Nov 22, 2024   log in
 
home
thơ
danh sách tác giả
nhạc
truyện ngắn
biên khảo,phê bình
điểm sách
phỏng vấn
quan điểm
sinh hoạt văn học

ban biên tập
tìm kiếm
thư tín
giới thiệu sách báo
 
 
  Sinh hoạt văn học-nghệ thuật
XÁC ĐỊNH NĂM THÀNH LẬP TRƯỜNG BƯỞI/CHU VĂN AN - LƯU VĂN VỊNH


*1905 MỞ LỚP TRUNG HỌC ĐẦU TIÊN TRƯỜNG BƯỞI
* 1908 LÀ NĂM BÃI BỎ TẤT CẢ CÁC TRƯỜNG THÔNG NGÔN Ở BẮC KỲ VÀ CHUYỂN TẤT CẢ HỌC VIÊN LÊN TRUNG HỌC BƯỞI.

Sưu khảocủa LƯU VĂN VỊNH


Hội Ái hữu cựu học sinh Trường Bưởi và Chu Văn An thành lập năm 1959 tại Sài Gòn đã ra Nội san liên tục cho tới 1974-75. Chúng tôi giữ được 2 số : số 3-1964 và số 1974 kỷ niệm 15 năm thành lập Hội, do thân phụ, Lưu Văn Minh, cựu giáo sư CVA, thế hệ Bưởi 1915-1919 mang sang Hoa Kỳ năm 1989. Trong số Nội san 1974, một bài viết khẩn thiết của cụ Nguyễn Đình Thi (đừng lẫn với nhà thơ miền Bắc Nguyễn Đình Thi cũng cựu học sinh Bưởi) xác định năm thành lập trường Bưởi là năm 1905 chứ không phải là năm 1908 như nhiều người lầm tưởng, vì chính thân phụ của cụ là Nguyễn Đình Thân theo học niên khóa đầu tiên 1905-1908 cùng với các cụ Nguyễn Văn Ngọc ( tác giả Tục ngữ Phong dao), Phạm Quỳnh, Lê Đình Trân (Tổng đốc), Đỗ Uông ( Y sĩ Đông dương)... Bài viết dài cho thấy thời đầu thế kỷ XX, nền học chính đã biến đổi liên miên, dễ tạo hiểu lầm cho người sau :

1- Thời trước 1905, người Pháp chỉ thành lập các trường Thông Ngôn ( Collège des Interpretes, ở Hà Nội và ở Nam Định), trường Thông Ngôn Hà Nội đổi thành trường Tiểu học năm 1905 và trường Thông ngôn Nam Định (Jules Ferry) và trường Sư phạm cũng chuyển lên Bưởi vào năm 1908 ( nhân chứng là cụ Nguyễn Lễ theo học trường Thông Ngôn Nam Định, lên Bưởi vào năm 1908, cụ Lễ có bài viết trong Trung Bắc Chủ Nhật, đăng lại trong Nội san 1974, chứng tỏ 1908 trường Bưởi đã sẵn có để thu nhận học sinh các nơi ).

2- Năm 1905 học sinh cả 4 trường tiểu học ở Hà Nội là Hàng Than, Hàng Bún, Hàng Vôi và Hàm Long (?) thi tuyển vào năm thứ I trường Bưởi ( Collège du Protectorat), nhóm đầu tiên ấy chỉ có vài chục người, trong đó có Phạm Quỳnh. Học bổng mỗi tháng là 8 đồng ( rất lớn, giá 1 con gà chỉ có 10 xu). Thời gian 1908, trường Bưởi có khoảng 200 học sinh nội trú và 200 học sinh ngoài, học ngày hai buổi. Học sinh gồm cả Mán, Thổ, Tầu.

3- Năm 1906 mới có kỳ thi tốt nghiệp Tiểu học đầu tiên ( Certificat de fin d’études de l’enseignement franco- annamite), nhà nước muốn có đông thí sinh, bắt học sinh năm I Bưởi thi cùng với các thí sinh Tiểu học, học sinh Bưởi bãi khóa chống lại, 2 người cầm đầu bị đuổi. Năm sau 1907 nhà nước lại dụ các học sinh năm II Bưởi xuống thi Certificat, ai đậu cao được thưởng.

4- Cũng năm 1907, nhà nước Bảo hộ cho các học sinh năm II Bưởi thi nhảy concours de passage lên ngay năm thứ IV để thi bằng tốt nghiệp Trung học đầu tiên (Diplôme de fin d’études de l’enseignement complémentaire indigène). Như vậy một số các cụ đã học 3 năm xong trung học và tốt nghiệp bằng Diplôme đầu tiên : cụ Phạm Quỳnh đỗ đầu, cụ Nguyễn văn Nhân, và vài cụ nữa ( cụ Nguyễn Đình Thân thi trượt, học lại)

5- Sau này một số cụ xuất sắc, xong Diplôme, học nhảy sang thi Tú Tài Pháp phần I, rồi sang học phần II Tú Tài bên trường Albert Sarraut, như cụ Vũ Văn Mẫu (Thạc sĩ ), Lê Đình Chân ( Đại sứ), Dược sĩ Chương Văn Vĩnh..

