Nov 21, 2024   log in
 
home
thơ
danh sách tác giả
nhạc
truyện ngắn
biên khảo,phê bình
điểm sách
phỏng vấn
quan điểm
sinh hoạt văn học

ban biên tập
tìm kiếm
thư tín
giới thiệu sách báo
 
 
  Truyện/Ký
THÁI BÌNH, quê tôi.....
SAO KHUÊ

Ông anh họ tôi, chỉ hơn tôi 3 tuổi mà làm tài lanh; ông ấy dậy tôi, lại còn dặn đi dặn lại rằng khi điền đơn - đơn xin đi thi, xin miễn tuổi, xin nhập học... thì cái phần nơi sinh phải điền cho thật đầy đủ: làng (xã), tổng, phủ, huyện, tỉnh, miền, nước ... có nghĩa là tôi phải ghi như thế này:
Nơi sinh: làng Trình Phố, tổng An Bồi, phủ Kiến Xương, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, Bắc Việt, Việt Nam.

Ba tôi giải thích rằng Trình Phố là tiếng nói tắt của "cửa Khổng phố Trình" từ cụm từ "cửa Khổng sân Trình " mà ra..... Hèn chi làng tôi có một trường tiểu học (tôi nghe kể lại), không phải loại "trường làng tôi ba gian lá đơn sơ, che trên miếng sân vuông..." mà trường làng tôi xây bằng gạch, to lớn, phải leo lên 6 bực thềm mới đến các lớp học. Ngôi trường đẹp và lớn sau bị Tây trưng dụng, đóng bót tại đây; dân làng gọi là bót La Sa (chắc là do chữ Phú Lãng Sa chỉ người Pháp). Trường tiểu học của làng tôi không biết có từ bao giờ nhưng đầu thập niên 40 bác tôi mở thêm trường trung học.

Làng Trình Phố có ba thôn:
"thôn nhất có đất làm quan, thôn nhì mở chợ, thôn ba cặp kè ".
Cặp kè có nghĩa là kè kè cái "cặp" (cái kẹp) gắp phân. Phân đối với dân quê miền Bắc rất quí. Tình cờ trâu, bò, ngựa đang đi giữa đường mà bài tiết thì lập tức có người xí phần ngay. Dụng cụ xúc phân rất thô sơ nhưng rất hiệu quả là một cái xương hông của con trâu gọt thành cái lưỡi xẻng (giống như cái xẻng hốt rác ngày nay). Vừa thấy bãi phân là người ta đã vội dùng cái "xẻng" bằng xương xúc lấy, gói lại bằng lá chuối quơ đại quanh đó để đem về hay bỏ thẳng vào thùng phân đang gánh trên vai. Không được trù phú như thôn nhất, dân thôn ba có nhiều người đi đâu cũng mang kè kè cái cặp gắp phân nên từ đó có tiếng "thôn ba cặp kè". Dĩ nhiên dân thôn ba đâu có chịu mang cái tiếng không thơm tho ấy, họ muốn giành làm thôn nhì, giống như sự tranh giành ngôi thứ nhì của tên "học trò" của Đoàn Dự là Nam Hải Ngạc Thần tức Hung Thần Ác Sát, tên ác thứ ba trong bốn tên đại ác (truyện Thiên Long Bát Bộ của Kim Dung). Việc đưa lên quan, quan xử thôn ba từ nay gọi là thôn trung. Trung là ở giữa, nhì là thứ hai cũng ở giữa (ở giữa thứ nhất và thứ ba), vậy thì huề cả làng: "vợ cả vợ hai hai vợ đều là vợ cả"!
Thôn nhì là nơi có chợ Huyện cho dân cả huyện họp lại buôn bán nên rất đông đúc náo nhiệt, dân làng cũng truyền khẩu câu:

"Bao gìờ chợ huyện hết người, họ Đinh hết của họ Bùi hết quan".

