Nov 22, 2024   log in
 
home
thơ
danh sách tác giả
nhạc
truyện ngắn
biên khảo,phê bình
điểm sách
phỏng vấn
quan điểm
sinh hoạt văn học

ban biên tập
tìm kiếm
thư tín
giới thiệu sách báo
 
 
  Sinh hoạt văn học-nghệ thuật
THEO CHÂN NỮ SĨ VI KHUÊ ÐI TRÊN LỚP SÓNG PHẾ HƯNG CỦA VĂN CHƯƠNG HẢI NGOẠI - Hồ Trường An - GIAI THOẠI VĂN CHƯƠNG
Hình ảnh
#1
Bấm vào hình
để phóng to


Bắt đầu từ năm 1985, văn đànViệt Nam ở hải ngoại mới được phái đẹp tham gia tích cực và đóng góp nhiều văn phẩm thi phẩm có giá trị. Nhưng trước đó, từ năm 1975 cho tới 1981, văn đàn vốn quạnh quẽ tiêu điều, trân cầm vắng bóng, thụy điểu biệt tăm, bướm đẹp chưa chui ra khỏi ổ kén. Các cây bút phái mạnh đã từng vang danh nổi tiếng trong nước một khi ra hải ngoại ở bước đầu định cư vì phải lo vấn đề cơm áo nên họ ngại cầm bút, huống hồ là bậc nữ lưu phải vừa kiếm sống vừa lo việc nội trợ tề gia?

Tuy nhiên, hai Nhà Văn Nữ Túy Hồng và Trùng Dương khi ra hải ngoại (từ năm 1975) vẫn viết lách cầm chừng. Nhưng văn phẩm của họ thiếu chất men nồng ngát say sưa để khơi dậy nguồn cảm hứng, thiếu ngọn lửa đỏ để đun sôi nhiệt huyết can trường, thiếu luôn ánh mặt trời nên khó thể làm nở hoa thần trí sáng tạo. Cho nên tác phẩm của họ chỉ ở mức độ vô thưởng vô phạt mà thôi, không còn phong độ sắc sảo như hồi còn ở trong nước. Cái căn phần bất hạnh của lịch sử hãy còn khơi vết thương rỉ máu trên trái tim và trong tâm hồn họ. Vết thương ấy trong một sớm một chiều dễ nào khép miệng chứ nói gì đến trạng thái lành lặn.Và rồi theo vận hành tiêu cực, ngòi bút của họ sa sút dần cho đến nỗi họ phải gác bút. Trùng Dương rút lui trước, Túy Hồng nối gót theo sau, chìm dần vào vùng bóng tối và sương mù của lãng quên.
Tạp san Văn Học Nghệ Thuật do Võ Phiến và Lê Tất Ðiều chủ trương trước 1980 đã khám phá được hai cây bút nữ lưu mới toanh và sáng giá. Ðó là Hoàng Dung và Nguyễn thị Ngọc Liên. Tạp san Ðất Mới do Thanh Nam và Mai Thảo chủ trương cũng khám phá được một tay cự phách văn chương phái nữ để về sau này hợp cùng Trần Diệu Hằng, Phan thị Trọng Tuyến, Nguyễn thị Ngọc Nhung, Nguyễn thị Hoàng Bắc tạo thành một lực lượng mới. Ðó là Nhà Văn Nữ Lê thị Huệ. Nhưng Hoàng Dung và Nguyễn thị Ngọc Liên không thừa hơi sức, chỉ thổi một cơn gió nhẹ quá và mỏng quá, chỉ làm lay động khóm cỏ bồng rồi im bặt. Lê thị Huệ thì bền bĩ hơn, lâu lâu thổi một cơn heo may vi vút lay động khóm thùy dương hay chòm lệ liễu lao xao cho tới hiện giờ.

Vào tháng 7 năm 1982, tạp san Văn do Mai Thảo chủ trương đã thắp thêm hào quang cho hai chị Tuệ Nga và Vi Khuê. Ðó là hai nhà thơ nữ mà trước năm 1975 đã từng đóng góp cho thi đàn miền Nam mỗi người một pho phương cảo sáng giá qua hình thức tập thơ: “Suối”ờ của Tuệ Nga và “Giọt Lệ”ờ của Vi Khuê. Trên đất nước quê hương, mạch sáng tác của họ hãy còn thưa thớt rỉ rả. Riêng về chị Vi Khuê, theo tôi được biết, vào thời điểm trước 1975, chị quá bận rộn chức vụ hiệu trưởng trường Trung Học Tư Thục Ðệ Nhị Cấp Văn Khoa tại Ðà Lạt, sau khi đã từ dịch khỏi ngành Thông Tin Văn Hóa của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa với 20 năm công vụ thâm niên. Ðó có nghĩa là, trong chặng đường thanh xuân của Vi Khuê, chị đã luôn luôn bận rộn với công việc mưu sinh xây dựng trên hai ngành văn hóa và giáo dục. Cho nên dù muốn dù không, chị không thể đem hết tâm cơ để dấn thân vào cuộc bút trình và vào công việc tạo dựng sự nghiệp văn chương cho mình. Chính văn chương mới là địa hạt thích hợp với khả năng, sở trường và hoài bão của chị. Như từ 1980 đến nay, độc giả kiều bào chúng ta há không chứng kiến cái lâu đài văn chương của chị nếu không nguy nga thì cũng tráng lệ hay sao? Nhắc lại thời điểm trước cái mốc lịch sử, lúc ấy cơn bão thời cuộc đang lộng hành, đất nước đang oằn oại trong khói lửa đạn bom. Nhưng khi Chị Vi Khuê từ thành phố Ðà Lạt ra đi giữa lúc Miền Nam Việt đang hấp hối thì cùng một lúc đó chị Tuệ Nga theo làn sóng di tản qua đảo Guam. Sau khi tìm đất nước Hợp Chúng Quốc để định cư, cả hai cầm bút trở lại. Mạch sáng tác của họ trở thành phồn thịnh, kho tàng cảm hứng của họ trở nên phong phú và khởi sắc tuyệt vời. Từ đó cho tới nay, Tuệ Nga vẫn miệt mài làm thơ, cho xuất bản khá nhiều thi tập. Còn Vi Khuê, thi sĩ, vẫn không bỏ thơ một khi đã khám phá ở chính mình cái khả năng sáng tác văn xuôi dồi dào chẳng kém. Hai thể loại văn chương của chị song hành với nhau, cùng đưa tên tuổi chị lên đỉnh cao sơn Olympia huy hoàng ánh sáng. Thơ Tuệ Nga theo đường lối bán cổ điển đẹp như gấm thêu hoa, nối gót Vũ Hoàng Chương, Ðông Hồ, Mộng Tuyết Thất Tiểu Muội. Thơ Vi Khuê vượt thời gian, gợi nên hình ảnh rực rỡ trong lăng kính vạn hoa, được hình thành qua nhiều thể loại, thích ứng với sự biến hóa không ngừng nghỉ của bộ môn nghệ thuật sáng tác cao quý nhất này.

Khi định cư ở Virginia, từ năm 1975 Chị Vi Khuê cùng phu quân bắt tay vào công cuộc làm văn hóa: cả hai làm báo, tổ chức trường dạy tiếng Việt cho trẻ em Việt Nam, đặt ra giải thưởng Nguyễn Du dành cho cuộc thi thơ độc đáo... Còn riêng chị Vi Khuê vẫn tiếp tục làm thơ, viết truyện ngắn, viết khảo luận, bắt lấy làn sóng điện của Ðài Phát Thanh Mỹ tại Hoa-thịnh-đốn để nói lên Tiếng Nói của Cộng Ðồng Việt Nam đầu tiên vừa hội nhập quê hương mới này... Chính giải thưởng thơ Nguyễn Du này đã lôi ra ánh sáng rực rỡ của Tiểu Bang California một ngôi sao thi ca nữ giới mà trước đó tên tuổi hãy còn chìm trong bóng tối mênh mông các cộng đồng kiều bào ở nơi này. Ðó là nhà thơ nữ Trần Mộng Tú.
Tôi được quen biết Chị Vi Khuê vào năm 1984 thì phải. Thư từ và điện thoại viễn liên trao đổi cho tới năm 1987, tôi mới được diện kiến chị trong dịp chị cùng Nhà Báo Chử Bá Anh sang viếng Kinh Ðô Ánh Sáng Paris. Trong bữa tiệc do Nhà Văn Nữ Thụy Khuê khoán đãi, chị mặc y phục bằng lụa mỏng nhẹ màu đen rất hợp với mái tóc uốn khá cao phô chiếc gáy trắng ngần, hợp với đôi bàn tay tháp bút mềm mại và nõn nà. Nhưng màu đen không làm cho chị có vẻ buồn bã đâu. Nữ trang nạm kim cương thanh nhã, phấn xoa mặt màu hồng đào phơn phớt, son tô môi màu hồng ngọc sáng bóng làm chị có vẻ mệnh phụ đài trang.

Vào năm 1989, tôi qua viếng tiểu bang Virginia, lúc ấy Anh Chử Bá Anh và Chị Vi Khuê rời bỏ thành phố Arlington, thiên cư về thành phố Burke cũng thuộc lãnh thổ Virginia. Căn nhà của họ thật tráng lệ, nhưng sao mà mênh mông và lạnh lẽo vì chỉ có hai vợ chồng sống bên nhau. Trong thời gian đó, bốn người con của họ đã thành đạt và còn muốn trau giồi học vấn ở trình độ cao hơn nữa nên không có mặt ở nhà. Nếu cả hai anh chị không xông pha vào làng văn chợ báo thì họ sẽ bị cái buồn tịch liêu đè nặng trên tâm hồn theo ngày qua tháng lại. Chính tại nơi đây, Anh Chử với tài năng làm báo uyển chuyển và tinh tế đã nâng tờ Phụ Nữ Diễn Ðàn lên cương vị bán chạy hàng đầu. Và cũng chính nơi đây, Chị Vi Khuê viết báo phong phú và sáng tác thật ngoạn mục. Ngòi viết của chị một khi đặt trên trang bản thảo là tung hoành như sư tử hí cầu và chạy thoăn thoát như thuyền buồm rẽ sóng lướt ra khơi. Một bước khởi hành đầy hứng thú!

Lúc đó, tuy vào tiết cuối xuân, thế mà khóm cây liên kiều trong vạt đất trước nhà vẫn thịnh phóng hoa vàng rực nắng. Hôm thăm viếng đó, tôi được Anh Chử và chị Vi Khuê đưa đi ăn trưa ở một tiệm sang trọng trong khu Phố Tàu và ăn tối trong tiệm bán đồ hải sản. Ðó là hai nơi mà nhà báo siêu sao ”CBA”ờ rất xứng ý dùng để chiêu đãi bạn bè.
Rồi sau đó vài hôm, trong buổi dạ yến Do Nhà Văn Nữ Trương Anh Thụy thết đãi viễn khách từ nước Pháp xa xôi đến thăm chính là tôi đây, vợ chồng Chị Vi Khuê cũng được mời tham dự. Cũng vẫn dung quang tươi sáng, cũng vẫn cách trang điểm lộng lẫy như vào hai lần gặp gỡ trước, nhưng chị diện chiếc áo cổ tròn tay ngắn tới khuỷu. Chiếc áo ấy bằng chỉ tơ trắng dệt lẩn với chỉ tơ màu thúy lục rất đẹp. Chị đeo hoa tai, nhẫn nạm bích ngọc; hai cườm tay lồng vào hai chiếc vòng ngọc thạch xanh thắm. Màu sắc phục sức hài hòa với màu trang điểm, lại hợp với ánh sáng rực rỡ của buổi xế mùa xuân êm đềm. Hôm đó, Chị Thụy, nữ chủ nhân có bảo tôi: ịHai cô con gái của Chị Vi Khuê, ngoan ơi là ngoan!

