|
|
Truyện/Ký |
TRUNG QUỐC KÝ SỰ
|
SAO KHUÊ - đăng lúc 04:34:42 AM, Jul 30, 2006
Sao Khuê dự trù đi thăm Trung Quốc từ lâu mà rồi vì lý này, do nọ vẫn chưa đi được. Đôi giày sport mua để leo Vạn lý trường thành mấy năm nay vẫn cứ nằm mãi trong hộp ! mãi đến tháng 4 năm 2006 mới có dịp lên đường . Xem ra ở đời nhất ẩm nhất trác giai do "tiền" định, có "tiền" mới nói chuyện ăn ưống, đi chơi được chứ nhỉ !!!!
Lúc Sao Khuê ghi danh thì có 23 người nhưng đến lúc lên đường thì lên đến 34 người, đa số là phe nhà, Nha, Y, Dược cả, quen biết nhau rồi... tha hồ vui. Mồng chín tháng tư ở Dorval.Tuổi tác xem qua cũng sàn sàn. Đường đời đã trải qua hơn nửa.Vui buồn, họan nạn với gian nan. Nay lúc ngày xuân được rảnh rang.Ngại gì muôn dặm với quan san. Trung Quốc, cùng rủ nhau du lịch. Trò trò, truyện truyện nói râm ran......(4)
Xin mở một dấu ngoặc : Trung Quốc là nước ở giữa ; người TQ tự cho mình là dân tộc văn minh nhất, tốt đẹp nhất, tinh hoa nhất nên xưng là Trung Hoa. Gọi "Trung Hoa" là ta đồng ý với họ, công nhận họ là tinh hoa của thế giới nên ta chỉ nên gọi là Trung Quốc mà thôi. Trung Quốc là một quốc gia có lịch sử lâu đời. Ở đây người ta đã tìm ra dấu vết của người tiền sử cách nay 75.000 năm; còn dấu vết heo, gà, chó thì có từ 7500 năm trước JC. Gạo lúa được trồng cấy từ 5000 năm trước JC. Luyện kim từ 3000 năm trước JC, thời kỳ đồ đồng từ đời nhà Thương 1766 trước JC. Hiện nay với diện tích 9596.961 km vuông Trung Quốc có 1 tỷ 3 dân số. Nhân mãn rồi nên đại đa số các tỉnh phải tuân theo chế độ hạn chế sinh sản, mỗi gia đình chỉ có 1 con; ở vài tỉnh, nếu sống với nhau trọn đời có quyền có đứa con thứ hai (chắc đứa thú hai thuộc lão bạng sanh châu? ). Thế giới lên án nhưng mà ai ơi phải bắt họ ngưng đẻ nếu mình muốn còn đất sống. Dân TQ đông quá lắm rồi mà để họ tự do sinh sản mai mốt họ dám chiếm hết toàn thế giới vì họ thích ...đẻ lắm cơ !!!!
Có thể coi như quốc gia Trung Quốc được thành lập từ thời Tam Hoàng Ngũ Đế . (Tam Hoàng thường được cho là Phục Hy, Thần Nông, Hoàng Đế còn Ngũ Đế theo Tsui Chi là Hoàng Đế, Chuyên Húc, Đế Khốc , Đế Nghiêu , Đế Thuấn) rồi đến các đời Hạ,Thương, Chu, Xuân Thu chiến quốc, Tần, Hán, Tam Quốc (Nguỵ -Thục - Ngô), Thờì kỳ Nam Bắc, đời nhà Tuỳ, nhà Đường , thời kỳ Ngũ Đại (5 đời 10 nướ ) , nhà Tống, Liêu và Kim, nhà Nguyên (Mông Cổ), Minh, Thanh, Cộng Hòa (Tôn Trung Sơn ) rồi Cộng Sản ( Cộng hòa nhân dân TQ ).
Những thành phố được chọn làm kinh đô là An Dương thành (nhà Thương), đất Phong , Cảo (nhà tiền Chu), Lạc Dương (nhà hậu Chu và hậu Hán),Trường An (nhà tây Hán, nhà Đường- nay gọi là Tây An ) , Khai Phong, Hàng Châu (nhà Tống), Nam Kinh (nhà Minh ), Bắc Kinh (nhà Nguyên, Minh, Thanh ). 1. Bắc Kinh Từ thời Chiến Quốc , Bắc Kinh được họ Mộ Dung tức nhà Yên chọn làm thủ phủ gọi là Yên Kinh, sau đó họ Gia Luật nguời Khiết Đan đặt tên là Trung Đô. Họ Hoàng Nhan người Mãn Châu khi làm vua thì giữ kinh đô ở Trường Xuân (tức Đông Đô) gọi Bắc Kinh là Tây Đô. Hốt Tất Liệt khi chiếm được toàn cõi Trung Hoa, lập ra nhà Nguyên cũng đóng đô ở Bắc Kinh, đặt tên là Đại Đô lúc đó còn là đất Yên theo lời tấu của đại thần: "Đất U Yên long bàn hổ cứ , hình thế hùng vĩ, phía nam khống chế Giang Hoài, phía bắc nối liền sóc Mạc. Thiên tử tất phải ngồi ở giữa mà nhận bốn phương triều bái, nếu đại vương định trị vì thiên hạ thì nơi để đại Vương tung hoành phải là Yên mới xong " . Đầu nhà Minh, Chu Nguyên Chương theo lời tâu các quan cho rằng Bắc Kinh là nơi nhà Nguyên mất nghiệp không nên đóng đô nên tạm đóng đô ở Lạc Dưong rồi cho xây Nam Kinh làm kinh đô, ai nấy đều khen ngợi trừ hoàng tử thứ tư nổi tiếng rất thông minh tên là Chu Tế (hay Chu Đệ).Vua hỏi tại sao thì Chu Tế cho biết nhược điểm của thành, vua ngợi khen nhưng mẹ Chu Tế khuyên con phải xa chạy cao bay vì ngôi vua đã dự định truyền cho thái tử là con hoàng hậu nay Chu Tế tỏ ra thông minh xuất chúng e sẽ bị thủ tiêu. Thật vậy, Vua cho ngươì kiếm giết Chu Tế nhưng thấy con đã sợ mà chạy nên tha. Trải qua 2 đời vua ngắn ngủi kém tài, năm 1402 Chu Tế từ Bắc Kinh về giết cháu đoạt ngôi ( tức Minh Thành Tổ) và dời kinh đô sang Bắc Kinh nhưng vẫn giữ Nam Kinh (rằng năm Gia Tĩnh triều Minh, bốn phương phẳng lặng hai kinh vững vàng ...) . Để trấn áp tàn dư vương khí của nhà Nguyên, Minh Thành Tổ cho đắp một quả núi đặt tên là Cảnh Sơn để Bắc Kinh có thế bắc dưạ vào núi , nam trấn bình nguyên. Người Mãn Châu dứt nhà Minh, lập ra nhà Đại Thanh cũng đóng đô ở Bắc Kinh và cho xây thêm Địa đàn ở phiá bắc, Thiên đàn ở phiá nam ,Nhật đàn phía đông và Nguyệt đàn phía tây biểu thị cho Chu tước phiá trước , Huyền vũ phiá sau, Thanh long phía phải , Bạch hổ phiá trái .
Hiện nay Bắc Kinh vẫn là thủ đô, giữ vai trò quan trọng về chính trị và kinh tế. Khi đoàn tới Bắc Kinh thì trời hãy còn lạnh nên nhà nước chưa cho trồng hoa , sau này Sao Khuê xem hình thì thấy trước quảng trường Thiên An Môn có rất nhiều hoa xếp theo nhiều hình dạng rất đẹp mắt . Hướng dẫn viên tại Bắc Kinh là một bà sồn sồn, ngoài 50 tuổi, dáng dấp thanh lịch, nói tiếng Pháp vì hồi còn nhỏ đã từng học trường bà sơ. Bắc Kinh cũng như Montréal chỉ vừa mới qua mùa đông, những cây lớn chưa kịp xanh lá nhưng những cây hoa đào, hoa lilas, forthysia đã bắt đầu trổ hoa bên cạnh những cao ốc nhiều tầng mọc lên như nấm. Phố xá đông đúc, có xe hơi, xe chở khách du lịch, xe đạp chen nhau mà chạy, mạnh ai nấy lấn chẳng ai chịu nhường ai mà xem ra nhờ thế mới không bị kẹt xe !!!! ngồi đằng trước mà nhìn, kinh thấy mồ, chỉ chực đụng nhưng ngẫm lại trong cái vô trật tự quả có cái trật tự nào đó, những tài xế ở TQ toàn là người lái giỏi vì mỗi hai ba tháng một lần họ phải đi thi lại nhờ vậy mà xe đông người lắm chứ lại ít tai nạn xe cộ !.... Sau khi đi vòng vòng thì đoàn được dẫn vào nhà hát thành phố để xem xiệc nhào lộn. Ai nấy vừa xem vừa ngủ gật tuy xiệc rất hay do các diễn viên còn nhỏ tuổi diễn xuất vì... lúc đó đang là 4 gìờ sáng ở Montréal . Sáng 11/4 đoàn đi thăm Vạn lý trường thành (VLTT). Đây là khu trường thành ở cửa quan Balading cách trung tâm Bắc Kinh 70 km, có khắc câu nói của Mao Trạch Đông " bất đáo trường thành phi hảo hán". 34 người trong đoàn đều đã được xác nhận là hảo hán, được các binh sĩ của nhà nước Cộng hòa nhân dân Trung Quốc dàn chào nghiêm chỉnh; đường đi lên được tân trang và hướng dẫn viên đã dặn trước là leo lên bên phải dễ hơn bên trái, nhân dân Trung Quốc được chỉ thị leo bên trái để nhường chỗ cho du khách có đô la. Sao Khuê chưa leo đến đỉnh cao nhất vì sợ trở xuống không kịp nhờ vậy có dịp khám phá thấy : bên tường phô sắc hàng mai trắng, dưới chân lớp lớp người ngổn ngang, ai cũng quyết tâm thành hảo hán, đồn cao đồn thấp cố trèo sang ...(4) Leo xuống phải vịn thành tường nếu không muốn lăn cái vèo xuống... cho nhanh ! VLTT dài 5600 km chạy suốt biên giới phía Bắc TQ đã được các nước Yên, Triệu, Nguỵ dựng lên để ngăn chặn rợ phương Bắc như Hung Nô, Khiết Đan , Mông Cổ; đến đời Tần thì được Tần Thủy Hoàng cho nối lại , củng cố và nối dài ra bằng xương máu của hàng triệu nhân công gồm tội nhân, nho sĩ không chịu đốt sách, dân nghèo không tiền đút lótv..v... Người ta cho rằng có đến 900.000 người bỏ mình mà xác được chôn ở chân thành vì đói khát kiệt lực. Chuyện kể là có nàng Mạnh Khương vượt ngàn cây số để thăm chồng, khi đến nơi thì chồng đã chết , nàng khóc lóc thảm thiết nhiều ngày đêm khiến bức thành cũng động lòng. Chị bạn Sao Khuê phụ đề là dân của họ, họ còn đì tới chết huống hồ khi họ có cơ hội cai trị dân Việt Nam mình !
Trên đường vào thành phố ai đó nhanh mắt nhìn thấy "silk market" nên đòi vào nhưng đợi đến chiều bà hướng dẫn viên thấy còn sớm mới cho vào, nhờ vậy Sao Khuê mua vội được cái valise thay cho cái cũ bị kẹt tay kéo và khám phá ra họ nói thách dàn trời, dĩ nhiên là có nhiều người mua hớ trong đó có Sao Khuê vậy mà còn hí hửng vì thấy rẻ hơn Montréal ! Kinh nghiệm của trưởng đoàn là mang 2 valises, nhỏ bỏ vào lớn, đến đó mua đồ nhét vào sau; Sao Khuê thì mang một cái "bag" rộng, trống, xếp gọn nhét sẵn vào valise để sau đó đựng quần áo dơ, còn hai 2 valises thì chỉ xếp có phân nửa, trên nhét gối cũ cho valise khỏi bị đè bẹp, đến nơi vất gối đi mua hàng nhét vào. Ăn trưa xong thì đi thăm nơi an táng các Hoàng đế nhà Minh. Đường đi vào khá xa nên hai vị dược sĩ không còn trẻ ngồi xe ...lăn. Có anh dọa “mail” hình về Montréal cho mọi người hết hồn vì bạn bè sẽ tưởng có tai nạn sảy ra, nhưng trông mặt quí vị đó tươi rói thế kia thì dọa ai được cơ chứ ? đường vào trồng đầy một loại hoa không giống hoa hồng mà thơm ngát mùi hồng : Đường vào thăm mộ nhà Minh, hoa đào hé nụ áo hồng mới tinh, lạc đà nhai cỏ gẫm tình, mai vàng rực rở xinh xinh đón chào ...(4). Hoa đào nở đẹp quá khiến Sao Khuê nhớ đến bài thơ của Thôi Hộ "Đào hoa y cựu tiếu đông phong".... mà tại sao không là xuân phong mà lại đông phong ?
Có 13 vị hoàng đế nhà Minh được an táng nơi đây trong những ngọn đồi nằm rải rác ở dưới chân núi rộng lớn mà người ta tìm ra cũng là do tình cờ nên hiện chỉ cho vào thăm một ngôi mộ vì còn nhiều ngôi mộ khác chưa được khai mở ra . Đường dẫn vào hầm mộ đã được mở rộng, lát gạch ; phải qua hai lần cổng bằng đá dày có then cài (nay đã được mở ra) mới vào đến nhà mồ, nơi đặt ba quan tài của vua và hai bà vợ được sơn đỏ cùng tượng của các quan và binh sĩ theo hầu... Toàn khu nhà mồ rộng mêng mông với cây cao bóng cả.....