Chắc nhiều quí vị còn nhớ đến tên Bùi Viện, một con đường ở Sàigòn ngày xưa. Bùi Viện người làng Trình Phố. Cụ sinh năm 1839 mất năm 1878. Cụ có công lập cảng Ninh Hải (sau này là cảng Hải Phòng ) thành hải cảng quốc tế cho tàu bè ngoại quốc qua lại vào thế kỷ 19 nên được vua Tự Đức trọng dụng. Năm 1873, sau khi chiếm 6 tỉnh miền Nam, Jean Dupuis rồi Francois Garnier gây chuyện chiếm thành Hà Nội. Triều đình Huế phải ký hòa ước Giáp Tuất 1873 khiến sĩ phu trong nước uất ức nổi lên kháng Pháp khắp nơi. Vua Tự Đức thì sai Bùi Viện tìm nơi cầu viện. Bùi Viện sang Tầu bằng đường biển. Tới Hương Cảng cụ gặp lãnh sự Mỹ là người có hai giòng máu Hoa-Mỹ nói được tiếng Tàu; vị lãnh sự này giới thiệu cụ tới Hoa Kỳ xin giúp đỡ. Trên đường đi Washington cụ đã đi qua Hoành Tân (Nhật), NewYork và phải chờ 1 tháng mới được yết kiến tổng thống Hoa Kỳ lúc đó là tổng thống Gralt. Hoa Kỳ lúc này đang có chính sách chống lại sự xâm lược, chiếm thuộc địa của các nước Âu Châu nên có hứa sẽ giúp cụ. Tuy vậy để cho danh chính ngôn thuận, Hoa Kỳ cần có quốc thư của nhà vua, Bùi Viện phải ra về và năm 1875 mới trở sang Hoa Kỳ lần thứ hai với quốc thư của vua Tự Đức. Tiếc thay chính sách Hoa Kỳ lúc đó thay đổi khiến cụ phải trở về tay không (chính sách của Hoa Kỳ chỉ có giá trị đoản kỳ, gần như thay đổi sau mỗi nhiệm kỳ tổng thống). Về nước thì mẹ mất, cụ Bùi Viện phải về quê cư tang 3 năm theo phong tục nhưng năm sau thì vua Tự Đức lại triệu cụ đi chiêu nạp giặc Tàu Ô. Việc chưa xong, cụ mất năm 1878 thọ có 38 tuổi.

Họ Đinh nhà tôi nhiều của? Theo như chuyện kể lại thì đời cụ cố, nhờ có ơn với một người buôn bè (buôn gỗ) từ Thanh Hoá ra, cụ được người này giúp cho việc buôn bán gỗ. Gặp vận may, dân làng được mùa liên tiếp có tiền xây nhà xây cửa, cụ trở nên giàu có. Tiền lại đẻ ra tiền, cụ xây cho mỗi người con một dinh cơ to lớn và tậu nhiều ruộng trải dài khắp huyện, đi thu lúa cũng ngồi thuyền như ở trong Nam. Có tiền rồi phải làm "quan" nên trong họ tôi có nhiều Chánh Tổng. Ông nội tôi cũng làm Chánh Tổng nhưng là chánh tổng ...duy tân. Để nâng cao dân trí ông tôi mở lớp dạy học nhưng ông tôi không được chuyên cần lắm, thày giáo lại chính là bà tôi; sau này tất cả các con và rất nhiều cháu của ông bà tôi đều có thời kỳ đi "gõ đầu trẻ". Khởi đầu là bác Cả. Sau khi tốt nghiệp tú tài tại Hà Nội, bác tôi, lúc ấy đã có vợ nên về quê mở trường dạy học. Quán ba gian mà ông tôi dựng gần đường lộ để giúp người qua lại có thể nghỉ ngơi chốc lát, đôi khi ngủ qua đêm hoặc ít ra là uống nước miễn phí (hai chum nước lúc nào cũng được đổ đầy với cái gáo dừa là hình ảnh quen thuộc trên các nẻo đường quê Việt Nam ngày xưa) được bác tôi biến thành trường trung học đầu tiên của làng, mang tên trường Bùi Viện. Trình Phố, không biết làng mang tên này từ thời nào thật đúng là nơi "cửa Khổng phố Trình" vì ngay đến làng quê mà cũng đã có được trường trung học....

Quê nhà tôi, chiều khi nắng êm đềm
Chạy dài trên khóm cây, đàn chim ríu rít ca
Bao người ra, ngồi hay đứng bên thềm
Chuyện trò vui với nhau, đời sống thần tiên....

Phải, đời sống lúc đó mới thần tiên làm sao... Trên sân vận động của làng tôi, khi chiều còn rực nắng vàng là lúc hai đội banh đang giành nhau một trái bóng tròn... Xa xa, trên không trung vài cánh diều đang lượn theo chiều gió, văng vẳng vọng về tiếng sáo vi vu. Ngày mùa người ta còn nghe tiếng đập lúa, tiếng hò gánh lúa, tiếng chày giã gạo....