Nguyệt San Phụ Nữ Diễn Ðàn đã ân cần giới thiệu hai Nhà Thơ Nữ là Trân Sa và Hàn Song Tường cùng Nhà Văn Nữ Trần thị Diệu Tâm. Về sau, Hàn Song Tường và Trần Mộng Tú nối gót Chị Vi Khuê: vừa viết văn vừa làm thơ, ở lãnh vực nào họ cũng oanh liệt như các dũng tướng xung trận. Còn Trân Sa miệt mài với thơ, viết truyện ngắn cầm chừng rồi bỏ cuộc môn sáng tác tay trái của mình (tức là môn văn xuôi). Riêng Trần thị Diệu Tâm chỉ chuyên viết văn rặc ròng. Cả bốn trở thành bốn ngôi sao rực sáng trong dải quần tinh Ngân Hà từ lúc khởi nghiệp văn chương cho tới bây giờ.

Về văn xuôi, Chị Vi Khuê viết truyện ngắn và biên khảo và thoại kịch, bi lẫn hài. Ðã vậy, chị sắm vai bà Táo mỗi năm một lần đọc sớ dài đến mấy trăm câu do chính tay chị soạn để trình lên Thượng Ðế thật vui nhộn. Tuy nhiên chị chưa viết truyện dài. Ðề tài trong các truyện ngắn của chị gồm cuộc sống nhục nhằn của đồng bào ở quê nhà đang bị bao vây bởi bức màn tre và cuộc sống lạc phương hướng của kiều bào khắp bốn phương trời hải ngoại. Bằng lối văn trong sáng như dòng suối chảy thánh thót trên lớp cát vàng óng mịn, chị vẽ ra nhiều thảm trạng thương tâm. Chị viết văn không bằng ngọn lửa hận thù theo làn sóng thời thượng. Chị biết tự chủ lấy ngòi bút của mình, viết văn bằng một thái độ ung dung điềm đạm, bằng ánh sáng thiên lương soi rọi tỏ rạng cảnh thiên bạch nhật. Cho nên văn chương của chị có nồng độ truyền cảm không gay gắt nhưng rất thấm thía. Chị đi theo bước chân của Nữ Sĩ Pearl S. Buck (Hoa Kỳ) và Eleen Chang (Trương Ái Linh, Trung Hoa), không bù lu bù loa khi diễn tả cảnh thương tâm, không hằn học chì chiết khi nói đến cảnh trái tai gai mắt. Chị viết viết văn bằng sự thăng bằng và hòa điệu giữa lý trí và tình cảm; đôi mắt dò xét rất thông minh của chị nhìn sâu vào từng lớp sóng phế hưng của lịch sử, vào từng thời cuộc tráo trở, vào từng tấn bi kịch của đời sống, vào từng cái tế nhị phức tạp của nội giới con người.

Trong truyện ngắn, Vi Khuê biến kiến thức về chính trị thành hình sương bóng khói giăng bàng bạc khắp tác phẩm. Chị không ịtươngỂ vào đó một cách cẩu thả vụng về dăm ba tài liệu chính trị khô cứng vô hồn.

Thi ca của Vi Khuê đủ thể loại: thơ lục bát, thơ thất ngôn bát cú, thơ tứ tuyệt, thơ tám chữ, thơ tự do, thơ gồm nhiều đoạn (strophes) mà mỗi đoạn gồm 4 câu bảy chữ, thơ lục bát mà từng cặp được xắn từng mảnh rời và khi đọc qua chúng ta tưởng đâu đó là thơ tự do. Ðề tài trong thi ca của chị rất phong phú: tâm linh, tôn giáo, tâm tình đượm nhuần Thiền phong Thiền vị, hiện tình đất nước, nỗi buồn lưu vong, những thảm trạng của nhân loại, tình yêu pha trộn nhiều nhân sinh quan rất mới và rất cập nhật. Còn trường phái thi ca của chị thì sao? Hình như chị làm thơ tùy hứng: khi thì trường phái cổ điển, khi thì trường phái lãng mạn, khi thì trường phái hiện thực, hoặc trường phái ấn tượng, hay trường phái siêu thực... Nhưng nhờ thần trí sáng tạo dồi dào và nhờ trái tim mẫn cảm, chị làm loại thơ nào cũng chói chan thần trí sáng tạo. Ðến đỗi hai loại thơ lỗi thời là thơ cổ điển và thơ lãng mạn (qua đề tài tình yêu), chị vẫn áp dụng triệt để sự canh tân. Cho nên thơ theo hai trường phái ấy dưới ngòi bút của chị có nhiều ngữ pháp mới, nhiều ngôn từ sáng tạo rất kỳ thú, nhiều cánh cửa đẩy thơ lọt ra khỏi sào huyệt quen thuộc bé nhỏ, đưa thơ vượt qua khuôn khổ nhàm chán để bay vào khung trời mênh mông tình ý viễn thâm.

Về thi ca, Vi Khuê biến những tư tưởng tâm linh, kiến thức về tôn giáo, nhân sinh quan thành những chất liệu rất thơ. Chị không nhồi nhét vào đó những câu kinh bài kệ, những đoạn trong loại sách Học Làm Người của Nguyễn Hiến Lê một cách bừa bãi và lộ liễu, chẳng những để tránh cho thơ khỏi méo mó tật nguyền mà còn làm thơ thêm sâu sắc về triết lý sống.

Chị Vi Khuê sáng tác thơ và truyện ngắn dồi dào như rải mưa hoặc ướp sương cho khu vườn cây cỏ xanh tươi, cho chồi non lộc biếc nhú mầm, cho nhánh non cành già tươi ngăn ngắt.

Từ năm 1987 cho tới trở về sau, văn chương nữ lưu như trăm hoa thịnh phóng với nghìn tía muôn hồng chen chúc; nhưng trong vàng vẫn có chen lộn chì thau, hay trong ngọc vẫn có trà trộn sỏi đá. Rồi văn chương đương đại và văn chương hậu hiện đại lần lượt xuất hiện, được quý bà quý cô tưng bừng chào đón và phấn khởi tham gia. Nhưng chị Vi Khuê vẫn không thay đổi đường lối sáng tác mà chị đã từng vạch nên một chân trời in 7 sắc cầu vồng lộng lẫy. Chị không chấp nhận thời trang, không quen các cuộc phiêu lưu liều lĩnh trong văn chương một khi chị đã có một cương vị sáng chói trên văn thi đàn.

Năm 1996, Anh Chử Bá Anh đột ngột từ trần. Tin bay nhanh làm sửng sốt cả cộng đồng, nhất là giới truyền thông, báo chí. Còn lại chị Vi Khuê ở một mình trong ngôi nhà vắng lạnh. Các con chị đều ở xung quanh ngôi nhà chị, nhưng mỗi người có một gia đình riêng.
Sau biến cố 9.11.1999, Chị Vi Khuê bán nhà để lãng khuây kỷ niệm và dọn về nơi biệt thất của cô trưởng nữ Chử Nhất Anh. Nhưng chị vẫn có ngôi nhà riêng của chị xây liền với nhà con gái. Nếp nhà đầy đủ tiện nghi. Ðúng là một thư trang, hay như một viện sách với rất nhiều cửa sổ, nền bằng gỗ liếp bóng loáng như gương soi và nổi vân ngoạn mục. Mọi nơi đều sạch sẽ thơm tho như trong trí tưởng của “nhà thơ”ờ. Sống chung mà riêng, riêng mà chung. Thường thường, các con của chị cùng dâu rể về họp mặt xung quanh chị vào những ngày cuối tuần. Cuộc sống của chị vẫn nhàn lạc, vẫn ấm cúng như tự xưa giờ. Chị tiếp tục viết lách, dự các buổi ra mắt sách, dự các cuộc tiếp tân văn nghệ, cố giữ nếp sống bậu bạn keo sơn với văn chương như khi Anh Chử còn sinh tiền. Ai biết được ở con người có vẻ kiều nhược như chị mà vẫn có tinh thần vững mạnh như cây thanh tùng trên đỉnh cô sơn? Chị không hề bỏ cuộc sáng tác, vẫn luôn luôn hăm hở với văn chương, ung dung thực hiện những dự định mà chị đã từng vạch ra.

Chị Vi Khuê viết thư thăm hỏi tôi thỉnh thoảng. Chị trình bày lá thư thật sạch sẽ và đẹp đẽ. Phong bì thư đều dán tem quý. Nét chữ của chị không gò gẫm, rất mềm mại và uyển chuyễn: nét buông xuống, nét đá lên, nét khoanh tròn đều minh bạch. Bạn hữu của chị đều cho rằng chị thích nét đẹp trong mọi sự biểu hiện sinh hoạt hằng ngày, và giấc mơ sẽ thực hiện được trong tương lai gần là nét chữ đẹp của chị sẽ được giữ lại nơi Tuyển Tập Thơ Thủ Bút, phát hành trong năm 2006.

Cuộc bút trình của Chị Vi Khuê làm tôi liên tưởng đến “Bài Thơ Xanh”ờ mà từ thuở ra mắt thi tập “Cát Vàng”ờ vào năm 1995, chính chị viết lời trần tình:
ịBài Thơ Xanh là bài thơ của nguồn hy vọng, sáng ngời hình ảnh, rộn rã âm thanh, bài thơ của ví von tràn đầy nhựa sống:
“Như tuôn lá đổ về rừng
Như bàn tay mẹ đón mừng con thơ
“Như hồng nõn má măng tơ
“Thơm thơm cháu ngoại hôn bà sớm mai
“Như non cao tiếp biển dài...
Bờ xa bãi rộng, trăng cài núi xanh...

“Như muôn thác lũ về nguồn
“Như tim giếng nhỏ còn tuôn mạch đời
“Như buồm căng gió ra khơi
“Như cây trái mới đâm chồi lộc non...

Ðó cũng chính là hình ảnh chị Vi Khuê, người cầm bút nữ đã liên tiếp hoạt động 30 năm qua trên nhiều lãnh vực, tại Thủ Ðô Hoa Thịnh Ðốn, miền Ðông Bắc Hoa Kỳ.

CHÚ THÍCH: Ở đây, chữ Chị Vi Khuê và Anh Chử Bá Anh đều được viết chữ hoa, do sự kính trọng của bút giả đối với cả hai vị