Đến Bắc Kinh mà không thưởng thức món vịt Bắc Kinh là thiếu sót lớn, mà phải ăn ở nhà hàng nổi tiếng nhất cơ nhé để còn thấy hình ảnh, bằng khen của các nguyên thủ quốc gia (G. Bush,Toshiki Kaifu). Ngay kẻ bán đứng VN là H. Kissinger cũng đã từng ăn qua ở đây. Nhà hàng này được thành lập từ năm 1864, 6 tầng lầu , rộng lớn huy hoàng như khách sạn mới... nhưng kể ra thì vịt Bắc Kinh tại Bắc Kinh...còn thua ở Canada; theo một hướng dẫn viên (nói đùa) thì Bắc Kinh thiếu nước cho vịt tắm nên thịt vịt dù được nuôi công phu bằng cách dồn cho béo 2 tuần trước khi giết cũng còn hôi hôi !!!!!! Ngày 12/4 đoàn được tham quan Thiên An Môn, nơi diễn ra vụ thảm sát trên 3000 sinh viên. Đây là một quảng trường vĩ đại và được canh gác kỹ lưỡng. Có cờ đỏ, có lính, có hình Mao chủ tịch vĩ đại. Phía trái là trụ sở quốc hội (Nhân dân đại sảnh), phía đối diện hình Mao là hình ...Tôn dật Tiên ! Phái đoàn cũng đến Thiên đàn Cung nơi tế lễ Trời đất của nhà vua ngày xưa. Nơi đây là khu đất cao, xây theo phong thuỷ, có trai cung quay mặt về hướng Đông thay vì hướng Nam vì người đương thời cho rằng Vua đến tế Trơì, Trời là cha , Vua là con (thiên tử) , con không được quay mặt về Nam trước mặt cha , phạm lễ chế. .............. Rời Thiên Đàn Cung, phái đoàn sang thăm Tử Cấm Thành. Năm 1420 Nhà Minh sai Trương Phụ sang đánh nước ta , bắt hết những người tài giỏi trong đó có nhà kiến trúc đại tài là Nguyễn Văn An . Năm 1421 vua Minh sai Nguyễn văn An khởi công xây hoàng thành vĩ đại ở Bắc Kinh tức là Tử cấm Thành .
Tử Cấm Thành có tới 9999 phòng, từng bị liên quân Anh Pháp phá hủy, nay đã được tân trang đẹp đẽ; chỉ đi từ trước ra sau mà đã mỏi chân, lớn hơn cả nước Vatican của Đức Giáo Hoàng ! Người ta bảo Tử Cấm Thành là một thành phố trong một thành phố (Bắc Kinh ) quả không ngoa (une ville dans une autre ville giống như Vatican là un pays dans un pays- Italy) . Buổi chiều đoàn thăm Di Hòa Viên nơi có điện Bài Vân là nơi tuyệt đẹp về phong thủy: điện Bài Vân kề bên nước, sau lưng là Vạn Thọ Sơn, trước mặt là hồ Côn Minh nước màu xanh ngọc bích. Cung điện này cũng đã từng bị liên quân 6 nước tàn phá nhưng lại được Từ Hi thái hậu dùng tiền đóng tàu của hải quân để xây dựng lại. Sao Khuê nghe có tiếng... “khen” là nếu Từ Hi đem tiền để đóng tàu thì đến giờ này tầu cũng mục nát nhưng nhờ Từ Hi ...sáng suốt dùng tiền của quân đội để dựng lại Di Hòa Viên nên thắng cảnh còn mãi cho Trung Quốc hốt tiền khách du lịch, bây giờ xem ra có lời! Xem ra giữa đúng và sai khó mà lường được (chân lý là bên nào của Pyrénées hả quí vị )... nhưng công nhận là Từ Hi thái hậu có chơi ngông, xây dựng 2 lần một hoa viên nguy nga với nhiều cung điện bên bờ hồ rộng bao la bát ngát sang trọng với con thuyền bằng đá cẩm thạch, với cầu cong uốn khúc tuyệt vời, với liễu rũ lơ thơ, với đào khoe sắc thắm...Có điều ngưới ta ví dân như nước, vua như thuyền, nước đẩy thuyền đi mà cũng lật được thuyền; Từ Hy làm thuyền cẩm thạch, nặng quá đi không nổi , đứng ỳ một chỗ ...nhưng làm vua kể cũng thích thật nên sau đó có nhiều cặp mặc long bào chụp hình kỷ niệm. Nhưng vua thì lâu lâu lại thèm được làm dân thường nên trong Di Hoà Viên ngày đó có chợ giả để các bà Hoàng cung phi đi ..shopping mua son phấn gấm vóc luạ là ... cũng mua bán trả giá như ngoài chợ thật! Sáng ngày thứ tư (13/4) đoàn vẫn lưu lại ở Bắc Kinh, đi thăm khu phố cũ của Bắc Kinh bằng xe lôi. Dãy nhà xưa có nhà đẹp, nhà xấu, nhà nào có hai thân cây tròn trên cổng là nhà đó môn đăng hộ đối, thường được sơn đỏ. Căn nhà được nhà nước bố trí cho vào thăm có mảnh sân đằng trước, lổn nhổn đồ đạc, chậu cá vàng, vài cây cảnh luộm thuộm vô trật tự, bà chủ nhà cho biết đã về hưu và sống bằng lương hưu, có con đi làm (lại dàn cảnh chứ nhà đã có sẵn mấy chục cái ghế cho khách ) . Ở Trung Quốc đàn bà về hưu khi 55 tuổi và đàn ông 60 tuổi. Đất đai thuộc nhà nước, dân chỉ làm chủ căn nhà và đất ở Bắc Kinh giá từ 5000 đến 8000 đồng mỗi mét vuông ( 1 US= 7.8 Juan ),lương bổng cỡ 100 đến 200 US một tháng nên rất khó mà làm chủ nổi căn nhà. Rời khu phố cũ ( còn sót lại để cho người nước ngoài đến tham quan ), đoàn sang thăm Cống Vương Phủ và Vương phủ Tĩnh. Hai hoa viên này mênh mông với hoa cảnh, giả sơn, nhà thuỷ tạ, e rằng quan này tham nhũng số một và cung điện của vua An Nam ta còn thua xa . Có một căn lầu thủy tạ dùng làm nơi làm thơ : trên mặt đất có đào đường cong queo cho nước chảy, thả chiếc thuyền con xuống, đi hết đường nước mà chưa làm xong một bài thơ thì bị phạt rượu ... Ngồi trên lầu cao , ngắm cảnh rồi ngâm thơ vịnh nguyệt với bạn hiền thì viên quan tham nhũng nhà họ Vương này cũng biết hưởng thụ lắm chứ các bạn nhỉ .
Đoàn ta còn viếng Hồ Đồng ... quí vị biết không, mấy cái độc bình của TQ làm bằng tay không hà. Họ dùng đồng dẻo nặn thành bình, dùng sợi đồng dẻo trang trí hoa lá cành (dĩ nhiên bằng tay) rất tỉ mỉ công phu rồi mới trét gốm cho mầu và đem nung ... Nặng quá , chả ai thiết mua về làm gì nhưng... coi kìa, bên cạnh có bán bao nhiêu là cẩm thạch ! À la sô , nhào vô mua các chị ơi ... Trước khi rời Bắc Kinh, đoàn ta thăm viện bảo tàng rồi lại đi tiêu tiền cho nhẹ túi ở silk market, lần này có kinh nghiêm hơn nên nhiều người mua được nhiều hàng , vừa rẻ vừa đẹp. " Bắc Kinh thú vị lắm ai ơi , hàng silk market rẻ quá trời , nói giá trên trên trời mua dưới đất, mười đồng nhớ trả một đồng thôi !" (4) (nhưng dường như trả 1 đồng cũng hãy còn hớ ). Silk market là chợ tơ lụa nhưng giống như chợ Bến Thành hay chợ trời St Eutache ở gần Montréal. Chợ có nhiều gian hàng nhỏ và bán đủ thứ. Đây là chỗ rẻ và nhiều mặt hàng nhất đồng thời nói thách cũng gần nhất. Bạn nào sẽ đi nên nhớ mua đồ tại đây, bạn có thể mua đủ thứ, áo Polo, áo cá sấu, Yves St Laurent, ví Gucci, manteau các loại, giày dép các hiệu ; dĩ nhiên là đồ nhái : cá sấu cắn vú hay cắn nách gì đó, polo thì cắt không đẹp bằng chính gốc, nhìn kỹ dĩ nhiên chẳng phải Polo. Ăn thua gì , nhìn xa xa tưởng hoa thiên lý, đến gần mới hóa khỉ leo cây vì TQ là tổ sư làm đồ giả mà . Bắc Kinh thú vị lắm ai ơi, Ăn uống ngươì hầu sướng mê tơi, Mỏi chân thì ghé vào đấm bóp, Ngày mai đi tiếp lại thảnh thơi. Bắc Kinh thú vị lắm ai ơi, Xuân đến hoa đào nở khắp nơi, Phố phường sạch sẽ người chen lấn, Lê trắng mai vàng khoe sắc tươi ( thật ra là forthysia chứ không phải hoa mai của VN ) Bắc Kinh thú vị lắm ai ơi , Ngàn năm Bắc thuộc trả thù đời , Con cháu Rồng tiên nay làm chủ , Cho lũ con Trời (thiên tử) hầu hạ chơi !! (4) Sau một ngày đi quá nhiều, vào một buổi tối anh trưởng đoàn rủ nhau đi đấm bóp. Dược sĩ TN làm cho người ta hết hồn vì ... dám ..tụt quần; khoan đừng đỏ mặt, bà này hôm đó mặc 2 quần nên để tẩm quất có hiệu quả bà phải bỏ bớt một quần mà thôi. Sao Khuê không đi nhưng nghe kể lại là khi vào họ ngâm chân mình trong nước nóng có lá cây trước rồi mới bóp chân; sau đó vì ngôn ngữ bất đồng thay vì ra giường nằm để tẩm quất thì quí vị đó ngồi tại ghế để cho người ta tẩm quất. Xong việc các ông bảo với các người tẩm quất (nam cho nam, nữ cho nữ vì Khổng tử viết" nam nữ thọ thọ s...thân" ) là nằm ra để các ông tẩm quất lại thì khỏi trả tiền; mới đầu họ không hiểu là mình nói đùa nhưng sau đó hiểu ra thì các cô Xẩm ôm nhau cười khúc khích; chị H.. thích quá, tính bảo lãnh một cô về tẩm quất cho anh, phải không chị ? các bà nên bắt chước chị H.. nhé .
Bắc Kinh còn giữ được những di tích lịch sử này là nhờ sự can thiệp của Chu Ân Lai lúc đó là thủ tướng chứ nhà nước Trung Cộng giống như những ông vua Tàu đời xưa cứ hễ chiếm được ngôi vua là phá hủy tan tành những cung điện cũ mà xây cái mới chả kể mồ hôi xưong máu của dân lành.
2. Tây An Đoàn rời Bắc Kinh trưa 13/4, đến Tây An bằng máy bay.Tây An là nơi có phong thủy tốt thường làm nơi xây cung điện mùa hè thời xưa và ...nay !!!!. Hướng dẫn viên còn trẻ tên là Lyly nói tiếng Pháp rất thành thạo, phát âm rõ ràng lại nhanh nhẩu dễ thương. Cô cho biết nếu dùng một cái cây để làm biểu tượng cho Trung Quốc thì Bắc Kinh là thân cây vì từ cuối đời nhà Tống (? SK hổng chắc ) rồi nhà Minh, nhà Thanh và đến nay thủ đô đặt tại Bắc Kinh... nhưng rễ cây là Tây An (Trường An ), nơi lịch sử ngàn năm văn vật ...và cành lá xum xê là các tỉnh còn lại nhất là Thượng Hải. Thành phố nói chung còn nhiều khu phố cũ với cây cổ thụ và những nhà lầu 4, 5, 6 tầng nên có vẻ giống Chợ Lớn nhưng đẹp hơn nhiều và mang nét thành phố lâu đời chứ không như Bắc Kinh đã bị nhà nước phá bỏ gần hết, lai Âu Mỹ quá nhiều vớí những cao ốc mới toanh mấy chục tầng . Mình ghé thăm mộ Tần Thủy Hoàng: "Tần Thuỷ Hoàng tính vốn ngang tàng . Bạo chúa- anh hùng thâu lục quốc. Chết rồi mà vẫn muốn chơi sang. Tám ngàn quan, lính, xe tứ mã. Giáo mác gươm dài với chiến xa. Một dải núi cao bao người dựng. Bao người vô tội phải ra ma .... " (4) Xưa, Lã Bất Vi là con buôn giàu có, có người thiếp rất đẹp khi vừa mới hoài thai thì Lã đem gả cho thái tử Dị Nhân (sau thành vua Tần Nhương Vương). Con sinh ra là Tần Vương Chánh , 13 tuổi được lập làm Tần Vương. Khi lên ngôi, nhà vua bỏ 10 năm diệt 6 nước, thống nhất Trung Hoa, xưng là Tần Thủy Hoàng Đế và xưng với quần thần là "Trẫm". Hoàng Đế là gộp của các chữ Tam Hoàng Ngũ Đế còn Thủy là đầu tiên có nghiã là vị hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc còn Trẫm là danh xưng của bá tánh có nghĩa như "mỗ" ( ta ) sau chỉ giành riêng cho vua xưng với mọi người. Tần Thủy Hoàng rất giỏi, có công thống nhất đất nước, thống nhất văn tự, tiền tệ, đo lường Thời Tần, mộ của Đế Vương gọi là Sơn. Lăng viên Tần Thủy Hoàng tên là Ly Sơn , xây dựng tại huyện Lâm Đồng,Thiểm Tây. Khu mộ nằm ở núi Lệ Nhung hay Lam Điền (nghiã là dưới đất có nhiều vàng, mặt đất có nhiều ngọc), Thủy Hoàng ham tên đẹp nên chọn nơi này xây lăng viên.