Thời gian ấy tôi còn nhỏ lắm nhưng cũng nhớ là được các cô dẫn đi xem kịch Kim Chung Bích Hợp, được ăn quà, được tung tăng trên đường quê đi xem gặt lúa hay theo bà đi thăm ruộng trồng cây thuốc lào. Tôi sống vui sướng với ông bà, cha mẹ, anh chị em họ, các cô. Chú Út học ở Hà Nội thì lâu lâu mới về. Còn chú Năm và chú Sáu thì tôi không biết mặt. Mùa thu kháng chiến khi tôi chỉ vừa biết "đi bằng 4 chân " thì hai chú và xém chút nữa cả ba tôi đi theo "tiếng kêu sơn hà nguy biến". May quá bà tôi dấu kịp hết quần áo khiến ba tôi đến muộn và đoàn người đã lên đường! Sau này bà tôi bèn cột chân ba tôi bằng cách cho ba má tôi ra riêng, lập nghiệp ở làng Đồng Xâm trông nom ruộng nương mà cụ ngoại chia cho con gái là bà nội tôi.

Làng Đồng Xâm mà xưa có khi còn gọi là Đồng Thâm hay Đường Xâm nằm bên hữu ngạn Đồng Giang chuyên nghề chạm bạc. Năm 1689 có người tên là Nguyễn Kim Lâu người vùng Châu Long đã đến Đồng Xâm lập nên phường thợ bạc, từ đó đến nay trải qua 400 năm nghề chạm bạc (silver) của dân Đồng Xâm trở thành tinh luyện với những kỹ thuật bí truyền tạo ra những sản phẩm mỹ thuật không nơi nào ở Việt Nam sánh kịp.

Giở lại lịch sử nước nhà: năm 258 A.C (trước tây lịch), Thục Phán chiếm Văn Lang của vua Hùng, lên ngôi vua, lấy tên hiệu là Thục An Dương Vương, đặt tên nước là Âu Lạc. Năm 207 TCN, Triệu Đà, một tướng của nhà Tần bên Tàu, nhân cơ hội Hạng Võ và Lưu Bang tranh hùng, chiếm lấy Nam Hải, Mân Việt rồi Âu Lạc (của Thục Phán), lập ra nước Nam Việt. Nước Nam Việt như vậy bao gồm Quế Lâm (Quảng Tây), Nam Hải (Quảng Đông) và Âu Lạc (tức là Bắc Việt và Lưỡng Quảng ngày nay). Triệu Đà xưng là Triệu Vũ Vương, đóng đô ở Phiên Ngung
( Quảng Đông. Nhà Triệu truyền ngôi được 100 năm. Theo ngoại sử (Ngô Thời Sĩ ) thì vợ Triệu Đà là bà Trình Thị người làng Đường Xâm, quận Giao Chỉ. Đồng Xâm có miếu thờ Triệu Đà và Trình Thị cũng được thờ (tòng tự) ở miếu đó.

Chiến tranh lan tràn.... Làng Trình Phố có một chòi canh, xưa dùng để báo động khi có cướp về làng thì nay mỗi độ Tây về càn quét, lập tức người canh chòi nổi trống hay tù và để báo cho dân làng. Các cô tôi có lần gấp quá phải chui vào mấy cái chum lớn mà bà tôi dùng để ngâm lúa giống. May mắn là sau bao nhiêu năm loạn lạc chúng tôi vẫn được bình an, trừ ngôi nhà nhỏ của ba má tôi ở Đồng Xâm bị Tây đốt rụi.

Từ đó đàn ông, phụ nữ phải bỏ làng trốn ra tỉnh. Ông bà tôi tiếc của còn nấn ná ở lại sau thì cũng đành tay trắng ra đi. Chợ Huyện từ chiến tranh không còn họp nữa, và như câu "sấm", chợ huyện hết người nên họ Đinh hết của: tài sản của ông bà tôi chỉ là nhà cửa, ruộng nương ở thôn quê, đã mất sạch....

Tôi từ nhỏ vẫn sống với ông bà nên khi theo ông bà chạy ra tỉnh thì tôi đã thấy đâu đã vào đấy: Cô Ba tôi đã mua cho gia đình một căn phố làm nơi ông bà và gia đình bác Cả sinh sống ở đường Lý Thường Kiệt. Đối diện, đi sâu vào con hẻm là khu đất rộng có ba căn nhà gianh vách đất cất song song với nhau là nhà tôi, nhà cô Tư và căn chót áp lưng với nhà tôi là nhà em rể của bác Cả tôi. Tại khu đất này, bác tôi lại dựng trường dạy học. Lần này bác tôi đặt tên trường là "trung học Trần Lãm". Trần Lãm tức Trần Minh Công là một sứ quân, hùng cứ ở Bố Hải Khẩu (tức Thái Bình ). Đinh Bộ Lĩnh theo Trần Lãm được Trần Lãm mến tài cho giữ binh quyền. Khi Trần Lãm mất Đinh Bộ Lĩnh lên thay, dẹp tan được 12 sứ quân, thống nhất đất nước tự xưng làm Đinh Tiên Hoàng Đế, đóng đô ở quê nhà là Hoa Lư thuộc tỉnh Ninh Bình đặt niên hiệu là Thái Bình năm 970 (canh ngọ).