HỒ TRƯỜNG AN


PHỎNG VẤN NỮ SĨ VI KHUÊ

1.
HỒ TRƯỜNG AN: Thưa Chị Vi Khuê, mở đầu cuộc phỏng vấn hôm nay, một lần nữa xin chị lại cho vài nét tiểu sử chính.

VI KHUÊ: Vâng, tôi xin lập lại một lần nữa nếu nhà phỏng vấn thấy cần thiết.
I - Lý lịch cá nhân:
Bút hiệu chính là Vi Khuê. Tên họ là Trần Trinh Thuận. Chánh Quán Huế (Thừa Thiên) Miền Trung Việt Nam. Quê nội: Làng Thạch Bình, Huyện Quảng Ðiền (Thừa Thiên). Quê ngoại Làng Ưu Ðiềm, Huyện Phong Ðiền. Học lực Cử Nhân Văn Chương Việt Hán (Viện Ðại Học Ðà Lạt). Trước năm 1975, tại Việt Nam là công chức, xướng ngôn viên, biên tập viên, diễn viên thoại kịch Ðài Phát Thanh Huế, Ðà Lạt (Bộ Thông Tin Văn HóaViệt Nam Cộng Hòa). Sau đó là giáo chức, Hiệu Trưởng Trường Trung Học Tư Thục Ðệ Nhị Cấp Văn Khoa tại Ðà Lạt.
II. Sinh Hoạt Văn Hóa:
A- Các tác phẩm cá nhân đã xuất bản (thơ và truyện ngắn):
1. Giọt Lệ, thơ 1971 (Việt Nam)
2. Cát Vàng, thơ 1985 (Hoa Kỳ)
3. Ngựa Hồng Trên Ðồi Cỏ, văn 1986
4. Tặng Phẩm Tình Yêu, thơ 1991
5. Những Ngày ở Virginia, văn 1991
6. Vẫn Chờ Xe Thổ Mộ, văn 1993
7. Hoa Bướm Vườn Thơ Tôi, thơ 1994
8. Thơ Vi Khuê, băng và CD 1985-1997
9. Thơ Trong Mưa Và Hoa, 2001 (Poems in Rain & Flowers) tam ngữ đối chiếu, Việt, Anh, Pháp.
10. Sách dạy tiếng Việt:
- Căn Bản Tiếng Việt (1978), Tập nói và viết tiếng Việt (1979).
- Teach Me Vietnamese, Băng học tiếng Việt (2000)
- 6 bộ sách hướng dẫn dạy học (Teacher’s Guide) soạn cùng Tiến Sĩ Chử Nhị Anh (trong Ban Tu Thư) được in bằng roneo, phát không cho học sinh, và được phổ biến trên trang “Web” www.vyea.com.
B. Tác phẩm Trong Các Hợp Tuyển Văn Chương (nhiều tác giả): 20 tập.
* Sách báo có bài viết về tác phẩm của Vi Khuê: 17 cuốn.
* Có tên trong Tự Ðiển Các Nhân Vật Quốc Tế ấn hành tại Anh Quốc(Dictionary of International Biography).
* Có tên trong Tự Ðiển Tiểu Sử Văn Học về các tác giả, ấn hành tại Hoa Kỳ (American Biographycal Institute).
* Có 30 bài thơ phổ nhạc bởi 19 nhạc sĩ tên tuổi như Hoàng Nguyên, Phạm Duy, Lê Hữu Mục, Song Ngọc, Phan Ni Tấn, Trọng Nghĩa, Nguyễn Tuấn, Châu Ðình An, Võ Tá Hân, Vũ Ðức Nghiêm v.v.
* Ðược vinh danh trong số 2000 Notable American Women (1994).
* Ðã là giám khảo 3 cuộc thi văn chương tầm vóc tại Hoa Thịnh Ðốn, Gia Nã Ðại và San Jose.
C- Cộng tác với các báo, tạp chí:
* Với hầu hết các tạp chí văn học nghệ thuật Việt Nam tại nước ngoài, từ 1982. Từng là chủ bút Tạp Chí Tin Ðiện tại Tây Ðức.
* Một cây bút chủ lực của Nguyệt San Diễn Ðàn Phụ Nữ từ 1982 đến 1996 (14 năm), phụ trách các mục về Văn Học Nghệ Thuật: Tin Tức Người Việt Khắp Nơi (Ðào Thị Khánh), Ðọc Và Giới Thiệu Tác Phẩm Bạn (Ðoản Văn), Phóng sự từ các Thời Sự Nóng, Sớ Táo Quân (Nguyễn Thị Bình Thường), Thơ và Truyện Ngắn (Vi Khuê). Do đó, phải có nhiều bút hiệu.
* Cũng cộng tác với nhiều Ðặc San Huế từ ngày xuất hiện đến nay, cho đến số mới nhất, năm 2005, tại Hoa Thịnh Ðốn...
* Cộng tác với các đoàn thể văn hóa tại địa phương Hoa Thịnh Ðốn: Hội Giáo Dục Trẻ Em Việt Nam, Hội Văn Bút Việt Miền Ðông Hoa Kỳ và Hải Ngoại, Tam Cá Nguyệt San Cỏ Thơm, Nguyệt San Kỷ Nguyên Mới, Câu Lạc Bộ Văn Học Nghệ Thuật (từ ngày mới thành lập đến nay) và Hội Người Việt Cao Niên Hoa Thịnh Ðốn.
* Tác phẩm chuẩn bị xuất bản trong năm 2006, dày 250 trang trang:
A- Vi Khuê, Văn Nhiều Thể Loại:
Truyện ngắn
Truyện ngắn nhất
Truyện Ngắn Chuyển Ngữ
Truyện Dã Sử
Thoại Kịch Thời Ðại: bi, hài
Ðọc và Cảm Nghĩ Tác Phẩm Bạn
Văn Tiễn Ðưa Người (Ðiếu Văn)
Biên Khảo, Sưu Tầm
Khảo Luận Văn Học dưới hình thức văn chương

B- Vi Khuê, Thơ, thủ bút

2.
HỒ TRƯỜNG AN: Là một tác giả sinh hoạt lâu năm với những thành tích tốt đẹp như thế, chẳng hay chị có quan tâm đến Giải Văn Chương Nobel trao tặng hằng năm trên toàn thế giới?

VI KHUÊ: Hẳn nhiên là tôi có quan tâm lắm chớ, như mọi người cầm bút đều quan tâm. Giải được trao tặng hằng năm trên toàn thế giới, nhưng chỉ cho một người mỗi bộ môn. Thật là hân hạnh biết bao!
Thành tích của tôi nơi tiểu sử trên là gồng mình lên mà viết lần đầu tiên, một cách chi tiết, theo chủ trương của Tam Cá Nguyệt San Cỏ Thơm, Hoa Thịnh Ðốn, như một tiểu sử khá đầy đủ về mỗi tác giả để giúp độc giả hiểu thêm về người viết, so với các tiểu sử quá tóm gọn thường được in trên trang đầu mỗi tác phẩm, không đủ để dùng làm tài liệu nghiên cứu về sau. Có thế thôi. chớ còn đoạn trên đây về tôi thì cũng là sơ lược, mà thành tích thì cũng thường thường bậc trung. Nếu tôi có quan tâm đến Giải Nobel Văn Chương thì không phải là về thành tích đã đạt được, cũng không phải vì mình, vì tôi. Mà mối quan tâm tha thiết ấy là vì tất cả các nhà cầm bút Việt Nam, trong và ngoài nước, từ xưa đến nay, mà nay thì coi như đã có mặt khắp năm châu trên thế giới!
Tôi đã hơn một lần bày tỏ mối quan tâm hàng đầu ấy với tạp chí văn học hải ngoại như: Văn Học, Thế Kỷ 21, Hợp Lưu v.v. Xin nhắc lại lời tôi đã bày tỏ với Hợp Lưu số 34, khoảng năm 2003, nơi mục “Các Tác Giả Nói Về Mình” có ghi là: Ðể đóng góp vào việc thực hiện Bộ Tử điển Nhà Văn Việt Nam, như sau: “Gần đây, bỗng dưng tôi bị ám ảnh bởi các tác giả đã vừa đoạt Giải Văn Chương Nobel. Một về tay Nhà Thơ Nữ Ba Lan Wislawa Swymborska, vào năm 1996 vừa rồi, và giải kia về tay Thi Sĩ Ái Nhĩ Lan S. Heaney, vào năm 1995. Cả hai đều là thi sĩ.
Tạp Chí Văn Học số tháng mười một năm 1996 ghi nhận rằng: “Ở Ba Lan, dĩ nhiên người ta đang ăn mừng, tung hô. Tin về Giải Nobel đã làm ngưng đọng sinh hoạt chính trị đang sôi nổi tại đây. Thượng Nghị Viên đang tranh cãi hăng hái về việc phá thai, đã ngưng lại, im lặng trong vài giây, rồi vỗ tay ầm ĩ...”
Trông người lại gẫm đến ta. Biết đến bao giờ có một trong hằng ngàn người cầm bút trong và ngoài nước đang làm nên nền văn chương Việt Nam hiện nay, sẽ đoạt được giải? Mà tại sao không chứ? Dân tộc Việt Nam đã nổi tiếng là thông minh và tài hoa, đặc biệt là về phương diện văn chương thi phú; chẳng thế mà, trong một hoàn cảnh di cư ti nạn vô cùng khó khăn, đã sớm hoàn thành được một dòng văn học nghệ thuật phong phú và đa dạng?
Ðành rằng cho dù có lỗi lạc về văn chương thì cũng chẳng làm nên tích sự gì, “hoàn toàn vô dụng” như lời tuyên bố của ông Claude Simon từng đoạt giải, nhưng vẫn là tuyệt đối có giá trị, chừng nào chính cái giải kia còn treo cao trước tầm mắt, trên đỉnh đầu tập thể người cầm bút đông đảo đang có mặt khắp nơi trên quả địa cầu này.
Còn cầm ngòi bút, còn nghe nói chuyện Giải Văn Chương Nobel, chúng ta hẳn không khỏi nghẹn ngào. Giải ấy quá xa tầm tay với chúng ta chăng? Có lẽ nào! Hãy cùng nhau đọc lại một đoạn thơ được coi là “đạt” nhất của nữ sĩ vừa đoạt giải năm nay để mà suy ngẫm và... “lên tinh thần”:
Với nụ cười với môi hôn
chúng ta nên đi tìm sự hòa hợp
ngay dưới vòm sao của mình
mặc dầu chúng ta đều khác nhau
(điều ai cũng công nhận)
như hai giọt nước
(Thạch Hãn chuyển ngữ)
Xem như thế thì, “liệu những người xứ An Nam ta bây giờ (chữ mới dùng của Nhà Văn Võ Phiến) có nhà thơ nào mà viết được đẹp như thế không? Ðể mà, một lần trong cuộc đời, đoạt được giải Nobel “vô cùng cao quý” ấy, và để có dịp ngửng cao đầu trước thế giới năm châu, khi chúng ta thực sự mất hết chẳng còn gì, ngoài một ngòi bút xót xa, nhức nhối? Tôi mong có một người Việt Nam chúng ta đoạt Giải Văn Chương Nobel lắm!

3.
HỖ TRƯỜNG AN: Như vậy, thưa Chị Vi Khuê, chị cho rằng Giải Nobel có giá trị tuyệt đối?

VI KHUÊ: Chớ còn gì nữa? Dầu là tuyệt đối trong sự tương đối. Bao giờ cũng vậy mà thôi. Có gì là tuyệt đối đâu, trên cõi đời này! Hơn nữa, tôi rất tin tưởng vào sự thẩm định để chọn trao Giải Nobel của Hàn Lâm Viện Thụy Ðiển, vốn thuộc về một quốc gia trung lập tiền tiến, với một nền văn hóa lâu đời. Vương quốc này lại có uy thế của một “nước chủ nhà”, để có quyết định vô tư và chích xác, không thiên vị “để khỏi mất uy tín”ã nhiều người tin rằng Hàn Lâm Viện Thụy Ðiển không để cho chính trị và tính chất thời sự nhất thời ảnh hưởng đến giải văn chương cao quí này, về giá trị tinh thần cũng như giá trị hiện kim. Mong lắm thay!... Rồi, tôi cũng nghĩ: Nếu có người cầm bút có thực tài thì trước sau gì cũng được biết tới bởi văn thi giới của dân tộc mình, trước hết; chớ còn các giải thưởng, có khi giúp tác giả đi được con đường tắt, nhưng chưa chắc đã được độc giả ái mộ, gọi là “tâm phục”. Chẳng hạn như là trường hợp Nhà Văn Pháp Claude Simon đã từng đoạt giải vào năm nào đó, nhưng đã không phải là niềm hãnh diện của dân tộc Pháp. Ðộc giả, báo chí hồi ấy đã tỏ ra ghẻ lạnh, hững hờ, chẳng hề nhắc nhở gì tới, chứ đừợng nói là ca ngợi! (đó là báo Pháp nói vậy). Theo tôi nghĩ, nhóm của ông ta, cùng với Alain Roble Grillet, Michel Butor ố là nhóm làm văn chương thời thượng là thứ phải lỗi thời nhanh chóng, như Bà Coco Chanel vốn nổi danh về vẽ y phục thời trang, thường nói: “La mode, c’est ce qui sera facilement démodé” (thời trang là thứ sẽ lỗi thời rất mau). Tuy vậy, những giải thưởng nho nhỏ trong phạm vi quốc gia cũng cần được tổ chức để khám phá và khuyến khích những mầm non có triển vọng lắm chớ.
Riêng về phần Ông Claude Simon mà tôi vừa nhắc lại vài ý kiến “nói hành nói tỏi” sau lưng ông như trên, thì tôi lại có cảm tình với ông qua một đoạn đọc được từ một truyện ngắn đâu đó, như sau:
“Phải gọi là tay tổ chứ, vì họ tất cả là 8 văn hào đã được Giải Nobel Văn Chương trong suốt 94 năm có giải này. Phần đông đều là những vị đã vượt qua tuổi 70. Người thì gốc Nga, người thì gốc Mỹ, có nhà văn gốc Nigeria, có nhà văn Nhật Bản tên là Oe đoạt giải năm 1994, có Bà Toni Marrisson người Mỹ da đen, có ông Thi Sĩ Người Ba Lan 85 tuổi, có Ông Octavio Paz người Mễ Tây Cơ... và còn vài vị nữa, có danh sách đầy đủ trong quyển sách kia, đó!
- Nhưng ai là người đáng kể đã nói câu gì làm bà mất hứng như vậy chớ! Câu nói thế nào?
- Ðó là một ông tôi quên chưa kể tên: Claude Simon, tiểu thuyết gia người Pháp. Khi được hỏi: “Ông nghĩ thế nào về vai trò của văn chương nghệ thuật bên cạnh kinh tế, khoa học kỹ thuật, trong việc cải thiện xã hội”, Claude Simon đã trả lời rằng: Văn chương nghệ thuật hoàn toàn vô dụng, chẳng có ích lợi gì?”
Tôi nghe xong, lạnh cả người, tưởng như phần tâm linh của mình bị xúc phạm nặng nề hơn bao giờ hết! Mà ông đó lại là người đã đoạt Giải Nobel kia! Chẳng biết có phải vì câu tuyên bố đó mà ông đã đoạt giải? (thế là chính tôi cũng có phần đồng ý với ông ta!)

