|
|
Truyện/Ký |
ĂN ĐÒN HỘI ĐỒNG
|
VÕ THỊ ÐIỀM ÐẠM - đăng lúc 10:51:31 PM, Jul 19, 2008
Những căn nhà ở phố ba mươi căn đường Hải Thượng Lãng Ông chiều ngang chỉ có bốn mét nhưng dài thâm thẫm. Phía sau còn nhiều đất bồi từ con rạch của giòng sông Mường. Mạnh nhà nào nhà nấy cứ tự đổ đất dài ra để xây nối thêm và làm vườn. Nhưng đất ở đây là đất mới bồi nên không trồng được cây cối nhiều. Chỉ toàn là cây bần, có trái xanh nõn nà như những quà xoài non tí hon nhưng chát ngầm, vô tích sự. Đối với những người lần đầu tiên đến phố Ba mươi căn, cứ tưởng nhà nào cũng giống nhà nào, sợ đi lạc. Nhưng đã sống ở đó mới thấy mỗi căn nhà mang một sắc vẻ khác nhau. Nhà có rào lưới sắt phía trước, nhà có sân gạch rộng nối ra tới lề đường, nhà có lan can trước cửa lớn.... Phía trong, nguyên thủy thì y hệt nhau: hai phòng lớn, nhà bếp. Nhưng nhà nào cũng xây thêm căn gác hay vài ba phòng phía sau. Gia đình ông bà Tư Xuân mua một căn phố từ những cuối thập niên 50, một trong những gia đình sống lâu năm ở phố này. Ông bà chọn mua căn phố ở đây cho tiện đường về quê của ông lẫn của bà: Đại Nẫm. Và cũng để cho lũ con bảy đứa tiện chuyện học hành, tiện cho ông Tư Xuân làm việc ở tòa tỉnh. Với ông bà Tư Xuân, chuyện học hành của lũ con là trên hết, bất kể trai gái. Nhà ông bà không hề có chuyện phân trai chia gái, đứa nào cũng được đối xử như nhau, rất công bằng, đó là bài học đầu tiên trong đời cho lũ con về công bình, bình quyền, bình đẳng trong xã hội còn mang nhiều ảnh hưởng của Nho Giáo. Ông Tư Xuân chăm chút chuyện giáo dục con cái không bằng lời khuyên dạy. Cách cư xử ăn ở với họ hàng, hàng xóm, trong gia đình là mẫu mực cho con noi theo. Phòng khách được trang hoàng bằng một tấm đồ thế giới to tướng có tác dụng rất sâu cho lũ con. Ngắm nhìn bản đồ ngày này qua ngày kia, đứa nào cũng thuộc lòng tên nước, tên thủ đô, tên sông tên núi... trên thế giới. Thằng Năm có thể vẽ cả bản đồ thế giới ngay từ hồi nó còn học tiểu học. Tuổi trẻ của các con được nuôi dưỡng bằng những quyển sách của nhà dịch giả cũng như nhà giáo Hà Mai Anh, những bộ sách của Tự Lực Văn Đoàn, thơ văn cổ điển, sách truyện hình đủ loại. Cho nên khi lớn đứa nào cũng mê đọc sách và lấy đó làm bài học áp dụng cho cái gia đình riêng mình. Hai ông bà có hai thú vui khác nhau. Bà thích xem hát bội, cải lương, phim Ấn Độ, phim tuồng tích xưa, phim tình cảm Tàu... Cứ mỗi lần bà đi thì ba đứa con gái lớn và thằng con trai trưởng được đi theo. Còn ông thì chỉ có sách, đánh cờ tướng. Lâu lâu có phim chiến tranh, phim thể thao, ông mới đi xem. Lúc đó con Tư hay thằng Năm được ông chỉ định ngồi theo yên xe đạp cho ông chở đi xem chung. Một điều lạ mà lũ con sau này thường thắc mắc là Ba Má không hề gây gổ với nhau, ít nhất trước mặt con cái. Con Tư nhớ một lần. Lúc đó có nhiều người bà con chiều tối xuống nhà ngủ nhờ trong thời gian lộn xộn sau trận Mậu Thân. Thấy bà Tư Xuân lục túi áo ông, ông giận dữ, nói to tiếng. Bà vội vàng đính chính: "Tôi coi ông còn tiền túi không đặng tôi để thêm vô." Rồi cả hai im lặng. Con Tư không nghe một lời qua tiếng