Trưòng trung học Trần Lãm chỉ có 4 lớp: đệ thất, đệ lục, đệ ngũ, đệ tứ cũng nhà gianh vách đất nhưng đông học trò, bàn ghế khang trang. Nhà văn Duyên Anh và nhiều người thành danh khác cũng xuất thân tử trường Trần Lãm của thày hiệu trưởng Đinh Văn Lô. Giáo sư kiêm sử gia Nguyễn Khắc Ngữ, nhà văn Dương Hùng Cường, nhà khảo cứu Nguyễn Bá Triệu.. tuy người Thái Bình nhưng không biết có học Trần Lãm hay không... Bác tôi vừa làm hiệu trưởng vừa dạy toán lý hóa cho các cấp.
Ba tôi Đinh Văn Triển dạy Việt văn và Anh văn, những môn khác do bạn bè của bác hay các thày từ trường công ra dạy thêm. Ngoài việc dạy theo chương trình giáo dục, bác tôi còn tổ chức những lần cắm trại, những buổi thể thao thể dục hay các trò chơi hướng đạo vô cùng hào hứng, thích thú mà tôi chỉ được chứng kiến chứ chưa được tham gia vì còn quá nhỏ

Thái Bình năm 1953 chưa được gọi là tỉnh mà chỉ được coi như một thị xã: thị xã Thái Bình. Bình còn có nghĩa là cái bình tức cái lọ (chai lọ) nên ngươì vùng khác khi đùa đùa thì nói: mày là dân Thái Lọ.

Theo sử thì năm 938 Ngô Quyền đánh bại quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, chấm đứt hơn 1000 năm Bắc thuộc. Hệ thống các đơn vị hành chính thời Ngô (938 - 965) vẫn như thời kỳ họ Khúc nắm quyền cai trị; Thái Bình thuộc đất Đằng Châu.
Nhà Đinh (968-980) lập hệ thống quản lý hành chính gồm 4 cấp: Triều đình (cấp trung ương), đạo (thay cho lộ), phủ - châu và cấp cơ sở gồm giáp xã. Nhà Tiền Lê (980-1009) vẫn giữ nguyên các đơn vị hành chính như thời Đinh. Cho đến năm Ứng Thiên thứ 9 (1002) mới đổi 10 đạo làm 10 lộ, cấp dưới có phủ, châu, giáp, xã. Lê Ngọa Triều (1005-1009) đổi Đằng Châu làm phủ Thái Bình và tên phủ Thái Bình có từ đấy.

Thái Bình là đồng bằng, toàn tỉnh không có một ngọn ngọn núi nào, diện tích gần 1500 km vuông, dân số gần 2 triệu người, mật độ dân coi như cao nhất Việt nam. Nằm cạnh các tỉnh Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam và Nam Định, Thái Bình năm 1827 có 3 phủ ( Kiến Xương, Thái Ninh, Tiên Hưng) 9 huyện chia làm 94 tổng, 817 xã sau này chia thành 7 huyện là Đông Hưng gần thị xã, Quỳnh Phụ (giáp Hải Dương), Thái Thụy (giáp Hải Phòng), Hưng Hà (giáp Hà Nam),Vũ Thư và Kiến Xương (giáp Nam Định), hai huyện Thái Thụy và Tiền Hải giáp với biển Đông tức Thái Bình Dương. Huyện Tiền Hải do Nguyễn Công Trứ khẩn hoang lập ra năm 1828 từ bãi Tiền Châu hoang vu, khởi đầu thuộc Nam Định sau mới chia về Thái Bình. Thái Bình như vậy thực ra là vùng đồng chua nước mặn có đến 53 km bờ biển, đa số dân chúng sống bằng nghề làm ruộng hay chài lưới nhưng cũng có làng Nam Cao chuyên dệt vải đũi, làng Quang Lịch chuyên dệt chiếu, làng Thượng Hiền chuyên mây tre. Sắc dân chính là người Kinh (người Việt) nhưng cũng còn có người Tày, và ít sắc dân thiểu số khác.

Tuy có nhiều bờ biển nhưng Thái Bình chỉ có một bãi biển là bãi biển Đồng Châu, cách tỉnh lỷ 30 km, dài 5 km, còn hoang sơ nhưng nếu chịu khó... bơi chừng 7 km ra biển thì có Cồn Thủ và Cồn Vành có những rặng phi lao rất nên thơ.