Thủy Hoàng cho 80.000 người đào ba con suối, dưới đổ đồng và đưa quách vào, thu những đồ quí báu cuả trăm quan và các cung cất đầy ở đây, sai thợ làm máy bắn tên , ai đào mộ thì tên bắn ra như mưa; sai lấy thủy ngân làm một trăm con sông, lấy dầu cá để thắp đuốc .... Xong việc cất giấu thì sai đóng chặt đường hầm đi đến huyệt rồi sai đóng cửa ngoài đường hầm khiến thợ và phu không sao thoát ra được, sau đó sai trồng cây cỏ lên trên trông như trái núi. Lăng viên chiếm 63.7 km vuông, dựng phỏng theo quy mô thành Hàm Dưong, có nội thành chu vi 2520 mét, ngọai thành chu vi 6294 mét; bốn mặt dó cổng lớn, bốn góc có vọng đài, dưới đất là cung điện. Ly Sơn cao hơn 120 mét, chu vi đáy 2167 mét là hoàng thổ ( gồm 11.800.000 mét đất vàng cho dân công chở từ nơi khác đến).Tẩm điện xây tại phía tây bắc thành nội của lăng viên. Lăng mộ xây tại tây nam lăng viên, tượng binh mã xếp hàng ngoài của tây lăng viên vì "phương tây là nơi ở của bậc trưởng lão, vị trí của bề trên "( Trạch không được quay lưng lại phía tây vì có hại cho gia trưởng ). Do sườn Ly Sơn phía nam cao, phía bắc thấp thường bị lụt nên TTH cho xây một con đập cao 10 mét, dài 1400 mét .Các cung điện dưới đất xây bằng đá phiến, quét sơn đỏ để chống ẩm. Lăng Tần Thuỷ Hoàng không những lớn nhất Trung Quốc mà còn lớn nhất thế giới, đến nay mới chỉ khai quật được một mảnh ở Đông viên với 2000 binh mã bằng đất nung oai phong lẫm liệt, phần chính chưa dám khai quật vì chưa đủ khả năng, sợ làm hư hỏng. Lăng mộ tìm ra được cũng là do người dân khi đào đất để chôn thân nhân đã tình cờ gặp tượng lính bằng đất nung (mà khởỉ đầu người ta ngỡ là ma quỷ !)... Nhà nước Trung Quốc kể ra rất may mắn khi đào được ngôi mộ vĩ đại với nhiều di tích lịch sử có một không hai này để câu du khách khi đổi mới mở cửa. Đã vậy một công hai việc, nhà nước nhân đó giải thích sự độc tài của đảng mà nhà nước cho là cần thiết bằng cách so sánh với sự độc tài của Tần Thuỷ Hoàng gồm thâu lục quốc, thống nhất Trung Quốc (có độc tài mới thống nhất được đất nước ). Vậy thì ...nhân dân Trung Quốc hãy... tuân theo sự lãnh đạo sáng suốt của đảng , đừng có bày đặt đòi tự do dân chủ vì ...thực sự dân Trung quốc cũng cần sự độc tài để phát triển quy mô như hiện nay. Nhà nước cứ việc phá nhà phóng đường, xây cao ốc cho thành phố được tối tân, khang trang chứ bày đặt tự do theo như các nước Âu Mỹ thì e chẵng bao giờ có nổi những xa lộ tân kỳ với những khu "rest area" đèn đuốc sáng choang đẹp như khách sạn 5 sao.... Anh hùng Tần Thủy Hoàng sau khi thống nhất TQ thì thành bạo chúa , rất nhiều người muốn hành thích, điển hình là Kinh Kha. Kinh Kha muốn giúp Thái tử nước Yên phục quốc nên lãnh sứ mạng một đi không trở lại : giết được hay không giết được Tần chúa thì tráng sĩ Kinh Kha cũng phải bỏ mình nên buổi chia tay bên bờ Dịch Thủy đã đi vào văn học sử với biết bao bài thơ nổi tiếng như bài của Lạc tân Vương :
Thử điạ biệt Yên Đan Tráng sĩ phát xung quan Tích thời nhân dĩ một Kim nhật thủy do hàn
phỏng dịch là : Dịch Thủy, Kinh Kha biệt Yên Đan Lời đưa, rượu tiễn bừng tâm can ( thực ra quan là giải mũ) Chuyện cũ đã qua, người đã khuất Sông còn lạnh mãi với thời gian .....(4)
Đường vào mộ khá dài nên hai vị trưởng bối phải đi xe lăn. Công nhận là ngôi mộ thật là vĩ đại. Những tượng đất, khoảng 2000 tượng được tái thiết nhưng cũng còn nhiều phần chưa được dựng lại, còn nằm dưới hầm, mất đầu, mất tay.... Những xe ngựa chở vua đi từ bao ngàn năm trước mà đã được trang bị với cây dù quay được để nắng chiều nào che chiều đó, mở ra đóng vào ; xe 4 ngưạ thay phiên nhau 2 con kéo, 2 con nghỉ ....Để làm được công trình vĩ đại này thì những tay thợ giỏi trong nước đã ngày đêm điêu khắc, ký tên, đóng dấu rồi từ các tỉnh gửi về, rồi gần trăm ngàn người xây mộ, đắp núi và sau cùng đều bị giết chết để bảo mật !!!! Thế mới biết chưa ai tàn bạo ngông cuồng bằng Tần Thủy Hoàng, đã dùng xương máu của dân lành đắp Vạn Lý trường thành chưa đủ lại còn xây ngôi mộ khổng lồ để tiếp tục làm vua ở thế giới bên kia !!!! Buổi chiều đoàn thăm suối nước nóng, thăm hồ tắm của Dương Quý Phi, hồ tắm của Đường Minh Hoàng ở cung điện mùa hè. Dương quý Phi tức Dương ngọc Hoàn, vốn là vương phi của Thọ Vương, con vua Huyền Tông nhưng vua cha nghe con dâu xinh đẹp đã bắt vào cung rồi sủng ái quá chừng chừng, phong làm quý phi. Một bức tượng Dương Quý Phi với ngực trần hấp dẫn nên các quí ông trong đoàn dơ tay đòi hái đào tiên ( thực ra là dơ tay về phía đào tiên, tưởng tưọng mình đang sờ được đào tiên của một trong tứ đại mỹ nhân của Trung Quốc .. để chụp hình mà thôi ); Chẳng hiểu 3 mỹ nhân kia là Tây Thi, Chiêu Quân, Điêu Thuyền ra sao chứ nếu sống vào thời bây giờ thì sức mấy mà Dương Quí Phi được coi là người đẹp vì nàng ta mập ú nụ. Tượng và hình vẽ những mỹ nhân thời đó thấy mà ghê, toàn má miếng bầu với má bánh đúc, người tròn như bánh tét, đùi như đùi voi đã vậy hướng dẫn viên còn tiết lộ là Tây Thi người đẹp làm cho cá phải lặn (trầm ngư) không dám mặc minijupe, lúc nào cũng lòe xòe váy dài để che bàn chân voi (chả trách cá sợ phải lặn hết) do phải đạp lụa ở sông Trữ La trước khi gặp Phạm Lãi ; nàng Điêu Thuyền đẹp đến nỗi trăng phải lặn (bế nguyệt) thì lúc nào cũng phải ôm gối để che bụng bự vì vòng số 1, số 2 , số 3 cùng số đo; nàng Chiêu Quân , người làm nhạn sa ở Nhạn Môn Quan(lạc nhạn) thì vai ngang nên lúc nào cũng khoác áo để che và Dương quí Phi, hoa thấy phải khép lại không dám nở (tu hoa) thì hôi nách ! Ông xã Sao Khuê, có người yêu cũ đẹp nhưng hôi nách, bảo là người đẹp nào cũng hôi nách, may quá Sao Khuê không phải là người đẹp nên thiếu cái gọi là hương gây mùi nhớ, trà khan giọng tình !!!! Lúc đi trở ra thì Sao Khuê, TN và hai ba chị nữa bị dụ dỗ mua tượng Phật , bị chậm lại lạc đường do lấy sai sortie khiến hướng dẫn viên hết hồn. Xin lỗi Lyly và các bạn nhé . Tối đó đoàn được chiêu đãi trong nhà hàng với những món ăn đặc biệt nóng hổi làm bằng bột mì (11 loại khác nhau ). Các thành phố miền Bắc Trung Quốc chỉ trồng được lúa mì nên tối ngày ăn bánh bao, dumpling, mì ngó, mì vịt ..tìm... Nhà hàng sang trọng, có sân khấu tổ chức giống Casino ở Montréal. Ăn xong thì được xem ca vũ nhạc đời nhà Tần với 10 mục khác nhau : kèn và hát ; múa luạ , thổi sáo; vũ khúc đồng quê; hát bội ; múa (giống như Ấn Độ ) ; một điệu kèn rất tinh tế phụ hoạ bởi các nhạc khí khác cho ta cảm tưởng trải qua một đêm với tiếng kêu của các loài côn trùng, chúng cũng biết đùa dỡn với nhau như người cho đến khi mặt trời lên ; sau điệu múa Đường Minh Hoàng du nguyệt điện, nghệ nhân thổi kèn trở lại với những chũm choẹ và trống tạo một âm thanh như đang nói chuyện với nhau để kết thúc bằng phần nhạc cung đình. Tất cả các mục được sửa soạn tinh vi liên tiếp không có « temps mort ».
Dù thức khuya xem ca vũ (dĩ nhiên có nhiều người ngủ gật vì mệt quá) nhưng sáng sau vẫn phải dậy sớm để..... đi chơi tiếp. Đoàn đi thăm tháp Đại Nhạn nơi người ta tưởng là có kinh sách do Đường Tăng mang từ Thiên Trúc về. Băng qua một quảng trường có nhiều người tập vũ, rồi công viên với khá nhiều tượng của những danh hào nổi tiếng. Nếu bạn nào đã có tuyển tập Văn Lâm Xã 2005(chủ đề 30 năm thấm thóat) thì sẽ nhận thấy hình bìa của tuyển tập là hình vẽ Lý Bạch thưởng trăng. Hình vẽ là Lý Bạch ngồi ngắm trăng mà nhớ đến quê nhà, lấy ý từ bài thơ "Dạ từ" cuả ông : " Sàng tiền minh nguyệt quang. Nghi thị địa thượng sương. Cử đầu vọng minh nguyệt. Đê đầu tư cố hương " . Hai câu chót này dịch là " ngửng nhìn trăng sáng bao la. Cúi đầu lại nhớ quê nhà chứa chan " ...(4) còn hai câu đầu nghiã là đầu giường có ánh trăng sáng, tưởng như là sương trên trơì rơi xuống ... Tượng tạc ở công viên theo bức họa Lý Bạch thưởng trăng với Lý Bạch ngồi tựa gối, tay đưa ly rượu về phiá trước vì Lý Bạch lúc nào cũng say sưa để rồi say quá đòi xuống hồ vớt trăng mà chết ....
Sau khi "ngó" thác Đại Nhạn nơi mà ngươì ta tưởng có nhiều kinh sách do Đường Tăng mang về từ Tây Trúc vì đây là quê hương của Đường Tam Tạng, đoàn ra thăm cổng thành ngày xưa có súng đại bác bảo vệ, thành rộng và có tháp cao; lại tháp! du lịch TQ tha hồ vào chùa lạy Phật và xem tháp.
3. Lạc Dương – Khai Phong Đoàn rời Tây An đi Lạc Dương bằng xe lửa. Nhà Đông Hán đóng đô ở Lạc Dương đến thời Tây Hán thì dời đi Trường An nhưng Lạc Dương đã là kinh đô của nhà Chu 1027 trước JC sau được nhà Minh cho trùng tu lại và là trung tâm của Thiền Tôn TQ. Xe lửa có 2 tầng. Đường xe lửa chạy theo ngọn núi Thiên Sơn (qua Thiên Sơn kìa ai chén rượu vừa tàn ??) nên cảnh bên đường rất đẹp với những đồi dốc đặc biệt không thoai thỏai mà có nhiều tầng trồng lúa mì hay hang động ( dường như nhà ở của người ta thời xa xưa). Có nhiều nhà cửa bỏ hoang vì dân đổ xô ra thành thị kiếm việc tuy vậy có nhiều thành phố nhỏ hay quận lỵ đã được canh tân hoặc mới dựng sau này với những căn nhà nhiều tầng mới xây khang trang chắc là trong chương trình thành thị hoá nông thôn, kêu gọi dân trở về nông thôn. Hướng dẫn viên nói tiếng Việt đón tiếp tên là Cường. Cậu Cường nói khá rành tiếng Việt, hồi chiến tranh Trung-Việt đã vào đến Hà Nội, có vẻ thật thà, đảng viên, nhà giàu có tớí 2 ô tô con nhưng bản thân cậu chưa có bằng lái. Thuế lưu hành xe ở Trung Quốc rất đắt dù xe rẻ, chắc nhà nước muốn hạn chế xe hơi để tránh nạn kẹt xe. Lạc Dương đang có hội hoa mẫu đơn tức pivoine (pony) , nhân dân từ các nơi kéo về nên đoàn không được viếng do không bảo đảm an ninh. Có nhiều giai thoại về hoa mẫu đơn nhưng có anh nào đó trong đoàn phụ đề tiếng Việt : mẫu đơn là... bà mẹ cô đơn ( bị bố bỏ rơi ) và "lương y như từ mẫu » ý là: " bác sĩ có lương tâm như người từ bỏ mẹ " !!!. Cũng có tích nói là khi xưa Võ Tắc Thiên đã hạ chiếu đầy hoa mẫu đơn màu đen đi Giang Nam vì năm đó hoa này không chịu nở, từ đó biến mất loài mẫu đơn màu đen. Theo HDV Cường thì Mẫu Đơn còn tên nữa là Nhị Kiều do đẹp như Đại Kiều ( vợ của Tôn Quyền ) và Tiểu Kiều ( vợ Chu Du ) . Thời Tam Quốc, Tào Tháo có xây một tòa lầu đặt tên là Hồng Tước. Khổng Minh, để khích Tôn Quyền, Chu Du ra quân đánh Tào đã phao tin là Tào xây Hống Tước cốt để bắt nhốt hai nàng Kiều căn cứ vào bài thơ của Tào Tháo có câu " Hồng Tước xuân thâm tỏa nhị kiều" . Quí vị còn nhớ chuyện Tây Du Ký với Đường Tam Tạng đi thỉnh kinh, kinh đươc bạch mã chở về nên nhà vua cho đúc tượng ngựa trắng để thờ tại chùa Bạch Mã, nghe nói chùa rất linh thiêng nên lúc nào cũng đông người đến cầu nguyện, nhang đèn còn hơn Lăng Ông ngày Tết. Chùa Bạch Mã là một trong những ngôi chùa cổ nhất ở TQ, xây từ dời nhà Hán vào thế kỷ thứ nhất sau JC . Chùa có một tảng đá hình chuông mà hướng dẫn viên nói là sờ vào mà cầu thì ước gì được nấy. Trưa 16/4 đoàn đi Long Môn Động. Đây là một ngọn núi nằm cạnh sông Lạc , sông Lạc là một nhánh của sông Hoàng Hà có Lạc Kiều dài 1 km (Lạc hay Vị tuỳ theo phát âm ). Ngọn núi này đã từng chịu lũ lụt nhiều lần bởi nước sông Hoàng Hà khiến cho nhiều điêu khắc tinh vi trong đá mà cũng bị phá huỷ. Khi có lụt,nước sông có lần lên đến 7 mét ! Đường vào tơ liễu lơ thơ bên bờ sông mà núi Long Môn (không phải động nằm dưới mặt đất như Sao Khuê tưởng ) thì tuyệt vời với không biết bao nhiêu là tượng Phật, lớn thì bằng cái nhà, nhỏ (20 cm) thì nhìn xa chỉ như hàng chữ viết được khắc vào đá, từ tầng dưới đến từng cao không thể nào đếm xuể. Tài liệu cho biết là có 1352 động (grottes), 40 chùa và 97000 tượng Phật lớn nhỏ ! Sao Khuê cũng nhìn thấy hình khắc con chim Lạc giống như con chim khắc trên trống đồng của VN. Đoàn chụp một bức hình kỷ niệm ở đây nhưng vì tít trên cao nên thiếu một số người vì ...leo không tới hay vì xuống trước ,. Người ta đi trảy hội đông ơi là đông vì nhằm ngày chủ nhật. Không có nhiều giờ nên không thể đi thuyền rồng trên sông.