6- Có thể khẳng định cụ Phạm Quỳnh không bao giờ tốt nghiệp trường Thông Ngôn. Suốt 3 năm học Bưởi cụ đều đứng đầu lớp, đỗ đầu kỳ thi Diplôme đầu tiên 1908, nổi tiếng giỏi Pháp văn, tuy Hán văn và Toán kém, mà vẫn đậu đầu, được thưởng một chiếc đồng hồ vàng và 5 đồng bạc ( hoặc giả cụ quá giỏi Pháp văn nên nhà nước cấp luôn cả bằng Thông ngôn chăng ? chúng tôi ghi lại để tồn nghi)

7- Cụ Vương văn Thắng từ Nam Định lên Bưởi và cụ Nguyễn Đình Thân ( thi trượt Diplôme 1908) học cùng khóa 1908-09 năm thứ IV Bưởi và cùng thi đậu Diplôme năm 1909. Điểm này xác định lần nữa Bưởi phải thành lập từ năm 1905 thì đến năm 1908 mới có lớp đệ Tứ .

8- Năm 1927 Bưởi là trường đầu tiên thành lập ban Tú Tài ( secondaire, đệ nhị cấp) với kỳ thi Tú Tài Bản xứ. Học sinh các trường tỉnh, kể cả Huế, muốn học lên đệ nhị cấp Tú Tài đều phải ra Hà Nội theo học trường Bưởi. Tương truyền trong những năm đầu Tú Tài bản xứ, các cụ Hoàng Cơ Thụy, Ngụy Như Kontum, Phạm Biểu Tâm..dành nhau đứng đầu lớp. Mãi tới năm 1937 giám đốc học chính Bertrand mới bãi bỏ. vì chương trình nặng quá, bao gồm cả Triết, Toán, Khoa học của Tú Tài Tây.

9- Cho tới năm 1927, Bắc kỳ, Trung Kỳ chỉ mở trường Trung học với bằng Thành Chung, hay Cao đẳng Tiểu học ( sau này là trung học đệ nhất cấp) là cao nhất. Các học sinh tốt nghiệp lên Cao Đẳng, như Cao Đẳng sư phạm, như Y sĩ Đông dương khi ấy chưa cần có Tú Tài..Dựa trên sách vở ( tiếng Pháp) giáo khoa thì thấy sức học lớp Nhất ( Tiểu học) về Văn, Vạn vật, Số học..đã rất cao và khó gần như lớp đệ Tứ Trung học sau này rồi. Tới ban Tú Tài, riêng sách Triết quả là ngang tầm với ban Cử nhân Triết thời 1960.


Lịch sử Trường Bưởi-Chu Văn An từ 1905 tới 1908 là 4 năm đầu sơ khởi, số học sinh ít, chuyển từ các trường Thông Ngôn và các trường Tiểu học, trường Sư phạm lên, vì thế tạo nhiều ngộ nhận. Có thể xác quyết là trường mở niên khóa đầu tiên vào năm 1905 với hai nhân vật quan trọng trong văn học sử là Phạm Quỳnh và Nguyễn Văn Ngọc. Năm 1908 là năm phát triển quy mô của trường với tất cả các hệ thống học chính cũ quy tụ về, sĩ số nội ngoại trú khoảng 400 người, có lẽ vì thế trên giấy tờ trường thành lập vào năm này chăng ?

Giai đoạn chiến tranh 1945 cũng gây nhiều tranh cãi vì trường Bưởi phải di tản về 3 nơi : Ninh Bình ( chủng viện Phúc Nhạc với cụ Hiệu trưởng Nguyễn Gia Tường), Hà Đông và Thanh Hóa. Về sau cả ba nhánh tập trung về Việt Nam Đại Học Xã, 1946, mới lấy tên chính thức là Chu Văn An. Khoảng 1950, Chu Văn An lại tách làm hai là Chu Văn An và Nguyễn Trãi, rồi 1954 Chu Văn An di cư vào Sài Gòn với đầy đủ ban Giáo sư, giám thị...

Nhưng Chu Văn An ở đâu và thời nào thì cũng là một Chu Văn An, một ngọn đuốc sĩ phu Lạc Việt, một tâm huyết dân tộc. Kỷ niệm 100 năm trường Bưởi/Chu Văn An, dù vào năm 2005 hay 2008, thì cũng không thành vấn đề, vấn đề quan trọng là hậu sinh cần nhìn thấy con đường của ba bốn thế hệ tiền bối đã trải qua, đã tranh đấu, đã kiên cường mài rũa tinh thần kiến tạo văn hiến nước nhà vậy.

LƯU VĂN VỊNH
- Học sinh Hàng Vôi Hà Nội 1949-53
- Nguyễn Trãi Hà Nội 53-54-
- Hồ Ngọc Cẩn Saigòn 54-57
- Chu Văn An Sài Gòn 57-69

Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003