Từ năm 1986, mỏ khí đốt Tiền Hải được khai thác, hàng năm hàng chục triệu mét khối khí và trong tương lai có thể khai thác được dầu hỏa
Cách tỉnh lỵ 10 km, theo hướng bến phà Tân Đệ sang Nam Định có làng Bách Thuận rất trù phú chuyên trồng cây ăn quả. Làng có hai chùa Từ Vân và Bách Tính rất đẹp.

Thái Bình có đến 35 ngôi đình đền và 13 ngôi chùa nhưng nổi tiếng là chùa Keo, đền Đồng Bảng, đền Tiên La.
Đền Đồng Bảng ở Đào thôn, xã An Lễ huyện Quỳnh Phụ. Đào Thôn hay trang Đào Động do Trần Nhân Huệ, một danh tướng nhà Trần khẩn hoang và lập ra. Theo sử cũ thì Quỳnh Phụ Bắc là căn cứ thủy quân đời Trần do có sông lớn, đầm lầy bao quanh. Chính từ nơi này quân ta đã tiến ra cửa Đại Bàng (nam Đồ Sơn) tiêu diệt địch, lập nên chiến công Bạch Đằng. Từ đó về sau có câu:
Dù ai buôn bán gần xa
Hai mươi tháng tám giỗ cha thì về
Dù ai buôn bán trăm nghề
Hai mươi tháng tám nhớ về Đào Thôn

Hội đền Đồng Bảng kéo dài từ 20 đến 26 tháng 8 hàng năm. Đền thờ Đức Trần Hưng Đạo (Trần Hưng Đạo mất ngày 20 tháng 8) và một Thủy thần là Bát Hải Động Đình. Ngoài múa rồng, múa lân, đánh vật, đánh cờ tướng thì chủ yếu của ngày hội là đua thuyền còn gọi là đua trải. Trải là loại thuyền bằng gỗ dổi, vừa chắc vừa nhẹ vừa dẻo, dài từ 8 đến 10 mét. Đào Động và làng kết nghĩa là làng Nuồi, mỗi làng có 3 trải bơi thi với nhau.

Chùa Keo vốn ở ấp Keo (Giao Thủy). Ấp Keo có nghề nấu keo da trâu, nghề sơn gỗ, sơn son thếp vàng. Chùa Keo khởi đầu được xây từ đời nhà Lý ở hữu ngạn hạ lưu sông Hồng. Năm 1611 có một trận lụt lớn , chùa bị cuốn trôi. Dân chúng thì một phần ở nơi cũ, một phần chuyển sang ở bên kia sông. Ấp Keo như vậy chia thành 2 làng: Hành Cung thuộc Nam Định và Dũng Nhuệ thuộc Thái Bình. Cả hai làng đều dựng lại chùa và vẫn gọi là Chùa Keo. Chùa Keo ở Thái Bình thuộc xã Duy Nhất huyện Vũ Thư, tên chữ là Nghiêm Quang Tự sau vua Lý Thánh Tông đến lễ, ban tiền tu sửa và đổi tên là chùa Thần Quang. Chùa có kiến trúc đồ sộ gồm 17 công trình xây dựng với 128 gian chiếm 58.000 mét vuông trên nền đất 108.000 mét vuông. Từ trên đê đi xuống, khách thăm chùa thấy lần lần tam quan ngoại, tam quan nội, chùa Hộ (thờ ông Hộ Pháp), chùa Phật, ngôi Tam bảo, bốn toà đền Thánh, 66 gian hành lang và sau cùng là gác chuông đồ sộ. Chùa Keo có nhiều tượng Phật vừa thờ Phật vừa thờ Thánh. Tòa Thánh thờ Không Lộ thiền sư, pháp hìệu Minh Quang. Thiền sư Không Lộ có công giúp Lý Thánh Tông đánh quân Chiêm. Đi tu, ngài giỏi cả về Phật pháp lẫn pháp thuật. Chữa được bệnh hoá hổ (tưởng mình là cọp, mọc lông cọp) của vua Lý Thần Tông ngài được phong là quốc sư. Ngài cũng còn được phong làm tổ nghề đúc đồng ở nước ta.
Hàng năm làng Keo mở hội chùa hai lần: hội mùa xuân vào mồng 4 Tết với các cuộc thi nấu cơm, thi bắt vịt, thi ném pháo nhưng hội lớn là hội thu mở từ ngày 13 đến 15 tháng 9:
Cho dù cha đánh mẹ treo
Em không bỏ hội chùa Keo hôm rằm


