|
|
Điểm sách |
Ðọc TUYỄN TẬP PHỤ NỮ VIỆT 2006
|
| #1 |
|
| #2 |
|
Bấm vào hình để phóng to |
DIỆU TẦN NGUYỄN TINH VỆ - đăng lúc 05:57:02 PM, Dec 28, 2006
1. Đã 9 năm rồi độc giả mới được đọc một tuyển tập văn do tòan phái đẹp thổ lộ tâm tư. Tuyển tập “Trăng Đất khách” năm 1987 có mười tám đóa hoa, từ hàm tiếu đến mãn khai, có những cây viết đã thành danh như Thiếu Mai, Nguyễn Thị Vinh, Tuệ Nga, Vi Khuê, Túy Hồng… Sang thế kỷ thứ 21 giờ đây, qua tập sách này, chúng ta có những cây bút chủ lực như Ấu Tím, Linh Vang, Phan Thi Trọng Tuyến, Võ Thị Điềm Đạm…Tranh bìa sơn mài của nữ họa sĩ Thanh Trí đề “ Nguyện Cầu Hòa Bình” đầy màu sắc dân tộc, với người con gái Việt Nam da vàng nón lá, tóc thề, chim bồ câu, hoa sen, trời cao, mây trắng. Thế giới tưởng như hòa bình, nhưng vẫn ngầm cháy ngọn lửa chiến tranh bạo tàn. Người con gái phải cầu nguyện hòa bình, thay mặt cho cha, chồng anh, em trai, chắp hai tay. Bởi trong chiến tranh, thân phận người phụ nữ lãnh vô vàn thảm kịch, bị chảy máu trong tim và chảy nuớc mắt nhiều nhất.
2. Ba mươi niềm tâm sự, ba mươi nếp suy tư, trải nghịêm nếu xếp theo trình độ học vấn, đạt tới mức khá cao. Đã đành bằng cấp không dùng để đánh giá văn tài, nhưng tri thức thường khiến cho sự lập tứ và văn phong được nâng cao một bậc. Có những cử nhân tôt nghiệp tại quê nhà, tại hải ngọai, có giáo chức tốt nghiệp đại học Sư Phạm, có Quản đốc Thư Viện, đốc sự Q.G. Hành Chánh, Văn Khoa, , du học Pháp…Ngòai những bóng hồng ở Mỹ, Pháp, Canada còn thấy những cánh nhạn hiếm hoi ở Na uy, Anh, Ý đại lợi, Tân tây lan…Có cây bút kỳ cựu nhất tuổi thọ bát tuần như Linh Bảo, có tên tuổi nổi lên từ trước 75 như Lê Thị Nhị. Trong tuyển tập nào cũng vậy, không có lệ “đều tay’, sàn sàn như nhau, bởi tất cả không phải chỉ là hoa vạn thọ, cũng như tất cả không phải là vương giả chi hoa.. Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười. Vẹn mười ở đây gồm cả những cánh hoa mới nở e ấp trong giới hạn nào đó.
3. Tất nhiên không ai viết văn để sống, chỉ là nghề tay trái hay đúng hơn một cái nghiêp. Phụ nữ viết văn làm thơ không hẳn là muốn gửi một thông điệp chính trị, cũng không nhất thiết phải văn dĩ tải đạo. Cái hứng khởi, cái sát na sáng tác tuy không mà có, tuy ảo mà thực. Đó là nữ tính, đó là thân phận, số kiếp đàn bà. Tôi viết cho tôi, tôi viết cho chồng con tôi, viết cho người yêu còn sống hay đã chết. Tôi viết như chim hót líu lo bên dậu trúc hay đau thương nức nở trong bụi gai, như hoa nở tinh sương vườn thượng uyển hay cô đơn giữa triền sa mạc bỏng cháy, thế thôi. Ai hiểu thì hiểu, không hiểu thì cảm thông. Tôi viết bằng trái tim nhiều hơn bằng bộ óc. Cũng do đó tuổi thọ họat động văn chương của nữ giới thường là ngắn hạn. Những thiên chức làm vợ, làm mẹ, làm bà nội bà ngọai đã khoanh tròn lại. Rất hiếm người viết dài lâu được như Nguyễn Thị Vinh, Linh Bảo.