Đoàn rời Lạc Dương qua cây cầu Lạc Dương thật đẹp để đi Khai Phong thăm Thiếu Lâm Tự. Khai Phong thuộc Trịnh Châu, là cố đô từ thời nhà Tống nhưng vì thành phố thấp dưới mực nước sông Hoàng Hà, chỉ cách đó 10 km về hướng Bắc nên đã nhiều lần bị lụt lội phá hủy nay di tích chẳng còn là bao và nhà nước cũng không dám khai quật mộ các vua đã chôn ở đây. Trước đây Khai Phong có ít người thăm viếng và chỉ mới phát triển từ khi Tây Phương biết đến môn võ Kung Fu của Thiếu Lâm Tự . Thiếu Lâm Tự nằm trong thung lũng của núi Thiếu Thất chắc xây dựng trên đất của bà Hỏa nên từ ngày dựng nên đến nay đã bị thiêu hủy 14 lần, lần cuối bởi nạn quân phiệt và sau 45 ngày các dãy nhà mới bị cháy hết. Ngày nay nhà nước đã cho trùng tu, các dãy nhà trùng trùng điệp diệp tuy mới, đẹp nhưng thiếu vẻ cổ kính , chỉ còn phiá bên bảo tháp nơi chôn các vị chưởng môn là còn tồn tại với thời gian . Có rất nhiều tháp, cao lớn khác nhau do các đồ đệ dựng lên cho thày . Chiều cao nói lên công đức của các vị, nhưng không có tháp (phù đồ) nào được cao hơn 7 tầng theo quy định. Đoàn được xem biểu diễn Kung Fu với quyền cước, hầu quyền, biểu diễn võ thuật với vũ khí và đập gạch, đập miếng gang vào đầu cho vỡ ra làm 3, 4 mảnh. HDV nói là trước kia cậu ấy cũng xém học Kung Fu vì khi thăm chùa có vị sư bảo là cậu có duyên nhưng học phí đắt quá nên cậu không học và lấy làm may mắn đã không học vì với trò đập gang vào đầu thì chỉ sau 10 năm không điên cũng khùng. Tuy vậy phần lớn những trẻ theo học là con nhà nghèo, nương tưạ vào chùa để sống và không phải ai vào chùa cũng học võ vì còn phái khác chỉ nghiên cứu về Phật học mà thôi. Chùa vẫn có Tàng Kinh Các, vị nào muốn trở thành võ lâm cao thủ thì đến đó trộm kinh về luyện võ (như cha của Kiều Phong chẳng hạn) !!
Rời Thiếu Lâm tự, đoàn đi Trịnh Châu, dùng cơm tối ở Hương Lâu, nhà hàng nổi tiếng số một, rất thanh lịch mà chỉ " các quan tham nhũng" mới có thể vào ăn với những món hải sản còn sống, làm tại chỗ, mỗi bưã như vậy cả ngàn juan (170 đô la canadien ) nên phe ta chê, chỉ dùng cơm rau cỏ mà thôi, tốt cho sức khoẻ phải không quí vị ? Hồi còn ở Bắc Kinh , có hôm chị K đọc bài thơ : "Nếu thế giới này không có đàn ông " nghe vui lắm nhưng chị hiện nay còn đi ngao du sơn thủy tiếp, chưa về đến Montréal nên Sao Khuê chỉ chép ra đây bài đáp lại của mình (4) mà sau khi nghe xong, cậu HDV tên Cường thích đã xin để về đọc lại cho các bạn của cậu nghe: Nếu thế giới không có đàn bà . Thì ai giặt giũ với chùi nhà. Thì ai đi chợ, ai nấu nướng. Để bữa cơm kia được đậm đà. Nếu thế giới không có đàn bà. Lấy ai mua sắm với la cà. Tiền bạc kiếm ra ai sài phí Kinh tế rồi ra sẽ sút sa . Nếu thế giới không có đàn bà . Bao nhiêu nghề nghiệp phải tiêu ma. Làm « nail » uốn tóc se lông mặt. Sửa mũi chẻ cằm với lột da . Nếu thế giới không có đàn bà. Đàn ông sao có thể thành cha . Trà đình tửu quán la cà mãi . Sida mắc phải sớm ra ma ......
Đã được vào nhà hàng nổi tiếng , tối đó còn được ngủ ở khách sạn đẹp nhất, 5 sao, điệu này "phú quí" đi lên ; mặt tiền mặt hậu của khách sạn đều vĩ đại, bên trong có một sảnh đường rất lớn chứa được mấy ngàn người một lúc, bồn rửa mặt bằng thuỷ tinh mầu xanh có ghi : "hễ làm bể phải đền ", gường ngủ lại có đóa hồng tươi . Khách sạn Mỹ, Pháp giờ vất đi so với TQ vì ở đây mới hơn, toàn đá cẩm thạch, lại còn những ngươì đẹp khoác áo đẹp đứng chào hai bên, tuy vậy Sao Khuê chưa nhìn ra cô nào đáng gọi là đẹp chỉ có cô serveuse ở nhà hàng ở Tây An có nụ cười duyên dáng xinh xắn mà thôi . 4. Khai Phong - Trịnh Châu ( Hà Nam ) Sáng 17/4 Đoàn viếng đền kỷ niệm Bao Công rồi chùa Thiết Tháp tức...tháp thiếc . Đây là di tích từ thời Bắc Tống, được coi là thiên hạ đệ nhất tháp. Tháp khởi đầu bằng gỗ dựng từ năm 928 đến năm 998 bị nghiêng sau đó xây lại bằng gạch năm 1175 có thờ Xá lợi Phật. Loại gạch này nung rất kỹ nên cứng và có màu như thép . Ngày xưa chưa có ciment nên người ta chỉ dùng nếp với vỏ trứng thay thế cách nào đó mà cứng đến ngày nay trải qua 6 lần lũ lụt và môt lần tấn công của Nhật vào năm 1888 tháp vẫn tồn tại. Thác cao 35.8 mét có 13 tầng, phần móng dày 8 mét có 104 chuông. Trên mỗi một viên gạch (dễ nể thật) đều có điêu khắc tỷ mỉ, công phu với hình Phật ngồi, đứng, hoa cảnh, nghệ sĩ đang chơi đàn, các con thú v..v. . Tháp nghiêng nên chỉ được đứng ngoài mà ngó. Đoàn đến thăm Dragon pavillion park nơi có cung đình của vua Tống ngày xưa. Hai con rồng lớn bằng giấy nằm dài từ ngoài cổng vào, uốn khúc theo chiều gió. Các ả Xẩm trẻ măng mặc y phục cung nữ hay công chúa ngày xưa phất phơ qua lại . Nơi sân rộng ngay lối vào lại sẵn kiệu vàng lọng đỏ, mấy bà nhí nhảnh (trong đó có Sao Khuê) cũng bỏ tiền lên cho ngươì ta kiệu một vòng rồi chụp hình với các người giả cung nữ hay quan viên thời xưa . Một, hai ba, lại leo lên... thăm cung đình gồm nhiều cung điện nối tiếp xây bên hồ nước lớn mênh mông bát ngát. Đặc sản của Trung Quốc vào thời Tống là tơ luạ, hàng thêu và đồ gốm với nước men Tống đặc sắc mà bát đĩa, bình cổ... thời này hiện rất có giá .Thờì Tống người TQ bắt đầu biết cho nhiều mầu men lên đồ gốm, khởi đầu là để ..một “cục” men ở trên miệng bình, khi nung trong lò men chảy dài xuống thảnh nhiều mầu, chủ yếu là mầu xanh dương, mầu cam .... Ngành thêu đạt đến nghệ thuật tinh vi, chim thêu như chim thật v..v Vua Tống Huy Tông nổi tiếng là hoang phí, ông có 1 long bào mà phải cần đến 800 thợ mới thêu xong !... “Thơ Đường, Từ Tống”, thời này là phong trào của những bài thơ theo thể từ ( đọc lên giống như bài hát) như bài từ Nhất tiễn Mai (nỗi nhớ nhung mùa thu) của nữ sĩ Lý Thanh Chiếu....
Trở lại tháp nghiêng. Tại sao tháp bị nghiêng ? Hầu như tất cả tháp mà đoàn viếng đều bị nghiêng do nước sông Hoàng Hà. Hồi còn học ở trung học, thỉnh thoảng phải học vài câu chữ Hán, có những câu Sao Khuê còn nhớ mãi đến ngày nay ; đó là câu "Tao khang chi thê bất khả hạ đường, bần tiện chi giao bất khả vong" , mà Sao Khuê diễn nôm cho cô em gái tên là Giao nghe là “tao” với mày không thể đi chung đường, ngươì bần tiện tên là Giao thì không thể chơi được ( !!!!) , câu thứ hai liên quan đến sông Hoàng Hà : “Quân bất kiến Hoàng Hà chi thủy thiên thượng lai, bôn lưu đáo hải bất phục hồi”, câu này trong bài thơ Trương tiến tửu của Lý Bạch mà đại ý là mời uống rượu, đời ngươì quá ư ngắn ngủi, mới tóc xanh mà nay đầu đã bạc nên ...cứ say sưa đi, ngay cả phải bán áo lông mà say.... ( say kiểu này ung thư gan hết trơn đời còn rút ngắn hơn nữa ).
Hoàng Hà là con sông lớn và là nỗi khổ của dân TQ. Hoàng Hà thường xuyên gây ra lụt lội phá huỷ nhiều công trình kiến trúc của Trung Quốc, có khi xóa tan bao nhiêu thành phố, làng mạc nên thời xưa người TQ có câu “ trị được nước sông Hoàng Hà là làm vua được” vì vậy đoàn phải đến thăm công viên sông Hoàng Hà xem vị hung thần này ra sao chứ.
Đường đến công viên là con đường rợp bóng mát với hai hàng ngô đồng giao nhau. Mèn ơi, tìm mãi nay mới ra cây ngô đồng ! Lúc đầu thấy có loài hoa trắng hơi tím khắp đường phố Bắc Kinh, hỏi HDV thì cậu nói là cây ngô đồng; bây giờ 2 HDV khác lại bảo đây mới thực là ngô đồng. Mới đầu Sao Khuê không tin vì thấy lá giống như lá cây Érabe tức cây phong ở Canada nhưng phân tích kỹ thì quả thật là có khác: Thân cây có lớp áo màu trắng như lớp da và mỗi năm thay “áo” hai lần để phát triển. Cây có hoa và có trái, HDV nói tên Pháp là plantane, mới đây thấy anh Nguyễn văn Kỳ Điền cũng xác nhận như vậy trong tập san của dược sĩ ở Toronto. Vậy đúng là « chàng » ta rồi, vậy mà hồi nào đến giờ Sao Khuê cứ mơ tưởng « chàng » , tường tượng ra một « chàng » đẹp trai thẳng tắp cao vút lên trời để chỉ có chim phượng hoàng mới bay lên đậu được, nay thì chàng bị ..chặt đầu cho ngọn có 5,7 cành xòe ra chứ không cao vút nhưng kể ra thì vẫn đẹp ...trai, tuy vậy ai lơ mơ muốn nếm trái cấm thì sẽ bị Tào Tháo rượt chết luôn (quả ngô đồng gây tiêu chảy). Khi quẹo vào con đường nhỏ như đường làng thì giống như mình đi qua khu chợ trời, hai bên đường bán đủ thứ , nhất là quần áo, tiếc là không được xuống mua ! quí vị đi sau nhớ đòi shopping ở đây, nhớ mặc cả kỹ nhé. Đến gần công viên thấy có tượng bán thân hai người trên ngọn đồi nhân tạo, Sao Khuê đoán mò là tượng của Lénin và Karl Marc nhưng hóa ra là tượng của hai vị có công trong việc trị thuỷ sông Hoàng Hà là hai cha con vua Vũ.
Sông Hoàng Hà bắt nguồn từ Tây Tạng ở độ cao 4500 mét, chảy ra Hoàng Hải (Mer jaune) trải dài 5200 km, có rất nhiều phù sa, thường xuyên gây ra lụt lội ; năm 1987 đã huỷ 1000 làng, cuốn theo cả triệu người. Thời huyền sử, vua Thuấn sai ông ... ( SK quên tên ) đi trị thuỷ, ông cho đắp đê dọc theo sông ( như đê sông Hồng ở VN) tuy vậy với lượng phù sa và lưu lượng khổng lồ vào mùa lũ, lụt vẫn hoàn lụt, ông bị phạt đi đày nhưng sau vua lại sai con ông là Vũ làm tiếp . Vị này khôn ngoan hơn tìm cách khơi hạ lưu sông để nước chảy ra biển được dễ dàng. Ông này làm việc chăm chỉ, 2 năm đi qua nhà mà không ghé vào thăm nên vợ bỏ đi lấy chồng khác nhưng sau đó được vua Thuấn nhường ngôi thành vua Vũ. Người ta bảo ông biến thành cọp để có sức khoẻ cào đất ở hạ lưu sông Hoàng Hà ( hạ lưu dài 1000km) cho nước chảy tuột ra biển, không thể đọng lại mà gây lụt trong nhiều năm trời. Tổng cộng, sông Hoàng Hà đã có 1500 lần lũ lụt, có khi sảy ra 3 lần trong 4 năm liền ; sông cũng đã 6 lần thay đổ lưu vực sau những lần lụt đó. Đoàn mua vé lên tàu phao để ra thăm sông, tàu phao đi trên cạn ( đất bùn) bằng bánh xe nhưng ra sông thì nổi lên nhờ lớp áo phao chung quanh tàu. Giữa lòng sông có bãi đất bồi, từ đó nhìn lên núi thấy được ranh giới của vùng Hán Sở tranh hùng thời xưa ...Mách quí vị mê phim là bộ Hán Sở bá Vương hay đấy, xem đi . Sao Khuê thích ba bài học của Trương Lương dạy Lưu Bang, kẹt là Sao Khuê ứng dụng ngược lại như nhân nghĩa thì dấu kín trong bụng mà ngoài miệng thì chuyên móc lò cho thiên hạ ghét !!!!! (chả dám nhận là khẩu xà tâm Phật đâu đấy nhé ) thay vì "nhân nghiã để ngoài miệng, gian dối dấu trong lòng " . Ăn cơm tối xong thì đoàn lấy xe lửa đi Nam Kinh. Toa couchette , 4 ngườì một phòng, đoàn ta chiếm gần trọn một toa và trước đó được ưu ái cho chờ trong phòng riêng có ghế " mềm" tức có nệm êm ái, sáng thức dậy có diểm tâm riêng cho đoàn . VIP nên nhà nước cho canh gác kỹ quá lại được can thiệp có toa riêng để chở hành lý đi sau chứ không phải khuân theo mình . Đã thật !!!!!