Chùa Keo

Hội mùa thu ngoài các cuộc thi bơi trải (bơi thuyền), thi thầy đọc tức là thi giọng đọc và bài văn của các thày cúng tế, thi thổi kèn, thi đánh trống còn có đám rước tượng thiền sư Không Lộ với các tích (việc làm) của thiền sư khi còn sống.
Đền Tiên La thuộc làng Tiên La trong huyện Hưng Hà (tức Duyên Hà ), thờ Bát Nạn Vũ Thị Thục, một nữ tướng của hai Bà Trưng


Đền Tiên La

....Lại giở trang sử cũ, cuối đời nhà Lý, vua Lý Cao Tông thì mải mê ăn chơi, vua Lý Huệ Tông thì yếu đuối bệnh hoạn. Kinh tế và chính trị suy thoái. Thiên tai, mất mùa, đói kém khắp nơi lại thêm Chân Lạp Chiêm Thành quấy phá. Lý Huệ Tông đi tu, truyền ngôi cho con gái là Lý Chiêu Hoàng mới có 6 tuổi. Trần Thủ Độ ép Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng là Trần Thái Tông rồi từ đó dựng nên vương triều nhà Trần kéo dài gần 200 năm với nhiều chiến công hiển hách chống Mông Cổ bảo vệ bờ cõi nước Nam. Trước cuộc kháng chiến chống Mông Cổ lần thứ nhất -tháng 1 năm 1258, Trần Thủ Độ lưu danh với câu :" Nếu bệ hạ muốn hàng xin hãy chém đầu thần đi đã". Trần Thủ Đô sinh tại làng Lưu Xá huyện Duyên Hà, Thái Bình nhưng tổ tiên gốc ở Quảng Ninh. Nhà Trần có 14 vị vua thì phân nửa thi hài vua và hoàng hậu khi tạ thế được đưa về an táng tại Thái Bình trong lăng miếu nhà Trần sau này gọi là "khu di tích lịch sử nhà Trần" ở khu Tam Đường xã Tiên Đức và xã Liên Hiệp huyện Duyên Hà (Hưng Hà ngày nay).

Huyện Duyên Hà còn là quê hương của nhiều nhân vật nổi tiếng như Kỳ Đồng và Lê Quý Đôn.

Kỳ Đồng tên là Nguyễn văn Cẩm, người làng Ngọc Liễn tổng Hà Lý huyện Duyên Hà, là ngưòi rất thông minh từ khi còn nhỏ, hiểu biết những điều mà ngay người lớn cũng không biết nên được gọi là Kỳ Đồng (đứa trẻ kỳ dị). Năm 12 tuổi ông phát động cuộc nổi dậy chống Pháp nhưng không thành công. Ông bị bắt và gửi sang Algérie. Nhờ thông minh và còn nhỏ tuổi nên ông được đi học, đậu được hai bằng tú tài văn chương và khoa học Pháp. Tháng 9 năm 1896 ông được về nước, làm công chức một thời gian rồi lên Bắc Giang, mượn tiếng khai thác đồn điền nhưng thật ra là tổ chức cơ sở khởi nghĩa. Đề Thám có gửi người đến liên lạc nên ông bị bắt năm 1897, bị xử tù chung thân và đầy đi đảo Tahiti và Marquises (Polynésie) năm1898; nơi đây Kỳ Đồng sáng tác vở kịch thơ trào lộng bằng tiếng Pháp "Les Amours d'un Vieux peintre Aux Iles Marquises " để đùa người bạn ông là họa sĩ Paul Gauguin khi ông này đến Marquises . Vở kịch thơ dựa vào những điều mắt thấy tai nghe khi đón Gauguin ở bến tàu. Vở kịch với 799 câu thơ có những khúc ca trữ tình của phụ nữ đảo Tahiti và nhiều điển tích trong văn chương Pháp. Năm 1962, vở kịch được mục sư O'reilly giới thiệu trên báo, sau được thạc sĩ jean Charles Blanc bình giảng và được nhà xuất bản A Tempera ở Paris xuất bản năm 1989 nhưng chưa được trình diễn.