4. Cùng trong đề tài tình yêu, Ấu Tím hứng khởi dâng cao, đang sung sức. Với hơi văn từng trải, chán chường Ấu Tím lột tả thành công tâm tư người con gái lỡ thời. Người con gái trời không cho đẹp, không cần chồng nhưng rất cần tình mẫu tử, rất thèm làm mẹ. Người con gái đó không dám thèm hơi hướm đàn ông, đã tự hỏi: không biết tôi có nên cấm anh hút thuốc trong nhà hay không? Bình Nguyên bên xứ tuyết tung ra một truyện ngắn súc tích, văn phong gọn nhẹ bình dị, nhưng sắc như tre cật. Cô gái căm ghét đàn ông vì trước đây đã ác với đàn ông. Tình yêu coi thường dao chém, tình yêu mạnh hơn nỗi chết. Tác giả như khẳng định: Không có quyền lực nào ngăn cản được tình yêu. Ngót 20 trang sách, Hòang Thy Mai Thảo dàn trải tâm sự với một quân sư trên mạng lưới điện tử. Dường như đây là là một tùy bút trộn lẫn với lời thơ. Tình yêu có pha lẫn niềm tin tôn giáo, tình yêu thời đại là hư ảo điện tử, là siêu thực trộn với siêu nhiên tín ngưỡng?
5. “Mùa xuân Vĩnh biệt” của Hồng Thủy như một cốt truyện tiền chiến lãng mạn, tình em duyên chị – tình chị và cũng không hề có duyên chị. Bởi đôi khi người ta cũng cần phải lừa dối để tìm hạnh phúc cho tha nhân. Bởi Trâm hiểu là mối tình của nàng với Thành rồi cũng sẽ liệm kín theo chiếc xe tang. Lê Thị Nhị trong một đại gia đình văn học, kỳ này đưa ra một thảm kịch, vẽ lại một trang sử đau buồn 30 Tháng Tư năm ấy. Lê Thị Nhị ước mơ, là ước mơ chung của lòai người: Một thế giới mà con người được quyền sống theo sự tuần hòan của vũ trụ, không bị chính con người phá hủy. Có một vài chi tiết xảy ra giờ phút sôi bỏng trầm thống ấy, tác giả đã mô tả không đúng sự việc, không đúng với tâm lý kẻ chiến thắng vì truyện đã mang tính lịch sử. Linh Bảo thuộc dòng họ có văn, có võ chuyển lại cho đời sau một mẩu chuyện tình tiền chiến. Tác giả mượn chuyện trái sầu riêng để mô tả chuyện tình nửa vời, tình trong như đã mặt ngòai còn e. Tình yêu vốn phức tạp, không giải nghĩa được, éo le, lắt léo ngay từ cổ xưa, từ thập niên 40:… Cả hai cùng có cái cảm tưởng như đang đi trên con đường dốc trơn, nếu lỡ trượt chân là không gựơng được nữa…
6. Đọc nhiều Linh Vang, chuyến này đã thấy tin tưởng và yêu thương trọn vẹn hơn. Bản hợp tấu của Linh Vang không còn bóng dáng Francoise Sagan mà đã đi hết cuộc tình, đã đủ không gian chứa đựng những ngân vang cuối cùng. Đời đã sáng tươi, đã sang trang, đã có màu hồng và kết cuộc có hậu hợp lý hợp tình. Bóng ma – sắp xếp mọi chuyện- cha của vai chính – đã lui hẳn vào dĩ vãng, không còn tạo được một ảnh hưởng cỏn con. Linh Vang đang trên đà sáng tác nhiều và sâu lắng. Hai mươi bốn trang Biển Nhớ với 32 đỏan khúc của Nguyễn Thị Tê Hát, chiếm nhiều trang nhất. Biển Nhớ của tác giả có biển, có sóng, gió cát, ốc mượn hồn, có đá tảng. Muốn coi Biển Nhớ như một tùy bút, một hồi ký… tùy người đọc cảm nhận. Biển là tên người yêu hay biển chỉ là danh từ địa lý? Đó là tiếng gọi tình yêu, lời cảm ơn tha thiết hay lời óan trách não nề? Cũng như truyện “ Lạc mất mùa Xuân” của Nguyễn Phan Ngoc An, hơi khó xếp lọai. Nguyễn Phan Ngọc An, tên quen thuộc, người trong Thung Lũng Hoa Vàng, làm thơ nhiều hơn viết văn, làm thơ từ năm 16 tuổi. Một bạn văn thơ, làm báo quảng giao, có tài tổ chức những buổi ra mắt sách. Một MC duyên dáng, lưu lóat.