5. Nam Kinh Nam Kinh có địa thế rất đẹp , được phong thuỷ khen là " Hồ cứ long bàn ", phía Tây có thành Thạch Đầu như con hổ ngồi xổm , đông có Chung Sơn như rồng đang cuộn khúc, địa thế hiểm yếu, bốn phiá là núi tiện cho việc phòng thủ, có đồng bằng Thái Hồ , có vựa lúa là lưu vực sông Tiền Đường, có Trường Giang lên đến đươc Vũ Hán , xuôi xuống tận Thượng Hải, Nam Kinh giao lưu được với bốn phương khiến cho kinh tế phát triển. Khi xưa Chu Nguyên Chương từng có ý định đóng đô ở Bắc Kinh nhưng do lời khuyên của các đại thần nên đã chọn Kim Lăng (Nam Kinh) vì tại đây các dãy núi đều quay về kinh đô , mang ý nghiã triều cống, nhưng có hai dãy núi là Ngưu Đầu Sơn và Hoa Sơn đối diện với cổng Thái Bình lại quay đi , nhà vua đã ra lệnh cho bộ Hình đánh núi một trăm gậy, cho đào mấy hố lớn ở những chỗ có hình đầu trâu, dùng xích sắt xích lại để bắt nuí hướng về phía kinh thành và cho đốn hết cây trên núi Hoa Sơn cho hết màu xanh để giữ vương khí !..... Ngày 18/4 phái đoàn đến Nam Kinh. Trên đường đi tham quan ngó cảnh ( không có thì giờ ngắm, đi như chạy nên chỉ kịp ngó mà thôi), đoàn ta.... tạt qua ( nhưng ở lâu để sài tiền ) chỗ làm ngọc trai. Trước cửa có một tượng Kỳ lân không có hậu môn, ai sờ vào thì tiền bạc chỉ có vào mà không có ra. Sạo dễ sợ, Sao Khuê ôm cứng lâu nhất mà cũng tiêu tiền nhiều nhất trong số các bà ở đây (vì lo mua ngọc làm quà, anh MH nói là "một người đi chơi cả họ được quà" mà). Sao Khuê ham mua đến nỗi chị BT la làng , mà về đến Montréal vẫn tiếc là mua chưa đủ, dĩ nhiên là lại mua hớ vì sau đó ở những chỗ khác mặc cả được rẻ hơn. HDV là ...ông già nói tiếng Pháp nhưng thiếu lanh lẹn, đã vậy chương trình thăm cảnh lại chán phèo ( đi mua ngọc thích hơn) : thăm mộ Tôn dật Tiên. Nhà nước sau khi đổi mới, dân TQ chán Mao. Mao chủ tịch chỉ còn ngồi nhìn thiên hạ ở Thiên An Môn, nhớ lại thời oanh liệt nay còn đâu, nay nên nhà nước cũng ráng kiếm ra một thần tượng khác thay Mao nên đem Tôn Trung Sơn ra chùi bóng cho lên bàn thờ, giành hẳn khu đồi núi mênh mông đầy cây xanh bóng mát làm phần mộ. Leo lên mỏi chân nên Sao Khuê ngồi ở lưng chừng, dở nón giả làm ăn mày xin tiền người qua lại . Anh MH, phu quân của TS cho ít chục « juan » ( tiền TQ) nhưng khi TS quay xong phim thì lấy lại hết. Coi bộ anh thiếu lòng thương người nghèo đó nghe anh . Sang phẩn mộ của nhà Minh thì hấp dẫn hơn. Hai cô HDV « locale », một cô nho nhỏ xinh xinh, nói giọng Bắc Hà Nội 100% làm các anh thích quá. Đây là mộ của Minh Thái Tổ . Đường vào gọi là Lộ Thần, hai bên có từng cặp tượng thú vật, cứ 2 đứng rồi 2 quỳ gồm : ngựa (trung thành) , kỳ lân, voi, lạc đà, sư tử . Nhà để bia trước kia có mái nay đã mất chỉ còn tấm bia khổng lồ gọi là Tứ Vương Thạch nằm trên con rùa có khắc bài văn tế Chu Nguyên Chương. Khu này rộng lớn đầy cây cao bóng mát và yên tĩnh. Chiều rơi, đoàn đến thăm chùa Linh Tự . Lần đầu gặp bà Tàu đáo để. Giá để đi xe « lam » vào chùa cho đỡ mỏi chân được nhà nước qui định là 15 juan mà bà ta cứ đòi 20 juan, đã vậy còn đòi chất đầy người lên nhưng Công An gác cổng không chịu, cuối cùng mới thỏa thuận 15 juan mỗi người . Cà chớn thật ! Đã vậy chùa không thờ Phật mà chứa trong tủ kính tượng của các nhà cách mạng thời Tôn trung Sơn với kích thước , hình dáng và nhất là cặp mắt linh động cứ như đang họp hội kín, đang bị bắt , đang bị tra tấn ... trông y như thiệt vậy. Có cả tượng Từ Hi thái hậu . Tuy có tuổi nhưng nhan sắc còn bóng bẩy ra gì. Hồi đó, cháu bà là vua Quang Tự dự định canh tân nước TQ, bà lập tức đem vua giam lỏng ở Di Hòa Viên, bây giờ hai bà cháu ở gần nhau trong cùng một ...chùa nhưng vẫn nhất định không dòm mặt nhau, tuy ngồi gần mà nhìn ra hai hướng khác nhau ! Đoàn trở về thành phố, hai bên đường là những cây ngô đồng rất đẹp. Các anh thích cô Bắc Kỳ nho nhỏ nên đặt nhiều câu hỏi về đời sống hiện tại của dân TQ. Nói chung họ đã tư bản hóa còn hơn tư bản nũa : khám bác sĩ , thuốc men , bệnh viện phải trả tiền. Người đi làm thì mua được bảo hiểm sức khoẻ, còn người nghèo mắc bệnh nan y thì ráng chờ chết .... Nam Kinh có nhà máy điện tử lớn là Panda, có trung tâm thương mại nổi tiếng, nội thành có khoảng 3 triệu dân, toàn thành khoảng 6 triệu. Taxi ở Nam Kinh sơn màu xanh vert, còn Lạc Dương sơn màu vàng, toàn xe mới toanh không hà. Bây giờ đang là festival tôm với 17 gia vị khác nhau nhưng món ăn cổ truyền là vịt muối, đoàn sẽ được thưởng thức tối nay (giống như gà hấp muối ). Khách sạn tiếp đón phái đoàn rất là romantique vơí ba nhạc sĩ đàn nhạc cổ truyền nhưng nhiều vị mệt quá chỉ muốn được đi đo giường Phú quí tưởng là đi lên, ai ngờ đi giât lùi, khách sạn này hơi thiếu tiện nghi và cũ mềm, may quá chỉ có một lần này mà thôi, sau đó phú quí lại đi lên trở lại. Sau đêm ngủ xe lửa , Sao Khuê phải gội lại đầu, không tìm thấy máy sấy nhưng người mắc bệnh cả lo có mang đi đủ mọi thứ ...
6. Tô Châu Sáng ngày 19/4 đoàn đi Tô Châu. Sao Khuê nhận thấy là càng đi về phiá Nam càng trù phú. Xa lộ đẹp hơn xa lộ Mỹ quốc, hai bên là những dãy nhà nhiều tầng, ruộng vườn xanh ngắt trong sương mờ. Những ngôi nhà cổ xưa lụp xụp còn thưa thớt như những chòi con con bên cạnh những căn nhà hiện đại. Dù ở vùng quê nhưng trái với Bắc Kinh nhà ở đây có vẻ thuộc về từng gia đình vì không phải là building, chỉ là những căn lầu, đại đa số mới xây nhưng lại giữ kiến trúc cổ truyền với mái cong . Hai bên đường thỉnh thoảng còn lại những công trường của thờì chưa đổi mới với nhiều nhà kính để ương cây. Vùng này được trồng nhiều cây dâu nuôi tằm để dệt lụa, cây long não, cây bạch quả ( loại này cần có cây đực và cái mới thụ tinh được ) hiện nay được dùng để chế thuốc giúp trí nhớ tránh Alhzeimer. Ối gìời ơi, cả cái xa lộ dài hun hút đó mà họ cho trồng cây cảnh và còn trồng hoa ở giữa , rồi cho ngươì đi nhổ cỏ tưới hoa tửng khúc một chứ không dùng máy, hoàn toàn bằng tay các cụ ạ. Nhân công rẻ như bèo mà ...Trên xe,anh K giải thích về lịch sử , điạ danh của Tô Châu như Đồi Hổ: Ngô Hạp Lư bị thua trận , bị trúng tên rồi nhiễm độc mà chết, được con là Ngô phù Sai chôn trên Đồi Hổ ( Hổ khẩu Sơn ), người ta nói là khi chôn xong có hổ trắng quì trước mộ nhưng sau đó mộ cũng bị Tần Thuỷ Hoàng cho đào để tìm 2 cây bảo kiếm là Can Tương và Mạc Gia . DS LTL có bài thơ, chắc là làm sau khi bị ai đó liếc cho một các sắc hơn kiếm : Bảo kiếm Mạc Gia nay ở đâu? Bí truyền mất hút giữa Kinh Châu. Mắt em sắc lạnh hơn gươm ấy, Cắt đứt hồn anh một nỗi sầu! (Xin lỗi đồng nghiệp nếu Sao Khuê nhớ không đúng lắm nhất là câu chót ) Truyện kể là hai vợ chồng Can Tương và Mạc Gia giỏi về luyện kiếm một lẩn luyện mãi không thành nên người vợ phải hy sinh, nhảy vào lò lửa để chồng luyện được hai thanh kiếm, một dâng vua, một đem dấu .... Anh K còn kể tiếp về Ngô Phù sai, Tây Thi, Câu Tiễn, Cô Tô đài , chắc quí vị ai cũng biết cả rồi phải không ? khỏi viết lại ra đây ...mỏi tay ! HDV ở đây vừa già vừa thiếu năng động, có vẻ ú a ú ớ nhưng nhờ trưởng đoàn « phát biểu lên trên » nên « trên » can thiệp, khi đến Tô Châu đoàn được tăng cường thêm một hướng dẫn viên nói tiếng Việt. Cậu này tên Long, nói tiếng Việt hay hơn người Việt, nhanh mồm nhanh cả chân (đi lẹ quá, chạy theo muốn hụt hơi ) lại nhanh cả trí khôn, biết biến chuyển câu chuyện, ai cũng thích nên dù Long không phải là nhân viên của công ty nhưng do cả đoàn yêu cầu nên Long theo đoàn đến giờ chót làm có lúc đoàn có tới 3, 4 HDV ... Long lại biết « gout » của đoàn ( do các HDV khác báo cáo lên trên và trên truyền đạt lại ) nên kể hết chuyện nọ đến tích kia lại còn đọc bao nhiêu là thơ Đường hơn nữa lại biết khôi hài và nhất là biết « móc tuí » các bà, cứ dẫn đi mua nệm lụa với ngọc thạch là thu khối Đô La về cho nhà nước .Yêu cầu nhà nước tuyên dương Long (Sao Khuê dùng từ của Cộng sản đấy bà con ạ .Trên là cấp trên ), còn đoàn thì cảm ơn Long với những trái ớt hiểm đỏ tươi và chén nước mắm đậm đà hương vị VN theo đoàn đến ngày rời TQ ở Thượng Hải ( Long biết nhiều người đã ớn xì dầu, nhớ ớt hiểm- TQ không có ớt hiểm ở vùng này và không ăn nước mắm nên để lấy lòng du khách VN, Long đã gửi mua hai thứ này ở VN, mỗi bữa ăn từ nay không thiếu ớt dầm nước mắm) nhưng lanh quá nên có nhiều người gọi Long là Vi Tiểu Bảo.