lại. Lúc đó trong thâm tâm nó, nó cũng đồng ý với Ba nó là việc lục túi áo là chuyện không được làm mặc dù nó hiểu tấm lòng chu đáo của má nó. Một điều lạ nữa là nhà có bốn cô con gái lớn nhưng không hề có tiếng cãi vã to tiếng. Chị ra chị, em ra em. Con Ba lớn hơn con Tư chỉ có hai tuổi nhưng đã từng phạt con Tư qùy gối, xây mặt vô tường cả buổi trời. Con Tư đôi lúc ngạc nhiên khi thấy chị em của bạn nó cãi nhau như gấu, mắng nhau như người dưng. Có lẽ lũ con được hưởng thụ cuộc sống thuận hòa của Ba Má. Có lần Ba sai đi mua tập giấy viết ở tiệm sách Vui Vui tuốt bên chợ, dưới dốc cầu Lớn. Người ta thối tiền lộn, nó mừng rỡ, khoe Ba nó, tưởng sẽ được ông cho mấy đồng dư này: - Người thối lộn mười đồng Ba. Ông Tư đang ngồi làm việc ở cái bàn trong phòng khách. Ông ngước nhìn con Tư, đưa nó tấm giấy mười đồng dư, nói một cách nghiêm trọng: - Con đem trả lại cho người ta. Ông Bà dạy con như thế đó. Nhất là lòng thương kính ông bà nội ngoại. Nhà có làm món gì ngon là bà Tư Xuân cũng sai con mang tô chè, tô bún bò, dĩa xôi vị... lên cho nội, cho ngoại ở làng Đại Nẫm cách nhà mười phút đạp xe. Con Tư là đứa được cắt cử đi theo bà Nội, xách giỏ trầu cho bà những khi có tuồng hát bội về. Tìm cho bà chỗ ngồi đàng hoàng là nó chạy đi coi cô đào, ông kép vẽ mặt, tô phấn. Nó đâm ra mê hát bội như bà nội, thuộc từng tích tuồng, về tập cho mấy đứa em con cô cậu đóng tuồng. Bao giờ nó cũng dành đóng vai người hiền, người đẹp. Gia đình ông bà Tư Xuân chưa nếm mùi cộng sản, chưa biết thế nào là sống tập thể, làm việc tập thể...nhưng cách sinh hoạt của gia đình mang nhiều tính chất tập thể. Năm đứa con nằm ngủ trên bộ ván gõ to tướng dầy cả gang tay trong cái mùng to tướng được đặt thợ may theo kích thước của bộ ván. Căn gác rộng thênh thang không chia phòng chỉ để một cái bàn dài hơn hai mét rộng một mét. Bàn học tập thể của lũ con, mỗi đứa có một chỗ nhất định của mình. Một kệ sách lớn tập thể, tự mỗi đứa con dành lấy chỗ để sách vở cho riêng. Một tủ sách lớn chung cho cả nhà với hàng chữ được Ba nắn nón viết trên đầu tủ: Gìn Vàng Giữ Ngọc. Hai cái võng cho Ông Bà nằm hóng mát và bộ bàn ghế mây. Uống dầu cá cũng uống tập thể: Mỗi tối, ông Tư Xuân chia cho mỗi đứa một muỗng, từ đứa con gái lớn chồng ngồng cho đến đứa con gái út mới hai tuổi, chờ Ba kêu tới phiên mình thì đứng há miệng cho Ba đút cho một muỗng dầu cá. Ngậm đắng nuốt tanh mà nuốt, không dám nhổ ra, chạy ra mái nước mưa, ực một gáo nước mát lạnh cho trôi cái tanh tưởi xuống. Học cũng học tập thể: Mỗi sáng, ông Tư Xuân đánh thức bốn đứa con lớn đang học trường Phan Bội Châu dậy để học bài vì ông quan niệm là sáng sớm khí trời trong sạch, học dễ vô và nhớ lâu. Một cực hình cho thằng Năm và con Tư, hai đứa ham chơi, la cà ngoài đường suốt ngày. Con Tư di chuyển từ bàn học đến cái võng, nằm ngủ gà ngủ gật đọc mấy bài thơ đã thuộc lòng mà ông Tư Xuân đang ngồi uống trà ở nhà dưới cứ tưởng là nó đang đọc bài. May quần áo cũng may tập thể: Mỗi năm hai lần, trước khi khai trường và trước tết. Mỗi đứa một bộ bận ở nhà và hai bộ bận đi học. Đánh đòn cũng