Lê Quý Đôn sinh ngày 2 tháng 8 năm 1726 tại Diên Hà huyện Duyên Hà. 18 tuổi ông đậu giải nguyên, 27 tuổi đậu Hội nguyên rồi đậu Đình nguyên nên goị là tam khoa bảng nhãn (ba lần đậu đầu). Với học vấn uyên bác, Lê Quý Đôn để lại 40 bộ tác phẩm gồm hàng trăm quyển nhưng bị thất lạc nhiều. Tiêu biểu có thể kể:
* Quần thư khảo biện : quan điểm về triết học, lịch sử, chính trị viết trước năm ông 30 tuổi
* Vân đài loại ngữ : viết xong lúc ông 30 tuổi. Đây là một bộ sách rất cao về mọi mặt, phân lọai có hệ thống nói về nhiều vấn đề như vũ trụ, địa lý, văn chương, ngôn ngữ như một thứ bách khoa tự điển v...v...
* Kiến văn tiểu lục : lịch sử, văn hóa Việt nam từ đời Trần đến đời Lê và nhiều lãnh vực khác như khai thác khoáng sản, đường xá, núi sông, thuế má, văn thơ v..v...
* Phù biên tạp lục : ghi chép tình hình xã hội Đàng Trong từ thế kỷ 18 trở về trước.
* Toàn Việt thi lục : 897 bài thơ củ 73 tác giả thời Lý, Lê.
* Quế Đường văn tập : sáng tác văn xuôi của Lê Quý Đôn
* Quế Đường thi tập : những bài thơ của Lê Quý Đôn
và rất nhiều tác phẩm có giá trị khác v..v...


Dân Thái Bình có truyền thống cách mạng từ thời Đinh Bộ Lĩnh.... Còn chúng tôi ? không dám làm cách mạng, chúng tôi bỏ quê, bỏ của chạy ra tỉnh mà cũng không được yên. Ngày 20 tháng 7 năm 1954, chiến tranh vào đến tỉnh lỵ. Nửa đêm về sáng thì nghe tiếng súng và tờ mờ sáng thì mọi người khăn áo tay nải chạy ra bến xe để chạy sang Nam Định. Bến xe rất náo loạn, có ba xe đầy người muốn đi Nam Định mà chỉ có một tài xế. Một người lính dùng lựu đạn đe dọa bắt tài xế phải lái chiếc xe ông ta đang ngồi. Toàn bộ nhà chúng tôi kẹt lại, may thay bác và ba tôi nhanh trí, nhanh chân, chạy theo bám được chiếc xe đi Nam Định, nhờ vậy đi thoát. Bác tôi và ba tôi ra tận Hải Phòng sau đó tiếp tục đi dạy học ở các trường tư như Khai Trí, Tiến Đức.

Xe chúng tôi cũng có tài xế nhưng người này lái xe chạy ngược về quê. Trên đường đi, xe chạy qua một trại lính vừa tàn cuộc chiến, xác người và nhất là xác trẻ con nằm rải rác trong sân trại, thật là kinh hoàng. Xe ngừng, chúng tôi phải đi bộ tìm về quê ngoại là làng Phụng Thượng. Có lúc phải băng qua sông thì mẹ tôi phải thuê người cõng mấy chị em tôi lội qua sông.

Ngày 20 tháng 7 là ngày ở Genève người ta ký hiệp định đình chiến cho Việt Nam nên chỉ ít lâu sau thì chiến trận ngưng, chúng tôi trở về thành phố. Nhà cửa may mắn không hề hấn gì. Các cô tôi, tôi không nhớ vì sao đã chạy thoát trước ngày 20 cả rồi. Kẹt lại ở tỉnh có ông bà nội tôi, bác gái và 8 người con, bốn mẹ con tôi và chị người làm.

Thái Bình nằm bên dòng sông Trà Lý, đường sang Nam Định có bến đò Tân Đệ còn đường từ quê tôi vào tỉnh có cây cầu đúc bắc qua sông mang tên cầu Bo. Để ngăn bộ đội vào thành, đêm 19 tháng 7 năm 1954, Pháp đã thả bom đánh sập cầu trước khi rút khỏi tỉnh.

Trường học vẫn đóng cửa nhưng lũ trẻ chúng tôi tối nào cũng phải đi "sinh hoạt". Chúng tôi được tập hát bài ca không có lời chỉ toàn là nốt nhạc chẳng hạn như " rề rề sỉ rề sol rê sí sí sí sòn".... nghe rất lạ tai. Chúng tôi được tập "nhảy sol đố mì" chung với tất cả trẻ con trong cùng khu phố, phải nắm tay con trai bác lao công quét trường ngày trước vửa nhảy vừa hát dù rất xấu hổ (nam nữ thụ thụ bất thân). Người ta kháo nhau là có anh con trai mê nhảy quá , lúc phài leo lên mái nhà làm việc anh cũng còn nhảy nhót nên bị té xuống mà chết khiến bà mẹ khóc con là:
"người ta thì chết vì nước vì non, con tôi thì chết vì sol đố mì".
Công an khu phố đi thăm từng nhà, thường vào bữa cơm để xem nhà đó ăn gì, cơm trắng hay cơm hẩm, rau cỏ hay cá thịt và thường họ hay rà rà theo trẻ con để dò hỏi về sinh hoạt trong gia đình. Để trả lời những câu hỏi thường chúng tôi được dạy là "em không biết ba em ở đâu v..v.." và có thịt ăn khi thấy công an vào thì dấu xuống đáy chén cơm.