4.
HỒ TRƯỜNG AN: Thưa chị, một tác phẩm văn chương có cần hàm chứa những kiến thức chính trị, triết học, đạo đức, tôn giáo không?

VI KHUÊ: Thưa, cần chứ, chứ không phải cũng cần. Có khi đó còn là phần quan trong nòng cốt của tác phẩm nữa. Nếu không thì còn gì cho phần tư tưởng của tác phẩm? Nhưng, kiến thức ấy, tôi nghĩ, phải biết biến hóa, phải biến thành ngôn ngữ văn chương, lồng vào trong tình cảm, ngôn ngữ đẹp, chứ cứ phóng đại vào từng khúc, một cách thô bạo vào văn chương thì còn gì là tác phẩm văn chương nữa! Như trường hợp nữ sĩ Pearl Buck đó... Bà ấy viết về các biến động của lịch sử nước Tàu từ thuở mạt điệp thời mãn Thanh, từ lúc lên cầm quyền của Bà Từ Hy Thái Hậu, kinh qua trận giặc Quyền Phỉ, Cách Mạng Năm Tân Hợi, Sự Thành Lập Trung Hoa Dân Quốc, của Vạn Lý Trường Chinh của Mao Trạch Ðông v.v... nữa kia, mà đâu thèm sử dụng đến tài liệu chính trị để đưa vào tác phẩm! Vậy mà, tư tưởng chính trị bàng bạc khắp nơi trong tác phẩm của bà, chỉ như là một nhà văn phong tục và hiện thực thôi. Năm 1939, bà lãnh Giải Nobel Văn Chương. Có nhiều lời eo xèo nổi lên, vì đồng thời với bà có nhiều cây viết nam giới “chuyên trị” những vấn đề cao siêu, hàm chứa kiến thức chính trị, tín ngưỡng, đạo đức, triết lý “gồ ghề”, khiến cho bà ngần ngại không muốn đi qua Thụy Ðiển lĩnh giải. Văn Hào Mỹ Sinclair Lewis, từng lãnh Giải Nobel, khuyên rằng: “Bà cứ tự nhiên đi, đừng sợ dư luận phát xuất từ lòng đố kỵ, ganh ghét. Ai nói gì mặc họ!” Tóm lại, theo tôi, kiến thức chính trị, tôn giáo, triết học, nếu không nằm trong ngôn ngữ văn chương thì không thể nào làm thành tác phẩm văn chương được!

5.
HỒ TRƯỜNG AN: Chị Vi Khuê có thích thơ cổ không? Lý do?

VI KHUÊ: Thế nào là thơ cổ? Anh muốn nói thơ của người đời xưa, của ông bà chúng ta xưa, hay thơ làm theo thể luật Ðường - Ðường thi? Hai loại đâu có cùng là một? Ðây, xin nói về thơ cổ nói chung, từ Ta sang Tây, sang Tàu, theo sự hiểu biết chừng mực của tôi.
Trong kho tàng thi ca Việt Nam, có nhiều câu thơ cổ hay lắm. “Khóc Bằng Phi” của Vua Tự Ðức:
Ðập cổ kính ra tìm lấy bóng,
Xếp tàn y lại để danh hơi.

Thơ cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị:
Ghét cụm bèo trôi che bóng nước,
Giận vầng mây bạc khuất vầng trăng.

Và còn cả nhóm Quỳnh Dao Thi Ðàn của miền Nam, trong đó có các bà chị Mộng Tuyết, Ðinh Thục Oanh, Ðào Vân Khanh, Trùng Quang, Thụy Khương dịu hiền, thi sĩ nữ Thiếu Tá Việt Nam Cộng Hòa Cao Mỵ Nhân, v.v. nữa chi?
Tạm kể ra đây một số tên tuổi nữ lưu, còn về phía các cụ, các ông thì cả một lực lượng hùng hậu, đến nay vẫn còn thích thú với luật Ðường thi, tự nó đã làm hoàn hảo lắm rồi. Tuy nhiên, để tiến bộ, thiết tưởng phải thay đổi chớ! Thực tế đã cho thấy “với thơ mới, thơ tự do (mà hay) sẽ nói được nhiều điều... kỳ ảo, không tưởng tượng được!
Và như vậy, trước tiên phải kể: chị Thân Thị Ngọc Quế lẫy lừng. Rồi phải kể đến nhà thơ với hơn 10 thi phẩm: Tuệ Nga, đạo và đời..., Huệ Thu, sở trường về thơ xướng họa 8 câu 5 vần. Tại Virginia, cụ Kim Y Phạm Lệ Oanh, có tác phẩm, dịch phẩm giá trị từ Trung Hoa qua Việt Ngữ. Lúc gần đây có nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Dung qua tập thơ Hoài Cảm, xướng họa với các Nhà Văn, Nhà Thơ Hồ Trường An, Cao Mỵ Nhân, Phan Khâm, Vân Nương, Trần Quốc Bảo, Ngô Tằng Giao, Huệ Thu, Kiều Anh...
Nhưng thật là sơ sót, khi nói tới thơ cổ mà lại không bái phục nơi đây vị cao thủ tiền bối Tam Nguyên Yên Ðổ:

THU ÐIẾU (Mùa Thu ngồi câu cá)

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí
Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo
Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt
Ngõ trước quanh co khách vắng teo
Tựa gối ôm cần lâu chẳng được
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.

THU ẨM (Mùa thu ngồi uống rượu)

Năm gian nhà cỏ thấp le te
Ngõ tối đêm sâu đóm lập lòe
Lưng giậu phất phơ làn khói nhạt
Làn ao lóng lánh bóng trăng loe
Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt
Mắt lão không vàng cũng đỏ hoe
Rượu tiếng rằng hay, hay chẳng mấy
Ðộ năm ba chén đã say nhè...

THU VỊNH ( Mùa Thu vịnh cảnh)

Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao
Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu
Nước biếc trông như tầng khói phủ
Song thưa để mặc bóng trăng vào
Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái
Một tiếng trên không ngỗng nước nào?
Nhàn hứng cũng vừa toan cất bút
Nghĩ ra lại thẹn với ông Ðào!...

Làm thơ như thế, cứ như nói chuyện! Làm thơ theo luật Ðường thi của Trung Hoa, đối ngẫu chỉnh tề, ngôn ngữ toàn bằng tiếng Việt nôm na của người bình dân, với một phong thái nhẹ nhàng, thanh thoát, ai làm được hơn? Cứ cái điệu ấy thì viết về đề tài nào chả được, ai dám bảo rằng thơ cổ luật lệ buộc ràng? (Nhưng, nói thế không có nghĩa là thơ cổ vượt qua thơ mới được đâu nhé!)
Lại nói về thơ cổ của người Tàu: Giật mình mà thấy hiện ra trước mắt bài “Ðằng Vương Các Phú” của đại tài tử Vương Bột thuở Sơ Ðường, với hai câu thơ vang vọng mãi đến tận bây giờ, hai câu thơ mà theo truyền thuyết thì đã khiến cho chính tác giả phải tự tử và hiện hồn như ma quỷ than khóc giữa đêm khuya! Hai câu thơ đẹp mê hồn:

Lạc hà dữ cô vụ tề phi
Thu thủy cộng trường thiên nhất sắc

Thật tuyệt vời! Nhưng thưa bạn, viết tới đây, tôi không thể khỏi bồi hồi, sực nhớ lại sự tích truyền tụng chung quanh hai câu thơ ai cũng phải công nhận hay tột đỉnh này. Anh có từng nghe chưa? Lạ lùng, ly kỳ lắm, do chính bạn ta, Nhà Văn Hứa Hoành, tác giả Người Tù Trong Cấm Thành v.v. và v.. v... đã viết. Nhân dịp này tôi nghĩ cũng nên đem tài liệu ra rút ngắn lại, để cống hiến quý vị độc giả tập Giai Thoại Văn Chương này, ắt hẳn cũng đều là khách yêu thơ cả và nhất định cũng yêu thơ Vương Bột với bài “Ðằng Vương Các Phú”: Lạc hà dữ cô vụ tề phi....
Sự tích như thế nào, mà khủng khiếp đến thế kia? Số là “Ðằng Vương Các Phú” được viết ra ố coi như để dự thi trong một buổi đại yến tại nhà đại quan kia ở bên Tàu đời Sơ Ðường bởi một cậu bé oắt con 18 tuổi từ đâu đến dự, mà đã thắng cuộc mộc cách dễ dàng, một hơi viết lia, viết lịa, thành bài phú bất hủ, với những câu:
Ðằng Vương Cao Các lâm giang chử
Bội ngọc minh loan bãi ca vũ...
và chấm dứt bằng hai câu xuất thần làm giật mình Diêm Ðề Ðốc:
Lạc hà dữ cô vụ tề phi
Thu thủy cộng trường thiên nhất sắc

Từ đó danh tiếng Vương Bột nổi như cồn: tuổi trẻ tài cao, sớm đỗ đại khoa, khiến cho bị “vu oan” là cao ngạo, lắm kẻ dèm pha, bươi móc, để hãm hại. Rồi ông chết chìm một cách bí mật để lại nhiều giả thuyết, trong đó có Vương Bột Ðệ Nhất Thi Tiên đã tự tử vì uất ức nỗi tâm can mình đem phổ vào câu thơ làm nên danh vọng tuyệt đỉnh, đã bị người đời đây đó chê bai, chê rằng “Thơ ấy chưa toàn bích, mỗi câu thừa một chữ! Mãi đến khi hồn ông oan khốc than vãn bằng hai câu thơ bất hủ của chính mình trên sông, mới được một người “chính là thủy tổ ngành địa lý”, Tả Ao nói cho biết rằng: “Người đời chê thơ ông đó là vì: dư chữ. Ðã có “tề phi” hà tất phải “dữ” (đã có cùng bay còn thêm “dữ” là “với”, đã có “nhất sắc” là một màu, lại còn thêm “cộng” là “cùng nhau” làm gì nữa! Bởi vậy, khuyên ông chớ có hợm mình!..” Than ôi, đã tự tử chết thành hồn ma than khóc, mà còn phải đau cái đau biết được nhược điểm sơ sót của mình! Than ôi! Cho hay người làm thơ văn với “khúc ruột không thể chia lìa” là thơ văn của họ, là điều có thật, khiến đau lòng bao kẻ đồng điệu tri âm, như nhà giáo môn Sử Ðịa là Hứa Hoành, là người đã viết 10 trang để kể lại câu chuyện này mà còn hứa hẹn “quyết một ngày tìm cho ra sự thật về cái chết của ‘Thi Vương’, thì có nhắm mắt mới yên lòng...” Tiếc thay anh Hứa Hoành đã mất vào năm 1990!
Tôi nghĩ rằng: “Thi sĩ có ngôn ngữ của thi sĩ, chẳng sao cả!” Ðã “cùng bay” thì thêm “với” cho tăng phần ngoạn mục, đã “một màu” cho “thu thủy”, thì cộng màu ấy với “trường thiên” cho thêm xanh biếc, có sao đâu!