đánh tập thể nữa trời ạ! Ông bà Tư Xuân không thường đánh con cái, lũ con năm gái hai trai của bà. Nhưng hình như đứa nào cũng bị một vài cái cú đầu của ông Tư trong đời chỉ vì cái tội lơ đễnh, vụng về, hay một sự hiểu lầm nào đó. Như trường hợp con Tư. Không biết mấy chị, mấy em nó có nhớ mấy cái cú đầu của ông Ba (người Phan Thiết hay nói chuyện với nhau gọi ba má là ông Ba, bà Má ) chứ nó thì nhớ hoài cái cú đầu của ông Ba nó, nhớ suốt đời! Một buổi trưa, Ông Tư Xuân ngồi làm việc ở phòng khách, con Tư chơi lẩn quẩn gần đó. Viết hết mực, ông Tư Xuân để tiền trên bàn, biểu: – Con chạy xuống tiệm Quãng Đắc mua cho ba một chai mực Pilot màu xanh. – Dạ! Tiệm Quãng Đắc không còn mực. Con Tư chạy về, để lại tiền ngay chỗ cũ, nói: – Tiệm Quãng Đắc hết mực rồi ba. Nói xong, nó tiếp tục chơi. Ông Tư Xuân mải mê đọc, không nghe, chờ hoài không thấy chai mực đã dặn mua. Quay ra thì thấy tiền còn để đó, con Tư cũng còn chơi ở đó. Giận nó không nghe lời, ông cốc cho một cái đau điếng. Nó không dám cãi lại, tủi quá, vô kho lúa sau nhà khóc tỉ tê, ngủ quên trong đó, quên cơm chiều. Bà Tư Xuân thấy tội con, mặc dù bà không biết là nó vô tội. Bà cho tiền đi ăn bánh căng. Và từ đó, con Tư nhớ đời cái cốc đầu đó. Bà Tư Xuân cũng không thường đánh con. Nhưng bà có lối trừng trị những chứng tật của lũ con một cách lạ lùng. Thường thì cha mẹ đánh con vì tình cảnh bất lực của mình trước hành động ngang ngược của con, vì nóng giận mất bình tĩnh, vì chỉ biết trút cơn giận xuống một nơi nào đó, mà đứa con là bia chịu. Bà Tư Xuân không như thế, bà quan niệm rằng: đánh con là để dạy dỗ và đánh là đánh cho đáng. Và nhất là khi đánh con, bà rất bình tĩnh, xưng má với con như khi chỉ vẽ chuyện nhà. Bà để dồn hết những tội lỗi của lũ con qua nhiều tháng, trị một lần cho đáng (hay cho đỡ mất thì giờ?). Bà rất bận bịu chuyện đong lúa, xay gạo nên không ở nhà thường xuyên như ông Tư Xuân. Chuyện giáo dục, học hành của con là do ông Tư Xuân lo lắng. Nhưng bà cũng có cách dạy con và chứng tỏ cái quyền của mình. Chừng vài tháng một lần, một hôm nào đó, rảnh rang, bà kêu sáu đứa con nằm sắp hàng trên bộ ván gõ ở phòng khách, không đứa nào biết lý do, nguyên nhân, biết mình bị tội gì. Đứa út được tha vì nó còn nhỏ. Mấy đứa con mặt mày tái mét, từ đứa con gái lớn đã 15 tuổi, học lớp đệ tứ, đến thằng áp út mới học lớp ba, leo lên nằm trên bộ ván bóng loáng lên vân nâu đỏ ở phòng khách. Bà Tư Xuân nhịp nhịp cái roi, bắt đầu: – Hai! – Dạ! – Hôm qua con cho con Năng mượn xe đạp phải không? – Dạ! Nó đi Phú Long xa. – Cho mượn xe bị mất một lần chưa tỡn sao? Chừng nào ba má nó qua mượn mới cho nghe không. Ba Má nó mượn, nếu nó có làm mất thì Ba Má nó đền. Dặn lần này là lần chót. Chót – Hồi sáng má nghe con nói hỗn với con Hai Cao, nó lớn hơn con bốn tuổi, má đã dặn là kêu nó bằng chị, mặc dù nó là người làm. – Dạ, bả lấy cái nón của con đi chợ. – Chị, chớ không bả với ổng gì hết. Nó không có thì cho nó mượn, không có hung dữ với người làm. Nó làm công chuyện nhà cho tụi con đi học thì phải thương nó. - Chiều bả... chỉ không tắm