Nov 23, 2024   log in
 
home
thơ
danh sách tác giả
nhạc
truyện ngắn
biên khảo,phê bình
điểm sách
phỏng vấn
quan điểm
sinh hoạt văn học

ban biên tập
tìm kiếm
thư tín
giới thiệu sách báo
 
 
  Truyện/Ký
RỂ HIỀN, CON THẢO
LÊ THỊ NHỊ

Sáng nào cũng vậy, sau khi các con, các cháu đi làm, đi học thì bà Lâm lại ra phòng khách, nằm dài trên ghế sa lông, chờ điện thoại. Sở dĩ bà thích nằm đây vì căn phòng này thoáng mát hơn căn phòng ngủ chật hẹp của bà. Hơn nữa, điện thoại lại để ngay trên cái bàn con, bên cạnh ghế, nên bà có thể vừa nằm vừa nói chuyện.
Đến Mỹ mới được một năm do cô con gái bảo lãnh, nhưng bà Lâm đã nhận ra ngay trong tuần lễ đầu tiên về cuộc sống buồn thảm của những người già ở đây qua lời kể của bạn bè. Bà cũng nhận thấy rằng cái điện thoại là một phương tiện để các cụ rên rỉ, than van với nhau về nỗi cô đơn và tình đời đen bạc trên đất Mỹ cùng nhắc lại quá khứ xa xưa.
- Ban ngày, chúng nó đi hết! Nhà vắng vẻ quá, tôi cứ phải bật ti vi lên cho có tiếng động. Mà khi chúng nó về cũng có hơn gì đâu? Mỗi đứa ôm một tô cơm, vừa ăn vừa xem ti vi, chẳng chuyện trò gì với tôi cả. Mình cứ như người điếc, câm, què ấy thôi!
- Suốt ngày tôi đối diện với bốn bức tường, hết nằm lại ngồi, hết ăn lại uống. Buồn nẫu cả ruột!
- Tôi ở nhà với con gái và con rể. Tôi trông con và nấu ăn cho chúng nó. Thế mà tiền già của tôi về, nó chỉ đưa tôi có năm mươi đồng để tiêu vặt, còn thì nó bảo tôi phải phụ nó đóng tiền nhà. Ấy vậy mà thằng rể tôi nó lừng lắm! Nó cứ tưởng tôi ăn bám tụi nó, thế có tức không cơ chứ!
Những lời than thở đại loại như thế, bà Lâm nghe đi nghe lại không biết bao nhiêu là lần. Càng nghe, bà càng thương bạn bè và cảm thấy mình thật may mắn vì con gái bà hiếu thảo và con rể bà thật hiền và tốt bụng.
Ban đầu, bà cũng không ưa cái cảnh rổ rá cạp lại của con gái. Mặc dù chồng nó đã chết, nhưng đối với bà, việc người đàn bà đã có con cái lớn tồng ngồng rồi mà còn đi lấy chồng là một điều khó coi vô cùng.
Chàng rể mới của bà thì lại còn tệ hơn nữa! Bỏ vợ con mình, đi lấy vợ và nuôi con người ta. Nhưng rồi dần dần bà cũng quen đi và bây giờ thì bà không những không ghét chàng rể mà còn thương nữa, vì nó rất quí bà và chiều vợ. Các cháu của bà, tuy không phải là con ruột anh ta, nhưng anh ta cũng nuôi nấng, săn sóc rất là chu đáo.
Đôi khi bà cũng áy náy và lo ngại về chàng rể quí, vì bà nghĩ "Vợ con nó, nó còn bỏ. Biết nó ở với con mình được bao lâu nữa?" Có lần bà nói ý nghĩ ấy với con và trách con đã phá hoại hạnh phúc nhà người ta, thì con gái bà đáp:
- Gia đình người ta có hạnh phúc đâu mà con phá hả mẹ? Hai vợ chồng anh ấy không hợp nhau, cứ như mặt trăng, mặt trời ấy mà.
Bà Lâm thở dài:
- Chà! Đàn ông nào khi ngoại tình và bỏ vợ cũng nói là không hợp. Thật ra, chỉ vì ăn cơm mãi, họ chán, họ muốn ăn phở đấy thôi. Chán phở rồi, họ lại muốn ăn mì, ăn hủ tíu.