Nhân dịp này, tôi cũng ghi ra đây đoạn thơ của Vương Bột trong bài “Ðằng Vương Các” mà các câu thơ xuất sắc thường được nhắc nhở đó, vì đã có nhiều sách đăng “Ðằng Vương Các” của Vương Bột mà chỉ có đoạn trên, (thiếu mấy câu này) khiến cho độc giả có thể hiểu lầm rằng tôi đã nhớ sai:

ÐẰNG VƯƠNG CÁC

Ðằng Vương cao các lâm giang chử
Bội ngọc minh loan bãi ca vũ
Họa đống triêu phi Nam phố vân
Châu liêm mộ quyển Tây sơn vũ
Nhàn vân đàm ảnh nhật du du
Vật hoán tinh di kỷ độ thu
Các trung đế tử kim hà tại
Lãm ngoại trường giang không tự lưu
Bài phú này còn có vài câu nữa rất xuất sắc mà người đời sau thường nhắc đến:
Lạc hà dữ cô vụ tề phi
Thu Thủy cộng tràng thiên nhất sắc
Ngư chu xướng vãn
Hưởng cùng Bành Lãi chi tân;
Nhạn trận kinh hàn,
Thanh đoạn Hành Dương chi phố.

Riêng hai câu bị chê là dư chữ kia thì có nghĩa là:
Lạc hà dữ cô vụ tề phi
Thu Thủy cộng trùng thiên nhất sắc

Sương sa và một ngỗng trời cùng bay
Nước thu cọng với trời xa một màu

Dịch: Cò bay ráng xế lẫn nhau
Sông thu trời rộng một màu xanh lơ (Vi Khuê)

Ðó là chuyện thơ của người Tàu, còn thơ cổ người Tây (Pháp) thì sao? Ðể tôi cố gắng hồi tưởng lại chuyện đời xưa của mình. Hồi đó, còn là học sinh Ban Thành Chung thời Pháp thuộc, tôi có học bài thơ “L’Etoile du Soir” (Sao Hôm) của Alfred de Musset, và lấy làm lãng mạn với nó lắm, qua đoạn sau đây:
Pâle Etoile du Soir, messagère lointaine
Dont le front brillant sort des voiles du couchant
De ton palais d’azur, au sein du firmament
Que reguardes - tu sur la plaine?
La tempête s’éloigne et les vents sont calmés
La phalène dans sa course légère
Traverse les prés embaumés
Que regardes - tu sur la terre endormie?
Thơ là thơ lãng mạn cũ, nhưng có pha một chút ấn tượng và siêu thực. Tam dịch:
Ôi! Sao hôm xanh xao!
Ôi! Nàng sứ giả xa xăm!
Vầng trán em sáng chói vượt khỏi bức màn che
của chiều hôm.
Từ lâu đài thiên thanh của em, giữa vòm trời xanh
Em nhìn chi trên cánh đồng?
Bão đã lùi xa, gió đã bình yên
Con bướm đêm trong cơn bay lượn nhẹ nhàng
Ðang lướt qua những đồng cỏ ngát hương
Em nhìn chi, dịu dàng
Trên đất lành thiếp ngủ?

Thơ cổ Pháp mà hay thì theo tôi, nhiều lắm, những bài nổi tiếng nhất, như: “Le Lac” của Lamartine, “La Mort du Loup” của Alfred de Vigny, “Romances sans Paroles” của Paul Verlaine, “Rondel de l’Adieu” của Haraucourt, mà câu đầu tiên đã được thi sĩ Xuân Diệu của Việt Nam ta “lấy” làm thơ của mình, “Ra đi là chết ở trong lòng một ít” (Partir, c’est mourir un peu), chỉ có sửa “ra đi” thành “yêu” thôi.

Về bài “L’étoile du Soir” của Alfred de Musset, tôi đã tạm dịch như trên, để độc giả cùng thông cảm, yêu thích bài thơ này, tuy là thơ lãng mạng cổ, nhưng vẫn là bất hủ, vượt thời gian, và đã được chọn cho vào sách giáo khoa “Les Auteurs du Noveau Programme”. Theo tôi biết thì học sinh năm thứ hai và thứ ba Ban Thành Chung (tương đương ban Trung Học Phổ Thông Pháp mà có thêm phần Văn Chương Việt Nam) đa số đều thích và thuộc bài thơ này. Tới đây, tôi thiết tưởng đã tạm đủ với lòng yêu thơ cổ của tôi. Nó nói lên rằng: thơ, chỉ có hay hoặc dở, không có thơ cũ, thơ mới, nhất là về phía Tây Phương.

6.
HỒ TRƯỜNG AN: Về văn xuôi, chị ưa thích tác giả ngoại quốc nào nhất?

VI KHUÊ: Trước hết tôi thích truyện Tàu, công nhận giá trị cao và đi tiền phong của nó. Tam Quốc Chí của La Quán Trung mà tôi đã bật đèn pin, nằm trong chăn đọc lén khi tới giờ “Ba” bắt phải lên giường ngủ, mai còn đi học. Hồi đó, tôi học Lớp Nhì, Lớp Ba, và còn đọc tiếp về sau. Ðó là chiến thuật, chiến lược của cổ nhân Tàu mà cho đến nay, hình như người ta vẫn còn áp dụng cho chiến tranh ý thức hệ tại Việt Nam? Thủy Hử của Thị Nại Am là bức tranh xã hội sống động đốn mạt của thời Nam Tống bên Tàu. Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân, tuy là câu chuyện hoang đường, nhưng ẩn tàng giáo lý nhà Phật một cách sâu sắc. Thú thật, tôi đọc hồi còn quá non nớt và không nghĩ rằng mình đủ sức hiểu thấu đáo, nhưng vẫn ham thích đọc, từ ngày ấy.

Về phía Tây Phương, tôi thích và tìm đọc Chiến Tranh và Hòa Bình của Léon Tolstoi, Les Misérables của Victor Hugo, vì là những tác phẩm nổi tiếng từ lâu. Rồi tôi cũng có đọc Madame Bovary của Gustave Flaubert, trong đó nhân vật chính vẽ một thế giới ảo tưởng cho riêng mình, một người tình lý tưởng cho riêng mình, lý tưởng quá, cho nên không có thật, vì vậy vỡ mộng và tự vẫn chết. Emma Bovary là do Gustave Flaubert viết về người vợ ngoại tình của ông y sĩ. Cũng như Anna Karénine là truyện của Léon Tolstoi viết về người vợ ngoại tình của một nhà quý tộc. Truyện trùng hợp lạ kỳ, tư tưởng cầu kỳ phức tạp, nhưng cũng hấp dẫn sự tò mò vì tác giả và tác phẩm nổi tiếng. Sau này có nhiều truyện dễ hiểu hơn.
Câu hỏi “Tác giả ngoại quốc nào chị ưa thích nhất” mà tôi vừa kể là ba ông Tàu, La Quán Trung, Thị Nại Am, Ngô Thừa Ân; hai ông Tây: Gustave Flaubert và Léon Tolstoi. Viết xong nghĩ lại ngay, đó là tôi kể tác giả, không kể tác phẩm.
Vậy, xin nói lại cho đúng: tác giả có khi tên rất lớn mà tác phẩm này hay lắm, tác phẩm kia có thể sút kém hơn. Phải làm sao kể đúng tác giả cùng với tác phẩm yêu thích nhất. Phải được cả hai mới đáng kể.
Với tôi, tác phẩm nào khơi động mối thương tâm nhất và thơ mộng nhất sẽ được yêu thích nhất, và đồng thời đưa tên tuổi tác giả lên cao hơn. Như vậy, tôi có những truyện dài yêu thích nhất (của Tây Phương) là:

1- Les Misérables của Victor Hugo, chuyện thương tâm nhất (Pháp).
2- Paul et Virginie của Bernadin de Saint Pierre, thương tâm và thơ mộng nhất (Pháp).
3- The War of the Worlds của H.G. Wells, truyện khoa học giả tưởng về các cuộc chiến tranh tương lai của nhân loại, kỳ bí, vượt thời gian.
4- La Dame Aux Camélias (Trà Hoa Nữ) của Alexandre Dumas fils, truyện này được ưa thích nhiều, dầu vẫn là một chuyện tình vớ vẩn thôi, nhưng nhân vật chính là “một người đẹp chết người”.

Ðó, theo tôi, bốn tác phẩm, tác giả tiêu biểu nhất về truyện dài ngoại quốc Tây Phương, mà tôi chấm nhất một cách đại khái, tương đối, vì rừng sách mênh mông, dễ gì dứt khoát được sự lựa chọn?
Và, những truyện ngắn trong kho tàng “Short Stories” của Tây Phương mà tôi thích nhất ố ít nhất cũng phải kể ra 10 truyện ố vì cả kho tàng kia mà nghĩa là rất “châu báu” đối với tôi!
Sau đây là 10 truyện ngắn nói trên:
1- Những Vì Sao hay Mục Ðồng của Alphonse Daudet (Pháp)
2- Tên Tội Phạm của Albert Camus (Pháp)
3- Tuyệt Phẩm Nghệ Thuật của Anton Chekow (Nga)
4- Tình Yêu của Guy de Maupassant (Pháp)
5- Già và Trẻ của John O’hara (Mỹ)
6- Sợi Dây Nhỏ của Guy de Maupassamt (Pháp)
7- Lã Sanh Môn (Rashomon) của Ryanosuke
Akutugawa (Nhật)
8- Người Tù Thay Thế của Francois Coppée (Pháp)
9- Trở Về của Somerset Maugham (Mỹ)
10- Có và Không của Herman Hesse (Ðức)

7.
HỒ TRƯỜNG AN: Trở lại với quê nhà, xin chị cho ý kiến về văn xuôi Việt Nam: tác giả và tác phẩm nào chị ưa thích nhất?

VI KHUÊ: Ðúng, phải trở lại với quê nhà chứ. Về các tác giả và tác phẩm Việt Nam “sủng ái” nhất của tôi, chỉ dám kể trước tiên, từ các tiểu thuyết gia ố đã viết truyện thuộc tiền bán thể kỷ 20, mà đã có tên trong quyển Tư Tập Thượng của nhà phê bình Văn Học Vũ Ngọc Phan, ở đó có ghi nhận rằng: “Bây giờ đã đến lúc ngó lại thời xa xưa, đem văn chương cổ ra mà so sánh, để mà cảm thấy đã có một sự đổi mới phi thường.” Cho đến nay, sau khi đã có lần giở lại để đọc một lần nữa, tôi vẫn phải nhận rằng mình chỉ có yêu thích những truyện ngắn của tác giả Việt Nam thời ấy mà thôi ố chứ không hâm mộ truyện dài như đối với tác phẩm, tác giả Trung Hoa, Nga Sô hay Pháp được.