.... Trường Trần Lãm không có trò và thày, ít lâu sau cả 4 gian nhà đầy những bộ đội. Nhưng người này nói tiếng nghe rất lạ tai. Họ từ Thanh Nghệ Tĩnh hay xa hơn là Quảng Nam Quảng Ngãi chuyển ra. Họ thường lân la đến chuyện trò với trẻ con chúng tôi cho đỡ nhớ nhà, họ thường lấy cớ mượn cái "chủi" quét nhà để nói chuyện với tôi.
Học trò trường Trần Lãm bị kẹt lại thì bị gom thành từng đoàn theo xe ba gác (ba bánh) đi từng nhà tịch thu sách đem về đốt. Tôi đang đọc truyện nhi đồng cũng bị giựt đi mất nên ấm ức hoài.

Tuy hiệp định Genève đã ký nhưng sự đi lại còn khó khăn, đi đâu cũng phải có giấy phép của ủy ban. Bác Cả gái và mẹ tôi xin được giấy phép đi buôn vải. Hai bà phải ra tận Hà Nội mua vải, mua thuốc Tây về bán lại kiếm ăn. Bà nội tôi có sạp bán nón ở chợ. Uỷ ban cho phép bác và mẹ tôi đi buôn nhưng luôn luôn canh chừng gắt gao lũ con nít mục đích ngăn cản chúng tôi di cư vào Nam. Theo tinh thần hiệp định Genève, dân chúng hai miền toàn quyền chọn lựa ra Bắc hay vào Nam và chính phủ Pháp, Mỹ giúp phương tiện chuyên chở. Uỷ hội quốc tế định ngày để dân chúng ghi danh nhưng mọi con đường dẫn đến chỗ có ủy hội quốc tế kiểm soát đình chiến đều bị phong tỏa nên chẳng có ai tiếp xúc được với ủy hội để xin di cư. Tất cả mọi người muốn di cư phải tìm cách trốn đi. Mẹ tôi chỉ có ba con nhỏ mà phải trăm mưu ngàn kế mới thoát ra được đến Hải Phòng. Khi đã gây được lòng tin với công an, mẹ tôi nói dối là cho tôi về quê ngoại rồi lén gửi tôi theo một bà cô, vừa đi xe vừa đi bộ, vừa công khai vừa lén lút chạy ra Hải Phòng. Phần mẹ tôi đã có giấy phép công khai dẫn em trai tôi chưa đầy 2 tuổi ra thăm bố tôi. Ở nhà còn em gái kế tôi, chị người làm và bà nội tôi vẫn giữ sinh hoạt như thường lệ để tránh công an nghi ngờ. Lúc đó Hà Nội vừa bị tiếp thu đang làm lễ ăn mừng độc lập, cô tôi từ Hải Phòng vội đi Hà Nội rồi xin giấy phép trở về Thái để dẫn bà tôi và em tôi ra Hà Nội xem lễ độc lập .. Thật là hú hồn hú vía may mà công an lại cho phép nên cả nhà bằng cách này hay cách khác đã ra đến Hải Phòng rồi sau đó di cư vào Nam theo đường biển vào giây phút cuối cùng, đến bãi Vũng Tàu vào đúng ngày mồng một Tết tức tháng 2 năm 1955.

Từ bến Sáu Kho, chúng tôi xuống tàu "há mồm" rồi được lên tàu lớn của Mỹ, chứa tới 5000 người. Khi lên tàu, mẹ tôi chậm chạp sao đó mà kẹt lại phải đi chuyến thứ ba, chuyến chót này ít ngươì, nhẹ nên lại ra tới tàu lớn trước. Ba tôi vừa phải ôm hành lý vừa phải trông ba con nhỏ. Lúc leo thang giây từ tàu há mồm sang tàu lớn, tôi gày còm ốm yếu mà phải bế cậu em chưa đầy 2 tuổi, may sao mà hai chị em không rơi xuống
biển !!! .......Từ ngày đó tôi xa Thái Bình...

Quê tôi, Thái Bình có dòng sông Trà Lý
Có chùa Keo, Đình Bảng,Tiên La
Có Lê Quí Đôn, bác học tài hoa
Có Bùi Viện xông pha sang tận Mỹ
Dân quê tôi hiền hoà mà cao chí khí
Giống Lạc Hồng dựng, giữ nước ngàn xưa
Ôi! quê hương, thương biết mấy cho vừa
Nay xa cách mà mãi còn thương nhớ.....

Sao Khuê
12-4-2007



Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003