Hình như con gái bà cũng bị dao động bởi câu nói ấy, nên trước khi vào phòng để tránh phải tiếp tục câu chuyện, cô đáp:
- Ôi! Được lúc nào, hay lúc ấy mẹ ạ! Chứ con không thể sống cô đơn suốt đời như mẹ được đâu!
Nghe con nhắc đến hoàn cảnh góa bụa của mình từ thuở mới hai mươi tuổi, cõi lòng khô héo của bà Lâm chợt lóe lên một câu hỏi mà không bao giờ bà tìm được lời giải đáp: "Nếu hồi đó, mình bước thêm bước nữa thì đời mình sẽ ra sao nhỉ?"
Đang nằm vắt tay lên trán, suy nghĩ miên man thì chuông điện thoại reo vang. Không đợi đến tiếng chuông thứ hai, bà Lâm nhấc máy:
- Hello!
Có tiếng Ngân, cô con gái của bà ở đầu dây bên kia:
- Hello! Mẹ đang làm gì vậy?
- Thì nằm ở sa lông chờ điện thoại bạn bè.
- Thế đã có ai gọi mẹ chưa?
- Chưa! Hãy còn sớm mà, các bạn mẹ thường gọi vào lúc mười giờ!
- Thế thì con hên lắm nên mới được nói chuyện với mẹ đấy!
- Vẽ chuyện, ở cùng nhà lúc nào nói chuyện chẳng được mà phải gọi điện thoại!
- Mẹ nói vậy đâu có được, để mẹ ở nhà một mình con cũng sốt ruột lắm chứ! Thỉnh thoảng gọi về, nói chuyện với mẹ một tí, cho mẹ vui.
Thấy con gái lo cho mình, bà Lâm cảm động đến chảy nước mắt. Từ ngày chồng chết, thế giới của bà Lâm chỉ có hai cô con gái. Tuy cô lớn ở xa, mãi tận Cali., nhưng cả hai cô đều hiếu hạnh khiến bà cũng được an ủi lúc tuổi già. Vợ chồng cô Ngân đang dự định đưa bà sang chơi Cali. vài tháng để tránh cái lạnh của miền Đông Bắc nước Mỹ này. Trước khi đi xa, cô Ngân còn cẩn thận bắt bà đi khám bệnh tổng quát và mua bảo hiểm gì đó. Nhớ đến việc này, bà Lâm hỏi con gái:
- À, kết quả mẹ khám sức khỏe thế nào hả con?
- Tốt lắm mẹ ạ! Có lẽ cuối tuần sau chúng con đưa mẹ đi Cali. được rồi!
- Mau thế à? Mẹ đã sửa soạn gì đâu ?
- Có gì đâu mà cần sửa soạn, mẹ sang ở với chị Loan thì cũng giống như ở đây vậy thôi ! Chị Loan và các cháu mong mẹ qua lắm đấy ! Thôi, con phải làm việc đây, chúc mẹ hôm nay có nhiều bạn gọi điện thoại nhé !
Bà Lâm buông điện thoại xuống, lòng rộn lên một niềm vui. Từ ngày đến Mỹ, bà mới chỉ gặp vợ chồng Loan và các con của Loan một lần, khi máy bay từ Việt Nam qua, ghé Cali một đêm trước khi về vùng Hoa Thịnh Đốn ở với vợ chồng Ngân. Bà Lâm vẫn ao ước được sang chơi bên đó, nhưng thấy các con vất vả và túng thiếu nên bà không bao giờ dám tỏ lộ niềm mong mỏi của mình.
Bà cũng thắc mắc là không hiểu vợ chồng Ngân tiêu pha gì mà nợ nần ngập đầu, ngập cổ như vậy ? Hồi mới qua, thấy con bị họ gửi thư đòi nợ tới tấp, bà có mấy trăm đô dành dụm ở Việt Nam, khâu vào thắt lưng quần, bà đã lấy ra, đưa cho Ngân. Mỗi tháng lãnh tiền trợ cấp xã hội, bà cũng đưa cả cho con gái để chi dùng, mà hình như số nợ của Ngân cũng chẳng suy chuyển chút nào.