Cũng phải ghi nhận rằng thời kỳ 30 năm của tiền bán thế kỷ 20, văn chương Việt Nam nẩy nở, phát triển mạnh bất ngờ so với thời kỳ trước đó. Các nhà văn thi đua sáng tác đủ mọi thể loại. Riêng về tiểu thuyết, đã phân chia bởi ông Vũ Ngọc Phan làm nhiều loại: tả chân, xã hội, trinh thám, phong tục, luân lý, luận đề, truyền lỳ, hoạt kê... Riêng một mình Khái Hưng đã có đến 9 truyện dài, có quyển viết chung với Nhất Linh; truyện ngắn: 5 tuyển tập (từ 1933-1942).
Riêng tôi, đã ưa thích nhất, bây giờ, cũng như từ thuở ban đầu, những tác giả, tác phẩm sau đây, của thời kỳ ấy:
Truyện ngắn, truyện dài

- Khái Hưng: Thời Chưa Cưới, Ðợi Chờ, Gánh
Hàng Hoa.
- Tô Hoài: O chuột, Dế Mèn Phiêu Lưu Ký (rất đặc sắc).
- Nguyễn Tuân: Vang Bóng Một Thời, Ngọn Ðèn Dầu Lạc.
- Nguyên Hồng với Những Ngày Thơ Ấu và Bảy Hựu. Cũng như ông đã thành công với truyện dài Bỉ Vỏ (đặc sắc chẳng kém).
- Trần Tiêu: Con Trâu, Chồng Con, Năm Hạn.
- Mạnh Phú Tứ: Sống Nhờ, Một Thiếu Niên.
- Lan Khai: Tiếng Gọi Của Rừng Thẳm (truyện đường rừng đặc sắc).
- Thạch Lam: Gió Ðầu Mùa, Ngày Mới (một luồng gió mới từ Tây Phương).
- Bùi Hiển: Nằm Vạ, Thằng Xin, Ma Ðậu (truyện đặc biệt của vùng Nghệ An, quê hương tác giả).
- Nguyễn Công Hoan: Kép Tư Bền, Hai Thằng Khốn Nạn (hai tuyển tập truyện ngắn với nhiều truyện hay, vui nhộn, rất có duyên).
- Vũ Trọng Phụng: Số Ðỏ nổi bật nhờ được quay thành phim.
- Nam Cao: nổi tiếng với truyện ngắn Chí Phèo, đáp ứng đúng nhu cầu của thời đại.

Kể ra còn có thể ghi thêm (tên nhiều tác giả và tác phẩm Việt Nam thời ấy chưa phải là thời lừng lẫy nhất của Văn Học Việt Nam đã từng ảnh hưởng đến tâm hồn độc giả rất nhiều. Thậm chí, một chuyện vớ vẩn như Khi Chiếc Yếm Rơi Xuống của Trương Tửu, như tôi biết, đã một lần làm đảo điên tuổi dậy thì nơi vùng tôi sinh sống hồi đó (học lớp ba, lớp nhì). Truyện Gánh Hàng Hoa của Nhất Linh-Khái Hưng đã gây ảnh hưởng trực tiếp cho môt ông công chức dông con kia ố dưới thời Pháp thuộc khi trên khu đất trống hoang đối diện nhà ông, bỗng nổi lên hàng chục luống đất trồng hoa, ở đó thấp thoáng bóng hai chị em cô gái chưa chồng từ Hà Thành xứ Bắc Kỳ từ đâu tới lập nghiệp. Vườn hoa thơ mộng làm cho “Ông Phán” đâm mê mẩn, si tình, đến nỗi sau đó... tự tử chết, để lại vợ và một đàn con bơ vơ! (Chỉ vì trước đó ông đọc truyện Gánh Hàng Hoa!)

Cho hay, ảnh hưởng của văn chương trên tình cảm, tư tưởng, tâm lý độc giả không phải là nhỏ! Huống nữa bây giờ, dân tộc Việt Nam ta có đến mấy giòng văn chương: trong nước và ngoài nước gồm cả mấy châu trên thế giới Hy vọng lắm thay!
Ở giai đoạn này chỉ có một nữ lưu đã thành công với truyện dài là Thụy An với Một Linh Hồn.
Sau này, với 20 Năm Văn Học Miền Nam và Những Truyện Ngắn Hay Nhất Của Quê Hương Chúng Ta, số người viết thành công rất nhiều vẫn là về truyện ngắn theo tôi, như: Bình Nguyên Lộc, Võ Phiến, Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Thụy Long, Cung Tích Biền, Nhất Hạnh, Lê Xuyên, Sơn Nam... và 5 nhà văn nữ nổi tiếng về nhiều phương diện: Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Trần Thị Ng. H., Lệ Hằng, Nhã Ca...
Nhưng, phải đợi đến khi ra hải ngoại, sau năm 1975, với Tuyển Tập Truyện Hay Hải Ngoại 1 Và 2, mà nhà Xuất Bản Phù Sa có Lời Nói Ðầu Thay Lời Tựa như sau mà tôi rất đồng ý, và riêng tôi cảm thấy thích thú mười phần khi đọc với tên tuổi những người viết mới như là Cao Bình Minh, Nguyễn Ngọc Ngạn, Hồ Trường An, Kiệt Tấn, Hoàng Thị Ðáo Tiệp, Xuân Vũ, Huỳnh Hữu Cửu, Nguyễn Tư v.v... Sau này lại thêm nhiều tên tuổi đáng kể hơn nữa: Ái Khanh, Thu Nga, Ðặng Lệ Khánh, Tràm Cà Mau...

a) Nhìn lại các sáng tác văn học nghệ thuật ở hải ngoại mười sáu năm qua, một số nhà nghiên cứu, phê bình đưa ra nhận xét đại cương như sau: “Về nhạc, có nhiều sáng tác mới, nội dung đặc sắc, nhưng nói chung, những sáng tác trước 30 tháng 4 năm 1975 vẫn giữ ưu thế tuyệt đối. Thơ có dồi dào về lượng, phong phú về phẩm, tuy nhiên chưa có đủ khả năng thay thế vị trí thơ tiền chiến trong lòng người thưởng ngoạn. Chỉ riêng văn xuôi là thành công vượt bực, có thể nói không những bằng ,mà còn có phần trội hơn thời tiền chiến, lẫn trước tháng 4 năm 1975, và đương nhiên hơn hẳn văn xuôi dưới chế độ Cộng Sản trong nước. Trong hai thể loại văn xuôi phổ cập nhất, truyện ngắn và truyện dài, truyện ngắn có số người viết lẫn người đọc đông đảo hơn do ảnh hưởng đời sống ở hải ngoại tuyệt đại đa số người viết bận rộn với công việc làm nên không có điều kiện liên tục, người đọc cũng ít ỏi thời giờ, thường đọc sách báo một cách gián đoạn như trên xe buýt, hay xe điện ngầm trong khoảng thời gian di chuyển giữa nơi cư trú và sở làm.” (Nhà Xuất Bản Phù Sa, 1981.)

b) Riêng tôi nghĩ rằng, không phải vì thiếu thời giờ mà người ta phải viết truyện ngắn, mà chính vì kinh nghiệm, Người Việt ở nước ngoài, cũng như trong nước ố càng ngày càng nhận ra mình thích hợp với thể loại này hơn.

8.
HỒ TRƯỜNG AN: Như vậy, chị ưa thích truyện ngắn hơn truyện dài? Lý do?

VI KHUÊ: Tôi tưởng bạn đã biết điều đó lâu rồi mà, nên thường nhắc nhở tôi: “Chị viết văn nhiều thể loại, lỗi lạc về thơ (“Bạn” nói thế), nhưng chị quên, chưa viết truyện dài.” Tại sao lại phải có truyện dài mới hoàn tất được sự nghiệp văn chương? Ðó là điều kiện tất yếu hay sao chớ? Tiếng nói văn chương đầu tiên của tôi là thơ, thể loại văn chương súc tích, cô đọng nhất và tự nhiên nhất, như tiếng khóc đầu đời. Và, có khi tôi nghĩ: đối với tôi, một truyện ngắn là đã quá đủ cho một đề tài. Tôi đã bắt đầu bằng chữ A và chấm dứt bằng hai dấu chấm có gạch ngang ở giữa, và thế là “un point final!” Kéo dài ra là thừa. Cố gắng là mất tự nhiên rồi. Tôi e sẽ không viết truyện dài nào đâu, có chăng một thiên hồi ký hay tự truyện và biết đâu bài trả lời phỏng vấn của Nhà Văn Hồ Trường An này lại sẽ chẳng là thiên tự truyện viết rất tự nhiên, không dự định trước của tôi?

Tôi đã chọn truyện ngắn hơn truyện dài, hợp với sở thích và sở trường của tôi. Vì vậy, tôi rất tâm đắc với ý kiến của các nhà văn có thể coi là lỗi lạc sau đây ố các nhà văn Việt Nam ta đó nhé ố đã được ghi lại trong Tuyển Tập Những Truyện Ngắn Hay Nhất Của Quê Hương Chúng Ta do nhà Sóng (Sài Gòn) xuất bản năm 1973 (chủ trương bởi Nhà Văn Nguyễn Ðông Ngạc):
Nhà Văn Bình Nguyên Lộc: “Theo tôi thì thể truyện ngắn khá cô đọng, tuy không cô đọng được như thơ, chớ vẫn không quá loãng như tiểu thuyết. Viết truyện ngắn thì dễ làm loại văn súc tích hơn là viết truyện dài. Loại văn súc tích rất cần cho một loại đề tài nào đó, mà người viết sẽ không thành công nếu họ viết truyện dài...”

Nhà Văn Nguyễn Ðức Sơn: “Quan niệm của tôi về truyện ngắn? Không có. Tóm tắt cái quan niệm ấy làm sao được? Tuy nhiên tôi có chút ý kiến này: truyện ngắn thì ngắn, truyện dài thì dài. Nhưng nếu truyện dài là một cái gì hoàn tất thì truyện ngắn cũng phải là một cái gì hoàn tất, dù có mở rộng nhiều chân trời xa xôi hay không. Ðó là điểm dễ hiểu nhưng ít người chịu hiểu. Truyện ngắn cũng nhất thiết không phải là những truyện quá ngắn ngủi và nhất là vô duyên như kiểu “A very short story” của Hemingway. Một truyện ngắn hay như một viên đá ném vào thạch động. Nó vang lên rền khắp nơi. Chúng ta tê điếng xa xăm, khác với cái tê điếng rất mạnh của nhục cảm. Như sau khi đọc song một truyện dài có tư tưởng lớn. Ðó là bí lực của truyện ngắn, một truyện dĩ nhiên ngắn hơn truyện dài.

Nhà Văn Nguyễn Thị Hoàng: Truyện ngắn là một thứ truyện không phải bị rút ngắn từ một truyện dài đáng lẽ dài, và ngược lại cững không thể, muốn trở thành một truyện dài, cứ viết kéo dài hay triển khai thêm. Một truyện ngắn, nếu đúng cách, đúng nghĩa, còn khó thực hiện hơn một truyện dài vì tính cách hàm súc của nội dung, tượng trưng của ý nghĩa, cắt xén của câu chuyện từ đời thường hay uốn nắn và trích dẫn từ trí tưởng. Một truyện ngắn phải là một chuỗi liên tục của biểu tượng nào đó, nên phải được thoát ra như hơi thở không dứt. Vì vậy, khi viết, từ chữ đầu cho đến chữ cuối của một truyện ngắn, là một đề tài để ngẫm nghĩ, hoặc về con người, hoặc về cuộc đời, chứ không phải chỉ để giải trí suông, như truyện dài.

Nhà Văn Võ Phiến: Từ ngày Ông Nhất Linh cố gắng diễn dịch mấy phép tắc “viết và đọc tiểu thuyết”, thì tiểu thuyết bắt đầu từ chối các khuôn phép truyền thống. Tiểu thuyết, phá thể, truyện ngắn cũng vậy. Quan niệm về truyện thời bây giờ đã trải qua lắm đổi thay.

Nhà Văn Nguyễn Thụy Long: Tôi khởi sự viết văn bằng truyện ngắn. Nhưng không phải vì vậy mà tôi đồng ý với một số người là viết truyện ngắn dễ hơn truyện dài. Trái lại nữa là khác. Cho nên đến bây giờ tôi đã có hơn ba chục cuốn truyện dài được xuất bản, vậy mà tôi còn nao nức sung sướng khi hoàn tất được truyện ngắn khá ưng ý. Tôi cũng không đồng ý với một số người cho rằng truyện ngắn là một số đoạn của truyện dài cắt ra, hoặc nói một cách khác là truyện dài do nhiều truyện ngắn góp nhặt lại. Theo tôi, truyện dài và truyện ngắn còn là bước khởi đầu của một nhà văn và một nhà văn suốt một đời viết văn vẫn còn cái thèm muốn viết được một truyện ngắn ưng ý.