Hổ Khẩu Sơn là ngọn đồi nhân tạo, dựng vào đời nhà Chu ( 1027-256 trước JC). Đồi này là tiêu biểu của thành phố, được coi là tháp Pise của nước TQ . Do ảnh hưởng nước sông Hoàng Hà, nền đất Tô Châu ẩm thấp, tháp lâu ngày bị nghiêng. Mọi người tìm cách cứu vãn bằng cách này cách nọ như đề nghị xây cột để chống ( làm giảm vẻ đẹp của tháp )... sau thấy một ông già cứ nhìn mà cười thì các kỹ sư tức quá mới hỏi ông : " vậy ông có cách nào để cho tháp hết bị nghiêng , khỏi bị sụp không? " - độ nghiêng hiện nay là 3.51 độ - ông già cứ cười rồi bảo : " thì đổ nền ciment thật sâu, thật rộng ở chung quanh tháp" .... Nghe có lý nên hiện nay chung quanh tháp là nền ciment và người ta lát gạch để đi lại, cây cao bóng mát hoa nở rợp trời . Nhiều nhất là cây long não . Cậu Long và cô Lệ kể là khi xưa khi sanh con gái ngươì ta trồng trước nhà một cây long não để mọi người biết mà đến xin cưới . Lúc...tống khứ được qủa bom nổ chậm này đi hay khi già quá 25 tuổi thì người ta cho chặt cây; khi sanh con trai thì trước sân trồng cây cử mộc ( trong truyện Kiều có câu : một cây cù mộc một sân quế hòe ý là có một chàng Kim Trọng mà sanh được bao nhiêu là con? ) Người TQ trồng cây cử mộc này để mong con trai sau này thi đậu cử nhân. Khi ra xe, Sao Khuê nhân chuyện long bào, long nhãn mà nói về những chữ "long", có anh nói là "cứ phải nghe các bà vợ nói lắm thì long óc ra ra !". Sao Khuê khuyên các ông không muốn long óc thì lấy vợ là dược sĩ, mấy mợ này phải nói suốt ngày khi đi làm, về nhà sẽ bớt nói đi . Theo tài liệu Internet, đàn bà nói nhiều hơn đàn ông, mỗi người đàn bà mỗi ngày phải nói 12000 từ. Trong Hổ Khẩu Sơn còn có tảng đá bị thanh bảo kiếm Can Tương chém ra làm hai , có " Tân Nương mộ" là mộ của một cô con gái nhà bị sa sút phải làm ca kỷ , bị khách ép bán mình nên tự tử , được chôn tại đây.... Chú Long nói người ta cũng đã dò được chỗ vào mộ của vua Ngô Hạp Lư (chỗ nước phun ra suối ) nhưng không dám khai mở vì sợ hư hết các công trình khác. Hổ Khẩu Sơn cao nhất thành phố nên đi từ xa nhìn thấy ngay. Đồi nhìn xuống Thái Hồ, nơi cung cấp nhưng tảng đá ong tuyệt đẹp mà vua quan ngày xưa cho lấy lên đem về tạo huê viên.... Người Trung Quốc thường nói : « Nếu trên trời có thiên đàng thì dưới thế có Hàng Châu và Tô Châu ». Tô Châu tức Kinh Châu, nổi tiếng nhờ người đẹp, tranh thêu và vườn cảnh . Những loại hoa viên này rất kín cổng cao tường, do những viên quan giàu có ngày xưa dựng nên để vui thú điền viên sau khi giữ được cái đầu trên cái cổ và tham nhũng được tí ti. Thoát cảnh "phú quí hiểm trung cầu" ( giàu sang phải cầu trong sự nguy hiểm) các ngài cần phải relax chứ . Vườn thường có 3 khu : Đông ,trung và tây viên, là sự hài hòa tuyệt đối của tất cả mọi vật : cây, đá , ao , hồ, hoa , cảnh, phòng ốc , cửa sổ , cửa ra vào theo thuyết phong thủy. Qua mỗi khung cửa sổ, khung cảnh bên ngoài như một bức tranh lồng khuôn. Bức tranh này không tĩnh mà thay đổi với 4 mùa vì mùa nào hoa cảnh nấy nấy trong vườn hiện ra qua khung cửa sổ. Hai hoa viên mà đoàn được tham quan là Sư Tử Lâm và Chuyết Chính Viên. Sư Tử Lâm xây vào thời nhà Nguyên, mất 18 năm mới xong do quan bố chính tỉnh Tứ Xuyên dựng cho cha mẹ dưỡng lão nhưng làm công phu quá, chưa xong thì cha mẹ đã đi chầu tổ hết cả rồi ! Hoa viên này rất rộng, lầu son gác tiá, cầu cong, hoa , liễuv..v... Giả sơn là những tảng đá hình tổ ong, cao đến 3, 4 mét lấy lên từ Thái Hồ rất đẹp (mình mà có một cái trong vườn chắc ...hết sảy). Đá này được gọi là Tam kỳ thạch hay Ngọc Linh Long của Thái Hồ. Thái Hồ là hồ rộng đến 2460 km vuông là nơì cung cấp loại đá đặc biệt này. Sau này nhà nước cấm khai thác vì làm hư sinh thái của hồ khiến những sinh vật tôm, cua, cá đặc biệt ở đây (Thái Hồ tam bạch : tôm, cá, cua ở đây khi luộc lên không đỏ mà vẫn còn trắng và ngon ) không sống nổi. Nền hoa viên cũng là đá lấy từ Thái Hồ . Nơí đây có hồ phóng sinh, có mấy cặp vịt uyên ương bơi lội...Lạ nhỉ! trong truyện "Uyên ương gẫy cánh" thì uyên ương là loài chim chỉ có một cánh nên hai con phải chắp cánh mới bay được, ở TQ uyên ương lại là vịt nhỏ , màu rất ư là đẹp rúc vào nhau trong hồ không bao giờ xa nhau.
Vườn Chuyết Chính cách đó không xa, tên tiếng Pháp là " Le Jardin de la politique des simples " nhưng nói là simples mà chẳng simple tí tẹo nào, phài nói là rắc rối công phu nhất .Vườn có nhiều giả sơn nhất (giả mà thật vì là đá thật, mối tảng đá là một ngọn núi nhỏ ). Với 500 tảng đá có đủ hình dạng xếp chung quanh hồ thành bát quái trận đồ, đi vào thì chỉ có lạc (vì phải vào ra đúng hướng ) , đến vua Càn Long mà còn lạc, nên để khỏi mất thì giờ cứ nhắm mắt mà đi theo HDV cho được việc, chớ có tự ái, tò mò đi một mình quí vị nhé . Chú HDV Long kể là khi vua Càn Long du Giang Nam, hòa thượng trụ trì sợ quá phải mời Hoàng trạng nguyên đến đối đáp. Vua Càn Long tặng cho vườn một thuyền đá và tứ tên (đặt tên ) cho vườn là "Trân thú" tức là rât thích (nay còn bút tích ) nhưng Hoàng trạng nguyên láu cá thêm chữ « hữu » rồi nói là vua ban vườn đó cho mình, tuy vậy đến đời con của Hoàng Hy thì phải cầm bán chỉ vì một đêm thua bạc ! Thuyền đá là lấy ý là thuyền là vua, dân là nước ; nước chở thuyền mà có thể đánh đắm thuyền. Các quan nhà nước coi chừng đấy nhé : thuyền nhẹ tức nuông dân quá như Canada , Pháp ... thì thuyền mau lật mấy năm lật một lần, dân phải đi bầu lại ; độc tài Cộng sản thì là thuyền nặng quá đi không nổi ngồi ì một chỗ -tham quyền cố vị mà- phải không qúi vị ?) Vườn có 2 tảng đá hình sư tử đực và cái do người khác tặng, có khuyển tử ( ý nói hai anh em thương nhau thì làm nên đại nghiệp), có tranh Tây Du Ký, trần nhà bằng đá, tường là gạch Hoàng Công hay gạch Kim mang đến từ Bắc Kinh ( gạch nung 130 ngày), sàn là gạch in hình chữ thọ hay đồng tiền, có kỳ linh để chỉ điạ vị cao sang ,có ngọc lan tím, có cây bạch quả trên 800 năm, có thông La hán, có con ếch ăn đồng tiền (câu ếch bằng tiền), có con rồng 5 móng (rồng 7 móng chỉ giành cho nhà vua), có vạn hoa lầu để ngâm thơ vịnh nguyệt, có khoái lầu để ngắm cảnh cho... khoái, có điện Thông Đường ( ở đây nói thì chung quanh nghe rõ như có loa nhưng ngày nay hết hiệu nghiệm rồi )...khỏi nói là đẹp ơi là đẹp nhé, nhưng là vẻ đẹp nhân tạo với hoa với liễu với đá với hồ..... Vào thế kỷ 13, khi Marco Polo viếng Tô Châu, thành phố có nhiều kinh đào và nhiều cầu. Ông đếm được 600 cây cầu cong xây bằng đá băng qua những con kênh đào, ngày nay chỉ còn 168 chiếc . Nếu Giang Nam nổi tiếng là cây liễu thì Tô Châu đầy những hoa Đỗ Quyên (Azalés) , chỗ nào cũng trồng đỗ quyên, hồng nhạt đến hồng đậm nhưng không phải là thiếu liễu nhé . Sao, bạn nhắc Hàn Sơn Tự hả? Đến Tô Châu mà không viếng chùa Hàn Sơn thì là thiếu sót lớn. Cái bài thơ của anh chàng đi thi rớt trở về Trương Kế làm cho bao nhiêu người nức nở, làm cho chùa Hàn Sơn nổi tiếng , nhưng khoan đã, bạn có biết vì sao tên chùa lại là Hàn Sơn mà không là gì khác không nào ? Đấy, chả biết cái chú Long này có bịa chuyện không chứ chú ta nói là có nhiều truyền thuyết về ngôi chùa này lắm, một trong những truyền thuyết đó là : Khi xửa khi xưa có hai vợ chổng nọ nhà nghèo, ông chồng phải lên núi kiếm ăn, hôm đó tuyết đổ mờ mịt ông phải ở lại lạnh lẽo trên núi , sáng sau trở về thì vợ đã sinh con trai nên đặt tên con là Hàn Sơn (núi lạnh) sau này đi tu ở chùa Hàn Sơn Lại cũng có câu chuyện Hàn Sơn Thập Đắc như sau : Nhà sư trụ trì của chùa nhặt được hai đứa trẻ (thập đắc là lượm được ). Hai ngươì này sau đi tu và rất thương yêu nhau nhưng thường họ tỏ ra ngớ ngẩn với dân làng, sau dân làng mới biết là họ đắc quả Bồ Tát nên thờ. Vì họ rất hoà hợp ( Hoà Hợp nhị tiên ) nên khi mới cưới hay cả khi đã sống vơí nhau, các cặp vợ chồng thường đến đây cầu nguyện để xin được tâm hòa ý hợp hoặc đã hoà hợp rồi thì xin tái hợp kiếp sau . Chùa Hàn Sơn cũng có một chuông đồng tiếng rất vang cho người đến viếng dóng chuông cầu nguyện ( dĩ nhiên phải trả tiền ), ai có kiên nhẫn dóng đũ 108 tiếng thì được tiêu tan nghiệp chướng nhưng hướng dẫn viên đề nghị dóng 3 hay 5 tiếng ( 5 đời ) là đủ. Tâm động quỷ thần suy ( quỷ thần biết được điều tâm mình muốn ), bà ngoại của Sao Khuê hồi đó vẫn nói vậy nên Sao Khê cũng chỉ dóng 5 hồi chuông cầu cho bản thân, cho con cái, cho gia đình, cho bạn bè , cho người quen, cho cả ngươì không quen và cho tất cả mọi người trên thế gian này được TÂM THÂN AN LẠC , trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng cảm thấy yên vui . Sao Khuê cũng bắt chước quí chị mua và cho khắc tên cặp con vào médaille đồng , cầu cho chúng được thương nhau thuận hòa như Hoà hợp nhị tiên sau đó lên lầu ngắm cảnh rồi đi thăm Phong Kiều . Bài thơ của Trương Kế ai cũng nức nở khen, Sao Khuê mạn phép chép bài dịch : "Quạ kêu trăng lạnh trời đầy sương . Giang Phong le lói khơi sầu vương. Cô tô thuyền khách neo , đêm nửa. Nghe vẳng Hàn Sơn vang tiếng chuông" (4). Sao Khuê lại thích bài thơ đồn là của vị hoà thượng trụ trì dịch là :" Mười ba mươì bốn trăng mông lung. Nửa giống lưỡi liềm nửa giống cung . Một giải mặt hồ chia hai mảnh. Nửa chìm dưới nước nửa trên không " (4) Khi còn trên xe, Sao Khuê tài lanh đọc bài thơ “Phong Kiều dạ bạc” của Trương Kế. Phỏng theo bài thơ anh Đ.MH có hai câu thơ rất tân tiến là : Thuyền ai đậu bến Cô Tô Nửa đêm nghe tiếng ô tô bóp còi
Lúc đó Sao Khuê đã thêm hai câu là : Trên không trăng lững lờ soi Trong thuyền quân tử săm soi mà hồng ( Vì là điệp vận “tô” nên Sao Khuê cố ý cũng dùng điệp vận “soi” ), sau này anh Hoàng làm hai câu tiếp phản ảnh đúng thực trạng lái xe ở TQ : Lấn, lách, không ai chịu nhường ai ) : Bóp còi thì mặc bóp còi Cứ lấn cứ lách ta đòi đường đi ( câu này của SK vì SK quên câu thơ của anh H, xin lỗi anh nhé)......
Trung Quốc sau nửa thế kỷ đắm chìm trong máu và nước mắt, sơ xác và điêu tàn, ngày nay đang hồi phục với những cây xanh mới trồng còn tươi mơn mởn, vươn lên như lớp ngươì trẻ bây giờ, chỉ riêng ở Trường An (Tây An ) mới thấy nhiều cây cổ thụ. Không lẽ hồi đó Mao Trạch Đông cho giệt chim và chặt cả cây ???? Thật tội nghiệp! Cả một thế hệ phải chịu đau thương và mất mát... Bây giờ thì người trẻ, cây non nên cảnh đẹp, nhà cao, xa lộ tân kỳ, sạch sẽ (tuy còn mùi ở một số nhà xí công cộng - nè, Sao Khuê mách quí vị muốn hỏi thăm W.C thì nói là “xí xồ” thì họ hiểu liền hà - những nhà xí này dường như vẫn được dùng để “ phát triển nông nghiệp” - từ của cậu Long khi đoàn ta muốn xả bầu tâm sự ) nhưng họ có hạnh phúc không ? dĩ nhiên là đời sống của họ được nâng cao từ khi mà Đặng tiểu Bình công nhận “mèo trắng, mèo đen mèo nào cũng bắt chuột " Theo chú Long thì người mà người TQ thích nhất là Đặng Tiểu Bình và Chu Lương Cơ (Chu Lương Cơ là ngươì có công giệt tham nhũng, hiện còn sống, đã về hưu) nhưng ngoài một thiểu số quá ỷ lại vẫn chưa quen với việc tự bương chải , những ngươì trẻ bương chải giỏi cũng phải đối đầu với sự khó khăn về nhà ở dù cao ốc đang được xây lên như nấm nên không dám lập gia đình. Kết luận của Sao Khuê là: TQ trái với Canada: TQ là nước giàu, nước mạnh còn ở Canda thì dân giầu, nước hổng có mạnh ( bạn có thấy quân đội Canda hùng mạnh hay được trang bị tối tân như quân đội Mỹ hay TQ đâu ) tuy vậy phải khen nhà nước chuyên chínhTQ là đã có công giáo dục dân chúng thành những ngươì văn minh lịch sự so với hình ảnh trước đổi mới thì khác nhau một trời một vực (nghèo nàn lạc hậu dơ dáy ..) nhưng ... lại nhưng .. sự văn minh v...v.. ở người Âu Tây phần lớn là do tự giác còn ở người TQ là do sự lãnh đạo của đảng ! thôi thì có còn hơn không . Ố ồ ô !!!! đàn bà... không qua ngọn cỏ mà bầy đặt chính "chị" với chính em . Dẹp, đi tiêu tiền cái đã. Quí vị có biết nơi nào móc tuí chị em ta nhiều nhất không ? Xưởng dệt tơ lụa của nhà nước đấy quí vị à. Cái chú Long này hăm dọa áo ba đời nên đại đa số chúng mình đều mua mền luạ quốc doanh. Chả là lúc đi từ Sư Tử Lâm sang Chuyết Chính Viên, đoàn đi ngang dãy phố bán quần áo, thấy mấy cái yếm lụa đẹp quá, ai cũng muốn dừng lại để mua nhưng chú Long bảo đừng mua vì đó là áo ba đời: giặt lần thứ nhất co lại phải đem cho con mặc, lần thứ hai thì...cho cháu mặc !