7. Tình yêu chồng của Phạm Đào Nguyên nhào nặn với tình yêu quê hương, món ăn quê hương. Tác giả thuyết trình mì Quảng thật hấp dẫn cũng như báo cáo lại tình yêu với anh chàng nói dối quê Quảng Nam, thật thơ mộng. Tuy nhiên tác giả đã chủ quan đưa ra những nhận xét chưa chính xác về con người xứ Huế, con trai xứ Bắc, cũng như so sánh mức chung thủy của phụ nữ nơi này nơi khác.
Phan Thị Trọng Tuyến trụ tại Pháp, viết khá bền vững, không bỏ cuộc chơi trên 10 năm trời. Vẫn văn phong miền Nam sôi nổi, nồng nhiệt tác giả phác qua nếp sống sinh viên du học tại Pháp. Có những cô sinh viên thò tay ngắt ngọn rau ngò, thương anh đứt ruột giả đò ngó lơ. Yêu mà nhát không dám tiến tới để hối tiếc phải chi mình đừng ngỏanh mặt lam ngơ. Tác giả cho nhân vật truyện than rằng: Liếc đưa nhau đi rồi, con mắt còn có đuôi… Tùy Anh giàu nữ tính, nhân cách hóa “Hít” con thú nhồi bông. Hít đây có thể là nóng bỏng là nồng nàn và cũng là hít thở, ngửi mùi của chàng của các con. Người ta còn yêu nhau bằng ghen tuông, cãi vã, giận hờn, khóc lóc, ghen lúc yêu nhau đến lúc tay bồng tay mang vẫn còn ghen bóng ghen gió…
8. Hai tác giả Như Khuyên, Phượng Các kể chuyện những con thú cưng nuôi trong nhà. Là một sinh vật, thông minh và trung thành rất mực những con vật rất xứng đáng được nhân cách hóa, có những hỉ nộ ái ố rất người. Phượng Các nhắc đến cung cách sống của dân Mỹ đối xử với chó mèo đối nghịch với quan niệm của người Việt ở quê nhà, cũng như nhắc đến vấn đề hủy họai môi sinh, mặc hay không mặc áo lông thú. Đó là quan niệm sống, là văn hóa. Văn chương nằm trong văn hóa, dùng chữ viết để gióng tiếng chuông cảnh báo đã là làm văn chương.
Biểu tỏ tình yêu mẹ, có Hòang Ân và Võ Thị Điềm Đạm. Hòang Ân viết ngắn nhất, chưa đầy hai trang sách, đã mang đủ hơi hướm triết: Sự bình thường trong một thế gian thật tương đối. Sự bất bình thường, điều tuyệt đối là chuyện khó đạt được. Nhà văn chợt bừng sáng vùng trời Bắc Âu họ Võ tên Điềm, đã nhẩn nha điềm đạm vinh danh bà mẹ. Một bà mẹ quê không được đi học nhiều nhưng biết tính nhẩm thần sầu. Má lại còn có tài sư phạm, óc tổ chức, tài suy diễn, bà mẹ Việt Nam đảm đang tài giỏi, một nữ tướng trong nhà. Tác giả chứng minh vợ chồng đâu cần chung sở thích, học vấn không cần ngang ngửa.. chỉ cần cùng một nhịp tim, chung sức, nhắm cùng một hướng là sẽ xây dựng một gia đình vững chãi, yêu thương.