Nhà Văn Vi Khuê: Thế nào là một truyện ngắn hay?
Qua những nhận định có thể coi là tiêu biểu trên đây, tuy không trả lời thẳng vào câu hỏi “Thế nào là một truyện ngắn hay” nhưng cũng đã giúp ta có được ít nhiều tiêu chuẩn để nhận định giá trị cho thể loại văn chương được ưa chuộng vào hạng nhất này. Còn để trả lời thẳng vào câu hỏi, chúng tôi cố gắng đúc kết sự hiểu biết của mình về vấn đề như sau:

1. Truyện ngắn hay phải cô đọng, súc tích, thoát ra từ một hơi thở liên tục không ngừng, và đáng kể nhất là dù ít lời, nó vẫn chuyên chở một ý nghĩa quan trọng nào đó.

2. Một truyện ngắn hay, cũng như một truyện dài hay, một tác phẩm hay nói chung là sức tác động của nó trên tình cảm, trên tư tưởng của người đọc, đến độ có thể làm thay đổi phần lớn nếp suy tư, thái độ sống, có khi cả nhân sinh quan, vũ trụ quan của người đọc nữa. Dĩ nhiên truyện ngắn thì phải ngắn, và vì vậy, nếu có sức mạnh, thì đó là sức mạnh của bom nguyên tử.

Thưa Bạn Hồ Trường An! Những cố gắng định nghĩa trên đây đã trả lời dứt khoát vì sao tôi thích, và chọn truyện ngắn hơn truyện dài, như Nguyễn Thị Hoàng đã nói ở trên: “Không phải để giải trí suông như truyện dài.”

9.
HỒ TRƯỜNG AN: Thưa Chị Vi Khuê, có một câu hỏi xem ra đến nay vẫn còn chưa được giải đáp rõ ràng với độc giả quan tâm từ dạo ấy. Ðó là về giải Văn Học Nghệ Thuật qua bộ môn Thơ năm 1971, mà kết quả, theo như báo chí Sài Gòn đã loan tin, thì rõ ràng là nhà thơ Vi Khuê đã vào chung kết và trúng giải với thi phẩm Giọt Lệ. Vậy mà không hiểu vì sao? Hình như có điều gì không được minh bạch?

VI KHUÊ: Chuyện đã quá lâu rồi. Tôi không muốn nhắc lại, và thật tình là tôi cũng không hiểu rõ chuyện gì ở bên trong. Tốt hơn hết là tôi chỉ nên nói điều gì mình biết rõ. Ðó là: có sự bất đồng ý kiến sao đó giữa mấy vị được mời làm giám khảo Anh em cả mà hiện nay ở hải ngoại còn có nhà thơ Hà Thượng Nhân là một nhân chứng vô tư và khách quan đó. Chứ không phải là có chuyện gì mờ ám đâu làm chi đến nỗi dù rằng, báo chí quả thật có làm ầm ỹ lên và gọi là xì-căng-đan kia mà. Tôi nghĩ là lần đầu tiên có một giải Thi Thơ Toàn Quốc qui tụ đến 71 tên tuổi người làm thơ của cả miền Nam kia mà! Bùi Giáng, Phạm Thiên Thư, Hoàng Trúc Ly, Vương Tân, Trần Tuấn Kiệt, Trần Dạ Từ, Tú Kếu - đủ mặt nhân tài. Vì xẩy ra chuyện đáng tiếc trong khi bình bầu đưa đến sự lên tiếng của báo giới, nên chánh chủ khảo là Thi Sĩ Vũ Hoàng Chương sau đó đã phải có bài biết rất đẹp về tập Giọt Lệ của tôi, để nói lại cho rõ trước dư luận trên một số Văn Học nào đó, chớ không phải là ông đã đề tựa cho tập Giọt Lệ, mà tác giả cũng có dự thi kỳ ấy đâu! Hồi đó tôi ở Ðà Lạt và rất bận với công việc trường ốc - Hiệu Trưởng Trường Trung Học Văn Khoa, và không có ý định tham dự. Về sau, thân nhân, bằng hữu thúc đẩy mãi, tôi mới “gửi đi dự thi xem sao”. Thì kết quả đã tốt đẹp lắm đó chứ.

10.
HỒ TRƯỜNG AN: Anh em trong thi văn giới hồi đó cũng biết là chị, tuy là người làm thơ từ lâu ở Thành Phố Huế thuở mới hồi cư ấy, nhưng chị chưa bao giờ xuất hiện (nghĩa là chưa in thơ văn thành sách). Vả lại, chị là người không thích tranh chấp, lúc nào cũng bỏ qua, bỏ qua, cũng như chị và cả anh sau này ở hải ngoại vậy. Nhưng, điều quan trọng không phải là Giải thưởng, mà là giá trị, là ý nghĩa của tập thơ, tác phẩm Giọt Lệ của Vi Khuê - hồi năm 1971 ấy. Vậy hôm nay xin chị một lần nói lại thật rõ, để làm tài liệu nghiên cứu về sau.

VI KHUÊ: Phải, tôi đồng ý, hôm nay nói một lần thật đầy đủ, không phải về giải thưởng, chuyện đã quá xưa rồi, mà là về ý nghĩa Tập Thơ. Theo như tài liệu tôi đã có sẵn đây, sau hơn một lần trả lời phỏng vấn của hơn một người, như là Nhà Thơ Thanh Nhưng tức là Tôn Nữ Nha Trang, Bà Phan Hà (Ðài Phát Thanh Hoa Thịnh Ðốn năm 1994), Bà Ðoan Trang, (Ðài Truyền Hình San Jose), và đặc biệt Nhà Văn Nguyễn Văn Ba, tức anh Thái Minh Kiệt, chủ trương Nhà Xuất Bản Phù Sa và chủ biên 2 tuyển tập “Truyện Hay Hải Ngoại” tôi đã có nhắc tới ở trên. Ðây tôi xin nhắc lại nguyên văn, coi như đang nói chuyện với Nhà Văn Hồ Trường An, vậy nhé. Vì câu hỏi của anh chính là câu hỏi của tất cả mọi anh chị, đã lâu rồi.

11.
HỒ TRƯỜNG AN: Xin chị cho biết quan niệm về vai trò sáng tác của mình? Giúp độc giả giải trí, giáo dục đạo đức, cải tạo xã hội, (dấn thân) hay phụng sự nghệ thuật thuần túy?

VI KHUÊ: Phải, chúng ta hãy trở lại với vấn đề văn nghệ phụng sự nghệ thuật, phụng sự nhân sinh:
Tôi viết, trước hết vì mình, để tự giải tỏa những ẩn ức, suy tư, đớn đau, khắc khoải. Nhưng, ẩn úc, suy tư, đớn đau, khắc khoải của tôi sở dĩ có là vì người khác, vì những người tôi yêu, tôi thương, vì những điều đã làm tôi ray rứt băn khoăn, vì xã hội trong đó tôi sống, vì quê hương như một mối ràng buộc không thể dứt rời. Riêng trong thi phẩm Giọt Lệ, tôi chỉ có môt đề tài: băn khoăn về vấn đề ý thức hệ! Nói giản dị là vì cái niềm ám ảnh khôn nguôi của cuộc chiến tranh đè nặng lên thân phận mỗi người trong chúng ta, người Việt Nam. Như vậy, tôi là người không chấp nhận quan niệm văn nghệ phụng sự nghệ thuật thuần túy. Song, cũng hiểu rằng phụngsự nghệ thuật là phụng sự nhân sinh, bao lâu nhân sinh còn cần đến nghệ thuật, như tôi yêu thơ Hàn Mặc Tử, toàn những trăng và gió và mây, và tình yêu, đôi khi kêu gọi đến Mẹ Maria, đến Sứ Thần Thiên Chúa Gabriel toàn là chuyện mộng mơ, tôn giáo, chẳng có gì là “dấn thân” cả! Còn tôi, trong văn chương, toàn nói tới chuyện đời, chuyện xã hội, chuyện chính trị, thì đã hẳn là có quan niệm dấn thân trong khi vẫn yêu nghệ thuật thuần túy, bao lâu nghệ thuật vẫn có ích cho đời ố phụng sự nhân sinh.

12.
HỒ TRƯỜNG AN: Ðể bắt đầu, xin chị nói về bài thơ “Giọt Lệ” mà chị đã lấy làm nhan đề tập thơ, với hình bìa là một dung nhan diễm lệ lồng trong một giọt nước mắt rất nghệ thuật; rồi tiếp theo là bài Hoang Vu mà đã được cảm họa bởi họa sĩ nào đó thành bức tranh in trong tập Cát Vàng năm 1985 tại Hoa Thịnh Ðốn.

VI KHUÊ: Vâng, tôi sẽ nói về “Giọt Lệ” và “Hoang Vu”. Giọt Lệ là bài thơ tiêu biểu cho tập thơ mang nhan đề như thế. Giọt Lệ được giải thích bằng hai câu đặt trên đầu tập:
Nghĩ trời đất vô cùng
Một mình tuôn giọt lệ
từ ý Ðường thi, thơ Trần Tử Ngang, Giọt Lệ là nước mắt, nhưng không phải nước mắt của một người đàn bà khóc chuyện riêng tư như “Giọt Lệ Thu” của nữ sĩ Tương Phố. Giọt lệ đây là nước mắt của một người đứng giữa trời đất bao la mà cảm nhận cái bé bỏng đến nhỏ nhoi của thân phận mình, thân phận người tử sinh hữu hạn. Không biết ai đó đã lạc quan: “Thượng đế chết rồi còn lại ta”. Không, Thượng đế dầu chết hay còn, nỗi đau thương vô hạn của kiếp người vẫn còn đó, chưa có phương cứu chữa, ít nhất là cho đến khi tôi biết bài thơ này, khi mà trước tôi không lâu, có người đã nao nức vô cùng với niềm tin tưởng nồng nhiệt, say sưa: qua bài thơ “Thế Kỷ Hai Mươi”:

Ngươi mang trong lòng ngươi
Bao nhiêu mầm ung độc
Bao nhiêu nụ hồng đời
Sau lưng mây nặng trùm chân núi
Trước ngực trăng dào dạt biển khơi...
Thế kỷ hai mươi
Ðã chết cả loài dơi
Bay sờ soạng trong hoàng hôn tàn tạ
Ta nghe hát trên trời xanh trong khóm lá
Trong muôn hoa một khúc hát tinh khôi
(Trích TKHM)

Thơ của Huy Cận đó. Tôi không có niềm tin tưởng ấy. Bởi vì, trước mắt tôi, chung quanh tôi, lúc bấy giờ, quê hương đắm chìm trong khói lửa; và niềm đau nhức của riêng tôi, không biết do đâu cấu tạo nên, như mọt vết bầm sâu từ trong xương tuyẻ. Tôi đưa tay sờ nó, thì nát cả mười đầu ngón tay! “Tôi ý thức thân phận con người phải chịu nỗi đớn đau vô hạn, bây giờ và mãi mãi... Và “con người mãi mãi là chó sói của nhau thôi.”

Trước cuộc đời, mỗi người có một thái độ, một quan niệm. Nhưng dường như tất cả mọi triết lý, mọi tôn giáo đều gặp nhau ở một điểm đồng nhát: Ðời là bể khổ. cho nên, thái độ của tôi đối với cuộc đời là một thái độ xót thương, xót thương vô hạn; càng xót thương khi nghĩ đến niềm tin tưởng của “người đã lạc quan ca hát rằng”Thế kỷ hai mươi đã chết cả loài dơi...” Về phần tôi, khi vui cũng như lúc buồn, khi ngồi trên bàn tiệc cũng như lúc cúi đầu đi sau đám ma, đều băn khoăn tự hỏi:

Còn chăng hay đã hết
Câu chuyện của loài dơi?
Hai ngàn năm sờ soạng
Tim chưa thấy mặt trời?