Khỏi có trả giá đi : một cái chăn lụa tơ tằm từ 553 juan đến 650 juan , cái áo bao ở ngoài với hai áo gối từ 1500 juan trở lên, có nhà khuân 3 cặp cho... 3 đứa con ( còn mình thì sài đồ cũ, cha mẹ nào cũng giống nhau ), tiền mua jade chả thấm vào đâu với mền luạ hết đó chưa kể khăn lụa, quần áo lụa, cũng tại Sao Khuê ư ử theo thi sĩ Nguyên Sa : “ nắng mùa hè anh đi mà chợt mát bởi vì em mặc áo luạ...Tô Châu “ . Không hiểu ở VN thì sao chứ tại TQ tuy người ta vẫn trồng dâu nuôi tằm lấy sợi nhưng việc kéo sợi đã kỹ nghệ hoá nhiều rồi ; tuy còn ngàn dâu xanh ngắt một mầu.. nhưng cây dâu thì bị ép cho lùn sủn, khỏi có cảnh Ỷ Lan phu nhân đứng tựa gốc dâu nữa đâu. Tằm hóa kén thì được cho nồi nấu nhưng sợi rút ra rồi quấn bằng máy, kỹ nghệ hóa nên nhanh lắm và nhiều lắm .. . 7. Hàng Châu (20/4) Sống ở Hàng Châu , Ăn ở Quảng Châu , Uống ở Quí Châu và Chết ở Liêu Châu...... Từ Tô Châu đi Hàng Châu , đoàn có thêm một cô guide locale tên là Lệ , cô này mồm mép suýt soát anh chàng Long, kể nhiều sự tích nhưng không theo thứ tự ...rồi đi hết Chùa nọ đến Tháp kia khiến cho bây giờ viết lại Sao Khuê cứ bối rối e rằng đem râu ông nọ cắm cằm bà kia thỉnh thoảng gọi TN để hỏi, nàng ta doạ bút sa gà chết! Nhằm nhò gì, Sao Khuê chết thế giới vẫn vậy huống hồ là gà, à nhưng mà thế giới thỉnh thoảng lại xôn xao vì dịch cúm gà, nên gà chết...sợ lắm ! vậy thì quí vị có thấy sai thì hô lên cho Sao Khuê sửa, dù sao quí vị cứ tạm thưởng thức..tài đi xa về nói láo của Sao Khuê.. để ai đọc xong mà chưa đi thì hối hả lên đường đem đô la đổ vào TQ (!) , đi rồi đọc lại càng thấy thích thú phải không ...
Nào , tại sao lại sống ở Tô Hàng thì quí vị biết rồi, tại hai nơi này là thiên đường hạ giới. Ăn ở Quảng Châu dĩ nhiên .."ăn cơm Tầu lấy vợ Nhật" nhưng cơm Tầu phải ở Quảng Châu mới ngon . Uống ở Quí Châu vì nơi đây sản xuất Mao Đài tửu nổi tiếng nhất TQ ( SK uống thử rồi, rượu trắng mạnh dễ sợ, uống có một nửa muỗng cà phê mà nóng cả ngườì lên, thua Ice wine của Canada ). Chết phải lết về Liêu Châu vì gỗ nơi đây rất tốt để làm quan tài ; ngày xưa họ mua hòm biếu nhau đấy các quí vị ạ! Đường xa lộ êm ru bà rù, giữa hai chiều có trông hoa và cây cảnh, nhà cửa san sát mới toanh, khang trang và vì ở gần dường dẫn điện nên hầu như nhà nào cũng có cột thu lôi ; văn minh tối tân là những tấm kim loại không lồ gắn trên mái nhà, đúng rồi, sao bạn đọc giỏi quá vậy không biết, những tấm kim loại đó được dùng để thâu ánh sáng mặt trơì , biến thành năng lượng tiêu dùng trong nhà . Hết sảy ! Này, quí vị đến đây gặp “La congái” thì phải chào là “ xin chào cu nhãn “ tức là chào cô nương chứ không được “chào tiểu thư” nhé . Cô nương là “nương gia phụ nữ” còn tiểu thư là cô gái...bia ôm đấy ! Hàng Châu thuộc tỉnh Triết Giang có huyện Gia Hưng, quê hương anh chàng trâu nước Quách Tĩnh, chồng cái con bé Hoàng Dung vừa lí lắc vừa làm món ăn ngon hết sảy khiến Hồng thất Công phải truyền võ nghệ cho. Nơi đây nổi tiếng về trà hoa cúc và bánh chưng . Hàng Châu có Tô Đông Pha (thi sĩ), có Tây Hồ thập cảnh, có Hàng Châu tam quái v..v.. Hàng Châu tam quái là: 1. Cô Sơn bất cô (nuí cô độc mà không cô độc) 2. Đoạn Kiều bất đọan ( cầu gẫy mà không gẫy vì trông xa trông như bị gẫy do về mủa đông tuyết phủ lên chỗ cong lên cao ở giữa cầu nên trông xa cầu như là bị gẫy làm hai ) 3.Trường Kiều bất trường (cầu dài mà ngắn xủn không dài). Cô Sơn , Đoạn Kiều , Trường Kiều là những tên núi, và hai cây cầu còn Tô Đông Pha là thi sĩ nổi tiếng của TQ vào thời Bắc Tống , hình như có bài từ « nghe hát ngắm hoa sen » gì đó Sao Khuê quên mất tiêu rồi . Quí vị nào đọc truyện Lỗ Tấn, có nhớ nhà văn nhắc đến truyện truyền kỳ trong dân gian " Thanh xà Bạch Xà" . Đó là chuyện hai con rắn. Bạch xà, Thanh xà tu luyện lâu năm có phép cao cường. Bạch xà hóa thành người đẹp làm vợ thư sinh đã cứu mình thoát chết, có Thanh xà làm người hầu sau cả hai bị nhà sư ( do con cua đầu thai ) bắt ấn trở lại là rắn rồi nhốt ở Lôi Phong Tự (chùa này bị phá hủy vào năm 1924). Lỗ Tấn kết luận là làm súc vật như rắn, còn biết đền ơn thế mà lại bị nhà sư giam trong tháp thì e rằng rắn còn hơn cả ngươì tu hành !!!. Mời quí vị xuống thuyền rồng du ngoạn Tây Hồ. Đẹp ! dĩ nhiên rồi . Muốn biết thì mời đi. Hồ có 3 đảo nối liền bằng những cây cầu đá cong trong đó có Đoạn Kiều. Đừng quay lại nhìn về hướng thành phố để chỉ ngắm cảnh thiên nhiên trước mặt, để thấy ba cái tháp nhỏ xây giữa hồ. Hình 3 cái tháp này được in trên đồng 1 juan của TQ. Đặc biệt là tháp được khoét tròn 4 phiá, để chi vậy ? để những đêm trăng sáng thì đèn trong tháp tạo ra hình mặt trăng rớt xuống hồ, vị chi là có đến 13 ông trăng dưới hồ. Khi trên thuyền Sao Khuê nghe mọi người bắt anh Tr kể « love story », nghe xong Sao Khuê ...xuất khẩu thành con cóc : Nhà tôi ở cạnh nhà nàng. Hai bên hàng xóm vẫn thường chạy qua . Nàng thường rất hay ăn quà . Tôi trả tiền hộ nên đà thành duyên. Nhà tôi có sẵn chó điên . Ai mon men đến nó liền cắn cho... Vậy đó, thế là BT hết đường trốn, phải lấy anh Tr... Lục Hoà Tháp, đại diện của Hàng Châu, có 13 tầng xây từ năm 970 thay cho một ngôi chùa cổ, từ tháp cao nhìn thấy toàn thành phố, có tháp chuông mà khi xưa khi nào có chuyện gì sảy ra thì người ta dóng chuông cho dân biết. Gọi là Lục Hòa Tháp vì khi leo lên trên tháp, tịnh tâm thì sẽ hoà hợp được lục căn : nhãn , nhĩ , tỷ, thiệt, thân, ý theo thuyết nhà Phật nhưng không có thì giờ đến thăm . Linh Ẩn Tự là nơi hòa thượng" điên" Tế Công " đi tu từ năm 18 tuổi. Ngài đi tu nhưng ngoài vòng kiểm toả, chuyên ăn thịt chó nên trong các hang động tại đây còn đầy ...xương chó ...hoá đá , có tảng đá bằng phẳng ngươì ta bảo là giường ngủ của vị sư điên này. Linh Ẩn Tự được phép di sơn mang từ Tây Trúc sang (?) co 338 tượng Phật, có tượng cao đến 33.6 mét, tượng Hộ Pháp cao 8.5 mét. Có quá nhiều hang động được khắc hình các Đức Phật , có Dược sư Phật, có Phật Di Đà bụng bự nữa (chỉ TQ mới có Phật Di Lặc còn Ấn Độ không có). Linh Ẩn Tự có 500 pho tượng La Hán thếp vàng to hơn người thường. Đó là những vị sư đắc đạo trong 3000 nhà sư tu ở đây. Người ta không tìm thấy tượng của Tế Công vì lúc đó ngài bị đuổi, sau đó có tượng ngài đứng trên mái chùa Hàn Sơn (?). Tượng La Hán và tượng Phật được mạ vàng với 86.000 lá vàng. Lúc đoàn viếng thăm thì các hoà thượng đang làm lễ nên không vào được điện chính, chỉ có len lén chụp hình các La Hán, thực ra không phải lén mà chỉ vì không biết là nơi đây « No picture » , chụp rồi mới biết, biết rồi lại càng muốn chụp thêm ...hi hi !!! Đền Nhạc Phi, quí vị ăn giò cháo quẩy biết đây là căp vợ chồng Tần Cối bị dân gian nguyền rủa vì bán nước, hãm hại trung thần Nhạc Phi, không có giờ thăm. Tối này xem Show bằng tiền túi cuả mình, đột xuất không có trong chương trình nhưng mấy bà ham tuồng Lương Sơn Bá Chúc Anh Đài .Có cả chục mục hấp dẫn mà chỉ có 15 đô (100 Juan ) nhưng có lúc Sao Khuê ngủ gật... Qùa của người đi TQ về thường là trà Cái chú Long này mồm mép kinh quá, chú dẫn người ta đến Mai thôn ( thôn của nhà họ Mai vì trên 70 % dân sống ở đây mang họ Mai = Mei tiếng Tàu) để mua trà Long Tĩnh mà phải Long Tĩnh Thất Sơn cơ nhé. Trà tại đây không để phân bón hóa học nên còn giữ được vị nguyên thủy, mình sẽ nếm trà "gin". Người TQ dùng trà có khi thêm vào sơn trà hay trần bì giữ tới 150 năm. Long kể là để nếm trà này thì dân TQ phải trả 20 Juan , đoàn ta thì miễn phí ( nhưng sau đó thì thâu lại bằng tiền bán trà , 300 Juan tức 50 Canadien một hộp lớn nén thật chặt , vun thật cao lại tặng một hộp nhỏ làm quà, đắt quá sức vậy mà nghe chị H nói ở Montréal bán 60 một hộp cơ đấy. Sao Khuê thấy ai làm bậy thì làm theo nên sau cùng lại cũng mua ! Trà ra làm sao ? HDV Long nói là khi vua Càn Long uống vào thì : Trà này không có vị ! nhưng sau đó nhà vua thấy ngon, « quân » bất hí ngôn nên nhà vua thêm : Trà không có vị mà hay hơn là có vị! Chú Long còn nói đùa : Mình không là Càn Long thì là Càng cua !!!! mình cũng đi uống trà Long Tĩnh. Chú dặn theo phong tục TQ thì khi có khách nhớ rót trà ít mà rượu đầy để tỏ ý giữ và quý khách chắc trà ít để châm trà nóng hoài ? Cô thôn nữ họ Mei cho có tí xíu trà vào ly – ly thủy tinh nghe quí vị, chế vào nước sôi ( mang để ra ngoài cho nguội đi một tí) độ 1/3 ly cho mọi người uống; uống hết châm thêm đầy ly nhưng đổ nước vào làm 3 lần để đưa lá trà từ dưới ly lên (chả hiểu họ có bầy trò không ) ; uống hết lại thêm ½ ly nước sôi nữa, vị chi 3 lần. Khi uống trà Ô Long thì phải đổ nước đầu đi để rửa trà. Tò mò sao Khuê hưởng ứng ly trà : tỉnh như sáo sậu rồi đêm đó mất ngủ nhưng bình thường thì Sao Khuê cũng vẫn bị mất ngủ khi uống trà dù trà ở tiệm ăn Tàu. Trà uống ở Mai thôn là trà xanh nhưng theo từng mùa mà cách người TQ uống trà khác nhau: mùa xuân : trà xanh có ướp hoa để tăng dương khí mùa hạ : trà xanh có thêm chanh cho mát mùa thu : trà ô long muà đông : trà hồng