9. Nhà văn nữ Miêng bên Pháp kỳ này không đưa ra một sáng tác, chỉ kể lể những vui buồn chuyện mua bán cổ phần chứng khóan. Đây là một mộn đánh bạc, là một trò chơi may rủi, một tính tóan khoa học, tài chính. Gì đi nữa nó cũng là một cách sinh họat hiện đại, cũng là nếp sống của xã hội văn minh và nằm trong văn hóa thời đại? Gần gũi hơn, cụ thể hơn, hai người viết Sương Lam và Kim Nguyên ghi lại những chuyến du lịch. Rong chơi vừa là cách thư giãn vừa là dịp đi và học, mở rộng kiến thức, tìm hiểu những nét hay, đẹp, biết được phong tục tập quán, nếp sống đời thường, nghệ thuật, văn hóa xứ người. Sương Lam viết câu kết bài ký sư: Xin cám ơn Thượng Đế đã ban cho một trái tim tình cảm khiến chúng ta biết rung động trước những gì hay đẹp của thiên nhiên và của tình người.
Người ung dung ngồi một chiếu là Hạt Cát dịch thơ chữ Hán “Vân Muội” ra “Lạc vào Tiền kiếp”mang tính triết Lão Trang. Phải chăng nhà thơ Vũ Hòang Chương đã thi vị hóa thành kịch thơ “ Vân Muội” dựng trên sân khấu Nhà Hát Lớn Hà Nội khỏang năm 1951, 52?
10. Tác giả trẻ tuổi nhất là Thi Hạnh ở Bắc Âu viết về người anh trai. Mười hai bến nước, trong nhờ đục chịu, không chỉ dành cho nữ giới. Người đàn ông học hành dang dở, không may trong kế sinh nhai và cũng thất bại trong việc lập một gia đình. Hương Kiều Loan cũng một mình giữ một đề tài là điểm sách. Giới thiệu, góp ý, nhận xét các tác phẩm văn chương là điều nên làm. Có điều là cuốn sách được nói đến có được nhiều độc giả chiếu cố đến hay không. Nếu không, người ta không hiểu bài viết có tác dụng gì, bàn sự việcgì, nhắc đến ai? “Hạnh phúc nơi nào” một mảnh đời có lẽ người kể - Tiểu Thu – đã dùng rất ít hư cấu . Con Xíu/ Hoa sinh ra đã chịu nhiều bất hạnh, gặp hết tai nạn này đến tai nạn khác. Hoa người con gái mang vết sẹo trên ma, có mặc cảm bị bỏ rơi, bị cô độc đã cố đi tìm hạnh phúc nhỏ nhoi. Hoa không hư hỏng, chỉ tuyệt vọng đi tìm một chút yên ổn, bình thường, nhưng không bao giờ tìm được. Cách diễn đạt chỉ kể sự việc, không bình luận, không đưa ý kiến chủ quan của Tiểu Thu đã thành công.
11. Trầm Tích, một bông hoa hiếm lạ từ một đảo quốc dưới đường xích đạo. Người viết gửi đến người đọc một chuyện tình mới chớm nở. Động lực thúc đẩy không chỉ do hấp lực nam nữ, phần lớn là do tình quê hương, chất Việt Nam. Tha hương ngộ … một người mang nửa dòng máu Việt, những tấm ảnh mang mái chùa, ao sen lại gần hơn. Cánh hoa ti-gôn không vỡ như trái tim rướm máu mà ôm lấy hai trái tim rung cùng một nhịp. Chủ đề tình yêu nam nữ và thân phận phụ nữ thể hiện rõ hơn qua truyện ngắn của Trần Thị Hà Thân. Hai năm tình lận đận, hai đứa cùng xanh xao của tác giả vai chính trong cuộc. Người con gái bỏ lại tranh vẽ, thơ văn ghi mối tình để làm tròn chữ hiếu, chấp nhận chung sống với người mình không yêu. Thêm một thảm kịch phủ lên thảm kịch ấy, là mình không thể sinh con được nữa… người đàn bà rùng mình khi chờ đón người tình cũ lao đao, lận đận.