cho em Bé. - Thì chắc tại nó nhiều công chuyện, con tắm cho em cũng được vậy. Làm giúp chuyện nhà được cái gì thi làm. Con gái lớn rồi, trông ngó em cho má. Không được mắng mỏ người làm, người ta nghèo người ta mới đi làm cho mình. Má thấy nhiều lần chứ không phải một lần này đâu. Chót, chót chót. Đứa con gái mím môi nhất định không khóc, đứng dậy, đi thẳng lên gác, nói một mình:”Nó làm có tiền chớ có làm không đâu, người ở mà đèo bồng”. Bà Tư Xuân tiếp tục: – Ba! – Dạ! – Con đi theo mấy người mua dưa tút ở Căng phải không? – Dạ, con đi theo có một lần. - Trưa nắng, cát nóng, đường xa. Người ta mua dưa về bán, con theo chi vậy? - Dạ, người ta cho ăn dưa, muốn ăn bao nhiêu thì ăn. – Một lần cũng là đi, thèm lắm hả? Mấy con không đứa nào được theo người ta lượm dưa. Người ta gánh nặng, đi mau, chạy theo sao kịp, đường xa, lạc đường, khổ lắm. Nghe chưa! Đánh lần này cho biết thân, cho nhớ. Chót – Tại sao không đi đòi tiền gạo nhà bác Bẩy Lộc? – Dạ, bác không chịu trả. – Thì đi đòi lần nữa, bộ sợ người ta ăn thịt hả? Đi đòi tiền mà sợ người ta như sợ cọp thì ai mà trả cho. - Con sợ bị mắng. - Kiếm chuyện. Thưa gởi đàng hoàng thì ai mắng. Làm biếng rồi kiếm chuyện hả. Má biểu làm chuyện gì thì làm cho trót nghe chưa. Không nên thân chuyện gì hết. Cả ngày đánh đu với con Hương, nó làm biếng học dốt, theo nó rủ rê hết đi chơi thì tụm năm tụm ba, không lo học lo hành. Không được chơi với nó nữa. Ngày mai đi nhà bác Bẩy Lộc đòi lần nữa nghe chưa. Không có bác ở nhà thì ở đó chờ, lo về lẹ đặng đánh bè đánh bạn chứ gì. Chót, chót,chót. Con Ba lết lại góc bộ ván ngồi, khóc thút thít, than thầm : “Đám con trai của bác như quỉ da xanh, vừa dắt xe tới nhà, tụi nó ùa ra như chó lâu ngày không thấy xương, ai mà dám tới, ai mà dám ngồi đó chờ.” - Tư! Con Tư đang nhe răng cười chọc thầm bà chị thứ Ba của mình: “Chị mà dám lại nhà đó, ông Thành theo chị, dụ cho tui ổi hoài, tui biết hết. Còn ngồi đó chờ nữa, cho chị chết với đám con trai nhà bác luôn, cho hết ăn hiếp tui. Lần sau nhớ rủ tui đi, tui qué tụi nó cho.” Không biết mình bị tội gì, chưa kịp trả lời thì nghe tiếng má kêu bực tức: – Tư! – Dạ! – Chai dầu cá mới mua mấy ngày mà sao hết sạch? Làm đổ hả? Đổ đặng khỏi uống phải không? Tay chân quơ tới đâu là hư đổ tới đó. Hấp ta hấp tấp, làm cái gì cũng phải từ từ cẩn thận nghe chưa! Đánh cho nhớ! Chót – Cũng còn vô nhà thuơng hái trứng cá phải không? Chỗ bịnh chỗ hoạn, trái cây dính toàn vi trùng mà cũng lén đi hái. Nói hoài không nghe. Đi học về thì phụ chị Hai Cao chuyện nhà, la cà vô nhà thương dơ dấy bẩn thiểu. Nói lần này là lần thứ mấy rồi? Lì lắm! Chót – Con vẽ hiệu cho mấy bao lúa chưa? – Dạ chưa. – Chưa? Vậy chớ mấy bữa nay làm cái gì? Đánh đu đánh bạn với đám con bà An Thịnh phải không? Tụi nó ăn cắp như quỉ, theo nó rồi học đòi ăn cắp, con gái mà cả ngày đánh bạn đánh bè với đám con trai. Chót – Còn nữa. Ở lại đêm trên ông ngoại phải không? Đã căn dặn lên chơi chiều về, không được ở lại. Mấy ổng lúc này đem mấy chuyện ca múa dụ con nít con trẻ theo. Ham ca ham múa lắm. Có ngày mấy ổng bắt vô