Sao Khuê thuộc lọai ngưu ẩm lại không thích trà nên nghe nhiêu đó đủ rồi ...nhưng muốn trà ngon thì phải pha bằng nước suối trên đồi Hổ (?) . Hồng Nhất pháp sư tức Lý sư Đổng (?) , là nhà văn học ngụ ở Thiểm Tây, năm 1142 xuất gia đi tu lên nuí lập chùa nhưng không tìm thấy mạch nước uống , ngài đã định bỏ đi thì nằm mơ thấy thần nhân bảo là sẽ sai Hổ đào suối cho . Hiện nay tại đây có tượng hổ và nguồn nước được hoá trang cho rỉ ra từ cái vòi ấm rồi tiếp tục chảy xuống thành ra suối ( thật ra là rạch nước nho nhỏ chảy từ trên cao xuống, không phải suối lớn đâu ) . Đường vào qua Vân Kiều, qua hồ phóng sinh. Hồi đó người đi phóng sinh còn kèn cựa nhau , sang thì mua cá vàng để phóng sinh cơ , hòa thượng Tế Điên bèn mua ...ốc phóng sinh vào hồ. Moị ngườì xầm xì chê bai, nửa đêm ông tháo hết nước trong hồ: cá chết mà ốc vẫn còn sống ! Ông hòa thượng rất ngông nên không có mặt trong các tượng trong Linh Ẩn Tự vì lúc đó ông còn lén đi chơi , sau được tạc tượng đứng một mình trên mái chùa Hàn Sơn ( không biết S K nghe có đúng không). Hôm trước thăm Lin Ẩn Tự , đường ra , xe chạy qua những đồi trà rồi chạy song song với sông Tiền Đường bên tay trái của sông. Ngày hôm nay sau khi mua trà , xe lại chạy dọc theo sông qua nhưng bên tay mặt. Sông Tiền Đường dài 600 km cứ ngày 18 tháng 8 âm lịch có thủy triều rất lớn gây sóng to khiến người ta tưởng là có quái vật . Xe chạy theo đường service, có xa lộ trên cao như Métropolitain nhưng phía dưới cũng là đường xe chạy chứ ở Montréal để trống hay dùng làm bãi đậu xe, hai bên có kênh đào, nhà ở trổng hoa (chả nhẽ cứ khen đẹp hoài ), ăn trưa rồi phải trở lại Tô Châu mới đi Thượng Hải được. Chương trình có mục ghé Chu Trang nhưng mọi ngươì nóng lòng muốn đi Thượng Hải mua sắm nên muốn bỏ qua. Anh K phân tích là rất nên đi vì Đặng Tiểu Bình khi nhận được bức tranh vẽ Chu Trang của một người ngoại quốc tặng mới biết đây là một thắng cảnh nê chỉ thị cho duy trì và biến thành địa điểm du lịch. Chu Trang giống như Venise thu nhỏ vậy đó. Đoàn biểu quyết, đại đa số bằng lòng đi. Sao Khuê bỏ nhỏ vơí HDV " dân chủ Tây Phương là thế đó " Lâu lâu trên xe chị K , anh H, Sao Khuê... thay phiên nhau cù nách các bạn. Lần này Sao Khuê kể chuyện " ba điều ước " như sau: Bà nọ tình cờ cứu được vị thần nên được Thần cho 3 điều ước nhưng : "Con phải suy nghĩ cho kỹ vì khi con được một thì chồng con sẽ được gấp 10 lần " Sau khi suy nghĩ thì bà ấy quyết định : 1. Ước gì là người đàn bà đẹp nhất thế giới . Tức thì bà và chồng bà trở nên người đẹp nhất thế giới , ngươì đẹp nhất ...vũ trụ . 2. Ước gì là người giàu nhất thế giới . Vị thần hỏi : Con suy nghĩ kỹ chưa ? Chồng con sẽ giàu gấp 10 lần con.Với nhan sắc đó, tiền của đó, ông ta sẽ không thiếu gì đàn bà khác. Bà ta vẫn giữ ý định . Vị thần thở dài và ... thế còn điều thứ ba ? 3. Con sẽ có một cơn đau tim vừa vừa !!!!!!!!!!!!!!!!!!!! Quí vị muốn biết Sao Khuê ước gì thì xin xem phiá dưới nhé (2) Nhà cửa ở Chu Trang khác với nơi khác là mái ngói đen , tường trắng , ý chỉ hắc bạch phân minh ; ở Bắc Kinh toàn mái ngói xám, đến Tây An thì có mái đỏ, mái xám, nói chung nhiều nơi mái ngói âm dương mà xám. Cái chú Long này không biết đường hay chơi ác, dẫn đoàn đi "phát triển nông nghiệp " ở một nhà xí rất TQ. Bạn biết nó ra làm sao không ? Nó là dãy nhà dài hai căn nam nữ nhưng trong là rãnh nhỏ chạy dài lát gạch, chia từng ngăn nhưng trống huếch trống hoác, đi tiêu và tiểu ở đây sau đó dường như được giữ lấy để làm phân bón ví vậy chú Long mới nói là "phát triển nông nghiệp", bốc mùi nồng nặc, đã vậy vì không đọc được chữ Tầu nên vào lộn !!!. Ở một trạm xăng nhà xí cũng được thiết kế như vậy nhưng nước chảy liên tục nên không dơ Nghe anh  nói là nhà nước còn tạo thành màn nước chảy từ trên xuống trông sang hết sảy mà lựa lúc không có ai anh đã chụp được tấm hình (đáng lẽ anh phải chụp lúc đông người đang phát triển nông nghiệp mới hay, khi đó anh có thể giựt giải ảnh nghệ thuật vì rất đặc biệt không đâu có, uổng quá anh  ơi ) ( 3: hình bức tường ở khách sạn 5 sao). Những nhà xí xồ giành cho phụ nữ có cái thì hiện đại như các nước Tây Phương nhưng đa số còn ngồi xổm, xem ra bất tiện, ngẫm lại thì hạp vệ sinh vì không ngồi lên bàn cầu tránh phải lót giấy, chưa kể là đứng lên ngồi xuống như thế là tập cho đầu gối được dẻo dai .... Công nhận là lần đi chơi này có thiên thời, địa lợi, nhân hòa ( nói nào ngay còn hơi lạnh một tí, cứ phải áo lạnh, chụp hình bớt đẹp, quí vị nên đi vào cuối tháng 4 đầu tháng 5 và đi từ Nam lên Bắc thì tránh được cái nóng để hưởng được khí trơì mát mẻ), nhưng đoàn Sao Khuê kỳ này được trời đãi mãi đến Chu Trang mới gặp mưa khiến nhiều người không dám đội mưa mà đi. Đáng tiếc vì đẹp thật. Nhiều cây cầu đá cong bác qua con kinh nhỏ vơí những cây liễu buông lơi, hai bên là đường đi lát gạch rồi đến cửa hàng buôn bán :" Đoàn ta đi dưới mưa , vào thăm thành phố xưa , liễu lưa thưa bên cầu ,có vương sầu? Nước trong xanh , một mầu . Cầu lại cầu , băng qua. Hạt mưa sa. Không hề gì. Đoàn ta vui ca" ....(4) Quả thật là vui vì lại mua đồ, lại mặc cả, lại chăn tơ, khăn luạ, vòng đeo trong nhưng gian hàng còn y nét ngày xưa , nhỏ bé chật hẹp; bằng gỗ hay bằng gạch chưa có cái đường nét cứng ngắc của ciment v..v..nhưng lạ nhất là có nhiều cửa hàng bán những khúc giò heo màu đỏ rất đặc biệt của vùng này do Trần thái Tam nghĩ ra cách nấu, nửa như hầm mềm nửa lại có chút xiú vị thịt kho, ăn xong cholesterol lên ào ào, chả ham!
Ăn tối tại Chu Trang rồi lên đường tiếp đi Thượng Hải . Trời tối thui nên không thấy được toà nhà đã dựng để quay phim Hồng Lâu Mộng . HLM là một trong 4 tiểu thuyết nổi tiếng của TQ , Đào Tuyết Cần lấy bối cảnh của Sư tử lâm ở Tô Châu để dựng truyện với hai nhân vật chính là Giả bảo Ngọc và Lâm đại Ngọc, Sao Khuê chưa xem phim, sẽ xem để xem lại cảnh mới được . Mà đố các vị, con gái Thượng Hải có đẹp không ? Hôm trước cô Lệ có nói là con gái TH đẹp vì từ lâu TH đã giao dịch với các nước Tây Phương, có sự pha trộn nên con gái TH cao, đẹp. Muốn lấy được con gái TH phải đạt 7 tiêu chuẩn : ăn như heo, hiền như gấu ( gấu trông có vẻ hiền chứ dữ thấy mồ ...VN nói là hỗn như gấu), trung thành như chó, cần cù như trâu, dậy sớm như gà, tinh ranh như mèo, khỏe như cọp. Mèn ơi, cả hai tuần nay khi xe chạy ban đêm đã thấy nhà nước CHNDTQ chơi sang, xa lộ mà như công viên, hoa cỏ tưng bừng, đèn décor sáng choang, cầu kỳ kiểu cọ ngay cả ở "rest area" thế mà đến Thượng Hải thì đành lắc đẩu chịu thua : có lẽ chưa thành phố nào trên thế giới sánh nổi về đèn và về nhiều nhà cao,cao từ 33 đến 80 tầng . Ngày xưa thành phố Thượng Hải đã đẹp lắm rồi vậy mà nhà nước phá đi làm lại (95% nhà được xây lại từ 1996 ) !!!!
Từ Hi đã chơi ngông, nhà nước ngông hơn - mà không phải, người TQ chơi ngông , cái gì cũng muốn nhất mà. Nè quí vị có xem phim " máu nhuộm bãi Thượng Hải" , có nhớ điệu nhạc bất hủ trong đó không ? Bây giờ bãi TH khác xa rồi nhé. Hai bên sông Hoàng Phố là những building cao ngất ngưởng mang những bảng quảng cáo khổng lồ chạy bằng điện tử , một màn hình vô cùng vĩ đại và không biết bao nhiêu là đèn chiếu sáng, Disneyland ở Florida còn thua xa . Nàng TN bắt SK chụp hình nàng ở chỗ có tháp cao ngất ngưởng giữa hai quả cầu vĩ đại lúc mọi người đang đi du thuyền trên sông. Có hơn chục du thuyền , cái nào cũng chăng đèn , mỗi cái một kiểu décor khác nhau, cái thì hình máy bay, cái thì hình thuyền rồng, cái thì hình thuyền buồm...đi giữa sông mà nhìn xung quanh đèn sáng rực. Thế là cả thế giới đang góp phần vào xây dựng một nước TQ sang đẹp , "bố khỉ " sờ đến cái gì bây giờ cũng "made in China" đi đâu cũng thấy Dollarama, chả biết đến bao giờ thì đàn em Cộng sản VN mới xây dựng được dù là bề ngoài như thế ????? Nhưng mà dường như đây chính thật là ..phồn vinh gỉa tạo vì có lẽ nhiều phần là của ngoại quốc đầu tư ??? Anh Trưởng đoàn Alain Võ của Sàigòn tours (quảng cáo có công, lần sau Sao Khuê đi đâu anh nhớ tính nửa vé thôi đó) nói là ở TH có con đường Nam Kinh tha hồ mua sắm, hàng rẻ lắm. Nhầm to rồi anh ơi, hàng ở phố Nam Kinh ( giống như đường St Catherine ở Montréal ) tuy nhiều nhưng ...thua silk market ở Bắc Kinh . Quí vị nhớ mua tại Bắc Kinh thay vì Thượng Hải nghe không; ngay cả jade tại đây cũng nói thách dàn trời :18000 mà Sao Khuê mua 1500 juan về vẫn thấy là hớ chưa kể không có Yves St Laurent, Polo, cá sấu dổm.. nữa . Nhưng mà đồ dổm quả là thua xa đồ thật quí vị nhỉ . Ham vui nên sáng đi thăm vườn hoa Diệu Viên – dĩ nhiên là hoa , cảnh , nhà mái cong v..v.. đẹp như ...vườn Tầu, sau đó shopping , ăn tối lè lẹ đi du thuyền để rồi còn đi coi show; có ai bắt chước tui ngủ gật không đây ? Sáng 23 trở lại bãi TH xem công viên cho rõ .... Mệt quá mất đi thôi, đi về cho rồi !! Nhưng mà....Ngọc thạch khắp nơi rẻ quá trời. Thấy ngọc là mắt cứ sáng ngơì .Máy tính mình tha hồ mặc cả. Mất tiền mà cứ sướng mê tơi .( Đắt rẻ chẳng "care' thích được rồi ) (4). Người TQ rất rất ít người biết tiếng nước ngoài nên chỉ dùng máy tính để mặc cả. Các ông cũng nghề lắm nên nghe nói anh Q nằm mơ thấy đi khám bệnh cũng bị trả giá bằng máy tính ....hihi !!!!! Bởi vậy từ đầu đến chân Sao Khuê toàn hàng TQ ( bông tai, vòng tay vòng cổ, áo quần, manteau ..) bị chê là ...made in China Các bà đòi đi chợ trời mà không được đi đang phụng phịu kia kìa. Ở TH cũng có một nơi giống như Chu trang, đoàn nào thích nhớ ghé thăm còn Sao Khuê xin giã từ TQ , về nơi xứ lạnh tình nồng Bye bye . À la prochaine ...next time ....... SAO KHUÊ
(1) : 3 điều ưóc của Sao Khuê là 1. Khoẻ mạnh- như vậy ông xã khi khoẻ mạnh gấp 10 sẽ làm mọi chuyện cho mình ( chị K nghe vừa xong thì "ré" lên : khỏe để làm gấp 10 chuyện đó - hổng biết là chuyện gì – thì không chịu nổi đâu) 2. Sao Khuê chỉ yêu Sao Khuê nhất 3. Sao Khuê có nhiều tiền đem tất cả cho Sao Khuê .... Được không ?????? Nhưng mà Sao Khuê đã được Trời cho một điều ước và đã ước rồi: "Nói cái gì ai cũng nghe theo ". Sao Khuê đã lên truyền hình truyền lời gọi hoà bình đi toàn thế giới (hồi đầu thiên niên kỷ năm 2000 đó ): Toàn dân nghe đây, từ nay mọi người không kể sắc dân, tôn giáo, chính trị v..v.. phải thương yêu giúp đỡ nhau . Những người độc ác , quá khích, gian trá.. thành người hiền lành lương thiện. Ai nấy đều chăm chỉ làm việc , xứ nọ giúp xứ kia . Vợ chồng con cái thương yêu hòa thuận suốt đơì ... Chưa dứt lời thì nghe "NO!! NO!!! ' ông xã Sao Khuê có khả năng thuyết phục gấp 10 xuất hiện : "Hãy nghe lời ta . Mọi sự thế nào cứ như thế tiếp diễn !" Ổng bỏ nhỏ vào tai Sao Khuê: Trời đang la đó, Trời muốn lộn xộn cơ mà !!!!!!! (4) Tất cả những văn vần nhảm nhí này là của thi sĩ "THÔI NÔI" , cháu nhiều đời cuả Thôi Hộ và Thôi Hiệu . Thôi Nôi tức là .......
|
|
Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003 |