấy yêu nhau, tìm hiểu nhau kỹ càng thì sống với nhau mới hạnh phúc, mới ăn đời ở kiếp với nhau được.
Thế rồi, chẳng bao lâu sau ngày gặp gỡ, Luân và Thùy tổ chức đám cưới.
Một đám cưới thật lớn, thật vui. Những nụ cười trẻ thơ, những khuôn mặt thiên thần của các con được ghi dấu qua những tấm ảnh đầy ắp trong cuốn album này.
Dù cuốn album đã đưa Thùy trở về với khung trời kỷ niệm êm đềm nhưng cái cuộc sống, cô đơn, buồn chán, đầy những âu lo hiện tại của nàng vẫn quanh quẩn đâu đây, trong căn phòng này. Và cái đầu nhỏ bé, đáng thương của nàng vẫn nhức nhối từng cơn, từng cơn...
Sau khi nuốt vội gần hết một ống thuốc Tylenol, Thùy nằm xóng xoài bên một mép giường. Cái giường King size, rộng mênh mông, khăn trải trắng xóa, chìm vào bóng đêm khi bàn tay Thùy run run tắt cái đèn nhỏ ở đầu giường.
LÊ THỊ NHỊ |
|
Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003 |