rừng luôn, khổ ai cho biết. – Dạ, ông ngoại bị bịnh. – Ông ngoại bịnh để người lớn lo. Má dặn luôn mấy đứa, không đứa nào được ở lại đêm nhà nội nhà ngoại. Tình hình bây giờ nguy hiểm lắm, đêm có đụng trận rồi làm khổ ông ngoại bà nội. Nhất là chuyện mấy ổng dụ dỗ theo vô rừng, tuyệt đối không nghe theo, không ở lại đêm nghe chưa! Chót, chót,chót. Con Tư lết lại gốc ván, ngồi bên chị Ba đã hết khóc vì mải theo dõi tội tình của con em kế. Con Tư quên khóc, hồi hộp chờ má kể tội thằng em kế nhỏ hơn nó một tuổi nhưng học chung lớp. Nó với thằng Năm chơi thân như hai anh em, bắn bi, dích hình, đánh đáo, đánh trỏng... Thằng này nhiều tội lắm: Theo đám con bà An Thịnh ăn cắp một tán đường ở mấy hàng đường trên chợ Lớn, đem về chia cho con Tư một nữa. Đánh bài ăn gian thằng Danh bị má nó qua mắng vốn, may mà bữa đó không có ba má ở nhà. Xúi con Bảy thằng Tám đánh lộn, cho thằng Tám là Nga, con Bảy là Mỹ, làm như trận Đệ Tam Thế Chiến. Lấy gạo ở nhà cho nhà bà Năm ở xóm trong... – Năm! – Dạ! – Hồi trưa đi học đi ngõ đường rày phải không? Má ngồi ở nhà máy gạo thấy đi ngang qua. Đường toàn là mồ mả, trưa đứng bóng mà đi ngõ đó cho ông bà bắt, đã bị hành cho bịnh lên bịnh xuống mà cũng chưa tỡn. Chót, chót, chót. Thằng Năm ngạc nhiên quá đỗi vì má chỉ kể có cái tội đó. Nó quên khóc, lại ngồi gần con Tư. Thấy cái mặt con Tư đang nhe răng cười, cái mặt dễ ghét, nó thúc tay vô bụng con chị một cái thiệt đau. Con Tư chưa kịp thúc lại thì nghe má kêu: – Bảy! – Hu.. hu.. hu.. dạ! – Chưa đánh mà khóc hả? – Con đâu có trốn học, con chơi ở nhà con Hằng, má nó biểu con ở lại chơi với nó, hu... hu... hu. – Vậy cái miệng để đâu? Thì thưa với bác là con phải đi về đi học. Con Hằng bịnh tật không đi học được, con thương nó, chơi với nó má không cấm, nhưng con còn phải đi học. Không phải tội này. Hôm qua có tô chè để dành chiều đem lên cho ông ngoại, đứa nào ăn sạch, con phải không? – Dạ, con chia cho con Hằng nữa. – Có làm thì có chịu, không đổi thừa cho ai hết. Nó đâu có biểu con lấy ăn. Thức ăn để dành cho nội cho ngoại là phải để đó nghe chưa. Bà quay lại con Tư đang trừng mắt với thằng Năm, bà hỏi: - Tư! Tại sao biểu đem chè lên cho ngoại rồi để đó. Con Tư hết hồn, tưởng bị một roi nữa. May quá! Má quay qua tiếp tục kể tội con Bảy: - Cái tội ăn vụng, ăn hỗn. Biết là để dành cho ông ngoại mà dám cả gan ăn hết. Chót, chót, chót. Lần này chắc mỏi tay hay tại bà thương đứa con gái thật thà chưa đánh đã khai, nên bà chỉ đánh nhè nhẹ. Con Bảy nằm lì đó, khóc ưng ức, làm như mình vô tội vậy. Bà Tư lại gọi: – Tám! Không có tiếng trả lời. – Tám! Thằng Tám nằm ngủ từ lúc nào. Thằng này cũng không thua gì thằng anh nó. Cứ vài ngày là đánh lộn với tụi con bà An Thịnh, con bà cô Hường, chạy về nhà. Cứ vài ngày là có người đến nhà mét vốn. Bà Tư Xuân chừng như đã mệt, không thiết đánh thức thằng Tám, thằng con áp út bà cưng chiều, nắng không cho đi học, mưa cho ở nhà sợ bịnh. Bà xoay ra mấy đứa lớn đã nín khóc tự lúc nào, biểu: – Đi rửa mặt rửa mày rồi ăn cơm.
|
|
Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003 |