Nhỏ nhoi thay kiếp người
đau thương thì hiện hữu
Vết bầm trong xương tủy
Sờ nát đầu ngón tay!
(Trích “Giọt Lệ”)

Còn sau đây là “sự tích của bài “Hoang Vu”:
Hôm ấy, tôi đang ngồi trong sở làm tại Ðà Lạt, trước Tết Mậu thân 1968. Chung quanh có nhiều người qua lại nói cười. Có anh PGT đang nói chuyện với chị B. Có nữ ca sĩ T.T. đang đi xuống cầu thang, có anh T.V.X. đang ngồi viết thư cho bạn là thi sĩ Bùi Giáng ở Sài Gòn (anh X. nói vậy), có người bạn trẻ vừa ghé thăm tôi trong mươi phút và đã ra về, để lại một tập tơ còn trong bản thảo, ký tên Ðèo Văn Trấn. tôi đang cầm bút viết bài về công việc hằng ngày. Nhưng, đặt bút xuống, tôi viết được một bài thơ... Trong bài thơ, có đèo, có trấn, có đồi mùa hạ, có bờ cỏ may, có con sông uốn mình lên vẽ một cây cầu; cây cầu đối với con sông có hình dáng đẹp của nét mày vắt ngang. Có con sông, có cây cầu là con ngăn cách người ở bên này kẻ ở bên kia, nên tôi thốt nên lời tha thiết:

Qua đèo nay nhớ trấn xưa
Hoang vu đồi hạ, đôi bờ cỏ may

Rồi cứ thế, hoang vu trải giàn ra trên trang giấy trắng, vói cồn hoang dã, với bến lau thưa, với cỏ dại năm trơ thân chờ giòng nước mát. Hoang vu đến độ cùng đường rồi, không có lối vào, không có lối ra. Hoang vu đến độ phải lên lời kêu gọi đến sự êm đềm tươi mát của giòng sông bến nước. Hoang vu đế độ trả đi rồi, vẫn cứ hoang vu!

Dòng ơi, sông nước êm đềm
Trả hoang vu, lại cho mình hoang vu!

Thế là tiếng nói tự nhiên của tình cảm, của cảm xúc, và cả tiềm thức nữa. Bà Huyện Thanh Quan chắc chỉ tả cảnh Ðèo Ngang khi viết:

Bước tới đèo ngang bóng xế tà
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa

Nhưng đời sau có nhà phê bình cho rằng đó là tiếng reo vui của niềm hạnh phúc, vì nhạc tính dồn dập trong câu thứ hai. Về bài Hoang Vu, khi tôi suy nghĩ lại bằng lý trí thì tôi nghĩ rằng đó là tiếng kêu khắc khoải của niềm cô đơn, bơ vơ... Có thể nói, tôi cảm thấy cô đơn, như bạn bè tôi, người Việt Nam, vẫn thường, mỗi người đều cảm thấy mình cô đơn, vì chúng tôi sống trong một xã hội bị phân hóa cùng cực, bởi nhiều khuynh hướng đối lập... con người thì hiền hậu, nhu hòa, nhiều tình cảm, nhưng cảnh ngộ chiến tranh thì đưa đẩy đến nhgi kỵ, chia rẽ, hận thù... Cho nên, ngồi giữa chỗ đông người mà cảm thấy hoang vu... Bai thơ này tôi viết sau năm 1963. Bây giờ, cái hoang vu của tôi lại càng mênh mông đễ sợ!

HOANG VU
Qua đèo nay, nhớ trấn xưa
Hoang vu đồi hạ, đôi bờ cỏ may
Từ bên ấy sang bên này
Con sông vẽ một nét mày bắc ngang
Em về bên ấy sao đang
Tôi thương cổ thu ỳhai hàng lệ xưa
Cồn hoang dã, bến lau thưa
Trơ thân cỏ dại nằm chờ nước sông
Cửa trời đã khép đôi khung
Suy tư bước nhỏ ngại ngùng chân em
Dòng ơi, sông nước êm đềm
Trả hoang vu, lại cho mình hoang vu

13.
HỒ TRƯỜNG AN: Thưa Chị Vi Khuê, chỉ qua hai bài thơ “Giọt Lệ” và “Hoang Vu” trích dẫn với lời giải thích của Chị như thế, thì đã rõ ràng rằng chị là một nhà thơ nữ Việt Nam của thế kỷ 20 đã đi ra nước ngoài sau biến cố 30 thang 4, năm 1975, mà đã đem hết tâm hồn kêu lên tiếng đau thương quằn quại của cả một dân tộc chúng ta trải qua cuộc chiến tranh dài! Xin chị bổ túc thêm cho ý nghĩa của tập thơ Giọt Lệ, bằng cách kể tên những bài thơ hay truyện ngắn có nội dung như thế nữa! (Phan Hà).

VI KHUÊ: Tất cả những gì tôi viết văn hay thơ đều có nội dung như thế, như nhà điểm sách Nguyễn Mạnh Trinh đã nhận định ở mục “Ðọc Sách Trong Tháng” của Nhật Báo Người Việt, tháng 12 năm 1993ã “Ðọc Trăng Ðất Khách, Tuyển Tập 18 Cây Bút Nữ, (Tạp Chí Làng Văn số 47 tháng 7 , năm 1988).

“...Ở các nhà văn nữ, ít có những vấn đề trọng đại. Những thắc mắc siêu hình, những suy tư triết học, hình như hiếm thấy. Ở đó có những mảnh đời, có cơn mưa nhỏ thầm thì, có đời sống lứa đôi ngang trái, có mối tình nghịch thường ray rứt. Ðôi khi có sự pha trộn giữa tâm tình nhân vật và tác giả. Thế nhưng “Trên Con Kênh Ðào” của Vi Khuê trong tuyển tập này là một biệt lệ: Tị nạn, vượt biên, vàng; tình, trả thù, giết chóc... tất cả có đủ đại diện trong một vở kịch mà những âm mưu chính trị trộn lẫn với tiền bạc, những toan tính lọc lừa đặt cạnh những ngây thơ trẻ dại. Ðời sống ấy, từ một vở kịch lớn của thời cuộc, qua những biến thiên thay đổi, từ những giấc mơ lẫn lộn vui buồn, đã thành một phân cảnh nhiều màu sắc.”

Ðúng như thế, và tôi cũng xin cảm tạ nhà văn Nguyễn Mạnh Trinh đã nhìn thấy như thế, ngay từ truyện ngắn đầu tiên của tôi đăng trên tuyển tập đầu tiên của các nhà văn thơ nữ ở nước ngoài. Tôi ao ước nói lên được phần nào những vấn đề trọng đại: “Những thắc mắc siêu hình, những suy tư triết học, những vấn đề nhức nhối nhất của đất nước, quê hương...

Tóm lại, những bài thơ trong tập Giọt Lệ của tôi đều có nội dung đầy thắc mắc, băn khoăn suy tư ray rứt như thế cả. Cỏ thể kể: Bài Thơ Ðen, Bài Thơ Xám, Khổng Tử, Một Mình, Trong Ðêm Mưa Rơi, Ðêm Mùa Hạ... theo dõi sát hành trình của tất cả các cây bút nữ lưu, nhà văn Hồ Trường An đã từng viết rất rõ về các tác phẩm của tôi, cũng như của hầu hết mọi người, trừ ra tập Giọt Lệ chưa từng được nói tới, cho nên hôm nay coi như là “trở lại quá khứ”.

Còn như riêng Bà Phan Hà đã nhắc rằng thơ tôi đã thường được giới thiệu là: 1) Một dòng sông tình cảm êm đềm tươi mát của nữ giới Việt Nam. 2) Một giếng sâu khắc khoải suy tư của con người thời thế. Vậy thì , có thể nào xin Chị Vi Khuê cho nghe vài bài của Phần Thứ Nhất không? Chúng tôi cũng thèm khát cái dòng sông tình cảm êm đềm tươi mát của nữ giới Việt Nam lắm! “Nhưng mà đây, chúng ta đang nói về tập thơ Giọt Lệ thôi mà!” Năm xưa tôi đã trả lời người bạn gái như thế!.

Xin trở lại cuộc nói chuyện dài với văn hữu Hồ Trường An. Văn hữu thân quý! Ðể trả bài 30 câu hỏi của văn hữu lần nay dành cho tập Giai Thoại Văn Chương năm 2006, tôi vừa nhắc lại những ý kiến trao đổi cùng các “nhà phỏng vấn” khác, đã lâu, đều là nhà văn, nhà thơ, chủ bút, giám đốc đài truyền thanh, truyền hình tại Hoa Kỳ để chúng ta cùng nhau làm sáng tỏ phần nào một vấn đề văn học miền Nam trước 1975, mà cho đến nay vẫn còn được nhắc nhở và tìm hiểu: “Tại sao trong tập Văn Học Miền Nam Tổng Quan của Ông Võ Phiến, không có Giọt Lệ của chị? Thì cũng tại lỗi do tôi đó thôi. Ngày đó, tôi đã tự ý rút lui và không có gởi Giọt Lệ đi tặng ai, kể cả nhà văn Võ Phiến, vì thấy có chuyện tranh chấp làm tôi buồn rầu. Tất cả ba người đã vào chung kết, cũng như các người trong Ban Giám Khảo đều là anh em văn nghệ, đứng đắn, đàng hoàng... Cũng như bên Phủ Quốc Vụ Khanh Ðặc Trách Văn Hóa Phủ Tổng Thống hồi ấy là Ông Võ Long Tê, cũng rất vô tư trong vụ này. Thế mà chỉ vì... sao đó khiến cho việc trao giải thưởng gặp trục trặc, tôi cũng không hiểu, vì là người ngoại cuộc. Tuy vậy, anh cũng đã có ý kiến đẹp đẽ trên văn học nghệ thuật rồi.

Thôi, cuộc bút đàm giữa chúng ta người ở bên Tây, kẻ ở bên Mỹ tới đây đã tạm đủ. Một lần nữa, xin chân thành cảm ơn bạn, đã bày tỏ sự kiên tâm bền chí hoàn thành sứ mạng quyết chí theo đuổi gần nửa thế kỷ nay, để làm tài liệu nghiên cứu chính xác cho mai sau, bao lâu chúng ta còn có một nền sinh hoạt văn học nghệ thuật tiêu biểu cho đời sống tâm linh và giá trị tinh thần cao quý của kiếp người.

Dù trong tình trạng dầu sôi lửa bỏng khắp nơi của những ngày đầu năm 2006, chúng ta vẫn điềm nhiên theo đuổi công việc của chúng ta?

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Các Tác Giả Nữ Ðoạt Giải Nobel của Minh Hiền
2. Ðàng Vương Các Phú của Vương Bột, bài của Hứa Hoành
3. Ðường Thi Tuyển Dịch của Hoàng Duy Từ
4. Chân Dung Các Tác Giả, Hợp Lưu số 34.
5. “Thơ Lãng Mạn Pháp”, Tạp Chí Văn Phong 2000.
6. Nhà Văn Hiện Ðạ, Vũ Ngọc Phan tập 3, quyển thượng.
7. Những Tác Phẩm Lớn Trong Văn Chương Thế Giới của Vũ Hùng
8. Những Truyện Ngắn hay Nhất Của Quê Hương Chúng Ta, Nhà Xuất Bản Sóng Sài Gòn, 1973.
9. Truyện Hay Hải Ngoại, Nhà Xuất Bản Phù Sa 1999.
10. Truyện Ngắn Hay Nhất Thế Giới của Phong Sơn tuyển dịch
11. Truyện Ngắn Tình Yêu Thế Giới, Nhà Xuất Bản Văn Hóa Thông Tin Hà Nội



Created by Hiep Nguyen, Sept. 2003