Khi còn ở Việt Nam, bà Lâm tưởng rằng ai ở Mỹ cũng giầu có cả. Sang đây, bà mới biết, mọi người có nhà, có xe là do mượn tiền nhà băng chứ thật ra chẳng ai có tiền.
Mấy tuần trước, bỗng dưng vợ chồng Ngân đề nghị đưa bà đi Ca li và sẽ để bà ở lại chơi vài tháng. Lúc đầu, bà từ chối vì sợ tốn kém cho con. Nhưng Ngân bảo vé máy bay đang hạ giá, rẻ lắm ! nên bà hăng hái nhận lời.
Từ lúc nghe Ngân nói là tuần tới đã đi Ca li, bà Lâm vào phòng loay hoay lựa chọn quần áo và những vật dụng cần thiết, xếp vào một cái va- li. Rồi bà vào bếp, lấy cà rốt và su hào ra, cắt, tỉa để làm một hũ đồ chua. Bà cũng lấy miếng thịt thăn từ trên ngăn đá xuống để ngày mai làm sẵn một ít ruốc cho các cháu ở nhà ăn. Trong khi bà làm những công việc ấy, thỉnh thoảng bà lại phải ngừng lại để trả lời điện thoại. Tất nhiên, người bạn gọi đầu tiên đã được bà báo cho cái tin là cô Ngân sẽ đưa bà đi chơi Cali. vào tuần tới. Và sau đó thì tiếng chuông điện thoại reo liên tục, vì tất cả các bạn đã biết được tin bà là một người mẹ hạnh phúc nhất trên đời, họ gọi để chia vui và tạm biệt với bà.
Bà Mai, một người bạn thân nhất của bà đã nói đùa :
- Chẳng ai sướng bằng bà đấy nhé ! Chúng tôi muốn đi chùa, đi chợ cũng khó khăn lắm mới được con cháu nó chở đi. Thế mà bà được con gái đưa đi chơi tận bên Cali., chắc nay mai cô ấy còn đưa bà đi Tây, đi Tầu nữa không chừng !
Bà Lâm thật thà :
- Ấy, con tôi nó làm thư ký ở Ngân hàng thế giới, nghe nói cứ một hai năm gì đó lại được sở cho vé máy bay đi du lịch đấy! Nhưng mình già rồi, nó có cho đi cũng hơi sức đâu mà đi!
- Bà cứ tự cho mình là già chứ thời nay họ sống tới tám chín chục tuổi là chuyện thường!
- Người Mỹ họ sống sung sướng, đầy đủ từ nhỏ mới thọ được như thế, chứ mình khổ cực hồi nào tới giờ, hết bệnh này đến tật kia. Sống được ngày nào biết ngày ấy thôi!
- Sao mà bà bi quan thế! Bà không thấy ông Trọng tám chục tuổi rồi còn về Việt nam lấy vợ bốn mươi đấy à?
- Chắc là ông ấy làm giá thú giả giùm người ta đó chứ ai lại thế!
- Thật đấy bà ơi! Đàn ông họ lấy vợ trẻ là thường chứ có gì là lạ đâu? Nghe đồn mấy người con còn chung tiền nhau mua nhẫn hột soàn cho để tặng vợ mới cưới của bố nữa đấy!
- Con ông ấy có hiếu quá nhỉ?
- Có hiếu một phần thôi! Họ cũng khôn lắm đấy chứ! Bỏ ra một cái nhẫn, bố họ có người hầu hạ đến chết, họ khỏi phải lo lắng, thắc mắc gì nữa.
- Bà nói cũng có lý đấy! Thì ra ở bên này người ta tính toán kỹ quá nhỉ?
- Tính thế còn là khá lắm đấy! Có nhiều nhà, con cái đối xử với bố mẹ tệ lắm cơ! Hôm nọ tôi ra chỗ Trung tâm cộng đồng, gặp một bà già bị con đuổi ra khỏi nhà chỉ vì bà ta đòi con đưa cho một trăm tiền già để gửi về cho đứa con út ở Việt Nam đấy!
- Tội nghiệp quá nhỉ? Con cái gì mà như ma như quỉ vậy không biết! Thế rồi có ai gúp đỡ bà đó không?