12. “Nghĩa xưa” của Ưu Du đi sâu vào tâm lý, tâm trạng một phụ nữ đã chọn một người chồng nhưng vẫn còn bực bội khó chịu trước cảnh một cặp nhân tình mà người đàn ông là người tình cũ của nàng. Nàng ghen tuông, tiếc nuối hay chỉ ngứa mắt ngứa tai do người tình của người tình cũ gây ra? Những giòng kết thúc câu chuyện là những giòng hay nhất: … Trông chả giống con giáp nào, chả giống ai. Thật dễ ghét. Vi Hòang ghi lại một mảnh đời, có thể hiếm xảy ra, nhưng đã xảy ra. Đó là lương tâm con người, sự trọng nghĩa khinh tài của phụ nữ gặp khốn khó. Cả hai, người vô tâm mất của và người trao trả của lại đều đẹp như trăng rằm. Ba cử chỉ đã không làm đã cho thấy cả hai bên đều đáng ca ngợi: Chờ dưới mưa để trao lại túi tiền; không tò mò đếm xem số tiền đó lên tới bao nhiêu; không cần đếm khi nhận lại túi tiền.
13. Việt Dương Nhân dùng kỹ thuật đối thọai với hơi văn mộc mạc bình dị rất Sè- Goòng ôn lại một chuyện tình. Cường và Bích đang dụ tinh xây tổ ấm, nhưng, lại nhưng chiến tranh đã giật đi hạnh phúc chưa hề đến với Bích. Nàng gào thét: sao anh đành bỏ em. Anh Cường ơi! Em mãi yêu anh. Thân phận phụ nữ kêu lên những tiếng kêu chua chát qua lời kể của Vũ Thị Thiên Thư. Đàn bà là mảnh xương sườn đàn ông, là chiếc đuôi con diều bốc diều lên theo gió, là nội tướng v.v.. chỉ là những lời hoa mỹ. Phụ nữ bị trời buộc cho những thiên chức, những cấu tạo cơ thể sinh lý để kêu lên vào tuổi dậy thì: Mẹ ơi! Em chảy máu rồi. Rồi xé ruột gan, vượt cạn mồ côi một mình, thêm cho đời một sinh mạng. Vũ Thị Thiên Thư cũng như chúng ta không thể trả lời về thân phận mong manh của người phụ nữ. Đọc Y Nguyên cần sự suy đóan trong mớ bòng bong “ Gió Lú”, có lẽ truyện kể có hơi hướm Rashomon Nhật Bản. Cùng một lúc nhiều nhân vật lên tiếng. Đây là cơn mê tình ái, một cơn gió làm lú lẫn sự hư ảo với hịên thực. Cái chết của Túc không hề nói đến chữ chết. Truyện mang một tâm sinh lý, có một chút sex, tại sao nó lại thức dậy trong đáy quần? Một cuộc mộng du hay một một màn đồng tính luyến ái, hay một chuyến phân thân ân ái với bóng ma?
14. Nói chung Tuyển Tập Phụ Nữ Việt năm 06 thành hình được là cả một nỗ lực vô bờ, là một bước tiến ổn định, xốc tới. Người đọc thắc mắc vì sao chưa có bóng hồng cầm bút ở Úc, ở Đức và ở quê nhà nữa, cùng khoe hương sắc? Chủ đề không định mà nên là tình yêu nam nữ, thân phận số kiếp phụ nữ Việt. Mong sao những năm trước mặt, cuộc chơi chữ nghĩa sẽ hào hứng hơn. Nếu có thông điệp nào, văn dĩ tải đạo nào sẽ sắc nét hơn. Nhóm chủ trương hay nhóm vác ngà voi sẽ tuyển chọn kỹ lưỡng hơn. Độc giả chờ đợi những sáng tác gửi gấm cái tâm và cái hồn. Người ta hay nói câu hai cô ca sĩ có thương nhau bao giờ tưởng không thể xảy ra giữa những tâm hồn đẹp khi chọn hoa trưng trong bình. Đó là trách nhiệm tự gánh lấy của nhóm vác ngà voi và mối liên tài thông cảm của những đàn chị, đàn em trong mạng lưới văn học nghệ thuật. Các tác giả phái đẹp thật xứng đáng là hậu duệ Hồ Xuân Hương, bà Huyện Thanh Quan, Đòan Thị Điểm. Xin cám ơn những bông hồng, cám ơn những ngòi bút đã làm cho đời đáng sống hơn, có ý nghĩa hơn.
Diệu Tần
H1: LINH VANG H2: VÕ THỊ ÐIỀM ÐẠM
|
|
Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003 |