- Cô thư ký của Cộng đồng giới thiệu cho bà ấy đến ở với một gia đình Việt Nam ở gần đấy và trông con cho họ. Thấy chuyện người ta, bà đã biết là bà sướng như tiên chưa?
Bà Lâm cười hả hê:
- Thì Trời Phật cũng bù trừ cho tôi chứ, tôi khổ lâu quá rồi mà!
- Đàn bà Việt Nam ở thế hệ mình, ai sướng bà nói tôi nghe thử? Bà góa chồng thì chỉ buồn thôi, nhưng những người có chồng thì cũng khổ sở trăm bề vì các ông chồng không mèo mỡ thì cũng rượu chè, cờ bạc!
- Bà nói thế chứ, như vợ chồng ông Tân, vợ chồng ông Dũng mà không hạnh phúc à? Già rồi mà đi đâu cũng có nhau, ríu rít như chim ấy thôi!
- Ối giời ơi! Nghe nói ngày xưa hai ông ấy cũng bán trời không văn tự đấy! Bây giờ hết đi nổi rồi thì ở nhà nhưng vẫn hành hạ vợ đủ thứ chuyện, khi đi ra ngoài, họ đóng kịch cho vui vậy thôi!
- Bà nói thế thì ra tôi góa chồng mà lại sướng, phải không?
Cuộc điện đàm với bà Mai chấm dứt, bà Lâm cảm thấy bớt tiếc nuối tuổi xuân của bà đã lạnh lùng trôi qua và hài lòng vì lúc tuổi già bà có con hiền, rể thảo!

Bà Lâm và vợ chồng cô Ngân đến phi trường Los Angeles vào lúc ba giờ chiều.
Vừa ra khỏi cái lối đi dài hun hút nối liền từ máy bay vào phòng đợi, bà Lâm đã thấy vợ chồng Loan và các cháu đứng lóng ngóng ở cửa. Mọi người chạy lại ôm lấy bà , hỏi han tíu tít! Bà Lâm ôm đứa cháu út vào lòng, che dấu sự xúc động. Xung quanh bà, những người ngoại quốc cao lớn đi như chạy! Đàn ông, đàn bà gặp nhau, họ ôm nhau hôn hít, coi như chốn không người. Cả nhà đi loanh quanh mãi mới ra đến lề đường để đứng chờ chồng của Loan đi lấy xe.
Cái nắng chang chang của Ca li và xe cộ chạy nườm nượp làm bà Lâm chóa cả mắt! Năm tiếng đồng hồ ngồi trên máy bay, bà Lâm cũng hơi mệt, nhưng khi được gặp con cháu, bà như khỏe hẳn ra. Cô Loan nắm tay mẹ, vui vẻ nói:
- Lần này mẹ sang đây, con bắt cóc mẹ luôn, không cho mẹ về bên ấy nữa, mẹ chịu không?
Bà Lâm sung sướng nhìn Loan và Ngân nhưng không biết phải trả lời làm sao. Hiểu ý mẹ, Ngân trêu:
- Mẹ thế nào cũng muốn ở lại đây cho mà coi! Bên này cứ ra đường là thấy người Việt Nam rồi, nha chị Loan lại ở gần chợ Phước Lộc Thọ, mẹ tha hồ mà đi chợ, đi phố! Nhưng mà mẹ ở lại với chị Loan luôn là con giận đấy!
Loan cũng nói:
- Nếu mẹ không ở lại, con cũng giận đấy! Vì mẹ đã ở với Ngân một năm rồi!
Bà Lâm cười vui:
- Mẹ sẽ vào ở trong viện dưỡng lão, như thế thì các cô không phải tị nạnh nhau nữa nhé?
Ba mẹ con cùng cười xòa sau câu nói của bà Lâm. Bà Lâm ngắm nghía mấy đứa con của Loan đang líu lo nói chuyện với nhau bằng tiếng Mỹ. Bà nói đùa:
- Nhưng mà nếu ở với Loan thì mẹ chắc mỏi tay lắm ! Vì mỗi khi nói chuyện với các cháu bà phải múa chân múa tay ra hiệu. Và khi các cháu nói thì bà cứ như vịt nghe sấm ấy!
Loan cười khúc khích:
- Biết đâu chừng mẹ ở với con, mai mốt mẹ lại nói tiếng Mỹ như gió, quên luôn tiếng Việt. Rồi mỗi lần giỗ bố, mẹ khấn, bố không hiểu gì hết thì nguy lắm!
Ngừng một lúc, Loan tiếp:
- Con nói đùa vậy thôi, chứ lũ nhỏ cũng nói giỏi tiếng Việt lắm đấy!
Ngân cũng cười, khoe:
- Bây giờ mẹ cũng biết nói nhiều tiếng Mỹ lắm rồi! Ai gọi điện thoại hỏi em mẹ nói: "Nót hôm!" hay là " uết ờ mố mần!"
Ba mẹ con ngừng nói chuyện vì chồng Loan đã đậu xe sát lề đường và nhẩy xuống đem hành lý lên phía đằng sau xe. Cái xe "van" rộng rãi, màu xanh dương đậm còn rất mới. Nệm xe bằng nhung thật êm ái. Bà Lâm hỏi:
- Xe này các con mua hồi nào mà còn mới vậy?
Loan nhanh nhẩu đáp:
- Biết mẹ sang chơi, tụi con mua xe này để đi chơi cả nhà cho tiện đấy mà!
Chồng Loan cũng góp chuyện:
- Để mẹ nghỉ một hai ngày rồi cả nhà mình tha hồ mà đi đây đi đó. Con với Loan xin nghỉ một tuần cơ mà!

Về đến nhà Loan, bà Lâm ngỡ ngàng nhìn căn nhà khang trang, rộng mênh mông với những đồ đạc sang trọng. Bà biết là vợ chồng Loan mua nhà mới, nhưng bà không ngờ căn nhà lại lớn và đẹp như thế! Nhà có tới ba cái nhà để xe! Các phòng trong nhà đều trải thảm trắng toát! Phòng khách, phòng ăn, trang trí toàn những đồ đạc có màu trắng, rất đặc biệt! Căn bếp cũng thật rộng rãi và có kê cả một cái bàn ăn nữa. Loan giải thích với mẹ:
- Những lúc thường, tụi con ăn cơm ở nhà bếp, khi có khách , mới ăn ở phòng ăn!
Nhà có năm phòng ngủ, phòng nào cũng ngăn nắp gọn gàng, và tất nhiên giường tủ cũng toàn là loại đắt tiền cả, bà Lâm nghĩ thế! Phía sau nhà có một vườn hồng, bông nào bông nấy to bằng cái bát ăn cơm, đủ màu rực rỡ. Lại có cả một cây hồng dòn và một cây lê tàu, quả sai chúc chíu! Nhưng bà Lâm
thích nhất là cây chuối. Nó khiến bà nhớ tới khu vườn nhỏ nơi quê cũ mà bà đã trải qua một thời ấu thơ êm đềm trong tình thương của mẹ cha và các anh chị em. Bà làm sao quên được những tàu lá chuối xanh non, mượt mà sau cơn mưa, những luống khoai lang, lá to nhưng non mơn mởn, cây ổi găng, quả bé tí, ít hột, ngọt ngào, cây khế với những chùm hoa li ti trăng trắng, những cây mía vừa dài vừa cong nằm ngả nghiêng sau trận bão.

Một tuần lễ qua nhanh! Bà Lâm đã sống những ngày thật hạnh phúc cùng các con các cháu! Mỗi ngày, bà được đi thăm các danh lam thắng cảnh, rồi đi ăn cơm Tàu, cơm Nhật, cơm Thái. Chợ Việt Nam và các hàng quán thì bà đi không biết bao nhiêu là lần! Người ta gọi đây là khu Sài gòn nhỏ. Theo bà thì phải gọi là Sài gòn lớn mới đúng. Vì bà thấy các đường phố nối tiếp nhau, các cửa hiệu đều đề tên Việt Nam, không có hiệu ngoại quốc nào chen vào được. Hàng hóa thì tràn ngập, chẳng thiếu một thứ gì! Những cửa hàng bán quần áo treo la liệt đủ kiểu, đủ màu. Từ áo quần thời trang của Mỹ, Hồng Kông đến những bộ áo quần thêu tại Việt Nam cầu kỳ hay áo dài khăn đóng. Vào những hiệu sách, hiệu băng nhạc, bà thấy đông nghẹt những người, ai nấy say mê chọn lựa.
Bà Lâm cũng được gặp lại một số bạn cũ và những kỷ niệm thời niên thiếu tưởng chừng như đã khuất lấp bởi thời gian, nay trở về thật rõ và thật gần! Cái không khí Việt nam ở Ca li hình như đã khiến bà Lâm trẻ và khỏe hẳn ra. Đi đây đi đó suốt ngày mà bà không thấy mệt! Bà cười nói cả ngày không biết chán! Các con, các cháu quây quần đem lại cho bà một khuôn mặt rang rỡ.
Ngày đưa vợ chồng Ngân ra phi trường trở về Washington D.C. Ngân đã cười nói với mẹ:
- Thôi, con cho mẹ ở lại luôn Ca li với chị Loan đấy, con không ganh tị đâu!
Bà Ngân thú nhận:
- Ở đây thích thật đấy, sao gia đình con không dọn về đây cho vui?
Loan cũng cười nói với mẹ:
- Thế là con bắt cóc được mẹ rồi phải không?
Bà Lâm cười:
- Chứ không phải cô than thầm là lại phải nuôi bà lão lẩm cẩm này à?
Loan choàng tay ôm mẹ:
- Mẹ ơi, mẹ không lẩm cẩm đâu! Mẹ là chuối ba hương, là xôi nếp một, là đường mía lau của con đấy!
Chồng Loan nói đùa:
- Để cho hợp với đời sống Mỹ, em phải nói mẹ là nho, là táo, là lê, là chocolate mới đúng.
Bà Lâm mỉm cười nhìn con cháu vây quanh, lòng tràn ngập niềm vui.
Trước khi cùng chồng bước vào cái cửa để lên máy bay, cô Ngân bối rối nhìn khuôn mặt già nua của bà Lâm rồi ôm chầm lấy mẹ. Hình như có một điều gì bất ổn trong cô. Cô nghẹn ngào nói:
- Mẹ ráng giữ gìn sức khỏe nhé. Con sẽ gọi điện thoại thăm mẹ luôn.
Chồng cô Ngân nắm bàn tay lạnh ngắt của vợ, bóp nhẹ:
- Chị Loan có nhiều thời giờ và tiền bạc để săn sóc mẹ. Ở bên này lại có nhiều người Việt Nam nên mẹ sẽ vui hơn. Em đừng nghĩ ngợi gì nữa!
Đôi chân của cô Ngân, như một phản xạ tự nhiên, rảo bước, đi lẫn vào đám đông. Cô có cảm tưởng như muôn vàn âm thanh đang lùng bùng trong hai cái lỗ tai tội nghiệp của cô. Mắt cô cay cay. Hình như cô khóc! Cô Ngân mường tượng ra căn nhà cô từ nay vắng bóng mẹ. Chuông điện thoại sẽ thôi reo vào lúc mười giờ sáng. Cái ghế sa lông sẽ chẳng còn dáng mẹ nằm nghiêng, đón ánh nắng đầu ngày lọt vào qua song cửa. Căn bếp hẹp, không còn bóng mẹ vào ra.
Suốt năm tiếng đồng hồ ngồi trên máy bay, cô Ngân thẫn thờ như người mất hồn. Lúc thì cô nhìn qua ô cửa kính, dõi theo những đám mây trắng trôi bồng bềnh về nơi vô định. Lúc thì cô nhắm mắt lại, nghe lòng mình xót xa.

Sáu tháng sau, bà Lâm từ trần ở Ca li vì bệnh ung thư. Cũng may, vợ chồng cô Ngân sang kịp để được nhìn thấy mẹ lần cuối. Để bà Lâm mỉm cười mãn nguyện khi lìa đời vì bà có rể hiền, con thảo.
Lúc tiễn mẹ ra nghĩa trang, cô Ngân khóc thật thảm thiết. Không thể ai biết được cô khóc vì thương mẹ hay vì hối hận đã nghe lời chồng đưa mẹ sang Ca li ở với chị Loan sau khi biết bà bị bệnh ung thư và vợ chồng cô đã cẩn thận mua bảo hiểm nhân thọ cho bà.

LÊ THỊ NHỊ

Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003